Tuesday, November 29, 2016


                                         Thu Thuyền  ( Ảnh Nam Lưu)

Tình Xưa, Đàlạt ( *)

(Thu Thuyền)

Trước ngày Mơ về Việt Nam, chị Lan gọi. Giọng chị rối rít trong phôn:
“Mơ. Chị mới liên lạc được với anh Toàn.”
“Toàn nào, chị Lan?”
“Toàn Khoa Học, bồ cũ của chị đó! Anh ta hiện đang bán khoai lang khô, mứt bánh ở khu chợ hoa. Hiện thời sức khỏe yếu, cuộc sống chật vật. Đủ chuyện buồn. Chị lo lắm. Em về Đàlạt, chịu khó ghé chợ Dưới, đưa anh Toàn một ngàn dùm chị.”
“Chị có xi nhan anh Toàn vụ này chưa?”
“Tính anh Toàn tự kiêu lắm. Chị sợ nói ra, anh ấy không bằng lòng. Chi bằng em ghé qua bất ngờ, khó từ chối hơn!”
Mơ nhận lời. Cô làm bộ hỏi chứ quên sao được anh Toàn Khoa Học? Mấy nàng sinh viên đại học Đàlạt, đa số ôm gối sầu tương tư anh Toàn. Chỉ có chị Lan may mắn được cùng anh sánh vai trong khuôn viên của Viện. Hồi đó, Mơ không hiểu chị Lan đánh gục những đối thủ bằng cách nào. Đối với Mơ, tướng chị Lan giống con trâu nước: Vai u thịt bắp mồ hôi dầu, lông nách một nạm trà tàu một hơi. Chị chỉ được đôi môi chúm chím khá xinh. Nhan sắc không thể là yếu tố chính, Đàlạt khối gì các mợ sinh viên đẹp bằng mười chị. Có thể nhờ duyên ngầm hấp thụ từ những áng văn chương tuyệt tác đến Tuổi Cài Trâm, Tử Vi Đẩu Số... Mơ đọc xong, chữ nghĩa lời hay ý đẹp bay biền biệt sau một giấc ngủ ngon. Chị Lan cất kỹ trong đầu từng chi tiết nhỏ. Gặp hứng, lưỡi chị như có dán bùa mê, nói không khác gì rót mật vào tai. Bố đi đâu cũng đưa chị đi cùng. Các bác, các chú quý chị, dặn bố phải “tét” rể cho kỹ để tránh cảnh hoa lan cắm bãi cứt trâu. Mơ tạm kết luận chị mình duyên dáng và công nhận anh Toàn khéo chọn người!
Một trong những kỷ niệm nhớ đời là lần đầu tiên Mơ gặp anh Toàn. Buổi trưa hôm ấy, Mơ đang đong đưa trên cây mận. Cô hăm hở vặt những quả chín, sơ ý để cành cây xé một mảng lớn ngay quần. Đúng lúc anh Toàn mở cổng lững thững bước vào sân: Một người đàn ông cao, dáng thanh. Mái tóc bồng bềnh quyện khói sương. Ánh mắt tự tin sáng ngời. Sống mũi cao. Đẹp toàn bích, như pho tượng cổ Hy Lạp! Mơ lao đao muốn lộn khỏi cây. Anh Toàn ngước mắt nhìn cô: “Anh là Toàn. Chị Lan có nhà không Mơ?” “Anh Toàn biết cả tên mình!”, Mơ nghĩ thầm. Sung sướng, mát rười rượi. Chợt nhớ ra mình đang mặc quần rách, gió thổi vù vù vào đùi. Mặt Mơ đỏ như lên cơn sốt. Cô túm quần. Tuột khỏi cây mận. Chạy ào vào nhà, mặc cho ánh mắt đầy thắc mắc của anh Toàn đuổi theo sau. “Bể quá!”, Mơ lầu bầu nói không biết bao nhiêu lần.
Dĩ nhiên sau hôm hạnh ngộ, Mơ, một nữ sinh lớp Mười, cũng nối đuôi các bậc đàn chị sinh viên, ôm gối sầu tương tư anh Toàn. Khổ nỗi cứ thấy bóng anh Toàn là Mơ phát hoảng, chạy biến. Cái quần thủng là nỗi ám ảnh không rời. Sau đó Mơ còn chiêm bao thấy ác mộng: Anh Toàn cười tủm tỉm trước cảnh cô mặc áo quần rách lỗ chỗ...
Lúc Mơ tạm quên hình ảnh anh Toàn thì chị Lan được học bổng qua Mỹ du học. Chị mở cái “bum” thật lớn mời bạn bè đến dự. Mơ lợi dụng ánh đèn lù mù, lẻn vào ngó thiên hạ dập dìu theo tiếng nhạc. Đang dõi mắt theo những bước chân lão luyện, một bàn tay chìa ra trước mặt làm Mơ giật thót mình:
“Em ra nhảy bản này với anh nhé!”
Chàng sinh viên lù lù đứng ngay cạnh Mơ lúc nào không hay. Mơ ấp úng từ chối:
“Dạ... thôi! Em chỉ muốn nhìn... thôi...”
“Đừng làm khó với anh mà!”
Cậu sinh viên vừa nài nỉ vừa nắm tay Mơ lôi ra sàn nhảy. Mơ cong đít, trì người lại. Cảnh kẻ kéo người rịt, chắc chắn lố lăng khôi hài. Mắt Mơ loang loáng nước vì xấu hổ.
Đúng lúc ấy, giọng cứu tinh của anh Toàn vang lên:
“Mơ, em Lan đấy! Buông tay người ta giùm. Chắc cô bé không biết nhảy đầm đâu.”
Nói xong, anh dịu dàng rỉ tai Mơ:
“Mơ ạ. Ngồi đây, thể nào chúng nó cũng mời em ra nữa. Em nên vào nhà trong nếu không biết nhảy.”
Mơ vâng dạ, lủi đi như con cắt. Vào giường, tai Mơ còn vang vang giọng Bắc Kỳ ngọt mật: “Mơ à... Mơ ơi... Mơ ạ...” Rõ chán. Tưởng đã quên, bây giờ tương tư lại!
...
Chiếc xe van càng lúc càng đưa Mơ đến gần thành phố tuổi nhỏ. Cô hồi hộp bấu ngón tay vào nệm ghế, mắt nhìn đăm đăm vào vách đèo, tìm kiếm: “A, Nó đây!”. Vài cây thông con bắt đầu xuất hiện. Mơ có cảm tưởng trời chuyển sang hanh hanh lạnh. Cô quay kính xe xuống, phồng mũi hít thở làn không khí trong lành của vùng cao nguyên đất đỏ. Rồi Mơ hăm hở như chỉ còn vài phút nữa là tới nơi, cô nói với chú tài xế: “Kỳ này về Đàlạt, bất cứ giá nào tôi cũng mướn phòng ở khách sạn Palace.” Cô đến nơi này đúng một lần để dự tiệc cưới của ông chánh án Cẩn và cô giáo Khoa Nghi nhưng vẫn giữ mãi hình ảnh căn phòng tiếp tân lộng lẫy như điện vua. “Phải đến để xem có còn đẹp như mình vẫn nghĩ. Mướn phòng xong, mình sẽ đi thăm phố phường...”, Mơ chợt khựng lại: Đi thăm phố phường? Thế còn “người xưa”? Chẳng lẽ sợ giáp mặt anh Toàn, sẽ vỡ mộng nếu anh thay đổi quá nhiều?
Xe đi ngang bưu điện Đàlạt. “Vẫn thế!”, Mơ vui mừng reo lên. Biết bao nhiêu lần Mơ chầu chực nơi này để mua tem đóng dấu ngày phát hành đầu tiên. Bên trái là khu Xuân An, cả nhà hay ghé ăn bún ốc. Chẳng thay đổi bao nhiêu. Mơ thấy ấm lòng với những hình ảnh quen thuộc đập vào mắt mình. Không gì hãi hùng cho bằng trở lại chốn cũ mà cảnh vật thay đổi hoàn toàn! Xe vừa qua nhà thờ chánh tòa, Mơ hét toáng lên: “Chú! chú! Quẹo vào nhà thờ con gà giùm tôi...” Chú tài xế chiều ý, quặt tay lái vào sân nhà thờ. Mơ tất tả leo xuống xe. Cô tái mặt khi thấy cửa nhà thờ đã khóa kín. “Không ngờ nhà thờ lại có lúc nhốt con chiên ở ngoài!”, Mơ than thầm. Cô lang thang ra phía hông, kiếm xem cửa nào còn mở. May gặp cha xứ đang khóa văn phòng, chuẩn bị đi ra. Cô chặn đường, nài nỉ: “Thưa cha, con từ Mỹ về muốn vào đọc kinh cho Đức Cha Hiền. Cha làm ơn...”. Vị cha xứ nhìn cô thương hại, mở cửa giáo đường, hỏi cô:
“Hồi xưa, chị quen biết nhiều với Đức Cha?”
Thú thật cô muốn vào nhà thờ để tìm lại kỷ niệm chứ có phải vì Đức Cha hay Đức Chúa. Cũng may thuở bé hay được đi thăm Đức Cha Hiền nên cô không phải mất công nói láo:
“Ngày xưa, con vẫn thường cùng ông bà nội đi viếng Đức Cha, được người đưa nhẫn (cho hôn) nhưng con lắc đầu cám ơn, chỉ xin người mở hộp bánh!”
Cha xứ cười bao dung, chỉ về hướng bàn thờ. Cô lên tuốt phía trên, quỳ xuống bên mộ Đức Cha, lòng rưng rưng nhớ những ngày thơ dại, vòi vĩnh vị linh mục khả kính. Quay nhìn xuống thánh đường im vắng, không gian như đi lùi lại mấy mươi năm: Vẫn dãy ghế lên nước nâu bóng, những khung cửa kính hình màu sặc sỡ, tòa giải tội âm u lặng lẽ. Nước mắt Mơ chợt đọng lại thành hạt. Bà nội dắt Mơ đi lễ mỗi ngày, làm sao quên được những hình ảnh này? Cô tưởng tượng “Nếu còn ở Dalat, chị Lan anh Toàn thế nào cũng làm đám cưới ở đây, rồi cũng đến phiên mình mặc áo cô dâu đi giữa dãy ghế đông nghẹt bạn bè và người thân.” Chợt nhớ cha xứ đang đứng chờ, Mơ hấp tấp bỏ tờ giấy bạc vào hộp lạc quyên. Ra ngoài, cô còn ngoái nhìn lần chót, níu kéo mãi chưa muốn đi. Lòng cô như rên lên thành tiếng, “Chao ơi, thèm những ngày cũ!”
Từ xa, khách sạn Palace vẫn ngạo nghễ tọa lạc trên ngọn đồi cỏ cây xanh mướt. Vẫn quét vôi trắng, vẫn sang trọng như thuở nào. Đến gần, mới biết đang tu bổ chưa thể nhận khách. Mơ thất vọng, nhờ chú tài xế kiếm đỡ khách sạn ở khu Hoà Bình. Làm thủ tục giấy tờ xong, Mơ đi tản bộ ngoài phố. Cô ghé thăm trường Đoàn Thị Điểm nơi cô từng học lớp đêm của Hội Việt Mỹ. Mơ kinh ngạc khi thấy những hàng chè, bánh xèo, mì...trước đây chỉ nằm gọn trên vỉa hè, bây giờ lấn lan cả con đường. Cảnh tượng lộn xộn xô bồ thật thiếu thẩm mỹ. Ngao ngán, Mơ vội rút trở ra khu Hoà Bình, tìm những cửa tiệm hồi xưa cô từng ghé qua. Mơ nhận được vài bảng hiệu, góc phố nhưng cô thấy cảnh vật lạ lẫm thế nào. Cô có cảm tưởng mình là một bóng ma lạc lõng, thấy người chung quanh nhưng chẳng ai nhìn thấy mình. Lòng trống rỗng lạ kỳ! Cô tần ngần đi về hướng những bậc thang cấp dẫn xuống chợ Dưới. Xuống đó, cô sẽ đặt chân ngay vào khu chợ hoa, nơi có gian hàng mứt kẹo...
Cuối cùng cô lại bước vào chợ Trên!
Len lỏi trong những sạp vải, Mơ lớ ngớ ngắm những bộ quần áo may sẵn. Nhớ lại mẹ mua cho mình chiếc áo ngực đầu tiên tại đây: Đăng ten trắng, đính hoa hồng nhỏ xíu chính giữa...
“Ê, Lơ Tơ Mơ đó hả?”
Mơ giật mình quay lại hướng phát ra câu hỏi, thấy cô bạn thân cùng lớp ngồi chễm chệ giữa những dãy quần áo treo tít từ trên trần sạp, xuống tới đất:
“Trời ơi, Thuấn Lười. Mi bán hàng ở đây à?”
“Con điên! Chứ mi tưởng ta ngồi chơi?”
“Có bao giờ mi học hành chăm chỉ, làm sao ta biết mi chịu khó làm ăn?”
“Không buôn bán thì cạp đất mà sống à? Mi về đây hồi nào? Làm gì lang thang trong khu này?”
“Mới về. Thăm cảnh cũ, người xưa. Được không?”
“Cảnh cũ dĩ nhiên còn đó, người xưa... Ý, hồi đó mi mới 15, làm gì có ai?”
“Tình một chiều, không được xem là người xưa sao?”
“Người xưa là ai vậy?”
“Mi có rảnh nghe ta kể?”
Mơ không ngờ Thuấn và cô vẫn còn dùng những câu hỏi để đối đáp như thuở nào. Mơ cao hứng rủ bạn: “Miếng quà là đầu câu chuyện, kiếm gì ăn không?” Thuấn cười hăng hắc bảo sắp đến giờ về, sẵn gặp bạn đóng cửa sớm. Cô nhanh nhẹn dẹp hàng, khóa sạp, nắm tay kéo Mơ lách khỏi rừng quần áo chật chội. Ra tới ngoài, cô khoác vai Mơ, cặp kè thân mật:
“Lát nữa ta nhờ chồng tha đống vải vóc quần áo về. Thế mi đã gặp chàng chưa? Hồi nãy suýt nữa ta không nhận ra cái mặt tròn của mi. May mi vẫn còn mụn ruồi tham ăn trên mép và cặp mắt ngơ ngác của Từ Thức mới từ trên trời rơi xuống.”
Mơ cười, kéo tay bạn xà xuống cạnh gánh sữa đậu nành:
“Nỡm. Từ Thức mới về trần. Mi vẫn vậy. Coi phổng phao hơn xưa nên nhan sắc càng mặn. Ngồi đây uống miếng sữa đậu nành, kể ta nghe tin tức bạn bè cũ. Mi làm ăn có khá không mà ăn mặc diêm dúa, ngón tay đeo nhẫn hột xoàn to thế?”
Thuấn vùng vằng, kéo tay Mơ:
“Ta không ngồi đường kiểu này đâu. Kỳ lắm.”
“Vậy mi đứng, ta ngồi. Ta tới vài ngày rồi đi thành ra ai muốn cười cứ tự nhiên!”
“Mi không sợ người xưa nhìn thấy cảnh mi ăn uống lê la ngoài chợ à?”
Câu nói của Thuấn có tác dụng thần sầu. Mơ bật đứng dậy! Hai cô gọi sữa đậu nành, sánh vai trên cầu, cùng nhìn xuống khu chợ hoa. Nhẩn nha uống từng ngụm thơm lừng, thoang thoảng mùi lá dứa. Mơ vừa uống, vừa khoan khoái kể:
“Mi biết không? Hồi ấy ta mê bồ của chị Lan, anh ấy đẹp trai như tài tử xi nê. Ta sẵn dịp về Việt Nam, ghé thăm Đàlạt hy vọng gặp được anh ta”
Thuấn gật gù:
“Thì ra là vậy. Chàng tên gì? Con cái nhà ai? Giàu, nghèo? Bao nhiêu tuổi?”
Mơ thấy bạn nóng nảy hỏi liên tiếp mấy câu, cô càng muốn bắt bạn chờ. Sẵn cạnh đó có hàng chuối bọc nếp nướng than, tỏa mùi thơm khá gợi cảm, cô hỏi mua, lúng búng nhai. Thuấn sốt ruột, mắng:
“Mi vẫn không chừa tật tham ăn. Sao, kể đi chứ?”

Chưa kịp trả lời, một giọng Bắc kỳ ngọt mật vang lên sau lưng Mơ: “Thuấn, chuyện gì mà em dọn hàng sớm vậy?” Mơ choáng váng, chưa hoàn hồn trước giọng nói quen thuộc thì Thuấn đã tươi cười quay qua Mơ: “Anh Toàn, ông xã ta...” Nói đến đây, Thuấn rỉ tai Mơ: “Chồng ta bán mứt kẹo ở chợ Dưới nhưng đổi vàng, đô mới là nguồn lợi chính.” Sau đó Thuấn bảo với chồng, “Đây là Mơ, bạn học cũ. Em tính đi chơi với Mơ đến tối. Anh đem hàng về trước giùm em.” Mơ quay lại anh Toàn: Áo sơ mi xanh nhạt, quần tây xám, đồng hồ vàng rất lịch lãm. Mái tóc bồng bềnh quyện khói sương của anh thưa đi nhiều. Khuôn mặt hằn vết thời gian và ánh mắt tự tin ngày nào bây giờ cúp xuống, né tia nhìn của Mơ. Anh hắng giọng: “Chào chị Mơ. Thôi tôi về trước nhé!” Mơ biết anh Toàn đã nhìn ra cô nhưng cố tình không muốn nhận người quen. Cô buột miệng: “Hay mi về cùng với anh Toàn cho tiện. Ta cần đi chỗ này một chút. Ngày mai ta ghé lại đây, tha hồ tụi mình hàn huyên tâm sự.” Thuấn lưỡng lự: “ Ừ mai vậy, nhớ đừng quên nghe!”. Mơ lơ đãng gật đầu. Cô vừa gửi lại Đàlạt mối tình xưa. Gửi cả niềm thất vọng lẫn cảm giác hụt hẫng trước những đổi thay. Ngày mai Mơ sẽ rời thành phố sương mù thật sớm.

Góc . Với em thương.

Em viết về Đà Lạt làm chị nhớ vô cùng, thành phố quanh năm sương mù 
và những con dốc cao thấp hai bên đường thênh thang những bông hoa dại 
xinh xắn mơ màng  từ hương đất.
Cafe Tùng, con đường Phan Đình Phùng với cột đèn vàng vọt những khuya xuôi dốc, hơi thở phà khói thổi phù phù  trái bắp nướng nóng hôi hổi trên tay. Không nhiều lắm kỷ niệm ở thành phố đó, nhưng ..Có những điều rất riêng, quanh quẩn rơi rớt đâu tận góc khuất trái tim và đôi khi.. hãy để những kỷ niệm ngọt ngào  ngủ yên trong ngăn kéo hồi tưởng Và đừng khơi động, vì khi nhớ về  ngày tháng cũ, dù buồn hay vui cũng mang cho mình nhiều cảm giác mất mát lẫn nuối tiếc.

Hãy cùng chị nghe lại " Gọi người yêu dấu ' , một trong những bài hát yêu thích của chị.
Nghe em...

(*) Tình Xưa, Đà Lạt trong tuyển tập truyện ngắn " Những nhánh sông mất biển " của nhà văn nữ Thu Thuyền do Văn Mới xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2006.




                                     Gọi người yêu dấu
                                     Thơ : Hoàng Anh Tuấn
                                     Nhạc : Vũ Đức Nghiêm
                                     Ca sĩ : Ngọc Lan

Sunday, November 27, 2016




Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc
Yêu một người mà cảm thấy mênh mông..
..............
 ( Hoàng Anh Tuấn Và Bài Thơ Còn Lại )

Hoàng Anh Tuấn 
( 1932- 2006 )




Có một bài thơ của Hoàng Anh Tuấn nhiều người đọc qua chỉ một lần rồi cứ nhớ mãi.
 Bài thơ ấy nhan đề Bài Thơ Còn Lại, vẫn ở lại, với một số người, cho mãi đến tận ngày hôm nay, nhất là mấy câu ở gần cuối...

Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
Mắt vương tơ của những phút học bài
Tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn.


Trong bốn câu trên, tôi thích nhất câu : 
Có đi qua xin em đừng đánh phấn. 
Câu ấy như một lời dặn dò, như một khẩn cầu với những bước chân đang đi qua. Dặn dò hãy đừng son phấn. Hãy cứ để nguyên như thế.
 Hãy cứ học trò, hãy cứ hồn nhiên và hãy cứ mười sáu tuổi, hãy cứ tuổi trẻ,
 hãy cứ ngây thơ mới lớn. Bài thơ này Hoàng Anh Tuấn viết vào thời điểm nào thì không rõ vì ông không có thói quen ghi ngày tháng ở cuối những bài thơ của ông, nhưng nguời ta có thể đoán nó được viết trong khoảng thời gian ông ở Pháp, những năm của thập niên 50.
 Bài thơ tám chữ có thứ ngôn ngữ ông dùng trong những năm cuối của thập niên 50 như người ta có thể tìm thấy trong những bài thơ khác ông viết trong thời gian này.

Chúng ta hay nói, hay nghĩ và viết, hay hoài niệm về những gì không còn ở với chúng ta nữa.
Hoàng Anh Tuấn rời Việt Nam đi học ở xa năm 17 tuổi.


... Giã từ em, mười bẩy tuổi một lần
Thu rất mỏng , mưa hững hờ đẫm lá ...


Ở một thành phố chói lọi ánh sáng , trên những chuyến métro, trên những chiếc lá vàng Jacques Prévert, ở cầu Mirabeau của Apollinaire, nơi đại lộ Saint Michel, nơi tả ngạn, ở cái quán cà phê ...Hoàng Anh Tuấn vẫn nhớ lại những bước chân mềm, mái tóc rối mưa ngâu, tiếng guốc ròn rã, bức
thư tình viết không bao giờ dám gửi...


Tay vụng quá nên thư không viết nổi
Mực trong bình như cẩm thạch ngẩn ngơ
Giấy trắng tinh đem bóc nhẹ từng tờ
Tầu bay giấy ngập ngừng bay ra cửa...


Bài thơ là một lời tỏ tình thuần khiết trong sạch nhất gửi cho mối tình đầu và cho tuổi trẻ đã không còn.
Trong bài thơ, Hoàng Anh Tuấn nắm tay thời gian giữ lại. Ông không muốn mối tình ấy son phấn, trang điểm. Ông không muốn làm mất đi tuổi thơ, những lúc đánh chuyền, nụ cười xinh cam thảo, ván giải gianh, bàn tay vơ nắm sỏi ... Hình ảnh giữ lại phải là nguyên bài thơ bé nhỏ, bài thơ cũ như cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi...


Em đi ngang nhịp bước có lạnh lùng
Mà sao vẫn y nguyên bài thơ cũ
Vẫn lặng lẽ để anh nghe vừa đủ
Vẫn thờ ơ cho rủ hết màn the
Vẫn mỉm cười rồi vẫn lấy tay che
Cho cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi...


Bài thơ tám chữ, hình thức diễn tả mà Hoàng Anh Tuấn dùng khá nhiều trong thơ của ông là những hình ảnh còn lại mãi trong trí của ông ở những nơi đã rất xa. Mối tình mười sáu tuổi không còn nữa. Thời gian ngủ kỹ giữ lại mãi hình ảnh của mối tình xưa cũ trước khi những nỗi lòng vỡ vụn và những gió mưa của đời sống kéo đến mà cả hai đều muốn dấu đi.


Hoàng Anh Tuấn đã tạo được cho ông một không khí mới với thứ ngôn ngữ ông dùng. Mà ngôn ngữ thơ ấy cũng không phải là những khám phá mới mẻ, phá phách như những nhà thơ cùng thời với ông. Bằng những chữ nghĩa rất quen thuộc, ông cho chúng những đời sống mới để chúng đẹp lên một cách lạ thường như vẻ đẹp không son phấn trong Bài Thơ Còn Lại.

Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7 tháng 5 năm 1932 ở Hà Nội.
 Ông đi Pháp học trong những năm 1950 và về nước năm 1958.

Ông là một lãng tử theo đúng nghĩa đẹp nhất của chữ lãng tử. Ở một thời đại khác, Hoàng Anh Tuấn chắc phải là người ôm đàn đến giữa đời như trong lời của một ca khúc tiền chiến.

Hoàng Anh Tuấn làm thơ rất nhiều, nhưng ông lại không bao giờ nghĩ đến việc in những bài thơ ấy thành một tập. Ông nói với bạn bè rằng thơ của ông ai thích thì đọc, thì thuộc. Những bài thơ ở trong tim người đọc mới quí, quí còn hơn trên những trang giấy. Mãi đến năm 2004, gia đình ông mới gom lại được một số và in thành tập thơ nhan đề Yêu Em, Hà Nội Và Những Bài Thơ Khác. Hoàng Anh Tuấn mất ngày 1 tháng 9 năm 2006 hưởng thọ 75 tuổi.


Bài Thơ Còn Lại, như tựa đề của nó, sẽ còn lại mãi với văn học Việt Nam. Nó sẽ không bao giờ là :

Bài thơ héo như hoa khô rời rã
Nép âm thầm trong trang sách bỏ quên.



 Bài Thơ Còn Lại

( Hoàng Anh Tuấn )

Bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót
E nắng buồn làm rối tóc mưa ngâu
Em tìm anh nước uốn nhịp ven cầu
Năm tháng cũ rợn tình xưa tỉnh thức

Em vẫn bé, anh vẫn còn ngây ngất
Màu áo hường còn gợn sóng âm thanh
Mắt thuyền qua nên nón vẫn nghiêng vành
Chân cuống quýt nên guốc ròn gõ cửa
Anh mở vội cả nghìn lần hớn hở
Cho hồn nhiên, mắc cở với hoài nghi
Em cúi đầu và lặng lẽ bước đi
Từ hôm ấy cửa nhà anh bỏ ngỏ
Bước rất nhẹ như hường qua sắc đỏ
Như màu trời len lén bước vào xanh
Như thời gian vò nát lá thư tình
Bước rất nhẹ như vẫn còn đứng lại
Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái
Như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh
Như chưa lần nào em nói: yêu anh
Như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ
Bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
Như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
Em có về ăn cưới những vì sao
Ðể chân bước trên giòng sông loáng bạc
Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc
Yêu một người mà cảm thấy mênh mông
Em đi ngang nhịp bước có lạnh lùng
Mà sao vẫn y nguyên bài thơ cũ?
Vẫn lặng lẽ để anh nghe vừa đủ
Vẫn thờ ơ cho rủ hết màn the
Vẫn mỉm cười rồi vẫn lấy tay che
Cho cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi
Tay vụng quá nên thư không viết nổi
Mực trong bình như cẩm thạch ngẩn ngơ
Giấy trắng tinh đem bóc nhẹ từng tờ
Tầu bay giấy ngượng ngùng bay ra cửa!
Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ
Anh còn nguyên là một kẻ yêu em
Em đi ngang xin ráng bước cho êm
Ðừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ
Ðừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa?
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ
Ðừng nói trước để anh buồn vơ vẩn
Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
Mắt vương tơ của những phút học bài
Tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn

Em dấu đi những nỗi lòng vỡ rạn
Anh cũng thề dấu hết gió mưa đi
Bao nhiêu ánh đèn rũ rượi tái tê
Những ngõ vắng, tối tăm anh dấu hết..

 ( Bùi Bảo Trúc )

Góc. Với Bài thơ còn lại .

Hoàng Anh Tuấn là một lãng tử theo nghĩa đẹp nhất của một lãng tử 
( Bùi Bảo Trúc )
Ông có một tập thơ duy nhất xuất bản vào tháng 9 năm 2004 được các con gom góp rồi in ấn cho ông..Tập thơ " yêu em, hà nội và những bài thơ khác " là những bài thơ tình mang ký ức về Hà nội, và Em hà nội của ông lúc nào cũng tươi thắm , lãng đãng như trái tim ông.  Người tình  mỏng manh như phiến sương đêm, dễ tan dễ vỡ..
 Những lời thơ  dặn dò hồn nhiên gửi người tình mười sáu, câu thơ mà đối với tôi, ngày xưa hoặc ngay cả bây giờ, mỗi khi đọc lại, tôi vẫn dường như..mình đã vô tình lạc bước trong cõi vô cùng mênh mông ấy..

Ở một chỗ tưởng dường như đi lạc
Yêu một người mà cảm thấy mênh mông.. 

Tình yêu trong thơ của ông giàu những âm điệu cảm xúc vừa nhẹ nhàng vừa lãng mạn nên rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc: Nguyễn Đức Nam, Duyên Anh, Lê Trạch Lựu, Văn Phụng, Vũ Đức Nghiêm.. Một trong những bản nhạc ấy" Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội " ( Nhạc:  Phạm Đình Chương ) rất được yêu thích và hầu như những người sống ở miền Nam trước 75, ai cũng biết bài thơ , nhạc nổi tiếng nầy. Bài hát được nhiều ca sĩ,  ban hợp ca đặc biệt chọn lựa , nhưng ưa chuộng nhất vẫn là phần trình diễn của  ban hợp ca Thăng Long.
Một chút bùi ngùi, một chút nuối tiếc, ta hãy chia xẽ cùng ông nỗi nhớ thương về những mùa mưa Hà Nội, Sài gòn xưa trong muôn vàn ký ức đã cũ..đã lãng quên..

Mưa còn rơi 
Ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời 
Vang trời tiếng cười Ấm niềm tin hồn người 
Mây trắng vui tươi Tình quê ngút khơi 
Tự do phơi phới”.



                                     
                               Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội
                               Thơ : Hoàng Anh Tuấn
                               Nhạc : Phạm Đình Chương
                               Ca sĩ : Lệ Thu & Jo Marcel

Friday, November 25, 2016

Nam An ( 1973 )
chị về đâu tận Louisiana
chị về đâu tận Louisiana
mười năm qua không email, điện thoại
không lời ca và không tiếng hát
thơ, truyện ngắn, dài ra mắt sách m. c.
chị về đâu văn nghệ đó đôi khi
cần thêm nhưng người viết tử tế
những người chữ tuông ra là người như thế
trong thế giới mà nhà văn giả nhiều khi
viết là 
bôi chính họ. chấm hết
chị về đâu buổi trưa nay rời việc
thấy [text ] lạc đường hỏi nhớ chị không
nhớ nhưng để chiều về sẽ viết
mà viết gửi về đâu nơi đây Thanks Giving không tuyết
để ấm lòng lời thăm hỏi… chị đây… ./.
Nguyễn Nam An
Góc. Với An..

Monday, November 21, 2016

(Album một )



Viết, từ nỗi lòng người mẹ..




( Cám ơn Phạm Hòa với trang mục :
 Chiến Sĩ Vô Danh Việt Nam )


(Album hai)


Khi trời bắt đầu se lạnh, khi  những chiếc lá vàng chấp chới chao nghiêng  theo gió cuộn tả tơi trong giòng xe cộ cũng là lúc, mùa lững thững vào đông..

Mỗi lần, lúc chiếc xe rẽ ngang góc bưu điện thị xã, tôi như thấy mình, thưở nào không xa lắm, lễ mễ ôm thùng quà bước lên bậc thềm lát gạch, vượt qua  thùng thư sơn mầu xanh đậm đặt cạnh mấy chỗ bán báo tự động..
Những thùng quà tôi gửi cho con thời  gian con ở Phi Châu, ở Iraq và  đâu đó trong chiến trường Afghanistan..

Những thùng quà đóng bằng lớp giấy dày mầu kaki , nhét  đầy  bánh , kẹo, mì gói..và nữa, là trái tim nặng trĩu của người mẹ. Ngày tháng qua,  nước mắt tôi đã dần khô nhưng khi nhìn căn phòng con với đồ đạc bỏ lại, lồng ngực tôi lại râm ran nhói đau , tựa hồ tôi vừa va vập một tảng đá lớn, nó làm tôi khó thở và đau đớn..
Nỗi đau đó, trở lại hôm nay khi tôi nhìn những người lính trẻ, chỉ bằng tuổi con tôi, có người lớn hơn, chỉ như em trai tôi..Hình ảnh những người lính ấy khi ra trường cũng gầy gò như con tôi ngày mãn khóa..Gương mặt mỗi người sao quá gần gũi quen thuộc với tôi, trong ánh mắt của mỗi người là niềm vui  tuổi trẻ , là nỗi khát khao được sống, được yêu. Họ có thể chọn cho mình một cuộc sống bình yên, đi học, ra trường, đi làm, xây dựng gia đình… 
Nhưng đổi lại, họ lại chọn cho mình một con đường khác, một con đường binh nghiệp hiểm nguy, bất trắc.
Những người lính ấy, họ ra đi khi còn quá trẻ, có người chưa qua tuổi hai mươi..có người vừa tử trận cách đây chỉ vài ngày..
Ngôn ngữ làm sao viết  cho hết , diễn tả cho hết, và lòng tôi thương họ xiết bao. Tôi thương cả những người mẹ mất con.. Nỗi đau đớn như xát muối vào thịt da sưng tấy, vào  vết thương không bao giờ lành lặn , và suốt đời , họ mang một trái tim tan vỡ ngay cả  khi còn sống.
Tôi may mắn hơn họ, con tôi trở về bình yên sau những năm quân ngũ, nhưng nỗi nhớ thương lo lắng cho con mình khi nó vượt ra khỏi tầm tay, khi nó đang đối diện với cái chết từng ngày, tôi và họ, đã một thời  chung một nỗi đau.
Chung những đêm dài không ngủ..
Chung những đêm quay quắt nhớ con.
Tuổi trẻ của tôi đã từng trải qua  những năm tháng chiến tranh. Lúc ấy, bởi  tôi còn rất trẻ, cuộc sống thành phố quá  bình yên nên chưa bao giờ hình dung rõ nét, hoặc cảm giác mất mát chưa hề chạm đến tận cùng nên khi lìa nhau, biết xa nhau và không hẹn trước ngày về, tôi luôn chấp nhận điều đó bằng nỗi cam chịu, bởi, cũng như bao nhiêu người khác , khi có người yêu là lính chiến.
 Nhưng khi nhìn con đeo ba lô trở lại đơn vị, trong tôi trở lại cảm giác mất mát lẫn đau đớn không thể nói thành lời, nó là gánh nặng triền miên đè trĩu lòng tôi khi mỗi bước con xa dần. Con chim đang háo hức đập cánh bay về vùng trời rộng kia, nhiều thứ đang chờ đợi  thử thách  và nó không hề biết rằng, nó đã bỏ lại căn nhà trống trải vừa lấp đầy nỗi đau đớn khôn lường.
Tôi sợ hãi. Tôi thật sự mất thăng bằng. 
Không biết điều gì sẽ xảy đến cho con tôi, cảm giác  y hệt như ngày xưa mỗi lần tôi tiễn anh đi..Nếu con tôi không trở về , khoảng đời kế tiếp chúng tôi sẽ sống ra sao.
 Ai sẽ bù đắp nỗi mất mát mà tôi phải gánh chịu ở phần đời còn lại ?
Những người lính trẻ, họ đến trong cuộc đời lặng lẽ và ra đi lặng lẽ.. Những giọt nước mắt tiếc thương rồi cũng rơi dần vào quên lãng. Chỉ người còn sống suốt đời mang vết thương tật nguyền, không bao giờ lành lặn. Vĩnh viễn. Không bao giờ.
Nên, ngoài nỗi thương xót cho những người lính tử trận, tôi thương lắm những người phụ nữ đã mất con, mất chồng nơi chiến trường..Tôi thương giọt lệ của người mẹ khi đón con về nhà trong tiếng kèn truy điệu não nùng bi ai  và những giọt nước mắt không ngừng chan hòa cùng cơn mưa thấm đẫm ngoài trời..Tôi thương tiếng khóc thảm thiết của người mẹ vừa mất con, thương những ngón tay của em, của chị, của vợ  ôm chặt lá cờ tưởng như ôm lấy một phần hơi ấm người thân mà lát nữa đây, khi nắm đất ném lên, tiếng khóc lịm dần  là trùng trùng vĩnh biệt.
Tôi nhìn rất lâu hình ảnh của những người lính trẻ đã từ bỏ cuộc đời mình, từ bỏ tuổi thanh xuân, độ tuổi đẹp đẽ nhất, tràn đầy hy vọng nhất để vào quân ngũ. Chấp nhận gian khổ. Chấp nhận tai ương.   Họ đã nối tiếp những ước mơ dang dở của cha ông dù không chiến đấu cho một quê hương Việt Nam.. Họ, kế thừa tiền nhân, viết tiếp trang sử truyền thống oai hùng của Tổ tiên để bảo vệ chính nghĩa tự do, cho chính nơi chốn đã cưu mang họ và gia đình.
 Họ trả dùm chúng ta món nợ trên quê hương thứ hai nầy.
Nếu ngày nào, con tôi muốn trở lại đời quân ngũ, tôi cũng sẽ chấp nhận điều đó vì ít ra, trong huyết quản của con tôi, của hằng bao nhiêu người lính trẻ Việt nam đang chiến đấu cho đất nước nầy vẫn còn luân lưu những giòng máu Việt  kiêu hùng.
Can đảm và bất khuất.
Không hề lùi bước trước kẻ thù..
Không sợ chết. Không ngại hy sinh.

Xin gửi một đóa hoa thương tiếc cho những người lính  đã hy sinh vì lý tưởng tự do, vì hòa bình thế giới.
Xin gửi một đóa hoa xót xa cho những bà mẹ, những người cha, người vợ..Những người đã phải chịu đựng sống  phần đời còn lại của mình với trái tim tan nát. 
Gửi lời cầu nguyện bình yên đến những người lính  đang trong quân ngũ hằng ngày đối mặt với mọi chết chóc,hiểm nguy. Và cả lời bình yên cho gia đình họ.

Xin ơn trên giữ gìn họ như đang gìn giữ chúng ta.

Chú thích : 
Album một :

Hàng 1, từ trái sang phải :  Hạ sĩ TQLC Alan Đinh Lâm .
                                                Hạ sĩ TQLC Lê Ngọc Bình . 
                                                Hạ sĩ TQLC Denny Đoan Tran 
                                                ( Tử nạn vì công vụ  ngày 16 .11. 2016 )                                                                                       
Hàng 2, từ trái qua phải :  Hạ sĩ Bộ Binh Trần Quốc Bình. 
                                              Trung sĩ Bộ Binh Nguyễn Ngọc Long
                                              Hạ sĩ TQLC Nguyễn Lee văn Te
Album hai : hàng dọc:

hàng 1)  Trung sĩ nhất KQ Nguyễn Văn Thanh
                Trung sĩ nhất Bộ binh Trần Hai Du

hàng 2)  Hạ sĩ nhất Bộ Binh Nguyễn Hồng Dan
                Thượng sĩ Lực Lượng Đặc Biệt Nguyễn Mạnh Tùng
                Hạ sĩ TQLC Victor R Lữ

hàng 3) Hạ sĩ TQLC Andrew S. Đặng
               Binh Nhất Bộ Binh Ngô Q Tan



Saturday, November 19, 2016


                            Bài hát : Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp
                            Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Đông
                            Ca sĩ : Hà Thanh & Hùng Cường.



Anh Hùng Vô Danh

(Tặng những người chiến sĩ vô danh đã 
chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc )

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước

Họ là kẻ tự nghìn muôn thủa trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một sơn hà gấm vóc


Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc
Không ngại xa hăng hái vượt trùng sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc

Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lạc lộc với vinh hoa
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối


Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hi sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật



Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt
.

Hôm nay, tình cờ từ blog của ngưì bạn, tôi được thấy lại nguyên bài học thuộc lòng” Anh Hùng Vô Danh” mà tôi đã được học thời tiểu học( không nhớ tên tác giả) Bài thơ gồm 9 khổ nhưng cô giáo chỉ cho học bốn khổ thơ 
( in nghiêng ) Có lần cô giáo hỏi em nào thuộc bài nhất, ai tình nguyện lên bảng đọc cho cả lớp nghe, tôi giơ tay liền. Chẳng là môn nào tôi cũng qua loa, nhưng tôi lại ghiền môn học thuộc lòng. Lên bảng, đọc một mạch  vanh vách, được cô xoa đầu khen, lúc ấy tôi mừng rơn, mặc dù không hiểu lắm ý nghĩ của bài thơ. Nhưng trong trí óc non nớt của tôi thưở đó, H thật sự là những anh hùng.

Tổ Quốc của tôi đã có hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu những người chiến sĩ, những  anh hùng vô danh. Máu họ đã len vào mạch đất . Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông..Họ nằm xuống cho chúng tôi được sống đến tận hôm nay..

HỌ luôn bất tử trong trái tim của chúng tôi...

Monday, November 14, 2016

                                  Hồng Thúy  và Phạm Hoà 
                                            ( Veterans Day.11.2016 )



Như bốn mùa
vốn sẵn yêu thương...

( Tặng HT& PH )


Ta tình cờ gặp nhau
Như mùa Xuân tìm thấy mùa Xuân
Em mang quê hương
trong đôi mắt
chở bát ngát bình minh
Tôi mang trên vai 
nỗi nhục nhằn
nợ chiến chinh..
nợ núi sông
suốt đời không trả hết..

Gặp nhau
như mùa Xuân tìm thấy mùa sau..
lấp lánh khơi bùng  ngọn lửa 
xua nụ cười buốt giá
xua tan những khổ đau..

Ta đi qua phố xá đông người
ân cần lời thăm hỏi
nầy bạn bè chiến hữu
nầy giọng nói quê nhà
trong những ngón tay nắm lấy bàn tay
Ta thấy. Quê hương mình ở đó
không xa
không gần..
lần biệt ly lệ ứa tim khô.

Đời sống...
đôi khi là những trang sách dở dang
có tiếng cười trong trẻo
nở nhánh hạnh phúc đâm chồi
thầm lặng riêng
niềm ủi an bất chợt
hạnh phúc là khởi đầu
được chia xẽ
được yêu thương..
Và tình bạn..
đi qua chương cuối đẹp đẽ 
khi ta nghĩ về nhau...
khi ta nhớ về nhau..

Gặp nhau
như mùa Xuân tìm thấy mùa sau..
lấp  lánh khơi bùng  ngọn lửa
xua nụ cười buốt giá
xua tan những khổ đau.
để làm lại từ đầu
từ những ngày thơ ấu
cũ..

Và, như thế
Em. Bạn. Tôi
Hãy đến với  cuộc đời
như mùa Xuân tìm gặp mùa Xuân.
như mùa đông nối tiếp mùa đông..
như bốn mùa..
vốn sẵn yêu thương...
ấm tình người
xa xứ...

Saturday, November 12, 2016

Tranh : Chân dung phác họa Thanh Tâm Tuyền
 ( không rõ tác giả )

Chiều mưa thu rắc bụi
Chợt nhớ..Thanh Tâm Tuyền..
Một thời ta u muội
Đêm không bao giờ đêm ( Nt.)

Một chút kỷ niệm với Thầy... 

Về Thanh Tâm Tuyền...

Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học Miền Nam, trước 1975 và góp phần tạo nên một khúc quanh cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp Lửa. 
Ông du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn, nhà thơ lớp trước. Ảnh hưởng phương Tây do đó có tính cách trực tiếp, tự do và sáng tạo. Ngược lại, ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật : Thơ, Văn, Nhạc, Họa, như ở các nước phương Tây. 
Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. 
Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật. 
Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo. 

Nhìn lại thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền.Ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét. Ví dụ trong thơ Tô Thuỳ Yên, ta thấy thảm kịch Việt Nam; thơ Lê Đạt phản ánh tâm cảnh người dân châu thổ Sông Hồng, thơ Dương Tường đưa vào nhiều tiếng nước ngoài, thảnh thót giọt mưa dương cầm tím mộng Scheherazade, vẫn là cái liếc nhìn ra thế giới, không phải là tầm nhìn sâu thẳm, xâu xé, xoáy vào thân phận làm người, cốt yếu là người nhược tiểu. Nói như vậy, không có ngụ ý rằng thơ Thanh Tâm Tuyền nhẹ tính cách dân tộc. Phân biệt dân tộc với nhân loại là phiến diện: trong thế giới có Việt Nam và trong Việt Nam có thế giới. Trong «Guernica» của Picasso có Bến Tre, trong tranh khắc gỗ đình làng Việt Nam có Picasso.
Thơ Thanh Tâm Tuyền trong hình thức và nội dung là một bước ngoặt trong nghệ thuật và tâm thức Việt Nam là vậy.

Tuyên ngôn về thơ tự do:

Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn phá bỏ những cấu trúc như lối thơ cũ và quan niệm nghệ thuật theo tinh thần Dionysos nổi loạn chống lại sự hài hòa theo tinh thần Apollon: "Chúng tôi theo cơn cuồng nộ bi thảm của Dionysos, của cuộc đời hôm nay ...
 Nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm ... (Người làm thơ) không tạo những hình dáng cho cuộc đời vốn đã là một hình dáng, họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn, căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy." 
 Đó là những câu trích từ bài tiểu luận Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay ông viết năm 19 tuổi (1955), mà các nhà phê bình xem như là tuyên ngôn về thơ tự do.
Trong tập "Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy", Thanh Tâm Tuyền quan niệm rằng: 
"Thơ tự do không gieo vần lối đồng âm, đồng thanh, vần của nó là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới khác âm, nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối hợp của một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định khiến cho hơi thơ tự do dễ kéo dài hơn các hơi thơ khác".
 Ngoài ra ông còn đề cập đến loại nhịp điệu của hình ảnh và ý tưởng, nói chung đó là nhịp điệu của ý thức.
Thơ ông còn dùng kỹ thuật tạo hình lập thể và siêu thực: coi đời sống là những mảng đứt đoạn, thực tại là một chuỗi liên tục những mảng đứt đoạn ấy và tiềm thức là nguồn sáng tạo vô biên; do vậy thơ Thanh Tâm Tuyền rất gần với thơ của những nhà thơ trong trường phái siêu thực của Pháp như Paul Eluard, Breton, Aragon, Rimbaud ... và hình ảnh trong thơ Thanh Tâm Tuyền, nếu nhìn dưới khía cạnh hội họa, có nhiều nét gần gũi với tranh của các họa sĩ siêu thực Max Ernst, René Magritte, Salvador Dali, Pierre Roy ... " Được sáng tạo ra từ những thúc đẩy ở ngoài phạm vi luận lý và lấy chất liệu từ tiềm thức và từ những thị kiến nghệ thuật, các thi sĩ hoặc họa sĩ thuộc trường phái siêu thực đã sáng tạo nên những tác phẩm xuất phát từ những mơ mộng thuần túy của họ về một thế giới mà họ mong ước đạt 
Với nguồn sáng tạo vô biên, Những hình ảnh quá khác biệt đặt cạnh nhau trong thơ ông theo kỹ thuật tạo hình siêu thực khiến người đọc khó nhận thấy những ẩn dụ trong đó, và nó tạo nên nguồn cảm hứng bất ngờ cho những nhà thơ có khát vọng đổi mới.
Thanh Tâm Tuyền là người điềm đạm, trầm ngâm, ông đọc sách nhiều và đọc kỹ lưỡng nên kiến thức rất phong phú.Tiểu thuyết của ông không nhiều nhưng đa dạng và sâu sắc. Nó là những hạnh phúc đơn giản nhưng chứa đựng những khắc khoải nội tâm, những ám ảnh cô đơn phi lý một kiếp người.

Hình ảnh mới lạ:

Thơ Thanh Tâm Tuyền thường không phải là tiếng nói hay lối suy tưởng thông dụng và những hình ảnh quá khác biệt đặt cạnh nhau trong thơ ông theo kỹ thuật tạo hình siêu thực khiến người đọc khó thấy hết ý nghĩa ẩn dụ chứa trong đó:
Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao
mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
bàn tay mây, mắt trăng, môi nhiệt đới ( Tôi không còn cô độc )

Đó là những hình ảnh khác lạ chưa bao giờ thấy trong thi ca Việt Nam:
 Đêm giao thừa ,thế kỷ, mưa rơi sao, ..., bàn tay mây, mắt trăng, môi nhiệt đới.
Hãy để ý, trong bài hát của Trịnh Công Sơn có những câu cũng khó hiểu như thế:
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao,      
nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ ...( Diễm xưa. Trịnh Công Sơn )
Bản nhạc đầu tiên " Ướt mi" của Trịnh Công Sơn (1959), trong khi thi phẩm đầu tiên của Thanh Tâm Tuyền" Tôi Không Còn Cô Độc" (1956), vậy có thể nói, ca từ của Trịnh Công Sơn phần nào đó chịu ảnh hưởng lời thơ của Thanh Tâm Tuyền.
Còn nhiều nữa, đọc kỹ thơ ông ta sẽ thấy thêm những hình ảnh rất độc đáo: 
Hơi thở giao thoa, giấc máu, bão mặn, mắt kín, mưa đêm, trán hoang đồng cỏ, cái hôn tím, bước chân thỏ rừng, hoàng hôn tóc rối, mưa thì thầm tội lỗi ...
 Và những hình ảnh thật  đẹp, ta đã quá quen thuộc cũng xuất phát từ thơ ông: đêm màu hồng, lệ đá xanh, nắng  thủy tinh ...
"Hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền là người dẫn đường, người tiên phong đem siêu thực vào Việt Nam một cách có hệ thống và đã tạo ra những câu thơ mới nhất, giàu hình ảnh   nhịp điệu, mầu sắc trong thơ văn Việt Nam thời bấy giờ. 
Thanh Tâm Tuyền đã hiểu tường tận những trào lưu tư tưởng phương Tây đương thời từ những văn bản gốc và thể hiện những suy nghĩ, khám phá của mình trong văn thơ ông. Từ ngày phong trào thơ tự do ra đời, những khen chê bùng lên tranh luận dữ dội nhưng với sự đãi lọc của thời gian, và cùng những tên tuổi lừng lẫy như Tô Thùy Yên, Nguyên Sa ... thơ tự do đã có địa vị xứng đáng trong văn học Việt Nam.
Tuy nhiên cũng phải ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ. 
Lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế. Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập "Thơ ở đâu xa " cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao tù CS, và chắc chắn lời thơ không thể vượt qua khỏi hàng rào kẽm gai của bên kia thù hận.
 Dù sao , với thể thơ mới, ông đã mở ra những chân trời mới, cách tân quan niệm thi ca. và nó đã góp phần làm phong phú hơn trong kho tàng thi ca Việt nam.
Tiểu sử của nhà Thơ Thanh Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936 tại Vinh, tên thật là Dzư Văn Tâm.
Thưỏ nhỏ, ông theo mẹ vào Sài gòn ở nhà người cô làm nghề đan áo len. Sau đó ông ra Hà nội tiếp tục đi học. Ông là một học sinh xuất sắc, đỗ Tú tài một dù chưa đủ tuổi.
Năm 1952 (16 tuổi), ông dạy học tại trường Minh Tân (Hà Đông) và năm 17 tuổi, truyện ngắn Viên đạn cuối cùng đoạt giải nhất trong cuộc thi do báo Thàn chung tổ chức.Ông cộng tác với tờ tuần báo Thanh niên ( hà Nội ) đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội). Truyện ngắn 
Năm 1954, ông di cư vào nam  hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn quốc Sỹ.., chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Ở tuổi hai mươi, với hai tác phẩm đầu tay : Tôi không còn cô độc (Thơ ) Bếp Lửa ( Văn ) Ông đã chứng tỏ một tài năng độc đáo, khởi xướng và tạo tranh luận sôi nổi về thể thơ tự do, góp phần với nhóm Sáng tạo mà ông tham gia vào năm 1956-1960.Thơ tự do đã thổi một luồng gió mới trong nền văn học miền Nam. Nói cách khác, ông đã đóng góp phần lớn trong dòng sinh hoạt văn học miền Nam từ 1954-1975. 
Năm 1955, ông vào Sài Gòn, cùng các bạn làm làm tờ Dân Chủ mà Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp phụ trách phần văn nghệ. Mai Thảo gửi đến đoản văn "Đêm giã từ Hà Nội". Thanh Tâm Tuyền "kinh ngạc", mời tác giả đến toà soạn. Từ đó, "nhóm"' có thêm Mai Thảo, chủ trương tuần báo Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo), với sự cộng tác của Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại.
Tháng 10 năm 1956, Sáng Tạo ra đời. Từ 1956 đến 1960, Mai Thảo làm chủ bút. Năm 1956, hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền cho in cuốn sách đầu tay Tôi không còn cô độc(thơ), và năm sau Bếp lửa (văn, 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diên mạo văn học miền Nam, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lãng mạn tiền chiến.
Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, 1966, giải ngũ, 1969, tái ngũ, ở trong quân đội đến 1975. Cấp bực cuối cùng là đại úy trong Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Sau 1975, bị đi tù cải tạo 7 năm qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. Thanh Tâm Tuyền ra tù 1982. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ tháng 4 năm 1990 theo diện HO. sống ở tiểu bang Minnesota , Hoa Kỳ. Ông theo học điện toán và làm việc tại St Paul Tecnical college và về hưu năm 2001. 
Thời gian ở Mỹ, ông sống ẩn dật, viết rất ít, trừ những bài tưởng niệm các bạn văn nghệ đã một thời gắn bó cùng ông.
Thanh Tâm Tuyền mất  năm 2006, khi mới bước vào tuổi 70.
Một số thơ của ông đã được Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ thành những nhạc phẩm rất nổi tiếng như: Bài ngợi ca tình yêuDạ tâm khúcĐêm màu hồngLệ đá xanhNửa hồn thương đau.

Những sáng tác:

Thơ 
  • Tôi không còn cô độc (Người Việt, Sài Gòn, 1956)
  • Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy (Sáng Tạo, 1964)
  • Thơ ở đâu xa (Trầm Khắc Phục xuất bản, California, 1990)

Tiểu thuyết

  • Bếp lửa (Nhà xuất bản. Nguyễn Đình Vượng, 1957)
  • Cát lầy (Giao Điểm, 1967)
  • Mù khơi (1970)
  • Tiếng động (1970)
  • Một chủ nhật khác (Văn, 1975)
  • Ung thư (đăng nhiêu kỳ trên báo Văn, chưa xuất bản)

Truyện ngắn

  • Khuôn mặt (Sáng Tạo, 1964)
  • Dọc đường (Tân Văn, 1966)

Kịch

  • Ba chị em (1967)

Phiếm luận

  • Tạp ghi (1970)

Về bếp lửa. ( 1957)

Trong truyện Bếp Lửa, sáng tác năm hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã hạ một câu kết, để đời, - khi hiu hắt, khi ngời sáng, trong tâm thức thế hệ chúng tôi : 
" Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng  ". 
Đời người, vô cùng rồi cũng đến vậy thôi. 
Vô cùng Thanh Tâm Tuyền. 
Thanh. Tâm. Tuyền. 
Thanh Tâm 
Tuyền.

Về bài thơ : Hãy cho anh khóc bằng mắt em...

Ngày 1-11-1956, 3000 xe tăng Liên xô vượt biên giới tiến vào Hunggary cùng với 11 sư đoàn quân Xô viết . Ngày 4-11, đại pháo Xô viết khai hỏa và xe tăng Liên xô ào ạt xông vào thủ đô Budapest.
Nhân dân Hung Gia Lợi vô cùng dũng cảm chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Hồng quân Liên Xô. Nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch nên chỉ sau ba ngày quyết tử cho tự do, dân chủ, độc lập dân tộc, thủ đô Budapest bị dìm trong máu lửa và chết chóc.
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ( vừa 21 tuổi ) đã phẫn nộ, đau đớn, trái tim rỉ máu và khao khát được khóc la, được run giận, được chia xẽ đau đớn... bằng chính thể xác của những cặp uyên ương trong thành phố Budapest để thông cảm đến tận cùng những nỗi thống khổ vô biên của họ:


Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình duyên Budapest
( Tháng 12. Năm 1956 )

Và rồi..Đau đớn lệ là những viên đá xanh. Tim Rũ rượi.
....
tôi biết những người khóc lẻ loi 
không nguôi một phút 
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình 
em biết không 
lệ là những viên đá xanh 
tim rũ rượi 


đôi khi anh muốn tin 
ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể 
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em 
đến ngày cuối

đôi khi anh muốn tin 
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế 
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em 
nguồn sữa mật khởi đầu 

đôi khi anh muốn tin 
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết 
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em 
vòng ân ái 

đôi khi anh muốn tin 
ôi những người khóc lẻ loi một mình 
đau đớn lệ là những viên đá xanh 

tim rũ rượi 

( Lệ đá xanh .1956 )
......


                        Dạ Tâm Khúc 
                           Thơ Thanh Tâm Tuyền
                            Nhạc : Phạm Đình Chương
                            Ca sĩ : Duy Trác 

(*) Tổng hợp từ nhóm văn nghệ và Đặng Tiến.