ảnh Khôi Việt
Chuyện gạo nước.
Mỗi lần đi
thăm con ở Atlanta, tôi thường ghé chợ Đại Hàn, Korea theo cách gọi của người
Việt bên này, kể từ khi con gái nói: bố má mua gạo Đại Hàn ăn, ngon và dẻo. Dù
sao ăn cũng tin tưởng không bị nhiễm thuốc sâu rầy như gạo Việt Nam hoặc Thái.
Cũng mua về
ăn, không muốn mua gạo Thái Lan, biết đâu chủ của nó cũng là...Tàu. Như nước mắm
vẫn thường hay ăn từ lúc qua Mỹ, thấy đề made in Thailand, té ra của Tàu. Mấy lần
mua gạo Việt Nam, nghĩ dù sao cũng là...quê hương, nhưng ăn không nổi vì khô
quá, chắc khi nằm trên quầy ở Mỹ này, nó cũng đã có vài năm tuổi rồi. Có lần mở
bao gạo ra còn thấy có cả vài hạt đậu đen đi theo. Nhiều bạn bè của tôi nghe
nói tới gạo Việt Nam là "sorry" thôi vì ăn không ngon.
Gạo của Đại
Hàn đều là loại gạo hạt hơi tròn, tuy dẻo nhưng ăn lạt và cứng cơm.
Ngồi lẩn thẩn
nghĩ về ngày xưa, mẹ là chủ nhân một vựa gạo, lúc nào gạo trong vựa cũng khoảng
4,5 trăm bao, còn có than, dầu hôi, nước mắm Nhĩ (thiệt chứ không bao giờ có giả,
khoảng trăm tỉn), đường (đường trắng, vàng hạt lớn, hạt nhỏ, trong bao tạ 100
ký như bao gạo)
Lại nghĩ sao
hồi đó người ta lại đóng đường vào bao tải? Mỗi lần xếp những bao tải đường đã
bán hết để trả lại cho vựa ở Bình Đông, tôi thấy đường bị dính theo bên trong
bao rất nhiều, cả nửa ký lô chứ không ít. Có lẽ vì sản xuất được nhiều, nên giá
thành rẻ, chẳng ai nghĩ đến tiết kiệm chút đường làm gì cho mệt. Vùng Đức Hoà,
Đức Huệ trồng mía bạt ngàn. Nhà máy đường ở đây còn sản xuất cả rượu rhum mang
tên Hiệp Hoà. Rất ngon và xuất cảng đi nhiều nước trên thế giới, còn có một loại
rhum khác mà tôi quên mất tên, có hình một ông già, rất phổ biến trong giới
lính tráng, và được đặt tên "ông già chống gậy".
Mẹ bán gạo,
nên tôi rất rành về gạo. Với một ống sắt gọi là cây xâm, dài gần 2 gang tay, nhọn
vát một đầu, chắc bây giờ cũng vẫn còn xài, xâm vào bao gạo, tôi phân biệt được
ngay đó là gạo gì. Gạo thơm bây giờ không biết còn nhiều không? Chứ hồi đó đủ
thứ. Tám Thơm, Nanh chồn,Nàng Hương, nàng Quất, Móng Chim, Chợ Đào, hơi giống
nhau ở chỗ hạt gạo nhỏ rí, thuôn dài, thanh thoát. Tất cả đều rất dẻo ngon, cho
đến cuối mùa vẫn nguyên hương vị và mềm cơm. Những loại này bán rất chạy. Người
miền Nam đều thích ăn loại gạo thơm hạt dài này.
Những loại gạo
hạt tròn, bụng hơi trắng, như Ba Thác, Ba Giăng, Sóc Nâu, Ruột Ngựa... Nếu có dẻo
lúc đầu mùa thì ăn vẫn cứng cơm và lạt lẽo, cuối mùa thì gạo nấu nở to rất vô
duyên. Loại gạo này chỉ được những người thuộc lớp bình dân, các quán cơm ưa
chuộng vì rẻ hơn nhiều so với những loại gạo thơm hạt dài.
Gạo Korea hạt
tròn này, tôi thấy có vẻ cùng giống với những giống gạo rẻ tiền ngày xưa, gạo
này bán ở miền Nam chắc dẹp tiệm sớm vì ít khách.
Không biết những
vựa đầu mối khác thế nào. Nhưng chỗ bỏ mối gạo cho mẹ tôi, họ luôn cân bao gạo
hơi giác một vài lạng. Vì họ biết bao gạo trước khi đến tay người tiêu thụ,
cũng bị hao đi đôi chút vì sẽ có vài người khách xâm ra để xem mặt gạo. Họ cân
như vậy để trừ hao. Điều đó cho thấy trong buôn bán ngày xưa nhiều người rất
chân thật, và chịu nghĩ tới những người bạn hàng của họ.
Cuộc sống dễ
chịu, nên tất nhiên con người hướng tới những sản phẩm tiêu dùng có phẩm chất
cao. Xài than thì phải mua than Đước, loại than rất chắc và đượm lửa. Mua chỗ
nào cũng có nước mắm Nhĩ mà không có nước mắm giả hoặc pha phách, gạo thì ăn gạo
thơm Nanh Chồn hoặc Nàng Hương. Gạo Thái Lan hồi đó không "có cửa"(nói
theo ngôn ngữ bây giờ) vì không ngon so với bất cứ loại gạo bình dân nhất của
miền Nam, tuy rằng rất dẻo , nhưng hầu như ít người thích. Có lần mẹ tôi đã phải
bán đổ bán tháo đi một số lượng lớn loại gạo này.
Bây giờ rượu
rhum Hiệp Hoà mất tích ở Việt Nam, nước mắm Nhĩ giờ muốn ăn mà không sợ lo lắng,
lại phải kiếm một cái tên ngoại quốc lạ hoắc trên...Amazon, gạo ăn cho ngon phải
mua gạo của Thái, cho dù cũng chẳng thích gì nó. Đồng bằng sông Cửu Long đang
chết dần. Mai đây nước tôi chẳng biết có còn những tên gọi thương yêu Móng
Chim, Nanh Chồn nữa hay không. Hay là lúc đó dân tôi phải ăn gạo...Thái Lan.
Giờ nghe nói
sẽ nhập cảng muối. Trong khi nước chúng ta nhìn về phía Dông là biển xanh bao
la. Những ruộng muối ở Phan Rang, Phan Thiết đủ sức cung cấp cho cả Đông Nam Á.
Trước kia dân miền Nam chê các loại đồ hộp, thịt hộp vì ăn không ngon, và tốt
như đồ tươi, bây giờ Việt Kiều về nước mang theo muối và ...đồ hộp. Dân có tiền
ở Sài Gòn giờ mua cá nhập của Nhật, vì sợ ung thư do nước biển ô nhiễm chất độc
của Formosa. Họ mua thịt bò nhập của Úc hoặc Mỹ. Mai mốt đây chắc sẽ mua nước lạnh
nhập từ...ngoại quốc, hoặc mua không khí đóng hộp( của Anh hay Mỹ tôi không nhớ
rõ) về ngửi như người dân Trung cộng đã mua. Còn những người dân nghèo, chạy gạo
ăn từng bữa, thì đành chấp nhận đối diện với Tử thần đang bước tới gần họ, chậm
rãi nhưng rất chắc chắn.
Rất nhiều người
Việt Nam thờ ơ để tranh đấu cho môi trường sống bị huỷ hoại nghiêm trọng. Họ
không nghĩ rằng khi môi trường bị ô nhiễm, nó sẽ tác động đến toàn diện. Khó mà
chạy thoát. Đành phải tự an ủi, ăn gì cũng chết, không chết trước cũng chết
sau. Thôi cứ nhắm mắt ăn đi đã.
Khi người Việt
chúng ta, khí phách, phẩm chất, và sức khoẻ đã không còn, trước sự xâm lăng có hệ
thống của Trung cộng, đại hoạ mất nước là điều không tránh khỏi.
( Khôi Việt )
No comments:
Post a Comment