Thursday, November 29, 2018



              "Khi Nhớ Về Bà Gi"
              thơ : Trần Hoài Thư ( 11/2018)




Về tập thơ “ Khi nhớ về Bà-Gi” của nhà thơ lính, Trần Hoài Thư
( Nguyễn thị Hồng Hải)
Hình bìa tập thơ” Khi nhớ về Bà-Gi” (*) của nhà thơ, nhà văn chiến sĩ Trần Hoài Thư được  trình bày rất trang nhã, thanh thoát gồm những vệt bút vẽ như những đám mây xanh hồng lướt qua bầu trời phơn phớt tím. 
Màu của hoài niệm.
Khoảng 28 bài thơ, đa số viết theo thể tự do, mỗi đoạn, mỗi câu chất chứa bóng tối của nỗi u hoài, như tiếng thở dài nuốt ngược vào lồng ngực sâu thẳm mà khi anh nhìn lại chặng đường đã qua, nhìn tới con đường xa dịu vợi phía trước, những bất lực lo toan trong chính cuộc sống của mình .. “ Hình như tôi sắp quị rồi !!!” Không biết sẽ bao nhiêu lần hình như nữa, vì hàng ngày, anh phải gượng đứng lên, vịn thơ mà đứng dậy. 
Chỉ một mình. 
Xót xa một mình. 
Những bài thơ cho chị. Bây giờ chỉ là cái bóng lặng lẽ bên cạnh cuộc đời anh. Anh dựa vào đó để tìm nguồn an ủi, để bật khóc, oán than, để cay đắng cho chút hạnh phúc cuối đời không trọn vẹn.
Mỗi bài thơ anh viết cho chị trong nursing home là những dòng lệ nóng được chắt, được vắt kiệt từ trái tim khô héo của người lính già lưu vong.
Ngày lên, đêm xuống, đã bao lâu ? Ba năm, bốn năm..
Anh không còn nước mắt để khóc cho chị, cho anh, cho chính cuộc đời khốn khổ của mình. 

“ Giờ đây thân thể mình khô kiệt
Nhưng mái tóc mình vẫn mun đen
Vẫn mềm vẫn mướt từng chân sợi
Vẫn nghe chừng còn toả mùi hương

Vẫn để trong lòng ta giải lụa
Rất êm đềm trong cõi tang thương”
( Sợi tóc mun)


Mỗi ngày sau giờ thăm chị, đêm một mình trở về căn phòng quạnh hiu. Căn nhà từng sớm chiều bừng sáng theo giọng cười trong trẻo của chị. Bàn ghế, khung cửa sổ, khu vườn  ngày nào xanh ngát bóng cây..Với anh, mọi thứ không dừng lại ở hai chữ kỷ niệm, mà nó chính là những di vật ngậm ngùi dù chị vẫn còn cùng anh chắt chia chút hơi thở khi hoàng hôn sắp chìm vào bóng tối. 
Mỗi ngày, anh không biết đi đâu, về đâu. Anh sợ bóng tối quạnh hiu của căn nhà, sợ nỗi cô đơn bủa vây, sợ nghe cả bước chân mình vang vọng trùng trùng cô đơn. Trái tim anh đã bỏ lại nơi đó, nơi chị một mình trong nursing home với bịnh tật và trăm mối tủi thân. 
Anh sợ phải về nhà..
“Tôi sợ nỗi buồn đâm chém hay bóp cổ tôi nghẹt thở ..
Nhưng tôi biết về đâu bây giờ”

Phần thứ hai trong tập thơ “ Khi nhớ về Bà- Gi “ có 13 bài đánh dấu theo số thứ tự .Dấu chân người lính thám kích dường như đã đi hầu hết các tỉnh miền Trung. Từ Gò Bồi ra Phù Cát, về An Lão trở lại Bình Khê. Đời lính chiến giày saut kê làm gối, poncho làm mền, đêm chờ giặc cùng những vì sao, đêm chập chờn chờ bình minh rộn rã.. 
Anh nhớ đồng đội năm xưa, những người đã vĩnh viễn nằm xuống, những người còn sống rời khỏi trại tù mang trong lòng vết thương không bao giờ lành lặn.
Dù chiến tranh tàn khốc, nhiều mất mát hy sinh nhưng nguồn thơ vẫn chảy miệt mài bất tận trong anh, trái tim người lính chiến.

“ Với chiếc mũ rừng, súng nhẹ và ba lô
Tôi mang thêm thơ vào hồn một người lính trận...”
( Khi nhớ về Bà Gi-1)
 
“ Cám ơn chiến tranh đã tặng tôi một dinh cơ
Mái nhà là bầu trời đầy sao
Vách tường là gạch tầng hùng vĩ
Bầu trời đầy sao giúp tôi trở thành thi sĩ
Mộ bia vây quanh giúp tôi bầu bạn với âm hồn ..”
( Khi nhớ về Bà Gi -3)


Tình yêu thuỷ chung tận sức tận lòng dành cho người vợ hiền, mỗi ngày vào với chị, mỗi ngày ôm thân thể gầy guộc xanh xao của chị mà đau xót thầm thì, an ủi chị cũng là an ủi chính mình.

“ hãy gắng nắm tay, dù những sợi gân câm
gắng nắm lại để giữ gìn em nhé”


Nhưng, dù hoàn cảnh thế nào, anh vẫn gắng gượng, dùng niềm đam mê chữ nghĩa để xoa dịu nỗi thống khổ bất hạnh của mình.
Ở dưới basement lạnh lẽo đó là thế giới của anh . 
Như cây khô hối hả hút nước sợ ngày nắng hạn,  Anh cần mẫn hằng đêm đóng sách, in sách. Hơn 82 bản sách Thư Quán Bản Thảo đã ra đời từ nơi chốn ấy và những ấn bản đặc biệt về thơ, văn cho bạn bè văn thi sĩ. Sách không bán, không quảng cáo. Sách chỉ để tặng bạn bè thân hữu, những người còn nặng lòng với văn chương của miền Nam Việt Nam
Anh tâm sự “ Thư Quán Bản Thảo ra đời để chứng tỏ một sự vững mạnh của một tạp chí giấy, trong khi những tạp chí văn học khác đã theo nhau lần lượt đóng cửa. Sự vững mạnh đến từ tấm lòng, của bạn đọc, của thân hữu, của những người chủ trương.
Những bậc thềm càng lúc càng cao, dù vậy, đến một lúc nào đó, cũng phải làm đôi chân người chùn bước, vì thấm mệt . Đó là luật nhân sinh.
Nhưng giờ thì chưa..”

Thật ngưỡng mộ niềm đam mê và sức làm việc phi thường của anh trái ngược với thân thể gầy gò, gương mặt khắc khổ và mái tóc bạc phơ. 
Và nữa, cũng là duyên, là định mệnh. Trần Hoài Thư là bút hiệu.
Tên anh là Trần Quí Sách .


(*) Đồi Bà Gi, theo trí nhớ 1967-1970. Tháp trên là đỉnh tháp Vàng, nơi đặt đài ra đa của quân đội Mỹ. Tháp giữa là tháp Bạc, để trống. Tháp dưới cùng là tháp Đồng, nơi làm kho đạn dược vũ khí của đại đội 405 thám kích. Một chòi canh bên cạnh tháp Bạc. Doanh trại là mấy dãy nhà tole dựng trên một sân bằng phẳng giữa mỏm đồi.
Bao quanh đồi từ đỉnh xuống chân là hàng rào kẽm gai mấy lớp.
Dù là hậu cứ nhưng chúng tôi rất ít có mặt. Bởi hành quân tăng phái liên miên. Nó chỉ dành cho ban quân số, tài chánh và một câu lạc bộ của đơn vị.
( trích từ ghi chú của tác giả)



Monday, November 26, 2018


       Mùa Thu qua ống kính 
       của Nguyễn Khôi Việt

      Quanh chúng ta..
      là những mùa hạnh phúc.







   


Wednesday, November 21, 2018

                      Tạ ơn
                      Nhạc sĩ : Trịnh Công Sơn
                      Ca sĩ : Khánh Ly

BÀI TẠ ƠN MỘT TÌNH YÊU
(Phạm Ngũ Yên)

Bao nhiêu năm rồi mới thấy lại tình yêu
Khi mái tóc không như ngày xưa ấy
Một khoảnh khắc đôi bàn tay chạm lại
Cũng đủ làm tro nguội cháy bùng  lên

Em bên đường làm một tiếng mưa quen
Tạt anh ướt một góc đời mê muội
Con còng biển cứ mỗi ngày rượt đuổi
Một tiếng cười nghi hoặc phía sau lưng

Những con đường lãng mạn rất rưng rưng
Mặc năm tháng đi qua thời con gái
Cây bàng thả những trái bàng thơ dại
Chiều theo em chiều cũng tím không ngờ

Ở nơi nào em vẫn biển xanh xưa
Có nghe sóng vỗ hoài lên ký ức?
Một chút đêm đau một chút ngày hạnh phúc?
Một nơi nào em vẫn vậy, phòng không …?

Hãy ủ buồn cho chật một mênh mông
Cho sông chở phù sa làm mặn biển
Những cánh buồm ra đi không chịu về bến hẹn
Những lời chim rớt mãi một âm thừa

Vì cuộc đời không từng những cơn mưa
Không có cả những màu hoa đã nhạt
Nên gió mỏng đủ làm bay đi mất
Một lời yêu viết vội giữa trang đời

Đêm ngủ vùi nghe lạnh giọt mồ hôi
Trên khuôn ngực tái xanh ngày bão rớt
Gã đàn ông chưa trưởng thành bất chợt
Soi kính đời tìm sợi tóc … mười lăm!

Mùa thu này ghi xuống một xa xăm
Cái gì hôm qua mấy ai còn nhớ lại
Giữa những môi thơm là mắt thuyền ái ngại
Giữa ngây thơ là rỉ máu tim cười

Có những điều không thể nói bằng môi
Nên vô vọng một tình yêu trốn bắt
Một sáng mai nhìn lui một xế chiều ngây ngất
Mùa thu này tìm một lá xanh rơi …

Sân nhà ai cây sứ rụng hoa rồi
Ai ngóng đợi tiếng phone làm mất ngủ?
Sau niềm vui là nỗi buồn trú ngụ
Sau tiếng cười là tiếng khóc im im.

Tạ ơn đời và cũng tạ ơn em
Làm anh té trên những ngày cơm áo
Hạnh phúc mong manh giữa tháng ngày hư ảo
Còn hạnh phúc nào …
Đang chạm đến em không???

tháng 11 2015
Phạm Ngũ  Yên  
Trích trong thi tập Tháng Giêng đâu đó một bờ môi )    

Saturday, November 17, 2018



                               Yellow bird by Brothers four 

Yellow Bird 
Thơ: Oswald Durand (1883)
Phổ nhạc : Michel Mauléart Monton ( 1893)

Một bài hát mà thoạt nghe cứ tưởng chừng như là một khúc nhạc đồng quê của Mỹ. Khi giai điệu được đánh với hạ uy cầm, người ta lại thấy giống như một khúc dân ca hải đảo Hawaii. Nhạc phẩm Yellow Bird thật ra là một bài hát của người Haiti, quần đảo Antilles nằm trong vùng Caribê, thuộc hệ ngôn ngữ La Tinh. Trong tiếng Việt, bài hát cũng từng được tác giả Nam Lộc dịch thành nhạc phẩm ‘’Chỉ là giấc mơ qua’’.

Yellow bird ban đầu là một bài thơ do tác giả người Haiti Oswald Durand viết vào năm 1883, mãi đến những năm cuối thế kỷ XIX, bài thơ này mới được tác giả Michel Mauléart Monton phổ nhạc, văn bản còn lưu lại ghi chép là vào ngày 14 tháng Năm năm 1893 . Trong nguyên tác (với tựa đề là Choukoun),được viết bằng tiếng créole, thổ ngữ địa phương.

"Choukoun" là một cái tên âu yếm mà nhà thơ thường hay dùng để gọi tình nhân của ông. Ngoài đời, đây là một nhân vật có thật : cô Marie Noël Belizaire là chủ một quán ăn ở Cap-Haïtien (Cape Haitian), nơi nhà thơ Oswald Durand thường hay lui tới. Trong phần điệp khúc, nhà thơ gọi tình nhân của mình là ‘’cánh chim bé bỏng’’ (trong tiếng créole, hai chữ "ti zwazo" rất gần với tiếng Pháp là ‘’petit oiseau’’).

Với thời gian, bài hát trở nên quen thuộc đến nỗi người dân đảo Haiti xem đó là một khúc dân ca truyền thống của xứ họ. Trong tiếng créole, bài hát này được dàn nhạc của Katherine Dunham ghi âm lần đầu tiên trên đĩa nhựa vào năm 1946. Giai điệu này cũng được chọn vào năm 1949 để biểu diễn nhân lễ ăn mừng 200 năm ngày thành lập thành phố Port-au-Prince, thủ đô Haiti.
Mãi đến năm 1957, bài hát này mới được đặt lời tiếng Anh và do ban hợp ca Norman Luboff ghi âm lại trên tập nhạc mang tựa đề Calypso Holiday. Lời bài hát tiếng Anh là của hai tác giả Marilyn Keith & Alan Bergman, và ở đây tựa đề Yellow Bird (Cánh Chim Vàng Anh) được đặt cho êm ái xuôi vần, thật ra, chứ không có ăn nhập gì với phiên bản chính gốc. Bằng không thì có lẽ phải gọi là ‘’Little Bird’’.

Trong bài thơ, tác giả người Haiti Oswald Durand cũng không nhắc tới màu sắc của cánh chim. Đến khi chuyển ngữ sang tiếng Anh, hai vợ chồng tác giả liên tưởng tới loài chim vàng anh, dùng cách gọi nôm na mà tượng thanh, lặp đi lặp lại như tiếng chim hót trên khóm chuối xanh. Về cấu trúc, bài Yellow Bird lược bỏ câu đầu và bắt đầu thẳng bằng điệp khúc. Lời tiếng Anh do là lời mới, chứ không dựa vào nguyên tác, cũng không cần phải chính xác trong từng chi tiết : loài chim vàng anh chủ yếu sống ở các vùng thảo nguyên hay rừng phong miền ôn đới, chứ hiếm khi nào được tìm thấy trên các hải đảo vùng nhiệt đới.

Vào năm 1959, phiên bản của bốn anh em thuộc nhóm Mills Brothers giúp cho bài hát Yellow Bird trở nên ăn khách,  nhờ vào chất giọng trung trầm truyền cảm của Harry Mills, cũng chính là người mà sau đó có ảnh hưởng rất nhiều tới giọng ca crooner Dean Martin. Kể từ đầu những năm 1960, bản nhạc Yellow Bird trở thành một bài hát  được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong làng nhạc quốc tế ghi âm lại và đưa vào trong các đợt biểu diễn của họ. Trong số các phiên bản nổi tiếng nhất có phần trình bày của nhóm The Brothers Four (nổi tiếng không kém gì bản Đồng Xanh Greenfields) chơi với bộ ghi ta gồm bốn cây đàn.

Nam ca sĩ Chris Isaak trên album mang tựa đề Baja Sessions dùng hạ uy cầm để thổi vào trong ca khúc một luồng gió đến từ hải đảo hải đảo Hawaii. Nghệ sĩ kiêm tác giả người Anh Roger Whitaker hát bài này như dân ca (folk) nhưng phối hợp hoà quyện thêm với mộc cầm và dùng tiếng sáo ‘’phản cung’’ tựa như tiếng chim vàng hót trên đọt chuối non. Một số ca sĩ khác thì lái hẳn bài này sang thể điệu bolero ritmico, xa lánh dần trong lối ngắt nhịp, tách câu với ca khúc nguyên tác.

Khi nghệ sĩ người Haiti Michel Mauléart Monton phổ nhạc bài thơ nổi tiếng của tác giả đồng hương Oswald Durand, ông có ghi rõ là bản nhạc được đánh theo điệu merengue, thể điệu truyền thống của Haiti và chậm hơn cả bolero cubano. Nhưng tới khi bài hát này có thêm lời tiếng Anh, thì hầu hết các nghệ sĩ lại phối theo điệu calypso.

Phần lớn cũng vì vào năm 1957, nam danh ca người Mỹ Harry Belafonte từng ghi âm lại bài này nhưng với tựa đề hoàn toàn khác hẳn là nhạc phẩm Don't Ever Love Me, lời tiếng Anh của tác giả Lord Burgess cũng khác với Yellow Bird (phiên bản của cặp vợ chồng nghệ sĩ Marilyn Keith & Alan Bergman). Tuy có phóng tác chuyển ngữ, nhưng Harry Belafonte vẫn giữ nguyên cấu trúc của bài hát chính gốc.

Sinh thời được mệnh danh là ông hoàng calypso Harry Belafonte dĩ nhiên đã ghi âm bài này với thể điệu này. Đặc biệt là tại Trinidad Tobago, bài hát thường được phối thêm với bộ mộc cầm và dàn trống thiết, khiến cho calyspo lấn lướt hẳn merengue, cho dù đó là thể điệu mà nhạc sĩ Michel Mauléart Monton đã từng soạn cho nguyên tác. Dù có được ghi âm theo điệu gì đi chăng nữa, bài Yellow Bird nghe vẫn êm ái, dễ đi vào lòng người mến mộ.


Cũng như bản nhạc La Paloma (thể điệu habanera) của tác giả người Tây Ban Nha Sebastián Yradier (1809-1865), bài Yellow Bird là một trong những ca khúc sáng tác vào hậu bán thế kỷ XIX, mà cho tới nay vẫn còn thịnh hành (phiên bản ghi âm gần đây nhất là vào năm 2012). Bồ câu trắng hay chim Vàng Anh..luôn nằm trong trái tim của người thưởng ngoạn.
( trich từ VHNT)

Monday, November 12, 2018


           Tập truyện Đêm Nghi Ngại
           Tác giả Nguyễn Linh Quang ( Cổ Ngư)



ÐÊM NGHI NGẠI
( Nguyễn Linh Quang)


MARGOT
Tin báo tử (tháng 11) :
Roger CLEMENT, 95 tuổi - Jeanne PREVOT, 89 tuổi - Yingfei SHEN, 40 tuổi - Marguerite LORIN, 78 tuổi - Semsha DENDANI, 1 tuổi - Philippe ZANINI, 76 tuổi…

RANI
Tôi nhìn Sylvia. Bắt đầu đẫy. Cái đẫy đà khó tránh khỏi của những cô gái gốc Tây Ban Nha đã ngoài tuổi hai mươi lăm. Da thịt hình như vội quên đi tính đàn hồi săn chắc thời thiếu nữ. Bợt bệu. Nhớ đến cái chân giò có lần thấy vội trong báo quảng cáo. Tà ma !
_ Vào nằm với em đi !
_ Ðang ramadan.
_ Ðêm lâu rồi, mặt trời lặn từ năm rưỡi chiều…
_ Tôi đã khấn sẽ giữ mình suốt tháng.
_ Vào nằm với em đi. Ôm em thôi !
_ Tôi đã bảo không, là không !
Sylvia vùng dậy, thu mình vào góc giường, lưng dính tường, bưng mặt rưng rức. Ngực trần rung từng chặp. Những giọt mascara đen bẩn len qua kẽ tay, văng lốm đốm lên nền chăn ố._ Em sợ !
Ðể mặc Sylvia với tiếng nấc nghẹn, tôi tránh tấm áo giả lông bèo nhèo trên sàn, bước đến cửa sổ, nhìn xuống đường. Bên trong 22°C, ngoài kia, chắc chưa được đến một phần ba. Tôi nghĩ đến Sylvia, những đêm như vầy, bên ngoài áo khoác dày, bên trong mỏng tang đồ lót, gõ mòn lề đường bằng gót guốc cao, và giữa hai lần đón đưa, phải chống chọi với từng làn gió buốt bằng những điếu thuốc hăng mùi bạc hà dài ngoẵng. Tôi nghĩ đến Sylvia, những đêm như vầy, chắc cần tiền trao tay ít hơn cần một căn phòng được sưởi ấm, với một thân thể đàn ông chà xát, dày vò, hay may mắn hơn, vuốt ve, mơn trớn. Khách quen, tháng đôi ba bận. Khách lạ qua đường. Khách phương xa. Dù sao cũng là thân nhiệt, với một mảnh chăn, một khoảng nệm… Mờ mịt ngoài kia. Thêm gió. Tháp Eiffel cụt đầu trong biển sương cuồng động, từ xa, toả quầng mờ hiu hắt. Ánh đèn đường chỉ vừa soi đủ ngọn hàng cây mới lớn bên kia đại lộ. Mất gốc, lửng lơ, những tụm lá heo hắt cuối thu vật vờ, đứng yên mà như trôi, bơi ngược chiều gió tạt. Tự nhiên, đầu óc tôi lởn vởn câu thành ngữ « Sương mù Luân Ðôn ». Một huyền thoại ? Tôi chưa biết Luân Ðôn, dù Pháp và Anh chỉ cách nhau bằng eo biển Manche hẹp tẹo, dù Paris và Luân Ðôn, từ nhiều năm nay, đã nối tay nhau qua đường xe lửa ngầm xuyên biển, chỉ vèo vài ba tiếng đồng hồ là đã đến nơi. Cũng như cha tôi, từ hơn năm mươi năm nay, vẫn không sao vượt nổi Ðiạ Trung Hải để thăm lại cố hương. Ông đã từng có dịp đi xa hơn thế, Mỹ châu, Á châu, tận cả Úc châu, nhưng mỗi lần nảy ra ý định lấy vé về Maroc, lại trù trừ, do dự, rồi bỏ qua một bên. Hình như, mỗi chuyến đi xa, dù đã được chuẩn bị từ nhiều tháng, nhiều năm trước, vẫn là kết quả ngẫu nhiên do định mệnh dẫn dắt ? 
« Sương mù Luân Ðôn ». Và còn gì nữa, lẩn khuất trong lớp hơi nước mờ đục kia ? Lại thêm những huyền thoại, người hoá sói, hoá Jack-kẻ-phanh-bụng-đàn-bà, hoá sát nhân, hoá nạn nhân, hoá dơi, hoá cú, hoá tiên, hoá Peter Pan. Không gian trước mặt được đãi qua hai lần kính lọc, ánh đèn vàng và lớp sương đặc, nhận chìm nhiều chi tiết, xoá sạch mọi sần sùi, thô tháp, hoang lạ khác thường. Và tôi, với bao hãm mình khổ hạnh mùa ramadan, có còn phải là tôi nữa không ?
_ Tại sao cô sợ ?
Không có tiếng trả lời. Quay lại, tôi thấy, giữa những tầng thâm đen của chì kẻ, của mascara, của những đêm thiếu ngủ, rực lên cơn sốt động kinh từ đôi mắt đứng tròng, trợn mở.

RÉMY
_ Ðứng lại !
Giật bắn người, Rémy lao chạy. Lộ rồi ! Ðầy truyền đơn trong người thế này ! Tiếng giày bốt rầm rập phía sau. Gắng lên ! Phía trước là công viên. Sương mù bưng cả mắt, hy vọng lọt được vào đó, sẽ thoát. Rémy vượt qua rào chắn, len lỏi giữa những thân cao gốc già vòng tay ôm, những bụi thấp răng rắc cành vụn gãy gục. Tiếng lao xao nhỏ dần, chìm khuất trong màn sương đục. Hít thật đầy. Thở thật chậm. Ép nhịp tim lại. Mười lăm phút, nửa giờ hay hơn một tiếng đã vút qua ? Thời gian có trôi đi không, hay chỉ chầm chậm đong đưa giữa cái không gian đặc sương quền quện này ? Im như tờ. Có khi sự im lặng còn đáng sợ hơn cả những tiếng động khả nghi. Không biết Margot có sao không ? Mỗi đứa một nẻo. Tại sao cô ấy muốn đi cùng mà mình cứ khăng khăng từ chối ? Tại sao trước lúc chia tay, cô ấy lại vít cổ mình xuống để hôn một nụ dài ? Có bao giờ thế đâu ! Lạ thật ! Nóng ruột quá ! Chẳng lẽ cứ nấp mãi trong này hay sao, còn bao nhiêu truyền đơn phải rải. Rémy nhìn qua kẽ lá. Tại sao mình lại liều lĩnh lao vào nơi nguy hiểm ? Yêu nước ? Tinh thần ái quốc được nhắc nhở trong những buổi họp tổ bí mật, với mình, mơ hồ quá, chẳng khơi gợi được gì cả. Tham gia hoạt động, phải chăng vì nhớ đến gia đình David, thằng bạn thân nhất lớp, cha giáo sư đại học, mẹ nhạc sư dương cầm, một ngày bi thảm, nhà cửa đồ đạc bị tịch biên, vợ chồng con cái mất tăm trong trại tập trung dân Do Thái ? Phải chăng vì đọc được tin, nhìn thấy ảnh những thây người gục xuống bên cọc hành hình, ven chân tường, bao ngôi làng bốc cháy, lửa thiêu rụi giáo đường và Chúa và mẹ và em thơ ? Hay, phải chăng chỉ vì muốn tỏ ra xứng đáng với Margot, khuôn mặt đẹp nhất trường, đáng yêu nhất phố ? Không biết. Không rõ. Có thể mỗi thứ một chút, nhào trộn thành mong ước muốn đuổi người Ðức về nước. Người Ðức. Mình có căm thù họ không ? Hình như, không. Chọn tiếng Ðức làm ngoại ngữ. Ðọc Goethe. Nghe Beethoven. Chẳng có lý do gì để ghét người Ðức cả. Nhưng đừng giết, đừng bắn, đừng hại ai nữa, bọn sát nhân súng cầm trên tay kia… Ðêm vẫn lặng, khét ngốt mùi diêm sinh. Trời gầm gừ sấm động. Và sương. Tẩm ánh đèn đường bệnh hoạn, nhờ nhờ vàng. Phải đi thôi. Ðợi đến lúc sương tan hay ngày rạng thì khốn ! Len người khỏi bụi rậm. Xổm ngồi. Nghe. Im. Nhìn. Vắng. Một bước. Tiếng cành lá lách tách dưới chân. Không động vọng. Hai bước. Ba bước. Thoăn thoắt chạy. Nhanh lên, phải xong nhiệm vụ được giao, ngày J sắp đến… Xạch ! Xạch ! Hai bóng đen trồi lên từ lòng đường-địa ngục. Chỉ vừa kịp quay ngược hướng, hai tiếng nổ đanh lạnh bốc gọn Rémy lên theo đà chạy trước khi quật thân mảnh chúi sấp. Ðúng bình minh. Sương trời chuyển màu. Bầm đậm.

SYLVIA
Hắn nhìn chăm chăm. Cái nhìn lạ lắm. Nửa tò mò nửa thân thiện. Như của tụi tỉnh lẻ, hay, của bọn khách du lịch. Không phải cái nhìn lạnh tanh, nhìn-mà-không-thấy của lũ thị dân thủ đô. Cách ăn mặc của hắn cũng buồn cười, cứ như từ trong phim, trong hình những năm năm mươi bước ra. Chắc là một thằng nhóc lập dị, lông tơ còn mướt trên mặt mà lại bày đặt đội bê-rê ! Dấn thêm vài bước, hắn dừng lại. Vẫn cái nhìn đăm đắm. Dưới ánh vàng hắt của đèn đường, vẫn có cảm giác đôi con ngươi của kẻ đối diện xanh trong. Như thuỷ tinh gắn vào hốc mắt hình nhân.
_ Chị vừa dọn về khu này à ?
_ Ưà, gần đúng… Còn chú em ?
_ Tôi sinh ra ở đây.
Dân Paris trăm phần trăm ! Coi vậy mà không phải vậy !
_ Chị đứng đây làm gì ?
_ Tui đứng đây làm gì thây kệ tui ! Chú là cớm hay sao mà khoái hỏi vậy ?
_ Chị đứng đường à ?
_ Ưà, tui là điếm đó, rồi sao ? Chú muốn gì ?
Nóng mặt gằn tiếng, nhưng khi ngó thẳng vào đôi mắt tên nhóc con, chỉ thấy chính bóng mình phản chiếu, rồi nhoà tan giữa ánh nhìn chăm chú, nửa tò mò, nửa thân thiện. Như bóng con bé tóc bum bê xoè áo đầm hãnh diện soi vào lòng suối trong ở một thời rất xưa, tại một nơi rất xa, ấm nắng. Con bé ấy, cũng đã từng có tiếng cười rất dòn, mắt môi đằm thắm, ngực nẩy thanh tân. Con bé ấy, cũng từng có những thằng bé bảnh trai như tên nhóc trước mặt chết mê chết mệt, vậy mà, chỉ một lần thôi, rồi sụp đổ hết, tan vỡ hết. Mẹ, đầu gối đè cứng lên tay con giăng chữ thập, tọng khăn chẹn họng, giữ chặt lấy tiếng thét của đứa gái tơ đang bị phá trinh trên sàn bếp. Phơi thân dưới tay đồ tể. Tên dượng ghẻ hì hục thọc mạnh, đâm sâu, vừa gào vừa tát mẹ, đầu móng cáu bẩn dầu nhớt xe của bàn tay còn lại cào ngấu ngực non. Từ đó, con bé lăn vào đời, máu không ngưng chảy từ vết thương chẳng bao giờ liền miệng. Không căm đàn ông. Không thù dượng ghẻ. Nhưng hận mẹ, cùng những dòng nước mắt tuôn lã chã ngay khi ấy, cả mấy ngày sau. Và có lẽ sẽ chẳng ai hiểu nổi vì sao con điếm khùng lại hả hê cười mỗi lần bị chửi " Ðù mẹ mày ! " Ừ ! Cám ơn ! Làm đi ! Ðừng nói !… Tự nhiên, có nhu cầu muốn kể, muốn trút xả hết mọi điều vào cái hồ thuỷ tinh phẳng lặng kia.

_ Tui dân thứ thiệt nghe chú, không phải như mấy con nhỏ Ðông Âu hay Trung Phi tay mơ đâu ! Mà, mấy năm nay sao xui quá, chú! Dành dụm mua được nguyên chiếc xe camionnette vừa ấm cúng vừa kín đáo để hành nghề, một đêm ngủ quên, đèn cầy bắt vô mùng, cháy rụi, chỉ kịp ôm đầu máu mà chạy thoát thân ! Rồi xuống cấp, đứng đường, nhưng ở mé bên kia kìa, gần xa lộ vành đai, để khách tiện đưa đón. Rồi cũng tại mấy con nhỏ mắc dịch đó cứ đứng lềnh khênh ồn ào giành mối, chặn cả xe qua lại để níu kéo, báo chí truyền hình la-dô nói quá, nên tụi cớm bố ráp lung tung. Bị vạ lây, nên tui phải bỏ qua kiếm ăn ở khu phố này, nhiều bữa, như bữa nay, ế độ, ế chổng cẳng ! Mà, tức cười thiệt, dưng không tui lại kể tuốt luốt cho chú nghe mọi chuyện… Khuya rồi, chú về nhà hả ?
Chiếc bê-rê kéo xuống, xoay xoay trên tay. Tóc gợn sóng, chải lật hết ra phía sau, căng rộng khoảng trán phẳng. Hắn ngập ngừng :
_ Chưa, tôi còn phải đi có việc… Chị biết không, chiến tranh…
_ Hả, chiến tranh hả ? Ở đâu ? Hồi nào ?
Hắn nhìn sững. Như ma nhập. Mắt xoe tròn. Môi mấp máy. Giọng run.
_ Chị hỏi lạ nhỉ ! Sắp hết chiến tranh rồi, hết chiếm đóng, sắp đến ngày trọng đại rồi.
_ Mà, ngày gì ?
_ Khó nói quá…
_ Chú này cứ úp úp mở mở, tui không có khoái cái trò đó đâu nghe ! Có gì cứ nói mẹ nó ra đi, chú khinh, nghĩ mặt tui không đáng bắt chuyện với chú hả ?
_ Ðâu có ! Ðâu có ! Nhưng mà…
_ Thôi, bỏ qua, mới hù chút xíu đã muốn té đái rồi, bắt tội nghiệp ! Nè, nói thiệt đi, chú về nhà hả ? Chú có sống mình ên không ? Tui theo chú nghen ? Ðứng đây nãy giờ, lạnh quá !
_ Tôi đi có việc thật mà, với lại, Margot… Marguerite…
_ Chú có vợ rồi hả ? Mèng ơi, còn trẻ măng vậy mà…
_ Không, Marguerite không phải vợ tôi… người yêu… tôi… tôi yêu cô ấy.
_ Á à, rồi con nhỏ đó có thương chú không ?
_ Tôi… tôi không rõ, chắc là… có.
_ Nhưng mà nó đâu có sống chung với chú, tui cá đó, đúng không ? Thấy chú dễ thương, tui mến. Ðừng lo, tui tặng không chú đêm nay, bù lại, chú cho tui trọ tới sáng, được không ?
Chiếc bê-rê quay tít trên ngón trỏ bàn tay trái.
_ Không được đâu… tôi… Marguerite… Thôi, tôi phải đi đây. Chị đọc đi, sẽ hiểu.
Hắn rút một tờ giấy từ chiếc túi vải đeo chéo người rồi băng qua đường, chạy khuất vào bóng tối, phía góc phố gập thước thợ. Nhìn xuống, lật qua lật lại. Tờ giấy trên tay trắng cả hai mặt, nhàu nhò.

KẾT / MỞ
Ðều nhịp thở. Biết Sylvia đã ngủ say, tôi vẫn tiếp tục vuốt xuôi từng sợi dài mượt. Làn tóc đen thẳng như tóc đàn bà Tàu, đóng khung lấy khuôn mặt trắng bệch, với quầng mắt thâm và đôi con ngươi xanh lạnh ánh thép, Sylvia ma quái cuốn tôi vào trò tình những đêm trăng rực. Tôi, thằng đàn ông ba mươi tuổi, hình như thân thể chỉ thực sự bừng thức quanh vài buổi tròn trăng. Mỗi sợi thần kinh căng tê, chỉ chực tung đứt. Từng bắp thịt co cứng, tức nhức. Sylvia đến, thường, khoảng hai, ba giờ sáng, giải phóng tôi khỏi mọi bức xúc, hứng trọn những xung động dã thú của con đực, đê mê rú rít giữa bao dấu răng, vết móng. Ả điếm thập thành cứng xơ cảm xúc, một tháng đôi ba lần, trải hết mọi giác quan mời tôi lăn lộn trên đó, rồi bất thần, cuốn tròn, khép chặt, để cùng nhau rung lên những tần số cộng hưởng cực đại. Mảng bầm nơi đầu ngực, lằn hằn dài khoảng lưng, những chứng tích nhức nhối nhưng khêu gợi ấy nhắc chúng tôi nhớ đến nhau suốt khoảng thời gian còn lại, khi trăng khuyết dần, mất dấu rồi tái sinh. Từng mảnh da non ngứa ngáy kích thích, bồn chồn thúc dục. Tròn trăng, tròn trăng. Dù mỗi đêm, tôi vẫn đứng từ cửa sổ, nhìn Sylvia gõ gót trên lề đường phía bên kia đại lộ. Tròn trăng. Tròn trăng. Dù da thịt Sylvia đã cọ mài in ấn lên bao thân thể đàn ông những đêm tăm tối, vẫn trinh nguyên toả sáng gọi tôi nhập cuộc đúng thời nguyệt rạng. Vậy mà, đêm nay, trăng chết. Sylvia đến, để làm gì ? Tôi, gã rối gỗ đứt dây, liệt lực, máy móc mãi một động tác chải gỡ mái tóc mượt của con búp-bê vải bông đang ôm gọn trong lòng. Con nộm vải ngấm nước, iủ rũ, phình phều. Vô cảm.
Có tiếng động ở lầu trên. Nặng. Chậm. Bà Marguerite, với chiếc gậy ba chân. Lưng cong gập, như cõng hết tuổi tác, khổ đau, ẩn ức của cả đời dài trên đó. Người đàn bà còm cõi ấy có thói quen khua gậy lọc cọc lúc trời gần sáng, và bao giờ, tiếng động cũng ngừng lại phía cửa sổ. Người đàn bà có đôi mắt bạc màu lạnh băng, gây nơi tôi nỗi ác cảm ngay lần đầu chạm mặt. Cứ tưởng bà có thói quen phân biệt đối xử với dân gốc bắc Phi, nhưng lâu dần, tôi hiểu, tia nhìn hằn thù ấy, bà dành cho tất cả mọi người. Lão gác-dan, một hôm vui chuyện, kể cho tôi và cặp vợ chồng Á châu vừa dọn đến nghe lai lịch của bà cụ. Sinh ra và lớn lên ngay trong ngôi nhà chúng tôi đang sống, có thời, bà cặp kè với một viên sĩ quan Ðức Quốc Xã và theo hắn về nước, vừa kịp trước khi chiến tranh chấm dứt. Mãi gần đây, khi người thân cuối cùng trong gia đình qua đời, bà mới quay lại Paris, thừa hưởng cả một tầng lầu thênh thang, đầy của nả. Cái bĩu môi của gã gác-dan và nụ cười ngô nghê trên miệng mấy người da vàng khiến tôi phải suy nghĩ nhiều hơn về bà Marguerite. Con người ấy, hình như cả cuộc đời gói trọn trong nỗi cô đơn, chỉ còn biết trút hết tình cảm vào lũ mèo trắng quanh quẩn bên chân. Theo cảm nhận của tôi, với bà, đâu cũng là chốn lạ, ai cũng là người dưng. Bà co đầu rúc cánh giữa một chiếc lồng vô hình, đan dệt bằng nỗi nghi ngại, đến cả từ phía bà lẫn phía đối diện. Chẳng ai thấy cần phải cảm thông với ai cả. Mà, như bản thân tôi, hay, như Sylvia đang thiêm thiếp cạnh bên, có chung được với đời, có chung được với nhau chút tình ý nào không, hay chỉ đơn thuần thịt da gào gọi… Tiếng xê dịch, như lệ thường, dần ra phía cửa sổ. Bà Marguerite thấy gì mỗi buổi mờ sáng, bằng đôi mắt hằn học với cả thế gian ? Từ cửa sổ phòng bà, có gì khác hơn khung cảnh tôi từng lướt nhìn qua mỗi ngày, ở đây ? Ðại lộ, hàng cây viền quanh công viên, nhà cửa nhấp nhô và tháp Eiffel vút cao cô độc, đêm đêm rọi đèn quét sáng, ném từng quầng tròn buồn bã vào sương dày, mây đục những buổi nặng trời. Bà nhìn gì, hay chỉ thấy nhập nhoè trước mắt những hình ảnh tuôn trào từ hồi ức cũ kỹ, chập choạng đuổi bắt nhau lúc tàn đêm… Như có tiếng thét nghẹn. Xầm một cái. Thân đổ. Sylvia giật bắn trong tay tôi, mắt trợn ngược, hú hoảng : máu, máu văng đầy áo em ! Xô Sylvia, tôi nhào xuống giường. Chân vướng mớ áo lông dày, chúi nhủi. Chỉ vừa kịp bám tay vào bệ cửa sổ, tia mắt tôi phóng thẳng ra ngoài. Phía bên kia đại lộ, nơi Sylvia thường đứng chờ khách, một bóng nhỏ cũng vừa ngã sấp, chung quanh tung toé bay cuồng những mảnh trắng. Lấp loé lân tinh.            

Paris 01.2004
Nguyễn Linh Quang 

Saturday, November 10, 2018



                                   My lovely friend ..

Notes from my lovely friend 

This is me.
 I struggle with anxiety, I’m exhausted by dinner time because I haven’t regained my stamina yet. I lose my temper, I can cuss better than most sailors (not my finest quality),I’ll never be the perfect mother or wife and I’ve been told that to my face. But that’s ok, each morning I wake up, I get the chance to do better than the day before. And I’m good enough just the way I am! 
I fail as a mom sometimes. 
I don't always say or do the right things. I don't have an amazing figure or perky boobs anymore. I'm not the most beautiful woman in the world, but I'm Me. I love to eat! I have a smart mouth. I have secrets I'm ashamed of. I have scars because I have a history. Some people love me, some like me, some don't. I have done good. I have done bad. I'm random and silly. I don't pretend to be someone I'm not. I make mistakes but do the best I can. I Am who I Am, you can love me or not. And if I love you, I do it with my whole heart!! I don't just throw those 3 powerful words around. I make no apologies for the way I am but will if my actions are wrong. 
I AM ME!
Ladies, I dare you to put this on your status with a picture of yourself if you're proud of who you are (or just know you are good enough the way you are😘)!

To my lovely friend:

Mary, we love you just the way you are. 
From the very beginning of our friendship, you have wholeheartedly loved us and cared for us. From being with us at Khoi's basic training, where you witnessed my stroke-worthy blood pressure, to taking us in after hurricane Katrina, you have always been kind and thoughtful to us. We're so grateful to have you and wonderful Ben in our lives and honored to call you our friends. Our only regret is that we didn't meet you in 1993, when we first came up America! We are all imperfect human beings, but you are just a notch more perfect than the rest.

Mary, you've truly been a godsend to us. In the 10+ years that we've been friends, you've never hesitated in extending your hand to help us in our time off needs, and in every important event of our lives. We're eternally grateful for all that you have done, and will always be grateful to have you in our lives. You've honored us with your love, and we hope that we can live up to our friendship with you and Ben. 
LOVE YOU AND YOUR FAMILY.

                                        A bonsai gift from Mary

Mary, I am so grateful to have you as my dear friend.
Your thoughtfulness and sincerity grealy inspires me. 
Thank you for always thinking of us!
( Tan Nguyen )

Wednesday, November 7, 2018



               (ảnh từ internet)


Nhật ký hành quân của những ngày xa xưa
 (Nguyễn Khôi Việt)

Đại đội của tôi được đưa tới trấn đóng căn cứ này, nhằm hành quân và giữ an ninh cho một đơn vị Công Binh Mỹ đang tái thiết cây cầu sắt vắt ngang một con kinh khá lớn. Căn cứ nằm khoảng giữa đường giáp ranh của quận Đức Hoà và ấp Lương Hoà của tỉnh Long An. Giao thông nối liền với nhau bởi một hương lộ nhỏ. Áp lực rất nặng nơi đây vì địch quân thường ẩn náu trong khu vực được gọi là mật khu Lý Văn Mạnh, nằm sâu bên trong một khu rừng ngập nước với kinh rạch chằng chịt diện tích khoảng 10 cây số vuông. Bao la những cánh rừng chồi, xen lẫn cỏ Năng, cỏ Bàng, hành quân bước xuống là nước lấp xấp mắt cá, còn lại thường cao cỡ đầu gối. Cứ như vậy mà lội cả một vùng hoang vu, chỉ có một con lộ nhỏ bé khiêm tốn chạy xuyên qua những đám cây Vẹt và cỏ Sặc cao ngút đầu người.

  Nhằm mục đích cô lập xã Lương Hoà, cũng như để hạn chế hoạt động quân sự của chúng ta, Việt Cộng đã gài mìn trên đường này, nó đã bị bỏ hoang vài tháng trước khi đơn vị của tôi tới. Hương lộ trước kia được công binh đắp bằng đất sạn đỏ, khoảng đường từ căn cứ của tôi đến xã Lương Hoà chỉ khoảng 3 cây số, hai bên không có nhà cửa, chỉ có rải rác những vườn thơm dọc theo đường, nhưng không thể lưu thông dân sự cũng như quân sự được, vì rất nhiều mìn bẫy. Sau khi tình hình đã tạm ổn, thêm một nhiệm vụ nữa là đi mở đường, và trải quân dọc theo đường tới vùng giáp ranh của hai tỉnh "địa đầu giới tuyến" để cho Công Binh đi rà mìn. Những tuần lễ đầu vô cùng khó khăn vì mìn gài trên đường quá nhiều, đa số là mìn "ba râu", gọi như vậy vì trái mìn chôn dưới đất chỉ lú lên 3 sợi râu nhìn như 3 cây đinh dài chừng một đốt ngón tay, đạp trúng nó, trái mìn sẽ bay lên khoảng 1 thước và khối thuốc nổ khoảng 1kg sẽ phóng ra hàng ngàn mảnh sắt chụp xuống. Nhưng nó lại được coi là không đáng sợ mấy, vì dễ nhìn thấy bằng mắt thường và máy rà mìn. Ghê gớm hơn cả, là những trái mìn chống chiến xa, chôn dưới đất, nguỵ trang khéo léo trên mặt, lại được bọc chung quanh bằng vải nilon để máy rà mìn không phát giác được. Đó là chưa nói đôi khi dưới những trái mìn chống chiến xa ấy, lại còn có một trái lựu đạn đã rút chốt. Một loại mìn đáng sợ khác nữa là họ lấy những đầu đạn đại bác 105mm của bên mình bắn bị lép. Họ đào lên, khoan một cái lỗ bên hông và gắn đầu nổ ba râu vào. Sức công phá của nó của nó rất ghê gớm vì y hệt một quả đạn đại bác nổ. Đại đội phó của tôi đã tử thương vì loại mìn này. Ngoài ra còn một loại mìn nhỏ hơn, chúng tôi gọi là "lon cá mòi" vì được làm từ vỏ của những hộp cá mòi. Thứ này chỉ bị mất một giò hoặc một bàn chân, trong mật khu và dọc theo những vườn thơm hai bên con đường đất, loại mìn lon cá mòi này nhiều vô số kể.

  Cuộc chiến đấu dai dẳng của những người lính Công Binh gỡ mìn với Việt Cộng dường như không bao giờ chấm dứt. Trên những tỉnh lộ, quốc lộ giao thông lớn trải nhựa, không chôn mìn được thì bọn họ đắp mô, mang cây chà để trên đường, gài nơi đó vài quả lựu đạn. Đôi khi chẳng có trái lựu đạn nào nhưng xe cộ cũng bị bế tắc, không ai dám đụng vào những chướng ngại vật đó. Phải đợi những người lính Công Binh, hoặc những đơn vị Bộ Binh ở gần tới tháo gỡ. Những con đường nhỏ gọi là hương lộ nối liền tỉnh với các xã ấp thường làm bằng đất. Lúc đêm xuống, khi biết không có đơn vị Bộ Binh nào nằm đường ở đó. Họ mang mìn ra chôn trên đường, sáng hôm sau bị bên ta gỡ, họ lại chôn mìn tiếp. Vì vậy, trên báo chí hay radio ngày xưa loan tin xe đò, xe lam bị mìn rất thường xuyên trên những liên tỉnh lộ hoặc những hương lộ nhỏ. Mục đích của họ là ngăn cản sự hoại động của cơ giới và chuyển quân của quân đội chúng ta. Rồi người dân phải hứng chịu những oan khiên chết chóc đó rất nhiều. Và cũng không thiếu gì những người lính bị thương hoặc mất mạng trong nỗ lực tháo gỡ chướng ngại vật hầu trả lại lưu thông cho con đường.
  Người lính Công Binh ngoài việc xử dụng máy rà mìn, vẫn phát giác những trái mìn trên đường nhờ vào kinh nghiệm, sự khéo léo của đôi tay cầm lưỡi lê xâm vào chỗ khả nghi, và đôi mắt sắc bén nhận ra những khác lạ trên mặt đất. Tuy nhiên, trên con đường đất đỏ dài 3 cây số ấy, đôi khi vẫn có những sơ xuất. Không phải tại sơ xuất của người lính rà mìn. Bởi những trái mìn đó đã được bao kín bằng vải nhựa kỹ lưỡng để tránh máy rà mìn phát giác, cộng với tài nghệ nguỵ trang dấu tích của những người du kích. Một trái mìn chống chiến xa đã bị sót trên con đường. Nó nằm đó. Đợi.

  Hôm ấy không đi hành quân, cả đại đội nằm ứng chiến chờ.
Chẳng có gì làm, tôi và mấy thằng em ra thành cầu ngồi chơi. Tiểu đội rà mìn đã xong công việc thường ngày của họ. Lác đác vài chiếc xe ôm qua lại. Một chiếc xe lam đầu tiên trong ngày qua cầu. Xe chạy chậm nên tôi thấy rõ trên xe mấy ông già và mấy người phụ nữ, trong đó có một cô gái trẻ ôm một đứa bé chắc chừng vài tháng tuổi. Tôi thường ngồi trên cầu nhìn sông nước, vẫy tay chào người qua lại những lúc rảnh rỗi, nhưng hôm nay tôi chợt cảm thấy một cảm giác lạ lùng không như ngày thường, tôi muốn nói người tài xế ngừng xe lại đừng đi nữa. Nhưng tôi biết mình không có quyền làm thế. Vì đường đã thông, mìn đã rà. Rồi tôi ngồi đó nhìn theo xe, lòng cảm thấy buồn và bất an rất kỳ lạ.
Chừng mươi phút sau một tiếng nổ long trời vang lên rung rinh cả mặt đất. Chiếc xe lam đã cán phải mìn chống chiến xa cỡ lớn.
Khi đại đội tôi tới nơi, con đường đất bị đứt làm hai bởi một hố lớn, không thấy dấu tích của chiếc xe Lam, cho đến khi kiếm ra nó nằm dẹp lép không ra hình thù cách đó khoảng 30 mét, khuất sau những luống thơm đã ra trái hai bên đường. Không còn thấy một chút gì dấu tích của con người ngoại trừ những miếng thịt đỏ bầm cỡ chừng 2,3 đốt ngón tay nằm rải rác khắp nơi.

  Cả đại đội tôi đã đi gom nhặt những mảnh vụn đó. Trên ngọn cây. Trên những vồng thơm dọc theo hai bên đường, rải rác một vài khúc nội tạng, chật vật gỡ dây bẫy của những "lon cá mòi" để nhặt ra những mảnh thịt vụn. Dù đã quen với chiến trận, nhưng khi phải đi lượm những phần kinh khủng còn lại ấy, nhiều người lính đã nôn oẹ. Không gian tanh tưởi và lẩn quất trong đó, cái gọi là mùi tử khí, nó đặc quánh, khó thở, âm u và nặng nề. Tất cả 9 con người và một đứa bé sơ sinh, chỉ gom được vừa vặn trong một áo mưa poncho của lính.
Nhưng tôi kiếm được một chiếc gối nhỏ xíu, nón đội đầu, 2 bao tay cùng một toa thuốc của bác sĩ viết cho cháu bé. Chẳng có gì còn lại của cháu để có thể nhận ra được.
Không biết những người ngày xưa đi làm công việc khủng bố ấy, hiện đang thuộc về cái gọi là bên thắng cuộc bây giờ, họ nghĩ sao khi có thể đang tâm chôn những trái mìn chống chiến xa cỡ lớn trên một con đường đất chỉ có xe Lam, xe lôi, và xe ôm qua lại. Họ không nghĩ rằng có thể một vài người trong những người dân vô tội đó, trước kia đã phải cung cấp tiền bạc, lương thực mắm muối, trong những đêm lén lút xâm nhập vào trong ấp xã để quyên góp những thứ cần thiết cho cái mặt trận của họ.

Có ai đó nói rằng: trong chiến tranh không có kẻ thắng, người bại. Chỉ có người dân là thua. Tôi nghĩ đó chỉ là những lời nguỵ biện cho sự xâm lăng. Họ đã lôi kéo được người dân hiền hoà vô tội bằng những chiêu bài đường mật giả dối, và uy hiếp tinh thần bằng sự đe doạ, khủng bố và giết chóc.
Và tôi, cũng như tất cả những người lính, vẫn luôn hãnh diện ngày đó đã khoác áo lính để góp phần bảo vệ miền Nam dưới ngọn cờ Việt Nam Cộng Hoà
(Nguyễn Khôi Viêt)

Saturday, November 3, 2018


                      Quán xưa...

    Cổ tích


   Không còn một chỗ gọi tên Cổ tích
   Mở. Đóng. Những trang sách khắc dấu thời gian
   bàn ghế chơ vơ
   Chỗ ngồi lặng lẽ
   Em hồn nhiên vẽ ước mơ trên những vệt màu
   đỏ xanh tím biếc
   bức tranh vẽ khu rừng mùa thu khẳng khiu
   trơ trụi
   để nhớ một thời Cafeteria
   đường Lê Lợi
   (người thì đông
   khói thuốc mịt mùng
   và nhạc rót lâng lâng dụ dỗ hồn đi lạc)
   Không còn chậu hoa mùa đông héo rũ
   Phong linh
   va vào nhau đưa đẩy
   leng keng
   Không bên kia khu rừng thông
   Mùa xuân chim gõ kiến kêu rù rù gọi bạn.
   Cột kèo già nua ngậm sương khói
   Bạc thếch chỗ ngồi
   Bạc thếch mùa qua.
   Hàng gạch vữa chèo kéo nhau
   nham nhở
   Chỗ nầy, từng là anh, từng là tôi
   Những chùm hoa dại không nhà
   Hối hả tìm bóng râm chạy trốn
   Bờ giếng cong cong
   Rêu xanh dấu gạch
   Miệng khô khốc đuối mùa hạn hán
   Ngày thở dài.
   Đêm. Khao khát chờ cơn mưa .
   Tượng thiên thần ngơ ngác
   nhìn
   ngón tay gãy.
   Mắt buồn như trời đêm
   Mắt buồn như bóng tối
   Buồn như anh và em
   Khi Cổ tích sắp, đã, mất dần trong
   từng mảng ký ức.
   Khô.

   ( Nhật Ng.)

Thursday, November 1, 2018


                    Nhà Văn Túy Hà
                    và đêm giới thiệu thi tập:
                   " Cát Bụi Lưu Vong "

Nhà văn Tuý Hà và đêm ra mắt tập thơ " Cát Bụi Lưu Vong " .
Bạn bè văn nghệ sĩ từ xa, bạn bè cùng tiểu bang đã đến chung vui cùng anh trong không khí sinh hoạt văn nghệ ấm áp đầy tình thân.
Ngoài thi tập ' Cát Bụi Lưu Vong' còn có tập truyện ký " Những mảnh đời biệt xứ và CD thơ tình Túy Hà..

Thân Phận là bài thơ đầu trong thi tập Cát Bụi Lưu Vong. 
Tặng những phận người thất thế bên đời lưu vong.
Gửi đến bạn và tôi.


Thân phận 

Phận người hay là phận ta
bên trời kiêu bạc cũng là như nhau
chỉ có điều khác niềm đau
của từng thân phận nỗi sầu man man

Phận người tôi phận hoang tàn
chiều lên nắng nhạt, tim gan nát nhàu
chỗ nằm lạnh gối chăn đau
cựa mình trăn trở giữa màu tối đen

Phận người tôi phận yếu hèn
thất phu lỡ vận buồn lên cõi người
bẻ chữ tìm lại nụ cười
tặng người thất thế bên đời lưu vong.

thơ Túy Hà
( trong thi tập Cát Bụi Lưu Vong
tháng 10. 2018 )