Monday, March 27, 2017




CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ  / THƠ VŨ HỮU ĐỊNH / NHẠC PHẠM DUY / TRANH  MIMOSA - OIL ON CANVAS - 65X80

Những bài thơ phổ nhạc thường là những bài thơ hay, vì ít ra nó cũng chạm vào được những sợi tơ đàn của nhạc sĩ, vốn mang tâm hồn nhạy cảm, để lời thơ thoát chữ thoát trang giấy mà theo âm thanh bay lên. 
Người làm thơ ấy gọi là phố núi để gợi lên một địa danh cao nguyên heo hút miền biên giới, phố núi Pleiku có bước chân của Vũ Hữu Định chạm tới đã trở thành thân thương và gần gũi hơn với chúng ta, một thời. Thời ấy, cả bài thơ lẫn tác giả nếu không có nhạc Phạm Duy chạm đến, có lẽ cũng chẳng mấy ai biết tới.
Vũ Hữu Định làm thơ không nhiều, có thể vì không có nhiều dịp phổ biến chăng, để mãi đến khi anh không còn làm thơ nữa, bạn bè thương tiếc mới gom thơ anh để xuất bản thành tập. ( Như NT. Nhiên, anh vắn số ở tuổi 40). Trong số những bài thơ ấy, tôi chép lại bài thơ này:

ĐỨNG GIỮA ĐỒNG KHÔNG 

một bầy sáo nhỏ qua sông 
một em tôi đã cầm lòng đi xa 
như con sông nhỏ thật thà 
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn 

một bầy sáo đã đi luôn 
một em tôi đã để buồn lại đây 
con chim quyên đã lạc bầy 
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang 

một bầy sáo nhỏ bay hoang 
một em tôi đã bỏ làng đi xa 
tôi ngu ngơ giữa chiều tà 
em đi để lại mình ta giữa đồng 

Tôi biết anh một lần ghé tòa soạn TN (VHĐ là bạn với nhà thơ PC Sa). Dáng nhỏ, khá bụi bặm, mang vẻ lãng tử của các tay sinh viên trọ học. Anh ít nói, cả khi nhà văn Nhã Ca đùa vui : Mắt em ướt, tóc em ướt, cái chi mô em cũng ướt ướt hết, dễ thương chi lạ.

Cám ơn nhà thơ VHĐ, đã cho chúng ta biết còn một chút gì để nhớ để quên. Và nhớ với quên cũng là một chút gì để thương nữa. May mà có anh...

Bài thơ Còn chút gì để nhớ gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu từ 7-8 chữ, mang theo những hình ảnh nhẹ nhàng, tế nhị của phố núi Pleiku, từ cảnh vật:

phố núi cao, phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
Tới con người:
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
nên em hiền như mây chiều trong

Bài thơ được viết năm 1970, khi nhà thơ sang thăm 1 người bạn gái ở Pleiku. Cùng năm này, bài thơ được đăng báo Khởi Hành của Viên Linh và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc, rồi trở nên phổ biến với giọng hát Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston, lời thơ vẫn giữ nguyên và với bàn tay điêu luyện của Nhạc sĩ Phạm duy, ta thất trong đó thành phố của sương mù, của em má đỏ môi hồng., của cuộc tình mong manh lạ lùng ..May mà có em đời còn dễ thương..
Sau này nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bạn thân của ông, cũng có 1 tiểu thuyết lấy tên Còn chút gì để nhớ.
Vũ Hữu Định mất năm 40 tuổi.
( từ Đinh Tiến luyện )



                                     Còn chút gì để nhớ
                                    Thơ: Vũ Hữu Định
                                     Nhạc :Phạm Duy 
                                    Ca sĩ : Sĩ Phú.

Wednesday, March 22, 2017


                                           Ngày đó chúng mình
                                           Nhạc : Phạm Duy
                                           Giọng ca : Duy Trác


Duy Trác & Ngày đó chúng mình

(Bài viết của Phan Xuân Sinh)

Vào lúc 8.30 tối ngày 3 tháng 12 năm 2016. Gia đình ca sĩ Duy Trác do các con và cháu của ông tổ chức một đêm nhạc dành cho vợ chồng ông mà đên hết cuối chương trình, chúng tôi mới được biết, đêm nhạc kỷ niệm 55 năm ngày cưới của ông bà. Tại Valentino, 7242 Boon Rd, Houston. Các con của ông không có ai theo nghiệp cầm ca của bố, nhưng từ giọng hát đến cung cách trình diễn chúng ta có được một cảm nhận thuộc con nhà nòi và hơn nữa đây là đêm dành cho bố mẹ nên các con cháu của ông hết lòng với ông bà, cho ta thưởng ngoạn một đêm rất đặc sắc thú vị.

Nói đến Duy Trác có nhiều bài vở trên sách báo trước đây nói về ông, ông là một ca sĩ đã thành danh từ thập niên 50 đên thập niên 75 tại Sài Gòn. Nhưng con đường ca hát của ông có vẻ tài tử, ông ít xuất hiện trên sân khấu nên nhà văn Duyên Anh khi đề cập tới ông bằng thốt lên “ca sĩ cấm cung”. Ông là một luật sư, là một thẩm phán. Có lẽ nghề nghiệp nầy đã nắm chặt chân ông lại, không cho ông xuất hiện những nơi đô hội để cho người khác mua vui. Tuy nhiên tiếng hát của ông đã phá vỡ bức tường, xuyên thấu vào lòng những người yêu nhạc khó tính, ông là một ca sĩ hiếm hoi để lại trong lòng người nghe một sự kính phục từ giọng hát đến nhân cách. Ông là một người hiền hòa, dễ mến khi ta được tiếp xúc. Ông đã giã từ nghiệp ca hát hơn mười mấy năm nay với một lý do đơn giản “tuổi già”. Khi đã từ giã thì ông khép kín dủ những người thân thích trong gia đình yêu cầu , ông vẫn không hát. Có lẽ nghành luật đã dạy cho ông một nguyên tắc không được vi phạm điều mà đã trở thành quy luật khi ông đã đặt ra.
Hơn mười năm trong tù cải tạo, đã khiến con người của ông trầm ngâm hơn. Và cũng chính nơi đây đã cướp mất của ông sức lực và hăng say. Khiến ông không còn tha thiết với những gì mà thời trai trẻ cuốn hút ông. Thời gian sinh sống tại Hoa Kỳ ông làm Đài Phát Thanh và nơi đây ông đem kiến thức và nghệ sĩ tính của mình, lôi cuốn một số lớn thính giả lắng nghe, đến khi các con của ông trưởng thành, ông cũng từ giả hẵn Đài Phát Thanh. Khi tôi đến Houston sinh sống, được anh chủ nhiệm tờ nguyệt san Văn Hóa mời riêng tôi và ông đi uống cà phê. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ca sĩ Duy Trác. Ông ít nói và chỉ nói khi cần thiết, tôi thấy ông ngồi suy tư, tôi hỏi ông nghĩ gì? Ông nói với tôi là tên của anh thấy quen lắm, nhưng không biết gặp ở đâu? Tôi chỉ cười chắc ông lẫn lộn với ai đó. Hai tuần lễ sau ông gọi điện thoại cho tôi, ông báo cho tôi biết ông đã nhận ra tôi rồi. Tôi là tác giả ông đã đọc truyện trên đài phát thanh. Rồi ông mang cho tôi những CD mà ông đã đọc. Từ đó tôi rất thân tình với ông.
Nói về ông không hết được. Ông là con người của quần chúng được thính giả trọng vọng, nên chiều sâu của đời ông khá dài và mọi người trân quí. Tôi xin chấm dứt những dòng chữ nói về ông để trở lại với “đêm nhạc với gia đình Duy Trác”. Trong Thư Mời có ghi 4 câu thơ:

“Anh nhỉ đôi ta không trẻ nữa
Mắt thôi trong và tóc hết xanh
Nhưng trái tim ta còn thơm mãi
Hương vị cuộc tình em với anh”

Không đề tên tác giả 4 câu thơ nầy, nhưng nội dung chúng ta nhận được hình như bà viết cho ông. 55 năm sống với nhau. Tình nghĩa ấy đã thấm đẫm trong thịt da, trong máu huyết. Các con của ông bà muốn ca tụng tình nghĩa của ông bà bằng một đêm âm nhạc, để bố mẹ đọc được tấm lòng của các con. Quả thật các con của ông bà đã làm được một điều rất ý nghĩa và cũng rất ngoạn mục. Những người ngồi nghe chật ních hội trường từ đầu chương trình đến cuối chương trình, gần 1 giờ sáng mới chấm dứt. Tôi cũng không biết thế nào để diễn tả được đêm nhạc như thế nầy. Nó mang vóc dáng rất trí thức, những nhạc phẩm được chọn lọc kỹ càng. Các con của ông bà thể hiện một phong cách biểu diễn thỏi mái nên được thính giả thích thú.
Người điều khiển chương trình là thi sĩ Ngu Yên, rất duyên dáng trong vai trò của mình, cuốn hút thính giả bằng lối ăn nói đượm chút hài hước thâm thúy, sâu sắt. Trong chương trình đặc biệt có những cô cháu gái của ông (thế hệ thứ 3) vừa ôm đàn vừa hát, tạo nên một đêm nhạc dành cho ông bà một sự kinh ngạc của thính giả, thành công ngoài suy nghĩ của mọi người.
Sau khi nghỉ giải lao, đêm nhạc được tiếp nối bởi những ca sĩ thân hữu của gia đình. Những khuôn mặt mới lạ, những giọng ca chúng ta chưa từng nghe, nhưng chúng tôi phải công nhận rằng những ca sĩ nầy góp một bàn tay tạo nên đêm nhạc thêm phần mới lạ, bởi những giọng ca rất trưởng thành và hào hứng. Đêm nhạc chấm dứt lúc 1 giờ sáng ./

Phan Xuân Sinh
( viết từ Houston )



Duy Trác và hiền thê.

Friday, March 17, 2017

Ảnh (Khôi Việt)

Câu chuyện của hai người lính già


Từ bãi đậu xe đến chỗ làm việc, tôi vẫn thường đi ngang quán rượu đó. Buổi sáng sớm, quán chưa mở cửa, chỉ có Bob, đứng xịt nước tưới cho mấy chậu hoa treo lủng lẳng quanh patio. Lão già này làm việc ở đây từ lúc còn là thanh niên, bây giờ lưng đã hơi còng, tóc đã bạc, nhưng hàm răng hơi to một cách quá khổ trên khuôn mặt, vẫn còn trắng đẹp một cách kỳ lạ . Lão luôn chào trước khi tôi kịp mở lời: hey, young man. What's up? Not much, how's yourself, old man? Good, can't complain, young man. Ngày nào cũng nói với nhau y như vậy. Nhưng sau đó tôi phải nói dăm ba câu rồi chuồn lẹ. Nếu không Bob sẽ nói đủ thứ chuyện trên đời tưởng như không bao giờ dứt. Hình như người Mỹ già nào cũng thích nói chuyện và nói nhiều thì phải. 
-Chiều mày đi làm về ghé qua. Boss mới mướn ban nhạc chơi ở đây.
- Hay không?
- Không tệ lắm, có cô ca sĩ hát rất hay . Ba giờ chiều là tụi nó bắt đầu.
- Vậy sao? Chiều tôi ghé. Một chút thôi, cả ngày đi làm mệt tôi chỉ muốn về nhà. 
Nói thế chứ tôi quên ngay, tôi không mặn mà với nhạc Mỹ bây giờ. Rap tôi không ưa nổi. Còn nhạc của tụi trẻ Mỹ bây giờ khó nghe quá. Hay tôi là người Việt, lại thuộc lớp già nên không cảm được chăng? Cũng không hẳn như vậy, nhạc Mỹ của năm 60 vẫn còn theo tôi đến giờ mà. Có lẽ tôi chỉ thích hợp với soft rock. Mà chung quanh chỗ tôi làm, quán rượu, quán nhạc toàn chơi hard, metal rock. Đi ngang qua nghe thoáng cũng đủ nhức đầu rồi. 
Dọc theo đường, gần đó khoảng trăm thước là quán nhạc Jazz tên Preservation Hall. Nơi thường quy tụ những nghệ sĩ nhạc Jazz thuộc loại bậc nhất của Mỹ, dù bên ngoài nhìn nghèo nàn cũ kỹ. Louis Armstrong lúc còn sống nghe nói cũng chơi ở đây. Quán này nổi tiếng với giai thoại mặt tiền không được lau chùi đã 75 năm, khác với những quán bar có nhạc sống ở New Orleans là luôn mở hết các cửa. Preservation Hall cửa luôn đóng kín.
Quán rượu Bob đang làm cũng là một quán nhạc Jazz. Tôi mỗi lần nghe Jazz là buồn ngủ không chịu được. Tất nhiên là nhạc Jazz hay lắm chứ, nhưng nó có vẻ không hợp với cái tai tôi mấy. Mỗi khi đi đâu xa ngoài tiểu bang với con trai, Khôi, là tôi bị tra tấn với kho nhạc Jazz trong xe của nó. Đặc biệt là cô ca sĩ Nora Jones với giọng hát trầm buồn nhừa nhựa làm hai mắt tôi muốn mở không lên.
Buổi chiều bước vội vã ra chỗ đậu xe, đã khiến tôi chẳng chút hào hứng nào ghé chơi, nếu tiếng hát và âm điệu bản nhạc quen thuộc không kéo chân tôi lại. 
Cô ngồi hát cạnh cây đàn piano trong góc cuối của quán, bên phải người nhạc công. Áo trắng và váy dài đen. 
Tôi đứng sững nơi cửa quán nhìn vào. Cô đang hát bản nhạc kỷ niệm vô cùng quen thuộc của tôi. Both sides now. Judy Collins hát- Mà ngày xưa tôi cùng chiếc radio nhỏ đợi chờ nghe mỗi tối trong chương trình nhạc của Chris Noel, dành cho quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Cô vẫn hát, và nhẹ đưa tay chào. Chắc cô cũng hơi ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông Việt Nam đứng nghe cô hát như vậy. Nhưng trong ánh mắt cô, tôi thấy lấp lánh niềm vui. 
Sau đó chúng tôi quen nhau. Vì nơi tôi làm việc là một nhà hàng cách chỗ của cô không xa lắm. Cô hay ghé qua ăn tối. Julie. Tên của cô. 
-Chắc tôi hát không tệ lắm. Phải không? Hôm ấy tôi thấy ông sững lại khi nghe tôi hát.
-Nhiều lý do lắm Julie. Bài này gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Nó là một Top Hit của năm 67. Và tất nhiên, giọng của em rất hay và truyền cảm, chẳng kém gì Judy Collins. Còn đẹp thì chắc chắn em đẹp hơn bà ta bây giờ rồi.
Cô cười. Và tôi, ngay lúc đó tôi nhận ra một điều, đàn bà Mỹ thường có gò má cao, miệng hơi rộng, nhưng tạo cho họ một khuôn mặt đặc biệt, và cười rất có duyên. 
- Nói cho tôi nghe Vivi. Cô gọi tôi là Vivi, có lẽ để cho dễ gọi. Một bài hát mà theo đuổi ông mấy chục năm, vậy chắc toàn những kỷ niệm đẹp?
- Tất nhiên là nhiều, nhưng không hẳn là những kỷ niệm đẹp. Tôi còn đi học, chưa có mối tình nào để nhớ. Nhưng qua năm 68 thì tôi hay nghe bài hát ấy lúc nằm dưới hầm trú ẩn. Bọn Việt cộng mở ra chiến tranh khắp nơi. Miền Nam chúng tôi sống rất thanh bình, nhưng họ có mặt chỗ nào là có tang thương chết chóc chỗ đó ngay. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong tích tắc. Như năm đó, tôi chở cô cháu gái ngoan hiền dễ thương như thiên thần của tôi đi chơi, ăn kem. Chở cháu về nhà, cách Sài Gòn vài dặm thôi. Mấy ngày sau tới thăm, chỉ còn là đống gạch vụn ngổn ngang. Tưởng như cháu và gia đình chưa từng hiện diện nơi đó. 
-Sao khủng khiếp vậy ông, điều gì đã xẩy ra?
- Một trái hoả tiễn 122 ly đã rớt xuống. Tôi vẫn hy vọng cháu và gia đình trước khi chết không cảm thấy đau đớn. Miền Nam chúng tôi ngày đó là như vậy. Trẻ em đang ngồi học trong lớp bỗng dưng chết thảm khốc vì những trái đạn súng cối của họ bắn vào. Tất nhiên là họ bắn có chủ ý. Gây kinh hoàng, chết chóc để trấn áp người dân. Giống hệt như những đám khủng bố ở Trung Đông bây giờ. 
- Nghe như ông nói, có cảm tưởng miền Nam của ông sống trong kinh hoàng và khó khăn lắm.
- Không hoàn toàn vậy đâu em. Cuộc sống hồi ấy thật đẹp đẽ và thanh bình nếu không có Cộng sản. Một lần ghé qua tôi thấy em hát Summertime, ngày xưa tôi cũng rất thích bài hát đó. Summertime. When the living is easy... Em ạ. Miền Nam chúng tôi không có bốn mùa như Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ có mùa Hè. Nóng gần như quanh năm. Nhưng vẫn có những cơn gió mát và mưa lạnh. Tăng thêm thi vị cho Summertime. Hình ảnh mà em thấy trong bài hát Summertime đó chính là hình ảnh của quê hương chúng tôi. Tôm cá đầy sông, cây trái trĩu ngọt, lúa bắp bát ngát. Mùa Hè của chúng tôi có đầy trong rất nhiều tác phẩm thi ca miền Nam. Nhưng sau khi tôi gia nhập quân đội, bọn Cộng sản đã mang vào miền Nam chiến tranh ngập trời. Mùa Hè đỏ lửa. The fiery Summer. Đó là tên gọi của báo chí đã đặt cho cuộc chiến năm 1972.
- Ba của tôi trở về Mỹ năm 73 cùng với cả đơn vị của ông. Được đón tiếp như những kẻ ăn cướp và baby killer. Đó là một thành công lớn của bọn leftist và hippies. Tôi ra đời sau này, chỉ nghe mẹ tôi kể lại những sỉ nhục mà người lính Mỹ phải chịu khi trở về nước. 
- Xin Chúa phù hộ cho ba của em. Tôi nói. Còn chúng tôi, những người sĩ quan của Rebubplic of Việt Nam. Không được may mắn như ba của em. Chúng đưa chúng tôi vào những trại tập trung sâu trong rừng thẳm. Rất nhiều người đã chết vì thiếu ăn, vì đói lạnh trong giá rét kinh hoàng ở miền Bắc. Trở về nhà với tấm thân tàn tạ. Bao nhiêu người đã mất hết vợ con, nhà cửa. Vì khi họ còn ở trong trại tập trung, vợ con họ trốn chạy Cộng Sản và vùi thây trên biển cả trong những chiếc thuyền mỏng manh chỉ dài chừng 20 đến 30 feet. 
Ba của em khi trở về nhà vẫn còn gia đình, nước Mỹ vẫn đứng sau lưng. Còn chúng tôi, khi ra khỏi tù đã không còn Tổ Quốc.
Tôi đã gặp Daigle. Ba của cô. Ông đã không còn khoẻ nữa. Căn bệnh PTSD (post trauma stress disorder) đã biến ông từ một Navy Seal đẹp trai cao lớn trở thành một ông già còm cõi không còn sức sống. Chúng nó đã phản bội tao, phản bội chúng mày. Bọn phản chiến đó. Chúng chặn ở phi trường, la hét, chửi bới phun nước miếng vào chúng tao. Còn chúng mày thì đi tù. Vì nước Mỹ đã bỏ rơi Đồng Minh. Mỗi lần gặp tôi, Daigle ngồi nói miên man không dứt. 
- Chuyện qua rồi. Đừng trách mình như vậy. Cá nhân tôi chẳng bận tâm về điều đó. Sinh ra trong một đất nước giàu có tươi đẹp,không ai muốn chết nơi một xứ sở chẳng liên quan gì với mình. Chẳng ai muốn con cái mình hy sinh như vậy cả, Daigle. Con tôi gia nhập Thủy Quân Lục Chiến vì nó thích, nhưng tôi chẳng bao giờ thích được. Nó đi lính mà tôi ở nhà bị bệnh mất ngủ vì lo lắng. Tôi vẫn biết ơn những người lính trẻ qua chiến đấu ở nước tôi. Kể cả ông nữa. 
-Mày biết không? Mấy thằng cựu chiến binh thường khoe khoang về những ngày ở Việt Nam như một cái gì ghê gớm lắm. Nhưng cá nhân tao lại thấy những thằng lính Việt Nam tụi mày đáng nể hơn. Tụi tao cái gì cũng có,cần gì thì vào PX mua. Thanksgiving, Christmas có quà gửi qua. Có cả Fried Turkey, cake, bất cứ cái gì chúng tao cần. Còn tụi mày, có lần tao chạy xe Jeep trên đường thấy đám bộ binh tụi mày ngồi ăn với bịch gạo sấy và một con cá khô. Lính Việt Nam tụi mày sống thiếu thốn cực khổ quá. Daigle nói chữ "gạo sấy với cá khô" rất đúng giọng. Làm tôi không nhịn được cười. Đặc biệt, Daigle nói hai chữ " Đủ má" hệt như người Việt Nam.
- Làm sao ông nhớ mấy chữ đó. Ông làm tôi muốn chết vì cười. 
-Tao nhớ chứ, nhiều lắm. Hồi đó đi công tác với lính Việt Nam tụi mày rất nhiều lần. Có khi ở chung trại cả mấy tháng. Nhưng lính Việt Nam toàn dậy tụi tao những chữ tục tĩu. Này, tao nói rất nghiêm chỉnh nhé. Nếu chúng tao dậy tiếng Anh cho người Việt, chúng tao luôn chỉ dẫn những gì chính xác và cần thiết nhất. Còn người Việt mày toàn nói bậy bạ. Có lần tao hỏi: I love you, nói làm sao. Nó dậy rằng: đù má tao. Tất nhiên tao chẳng vui vẻ gì, sau khi nói với một cô gái tao quen, cô ấy tưởng tao bị điên.
Daigle là một người nhận xét rất tinh tế và khiêm tốn. Ông không có thái độ ngạo mạn, đôi khi kỳ thị xấc xược như nhiều tay cựu chiến binh Mỹ tôi đã gặp.
-Ông rất mẫn cảm và hiểu biết, nhất là ông không gọi tên nước tôi kiểu coi thường như nhiều người Mỹ thường gọi là "Nam", thay vì nói Việt Nam. Đẹp trai và nói chuyện lôi cuốn như ông chắc hồi xưa ở Việt Nam thế nào cũng có vài cô bạn?
-Ba tôi nói ông có bạn gái lúc ở Việt Nam. Cũng còn giữ hình của cô ta đến sau này. Julie nói. Cô gần như ít xen vào câu chuyện. Cô thường ngồi tư lự với ly Margarita.
-Mẹ của cô có ý kiến gì không?
- Ồ không. Bà nói. Đó là những kỷ niệm đẹp. Và cô gái đó thật là đáng yêu.
Daigle cho tôi coi hình một người con gái ông quen, và yêu. Đó là một cô gái đẹp, dường như là nữ sinh trung học trong chiếc áo dài.
- Cô ấy có yêu ông không?
- Có chứ. Còn tao yêu cô ấy đến chết đi được.
- Tại sao không lấy nhau?
-Này Vivi. Lấy được người Việt tụi mày không phải dễ. Ngay cả bước chân qua cửa nhà cô ấy cũng còn chưa được, huống hồ xin cưới..Ngày xuống sân bay, gặp gia đình, tao buồn và khóc. Nói mày đừng cười. Không phải khóc vì mừng gặp gia đình. Vì tao nhớ cô ấy thì đúng hơn.
-Đúng vậy Daigle. Ngày xưa đất nước tôi mặc dù chiến tranh nhưng sống thoải mái và gắn bó với quê hương. Chẳng ai muốn rời bỏ đất nước cả. Và sự bất đồng ngôn ngữ đã khiến bức tường thành kiến đã cao lại còn cao hơn.

-Chị con ông bác của tôi, làm ở bộ Y tế, gặp một ông bác sĩ Quân Y Mỹ, rồi yêu nhau. Nhưng gia đình chị không cho bất cứ ai trong họ hàng biết, ngoại trừ tôi, ngày chị lên máy bay về Mỹ với chồng năm 74 cũng không ai biết. Âm thầm. Tôi mất liên lạc với chị từ dạo ấy. Ngày xưa, tình yêu quê hương đã trở thành cực đoan, tới mức trong gia đình không ai muốn con cái của họ lấy người ngoại quốc. Vì ai cũng nghĩ, con cái theo chồng, hoặc theo vợ người ngoại quốc là vĩnh viễn sẽ mất con. Trong mắt của người thiếu nữ Việt Nam, khuôn mặt của người Mỹ thật là xa lạ. Cho nên tôi nghĩ, phải yêu nhau ghê lắm mới dứt bỏ cha mẹ anh em, theo chồng về Mỹ, một nơi chốn hoàn toàn khác biệt với quê hương.
Người Mỹ còn phải khó khăn khi muốn lấy vợ Việt Nam như vậy; những chủng tộc khác còn khó hơn. 

Gì chứ lính Phi Luật Tân,Thái Lan, Đại Hàn (bây giờ là Hàn Quốc) con gái Việt Nam chẳng để vào mắt đâu. Ngày xưa con gái và dân Việt nói chung, nhìn mấy đám đó như mấy thằng ngốc và nhà quê. Lính Đại Hàn khi trở về nước, họ cũng mua xe đạp của Việt Nam, radio, đồng hồ, đủ thứ trên đời .Còn bây giờ, người dân làm đủ mọi cách để chạy ra khỏi nước, kết hôn với bất cứ một dân tộc nào để thoát đi. Kết hôn với một người Đại Hàn, sánh vai với một người Mỹ là điều mơ ước, là điều hãnh diện của đa số, nếu không nói là hầu hết người Việt Nam hiện nay. Vậy cũng được, nhưng những người đến từ những quốc gia một thời người Việt coi là dân tộc hạ đẳng thấp kém, nếu không nói là mọi rợ, cũng được gọi chung là "Tây"thì đó là điều quá đáng. Chữ "Tây" ngày xưa chỉ dùng cho người Pháp. Bây giờ mấy thằng đen thui Kenya, Nigeria chạy qua Việt Nam làm phu khuân vác, ăn cắp ăn trộm cũng gọi là "Tây". Chưa bao giờ giá trị của người Việt Nam lại bị hạ thấp như bây giờ.

- Tất nhiên tôi không khinh miệt tất cả. Nhưng ông có đồng ý là tới giờ dân của mấy quốc gia đó còn đi săn thú bằng dáo mác, còn đóng khố, thì tất nhiên không thể so sánh với dân tộc tôi được.
-Tao hiểu chứ. Hồi ở Việt Nam tụi tao thường đi nghỉ phép ở Taipei, hoặc Bangkok. Nhưng mấy chỗ đó thua xa Sài Gòn và Đà Nẵng. Nhất là Bangkok, không thể hơn Sài Gòn được. Chỉ hơn cái khoản gái điếm.
-Này Daigle. Năm 60 chúng tôi đã làm được xe hơi rồi. Tất nhiên không thể bằng Ford, GMC. Nhưng ông biết không. Khi Sài Gòn chúng tôi xe cộ dập dìu, nam thanh nữ tú chở nhau trên những chiếc Vespa, Lambretta. Thì Seoul của Korea lúc ấy còn là đám ruộng, dân chúng còn trồng rau ở đó. Đồ hộp Mỹ hồi đó tụi tôi còn chê, vì không hợp khẩu vị. Đồ hộp Đại Hàn hả? Chẳng người Việt nào ăn đồ hộp của Đại Hàn cả vì nó quá dở, cho dù họ cũng có đồ hộp thịt heo với đậu hũ, có cả Kim Chi nữa. Nhưng tôi cũng quăng nó vào thùng rác. Vì sao có thể ăn được, khi thường ngày tôi vẫn ăn thịt heo kho với tôm càng, với nước dừa thơm ngon béo ngậy. 
Những ngày gặp Daigle là những ngày nói chuyện dứt không ra, cho đến lúc Julie tới đón sau khi hát xong tại quán. Cô rất vui khi thấy ba của cô có người tâm sự. 
-Vivi biết không. Bạn cùng team của ba chết hết rồi, ba tôi mến ông vì là người cũng ở những địa danh mà ngày xưa ba tôi đã tới. Và cũng là lính.
-Còn ba của em cũng là người dễ mến và khiêm tốn nhất mà tôi đã gặp.
Hơn tháng trời bặt không thấy Daigle ghé chơi. Một hôm Julie bước vào đưa cho tôi một khung hình nhỏ. Bên trong là huy hiệu của Seal Team One. Mặt sau có mấy chữ " To my brother in Arms. Dwright Daigle".
- Ba tôi đã mất hai tuần trước. Bị colon cancer lâu rồi. Nói tôi mang cái này cho ông. Ba tôi không muốn ông biết, không muốn ông buồn vì mất bạn. 
-Ít nhất ra cũng cho tôi biết đôi chút. Mẹ cô giờ ra sao. Bà vẫn OK chứ.
-Vivi này. Ba tôi dấu không cho Vivi biết. Mẹ tôi đã bỏ hai cha con tôi lúc biết ông bị colon cancer. 
Thấy tôi ngồi yên không nói vì xúc động. Cô đập nhẹ vào vai tôi.
-Vivi. Chiều nay về nhớ ghé quán. Em sẽ hát tặng ông bài Both sides now.

Sau đó vài tuần không thấy Julie hát bên quán. Hỏi thăm lão Bob cũng lắc đầu không biết.Cô ấy đã đi rồi. That bird had flown. Lão nói.

( Nguyễn Khôi Việt )
   

                                     
                                      Both sides now-Judy Collins

Sunday, March 12, 2017

       
                            (  Khung cửa ) ảnh của bạn                       

Đêm. Nh núi.


Buồn. Như cỏ cây rầu rầu hiên vắng
Như tuổi già gõ cửa gọi tên
Như chuyến tầu đêm, sân khuya vắng khách
Như ráng chiều ôm núi chênh vênh

Không ai ngoài kia, bên đời ngóng đợi
Núi than thầm , khóc tiếng bi ai
Thả nỗi buồn theo trời lồng lộng
Ngày cũng tàn cuộc, mỗi sớm mai.

Đêm mông  lung.Chạnh lòng trăng ngó
Dửng dưng đùa mấy hạt sương đêm
Đậu khốn cùng nghe chừng tuyệt vọng
Ta và đêm. Đêm hóa thân mềm

Ta tập tễnh một ngày xuống núi
Thèm khúc Tiêu Dao “ Tiếu ngạo giang hồ”
Rượu mềm môi uống tình bằng hữu
Tuyệt tình ca hóa kẻ hồ đồ

Nhặt mảnh trăng. Đêm nằm nhớ núi
Mơ chuyện vá trời mơ vá viễn vông
Túi càn khôn nhốt tình rồ dại
Ta mang tình gối cõi thinh không

Nhưng đã quá già, chân chồn, gối mỏi
Thôi em đừng về, đừng vọng động nhau
Ai chẳng một lần qua cầu sinh tử
Giọt nước mắt thừa dành tặng ngươì sau

Nếu có lần nào, hụt chân vấp ngã
Hãy hái hạt buồn trên đám cỏ cây
Hãy nghe còi tầu nửa khuya vắng khách
Sẽ thấy đời trôi qua những nắm tay

Sẽ khóc một lần-một lần- lần nữa.
Tiếc hạnh phúc gầy không giữ được nhau
Sông núi không kề kêu trời quạnh quẽ
Lả tả hồ như một giấc chiêm bao.

Nt.

Tuesday, March 7, 2017


ảnh : Khôi Việt 
Lan man chuyện cà phê..

Ngày xưa, gần nhà hàng Thanh Bạch trên đường Lê Lợi. Có một tiệm với bảng hiệu nhỏ nhưng rất nổi tiếng: cà phê J. Martin. Họ bán cà phê hột đã rang sẵn, và chỉ xay khi khách đến mua. Chắc là của người Pháp để lại, vì hồi năm 60 những cơ sở thương mại có tên Pháp đều của người Pháp. Tôi nghĩ thế. Bố tôi hay ghé qua mua một hoặc hai lạng cà phê. Tôi vẫn nhớ đó là một người phụ nữ trung niên. Bà múc cà phê hột đã rang màu nâu bóng, thơm phức trong một cái bình tròn và cân, xay cà phê trước mặt khách hàng bằng cái cân bàn mặt kiếng, có cái kim chỉ sức nặng dài gần hai gang tay. Hình như cà phê được rang mỗi ngày nên rất ngon. Vì khi đi ngang tiệm, lúc nào cũng nghe mùi thơm cà phê bay thơm ngào ngạt. Thỉnh thoảng bố tôi cho tôi uống cà phê với ông, cho dù mẹ hay cằn nhằn: nó còn trẻ uống cà phê mất ngủ không tốt.
Tôi thích cà phê, và lớn lên, ghiền cà phê từ hồi đó. Tôi thích cái không khí của sáng sớm tinh mơ, tại các quán cà phê bình dân đầu ngõ, hoặc bên đường, lúc còn đang chong đèn. Các ông già trong bộ đồ bà ba trắng, hoặc đen, hoặc quần xà lỏn, ngồi kiểu nước lụt trên những băng ghế. Đa số các quán bình dân đều dùng băng ghế và bàn dài. Các ngài đều có chung một thói quen là đổ cà phê ra cái dĩa nhỏ đựng ly cà phê rồi húp xì xụp. Tại cà phê nóng. Nhưng riết rồi đó là thói quen rất phổ biến và đặc biệt của miền Nam. Cà phê pha bằng một túi vải nhỏ được kêu cà phê vớ. Có nơi gọi là cà phê kho. Có lẽ cái "vớ" lọc cà phê đó thường đi chung với cái siêu bằng đất mà người miền Nam dùng để sắc thuốc Bắc, lúc nào cũng đặt trên lửa than riu riu cho nóng. Cà phê pha bằng filtre uống nguội ngắt, mặc dù hương vị có thể thơm hơn. Cà phê "kho" có thể không ngon bằng pha filtre vì cà phê đều có pha số lượng lớn cà phê Mít, tên khoa học là Robusta, loại cà phê cho sản lượng cao, uống hơi chua, để giá thành rẻ, hợp với số đông khách bình dân, nhưng qua cách "kho" cà phê có mùi rất đặc biệt, và uống thật nóng,đến nỗi khi vào quân đội rồi, tôi vẫn có cái thú đi ra những quán cà phê "vớ" trong làng xóm gần nơi đóng quân. Còn tối trời, nhưng đã nghe nói chuyện râm ran, mùi cà phê thơm tỉnh người. Cũng ngồi kiểu nước lụt, đổ cà phê ra dĩa uống, mấy ông bà già lúc đầu lạ lẫm còn liếc xéo, sau vài lần ai cũng muốn gả con gái.
Ngoài những quán bình dân, còn những quán cà phê nhạc. Những quán này đều có tên như Hương Xưa, Làng Văn, Hầm Gió, v,v. Nơi đây là chỗ hẹn hò, hoặc ngồi giết thì giờ, hoặc gậm nhấm "Nỗi buồn thân phận" trước chiến tranh. Chỗ ngồi êm ái lịch sự hơn. Khung cảnh đẹp đẽ hơn. Và giá cả chắc chắn cũng đắt hơn.
Và tất cả các quán bình dân hay "quý tộc" của miền Nam hồi đó (từ miền Trung trở vào) đều giống nhau là không có cà phê độn như bây giờ.
Cà phê độn là gì? Đó là loại cà phê được trộn thêm vào đó bắp, đậu phộng, đậu nành. Bất cứ loại đậu gì, cốt để giảm thiểu số lượng cà phê thật sự hầu mang lại tiền lời gấp nhiều lần cho người làm ra nó, bán nó. Và số lượng chất độn đó gia tăng nhiều đến nỗi mới đây, có nhiều nơi sản xuất cà phê, nhưng trong đó hoàn toàn không có chút cà phê nào. Chỉ có đậu, phẩm màu công nghiệp và chất tạo mùi cà phê. Tức là khi uống cái chất đen kịt như vậy, chúng ta đã đưa vào trong cơ thể chúng ta một số lượng chất độc đáng kể. Mấy chi tiết này chúng ta đọc nhan nhản nơi báo điện tử trong nước bây giờ.
Cần nói thêm một chút, trước 75 không biết đến chữ "độn" và cũng không có cà phê độn bắp. Chỉ có cà phê ngon, hoặc dở, do cách rang xay mà thôi.
Mấy năm trước khi về thăm nhà. Tôi mang theo mấy bịch cà phê Starbucks vì không muốn phải đi uống thứ cà phê đáng sợ đó. Đồng thời cũng muốn cho mấy cậu em biết mùi vị cà phê Mỹ ra sao. Cà phê Mỹ giờ uống rất ngon, có lẽ họ không trộn nhiều cà phê Robusta trong sản phẩm của họ như trước. Starbucks chỉ dùng Arabica nên cà phê uống dịu và ngon.
Pha cà phê uống xong, không thấy cậu em nào nói tiếng khen ngon dở gì cả.
Mấy hôm sau hỏi cậu em, cà phê uống ngon không em?
Cậu trả lời uống cũng được!
Lúc ấy tôi hơi bất ngờ. Vì biết chắc đám em út quê nhà chỉ uống có cà phê độn bắp, đậu nành, hoặc có quỷ mới biết có gì trong đó.
Như vậy là cà phê của tôi dở. Tôi đã uống cà phê từ lúc chú còn nhỏ xíu! Không lẽ vị giác của tôi có vấn đề sai lạc? Chắc chắn không phải vậy.
Hôm sau mấy cậu em rủ đi uống cà phê. Phải nhìn nhận những quán cà phê ở Việt Nam tôi đã tới đều rất đẹp, trang trí công phu tráng lệ, nói theo ngôn ngữ bây giờ là "hoành tráng". Quán này cũng vậy. Là một căn nhà cổ với những cột gỗ lên nước đen bóng. Trong một khu vườn đẹp đẽ rất nên thơ. Có hòn non bộ và một hồ cá quá chừng đẹp.
Tôi gọi cà phê đen. Tôi chỉ uống đen từ khi biết nó. Cà phê màu đen một cách khác thường. Cũng nhắp thử một chút. Nó hơi có mùi cà phê, nhưng không có "vị" mà tôi quen thuộc bao năm nay.
Các cậu em uống cà phê vui vẻ thoải mái. Ly nào cũng uống cạn. Tôi nhắp một chút và không uống nổi. Chắc anh không quen uống cà phê Việt Nam?
-Cà phê pha đậm quá, anh quen uống hơi lợt một chút. Nhưng cà phê ở đây uống nghe "độn" rõ ràng, khó uống quá. Tôi nói.
Mấy cậu em cười xoà như thông cảm cho ông anh khó tính. Tụi em quen uống thứ cà phê này. Cà phê anh mang về uống lạt nhách!
Về lại Sài Gòn. Một người bạn lính cùng đơn vị ngày xưa dẫn tới một quán cà phê cũng yên tĩnh và đẹp như mơ. Quán Tre, Trúc gì đó không nhớ nữa. Già rồi hay sao mà chuyện gì cũng nhớ mài mại.
Kêu ly cà phê đá. Cũng cố nhưng không uống được bao nhiêu. Bạn hỏi: cà phê ở đây ngon có tiếng đó ông. Ông ở Mỹ lâu rồi nên không uống cà phê Việt Nam hả?
Tôi cười không trả lời. Mà cũng không biết nói sao. Cũng như các em tôi. Bạn của tôi đã quen ngồi trầm ngâm với những ly cà phê đen đặc quánh được làm bởi những nguyên liệu không hề biết xuất xứ ra sao. Nhưng họ vẫn thấy thơm ngon. Trong khi tôi nhìn thấy, cảm thấy đó không phải cà phê thuần tuý thì không nói ra được.
Họ vẫn ngồi. Vui vẻ hân hoan bên nhau, phì phèo thuốc lá. Bên cạnh ly cà phê chứa đầy những chất đáng ngờ. Có thể họ cũng biết điều đó. Nhưng cũng vẫn uống.
Còn những người khác, không chấp nhận cà phê "dởm" sẽ trở thành cô đơn khi kiếm cho mình một chỗ nào đó chỉ có cà phê "thật".
Có vẻ như sống lâu trong một môi trường nào. Con người trở thành thân quen với nó. Như đa số người uống cà phê biết nó đầy bắp. Thay vì cùng nhau tẩy chay những chỗ làm ra loại cà phê đó. Đi kiếm chỗ tốt để uống. Thì họ e ngại tốn tiền tốn sức. Và sợ rằng uống cà phê thiệt không ngon, thậm chí không chấp nhận cái mới, giống như không thích loại cà phê tôi mang về, cho dù biết rằng nó...nguyên chất.
Cứ để vậy, mặc kệ nó. Chẳng muốn thay đổi gì. Vẫn bình an vui vẻ thưởng thức những ly cà phê đầy "chất độc" thân quen. Vì vậy mà Việt Nam có câu "sống chung với lũ".
Có thể cũng đúng. Vì nhờ "lũ" mà vô số người dựa vào đó ăn nên làm ra, do vậy họ chẳng muốn thay đổi. Mà còn hãnh diện với những gì đang có. Quen thuộc không thể thiếu với những gì họ đang sống. Như đi biểu tình thì mang cờ đỏ đi để "tăng khí thế", mà không nghĩ rằng khi chính cái lá cờ đó đã xô đẩy họ tới đường cùng.
Vì vậy tôi chẳng muốn nói gì khi một người bạn khác kể những nơi ăn chơi, du hí ở Việt Nam, và kết luận: bên Mỹ tụi mày chẳng ăn chơi bằng Việt Nam đâu. Mày bên đó đi làm về ăn rồi ngủ không đi đâu, chứ đây cái gì cũng có. Tối nào tao cũng có độ. Tôi cũng không hỏi là độ gì. Chắc cũng chỉ nhậu nhẹt và gái. Tôi nghĩ thế.
Bất ngờ lòng thấy vui khi thấy gần đây, đã có những quán cà phê "xịn" với không khí ca nhạc đẹp chất nghệ sĩ, qua Facebook thấy quảng cáo của vài khuôn mặt trẻ rang xay cà phê nguyên chất, đóng bao đẹp đẽ xinh xắn, giống như chủ của nó. Nhưng chắc cũng chỉ cho một số nhỏ những người có tiền.
Hy vọng ngày nào đó, sẽ không còn cà phê "dởm". Hình như quán cà phê ở Tây Ninh và Sài Gòn,có một điểm giống nhau, là họ để nhạc tình ca Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng,Trần Thiện Thanh v,v,v. Không nghe thấy nhạc "dởm".
Tôi vẫn còn hy vọng.
"Một khi ta chọn hy vọng , bất cứ điều gì cũng có thể "
(Christopher Reeves)

Nguyễn Khôi Việt

Sunday, March 5, 2017

                                               
Đến trường

Chào Em ngày hội ngộ


Chào em áo trắng đang vào lớp
chân sáo tung tăng rộn khắp trường
thêm tiếng con chim nào rất lạ
đậu trên cành trúc hát vang vang

thương quá làm sao thời tuổi ngọc
tóc mây vương vãi suốt hồn thơ
nụ cười má lúm càng mê đắm
khiến kẻ tình si luống ngẩn ngơ

chào em áo trắng ngồi trong lớp
tay ấp từng trang giấy học trò
nhưng mắt ô môi như muốn nói
long lanh hờn dỗi rất ngây thơ

làm nhớ một thời quen núp lén
sau lưng nhìn trộm bước chân chim
tơ trời lại ngỡ mùi hương ngọt
ướp mật vào tim ngây ngất them

chào em áo trắng giờ tan học
gót ngọc làm mây vỡ cuối trời
phố nhỏ buồn hiu chợt thức giấc
những hàng phượng cũng vỗ tay vui
Chỉ chút hương xưa
còn sót lại...

chào em áo trắng ngày tao ngộ
sách vở, mộng mơ đã xác xơ
chỉ chút hương xưa còn sót lại
trong hồn thơ chết khóc bơ vơ

chiều nay lạc bước về trường cũ
lớp học hắt hiu dưới nắng vàng
hoa phượng rơi đầy vương trước cổng
trên hàng ghế đá vắng em thương.

Mường Giang.
(Trich thi tập :
Bất chợt bâng khuâng nỗi nhớ nhà.2010. )