Monday, April 29, 2019



                      Thê lương..( ảnh từ internet.)



Hôm nay tẩn mẩn ngồi đọc lại. Mới nhận ra một điều là ngày đó, trên đường đi kiếm chồng trong những ngày cận kề sụp đổ của tháng Tư, nếu chẳng may có điều gì đó xẩy ra với em tôi. Thì không biết những chuyện gì sẽ đến với hai con của tôi lúc đó gởi người quen ở Sài Gòn. Nghĩ mà rợn cả người, và cám ơn Chúa đã không để những điều ghê gớm xẩy ra, Chúng tôi vẩn còn nhiều may mắn, và được ơn trên phù hộ.
 Bao nhiêu người đã không có cái may mắn đó.
( KV)

NHỮNG NGÀY THÁNG KHÔNG QUÊN.

Ngày 24 tháng 4
Buổi sáng, trời còn tối đen đã ba lô súng đạn lên GMC đi về hướng Trảng Bàng, Tây Ninh, nửa đường thấy pháo 130 ly nổ dọc theo quốc lộ, nó bắn để thị uy chứ xóm ấp hai bên đường đâu có đơn vị bạn nào ở đó, chỉ trúng sập nhà chết dân thôi.
Tiểu đoàn đổ quân xuống Lộc giang để giải toả xã này. Nếu không được thì một đại đội của tiểu đoàn bạn nằm ngoài trại Tân Hoà cạnh bờ sông Vàm Cỏ Đông sẽ đi đứt vì mấy ngày nay bị pháo dữ lắm. Thằng em cũ của mày đấy. Chắc mày mắc nợ nó. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng nói.
Đoàn văn Tiến- Tiến râu - đại đội phó của tôi trước kia, bây giờ qua làm đại đội trưởng của tiểu đoàn khác, lòng vòng rồi cũng gặp nhau. Nó bị vây mấy ngày rồi. Nghe nó báo qua máy truyền tin. Pháo dữ lắm anh, anh không vô được chắc mấy thằng em bị thương hôm giờ chết hết quá. Quên nói nó cũng là anh em kết nghĩa với tôi. Dân Huế chính gốc, râu quai nón, uống rượu bằng tô. Ngang tàng không ai bằng.
Buổi chiều tối. Tiến quân qua cánh đồng ruộng khô bị khựng lại, liên đoàn báo xuống trên hướng tiến quân có đồn nghĩa quân bị đóng chốt ngay bên ngoài vòng rào, chỉ có hai ba chốt thôi nhưng mấy anh nghĩa quân chịu trận không ra được. Tiểu đoàn trưởng nói đào hố nằm. Đêm xuống, ông kêu bên trong đồn nằm yên không được nhúc nhích bắn chác gì hết. Ngoài này ông đích thân cầm ống dòm hồng ngoại tuyến chỉ huy trung đội thám báo bò vào đánh lựu đạn.

Ngày 25 tháng 4
Cả tiểu đoàn nằm lại bố trí chờ cho dân trong xã chạy ra, không nhiều lắm vì tụi nó kềm chế, không cho dân di tản. Nhưng vẫn phải chờ vì nếu vào sẽ đụng lớn, chỉ chết dân thôi. Lúc này pháo 130 li từ hướng Đức Huệ bên kia sông bắn qua, và từ Chà Rầy mật khu Bời Lời bắn tới. May sao từ sáng đến giờ chưa có em nào bị dính miểng. Pháo 130 li miểng nào miểng nấy bằng cái tô. Có điều họ cũng không bắn vào trong xã. Chắc tại họ đặt bộ chỉ huy trong đó, còn những đám chốt quanh làng bắn AT3 và 82 không giật ra như mưa. ĐM...chắc hồi nào giờ tụi nó không được bắn. Lính chửi đổng. Từ đầu tháng đến giờ trời không mưa, nắng đổ lửa trên đầu.
Không có đường nào đánh ngang hông. Cả tiểu đoàn tiến theo hình chân chim vào mục tiêu.Pháo nhiều quá. Dễ chừng có đến ba vị trí pháo 130 li đang thả dàn bắn TOT( time on target) vào chúng tôi. Lên được chút nào thì đào hố nằm lại chịu. Hai cây 155 của sư đoàn 25 nằm ở sân banh gần thánh thất Cao Đài bị pháo trúng nổ tan tành, pháo 105 của quận Trảng Bàng cũng bị không khá gì hơn. Bây giờ chỉ còn đánh bằng hoả lực cơ hữu và tác chiến cá nhân mà thôi.

Ngày 26 tháng 4
Đào hố cá nhân nằm hai bên con đường, pháo bắn lai rai dọc theo đường và bìa xã từ sớm đến giờ. Bây giờ thiếu tá tiểu đoàn trưởng bận rộn với dàn hoả tiễn của "ngài" để phản pháo lại vị trí của mấy cây 130 li từ bên kia Vàm Cỏ Đông bắn qua. Hoả tiễn xin bên mấy xếp của Không quân. Phóng bằng ống phóng của trực thăng đặt trên xe Dodge. Hôm đóng quân trong nhà máy đường Hiệp Hoà năm trước, ông chỉ tấm bảng đồng ghi tên vài nhân viên của nhà máy gì đó trong nhà máy. Mày nhớ chỗ này nghe. Kiếm cho tao cái cưa sắt. Làm gì thiếu tá. Ăn trộm chứ làm gì mày. Đêm đó hai anh em ngồi cưa được một miếng lớn bằng hai bàn tay. Mấy hôm sau ngài ngồi hì hục mài đục dũa cả ngày. Sau đó ông hớn hở đưa tôi xem công trình hoàn tất là một bảng chia độ cái máy nhắm tự chế cho giàn phóng hoả tiễn của ông. Bắn xa vài cây số không biết sai lệch ra sao. Chứ lúc đánh "chốt" tầm xa 4,5 trăm thước bắn không trật chút nào.
Trong khi người dân chạy tán loạn từ Tây Ninh về Sài Gòn, thì em chạy ngược dòng người, một mình một xe lên kiếm chồng. Không biết làm sao mà cũng mò ra hậu trạm.
Trung uý Trình- đại đội trưởng Chỉ Huy Công Vụ chở em đến chỗ tôi đang bố trí quân. Đang pháo thế này mà chạy xe lạnh mỏ ác quá. Trình càu nhàu. Ông đặc biệt lắm thiếu tá mới để bà ấy vô chỗ này đó.
Nhảy xuống hố cá nhân ngồi nói chuyện trong lúc pháo rải rác khắp nơi, em nói: anh ơi về với em đi. Ở Sài Gòn người ta đi nhiều lắm.
Tôi chỉ cho em thấy 3 trung đội đang bố trí phía trước. Em nghĩ, anh là cái đầu mà dễ dàng bỏ đi vậy à. Em im lặng, nắm tay tôi. Em rất buồn và lo lắng, lúc nào cũng mang vẻ chịu đựng.
Chở em ra ngoài quốc lộ 1, pháo 130 li của chúng nó vẫn bắn dọc theo hai bên đường. Lạ cái là xe đò vẫn chạy. Với dân mình, chiến tranh một lúc nào đó đã làm con người chai lì và cứng cỏi ít có người dân nước nào sánh kịp. Tôi đưa em lên xe. Vì không dám để em chạy Honda một mình trên đường với quá nhiều bất trắc. Chiếc xe sau này lúc chuyển quân đi, phải gởi lại Tha La xóm đạo. Mất.

Ngày 27 tháng 4
Chiếm được mục tiêu hoàn toàn vào buổi chiều. Có một chiếc Tinh Long C119 yểm trợ rất chăm chỉ cần mẫn. Đào hố nằm nghỉ lại trong làng, bên cánh trái có tiểu đoàn 1/50 của sư đoàn 25. Cũng nhẹ bớt phần nào. Đi vòng quanh kiểm soát, thấy nhà cửa, dân chúng thật là bi thảm. Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng kêu tôi đi với ông ra bìa làng, trèo lên xà ngang của một căn nhà ngói lớn trổ mái ngói trên nóc nhà, quan sát mục tiêu để vào cứu "thằng em". Chắc tiền sát viên của họ trông thấy, nên bắn gần chục trái 130 li xung quanh. Hai anh em bị sức nổ ép rớt từ trính nhà xuống. Nằm một hồi mới lóp ngóp bò dậy được. Phước đức ông bà không bị sao cả.
Nhưng nỗi lo là làm sao vào cứu "thằng em"ra được. Từ bìa làng tới căn cứ đó là một cánh đồng ruộng khô rất lớn. Chạy hết tốc lực may ra tấp vào được mấy bờ đê. Còn không thì đưa lưng ra cho pháo dập chắc chết hết.
Rồi đến sẩm tối, sau cả ngày bò lăn, lê lết trên cánh đồng, rồi cũng đánh bật hết các chốt chung quanh căn cứ Tân Hoà, "bắt tay" được với thằng em bơ phờ râu ria hốc hác. Nó bị vây và pháo gần nửa tháng chứ ít gì. Anh biết không? Đất trong trại bị pháo riết rồi tơi như cát hết. Nó nói. Mừng cho nó là không có binh sĩ nào chết. Chỉ toàn bị thương. Không có chú nào bị nặng lắm. Nhưng cũng chở đầy một xe GMC thương binh. Đại đội tôi bị thương tám binh sĩ và một chuẩn uý mới ra trường bị thương vào đầu gối. Từ hôm 24 đến giờ chỉ toàn bị thương. Không có ai chết. Hên quá.

Ngày 28 tháng 4
Trung tâm hành quân cho biết là khu ngã ba Vựa heo, tức phía sau lưng, bị Việt cộng đóng chốt. Nên tiểu đoàn 1/50 được lệnh quay trở ra đánh giải toả. Có nghĩa là chúng tôi sẽ nằm trong tình trạng khó khăn hơn với mục tiêu phía trước, địch nằm sau lưng. Rồi khi tiểu đoàn đó ra tới thì nghe trong tần số hành quân những chuyện buồn ngoài dự đoán. Tiểu đoàn trưởng nhận toàn những tin không vui, ông than thở: chúng nó đánh giặc như c...Thấy tình hình mà tao muốn tự tử quá. Pháo bắt đầu nặng hơn. Lúc lội qua một con kinh đào, đại uý Phong tiểu đoàn phó đang đứng trên bờ la hét thì bị một trái 130 li nổ bên bờ kia, hơi ép rơi cái ầm xuống kinh. Mấy thằng em vội vàng nhảy xuống lôi lên. Nghĩ lúc đó tưởng cha này thế nào cũng khó nuôi rồi. Té ra vẫn ngoác miệng nà nà nắm nắm. Ông thần này nói ngọng hết biết. Nờ thành lờ, lờ thành nờ. Nghe là thấy buồn cười. Mà cả đám lúc đó cười thiệt.Hình như tới một giới hạn nào. Chuyện sống chết đều coi thường. Cười giỡn như không. Dù rằng có lúc cả đám mặt dài ra như mặt ngựa. Nhưng chẳng phải thằng nào cũng ngon lành. Hồi sáng sớm trung uý Hiền, đại đội trưởng đại đội 2 thay đồ dân sự đào ngũ, bỏ đại đội của nó bơ vơ, trốn mất tiêu. Trong khi nguyên đại đội lính tráng còn nguyên không mất ai.
Vẫn còn chiếc Tinh Long C119 bao vùng bắn yểm trợ. Nhưng đột nhiên, lúc đó khoảng 9 giờ tối, khi chiếc này đang chăm chỉ bắn thì cả một rừng đạn phòng không bắn lên nổ như sao trên trời. Đến lúc đó chúng tôi mới biết là Bắc quân đã ở đầy quanh Đức Huệ. Chắc phải vài chục khẩu phòng không bắn lên chứ không ít. Giờ này mới ló mặt ra, chắc để dằn mặt thị uy. Khoảng 11 giờ đêm, nghe tiếng xe tăng từ phía bờ sông Vàm Cò Đông khoàng cách hơn cây số đường chim bay. Tụi nó qua sông. Xe tăng mở đèn sáng choang như ban ngày không chút e dè. Mẹ! Đất nước mình mà nó chạy rần rần coi mình như pha. Tất cả chuẩn bị M72, XM202 lựu đạn. chuẩn bị tử chiến. Nhưng cuối cùng bọn nó chuyển hướng không đi ngay mình mà đi về Đức Huệ.
Lầm lủi trong đêm. Chúng tôi quay ngược trở ra để giải cứu cho bộ tham mưu chi khu Trảng Bàng. Pháo bên địch cứ bắn 3 trái nổ thì lại bắn 1 trái sáng, suốt cả mấy tiếng đồng hồ liền, chắc để họ quan sát xem bên trong có di tản không.. Lúc trung đội thám báo đang cắt dây kẽm gai để bên trong có đường ra. Bên trong pháo binh của mình bắn trực xạ ra hai trái. May mà không có ai bị thương. Khi trước đó đã liên lạc rất chặt chẽ rồi. Chẳng hiểu bên trong họ làm cái gì.

Ngàỳ 29 tháng 4
Kéo quân vào trú trong Tha La xóm đạo. Tới giờ thì đã hoàn toàn mất liên lạc với những đơn vị chung quanh, kể cả trung tâm hành quân. Kệ, cứ kéo vào quán uống cà phê cái đã. Tha La cảnh đẹp thật, vào đó mát rượi với những khóm Trúc hai bên con đường làng. Hèn chi được Dzũng Chinh đưa vào nhạc.
Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng dự tính sẽ đặt mìn giật sập cây cầu từ ngoài bưng vào Tha La, để bộ binh và tăng của Bắc quân không vào theo ngã này được. Nhưng sau thấy chỉ thiệt hại cho xã và dân. Nên thôi.
Chợp mắt được hơn tiếng đồng hồ sau mấy ngày không ngủ. Sẽ di chuyển đêm để về Hóc Môn lập phòng tuyến cuối cùng
Điều đáng nói là khi đơn vị triệt thoái. Ngoảnh nhìn lại lần chót ráng chiều tuyệt đẹp khắp tàng cây cọng cỏ, trên những rặng Trúc vàng khắp Tha La. Phía ngoài xa kia, nơi đầu cầu bìa làng. Tôi thấy trong đồn nghĩa quân, người lính vẫn ngồi trên vọng gác. Và tôi biết chắc rằng, anh hẳn đã nghe tường tận những gì diễn biến qua đài phát thanh Sài Gòn mấy ngày nay.
Đó là hình ảnh cô đơn, lẻ loi nhất, nhưng cũng đầy ấn tượng bi hùng nhất mà tôi không bao giờ quên được. Đó chính là những gì mà người ta hay nói về. Đó là Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Ngày 30 tháng 4
Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4. Toàn đơn vị di chuyển về hướng Hóc Môn, ngoại ô Sài Gòn với mục đích lập một phòng tuyến tử thủ, cho dù liên lạc vô tuyến với trung tâm hành quân và các đơn vị bạn không còn nữa. Đâu khoảng xế trưa mở radio nghe Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn mà không khỏi chửi thề. Cả tiểu đoàn đi âm thầm dọc theo bưng Thái Mỹ,sau này nghe nói có tên là nông trường Lê Minh Xuân. Anh và một số sĩ quan mà tôi không rõ đơn vị đi theo đại đội chúng tôi. Đến ba giờ chiều thì chạm địch. Anh bị đạn trúng ngực. Biết là không thể sống được trong tình trạng tuyệt vọng đó, anh nói tôi giữ cái bóp giấy tờ để đưa lại cho vợ của anh. Tôi đã nợ anh một lời hứa và xin anh tha lỗi. Vì đến cuối ngày khi tôi bị bắt thì tất cả những đồ đạc giấy tờ cá nhân, áo trận có cấp bậc của mọi người bị lột xuống chất thành đống và họ đã đốt tất cả. Tất nhiên cái bóp giấy tờ của anh cũng chung số phận. Tôi không quen anh để biết nhà hầu sau này có thể tìm kiếm. Chỉ biết anh là đại úy Lê văn Cang (hay Can ??) trưởng ban 3 Hành quân của quận Trảng Bàng. Xin lỗi chị Cang rất nhiều. Cũng không biết chị có còn sống sót qua cơn binh lửa đó hay không. Ngày ra tù tôi cũng cố gắng hỏi thăm, nhưng biết đâu mà tìm trong thời điểm đó. Thôi, nếu chị còn sống và nếu tình cờ đọc note này, thời gian qua đi tôi nghĩ những đau đớn cũng đã phai nhạt, nhưng nếu chị rơi nước mắt nhớ anh, thì cũng an ủi là trong giờ phút cuối cùng anh Cang vẫn nhớ đến chị và các con: “anh đưa giùm cho vợ tôi, nói là tôi yêu bả”.
Đại đội tôi trong thời điểm cuối này nhiều người đã bị thương rất nặng, tôi không nghĩ họ sẽ được chữa trị và sống sót. Những thương binh đang điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà còn bị đuổi ra ngoài, huống hồ những kẻ bị thương ngay tại trận địa. Xem ra tôi đã mắc nợ và có lỗi với rất nhiều người.
Còn về thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Ông đã không vào cùng chỗ với chúng tôi, mà băng trong lau sậy của bưng Thái Mỹ về nhà gần Sài Gòn. Đó là một quyết định khôn ngoan. Ông quá nhiều chiến công. Bắt được ông, điều chắc chắn đó là cái chết.

Ngày đó 2 tháng 5.
Tôi và những người bạn sĩ quan bị bắt vào giờ thứ 25, đêm 30-4 tập trung tại một trường học. Trưa ngày 1 tháng 5 được ra gặp em. Em mắt khóc tiều tuỵ, đứng cách nhau hàng rào kẽm gai. Mất nước rồi anh ơi. Câu nói lập đi lập lại của em ngập với chan hoà nước mắt được đứng với nhau 15 phút ngắn ngủi, chẳng nói được với nhau thêm điều gì. Cuối tháng chưa có lương, chỉ có đúng mười ngàn đưa cho em vì biết chắc rằng sẽ chẳng có gì để mua bằng tiền của miền Nam Việt Nam được nữa.
Sáng 2 tháng 5 . Bị dẫn đi về hướng bờ sông Vàm Cỏ Đông. Không biết sẽ đi đâu, chúng dẫn đi dọc theo thị xã, vẫn có người dân chạy theo dấm dúi cho chúng tôi chiếc áo, đôi dép, mặc cho đám vệ binh hầm hừ quát tháo. Nhớ hoài cô bé mặc chiếc áo sơ mi còn huy hiệu của trường trung học, chạy theo đưa cho tôi chiếc bánh tét và đôi dép, nước mắt đầm đìa: Anh ơi, mất nước rồi. Y hệt như câu em của tôi hay nói.
Cuối cùng sau hơn nửa tháng đi bộ, băng qua những xóm làng giáp biên giới bị Việt Cộng chiếm từ 72. Những đứa trẻ ốm gầy khẳng khiu, quần áo tả tơi nhưng vẫn chạy theo đám tù binh ném đá và chửi: Tù binh ngoan cố. Chúng tôi tới một trại tù nằm bên kia biên giới Miên, giáp Phước Long. Trại tù đầu tiên của nhiều lần chuyển trại tù sau đó. Trại Nước ngập. Cái tên nghe nhiều khủng bố đe doạ. Bước vào trại, kinh hoàng thêm khi nhìn thấy những thân hình gầy guộc,với những khuôn mặt xanh xao như ma đói, không còn chút sinh khí nằm trên chõng tre, sâu dưới tàn lá của cây rừng rậm rạp, mà tia nắng mặt trời không qua lọt. Nơi đây đã giam giữ những người tù binh trong chiến tranh.
Tôi và em. Đến khi gặp lại nhau lần đầu tiên khi được thăm của tháng 8 năm 1977. Mới biết rằng trong buổi sáng ngày tháng 5 tang thương đó. Khi đoàn tù binh bị dẫn đi trước đó khoảng nửa tiếng. Em đã chạy theo tôi băng đồng, qua suối, qua những trảng ruộng khô nắng bốc khói của ngày tháng 5 để mong được nhìn thấy chồng lần cuối. Vì biết đâu sẽ không bao giờ thấy nhau lần nữa.
Thương em như câu hát: ơn em thơ dại từ trời, thơ dại từ trời, từ trời theo ta, theo ta từ trời. Xuống biển lượm đời, lượm đời ta lên ...
Và phần thứ hai, xin các bạn đọc những cảm xúc, ý nghĩ của em tôi ngày ấy. Trong binh biến tao loạn mà chạy từ Sài Gòn xuống kiếm chồng bất kể sống chết. Và tôi chắc chắn rằng trong thời gian đó. Cũng có trăm ngàn người vợ lính cơm nắm cơm gói, không quản thân mình cam go cùng khổ để kiếm cho ra người chồng lính của mình dù rằng chỉ còn là một thân xác rữa nát.
Nguyễn Khôi Việt

Friday, April 26, 2019


                            Đơn sơ ( NT)

Chị Trung (*)
(Thu Thuyền)


Năm nay, chị Trung đã ngoài sáu mươi nhưng trông chị vẫn hồng hào tốt tướng như thuở hai mươi. Nếu những người tình học trò có cơ hội gặp lại chị, chắc chắn thế nào các anh ấy cũng nhận ra cố nhân.
So với ngày xưa, chị chỉ khác một điểm là mái tóc. Bây giờ tóc chị cắt ngắn, rất hạp với khuôn mặt bầu bĩnh. Trông không dịu dàng bằng thả tóc thề nhưng vui tính, mát mắt vô cùng.
Vừa đến tuổi cài trâm, chị Trung xổ sữa lên ký vùn vụt. Tôi thấy chị cân đối nhưng chị cứ loay hoay nhịn ăn. Nhịn mấy thì nhịn, cuối cùng chị vẫn phổng phao nhất nhà. Tuy vậy, chị khá xinh nhờ khuôn trăng đầy đặn, đôi mắt có đuôi biết cười và đôi môi chúm chím đoá hoa anh đào.
Chị Trung có khuyết điểm duy nhất là hai cánh mũi hin hin. Lúc bực tức, chúng phập phà phập phồng như mũi thỏ. Đôi khi chị nổi quạu, chúng tôi nháy nhau “phe phẩy” mũi, làm chị vừa tức vừa buồn cười. Không tự chủ được, hai cánh mũi hin hin càng trông hề gấp bội!
Những ngày thơ dại, mợ lo chạy gạo bên ngoài, ở nhà chị Trung đảm đương vai trò mẹ hiền. Mười sáu tuổi chị đã phải lo lắng cho bầy em năm đứa. Những hôm chị xách giỏ đi chợ, leo xong con dốc cao về đến nhà, hai bắp chân chị cứng như hai cái chày đá nhưng chị nhất định không đi xe lam để có thêm ít tiền mua chè về cho chúng tôi. Những túi chè be bé được chúng tôi nhao lên chào đón thật nồng nhiệt mỗi khi thấy bóng chị gồng tay xách giỏ từ ngoài cổng vào.
Chị không quên bất cứ ngày sinh nhật của đứa nào cả. Mỗi đám tiệc ít nhất có một ổ bánh phết kem bơ. Chị còng lưng đánh trứng. Phùng má chu mỏ thổi than trên nắp nồi. Nướng bánh kiểu nhà nghèo nhưng ổ bánh nào cũng vàng lườm, nở đều tứ bề.
Tôi bị liệt vào hàng đoảng về nữ công gia chánh cũng do lỗi ở chị. Cái gì chị cũng làm, từ cơm canh, xào nấu đến bánh trái. Thành ra tôi chỉ có việc hưởng, hư thân. May là chị không kiêm thêm mục dọn dẹp lau chùi nhà cửa chứ không tôi còn đổ đốn đến chừng nào.
Chúng tôi sống vô tư với sự nuông chiều, săn sóc của chị. Thiếu mợ ở nhà thì không sao nhưng thiếu chị thì tai vạ lớn cho chúng tôi. Ai đi chợ? Ai cơm nước? Ai phân công? Ai xét xử phân minh? Ai thuốc thang vỗ về?
Tôi nhớ ngày anh tôi bị cảm sốt. Nhiệt độ cao làm anh mê sảng hét um nhà. Dù hôm đó có mợ đang ở phòng bên, anh vẫn kêu chị Trung váng lên. Chị phóng ngay vào phòng, nghe anh mếu máo, “Chị ơi, phù thuỷ hoá em thành con cá!”. Tôi nhịn không được, vén môi suýt cười ra tiếng nhưng khựng lại khi thấy chị rất điềm tĩnh, nhỏ nhẹ: “Đang mơ đấy em ơi. Tỉnh lại thôi!
Chị Trung chỉ lớn hơn tôi hai tuổi rưỡi nhưng đến già chị vẫn xem tôi như một đứa bé vừa nứt mắt. Sau này, có một thời gian tôi về ở chung với chị (đại khái đó là lúc tôi hơi bị… thất tình!).
Tối 11 giờ đêm, tôi xách cặp đi làm, rảnh rỗi nhìn trời mây đến 8 giờ sáng ra về. Hôm nào buồn buồn, lên xuống cầu thang cho khoẻ chân, mọi việc nhân viên lo hết, tôi chỉ ký vài tờ hồ sơ là xong.
Làm bù nhìn một thời gian, chị thấy tôi gày xọp. Hỏi ra mới biết tuy rảnh nhưng trong suốt 9 tiếng đồng hồ, tôi chẳng ăn miếng cơm lót dạ nào cả. Chị cằn nhằn bắt tôi phải chịu khó bồi bổ nhưng tôi cứ vờ điếc vì không quen ăn uống lúc hai giờ sáng.
Chị nói tôi mấy lần không được, gai lắm nhưng chỉ lặng lặng bỏ đi chỗ khác. Hôm sau đi làm, tôi mở cặp thấy nguyên cái bánh giò nằm chễm chệ trong đó. Cầm chiếc bánh trong tay, tôi tưởng tượng cảnh chị hấp bánh xong, lui cui gói nhét vào cặp. Những cử chỉ săn sóc kín đáo của chị làm tôi bỗng nghẹn ngào. Dần dần, chuyện tình cảm riêng tư của tôi có chiều hướng đi lên. Hôm đầu tiên chồng à… bạn trai của tôi đến thăm, chị Trung như gà mái gặp diều hâu. Chị xù lông cổ, xoè cánh ra che chở cho tôi.
Hai ba tuần sau, tôi vẫn chưa biết nhiều về anh nhưng chị đã cho ý kiến: “Chị chấm đậu. Đậu tối ưu!”. Té ra trong những lúc tôi sửa soạn trong phòng, bên ngoài chị làm cảnh sát điều tra, hỏi anh một dọc từ A đến Z. Công việc, học hành, nhà cửa, cậu mợ anh chị em trong nhà…
Anh bị tra tấn phát đổ mồ hôi hột. Thế mà anh vẫn quý chứ không bực chị. Còn tôi muốn độn thổ khi biết chị điều tra quá lộ liễu nhưng chị tỉnh khô. Phương châm của chị là: Hỏi thẳng trước, đỡ rước phải của nợ!
Ngày cưới của vợ chồng tôi, chị Trung phờ phạc vì lo. Tôi lại phơi phới sau một giấc ngủ ngon đẫy mắt. Trong lúc tôi dồi phấn thoa son, chị ra vào mấy lần, cho biết các món ăn chưa được giao đến nhà, gọi điện đến nhà hàng, chẳng ai trả lời. Tôi cứ gạt đi. Ối dào, đàng trai tới, mình hoãn binh bằng bình trà trước. Người ta làm không kịp thì đem tới trễ, lo mấy cũng vậy thôi!
Chị lườm lườm nhìn tôi như thể, ai mà thèm lo! Ấy vậy mà sau này, chồng chị vui miệng kể lại cho cả nhà nghe là chị lạc mất thần hồn thế nào, hôm đám cưới tôi, chị lai rai xỏ tới ba chiếc quần lót. Cả nhà cười rộ lên làm chị lỏn lẻn bào chữa, “Tại phải lo nhiều việc cùng một lúc quá nên quên…”.
Số chị Trung thế mà hay! Thuở nhỏ lo đàn em dại, đến khi trưởng thành thì đến lượt hai bậc phụ mẫu. Đầu tiên là cậu. Sau hôm cậu vào nhà thương mổ ung thư phổi, những người thân yêu nhất của cậu cũng phải quay lưng tháo lui. Dĩ nhiên không thể trách được. Chẳng ai dại gì đi lãnh trách nhiệm săn sóc một ông cụ mắc bệnh nan y.
Chúng tôi, sáu đứa ở sáu hướng xa cậu, ruột rối như tơ vò vì nhận được tin báo quá bất ngờ. Chị Trung lẳng lặng thu xếp việc nhà, việc sở trong vài tiếng đồng hồ rồi từ giã gia đình, lên máy bay. Thật may, chị vừa tới nhà thương đã thấy cậu chuẩn bị xuất viện
Chúng tôi gọi điện thoại cho nhau ơi ới, bàn bạc đủ mọi kế hoạch: Mợ tính nên mướn người làm đến trông nom cho cậu, tôi định nghỉ việc một tháng, sau đó là các anh chị em sẽ thay phiên nhau đến sau. May có người quen cho biết về một dưỡng đường do bác sĩ Việt điều hành. Tôi gọi điện cho chị đến xem.
Thấy cơ sở tổ chức đàng hoàng, sạch sẽ, chị bàn với cậu vào ở để được điều trị hậu giải phẫu cho có hiệu quả nhất. Cậu đồng ý. Thế là chị Trung xắn tay áo liên lạc và làm giấy tờ nhập viện.
Nhờ có căn bản về thủ tục y khoa, chị gõ cửa nào trúng cửa nấy. Khi biết cậu đã được đưa về ở nơi an toàn, chúng tôi quẳng điện thoại, ngã ra thở dốc. Mấy ngày hôm sau mới hoàn hồn để cảm ơn chị. Chị tỉnh rụi, “Lo cho cha mình chứ lo cho ai mà cảm ơn?”.
Sau khi đưa cậu về chỗ ở mới, chị Trung sắm cho cậu cái di động đeo nơi cổ, có việc gì, cậu điện chị ngay: “Cậu cần gấp vài trăm…” “Dễ dàng thôi cậu, con sẽ nhờ người quen đem tiền cho cậu ngay”. “Cậu khó thở quá!”. “Để con kêu bác sĩ riêng tới khám cho cậu. Cậu muốn có cái Mercedes giống của bác Xuân!” (xe lăn chạy bằng điện) “Được, con sẽ mua khi nào cậu khoẻ hơn một tí”. “Cậu đang nghĩ có nên về Việt Nam hay không…?”. “Ok, con sẽ mua nhà rồi mướn y tá săn sóc cậu”. “Thôi cậu không về đâu!”. “Ok, sao cũng được”.
Tôi chưa bao giờ nghe chị nói chữ “không” với cậu cả. Yêu thương chiều chuộng cậu như thế mà đến khi cậu mất, chị lại ân hận đủ điều. Sao chị không hiểu là nhờ chị, con đường vào lúc cuối đời của cậu đỡ bị gai góc biết dường nào?
Tuổi cao, sức yếu luôn làm cậu có cảm giác bị bỏ rơi. Không kể những chiều chuộng về vật chất của chị, riêng về tinh thần: Tình yêu, sự hy sinh và lòng kiên nhẫn của chị đã giúp cậu vượt được bao nhiêu cơn khủng hoảng. Sau này, tôi chỉ mong có chị bên cạnh để vực tôi ra khỏi những phút cô đơn trầm thống của tuổi già. Tôi sẽ giận điên nếu chị bỏ tôi “đi” trước…
Ngày cậu mất, tôi đang làm việc ở sở. Buông điện thoại xuống, tôi cầm bút vẽ nguệch ngoạc. Sếp vào hỏi tôi câu gì không rõ, tôi trả lời bằng một nụ cười méo mó. Mười lăm phút sau tôi mới tỉnh hồn, lên mạng kiếm nhà đòn và khách sạn quanh vùng.
Lúc gọi cho chị Trung định góp ý mới biết chị đã thu xếp xong thủ tục ma chay và giữ phòng khách sạn. Chúng tôi chỉ có việc lấy vé máy bay về tiễn cậu. Thật tội cho chị, buồn đau mất mát ngập hồn như lúc này, chị không có một khoảng trống nhỏ để khóc cậu. Quá nhiều quyết định một mình chị phải gánh (Năm anh em chúng tôi đồng lòng ký giấy tờ phó thác cho chị quyền định đoạt tang sự).
Sau này có vài người tỏ ý chê trách đám tang cậu không được chu tất. Đáng lẽ phải thế này hay tại sao lại làm thế nọ v.v… Tôi nghĩ bụng, Cứ thử ở California mà lo đám tang Virginia thì biết. Nhưng chị nghe xong, cười xoà. Những lời vô bổ, chị để ngoài tai tất.
Càng gần đây, gia đình của mợ ở Hà Nội càng thôi thúc mợ về. “Về đi thôi em ơi, các chị bệnh liệt giường, yếu quá, sợ không chờ em được nữa…”. Thế là mợ về sau hơn một nửa thế kỷ chia tay Hà Nội! Chị Trung, anh tôi (người mơ sảng bị phù thuỷ hoá cá) và tôi ra Bắc với mợ.
Đến Hà Nội, mợ chưa kịp cản, hai anh em tôi đã kéo nhau thăm 36 phố phường. Chị Trung ở lại săn sóc, chiều chuộng mợ. Mợ không chịu được chuyến bay gần 20 tiếng đồng hồ. Mợ ngủ thiếu vì đổi giờ. Khí hậu nhiệt đới quất lên người mợ.
Bao nhiêu năm sống một mình, mợ không đương đầu được với đám đông và những tiếng động náo nhiệt chung quanh. Gặp gia đình xong thì mợ đổ bệnh Hễ bệnh thì mệt mà mệt thì không vui. Dây mơ kéo sang rễ má. Chị Trung vẫn dịu dàng kiên nhẫn bên mợ trong lúc anh em tôi chỉ nhác thấy tình hình không ổn là hô biến.
Trở về thấy mợ vui vẻ bình tĩnh lại, chúng tôi giả lả, “Chị Trung là số một!”. Chị cười khì: “Lần sau mợ có đi Việt Nam, chị sẽ là người đầu tiên tình nguyện tháp tùng. Có lần tôi về thăm chị Trung, nghe chị nói đến mối lo hàng đầu: An sinh xã hội. Chị có ý muốn lập một ngôi làng cao niên theo tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam, từng căn nhà xây độc lập nhưng có nhân viên bảo vệ, bác sĩ y tá trực 24/24 và tài xế đưa rước. “Cho gia đình mình được ở gần nhau – chị bảo – Làm ở Mỹ mà được đúng ý chị thì chắc chắn sập tiệm vì thiếu sở phí…”. Tôi tán thưởng, vỗ tay lốp đốp.
Chị làm ở đâu cũng được, chỗ nào có chị, chỗ đó có vợ chồng em. Chị Trung là giám đốc nhà thương, trong đám bác sĩ, y tá ấy thế nào chị không gạ gẫm, đưa về làng cao niên được vài vị để phụ chị điều hành.
Lại quay ra hô hào bạn bè họ hàng, cộng đồng… kẻ góp công người góp của thì sớm muộn gì chị cũng đạt được sở nguyện và tiếp tục lo cho đàn em của chị!
Thương chị Trung bao nhiêu, tôi quý chồng chị bấy nhiêu. Chẳng tìm đâu ra một người đàn ông để yên cho vợ cung cúc chạy việc bên ngoài, cho dù bên ngoài chẳng phải là ai xa lạ nhưng quá nhiều lần làm cái vòng gia đình nho nhỏ của anh bị mất quyền lợi. Nhất là trong những năm cậu đổ bệnh, điện thoại của chị reo liên tục, từ di động của cậu, đến nhân viên dưỡng đường và các vị bác sĩ riêng… Dồn dập đổ xuống chị những đòi hỏi về tinh thần và vật chất. Chắc chắn anh phải kiên nhẫn và hết sức yêu thương chị. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhìn về hướng chị mỗi khi cần giúp đỡ nhưng tiếng cảm ơn, tôi trao cả cho anh lẫn chị.

Tôi biết số chị Trung sẽ còn nhiều vất vả lo toan nhưng năm mới sắp tới, tôi cầu mong cho chị bớt những gánh nặng. Chị sẽ có dịp đến thăm thành phố Venice thơ mộng, nơi chị vẫn ao ước được đặt chân tới. Chị ơi, chị xứng đáng được nghỉ ngơi vui hưởng cuộc đời hơn ai hết! 

 Thu Thuyền
(*) Trích từ tạp chí Văn Học Mới, số 1. 2019

Friday, April 19, 2019


                      Thầy Ân và học trò cũ.
                     ( ảnh từ FB của Hồng Thúy)



Thầy...tu
( Viết về Thầy Trần công Ân )
Nguyễn Lượng


Hai thầy trò vừa nhận ra nhau , tôi chưa kịp lên tiếng chào thì thầy đã cầm cây cà rem đưa cho tôi -" Của mi đó , ăn đi ! Tau lấy cây khác !" . Cách xưng hô "mi-tau" và y phục là chiếc áo dài nâu của tu sĩ Phật giáo ,đầu đội nón lá , chân mang guốc vông đứng bên chiếc xe đạp sườn ngang , nghĩ thầy vẫn như hồi còn ở trường! Hai thầy trò đứng gặm cà rem bên lề đường .Tôi hỏi thay cho lời chào -" Thầy không tử thủ ha ?!" , thầy nói -" Sinh mới thủ, tử ai thủ mi !" . Tôi phì cười ! Đó là một buổi trưa nắng nóng , ngột ngạt của ngày 20+ trong tháng 4 kinh hoàng , đầy ám ảnh năm 1975 , trước cổng Viện Đại học Vạn Hạnh .
.
Thầy gốc Huế .Dáng người thấp . Đầu luôn cạo trọc với trang phục khi giảng dạy là chiếc áo dài nâu , chân mang guốc . Chiếc quần dài thường cùng màu với áo , rộng thùng thình làm thầy thấp thêm !Thầy đến trường trong trang phục đó , đội thêm cái nón lá và đạp trên chiếc xe sườn ngang . Hình ảnh thầy thật là ấn tượng , khó quên .
Trong ba năm học ban B của Đệ nhị cấp , thầy dạy tôi rất nhiều môn .Năm thì Vạn vật , năm thì Lý Hóa , năm thì có cả môn Triết .Năm anh chị em tôi trong nhà đều từng là môn sinh của thầy . Tại cái trường công lập ở thị xã lúc đó chắc phải lên tới hàng ngàn môn sinh lần lượt được thầy giảng dạy !
Kiến thức thầy uyên bác . Thầy dạy nhiều môn học ,môn nào cũng hay , hấp dẫn .Nhớ môn Triết , thầy đố chúng tôi : " Con gà có trước quả trứng hay ngược lại ?!" Từ đó , thầy giảng về phép biện chứng trong duy vật ! Có lần thầy đọc cả thơ Nhất Hạnh (Thiền sư ) cho cả lớp nghe :" ... Tôi biết tôi mất mẹ / Là mất cả bầu trời ..." .Thầy khuyến khích chúng tôi tìm đọc các tác phẩm : "Nói với tuổi hai mươi " , "Bông hồng cài áo", "Hoa sen trong biển lửa " . Nhớ môn Vạn vật , thầy vẻ các bộ phận sinh dục trên bản . Cả lớp cười khúc khích . Thầy cười nói -" Tụi mi lớn rồi mà không biết những chuyện ni thì làm sao có vợ , có chồng !"
Có nhiều giai thoại về thầy . Ngoài chuyên môn giảng dạy , thầy còn giỏi về võ nghệ ,yoga , khí công . Có người nói thầy còn biết thuật thôi miên , thiền xuất hồn ( thoát xác )!Tôi từng được chứng kiến thầy trồng cây chuối ( đầu dưới đất , chân trên trời ) kéo dài 5 phút !
Sau năm 75 , thầy không còn đi dạy .Năm 76 , một buổi chiều khi trên đường từ rẫy về nhà , tôi nhận ra thầy khi thầy vừa đạp xe vượt qua . Tôi không kịp chào thầy và thầy cũng không nhận ra tôi .Ngoài trang phục của vị thầy tu sĩ ngày nào , còn có một cái cuốc được cột cặp theo cái sườn xe đạp ! .Nhìn thầy từ phía sau ,hình ảnh một vị tu sĩ cưỡi trên chiếc xe, đang lao xuống con đường dốc dài ,nữa đá , nữa đất . Tự nhiên tôi liên tưởng đến một cao tăng môn phái Thiếu lâm , đang thi triển một tuyệt kỹ ! Sau vài năm nữa , tôi nghe thằng bạn nói thầy đã bị bắt giữ trong một cuộc vượt biển . Chuyến đi gồm nhiều tu sĩ và thất bại .Tôi không có dịp gặp lại thầy để xác minh về thông tin này .
Nghe tin bây giờ thầy về ở tại chùa VT , một chùa lớn tại PT . Tuổi tác thầy đã cao niên , trên dưới 80 . Sức khỏe thầy chắc chắn suy giảm .Thi thoảng cũng có vài học trò ghé thăm .Học trò của thầy có kẻ đã không còn , là tử sĩ !Kẻ sống thì tứ tán bốn phương .Dù là người thành đạt , kẻ thất chí đều cũng đang tàn úa !
Viết về thầy cũng để nhớ đến các vị thầy cô , đã có một thời gian giảng dạy cho hằng triệu học sinh miền Nam , đã tận tụy cho một nền giáo dục với triết lý khai phóng , dân tộc và nhân bản .
( Nguyễn Lượng .Florida .USA)

Friday, April 12, 2019

                             Sóc trong vườn ( Khôi Việt )

Sáng sớm ra quán ngồi uống cà phê như thường lệ. Chợt nhìn ra cây Crape Myrtle chỗ có cái nhà để hạt cho chim ăn (bird feeder) thấy có 2 chú sóc đang ăn say sưa nơi đó. Chạy ra đuổi vì nghĩ mấy thằng to xác này ăn uống hung hãn như vậy thì còn gì có phần cho mấy con chim nữa, bọn chúng tháo chạy, lúc ấy mới nhìn rõ là một trong hai con, chắc là sóc mẹ, ngậm một con sóc nhỏ nhảy lên cành cao trốn. Còn con sóc kia, chắc là sóc bố, bỏ mặc hai mẹ con ở đó chạy mất tiêu. Sóc mẹ thấy mình tới gần liền bỏ sóc con lại trên cành để thoát thân.
Thằng bé này chắc mới biết bò, bé tí xíu vậy mà đã theo mẹ đi phá làng phá xóm, ăn trộm đồ ăn của người khác, em tôi nói.
Giờ thì chú bé nằm im trên cành cây không nhúc nhích cục cựa, đứng suỵt hoài cũng không thấy gì. Chắc nó mới biết chạy, được mẹ công đi chơi đây mà, em đứng canh nó để anh lấy máy hình ra chụp vài tấm, dễ thương quá.
Vào nhà lấy máy hình ra thấy sóc con vẫn nằm yên đó, dương mắt đen thui nhìn hai vợ chồng đứng dưới gốc cây cười giỡn la hét, nhưng hai chân chú bé vẫn ôm chặt vào cành cây, không thấy cử động chút nào, chắc sợ té. Loài vật cũng khôn thiệt, nó sợ là phải vì khoảng cách cành cây với mặt đất cũng khá cao, rớt xuống chắc cũng gãy cổ😀.
-Thôi vào uống cà phê anh, thế nào mẹ nó cũng quay trở lại công nó đi mà. Em tôi nói.
-Anh không nghĩ mẹ nó sẽ quay lại. Sóc chứ đâu phải như mèo chó mà khôn dữ vậy. Nhưng mình cứ ngồi nhìn xem sao?
Cũng cả nửa tiếng đồng hồ ngồi rình. Sóc con vẫn nằm yên không nhúc nhích trên cành cây. Nhưng rồi cũng thấy sóc mẹ xuất hiện trên hàng rào gỗ. Nghiêng qua ngó lại thăm chừng, nó nhảy xuống đất phóng lên cây, ngậm gáy sóc con chạy về cuối vườn, nơi những cây thông xanh ngát um tùm là giang sơn của chúng.
Buổi sáng mùa Xuân chỉ có vậy thôi, giỡn với sóc con.

 Và uống cà phê với em.
( Nguyễn Khôi Việt)

Friday, April 5, 2019


                               Em và mùa yêu dấu (NT)


Ôi, giấc mơ non của một buổi chiều
 ( Phạm Ngũ Yên)

Rất nhiều ngày anh không làm được bài thơ
Nên những bước chân cứ dẫm vào nỗi nhớ
Một nửa hồn nhiên nửa chập chùng lo sợ
Một bờ sông nghe cạn nước từ đầu

Ngày rất dài và đêm rất thẳm sâu
Sợi tóc mới vui nay biến thành giận hờn
Những bảng stop sign nơi cuối đường nông nổi
Những buồn vui theo mắt biếc môi cười

Có gã trai nào nhiều buổi sáng rong chơi
Con dế gáy vang hộc bàn goá bụi
Mùa hạ cháy trên những cành hoa lửa
Phượng của đời hay phượng của em thôi ?

Vũng Tàu từng son trẻ tuổi hai mươi
Vừa mới đó đã bao lần lẫn khuất
Anh chóng mặt giữa tháng ngày tất bật
Giáo đường quen từng những tiếng chuông quen

Chợt đắng lòng nghe hai chữ nhân duyên
Ai ngồi xuống phía bên nầy oan nghiệt ?
Ai đứng lại giữa muôn trùng luyến tiếc?
Lời trái tim sao không đủ ngôn từ?

Quán vắng em rồi nên quán rất ưu tư
Hàng cây thiếu một mùi hương thiếu phụ
Bụi bặm ngủ yên trên những bàn ghế cũ
Có một người quay quắt nhớ đâu đâu...

Một chuyện tình chưa chạm đến thẳm sâu
Khi cuộc sống trôi theo những điều không thực
Anh thèm khát nụ hôn lần mới nhất
Một bàn tay che khuất bóng trăng cười

Em làm con sông nhỏ chẳng thèm trôi
Mặc anh đứng ngó một mình ra biển
Những con thuyền đi hoài không thấy bến
Những cuộc đời chưa khóc đã rưng rưng

Có những ngày nắng khát gọi mưa xuân
Buồn lây lất một tình yêu rất vội
Ngày em đến rồi đi như gió thổi
Anh vụng về không biết dỗ dành đâu

Trong tận đáy lòng và mãi đến nghìn sau
Mối tình bay đi vào chân trời xa lắc
Nghĩ về ai anh cũng nghĩ về em trước nhất
( Nghĩ về em anh thanh thản cả ngày)

Có điều gì trong buổi sáng hôm nay
Xe cộ miên man những nhịp cầu xa lộ
Tim chợt lạnh chợt nhủ lòng đừng nhớ
Một mùi hương còn đọng chỗ em ngồi

Xa em rồi từng buổi tối mồ côi
Trên chăn gối tiếng đời đi rất vội
Vừa mới đó vẫn còn nghe nóng hổi
Vị ngọt ngào làm kiêu hãnh môi son...

Một bến đời thầm lặng tiếng sông non
Dẫu từ chối bão giông... nhưng mỗi ngày mỗi đến
Bông hoa nở giữ sân vườn trìu mến
Mới hôm qua sao đã héo khô rồi ...?

Phạm Ngũ Yên
( tháng 7.2016)
( trích trong tập thơ Tháng giêng đâu đó một bờ môi)