Trần Hoài Thư
Văn chương cuối cùng bắt đầu
từ đây
Từ đây là cái cõi mồ với những quan tài
chưa đậy nắp này. Từ đây là những chiếc xe lăn, những ông cụ bà cụ khó nhọc
dùng tay hay dùng chân để tự giúp hai bánh lăn vòng. Từ đây là phận đời cuối
cùng, dường như để chứng minh tại sao sự ra đời lại oa oa tiếng khóc. Từ đây,
ôi cuộc đời quá sức yêu dấu, và hạnh phúc thay cho những người vẫn còn khỏe
mạnh, chân còn bước, tay còn nắm, trí óc vẫn còn minh mẩn...
Bây giờ thời gian không còn nhìn trước
mặt mà nhìn lại đàng sau. Bởi trước mặt tôi đã thấy trước rồi. Một người
như Y. cẩn thận hơn ai, cử kiêng hơn ai, tập tành hơn ai, ngày nào cũng đi bộ,
ngay cả bây giờ tóc vẫn còn đen nhánh, vậy mà tự nhiên ngã lăn ra một lần, hai
lần, ba lần, để cuối cùng phải 24/24 liệt giường liệt chiếu. Ngay cả hai bà lão
cùng phòng với Y., ngủ li bì, ngủ quên ăn, rồi một hôm tự nhiên ngủ luôn không
bao giờ dậy nữa. Và những ông lão bà lão mà tôi gặp, từ từ biến mất. Cứ mỗi lần
có người ra đi là y tá, trợ tá đến tất cả phòng và khép cửa lại. Họ không muốn
cho những người trong phòng thấy vì họ sợ ảnh hưởng tâm lý.Nhưng họ không thể
che mắt tôi. Bởi tôi là kẻ ngoài cánh cửa.
Tôi đã bắt đầu trở thành một tay nội trợ
chánh hiệu.. Nội trợ cho một người xem như mất đi phần nào vị giác, không còn
ham thích ăn uống nữa. Bây giờ 4 chữ Cao lương mỹ vị xem như vô nghĩa. Tôi phải nấu món nào cho hợp với
khẩu vị của người bệnh. Có khi hôm nay
người bệnh thích nhưng ngày mai người bệnh không màng đụng tới. Có khi
tôi cảm thấy ngon nhưng người bệnh chê. Nhiều khi quá nóng, tôi không cầm cơn
giận, bỏ mặc Y. đi ra ngoài phòng khách. Nhưng sau đó, nghĩ đến cảnh một người
bị thua thiệt quá nhiều, tôi lại trở vào phòng. Nghĩ nên thương người bệnh hơn.
Tại bịnh chứ đâu phải tại Y. muốn.
Có lẽ việc nấu nướng này là một vấn nạn lớn nhất của tôi lúc này. Tiền bạc đổ
ra hơi nhiều để mua gia vị hay thực phẩm. Nhưng phải nấu món gì, nấu cách làm
sao, nêm thế nào trong khi nuốn có đồ gia vị hay thức ăn, thì phải lái xe
khoảng 3 tiếng đồng hồ qua tiểu bang cạnh...
Trời ơi, sao mà vấn nạn cứ lôi tôi ra mà buộc mà tròng nhiều quá hở Trời. Nếu
do nghiệp thì nghiêp ai đây. Của tôi hay của Y ?... Tôi muốn khùng khi thấy nồi
thịt kho tôi làm theo lời chỉ dẫn từ Xuân Hồng, để nguyên từ ngày này qua ngày
khác. Tôi đau xót khi phải đổ những thức ăn lâu ngày... Tôi không thể nào vét hết, nuốt hết, dù tôi đã
từng hiểu cái đói là thế nào trong trại tù... Tôi đã từng nhào đến một thau cơm
chó nhão nhẹt để mà ngấu nghiến trong trại khổ sai rồi mà. Tôi không thể trách
Y. Y. đâu có gì lỗi. Tại cái bệnh chó má này. Nó cứ âm ỉ sinh ra những biến
chứng khiến bệnh nhân dần dần bị tước đoạt hết: từ sự di động của tay chân đến
vị giác rồi tri giác...
Nhưng mà tôi không đành để Y. đói
được. Tôi năn nỉ con tôi khi nó về thăm
mẹ nó. Con rán giúp ba, bắt mẹ ăn... Ba chịu thua rồi.
Địa
phương tôi ngụ không có tiệm VN. Hôm qua chạy tìm bánh hỏi khô các các tiệm Tàu
nhưng chịu thua. Y. cứ nhắc đến bánh hỏi thịt nướng mà chị bạn có nhả ý làm cho
Y.. Chưa bao giờ tôi thấy sự cần thiết của cộng đồng như lúc này. Nếu mà tôi ở bên CA hay Houston thì đở cho
tôi biết bao nhiêu !
Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi bắt đầu chú tâm
vào nghệ thuật nấu nướng. Có điều bà giám khảo của tôi là một bà thầy khó tánh
nhất trần gian. Bà dùng cái lưỡi đắng miệng khô để chấm điểm, và tôi chỉ còn
cách là nói láo: Món thịt nướng này do một người đầu bếp có tiếng nhất ở Cali
làm. Tôi nhờ người độc giả TQBT gởi mua đấy...
Bây giờ tôi mới hiểu tâm trạng của những
bà mẹ, người vợ khi nấu ăn cho toàn gia đình. Họ vui khi thấy món ăn mà họ tự
tay làm, mang lại ngon miệng cho người thân của họ. Tôi cũng vậy. Nhất là phải
nấu ăn cho người bệnh nan y. Tưởng tượng đến trong miệng kia là bao nhiêu viên
thuốc đã ngậm đã tan vào mỗi ngày. Tưởng tượng đến cái lưỡi đã mất đi phần nào cái vị giác.
Tưởng tượng lưỡi đắng miệng khô, nước miếng ít. Mỗi lần nhai, thì rất
chậm, rất mệt, không còn hăm hở như xưa. Mỗi lần cái khay đồ ăn để trước mặt là
Y. chỉ nhìn vào không còn bị món ăn kia quyến rũ nữa, để tôi phải dục hay chỉ còn cách là dùng áp lực,
bắt há miệng và đút cả muỗng cơm hay đồ ăn vào. Bởi vậy, khi thấy Y. chịu ăn, hay nói thích một thức
ăn nào đó thì tôi rất vui. Có điều cái món ăn kia thì mãi ở tận CA, Texas hay Phila !
Nhìn Y. ăn tôi thấy chẳng an tâm chút nào.
Mỗi lần gắp đồ ăn là mỗi lần đồ ăn vương vải đầy trên chiếc yếm, uống nước cũng
vậy. Thằng con tôi nói nên để mẹ tự gắp đồ ăn để tay mẹ quen.Cái miếng thịt trên dĩa, mà đôi đũa cứ trật lên trật
xuống, như đứa bé mới tập cầm, lâu lắm mới gắp được, thấy đến tội. Gắp đã khó mà bỏ thức ăn vào
miệng càng khó hơn. Tôi phải thay yếm hay nhặt đồ ăn vương vải nhiều lần. Thấy
Y. gắp tôi nóng ruột, muốn dành phần đút nhưng Y. không chịu. Hàm răng nghiến,
đầu lắc lia lịa. Có lẽ đây là một phản ứng tự nhiên như thể chứng tò Y. vẫn còn
đủ khả năng để tự lo lấy mình. Cuối cùng tôi phải chịu thua. Tôi đã chịu thua
rồi. Tôi ngồi yên, thỉnh thoảng liếc nhìn Y. ăn. Chậm, rất chậm. Tuồng như
không ham thích gì ở mấy hạt cơm, lát thịt, miếng cá, cọng rau ấy nữa....
Đôi khi thằng con tôi ở xa về thăm mẹ. Có
nó, Y. rất vui. Nó có khả năng bắt mẹ nó ăn đồ Mỹ. Sự thật nó ra lệnh chứ không
phải dỗ dành như tôi.
Thằng con hỏi mẹ đủ thứ, bắt mẹ phải trả
lời. Hy vọng đây là thuốc chửa cho người
có triệu chứng lẩn bắt đầu xâm chiếm.
oOo
Lần nào khi từ giã Y. ra về, chân bước
không muốn nổi. Nỗi ê chề như hai hòn đá cột vào hai bàn chân. Rất ít khi trở
về với niềm vui với đôi chân hăm hở. Cái nghẹn chận lại ở cổ, một khối nặng
chình chịch như đè trên vai khi phải
nghe những lời nói hay những lời dặn dò thật tội tình: ngày mai ông nhớ tới sớm chở tôi đi chợ Tết
hay nhớ mang áo dài để tôi đi đám cưới...
hay ông Mỹ mập trước nhà mình có biết chơi bài tứ sắc không ...Có khi
chịu không nổi nỗi đau xót, tôi đã cúi đầu xuống để dấu dòng nước mắt chực tuôn
trào.
Mỗi
lần ra về tôi đều bước qua những căn phòng rất quen thuộc ở hai bên hành lang:
Trong căn phòng này một bà già đang hét. Trong căn phòng dành cho những người
cần sự giúp đỡ của nurse aid trong lúc ăn uống, thì một ông lão nhắm mắt, nằm
trên xe lăn, hai ông lão đang gục đầu xuống bàn... Qua phòng nọ, một bà Mỹ
trắng đang nhìn lên trần nói huyên thuyên bất tận... Trước mặt là một lão Mỹ
trắng bị cụt một chân, được phủ bởi tấm drap trắng, bên cạnh là vợ của ông ta -
ở ngoài vào chăm sóc. Ở phòng đầu dãy là một đôi vợ chồng già cùng ở trong
nursing home. Cảnh bà vợ phải nhìn chồng bà năm ngoẻo cổ thều thào mà bất lực.
Bà ta cứ đứng nhìn như vậy mấy tháng rồi
Mặc dù, ở đây ánh sáng bên ngoài vẫn lọt
vào, nắng mùa xuân vẫn vàng tươi, những bông hoa dại vẫn thấy ngoài kia khung
cửa kính, và ở trong này, ngày ngày quang cảnh vẫn tấp nập như một phiên chợ,
nhưng nó là cái chợ chỉ dành cho những linh hồn đang ở bên bờ vực tử sinh.
Những người y tá bận rộn phát thuốc cho từng bệnh nhân. Những nurse aid lo đẩy
xe mang khay thức ăn hay ngồi bên cạnh những cụ ông cụ bà để giúp họ ăn uống.
Những chiếc xe lăn trên hành lang. Chỗ này một bà lão tự nhiên đứng dậy rời
khỏi xe lăn khiến những y tá hoảng hồn chạy
đến bắt ngồi lại... Hay một bà lão ngày
nào cũng đi từ hành lang này đến hành lang khác, miệng lẩm bẩm, nách kèm những
chiếc khăn, những tấm drap... Thêm một bà Mỹ trắng bị bệnh lẩn, được người con
dẫn đi như một con cừu rất mực ngoan
ngoãn hay ngồi yên bên cạnh chiếc đàn dương cầm, nghe con đàn từ bản này sang
bản khác trong nhà ăn. Một bà lão khác mà tôi gặp khoảng bốn năm về trước, lúc
ấy đi đứng còn vững chải, nay thì đã nằm bất lực như Y. trên chiếc xe lăn đặc biệt, há hốc miệng nhìn
tôi.
Chỉ có một lão Mỹ đen, suốt ngày thấy
lão ngồi trên xe lăn đầu gục xuống, mắt
nhắm.Chỉ vào giờ ăn là lão tự lăn xe ra phòng ăn. Và cứ mỗi lần thấy tôi là mắt
lão sáng, cười tươi như hân hoan thấy lại một người thân dấu. Bởi vì lão biết
tôi là cựu quân nhân, có thời hành quân chung với Sư đoàn 1 Kỵ binh Không vận
hoa kỳ ở An Khê - sư đoàn của lão. Lão chào tay tôi. Tôi đứng nghiêm chào tay
lão, Chúng tôi cùng chào nhau.
Chưa bao giờ tôi thấy nụ cười của lão đẹp như lần ấy. Hàm răng trắng, đôi mắt
sáng rực, và vẽ hớn hở lẫn tự hào tự nhiên bừng nở như thể một phép lạ, ít khi
thấy từ một ông lão cô độc nhất, trầm ngâm nhất luôn luôn chọn một chỗ khuất ẩn nhất trong phòng ăn để
ngồi.
Vâng chính tôi, chứ không phải bác sĩ,
hay bất cứ một ai, đã đánh thức lão Mỹ đen này dậy. Khi tôi nghiêm chỉnh đứng ở
vị trí nghiêm, chào tay lão, lão cũng chào lại, chào rất mạnh, như một dõng
tướng.
Không ai có thể biết được sức mạnh theo máu nóng luân lưu trong người tôi,
người lão. Họ chỉ thấy cái võ lốt của tôi là một lão già mà thiên hạ khi thấy
hình trên Facebook nói là THT sao mà quá thảm. Không ai nhận ra trong trái tim
héo úa của lão Mỹ đen có một bếp lửa từ lâu nguội lạnh nay được châm mồi. Không ai biết chúng tôi đã có một thời hành quân chung, có nghĩa là cùng gian khổ chung.
Tôi hãnh diện kể là tôi đã nhận được huy
chương bạc "Silver Star" do sư
đoàn lão tưởng thưởng khi chúng tôi cứu
được những người lính Mỹ trong một trận phục kích đoàn convoi ở trên
đèo An Khê...
(Tôi đã
viết vài truyện lấy chất liệu về cuộc phục kích này. Tiêu biểu là
"Người hạ sĩ nhất" (đăng trên Khởi hành), "một loài chim thiên di" và " Những cánh chim tuyệt vời" (đăng
trên Văn). Riêng về cái huy chương Mỹ
Silver Star tôi chỉ biết mình được thưởng sau khi tôi ở Mỹ do lời tiết lộ của
một thẩm quyền ).
Phải. Chính cái chào tay, cái đầu ngẩng
lên, đôi chân đứng nghiêm, ngực ưởn, tất cả trở thành một sức mạnh vô hình làm hồi sinh lại hai trái tim ngỡ chừng úa héo của chúng tôi.
***
Căn phòng Y. chỉ trong vòng 6 tháng có hai
bà lão chung phòng qua đời. Bệnh họ thật lạ. Họ ngủ li bì, không ăn không uống.
Thân nhân kêu cũng không dậy. Trợ tá kêu dậy ăn, một bà thì nói: Tao ăn rồi.
Trợ tá (nurse aid) hỏi: Bà ăn khi nào? Tao ăn hôm qua... Còn bà kia thì cứ nhắm
mắt, thỉnh thoàng nói chuyện với người
chết. Cuối cùng cả hai lần lượt ra đi. Không đau đớn, không cần trối trăn, cũng
chẳng có thân nhân bên cạnh khóc lóc.. Họ nhắm mắt ra đi thật bình an thanh thản.
***
Người ta trách tại sao lại để người thân
vào nursing home.. Tôi nghĩ là lời trách đúng. Vào đây là một cách gián tiếp
giam người thân trong bốn bức tường của nhà mồ, khiến họ chết sớm vì buồn, vì
bị hắt hủi, bị bỏ rơi.
Vậy mà tại sao tôi lại để Y. vào đây.
Bởi
vì hai tay tôi không thể ôm vững để mà giữ Y khỏi té, hai chân tôi cũng không
thể đứng vững khi Y. cần tôi đở xuống hoặc lên giường. Tôi rất cần Y. mà nghiệp
nợ không cho tôi được dịp chu toàn trách nhiệm. Phải chi tôi có con có cháu kề
cận. Phải chi tôi ở CA hay Houston, hay những nơi có cộng đồng Việt nhiều. Phải
chi Y. đừng bị thêm lần stroke thứ ba. Phải chi đừng cho tôi suy nghĩ đến một
ngày tôi bị mệnh hệ gì - nào ai biết, để không còn ai lo giấy tờ thủ tục, mở
cửa khi gọi emergency, chăm sóc Y. đêm hôm, lau mình lau mẩy cho Y. cho Y. uống
thuốc mỗi ngày, mở TV Y. xem, mở nhạc Y. nghe. giúp Y. đánh răng xúc miệng...
Chính cái ám ảnh về nỗi bất an ấy mà tôi quyết định... Tuổi tôi đâu còn trẻ nữa
để mà nhìn tương lai mà hoạch định cuộc sống cho mình... Hết Phùng Nguyễn, đến
Đinh Cường... còn ai nữa.. Bao giờ đến phiên tôi ?..
Trời ơi, tôi muốn giữ gìn Y. mà nghiệp nợ
không cho.
Không ! Không phải nghiệp nợ đâu. Chính là tuổi cuối đời: cái tuổi mà xã hội
gạt ra bên lề !
Cái tuổi chứng minh tại sao có
tiếng tiếng khóc khi chào đời !.
Cái tuổi mà đầu luôn luôn cúi gục xuống
như hầu hết những người có mặt trong nhà dưỡng lão này !
Khi nắm lấy bàn tay phế liệt của người bạn
đời tôi nói thầm: Đời buồn lắm. Ngủ cho ngon hở những ngón tay búp măng. Mấy
năm rồi 5 ngón tay không hề động đậy, không có việc làm nên nhàn nhả mập mạp
tròn lẳng, trông đẹp làm sao !
.
Bây giờ tôi như thằng sống mà lê cái thân
bằng đôi bàn chân bị chứng Gout kinh
niên hành hạ và mang cái đầu như trái bom muốn nổ. Có lúc Gout làm sưng cả bàn chân. Có lúc mấy
ngón chân sưng vù. Hết bàn trái rồi đến phải. Tôi không thể mang giày. Chỉ mang
tất và dép. Tôi vừa lết vừa chửi thề: Đ. M sao đời ta lại thảm quá chừng như thế này.
Có khi tức quá, về nhà tôi ném quăng cả cái bị đựng đồ ăn. Thịt cá vương vải
trên nền. Rau cải văng ra tứ tung.
***
May
mà tôi còn có một chỗ để nương tựa và bấu víu. Đó là một chỗ ngồi dưới căn hầm
basement này. Nó dành riêng cho tôi làm văn chương, làm TQBT. Thế nào tôi cũng
phải bước xuống, dù phải vịn phải bước lần hồi:
Hầm
quen, từ buổi chào đời
Quen như hơi thở làm người Việt Nam
Quen như ngày tháng chiến chinh
Lấy bao cát để giữ gìn thanh xuân
Bây giờ
trong cõi lưu vong
Hầm bao cát nay thành hầm basement
Để mỗi ngày xuống bực thang
Mở lại đèn, thắp lại hầm sáng trưng
Và trong im lặng vô cùng
Xin cám ơn những căn hầm của ta
Nơi
này tôi
trở thành một con người khác. Không còn lê đôi chân. Không còn bị những
vết cứa mỗi ngày phải nhận từ một cõi mồ dưỡng lão. Không còn suy nghĩ về nghĩa của kiếp người
trong nỗi bi quan yếm thế. Không còn lo không còn sợ không còn buồn không còn giận.
Tôi chỉ biết tựa nương vào chữ nghĩa, và việc làm. Tôi bị đắm chìm và cuốn hút
trong một cõi khác không phải là hiện hữu. Tôi không còn là kẻ để bạn bè tôi tội nghiệp dùm vì cái hình
"quá thảm" khi Trần Trung Đạo
chụp và bỏ lên Facebook.
Chưa
thảm đâu, các bạn ạ. Còn nhiều cái thảm sầu gấp trăm lần. Như cảnh một cựu sĩ
quan thám kích QLVNCH, một nhà văn phải
gánh đôi thùng phân người để tưới luống khoai luống sắn mỗi ngày trong trại khổ
sai..
Vâng,
chính nhờ một chỗ dưới căn hầm basement
này, tôi mới ngộ là tôi có con đường trước mặt để đi, để
bước và để tới.
Bạn
thấy đó, số báo này là bằng chứng.
***
Tôi đã kể ra những ngày tháng mà tôi đã,
đang và sẽ trải qua tại một nhà mà người ta gọi là Dưỡng lão.
Tôi đã xữ dụng bút pháp để kể những điều
gì đáng kể, đáng nói, đáng mang ra chia sẻ với những độc giả của tôi.
Đó có phải là văn chương không?
Vâng, đúng vậy. Bởi vì, rốt cùng, văn chương phải bắt đầu từ đấy. Nó nẩy mầm từ cuộc sống. Nó
không phải là những thước phim câm.Nhưng nó bắt nguồn từ sự suy nghĩ. Như thời
lửa đạn chập chùng, nó nẩy mầm từ niềm vui quá chừng to lớn khi thấy từ miệng
hầm cảnh một người đàn bà bồng đứa bé còn bú sửa, ló đầu lên. Với tư cách một
trung đội trưởng, tôi đã tránh được một tội ác bằng cách ra lệnh quăng trái
khói thay vì lựu đạn nổ. Nhưng với tư cách một nhà văn,nó không phải giới hạn
ở hành động vì lương tâm, mà đi xa hơn:
Nó nói lên lòng nhân bản của người lính miền Nam chúng tôi.
Bây giờ cũng vậy. Nó cũng được dùng để nói
lên cái tình cái nghĩa qua cảnh một
người chồng già chăm nom người vợ khổ nạn. Nó ươm từ cảnh đứa con mang niềm vui
đến mẹ nó. Nó toát ra cái khí hậu thay vì u ám buồn bả của căn phòng trong viện
dưỡng lão là sự ấm áp của một gia đình vợ chồng con cái sum họp để vui vầy
trong lúc đen tối nhất... Để rồi nó sẽ biến thành chữ nghĩa, tràn chảy trên
giấy hay trên màn ảnh computer. Để người đọc chia sẻ với tác giả những gì mà
tác giả cố diễn dạt. Để tác giả được dịp trút nỗi lòng. Để nhịp cầu vô hình bắt
qua những tâm hồn đồng điệu, đồng cảm, và có thể đồng cảnh...
Biết đâu, nó giúp được phần nào cho những ai có thể nhận rõ hơn
về nỗi may mắn của họ trong tuổi già. Là họ được hạnh phúc lắm. Hạnh
phúc được con cháu mừng thượng thọ, mừng lục tuần. mừng thất thập, mừng chiếc
xe của họ không bị nghẹt xăng, bám bụi. Nó rút từ nỗi đau khổ, niềm hânh phúc,
những xót xa để dâng tặng cho đời. Cho dù có người ngậm ngùi: Sách vở ích gì
cho buổi ấy !!!
Vâng, tôi biết chẳng ích lợi gì. Bản thân
tôi khi in một tác phẩm, dù lá tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn hay Vũ Hữu Định, dù
của Nguyễn thị Thanh Sâm hay Phùng Thăng, tôi rao là dành để tặng khi có yêu
cầu... Nhưng mấy ai yêu cầu? Mấy ai hiểu là tôi cần cái danh dự không phải in
để năn nỉ đọc dùm...
Vậy mà tại sao tôi lại viết. Vậy mà tại
sao tôi lại đánh máy. Vậy mà tại sao tôi lại nghiền ngẩm từng trang này qua
trang khác để thực hiện chủ đề về một tạp chí văn học miền Nam ?... Tôi không
biết. Chỉ biết là ngoài văn chương ra không ai có thể cứu tôi lúc này, Không ai
có thể giúp tôi lấy lại sự bình an để tôi khỏi còn bị những cơn mơ dữ. Không ai
có thể vất đi nỗi nghẹn ngào khi tôi nhìn bức tranh mà Y. thích và mua cho kỳ
được với giá rất cao. Không ai có thể đuổi đi đôi mắt vô hồn nhìn tôi như nhìn
một kẻ lạ... Ở nhà cũng vậy. Ra đường cũng vậy. Vào nursing home cũng vậy...
Tôi biết, không ai có thể giúp tôi khỏi bị chết sớm vì mãi buồn rầu,mãi lo nghĩ
chỉ trừ văn chương, và một chổ ngồi dưới basement này...
( Bài viết " Văn chương cuối cùng bắt đầu từ đây"của anh Trần Hoài Thư được trích trong Thư Quán Bản Thảo, số 69, tháng 4-2016.
TQBT số 69 , chủ đề giới thiệu bán Nguyệt san Mai ( 1960-19666 ).
Chân thành cám ơn tác giả đã chia xẻ ..Xin anh hãy tiếp tục con đường trước mặt, để đi, để bước, để tới..Dù rằng.. chữ nghĩa " rút từ nỗi khổ đau, niềm hạnh phúc, những xót xa để dâng tặng cho đời "..Nhưng văn chương đã bắt đầu từ đó. Nó được nẩy mầm từ cuộc sống.." ( trích )