(ảnh Khôi Việt )
Một ngày đầu năm 1977.
"Ngày mai vác
mía ra chợ, mấy ông ráng chặt cho đúng chỉ tiêu. Không thì mấy chả kiểm điểm
càm ràm nhức cái đầu, ông nào gởi thư tay cho gia đình thì ráng cẩn thận. Tụi
nó bắt được, không cho ra chợ nữa là tiêu cả đám." Tổ trưởng dặn dò.
Chiều đến, cả đám ra rẫy mía chặt mỗi người khoảng 15 đến
20 cây mía, bó lại, vác hết sức thì thôi. Cột bằng dây rừng xiết thật chặt, vì
đi đường xa 4 cây số nó bung ra thì rất phiền cho cả đoàn phải đúng lại chờ. Một
tháng hai lần vác mía giao cho mối của trại ngoài đó. Đường xa, vác muốn kiệt lực
nhưng thằng nào cũng thích đi, dù túi không tiền nhưng nhìn được thế giới bên
ngoài. Cũng có thằng có tiền. Tụi nó bán đồ tù, võng...mà cũng không hiểu dân họ
mua đồ tù để làm gì?. Nhuộm đen đi rồi mặc. Chúng tôi đều nghĩ như vậy. Người
dân gặp ngoài chợ nhìn cũng rách rưới thảm hại chẳng kém chúng tôi. Nhưng họ vẫn
lén lút thẩy cho chúng tôi cái bánh Ú, cái kẹo đậu Phộng, hoặc bánh tráng. Ngay
cả bà chủ quán cóc bán cà phê, sau này tôi vô uống ở đó một lần bà cũng chỉ
tính tiền rất tượng trưng.
Ngày đó đa số
chúng tôi đều mặc đồ tự may bằng bao cát, bây giờ cũng chẳng nhớ đã có từ đâu.
Mà phải công nhận là vải bao cát của Mỹ bền chắc thật. Tôi có hai cái quần ngắn
và hai cái áo cộc tay mặc mấy năm trời tới gần ngày về mới tưa sơ sơ vài chỗ.
Kim là cọng dây kẽm uốn một đầu để xỏ chỉ cũng bằng sợi bao cát luôn.
Công việc
hàng ngày của hơn hai chục thằng tù chúng tôi là làm rẫy trồng mì, khoai lang,
và khoảng ba mẫu mía. Từ lúc được đưa ra trại này, cuộc đời trở nên "huy
hoàng" hơn vì ngày hai bữa được gần hai chén cơm, đôi khi được ít mắm ruốc,
rau thì cả đám tự ai nấy kiếm. Rẫy mía ở sát một bên, lúc đi làm cũng lén lút
ăn được một vài cây. Mía Tây trắng, loại này to cây nhưng rất mềm và ngọt, nhiều
nước. Đói khổ quá, cơ thể rất thèm đường, có một tên bạn, lúc ở trong trại
chính, sau khi đổi cái hộp quẹt Zippo lấy một ký đường tán từ một tay vệ binh,
đã ngồi ăn gần hết. Cứ tưởng nó sẽ chết, té ra chẳng sao cả. Nơi đây mía bao
la, thỉnh thoảng ăn trộm một vài cây, cũng đỡ thèm đường, và có sức để cuốc đất.
Bắt được con ếch nhái nào cũng áng chừng nó ngang bằng 5,7 con tôm khô. Còn bắt
được rắn hay chồn, là hôm đó bạn bè coi như đại hội. Cố tạo cho mình những cảm
giác đôi khi hơi ảo tưởng, để cầm cự sống trong nỗi mong chờ gần như tuyệt vọng
ngày nào đó được về với gia đình. Những lần vác mía ra chợ Katum vài tháng trước,
có mấy thằng bạn lén gởi thư về gia đình. Rồi cũng đã có mấy thằng gặp được người
nhà ở đây. Tất nhiên là ngồi gặp lén lút trong một quán tạp hoá nào đó. Tôi
cũng đã gởi trong mấy kỳ trước, từ lúc bị bắt tới giờ chưa liên lạc gì được với
gia đình, vợ con ở đâu cũng không biết. Tôi gởi về địa chỉ bà chị ở Sài Gòn, mặc
dù không biết chị còn đó hay phải đi kinh tế mới?. Hôm nay tôi cũng chuẩn bị sẵn
một cái thư tay rồi.
Vác mía đi
trong trời vẫn còn tối. Lầm lủi theo nhau dưới ánh trăng sớm trên đường mòn mà
đi. Không ai có đồng hồ nên đoán chừng 4,5 giờ sáng. Chỉ có 12 người vác mía
nên vệ binh theo chúng tôi hôm nay chỉ có 2 người. Các anh đến chợ không được
đi đâu xa. Không được "quan hệ" với ai. Các anh phải nhớ các anh là
những người có nợ máu với nhân dân. Nên đi đâu các anh cũng phải theo tổ ba người.
Và phải cho anh tổ trưởng biết.
Lúc nào họ
cũng chỉ có một sách vậy thôi. Vệ binh này là người dễ dãi nhất, dù rằng lúc đầu
anh ta rất khó chịu. Chắc bị chúng tôi cảm hoá chăng? Cũng có thể như vậy. Họ
cũng chẳng sợ chúng tôi trốn, hệ thống kiểm soát của họ ở đây rất chặt chẽ.
Chúng tôi biết rõ điều đó. Nên cũng chẳng ngu dại gì đi trốn để bị bắn. Họ cũng
biết những chuyến ra chợ chúng tôi lén gởi thơ về gia đình, có người nhà lên
thăm, nhưng cũng lơ đi. Ít ra sau gần 2 năm, họ cũng đã biết phần nào sĩ quan
"nguỵ" không phải như những gì họ bị tuyên truyền.
Đi chừng gần
nửa đường, vác mía trên vai bắt đầu nặng dần, phải chuyển đỡ qua vai trái một
lát cho vai phải đỡ mỏi. Nhiều thằng cũng đổi vai lia lịa như tôi. Tuy nhiên
đoàn vẫn đi như bình thường. Ở tù cộng sản mới thấy sức chịu đựng của con người
vượt qua sức tưởng tượng, kể cả nhịn đói. Có nhiều lúc đi xuyên rừng vác đồ đạc
lương thực cho bọn vệ binh, nhiều bạn tù nhìn hai bên đường, thấy cái lá cây gì
nhìn đẹp mắt là vặt bỏ vô miệng.
Đi sau tôi. Bảo.
Nói nhỏ: hôm nay chắc tôi gặp ông già, hy vọng.
-Ông gởi thư
lần trước hả?
- Không, lần
trước nữa.
-Nếu bác lên,
nhờ bác đưa thư cho chị tôi nhé.
-Xong ngay.
Chỉ sợ ông già không đi nổi, cụ yếu và mắt kém trước ngày "đứt phim"
mà. Nếu không, có thể em gái tôi lên.
-Bác gái có
lên không?
-Tôi nói mẹ
tôi đừng đi, đường xa, đi mệt chịu không nổi.
Chúng tôi thường
gọi cái ngày tang thương 30-4 đó là ngày "đứt phim" hoặc "sập tiệm"
Đến chợ
lúc trời vừa rạng sáng. Khu chợ này chắc hình thành sau 75, chứ trước kia trong
bản đồ chỉ toàn là rừng, ngoại trừ căn cứ của sư đoàn 25 Hoa Kỳ và lực lượng đặc
biệt Việt Nam. Mọi vận chuyển từ Katum với Tây Ninh đều bằng trực thăng. Đường
bộ có tráng nhựa dài khoảng 60 km nhưng không thể xử dụng được vì luôn bị gài
mìn đắp mô, bắn phá bởi du kích. Nhìn chợ rất nghèo nàn, toàn là nhà tranh hoặc
nhà tôn cũ kỹ rỉ sét, giữa một bãi đất trống cạnh con đường nhựa, đã bị hư hại
rất nhiều, nhưng cũng có quán cà phê và hủ tíu. Chắc để phục vụ những tài xế và
phụ xe be chở cây, chạy rất thường xuyên trên đường, vì lần nào ra chợ chúng
tôi cũng thấy. Katum, Tây Ninh là rừng già bạt ngàn, gỗ quí không phải là ít.
Có hai hay ba tiệm bán tạp hoá nhưng tôi chưa bước vào bao giờ, vì lý do duy nhất
là không có tiền. Nhưng tôi lần nào cũng xin đi vác mía. Vì ít ra cũng có dịp để
thấy lại thế giới loài người, dù rằng cái thế giới đó nghèo nàn thảm hại, cũng
còn hơn cái địa ngục tôi đang sống, đang đói và đang phải làm việc khổ sai một
ngày 10 tiếng đồng hồ.
Xếp
mía thành đống xong. Như thường lệ, vệ binh cho chúng tôi 1 tiếng để nghỉ
ngơi, được đi mua bán ăn uống gì đó tuỳ thích, nhưng luôn phải đi theo tổ 3 người.
Xong. Hai cậu vệ binh cũng chui vào quán, thưởng thức cái nồi ngồi trên
cái cốc.
Bảo giật vai
tôi. Bố tôi kìa.
Tôi nhìn theo
hướng tay chỉ.Thấy ông đứng đó, một mình, giữa khoảng đất trống, dáng nhỏ gầy,
mặc bộ bà ba nâu, râu tóc bạc phơ. Tôi và Bảo rảo bước tới gần mà hình như ông
vẫn chưa nhận ra. Tới lúc tôi chào, và Bảo nói:
Bố. Không nhận
ra con à.
Ông cụ chợt
giơ hai tay ra phía trước, chớp cặp mắt mờ đục. Chắc ông không thể tưởng tượng
được đứa con trai của ông trong một bộ dáng tiều tuỵ như vậy.
Ông ôm chầm lấy
nó, kêu lên nghẹn ngào: Con tôi !
Rồi hai cha
con cùng khóc.
Nguyễn Khôi Việt
No comments:
Post a Comment