MA ( ảnh chụp bởi Tư Đại Gia)
Thế giới bên
cạnh chúng ta
Nguyễn Khôi
Việt
👻Những
chuyện ma dưới đây chỉ là những gì người kể là tôi đã biết, đã trải qua hoặc nhớ
lại. Hoàn toàn không chịu trách nhiệm nếu sẽ làm ai đó mất ngủ. Hoặc nếu không
cảm thấy sợ thì người kể cũng không chịu trách nhiệm luôn 👻
Vào buổi tối,
nếu tôi cần những thứ như vài chai rượu, mấy bịch Hurricane mix
( một loại bột
dùng để pha rượu Hurricane, một loại rượu cocktail nổi tiếng của New Orleans) hoặc
bất cứ đồ vật gì phải lên kho trên lầu của nhà hàng thì hầu như nhân viên của
tôi, nam cũng như nữ đều sợ phát rét và phải rủ thêm một người nữa đi cùng. Sợ
lắm. Bọn họ nói. Lên đó đi qua hành lang lúc nào cũng thấy như có ai đứng nhìn
sau lưng mình.
Hình như người
Mỹ có vẻ sợ ma hơn người Việt Nam. Tôi cũng biết nhà hàng này có ma, nhưng chẳng
có gì để sợ, chắc tại tôi cứng bóng vía. Trong nhà hàng chỉ có một waitress người
Việt, tên Kim, chê bọn waiters kia chicken (nhát) nhưng có buổi chiều cô lên lầu,
tôi nấp sau cánh cửa cầu thang hù. Cô ngã đùng ra sàn, tưởng chết, tôi cũng hết
hồn. Cô nói, cái nhà hàng này có ma anh ạ. Vào trong nhà kho sao thấy lạnh hết
cả gáy luôn.
Mà có nhiều
chuyện không tin cũng không được. Ở trong bếp nhìn qua ô cửa của bàn máy rửa
chén ra hành lang, mấy bà bếp nói hay có bóng người đứng đó, nhìn thẳng thì
không thấy, nhưng ngó lơ chỗ khác qua đuôi mắt lại thấy. Một hôm đang đứng nói
chuyện với bà bếp Delores trong bếp thì cậu em bước vào. Bà ngạc nhiên hỏi, sao
nãy giờ mày ở trong walk in-cooler lâu vậy? Em tôi nói "tôi tới nhà hàng
là vô đây liền, đâu có vào cooler?"
Bà Delores
nói, hạ giọng làm như có ai nghe: tại tao thấy bóng của mày mới đi vào đó mà.
Ba người chúng tôi cùng cười, vì đều biết đó là cái gì.
Mấy ngày trước,
cậu nấu bếp cũng người Việt, vào trong cooler lấy đồ ra nấu, tự dưng tung cửa
chạy ra kêu thất thanh: ma, ma. Cái quai xách của thùng 5 galons Pickle đưa lên
đưa xuống như có ai cầm. Cậu ta nói.
Chừng tháng
sau, cậu em tôi vào trong cooler cũng thấy cái quai xách nhưng của thùng đồ
khác, cũng cử động như vậy. Tôi thử vào mấy lần, nhưng không thấy gì. Chắc tại
lúc tôi vào có nghĩ trong bụng, mày mà nhúc nhích là tao đá bỏ mẹ. Nên tụi ma
nó sợ.
Cũng trong bếp.
Một lần chú em tôi luộc nguyên một tá trứng để sẵn cho waiter bỏ vào salad. Lúc
luộc xong, chú bỏ hết vào một cái rổ nhựa, khi xoay người để đặt cái rổ lên bàn
bếp, chú cảm thấy như hai tay cầm rổ va trúng một cái gì, làm mấy quả trứng rớt
ra sàn,nhưng thật ra đâu có cái gì ở đó, chú liền để rổ trứng lên bàn, rồi lượm
mấy quả trứng bị rơi để lên bàn để bóc vỏ. Lúc ấy mới để ý là tất cả mọi quả trứng
vỏ đều bị nứt vỡ như vừa rơi xuống sàn.
Một bà bếp
già khác tên Dorothy, chúng tôi gọi bà là Mrs Dot, một hôm mở cửa cái cooler nhỏ
để lấy cheese ra nấu thì cả một hộp lớn đựng cheese phóng ra ngoài, bà lập tức
la làng và bỏ chạy. Lúc đó mới chừng 8 giờ sáng, chỉ có tôi với bà cùng cậu
rửa chén. Chúng tôi được một trận cười đã đời. Cooler cũng giống như tủ lạnh
nhưng thiết kế lớn hơn và chắc chắn hơn cho các nhà hàng. Một thỏi cheese lớn 2
pounds tức là một ký không thể tự động phóng ra ngoài như vậy được, trừ khi có
một tác động vô hình nào đó.
Đấy là dưới bếp,
còn nhà trên tức là phòng ăn chính có ma không. Có chứ. Một hôm lúc đóng cửa
nhà hàng và đang check out cho nhân viên. Lúc đó chỉ còn cô Dee và một chàng
tên Jason. Dee đang đếm tiền. Tôi đang check out cho Jason, chợt thấy lò sưởi vẫn
còn cháy ánh lửa, tôi bỏ chùm chìa khoá nhà hàng có chìa khoá ga lên góc quầy
bar nhờ Jason tắt dùm. Và rồi cả ba chúng tôi đều thấy chùm chìa khoá từ từ bò
ra góc quầy rồi rớt xuống sàn. Thế là cả Dee lẫn Jason đều chạy một mạch ra đường.
Tôi phải chạy theo kêu vô check out còn về. Cả hai đứa đều run lập cập. Lạ
một cái là khi rớt xuống sàn nhà, chiếc chìa khoá lò sưởi văng ra khỏi chùm.
Làm sao nó văng ra được, đấy mới là đáng nói.
Có hôm chỉ có
tôi, cô Dee và chú em đứng nói chuyện sau khi check out cho Dee xong, cô đang đứng
dựa vào quầy uống ly Bloody Mary thì bỗng nhiên, nắp của cái hộp đựng tăm
(toothpick holder) trên mặt quầy gần cô tự nhiên rời khỏi cái nắp và bay lên
không. Tội nghiệp cô Dee lại một phen bỏ chạy khỏi nhà hàng, về nhà luôn.
French
Quarter này có những historic sites cần cảnh sát ở đó canh gác ban đêm, nhưng
các chàng cảnh sát đều ngồi ngoài xe chứ không vào trong. Có lần tôi hỏi một
người cảnh sát quen, bên trong có thấy gì ghê gớm không?. Anh ta nói ban
đêm vô đó tâm hồn mình hoang mang lắm, có những tiếng nói, âm thanh kỳ lạ quái
gở bên tai mình. Đi đâu cũng cảm thấy có ai đó đứng nhìn sau lưng. Cho nên ngồi
trong xe ngoài đường cho khoẻ.
Lầu trên của
nhà hàng, căn phòng phía trong dùng làm office, bên ngoài là nơi lưu trữ giấy tờ
sổ sách cùng đồ đạc sửa chữa như máy xịt nước, kềm búa mỏ lết v,v...nhiều lần
buổi tối ngồi trong office thường nghe tiếng bước chân nhè nhẹ đi bên ngoài. Một
hôm chú em tôi ngồi nghe tiếng gõ cửa, em nói: come in, please. Không thấy ai
vào. Hồi lại nghe tiếng gõ cửa tiếp, rồi cũng không thấy ai vào. Hồi sau lại
nghe tiếng gõ. Em tôi bực mình quá vì nghĩ Walter, một người bồi bàn thường
hay giỡn phá với em , nên khi vừa nghe gõ là em nhảy ra mở cửa. Nhìn không thấy
ai hết, lúc đó em mới nghĩ là bị ma phá nên cũng hoảng và phóng xuống nhà dưới
liền.
Một buổi
sáng có hai anh em nọ vào nhà hàng, tôi nghĩ họ tới ăn trưa nên mời ngồi. Nhưng
họ không ngồi và nhìn hoài vào chân cầu thang trong góc phòng ăn. Tôi lại nghĩ
họ muốn quan sát cái cầu thang vì nó được làm bằng Redwood, tay vịn rất đặc biệt
từ năm 1874. Họ bảo họ không quan tâm tới lịch sử của nó, và hỏi tôi: nhà hàng
này có ma không?
Tôi trả lời họ
là có. Thế rồi họ nói với tôi cách đây mấy tháng, cha mẹ của họ từ New York về
đây chơi, ngồi ở bàn ăn dưới chân cầu thang, sau có nhờ một waiter chụp cho tấm
hình kỷ niệm. Khi về lại New York mang cuộn phim đi rửa thì thấy giữa hai người
họ là một khuôn mặt u ám của một người đàn ông. Nhìn rất ma quái ( spooky ) họ
nói vậy. Tôi bảo hai anh em, nói với cha mẹ khi nào tới New Orleans chơi thì
ghé đây ăn.Tôi sẽ không tính tiền.
Về sau tôi
cũng thử chụp hình vòng vòng trong nhà hàng mà chẳng thấy con ma nào.
Cây cầu thang
này nằm gần cuối phòng ăn, dẫn lên lầu trên, giữa văn phòng và nhà kho. Một hôm
tôi tới mở cửa nhà hàng, lúc ấy còn sớm, nhân viên chưa ai tới. Khi vừa mở cửa,
trong ánh sáng mờ mờ tôi thấy bóng một người thiếu nữ ngồi khoảng giữa cầu
thang, trang phục váy dài nhìn rất cổ xưa. Tôi chỉ kịp nhận thấy trong vài giây
trước khi cô biến mất, nhoà đi trong không gian .
Nhà em gái
tôi ở Destrehan Plantation, New Orleans trước khi dọn qua California cũng bị ma
quái phá phách. Cậu em rể nói vào một buổi tối thấy 3 con ma bay lượn đu bám
nơi cây quạt trần nơi phòng khách. Tôi hỏi hình dáng tụi nó ra sao. Cậu em nói
chúng nó đen thui, to như người mình, có đuôi dài. Tôi không bàn thêm, e rằng
em gái tôi sẽ sợ. Nó yếu tim lắm . Đen thui và có đuôi như vậy là quỷ chứ còn
ma mãnh gì nữa.
Ông già John Sawyer làm manager ban ngày trong nhà hàng từ đời chủ trước
khoảng thập niên 80, tiếp tục làm việc với tôi bắt đầu từ năm 95.
Là một cựu
trung sĩ Hải Quân Hoa Kỳ, ông thường kể những kỷ niệm của thời gian khốc liệt
khi khu trục hạm của ông bị không quân Nhật oanh tạc ở Pearl Harbor. Thật kinh
hoàng và cũng may mắn sống sót. "Nhưng tao cũng như mọi người đã chiến đấu
hết mình. Những ngày đó đúng là một địa ngục trần gian". Ông nói.
Nhưng ông lại
không thù người Nhật. Ông đặc biệt căm ghét người Nga. Khi nhà hàng có những
người khách Nga, ông tỏ thái độ khó chịu và bực bội rất dễ nhận thấy. Đôi khi
ông từ chối không nhận những người khách Nga vào ăn. Tôi có lần khuyên ông đừng
tỏ thái độ với tụi Nga như vậy, vì sợ rằng có người sẽ thưa kiện ông, thưa kiện
nhà hàng vì kỳ thị. Ông trả lời, tao chẳng quan tâm, tao chịu hết. Và khi tụi
nhà báo tới đây, tao sẽ nói cho cả thế giới biết về chúng nó. Ông có người yêu
người Ba Lan, chết trong cuộc xâm lăng của Liên Xô hồi ấy vào Ba Lan. Nên ông
ghét người Nga cũng đúng.
Ông còn kể
tôi nghe về cuộc thảm sát người Ba Lan ở rừng Katyn nữa. Cũng thông cảm cho
ông.
Sáng nào cũng
vậy, ông dậy rất sớm. Qua bên nhà hàng lúc 6 giờ, pha một bình cà phê, ngồi
đọc báo, nhà hàng chỉ cách căn phòng của ông mấy bước bên kia đường Bourbon.
Căn phòng này người chủ cho ông ở từ hồi năm 80, khi người chủ đất nhận
ra John Sawyer là người đã cứu sống ông ta trong trận Pearl Harbor. Ông
cho John Sawyer ở căn studio rộng mênh mông mà không lấy tiền từ dạo đó. Tình đồng
đội là một cái gì vô cùng thắm thiết. Đôi khi không thể diễn tả được. Và sự nhớ
ơn đó thật nhân bản đáng kính trọng
Sáng hôm ấy,
cô Cheryl làm manager ban ngày, như thường lệ đến mở cửa nhà hàng lúc 8 giờ,
và thấy John Sawyer nằm chết gần chỗ ông hay ngồi đọc báo uống cà phê. Ông chết
vì heart attack.
Ông không có
vợ con cũng như người thân. Nhưng sau tôi được biết ông có một căn condo cho
thuê ở Florida, cũng như một cái mutual fund. Ông đã viết trong di chúc tất cả
những lợi tức đó đều dành cho cựu chiến binh Hải Quân Hoa Kỳ một khi ông qua đời.
Cô Cheryl và
nhiều nhân viên khác, có lúc bất chợt thấy ông ngồi trầm tư đâu đó trong nhà
hàng. Đôi khi nghe tiếng tằng hắng phát ra cái bàn ông hay ngồi . Tôi thì không
gặp.
Bà cụ già bên
cạnh nhà hàng nói: nhà tao cũng có ma. Bên nhà hàng mày tao nghe nói ma lâu rồi.
Cũng không có gì lạ, vì lúc chiến tranh, khi hải tặc lừng danh Jean Lafitte
hùng cứ vùng New Orleans và Bavartaria. Nơi đây là khu vực dùng làm bệnh viện của
quân đội. Mà cũng kệ, họ chẳng làm gì mình, sinh sống nơi đây quen rồi mà. Biết
đi đâu. Bà cụ nói tỉnh bơ. Nếu mày có thì giờ thì đọc kinh. Bọn họ cảm kích lắm
đấy.
Nhưng không
phải nơi nào những vong hồn lảng vảng đó cũng cảm kích những lời cầu kinh cho họ.
Sau này khi em trai tôi mở một nhà hàng ở ngoại ô, chỗ này nhỏ đẹp xinh xắn, đa
số là khách quen người địa phương. Tất nhiên là chủ đất chẳng nói gì về chuyện
toà nhà này có ma. Sau khi khai trương vài tháng sau mới biết những đám ma mãnh
ở đây phá phách ngoài sức tưởng tượng. Một tối sau khi đóng cửa, cô em dâu đang
dọn dẹp trong nhà bếp thì thấy qua khung cửa kính một khuôn mặt quái gở đỏ gay
đang dán sát vào kính nhìn vào. Cô la thất thanh gọi em tôi, cả hai vợ
chồng cùng thằng cháu chạy vội ra ngoài để xem là ai. Chẳng thấy ai cả vì đắng
sau nhà bếp là chỗ đậu xe vắng lặng, chung quanh không có nhà ở gần kề. Cô em
dâu tôi sợ lắm, biết là ma nên thường xuyên đọc kinh cầu cho các linh hồn,
nhưng hình như không thay đổi gì mấy. Một hôm, khoảng 9 giờ bắt đầu
ngớt khách. Cả hai vợ chồng đang ở trong bếp đều nghe trên phòng ăn tiếng người
râm ran ồn ào nói chuyện, tiếng bàn ghế kéo như có người ngồi. Mừng quá tưởng
có khách vội chạy ra, nhưng chẳng nhìn thấy ai. Hai người hầu bàn và một
doorman đang ngáp dài, nói chúng tôi nãy giờ ngồi đây mà. Đâu thấy ai!
Hai con
của em tôi cũng làm hầu bàn và đứng pha rượu trong nhà hàng, đã nhìn thấy vài lần
có người ngoài cửa đi thẳng vào restroom, lâu không thấy ra, chúng nó tới gõ cửa
coi sao thì không thấy gì.
Có hôm cô em
dâu vừa bước trong restroom thì nghe phòng bên cạnh có tiếng thở dài não nuột.
Cô nói, lúc ấy em nghe mà dựng tóc gáy, lạnh toát cả người vì sợ, lúc đó khoảng
hơn 8 giờ sáng, nhân viên chưa ai tới. Nghe rất rõ ràng, vì như các bạn
cũng biết, vách của restroom bên Mỹ đa số làm bằng ván ép bọc nhựa vinyl,
dày khoảng 2 inches. Có thể nghe rõ âm thanh của phòng bên cạnh. Và cô biết rõ
lúc ấy, em trai tôi đang nấu đồ ăn trong bếp.
Một tối vắng
khách, đóng cửa sớm đi chợ mua rượu. Khi lùi xe khỏi parking, chú em giật nẩy
mình vì có cảm giác bánh xe sau cán lên một vật gì mềm mềm giống như thân người.
Cả hai vợ chồng đều nhảy xuống xe nhìn vì cứ tưởng đã cán trúng ai đó. Nhưng
nhìn kỹ dưới gầm xe thì chẳng có gì cả. Hình như họ cố tình phá em tôi, nên sau
khi đi tới chợ mua rượu xong, lùi xe lại để chạy về nhà, lại bị phá như vậy một
lần thứ hai.
Và còn vô số
những phá phách khác như đồ đạc trong nhà bếp tự di chuyển, cửa freezer đôi khi
tự mở ra, nghe tiếng đổ vỡ trong nhà kho. Vật dụng để trên nóc tủ lạnh bay xuống
đất. Ngoạn mục nhất là một hôm, có một bà khách rất già tới ăn tối, một cuốn thực
đơn ở trên quầy bar, cách mấy bước tự dưng bay cái vèo tới bàn. Bà khách
đó cười và nói, chuyện này không lạ với tao. Vùng này hồi xưa của bọn da đỏ, tụi
nó phá phách dữ lắm.
Lâu lắm rồi,
đâu khoảng 67, 68. Bá của tôi, ( bác gái- tiếng miền Nam, là chị của mẹ) kể tôi
nghe một chuyện hồi bá còn ngoài Bắc. Bá có một người bạn gái đột nhiên qua đời
vì bệnh. Thương nhớ quá nên đôi khi bá hay ra nghĩa trang thăm mộ và đọc một
tràng hạt 50 kinh cho bạn. Đến một chiều kia bá đang đọc kinh trước mộ thì thấy
người bạn gái hiện ra trên mộ,khôn mặt đau đớn với lửa cháy đỏ rừng rực chung
quanh. Người đó nói với bá tôi: đừng đọc kinh cho tôi nữa. Tôi bị sa hoả ngục rồi.
Tôi tin bá vì
bá của tôi là một người rất hiền lành và đạo đức thánh thiện. Nhưng hồi ấy tôi
có hỏi bá, bà ấy làm tội gì mà sa hoả ngục vậy? Bá không nói. Chắc bá không muốn
nói gì về một người đã khuất.
Lúc tôi ở tù
Cộng sản về, tôi lang thang một cảnh ba bốn quê, lúc ở Sài Gòn, lúc về Bảo Lộc
với em và con, sau dọn về Bà Rịa ở, chạy xe đò, xe lam, làm lụng trồng rau cầy
cuốc qua ngày. Cạnh nhà tôi, chỉ cách một con đường đất nhỏ là gia đình ông bà
Lợi, hai ông bà cụ người hiền lành tử tế, ngoan đạo . Ông bị bệnh mà tôi chắc
là bệnh già, vì ông càng ngày càng yếu dần. Sau ngày an táng ông đâu chừng tuần
lễ, khoảng 3,4 giờ sáng gì đó tôi nghe tiếng chó sủa râm ran từ hướng
nghĩa địa cách nhà tôi khoảng 400 mét. Nằm nghĩ chắc có đám vượt biên nào không
lọt đi về nhà, mà nhiều người lắm hay sao mà chó sủa rất gắt, nhưng khi gần tới
nhà ông bà Lợi thì ngưng. Tôi ngủ tiếp vì nghĩ chẳng có gì quan tâm. Đi ra nhìn
chỉ gây thêm khó chịu cho họ.
Đến trưa, khi
tôi qua thăm bà cụ, bà hỏi: chú Việt ban sáng có nghe chó sủa không?
- Cháu có nghe chó sủa dữ lắm, chắc
đám nào vượt biên bị bể.
- Tôi cũng nghe suốt từ lúc ấy. Rồi
tôi nghe tiếng ông ấy nói qua cửa sổ "mẹ con chịu khó nhá".
Tôi hỏi
thế bà có sợ không? Bà nói sợ gì. Tôi còn muốn nhìn thấy ông ấy nữa chứ.
Bà cụ chắc
cũng theo ông ra nghĩa địa từ lâu. Năm ấy bà cũng già lắm rồi.
Ngày mẹ tôi mất
năm 89, lúc ấy tôi vẫn còn ở Việt Nam. Không có chuyện gì lạ lùng xẩy ra. Nhưng
các em tôi lúc đó ở 3 tiểu bang khác nhau cùng một đêm đều nghe có những tiếng
động lạ lùng, và cảm giác như người đang đi lại, tới mức tôi phải dậy mở đèn
coi trong nhà vì nghĩ là trộm.
Lúc tôi qua Mỹ
đâu mấy tháng sau, cô em dâu kể tôi nghe, có mấy đêm liền cô nhìn thấy một thằng
người to kinh khủng mà thân mình nó toàn là đá, nó đứng đè chân nó lên người
làm cô sợ vô cùng và thở không được. Tôi lại nghĩ cô bị vấn đề như đau tim, yếu
tim và khuyên nên đi khám tim càng sớm càng tốt. Cô nói tim em tốt lắm, không
có bịnh gì hết. Em nhìn thấy nó rõ ràng chứ không phải nằm mơ.
Trong
ngày Chúa Nhật sau đó, lúc đang ở nhà tôi ăn trưa như thường lệ sau buổi lễ
sáng. Cô em ruột tôi kể " hôm qua em mơ thấy mẹ về, mẹ nhìn buồn lắm và
nói với em là mẹ muốn tới thăm vợ chồng thằng Thọ (em ruột tôi) mà không được,
vì có thằng người đá cản đường không cho mẹ vào.
Cô em dâu sợ
quá, dĩ nhiên. Vì như vậy thằng người đá cô gặp đó chính là ma rồi.
Nhưng nếu xét
về khía cạnh tôn giáo, sẽ nghĩ như thế nào đây, bên Công giáo tin là khi chết sẽ
xuống Hoả Ngục hoặc lên Thiên Đàng. Phật giáo cũng vậy nhưng có thêm phần đi đầu
thai. Có thể sau một thời gian, linh hồn sẽ siêu thoát và đi về một cõi, một thế
giới nào đó chúng ta không hiểu được.
Khôi Viêt ( hết phần một)