Friday, August 12, 2016


Ngồi nhớ chuyện xưa. ( 1)

Em hay mua mấy hộp luncheon meat hiệu Spam để dùng khi ăn sáng. Thằng út Nấm thích món này lắm. Với một khúc bánh mì nó có thể ăn hết nguyên một hộp. Ăn trưa hay tối nó cũng chỉ cần vài lát thịt này là xong bữa cơm. Tánh nó giản dị, ăn uống dễ-chắc giống bố- nhưng bố nó lại chẳng thích ăn món này. Có lẽ tại ngày xưa phải ăn nó ngày này qua tháng kia.
Ngày xưa- lại ngày xưa- trong số đồ hộp dùng khi đi hành quân như thịt ba lát, tức là hộp thịt khi khui ra có 3 miếng thịt heo tròn dầy gần đốt ngón tay . Thịt bò hầm khoai tây. Xúc xích Hot dog thường được lính gọi bằng cái tên không đẹp đẽ cho lắm. Hộp luncheon meat này tôi làm nhớ tới nó nhiều nhất vì lính thường gọi là " heo chồm, hoặc là heo nút lưỡi" vì ngoài hộp có hình hai chú heo châu đầu vào nhau. Đồ hộp quân tiếp vụ không được lính mình ưa thích cho lắm, ăn vào nóng nảy trong người, táo bón v.v. Dân biệt kích được ưu đãi hơn, lý do là các toán xâm nhập thường nhảy vùng biên giới hoặc mật khu, không thể mang đồ đạc, nồi niêu xoong chảo ra nấu nướng um xùm như dân bộ binh, nên đồ lương khô cũng gọn nhẹ và phong phú hơn, khẩu phần cho mỗi ngày đều có bịch rau khô, trong cơm sấy cũng vậy. Có kẹo, có một cây xúc xích khô ăn cũng khá ngon. Nói vậy chứ ăn lương khô chỉ hai ngày là ớn tới óc rồi. Vì thế phe bộ binh đi hành quân nếu đi quá xa, nhà bếp không mang đồ ăn tới được thì cũng ráng nuốt cơm sấy với thịt hộp thôi. Đôi khi nghĩ thương mấy chàng Hỏa đầu quân, còn gọi nôm na là nhà bếp. Lúc hậu trạm không xa điểm hành quân thì các chàng cũng gánh gồng cơm gói cá kho, thịt kho cho đơn vị có chút đồ tươi.
Hàng năm vào những dịp lễ Tết hoặc có chiến thắng, thường là có mổ heo, hoặc bò. Thịt Bê được ưa chuộng, vì dễ ăn, dễ nhậu hơn. Đơn vị tôi có một lần tổ chức làm thịt một con Bê, mời ca sĩ Hùng Cường và Duy Khánh tới, có các cô nữ huấn đạo của tiểu đoàn 50 chiến tranh chính trị , có "lính hát, lính nghe". Hôm ấy thật là huy hoàng rôm rả. Đời lính sống nay chết mai, vui được lúc nào hay lúc đó. Ăn cơm ghi sổ câu lạc bộ, cuối tháng lãnh lương nhiều tên chẳng còn đồng nào. Và rồi lại ghi sổ tiếp.
Cho nên dù có căm hận những người lính phương Bắc mấy đi nữa cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy họ đã ăn uống như thế nào. Sống ra sao thì khỏi cần nói nhiều, lang thang phiêu bạt từ ngoài Bắc, theo đường mòn Hồ chí Minh vào Nam. Cực khổ dong ruổi, trốn rừng chui bụi dưới bom đạn theo một lý tưởng sắt máu hoang đường mà họ bị nhồi nhét vào trong đầu từ còn tấm bé. Sống sót vào đến chiến trường Tây Nguyên hoặc miền Nam là một kỳ tích rồi, vì ngoài bom đạn mà họ phải chịu, còn có bệnh tật nữa, mà ghê gớm nhất là Sốt rét. Bệnh này giết chết những người bộ đội Bắc Việt rất nhiều trong khi thuốc men chữa trị thì hạn hẹp thiếu kém. Tôi đã thấy những viên thuốc ký ninh (Quinine) và sinh tố B1 ở một dạng không biết gọi thế nào cho đúng, hình như nó đã được đóng thành viên bằng một dụng cụ thủ công rất thô sơ.
Trong chiến lợi phẩm tịch thu được, ngoài súng ống đạn dược là những thùng bằng thiếc sơn màu nâu xám có 2 hàng chữ Việt và Tàu. Đó là thùng lương khô của họ. Được làm bên "Nhân Dân Trung Hoa Cộng Hoà Quốc". Mở ra bên trong có những thỏi bánh bột trắng vàng nhờ nhờ được nén chặt, gói trong giấy bóng như bánh in của miền Nam, ăn nghe có vị đậu xanh, hơi ngọt và mặn. Dài gần gang tay, ngang khoảng hai đốt ngón tay. Hỏi người tù binh là "các anh chỉ ăn một thứ này thôi sao?, anh ta trả lời "chúng tôi chỉ ăn có vậy, trong những lúc không có gạo". Chỉ có vậy thôi, không có thịt thà cá mú để cung cấp chất đạm cho con người vượt Trường Sơn đi cứu miền Nam. Ngoài món bánh in ra, là những túi nilon trong có miếng giấy in chữ: kẹo giải khát- té ra là kẹo Chanh. Mà chỉ hơi chua một chút, chắc để tiết kiệm nguyên liệu. Gói thứ hai ghi: kẹo chống lạnh. Là kẹo Gừng, ngậm chẳng cay mấy, và không có mùi Gừng là mấy. Gói thứ ba là "viên tăng lực". Lần đầu mở ra, cả đám nhìn nhau nghi ngại, có thằng muốn thử nhưng sợ nổi điên phát chạy khắp nơi, nên đẩy đưa qua lại cho nhau. Cuối cùng có thằng em lấy một viên bỏ vô miệng, ngậm một chút rồi nhổ ra, chửi toáng lên: ĐM nó, vitamine C, tăng lực chỗ nào. Họ xử dụng ngôn từ xảo quyệt, khéo léo lừa gạt lính của họ thật tinh vi. Nếu chỉ nói là kẹo Gừng, kẹo Chanh, sinh tố C, người dùng cũng chỉ có cảm giác bình thường. Nhưng khi nói "kẹo chống lạnh, kẹo giải khát, viên tăng lực", những chữ đó gây ấn tượng, tạo một ảo tưởng lên người dùng nó. Lúc ấy họ sẽ cảm thấy đỡ lạnh, đỡ khát, sức khoẻ lên cao, phấn chấn vì những ngôn từ lừa gạt đó . Và cả một thế hệ trai trẻ lên đường, lao vào miền Nam như những con thiêu thân, quên cả mạng sống mình, bỏ lại đằng sau gia đình, cha mẹ. Những người Bắc di cư năm 54, có kinh nghiệm đau thương với chế độ cộng sản gọi sự tuyên truyền lừa gạt đó là "luận điệu xúi trẻ ăn cứt gà".
Loại bánh in lương khô ấy, ngồi ăn nói dóc uống nước trà cũng tạm được. Đôi khi gặp mấy thùng bánh cũ, thì vứt hết vì cứng ăn không nổi. Nhưng chắc lính Bắc họ cũng phải ăn thôi, dù rằng họ chỉ được ăn rất hạn chế trong những lúc thiếu gạo . Gạo của họ dùng toàn là một thứ gạo rất cũ, chắc đã nằm lâu năm trong những trạm giao liên. Tôi đã đổ ra coi và thấy thường là gạo Lức, chắc do mang trên người, thấm mồ hôi, nắng mưa, nên đa số ẩm mốc. Ăn gạo mốc vào thì chắc chắn sẽ mắc bệnh xơ gan do chất độc của mốc. Vì vậy những tù binh Bắc Việt khi bị bắt tại mặt trận đều xanh mướt, hoặc vàng bủng. Do sốt rét, hoặc bệnh gan, hay phù thũng vì ăn uống quá thiếu thốn. Trong khi đó, lính Việt Nam Cộng Hoà khi được phát multivitamin của quân đội (đa sinh tố-giống như one-a-day bây giờ) thì vứt hết, với lý do "nóng, không thích hợp".
Người cán binh Bắc Việt họ phải chiến đấu hết minh, vì họ ở trong tình trạng không còn gì để mất. Người lính miền Nam nếu đào ngũ, họ có gia đình nơi thành phố sau lưng. Người cán binh Bắc Việt không thể một mình một thân chạy ngược lại mấy ngàn cây số về nhà. Mà giả dụ họ có về đến nhà được, thì trại tù sẽ đón họ, và họ sẽ chết rục xương nơi đó. Chưa kể thân nhân ở nhà sẽ phải đối mặt với một tương lai trù dập vô cùng khắc nghiêt. Không dám nghĩ đến chuyện bỏ trốn để đi đầu hàng vì đã bị nhồi sọ " những thương binh sẽ bị trực thăng bọn Mỹ, ngụy vứt xuống biển hết". Họ chiến đấu để hân hoan nhận những huân chương chống Mỹ cứu nước, bây giờ không đủ giá trị để giữ lại những ngôi nhà nhỏ bé mà gia đình họ đã sống nhiều thế hệ đến nay, đã và đang bị cướp đi bởi chính quyền độc ác vô nhân tính mà ngày xưa họ đã đổ máu gầy dựng . Qua báo chí tôi có đôi lần thấy những bà mẹ liệt sĩ, lưng còng tóc bạc, vai gầy trơ xương, ốm yếu run rẩy với những tấm bảng huân chương liệt sĩ của nhiều người con, khổ sở bất lực ngồi trên nền nhà ngổn ngang gạch ngói vì đã bị ủi sập.
Ngày xưa khoảng năm 60, lúc ấy tôi mặc dầu nhỏ nhưng thích đọc sách báo của người lớn như báo Trinh Thám (sau đó mấy năm bị đóng cửa vì có dính líu với Việt Cộng) và đặc san Chỉ Đạo của quân đội- của ba tôi mang về. Có một truyện tên "Cái chảo" trong Chỉ Đạo, kể về một viên sĩ quan sau một trận giao chiến tại một mật khu, ông ta để ý có một cái chảo rất lạ, vì nắp vung có tay cầm bên ngoài, nhưng bên trong cũng có một vật giống như tay cầm. Ông vì tò mò muốn tìm hiểu, nên sau khi thẩm vấn một tù binh, người này cho biết anh ta là một trong hai cần vụ (nấu ăn, người hầu) của một cố vấn "Trung Quốc vĩ đại". Đi đâu hai người cũng gánh cái chảo đi theo đơn vị. Khi ông hỏi họ rằng: luộc vịt thì đâu cần chảo to hai người khiêng như vậy. Anh ta nói chảo ấy không dùng để luộc chín thịt vịt, hoặc chiên xào như chảo thường. Con vịt phải còn sống, cột túm hai cánh của nó vào tay cầm bên trong chảo, để nó ở vị trí đứng chỉ chạm chân vào đáy chảo. Nước đổ vào chỉ đủ ngập hai chân và một chút ở bụng, đốt lửa rất nhỏ chứ không để lửa to. Con vịt bị nóng từ từ bắt đầu giẫy dụa, nhưng không thoát ra được vì hai cánh đã bị cột cứng vào tay cầm bên trong rồi. Nó sẽ chết trong tư thế "chết đứng" và như vậy, trước khi chết bao nhiêu máu và chất bổ sẽ tụ xuống hai đùi. Khi tới thời gian nấu đã vừa đủ, anh ta sẽ cắt hai đùi vịt ra chế biến, nấu nướng theo ý của "cố vấn vĩ đại".
Tôi đã đọc lại truyện đó nhiều lần, và càng đọc càng cảm thấy ghê sợ, vì chỉ trong cách ăn uống thôi, người cộng sản Tàu cũng đầy tinh vi, hưởng thụ, và tàn bạo độc ác một cách bệnh hoạn. Vì nhu cầu ăn uống của mình mà hành hạ con vịt một cách thương tâm như vậy. Vị sĩ quan hỏi người cần vụ rằng anh có được ăn thử món đùi vịt đó chưa, chắc là ngon lắm? Thì anh ta trả lời là không bao giờ có chuyện đó. Có muốn ăn cũng không được vì luôn có hai người cần vụ đi chung với nhau. Vả lại đó là đồ ăn để cho ngài "cố vấn" có sức khoẻ giúp quân dân ta đánh đuổi đế quốc Mỹ.
Bây giờ ngồi nhớ lại thấy thương đám cố vấn Mỹ phải đi theo đơn vị tôi quá. Họ rất tốt, sốt sắng giúp đỡ chúng tôi ( tôi nghĩ những đơn vị khác cũng vậy) nhưng lúc đi hành quân hoặc ở trại, ít có lính tráng Việt Nam tiếp xúc trò chuyện thân thiện. Có lẽ vì hàng rào ngôn ngữ, không nói được tiếng Mỹ nên lính mình từ cảm giác tự ti thành tự tôn là "ghét Mỹ, coi thường Mỹ". Hay nói với nhau là tụi Mỹ đánh giặc dở ẹc, chỉ ỷ lại vào phi pháo. Tôi thì không nghĩ thế, đất nước Việt Nam không phải của họ, chết tại một xứ sở xa lạ là một điều không ai muốn, họ phải dùng hoả lực của phi pháo để thanh toán mục tiêu. Mạng người là quan trọng hơn cả. Nhớ Trung uý Donaldson, tánh tình nhân hậu thương người Việt vô cùng, đi đâu cũng có một túi xách, và trong túi quần túi áo đầy kẹo cho con nít. Nói được cũng khá nhiều tiếng Việt :chào má, chào ông mạnh giỏi.... Có một đêm dân đốt đuốc tới trước trại kêu la không biết chuyện gì. Sau nghe tiếng la văng vẳng "cứu người mấy ông ơi" cũng liều mạng kéo rào đi ra coi sao. Mới biết họ khiêng đến một ông già đêm tối không đi ngủ, lại đi bổ củi bị bạt búa vào chân gãy xương ống quyển. Gọi vào cho Donaldson, anh lật đật chạy ra hớt hải lo lắng. Sau khi băng bó tạm, Donaldson nói với tôi, hỏi người nhà nếu bằng lòng thì anh gọi trực thăng tải thương chở về bệnh viện 3 dã chiến, không để đây được vì vết thương rất nặng. Tất nhiên họ đồng ý. Donalson những ngày sau đó thường xuyên đi thăm ông già nọ. Mỗi khi đi thường tấp qua tôi hỏi có gì gởi cho ông già đó không. Mấy tuần sau chẳng biết Donaldson liên lạc ra sao mà trực thăng chở ông già về ngay bãi đáp trực thăng cổng trại.
Sau đó vài tháng, Donalson và người tài xế chết khi bị phục kích, cách trại khoảng gần cây số, lúc anh ngồi trên chiếc xe Jeep ra họp ở trung tâm hành quân. Chết ngay trên vùng quê nghèo khổ mà anh rất yêu thương...

Nguyễn Khôi Việt 
( hết phần một.)

No comments:

Post a Comment