Wednesday, May 30, 2018


                           Tìm mồi. ( ảnh KV)


...từ Góc bếp
( Khôi Việt )
· 
Bây giờ là năm thứ hai, cặp vợ chồng chim lại về chỗ cũ đẻ trứng, làm tổ. Phải nói rõ là làm tổ vì sau khi chúng tíu ta tíu tít bay ra bay vô tha cỏ vào, tôi xách cái ghế trèo lên dòm, thấy bọn chúng làm một cái tổ xinh xắn tròn trĩnh. Sát bên cái tổ cũ năm trước. Không biết chúng nó thuộc giống chim gì. Nhưng xinh xắn lắm. Nhìn nhỏ hơn chim Sẻ, màu lông có màu cam nhạt, hơi xám một chút. Em thì thắc mắc tại sao bọn chúng không đẻ trứng vào tổ cũ cho khoẻ, cần gì phải làm tổ mới.
Chẳng hiểu sao chúng nó lại biết đường để lần mò vào góc khuất của ngôi nhà nhỏ này từ bao giờ. Đây là nơi chúng tôi nấu nướng cho khỏi hôi trong nhà, cũng là chỗ ngồi uống cà phê, trà, sáng và chiều khi đi làm về. Cũng là chỗ ngồi nghe nhạc, nhìn ra vườn hoa nở chim hót. Tôi làm ngôi nhà nhỏ này sau khi mua nhà. Đặt tên nó là Quán Bếp, với bạn Mỹ tôi nói đây là Coffee Station, cho oai. Chúng tôi ngồi bên góc trái, nhìn lên góc tay phải, chỗ ấy là tổ của chúng nó, nơi tiếp giáp của mái nhà với đầu tường ván gỗ. Một chỗ êm đềm, không phiền hà đến ai, chẳng sợ mưa gió, cũng như chồn cáo không thể mò tới được.
Những ngày mưa uống trà nhìn cây lá oằn mình lạnh lẽo, em hay nghĩ tới những con chim ngoài trời không biết chúng nó trú ở đâu? Rồi lúc trời lạnh thì sao? Tôi nói, thì chúng nó chui dưới những tàng cây thôi, lông chim đâu có thấm nước. Sao em khéo lo. Nói thế nhưng tôi cũng thấy tội nghiệp. Chắc chúng nó cũng ướt và lạnh, như người ta thôi.
Hình như chúng nó quen mặt hai đứa tôi rồi, vì nhiều lần ngồi uống cà phê hoặc nấu nướng, vẫn thấy bay vào tỉnh queo, chẳng coi ai ra gì cả. Nhưng trước khi bay vào tổ, cũng đậu trên cành cây, hoặc đậu trên chậu hoa treo trước cửa ngó dáo dác rồi mới bay vào. Chúng nó hẳn cũng có tâm hồn nghệ sĩ, thích nghe nhạc. Chỉ đôi khi hơi phiền vì mùi thịt, cá kho, phở. Chắc thế.
Hai vợ chồng nó ríu rít làm tổ đâu chừng gần tuần lễ thì đi mất một đứa. Lại bắc ghế nhìn vội vào, thấy chỉ có một đứa đang nằm. Chắc chắn đây là cô vợ đang ấp trứng. Anh chồng giờ biệt tăm, không biết đi đâu, làm gì, để vợ mình trơ trọi như vầy. Tệ quá. Thỉnh thoảng mới thấy nó bay ra, chắc đi kiếm gì ăn, rồi lại vội vàng bay vào. Nghĩ cũng buồn cười thiệt. Chim vô nhà làm tổ mà hai chúng tôi rình rập nhìn ngó như đi ăn trộm. Em đôi lúc còn nói tôi nhìn nhiều chúng nó sợ, sẽ bỏ đi nơi khác. Năm nay nó cũng đẻ 3 trứng như năm trước.
Buổi sáng đang ngồi uống cà phê, nghe tiếng chim kêu ríu rít. Chim con ra đời đây rồi. Vẫn không dám bắc ghế nhìn. Chim mẹ ủ con, nên rất ít ra ngoài kiếm ăn. Đợi mãi mấy hôm sau nhìn vô thấy 3 chú chim đỏ hỏn, đầu trọc lóc thương quá chừng.
Chim mẹ bay đi kiếm mồi cho con suốt ngày. Quan sát kỹ mới thấy loài chim cũng có tình mẫu tử chẳng khác gì người. Thoắt cái nó tha mồi về, thoắt cái nó bay đi, một ngày dễ chừng vài chục lần. Thường là mấy con sâu nhỏ xíu. Ở Việt Nam tôi vẫn nghe nói tới chim sâu, nhưng chả để ý chúng nó mầu sắc ra sao. Chắc con chim này cũng họ hàng. Bây giờ chúng tôi có thêm cái thú ngắm chim mẹ bay vù ra ngoài. Rồi vội vàng bay về với cái mỏ ngậm một con sâu, nhìn dễ thương vô cùng, hoặc một vật gì đen đen không nhận ra, mấy ngày trước em nhìn thấy nó ngậm một miếng lá non. Vậy là loài chim cũng ăn rau, chứ không chỉ là các loại hạt cỏ và sâu bọ.
Sáng nay chim mẹ tha mồi về, chưa tới cửa đã kêu chíp chíp vội vã khác hẳn ngày thường. Em tôi sợ không biết chuyện gì. Nhưng tôi thì đoán nó kêu con, dụ cho con nó tập bay. Cũng mấy tuần rồi còn gì. Lúc chim mẹ bay đi. Tôi leo ghế nhìn vào. Ba chú chim giờ lông cánh đầy đủ, lớn lắm. Chắc nó sắp bay được rồi em.
Sau khi đi chợ về, ra quán ngồi nhâm nhi cà phê tiếp. Chợt sao nghe vắng lặng, không nghe tiếng kêu non nớt quen thuộc. Chúng nó đi hết rồi. Nhưng lúc sáng em còn thấy nó bay còn yếu lắm mà. Chắc mẹ nó kè nó ra tập bay. Tôi nói. Hai chúng tôi đứng trước cửa quán, nhìn ra đám cây sau vườn, buồn. Cho dù đã biết sẽ có ngày chúng bay đi.
Đột nhiên tôi nhìn xuống cái phông tên nước, cũng là chỗ để chim trong vườn, thường là mấy chú Blue Jay, hoặc chim Sẻ tới uống nước nhiều nhất. Tôi thấy một vật nâu xám nhỏ xíu đang cựa quậy. Ôi! Chú chim con đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chắc mẹ nó tập bay cho nó rồi rơi vào đây. Tôi vội vớt nó nên, chạy vào nhà lấy giấy lau tay thấm nước cho nó. Chắc lạnh. Nên cu cậu run quá chừng. Lấy máy sấy tóc thổi ấm cho khô. Bỏ nó vào cái thố có nắp. Phải đi mua cái gì cho nó ăn. Trước khi đi tôi và em rảo quanh trong vườn kiếm mà chẳng thấy con sâu bọ nào. Cũng chẳng thấy bóng dáng chim mẹ đâu, chắc nó mang hai đứa con kia đi xa rồi. Tôi lái xe ra Petsmart. Nơi tôi thường mua đồ ăn cho con thỏ và con Hamster dễ thương của tôi.
Người thâu ngân nói tôi đi thẳng ra sau tới chỗ pet hospital. Cô bác sĩ trẻ măng tóc vàng sợi nhỏ nói tôi nên trả nó về thiên nhiên tốt hơn. Tôi biết, nhưng bây giờ nó đang lạnh run như vầy, lại bay chưa vững, chung quanh nhà đủ loại chồn cáo mèo hoang. Tôi không bỏ nó ra ngoài được. Tôi nói. Cô cho tôi biêt cần mua loại sâu bọ gì đó cho nó ăn, một vài ngày nữa nó khoẻ hơn, tôi mới thả nó.
Cô bác sĩ lắc đầu: tôi không đề nghị được, vì không biết mẹ nó cho ăn thứ gì. Cho ăn không đúng nó sẽ chết. Cô viết cho tôi số điện thoại và địa chỉ của National Wildlife Refugee. Hôm nay Chúa Nhật. Chắc họ không làm việc. Nhưng nếu có, ông bỏ tại đấy cho họ săn sóc.
Trên đường về, tôi gọi số đó, nhưng chẳng có ai. Thôi! Mang về nhà kiếm sâu bọ cho nó ăn chắc cũng chả sao. Chú chim giờ có vẻ cũng khoẻ khoắn, đã đứng thẳng lên được, không nằm mẹp như trước.
Vừa lái xe tôi vừa nghĩ thầm. Đúng là nước Mỹ. Có một con chim nhỏ xíu mà phải ăn cho đúng. Phải nên mang tới đúng nơi, đúng chỗ cho người ta chăm sóc. Cô bác sĩ này qua Việt Nam thấy người ta bán những xâu chim Mía, chim Sẻ nướng thì sẽ nghĩ sao nhỉ. Chắc sẽ xỉu ngay tại chỗ. Cô mà thấy người ta dùng lưới bẫy một lúc cả đàn chim Sẻ tại nước tôi thì chắc cô sẽ khiếp sợ như xem phim kinh dị. Tôi lẩn thẩn nghĩ tới chính mình.Hình như tôi cũng đã quá thay đổi. Tôi ngày xưa xem bắn chim như một thú tiêu khiển rất bình thường. Giờ chỉ một chú chim nhỏ, đã cuống quýt như sợ nó chết tới nơi.
Về đến nhà. Mang nó ra vườn ngồi cầu may, để nó kêu không chừng mẹ nó còn lòng vòng đâu đây. Mà may thật, đâu chừng nửa tiếng sau chim mẹ rối rít bay lại. Tôi mở nắp đậy. Chim con chập chững lập cập bay theo chim mẹ lên cây Magnolia.
Em tôi buồn. Sang năm tụi nó lại về làm tổ cho em nhìn ngắm mà lo gì. Cầu xin chim mẹ bình yên. Hay là mình mua mấy con chim về nuôi đi em.
Nguyễn Khôi Việt.

Sunday, May 27, 2018



                                  Góc bình yên. ( 5.2018)


Hai năm liền, thường đầu tháng năm, chim bay về làm tổ nơi chái nhà. 
Sáng nay, chim mẹ bay vòng vòng trên tàng cây kêu chíu chít. Tiếng kêu lạ lắm, khác hẳn ngày thường như một hợp âm nhiều đoạn ngập ngừng xen lẫn hối thúc.
Anh nói “ Chắc chim mẹ gọi tụi nó tập bay “ Chắc là vậy. Tiếng chim kêu hôm nay lảnh lót hơn, thúc giục hơn, nó lòng vòng không chịu vào tổ, miệng ngậm thức ăn, chuyền từ cành nầy sang cành kia, và trong tổ, chim non kêu inh ỏi, nháo nhào. Chắc nó đang kêu” Con chưa bay được, mẹ ơi” 

Những ngày đầu, vợ chồng chim tha thẩn cặm cụi gắp từng cọng cỏ về làm tổ. Cỏ kết tinh xảo đan chéo nhau cỡ bàn tay xoè rộng, nhẹ tênh mà chắc chắn. Ở góc nhà kín đáo, những quả trứng bé xíu xiu nằm bình yên chờ nở chim con. Không biết mẹ chim ấp trứng bao nhiêu ngày, một buổi chợt nghe tiếng chim non kêu chíp chíp và chim mẹ hàng ngày tấp tới tìm mồi bay ra bay vào mớm cho con. 
Lúc nầy không còn thấy chim bố quẩn quanh.
 Nó đi đâu nhỉ ? Cái thằng chim bố ấy ?
Vài ngày nữa, chim con sẽ tập bay và rời khỏi tổ ấm của mình. Nó sẽ từng bước, chập chững bay vào khoảng trời rộng kia, sẽ tự kiếm ăn, tự sống một mình. Nó có nhớ những ngày nằm trong tổ, được ấp ủ, được mớm bởi từng thức ăn mẹ của nó cặm cụi tha về ? Nó sẽ bay đi đâu nhỉ ? Đám chim con ấy ?
Vậy mà đâu chỉ đợi đến vài ngày, mới sáng nghe chiêm chiếp, buổi trưa .. không còn một tiếng động nào trên chái nhà. Chim rời tổ rồi, bỗng dưng nghe buồn vu vơ..
Nhưng, tình cờ làm sao, một chú chim non rớt ngay vào water fountain. Chú ướt lóp ngóp run lẩy bẩy. Chúng tôi mang vào nhà, sấy khô đám lông tơ lưa thưa mầu nâu cánh gián và hai đứa để sinh vật bé xíu ấy vào cái tô nhỏ, ở trong lót tổ chim.
Hai đứa nhìn nhau . 
Anh mang con chim non lạc mẹ ra Pet Shop .. Chỉ muốn hỏi cách chăm sóc ra sao để nó có thể tự bay một mình cứng cáp hơn.Nhìn nó run từng chập, mấy cái móng bé xíu bấu tay anh, làm sao mà an lòng cơ chứ.
Buồn cười là họ cho anh số phone và cả địa chỉ chỗ National wildlife Refugee. 
Sợ nó chưa thể bay được, chúng tôi để ngoài trời,  trên úp cái rỗ nhựa. Anh nói “ Chờ ngày mai chân nó khoẻ hơn, mình thả nó bay “ 
Nhưng đâu đợi tới ngày mai. Con chim mẹ nghe tiếng chíp chíp của chim con, nó từ cánh rừng bên kia hớt hãi bay về, bay lòng vòng, kêu riu ríu. Nó nghe ngóng rồi nhảy nhót xung quanh rỗ, miệng ngậm mồi dáo dác nghiêng qua ngó lại. Chắc nó ngạc nhiên sao nghe tiếng kêu mà không nhìn thấy con.
Tình mẫu tử của loài vật đâu khác con người. Có lo lắng, có thương yêu lẫn hoảng hốt khi đôi mắt trong veo như hạt cườm đen hướng về phía chúng tôi.

Anh cẩn thận mở bàn tay của mình. Một chút rụt rè, một chút phân vân, chú chim non ngơ ngác, vụng về đập đôi cánh, từng đoạn, từng đoạn ngắn rồi bất ngờ, chú lao về hướng mẹ. 
Bay đi. Bay đi ..
Bình yên nhé. Chú chim non nhỏ bé chưa đủ lông đủ cánh đã chực bay vào bầu trời kia nhiều gọi mời bất trắc.
Bây giờ, mỗi sáng tôi sẽ không còn thấy, chim mẹ bay tấp tới mỏ ngậm mồi đu ngập ngừng trên cành cây kia, không còn nghe tiếng chim chíp đòi ăn, tiếng rin rít giành mồi ..
Và phải đến sang năm nữa, chim lại tìm về làm tổ. Ở đây, nơi góc chái yên tĩnh, cũng là nơi chốn đầu tiên một đời chim mở mắt, đập cánh, góp mặt với thiên nhiên làm phong phú thêm cho đời sống bằng tiếng hót du dương, bằng những âm thanh rộn ràng bất tận ..

Và, nó còn nhớ góc nhỏ nầy khi cất tiếng hót đầu tiên, khi mẹ chim mỗi ngày kiên nhẫn tìm mồi mớm cho nó từng con sâu, cọng cỏ non.
Nó còn nhớ, một nơi chốn bình yên  với ngoài kia, tàng cây bốn mùa mướt xanh lá thắm luôn rộng mở đón chúng về góp nhặt những mùa xuân ? ( Nhật Ng.)

Tuesday, May 22, 2018

           CD nhạc : Góp Chút Hương Cho Đời
           Tập truyện : Mưa Nắng Bên Đời
           Tác Giả: YÊN SƠN

Bài giới thiệu của nhà thơ Bùi Huy
về tác phẩm Mưa Nắng Bên Đời của Văn-Thi- Nhạc sĩ YÊN SƠN 
trong buổi ra mắt tuyển tập truyện ngắn MNBĐ 
và CD nhạc " Góp Chút Hương Cho Đời"
được tổ chức tại Houston. TX ngày 20.5.2018.

Yên Sơn
MƯA NẮNG BÊN ĐỜI

Người ta hay nói: Văn tức là người.  Vậy thì đọc văn Yên Sơn chúng ta thấy gì ở con người ấy? Có nghe thấy tiếng quyền tiếng cước vù vù của Đệ Mấy Đẳng Huyền Đai đó không?
Nhà văn Nguyễn mạnh An Dân trong phần lời tựa cũng bảo: Yên Sơn viết văn không phải để giải trí cho mình, mà cũng không phải để giải trí cho người đọc. Thế thì Yên Sơn viết văn để làm gì vậy? Và chúng ta, những người độc giả đọc văn Yên Sơn, nếu đọc không phải để giải trí thì chúng ta đọc để làm gì?
Thưa quý vị, tôi không thể nói hộ anh Yên Sơn là anh ấy viết văn để làm gì.(Tí nữa lên đây, mong là anh sẽ bật mí cho mọi người cùng biết.) Nhưng trong tư cách một người đọc, tôi xin vụng về trả lời câu hỏi:Tôi đọc văn Yên Sơn để làm gì? Dĩ nhiên, câu trả lời chỉ dựa trên cái nhìn cổ hủ, quê kệch của tôi.
Tôi đọc văn Yên Sơn tôi thấy mình yêu dân tộc, yêu đất nướcViệt Nam này quá đi thôi. 
Làm sao không yêu được cái đất nước có những con người lành như cây cỏ, hồn nhiên như nắng mưa, khí khái, chính trực như trong truyện cổ tích, như Yên Sơn Trương Nguyên Thuận. Trên trang bìa của tác phẩm này là hàng chữ tựa đề “Mưa Nắng Bên Đời”.  Bên dưới là hàng chữ “Tuyển Tập Truyện Ngắn”. Tôi đọc xong, gấp sách lại, bồi hồi, ngẫm nghĩ: Đây là một truyện dài, chứ không phải là một tập truyện ngắn.  Tuy nó được cắt ra thành từng lát, từng truyện riêng rẽ.  Nhưng có một sợi dây xuyên suốt, kết nối những mẩu chuyện ấy lại với nhau.  Nó là câu chuyện dài của một thanh niên Việt Nam, từ lúc thơ thẩn giữa núi sông, ruộng đồng nước Việt, lớn lên giữa tình thương yêu của cha mẹ, anh em, xóm giềng bè bạn, đến lúc lớn khôn, nghe thấy thôi thúc trong lòng tiếng gọi của trách nhiệm, tiếng gọi lương tri của kẻ sĩ sống giữa thời đao binh, loạn lạc. Không muốn đi theo con đường hoạn lộ trở thành bác sĩ, anh mộng trở thành một phi công phản lực bay tới tận cung Hằng ngắm nàng Hằng Nga xinh như mộng, rồi lộn trở về bảo vệ non sông, gìn giữ tự do cho dân tộc. 
Ông Trời chỉ chìều anh một nửa, không cho anh có cơ hội lái phản lực, nhưng mở lối cho anh sang Mỹ học lái máy bay chong chóng, rồi trở về lái may bay bắn đại liên yểm trợ đồng đội ở dưới đất. Nhưng tai ương đã vội chụp xuống miền Nam, biến cố lịch sử ấy đã đưa đẩy chàng thanh niên ấy sang đất Mỹ, và đến đây, tại căn phòng này. Những năm đầu tiên sau 1975, người Việt tỵ nạn đặt chân trên đến đất Mỹ được rải tung ra khắp nơi, khắp các tiểu bang, sống tan hoà vào cái xã hội mới, với đầy những bỡ ngỡ trước lối suy nghĩ, cách sống, cách ăn uống khác hẳn những gì mình quen thuộc từ trước đến giờ.  Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi cách khác nhau, đã đương đầu với sự va chạm của hai nền văn hoá dị biệt.  Và cái cách đương đầu, ứng xử ấy chính là nét son của cái gọi đích danh là văn hiến dân tộc, mà với nó, chúng ta, những người dân miền Nam nước Việtđã hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.  Câu chuyện đời trên đất Mỹ của người thanh niên phi công ấy trong 43 năm vừa qua là một chuỗi những kỷ niệm tương tự như mỗi chúng ta đã gặp, nhưng ở Yên Sơn chúng có những nét đặc thù, cảm động, hào hứng, gay cấn riêng của nó.  Nhất là cái cách ứng xử của anh trong trường hợp sau đây mà tôi phải ngả nón khâm phục.  Đang ở cái tuổi trên dưới 30, xuân tình trong lòng đang phơi phới, trước sự tỏ tình và mời gọi của một người con gái đang dậy thì, cháu nội của ông bà sponsor, mà chàng phi công của chúng ta đã có thể đẩy người con gái ấy ra thì tôi phải gọi anh là Khổng Phu Tử. Anh Nguyễn Mạnh An Dân đã ví von là Yên Sơn có bàn tay sắt và trái tim lụa. Cách so sánh thật là khéo duyên. Cứng như sắt, và mềm như lụa.  Nhưng tôi trộm nghĩ trái tim ấy có lúc nó cũng không mềm đâu. Hoả đang bốc trong người mà đẩy được thân hình con gái mơn mởn ra thì trái tim Yên Sơn lúc ấy chắc phải cứng hơn kim cương.
Tuyển tập truyện ngắn, hay đúng hơn, “truyện dài” Mưa Nắng Bên Đời của Yên Sơn, là một tuyển tập góp nhặt những kinh nghiệm sống như thế.  Những chuyện buồn vui, hạnh phúc, đau khổ, thành công, thất bại, chuyện nuôi dưỡng dậy dỗ con cái, chuyện vừa hãnh diện vừa lo âu khi tiễn con lên đường tham chiến ở Iraq, vân vân, tôi không thể nào kể hết ra đây được. Nhưng quý vị, là những kẻ lưu vong trên đất khách, quý vị rất nên mỗi người mua một quyển Mưa Nắng Bên Đời về nhà đọc.  Đọc không phải để thưởng thức văn chương, mà để thấy lại bóng dáng của chính mình trong ấy.  Và để, như trong trường hợp của tôi, thấy mình yêu nước Việt miền Nam nhiều hơn.  
Và có lẽ quý vị cũng nên mua thêm vài quyển nữa để tặng cho những người bạn nào đó của quý vị, những người mà với họ quý vị đã chia sẻ những ngày tháng đầu tiên sống trên đất Mỹ.  Tôi thì tôi đã được tác giả tặng cho một cuốn.  Nhưng tôi sẽ mua thêm ít nhất một cuốn nữa.  Và trong đầu tôi, tôi đang biết là tôi sẽ tặng ai.  Đó là một người bạn hiện đang sống ở Houston, người bạn mà bốn mươi mấy năm về trước đã cùng tôi gồng mình trước cái lạnh giá băng của mùa đông Minneapolis, mà hai tuần trước tôi tình cờ gặp lại ở tiệm bánh mì Nguyễn Ngọ. Và cũng rất tình cờ, ngày xưa anh cũng từng phục vụ trong binh chủng Không quân.
Tôi biết anh Anh Yên Sơn đã mấy chục năm.  Anh là con người của lắm cái sĩ.  Hẳn nhiên anh là một chiến sĩ. Nhưng cái tôi biết đầu tiên về anh, ngoài chuyện anh là một binh sĩ, là anh là một thi sĩ.  Hơn hai mươi năm trước, khi anh ra mắt tâp thơ “Cho Quê Hương – Tôi – Và Tình Yêu”, tôi đã lên nói đôi lời giới thiệu tập thơ ấy.  Và tôi cũng biết anh là một võ sĩ. Mà võ sĩ thứ dữ nên phải gọi là dũng sĩ. Rồi lại thấy anh là một văn sĩ.  Rồi đến hôm nay lại thấy anh là một nhạc sĩ. Con người này thực lắm tài, đa nghệ, phải ngả nón khâm phục.  Rồi nếu một hôm đẹp trời nào anh lại mời quý vị và tôi đến xem triển lãm hội hoạ của anh, nếu có ngày ấy, thì chắc tôi phải gọi ông hoạ sĩ Yên Sơn là Everything sĩ.  Mọi Thứ Sĩ, Cái Gì Cũng Có Sĩ.  Trong khi chờ đợi đến ngày ấy thì bây giờ tôi xin tặng anh thêm một cái sĩ nữa.  Một người lái máy bay thường được gọi là phi công.  Nhưng tôi không thích dùng chữ phi công để gọi Yên Sơn Trương Nguyên Thuận.  Bởi vì công cũng có nghĩa là người thợ. Phi công là thợ bay, thợ lái máy bay. Một kẻ từ chối không chịu làm bác sĩ, muốn lên trời chơi với chị Hằng, thì theo tôi, gọi anh là người thợ thật không phải.  Tôi  muốn tặng anh danh hiệu là “không sĩ”, kẻ sĩ của tổ quốc không gian.
Tôi xin góp lời chung vui với bạn tôi, “Không Sĩ  Yên Sơn”,trong ngày vui hôm nay. Và tôi xin hết lời. 

Bùi Huy
Houston, 20, tháng 5, 2018

Tuesday, May 15, 2018

                                   Our angel. ( ảnh KV)

Audio Narration: https://bit.ly/2L8dwhN

Writer : Thiên Thanh
Narrator: Thanh Long.


White Skies
(Thiên Thanh) (*)

The sky is blue. It's mostly been blue, even on days when it isn't, when there would be subtle tones of purple and pink streaking across the sky. Still, blue is overwhelmingly there, like a blanket covering the Earth.
I recall, as a child sitting on my mother's lap, stories of those rare moments when the sky changed colors. One such instance, I was told, was during the Battle of Lexiworg. My father, who having fought that eventful day, had been the few remaining on the battlefield when those usual streaks that often dusted the sky disappeared and the blue transformed into an almost celestial white. No one knew why it happened, and my father fainted before he witnessed any more of the sight. Yet, the brilliance in which he relayed this incident ignited my curiosity and filled me with an undying eagerness to experience the miracle myself.  
I forgot about this goal for a while, and by my adult years, I determined it was simply a myth.
But the topic about the sky came back, this time in the vicinity of a hospital room, one that contained bright windows and pastel-colored wallpaper.
“Why is the sky blue, Tom?”
Jane had reached the stage where she wanted to grasp as much knowledge as possible, perhaps as a way to cope with her almost certain death. I would never tell her that though.
“Molecules in the air scatter blue light from the sun more than they scatter red light. That's why it's blue.”
She laughed, the sort of laugh that was soft and made you feel giddy inside. “You and your scientific explanations. But I mean, why is it really blue?”
Not knowing the answer, we sat in comfortable silence for a while.
Just when I thought Jane—who had snuggled in the coarse sheets of the hospital bed—had fallen asleep, she finally spoke up, “Do you think I'll survive, Tom? And even if I do, will we be the same as we were before?”
Leaning forward in my chair, I reached across the bed and grasped her hand. “You'll live. And things...things will get better. ”
“You mean we could be happy for once.” Her usually vibrant blue eyes, which were now dull, shifted away from mine and stared out at the airy landscapes outside the hospital window.
“We've always been happy. I've got you and the dogs and…”
“No.”
“No?”
“No. We've never been happy, you know it. Even before this… this thing happened… you remember.”
 I remembered. “I'm sorry.”
“You should be.”
“I can't wait to see the baby.”
“I thought you said you didn't want it.” She was gazing out the window again.
I let out a sigh and leaned back in the chair. “I don’t want it if it means losing you.”
“You lost me a long time ago,” she whispered, although it was more of a murmurous discord than anything else. Still, it rung in my mind, in that harsh, dissonant tone that left my soul aching and my heart broken. And in that moment, I desired nothing but to touch her and to whisper in my own words that I changed my mind, that I was a man now, and that I regretted every moment of ever thinking of leaving our future behind.
 Instead, the words that spilled out were that of a coward. “I… I stayed though, didn't I?”
“Sure, after you already had your bags packed and I got… sick.”
A pause. And then:
“God, how did I even love you?”
“Jane, I…”
“I think it’s best if you leave.”
Another pause, but when it seemed that she had nothing more to say, I left the room, but not before glancing back at the girl whom I had lost, and who—having her back turned towards me—was still looking aimlessly through the window.   
It was not until the next morning, when the orange sun barely rose against the edges of the hills and the grass was soaked in fresh dew, that I went back to the hospital, albeit not only for Jane but for a different reason: the baby was being born.
It was a surreal feeling, lingering anxiously in the hallways after I had received the news. Endless possibilities of the future, both good and bad, lay before my eyes, and a combination of unwavering hopes and itinerant doubts hung above the air, making it nearly impossible to breathe. It went on like this for quite some time, but finally, the door to Jane’s room creaked opened, and the nurse motioned me in.
I approached the room in a cautious tone and immediately was greeted with the sight of a crying babe held by nurses who were kneeling beside the hospital bed.
“Here, hold her. Her name is Nova.”
So I held her, and the moment that I did, all my previous thoughts and doubts dissipated, and I was filled with a surge of pure adoration. There were no words to describe the true beauty as when she lay so sweetly in my arms, and perhaps there never will be. Still, as much as words can muster, I will simply say she was the most beautiful creation I had ever laid my eyes on.
I looked towards Jane. “Jane, darling, you must hold her!”
Jane smiled broadly. She held Nova briefly, and in the peace of the hospital room, I heard her hum a wordless tune, brought to life only by the sweet, haunting notes accompanying it.
Our eyes interlocked and our hands touched, exchanging trails of the things left unsaid, the what-ifs and what-could-have-beens, an unwavering hope of whatever would come next. But more importantly, above the hopes and dreams and possibilities, I could almost hear her say, “Thank you.”
Then her eyes closed, and the connection was forever broken. I felt the last breath, the lingering soul that would soon drift into the ashes of obscurity, leaving room for new life.
Around that same moment, as Nova snuggled closer to my chest, something called to me, and like a thin thread, pulled me ever so slightly to the window Jane had pondered at only a day before.
There, above the hems of the hills, in the quiet melody of birds, and where leaves shuddered by the touch of wind, I saw it: a white sky.

Thiên Thanh 
(*) Thanh, She is my grandchild. She is 19 years old and loves to write music, stories and poems.

Tuesday, May 8, 2018


                                        Màu thời gian 
                                        ảnh : Nguyễn Khôi Việt


Hương xưa
(Phạm Văn Nhàn)

Tới trước một ngôi nhà, hắn dừng lại. Nhạc. Những dòng nhạc đang chảy vào tai hắn. Một bản nhạc quen thuộc đang phát ra từ ngôi nhà này. Phải rồi. Không thể nói là lầm lẫn được. Rõ ràng. Nhạc vàng. Một loại nhạc đang bị cấm.

Hắn ngồi xuống bên lề đường như có vẻ còn dè dặt ngó trước nhìn sau. Nhưng sau đó tiếng ca, tiếng đàn từ trong bản nhạc làm cho hắn mạnh dạn thêm không ngồi trên lề đường nữa, mà hắn tới ngồi bên cánh cổng sắt dưới giàn hoa ti gôn đang nở rộ. Những cánh hoa màu hồng phấn đang rắc đầy trước cổng trông thật đẹp mắt. Vâng, ngôi nhà to lớn quét vôi trắng của thời Tây để lại mà phải gọi là biệt thự mới phải. Những kiểu biệt thự này chỉ để dành riêng cho những ông lớn, bà lớn ở sau khi Tây rút đi, mà hắn đã đi qua nhiều nơi, nhiều chỗ hắn thấy: Sài Gòn, Đà lạt, Nha Trang, Qui Nhơn...Những ngôi biệt thự loại này gần giống nhau, đều quét một màu vôi trắng. Nhưng đối với hắn chẳng bao giờ để ý tới; vì hắn chỉ là người lính như muôn vàn người lính khác. Hết đi hành quân trở về hậu cứ, nơi hắn tới là khu gia binh. Ở đó, hắn đã thấy được vợ con của lính trông thật tội nghiệp dưới những mái nhà tôn “ tiền chế ” hâm hấp nóng , nhưng không bao giờ thiếu vắng tiếng cười, tiếng nói, dù cuộc sống có vất vả. Nhiều khi có cả những tiếng khóc vật vã của vợ con lính trong đơn vị khi nghe tin chồng bị thương hay chết. Nỗi đau lòng đó hắn ghi trong lòng, đau thắt , nhưng thật tình, không lừa dối ai. Còn những ngôi nhà to lớn này, đóng cửa im ỉm, xa cách đối với những người được sống trong khu gia binh. Dù là như vậy, hắn cũng chẳng để ý làm gì với những loại nhà to cửa rộng  này. Có lần, đơn vị hắn được biệt phái về giữ an ninh cho một ngôi biệt thự, sau tết Mậu Thân. Ở đó hắn thấy những cậu ấm, cô chiêu trong ngôi nhà quét vôi trắng này dị hợm, phách lối, kiêu căng. Nhưng rất sợ hãi, bởi tiếng súng đang nổ trong thành phố. Hắn nghĩ lại những đứa con của vợ lính  trong khu gia binh, mười lăm mười sáu tuổi rồi mà vẫn còn dại khờ, ngây ngô. Cái bản chất đó khác xa các Cậu ấm, cô chiêu này.

Bây giờ hắn lại ngồi trước ngôi biệt thự quét vôi trắng. Ngồi không phải để chiêm nghiệm về một ngôi nhà to lớn mà so sánh với ngôi nhà nhỏ bé, khiêm tốn của hắn. Hắn ngồi vì nhạc thoát ra từ ngôi nhà này. Nhạc, đã kéo chân hắn dừng lại để nghe. Không phải ai cũng có thể mở máy to như vậy được. Mà thật ra máy móc trong các nhà của dân làm gì còn nữa. Từ cái radio nhỏ xíu cho đến dàn máy akai , tất cả đều là sản phẩm của mỹ ngụy. Đã của mỹ ngụy là đồi trụy, là phản động, không được dùng. Cho nên hắn cũng như bao nhiêu người dân khác phải có cuộc sống văn hoá chung, không ai có quyền có của cải riêng được. Nghe nhạc phải nghe từ những cái haut parleur bằng thiết gắn trên các trụ điện vào những giờ được quy định. Nhạc cũng thế: vị nhân sinh không vị nghệ thuật. Cho nên khi đi ngang ngôi biệt thự này, nhạc lại thoát ra, mà lại là nhạc vàng  làm cho hắn ngạc nhiên, và sướng cả người. Gớm, mới có chín, mười năm “ giải phóng ” mà sao nhớ dữ vậy.

Sau khi ra khỏi trại cải tạo, hắn lang thang hết ngày này qua ngày nọ để tìm việc làm. Nay thì chỗ này gọi. Mai thì chỗ khác kêu. Hắn không  từ bỏ một chỗ làm nào, miễn làm sao có tiền để sống. Hắn quan niệm rất đơn giản: chỉ có người xấu, chứ việc làm không xấu.  Sự gian khổ từ khi đi kiếm việc làm, cho đến khi lăn xả vào công việc tìm được lúc nào hắn cũng cảm thấy vui vẻ, hồn nhiên như những năm nào còn trong quân ngũ. Nhiều khi hắn phải cám ơn những năm hắn sống trong quân đội, học được nhiều cái hay, từ nhiều bài học rất thực dụng gian khổ từ  chiến trường . Rồi tiếp theo là những năm đói khát  trong trại cải tạo đã rèn luyện hắn phấn đấu được trước bao nghịch cảnh. Hắn vượt hơn mọi người ở chỗ là vẫn còn một chút tư cách, dù nhìn bề ngoài trông thật thảm hại. Không như thằng bạn của hắn, thằng Vạn  bán thuốc tây lậu, cứ khúm núm, sợ sệt có khi lại phải chạy trốn vào trong những dãy nhà trong khu  phố khi bị công an rượt đuổi. Trước mặt những người công an đó, thằng bạn hắn làm như vẻ nai, hiền từ như con gái nhà lành, một dạ, hai thưa rằng: em chả. Nhưng trước bạn bè cũ thì nó lại vênh váo, lên mặt, bởi nó có tiền vì có em ở nước ngoài tiếp tế  những thùng thuốc gởi về.  Còn hắn thì cứ lang thang tìm việc. Lang thang tìm việc không ra, lại có chút máu văn nghệ, văn gừng trong người. Thấy chán, tới một công viên thành phố , vừa nghỉ chân vừa nghỉ mát, lấy giấy làm thơ chửi đời. Chẳng làm thơ yêu em được nửa. Mà thật tình yêu cũng hết nổi khi đầu gối bắt đầu run. Một hôm hắn đem mấy bài thơ đã làm cho thằng bạn xem, bạn hắn đọc thấy thích, nhưng nói:
- Mầy gởi mấy bài này cho báo đăng, bảo đảm hay hơn mấy thằng làm thơ bây giờ, nhưng chắc chắn mầy vô tù lại, vì tội châm biếm.
 Hắn chỉ cười rồi xếp lại những bài thơ đó, cất vào trong túi áo. Thằng bạn hắn nói:
- Mầy biết thơ mầy làm gọi là thơ gì không?
Hắn hỏi:
- Loại gì?
- Chui !
Hai thằng cười ngất.
Nhưng hôm nay hắn không cười, mà hắn trầm ngâm. Vâng, bản nhạc phát ra từ ngôi biệt thự này đã làm hắn giao động trong lòng. Gió từ dưới sông thổi lên làm rơi những cánh hoa ti gôn màu hồng phấn xuống vai hắn. Cánh cổng sắt với giàn hoa ti gôn che khoảng sân  nắng mát rượi làm hắn thấy một thoáng nhớ mông mênh trong đời. Hắn nhớ lại...

Nhà em cũng có giàn hoa ti gôn trước cổng gỗ, với sân gạch nung đỏ au, và mái ngói âm dương mờ rêu phủ. Em vẫn thường hay ngồi hát trước hàng ba dưới mái hiên nhà cổ, và những hàng cột gỗ lên nước đen bóng dám chừng có cả trăm năm phơi sương phơi nắng với thời gian. Em ngồi hát cho hắn nghe mỗi khi hắn từ chiến trường được vài ba ngày phép trở về. Tiếng hát của em còn hay hơn những ca sĩ chuyên nghiệp. Tiếng hát đó như bay bỗng, vướng víu trên những cánh hoa như hình trái tim. Hắn ngồi nghe em hát mà thầm nghĩ những cánh hoa như tim đó đừng vỡ như những câu thơ của TTKH ngày nào.

Nhạc đang phát ra từ một dàn máy akai từ ngôi biệt thự.

“ Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa ”
“ cho tôi về đường cũ nên thơ ”
“ cho tôi gặp người xưa ước mơ... ”

Hắn sửa lại bộ ngồi để nghe cho thoải mái. Vâng, để nghe cho thoải mái một bản nhạc thuộc loại cấm như hàng quốc cấm. Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa... Em ở đâu, và tiếng hát ngày xưa đó đã bay bỗng, vụt mất như cánh hoa ti gôn vỡ như tim vỡ rơi rụng trước sân nhà em. Và, hôm nay, gió từ dưới sông thổi lên, vô tình lại những cánh hoa ti gôn của ngôi biệt thự này lại rơi trên vai áo hắn:  Cho tôi tìm đường cũ nên thơ...

Con đường nào đưa hắn đi ngang qua đây. Con đường cũ nên thơ. Hắn nhắm mắt như tìm lại một khoảng thời gian trong ngôi nhà hắn thuê mà em đã đến. Em đến trong ngôi nhà thuê của những thằng lính độc thân, bề bộn, dơ dáy trên sàn nhà toàn những tàn thuốc lá. Em không chê, mà còn như cảm thông. Em đến, ngôi nhà như bừng sáng lên tràn ngập mùi thơm. Phải rồi, hắn nhớ như mùi hoa sứ. Hắn nhìn qua cánh cổng với những chấn song sắt, trong sân  biệt thự trồng toàn những cây bông sứ. Những cây sứ đang trổ bông trắng điểm chút vàng nhẹ tỏa hương thơm thoang thoảng trong gió hè.

oOo

Có tiếng chó sủa trước sân, rồi có tiếng nói của người con gái từ trong phòng khách vọng ra. Có lẽ, con chó thấy hắn ngồi trước cổng, nên sủa. Con chó chồm tới, sủa dữ. Chó sủa mặc chó, hắn vẫn ngồi nhắm mắt để thưởng thức nhạc chứ không phải nghe chó sủa. Lâu lắm mới có nghe được bản nhạc hay. Đừng để ý tới ngoại cảnh. Nhưng rồi lại có tiếng người con gái  gọi vọng từ mặt tiền sảnh của ngôi biệt thự:
 - Minh. Mầy ra xem ai trước cổng mà chó sủa dữ vậy?
- Sao bà không đi mà kêu tôi.
- Tao đang nghe  nhạc.
- Tôi cũng vậy.
Hắn nhủ: sao ồn dữ vậy. Tiếng chó sủa càng dồn. Hắn ngồi nép qua một bên nơi gốc trụ cổng. Mặc kệ. Mặc cho mày sủa. Mặc cho tiếng ai nói. Lâu quá, hắn không có nghe một bản nhạc vàng nào.

“ Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ thương chất ngất...”

Có tiếng guốc khua động trên lối đi trải sỏi . Hắn nghe, và hắn vẫn nhắm mắt để chỉ thấy lòng nhớ thương chất ngất.
- Ông làm gì ngồi ở đây. Tới xin ăn hả? Người con gái ra đứng bên cạnh hắn, hỏi nhỏ nhẹ, rõ ràng, giọng Bắc.  Rồi gọi vói vào trong nhà: Minh, lấy một lon gạo đem ra đây cho ông già ăn xin.
Bây giờ hắn mới mở mắt, nói:
- Không. Tôi không phải người ăn xin.
- Vậy ông làm gì ngồi đây?
- Nắng quá, tôi ngồi nghỉ mệt một chút thôi mà.
- Vậy mà cháu cứ tưởng ông đi ăn xin.
Hắn không nói đưa tay chỉ lên giàn hoa ti gôn đang phủ trên cánh cổng những lá xanh và những bông hoa màu hồng phấn nhạt nhỏ li ti. Lá và hoa che mát một khoảng sân nơi cổng. Rồi hắn nói:
- Trời nắng mà ngồi nghỉ dưới giàn hoa ti gôn này thì thú lắm.
- Ông ăn nói có văn vẽ. Thế mà nhìn ông, cháu cứ tưởng....
- Cô bé người Bắc?
- Vâng. Cháu người Hà Nội.
- Hà nội có mùa thu thật tuyệt vời. Tôi ao ước một lần ra đó để được nhìn.
- Ông cũng biết à?
- Không. Tôi chỉ biết qua thơ văn.
- Thơ của bác Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu?
- Không. Của Khái Hưng, của Nhất Linh, của Doãn Quốc Sỹ, của Mai Thảo, nhiều lắm cô có biết những nhà văn này không?
- Không. Mấy ông này của miền Nam hay miền Bắc?
- Miền Bắc. Họ lớn lên từ đó, từ Hà Nội như quê hương của cô bé. Nhưng sau 54 họ di cư vào Nam mang theo cả mùa thu Hà Nội vào văn chương sách vở mà chúng tôi mê mẫn một thời.
- Như vậy thì cháu không biết. Mà cháu nghe cô thầy nói trong Nam không có văn chương, chữ nghĩa thì làm sao mấy ông này mang mùa thu Hà Nội của cháu vào Nam được. Có chăng là có của mỹ ngụy. Giết nhau. Đánh nhau. Cướp của giết người.
- Ai nói với cô bé như thế?
- Cô thầy. Sách báo.
Tự nhiên giữa hắn và cô bé chuyển đề tài để nói với nhau. Con chó đứng trong sân nhà thấy hắn ngồi dưới giàn hoa sủa khi nãy thấy chủ và hắn nói chuyện cũng đi ra, lẩn quẩn bên chân chủ. Tiếng nhạc lại vọng ra to hơn. Cô bé nói vọng vào nhà:
- Minh ơi, mày vặn nhỏ lại có được không nào?

“ Cho tôi gặp người xưa ước mơ...Hay chỉ là giấc mơ thôi...”

-Hắn vờ hỏi:
- Nhạc này của miền Nam hay miền Bắc mà sao nghe hay quá vậy, cô bé?
-Nhạc của miền Nam đấy ông ạ. Miền Bắc không có loại nhạc này. Nhạc phải có sự chỉ đạo cho nên khô khan lắm. Mỗi lần nghe ngấy tới óc. Cháu không thích.
- Phải người ta gọi là nhạc vàng không?
- Đúng đấy!
- Chết. Cô bé không sợ công an bắt hay sao ?
- Ai dám bắt? Bố mẹ cháu làm lớn ở tỉnh mà. Mấy chú công an đem cho bố mẹ cháu nhiều loại nhạc lắm. Mà bản nào cũng hay cả ông ạ.
Cô bé ngây thơ nói cho hắn nghe. Hắn nhìn lại con bé, và nghĩ đến con gái hắn. Cũng trạc tuổi thôi sau lại phải buôn đầu chợ , bán cuối chợ giúp mẹ. Mà còn phải gánh chạy vì bị đám quản lý thị trường rượt đuổi. Con nhà quan có khác, dù chế độ nào thì ngôi nhà Tây này đám dân đen không thể nào ngó tới.

Bản nhạc vừa dứt, hắn định đứng dậy bỏ đi. Nhưng con bé còn đứng hỏi:
- Ông có thích loại nhạc này không?
- Thích lắm chứ. Nhưng chắc là không dám nghe.
Cô bé ngồi xuống nhặt một cánh hoa lên, mân mê. Hắn hỏi:
- Cô bé có biết hoa gì đây không?
- Biết chứ. Người ta bảo là hoa ti gôn. Ở Hà Nội có nhiều lắm.
- Cô bé có biết bài thơ nói về hoa này không?
- Cháu biết khi vào thành phố học đại học Văn. Bài “ Hai sắc hoa ti gôn “ của TTKH cháu có chép lại. Ở Hà Nội cháu không nghe ai nói đến TTKH cả, họ chỉ nói đến bác Tố Hữu, bác Xuân Diệu thôi. Cháu có đem bài thơ đó về hỏi bố cháu. Bố cháu nói không biết.
- Sao cô bé không học mà lại về nhà.
- Hè mà. Ông không biết sao?
Hắn nhìn qua bên kia đường. Những cây phượng đã trổ hoa. Màu hoa phượng đỏ tươi bên lề đường dẫn về bến sông. Mãi lo kiếm sống hằng ngày mà hắn quên hết ngoại cảnh  chung quanh.
Hắn nói thầm: hè đến. Hắn định  đi. Cô bé hỏi:
- Ông hết mệt chưa mà đi ?
- Vâng, tôi thấy khoẻ lại rồi.
- Mà ông định đi đâu?
Hắn nhìn cô bé, mỉm cười. Hắn đi. Những cánh hoa ti gôn còn vướng trên vai áo hắn. Cô bé đứng ngó theo. Hắn nghĩ: tuổi trẻ nào cũng hồn nhiên, tuổi trẻ hai miền Nam Bắc. Chắc chẳng có chút hận thù nào như cô bé trong ngôi nhà quét vôi trắng mà hắn gặp hôm nay.

oOo

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Cho tôi về đường cũ nên thơ. Cho tôi gặp người xưa ước mơ... hay chỉ là giấc mơ thôi ...”

Tiếng nhạc như còn đuổi theo sau lưng hắn. Những cành hoa phượng nở đỏ rực trên đường ra bến sông về chợ. Màu hoa phượng đỏ tươi hay đỏ bầm dưới ánh nắng? Hắn thấy hình như màu đỏ bầm của máu trên thân xác của bạn bè hắn đang lởn vởn đâu đây. Tân Cảnh, Đắc Tô , Kontum, Bình Định, Phù ly, Phù Mỹ... những nơi hắn đã đi qua, máu đỏ bầm trên thân thể bạn bè và ngày hôm nay người ta không muốn nhắc đến nữa.  Chỉ còn hắn là nhớ .

Cho tôi tìm một chút hương xưa...”

Mới đó, chỉ chín mười  năm thôi mà thay đổi lẹ làng. Những giọt máu bầm thâm đen trên cơ thể của bạn bè hắn đổ xuống trên chiến trường, người ta cũng đã quên hết rồi. Hương xưa chỉ tìm về trong thoáng chốc. hắn đưa tay lên mặt rờ. Tiếng cô bé Bắc kỳ hỏi: ông làm gì ở đây. Tới xin ăn hả? Tiếng cô bé nói như vọng lại đâu đây, xoắn trong óc hắn. Hắn nhìn xuống người, quần áo thế này: ăn xin cũng phải. Bao năm qua hắn không dám đứng trước gương để soi lại gương mặt hắn. Thây kệ. Già thì cũng chẳng sao. Nhưng bản nhạc hắn nghe hôm nay làm hắn quay quắt.

Nắng chói chang trên con đường lỡ lói. Dừng lại  trên cầu, nhìn xuống dòng sông, hắn cố nhìn  lại gương mặt của hắn in dưới dòng nước trong xanh. Già lắm phải không, nuớc ơi, sông ơi, ta nhờ mi soi bóng ta bên cầu mà đã bao năm thân ta như cỏ rác , như  lau lách bên bờ kinh, như cỏ gấu, cỏ mực trên đồi hoang. Đã bao năm ta sợ mảnh gương soi rọi ta trong đó. Bây giờ nhờ dòng sông soi rọi lại ta, để cho ta biết: ta của ngày nào. Hắn nhủ thầm như thế thì một chiếc ghe máy chạy qua cầu, chân vịt của máy ghe tạo thành những vòng xoáy với những con sóng nhỏ lăn tăn xua đi gương mặt của hắn vỡ vụn trên mặt sông. Hắn  bỏ đi xuống phố. Con phố chính như không chịu nổi sức nóng của tháng năm, và ngọn gió từ dưới sông thổi lên không đủ làm mát lòng người.

Mùa hạ đang tới và những tiếng ve sầu kêu vang trên những cành hoa phượng.

“ Biệt ly, nhớ nhung từ đây...”

Con gái hắn không thấy được cảnh chia ly trong ba tháng hè với bạn bè. Đổi mới đã làm dập nát đời học sinh của con gái hắn. Phải kiếm sống, phải bươn chải  mới có miếng ăn.

Tại hắn hay tại ai? Hắn không đổ thừa cho một ai cả. Tại tai ách lòng trời mới ra nông nổi. Hắn không buồn lòng bởi chiếc áo trên người hắn mặc hôm nay, rách rưới, vá chằng vá chịt . Phải, mùa hạ đến , tiếng ve đang kêu râm ran trong lòng phố làm hắn nhớ lại một khoảng trời rất xanh và tiếng hát của em ngày nào vào những tối chủ nhật trên đài phát thanh của tỉnh. Với giọng hát  của em  vút cao trên bầu trời đầy mây trắng , nõn nà nơi thành phố cũng có nhiều hàng phượng vỹ, cũng có gió biển, cũng có tiếng sóng vỗ vào ghềnh. Giọng hát đó như những nụ hoa mới nở vào một buổi sáng tinh mơ đánh thức hắn dậy, tươi vui trong ngôi nhà thuê ở khu sáu, Qui nhơn, cùng với những thằng bạn: trời không cho chết, từ một chiến trường về. Vẫn sống, để cùng hắn ngồi nghe em hát mỗi sáng chủ nhật trong ngôi nhà thuê của đám lính trẻ. Cứ thế, tháng này qua năm nọ cho hết niên khoá học của em, để rồi tiếng hát đó lại bay bổng về một phương trời nào đó, xa tít nơi em tới nhận nhiệm sở. Để rồi căn nhà thuê như vắng đi tiếng chim hót buổi sáng. Và, những ngày nghỉ cuối tuần hắn chỉ còn nhìn theo bóng dáng của những chiếc xe lam khuất dần ở cuối chân núi Gềnh Ráng mà thẫn thờ nhớ.
Qui nhơn, khu sáu ơi, bao nhiêu thằng bạn còn lại hôm nay có nhớ đến đứa em gái của hắn không? Mỗi sáng chủ nhật nào cũng vậy, em đến với chiếc áo màu xanh chuối non, làm mát căn phòng dơ dáy của đám lính trẻ độc thân, hay có lúc em mặc chiếc áo màu huyết dụ mà hắn cứ tưởng màu áo nâu sòng của một ni cô đến từ một cõi an bình để cho đám lính trẻ cũng thấy an bình trong cuộc chiến. Và, mỗi lần em đến là tiếng hát lại cất cao.

Hương xưa. Bây giờ, hắn lại nghe những dòng nhạc năm xưa, xa tít, gơi lại những gương mặt của mấy thằng bạn  thân lưu lạc nơi chân trời góc biển . Chiến trường như nuốt chửng từng thằng một. Mỗi đứa mỗi nơi. Sống hay chết rồi cũng chẳng ai hay biết. Có chăng còn một chút kỷ niệm. Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt. Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất....Hay chỉ là một giấc mơ thôi...
Có phải thế không? Những thằng bạn trong đám “ cô hồn ” năm xưa.  Một giấc mơ. Tiếng hát của em bây giờ vụt mất. Và hắn lại thả bộ đi dọc theo bờ sông, tới quán cà phê quốc doanh . Gọi ly cà phê :
- Ông cho tôi ly cà phê đen.
- Kẹt quá, buổi trưa cà phê hơi nguội. Người bán quán  quốc doanh ngồi nói từ trong quầy vọng ra.
- Không sao. Ông hâm nóng lại một chút là được .
Với hắn, người bán hàng như quen mặt, cười cười, rồi hỏi:
- Dạo này kiếm ra việc gì làm chưa?
- Chưa. Định ra đầu quân vào HTX muối.
- Ông đã làm lần nào chưa?
- Chưa.
- Nghe nói khổ lắm. Nước mặn ăn lở da lở thịt.
- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó.
- Không còn chỗ nào khác hay sao?
- Có lẽ khó tìm việc dạo này. Cứ ra làm thử. Còn hơn là con ở nhà đang chờ gạo.
Nói xong, hắn bưng ly cà phê hớp một hớp. Cà phê lạnh tanh. Nhưng còn hơn  là không có. Nắng rực lửa ngoài đường làm chói chang đôi mắt.


oOo

Những ngày tìm việc chưa ra, hắn lại thả bộ xuống phố để tới quán cà phê quốc doanh uống ly cà phê bít tất rẻ mạt. Nơi đó hi vọng sẽ gặp vài người bạn cũ. Tháng năm, cơn mưa hạ bất chợt đổ xuống, ngôi quán ướt át. Người bán quán ngồi co ro trên chiếc ghế cao sau quầy, bó gối chẳng buồn gợi chuyện với hắn. Trời nắng hay mưa đối với hắn không cần thiết, mà thật sự hắn thèm một phút giây yên lặng trong ngôi quán quốc doanh này. Vì hắn biết hơn ai hết, chẳng ai thèm tới đây để uống ly cà phê bít tất rẻ mạt có mùi khét của bắp rang. Chỉ có hắn. Mỗi lần tới ngôi quán bên sông là hắn lại đi ngang qua ngôi biệt thự quét vôi trắng. Hắn dừng lại trong thoảng chốc để có dòng nhạc nào thoát ra từ trong ngôi biệt thự này nữa không. Nhưng không nghe thấy. Chỉ có thoảng mùi hoa sứ từ trong sân biệt thự mà thôi. Và cô bé Bắc Kỳ cũng không còn thấy nữa.

Những lần hắn đi tìm việc làm như thế, vợ hắn thấy thương. Thương cho người chồng lỡ cơ lỡ vận. Có lần vợ hắn nói:
- Thôi ông đừng đi tìm việc nữa. Ở nhà có tôi và con lo được rồi.
Hắn nghe vợ nói, thấy thương. Hắn nhìn lại vợ. Nhìn từ trên đầu xuống dưới chân. Khác nhiều lắm. Khắc khổ. Chịu đựng. Đắng cay. Nhục nhã. Nàng không giống  như đứa em gái ngày nào thường đến với hắn để cất tiếng hát trong căn phòng thuê dơ dáy ở Qui nhơn, hát bản Phượng Cầu Hoàng cho hắn nghe. Mà vợ hắn, với chiếc áo blouse trắng dịu dàng với những ngón tay chăm sóc, an ủi từng bịnh nhân. Bây giờ phải lam lũ khi phải cỡi chiếc blouse trắng ra. Gót chân phải nứt  nẻ. Tối tối phải lấy dầu dừa thoa mới hợp với trào lưu mới. Một cuộc đời. Hai thái cực. Hắn bị loại ra khỏi xã hội mang theo nhiều hệ lụy cho những người thân khác. Phải, hắn bây giờ như cọng cỏ khô trôi bềnh bồng giữa dòng kênh nước đục. Chỉ có vợ hắn, con hắn hiểu hắn.

Tự nhiên nghe lại bản nhạc xưa  từ trong ngôi biệt thự đó phát ra, như còn một chút gì để cho hắn nhớ ?

 Phạm Văn Nhàn
( trích trong tập truyện ngắn: Màu Thời Gian 
Thư Ấn Quán tái bản lần thứ ba 2016 )

Thursday, May 3, 2018


                            Lá biếc ( ảnh Khôi Việt )



Rồi...mùa qua,.

Chẳng còn bao nhiêu lần, nơi, em đón anh
Con đường hun hút xa nằm nghe ráng chiều
Hàng cây cuối mùa khoe nõn lá tươi xanh
Còn bao nhiêu ngày mắt dõi theo bụi mờ cuối phố ?

Còn bao nhiêu ngày gửi nỗi nhớ mông  lung
Và nhịp tim bồi hồi theo nhịp thở
Đời sống quá buồn phải không anh, ôi buồn lắm
Ta còn bao nhiêu ngày ngồi đếm những ước mơ ?

Mỗi ngày qua , thời gian như ngắn lại
Như nhựa khô quay quắt vỏ sần sùi
Như con đường sáng nay, chân chồn gối mỏi
Nhìn con dốc dài, nghe quá ngậm ngùi

Đôi khi, anh ạ, em ước gì thời gian quay lại
Một khoảng khắc thôi anh . Chỉ một khoảng khắc thôi
Để em một mình bên thềm nhà cũ
Để nhấp mầu nắng kia trên mắt trên môi ..

Ô không, nếu có thể, xin thêm một phút nữa
Ngày Sài gòn lụa mỏng nắng lung linh
Anh và em và con đường hò hẹn
Những con đường theo suốt một bình minh ..

Anh ạ .. còn bao nhiêu lần trong đời em đón anh lần nữa ?
Ngày mùa thu, khu vườn mùa đông
Có chút bùi ngùi dường như ngấn lệ
Bao nhiêu lần, anh, mùa tan theo hư không ..

( Nhật Ng.)

Tuesday, May 1, 2018

                                      Có phải tôi không
                                      Thơ : Trần Mộng Tú
                                      Nhạc: Phù Chí Phát
                                      Giọng ca : Duy Thuỷ.


 Ngày 1 tháng 5.

Một giờ sáng một ít nhiều
Một trăm năm ở một chiều đi đi
Một gì đã có đôi khi
Một biền biệt dậy một kỳ lạ đau..
 (Nguyễn Nam An)

Ngày 1 tháng 5.

Em hỏi chị ở đâu ngày đó..
Ngày nầy năm xưa chị đi tìm Anh
Thành phố vừa đêm, ngập ngụa kinh hoàng
Người chết đầy đường
Người sống bi thương
Biết tìm anh nơi đâu
Tìm trong hoảng loạn
Em biết đi đâu. Em phải về đâu.
Trái đất tan hoang
Mặt trời xé lửa
Nước mắt nào chứa hết nỗi đau ?
Mất- nước rồi. Anh ơi.
Anh đang ở đâu ?
( Nhật Ng.)

 Và, em à..Anh đang ở đây.

Ngày 1-5-1975

 Tôi và những người bạn sĩ quan bị bắt vào giờ thứ 25, đêm 30-4 tập trung tại một trường học. Trưa ngày 1 tháng 5 được ra gặp em. Em mắt khóc tiều tuỵ, đứng cách nhau hàng rào kẽm gai. Mất nước rồi anh ơi. Câu nói lập đi lập lại của em ngập với chan hoà nước mắt được đứng với nhau 15 phút ngắn ngủi, chẳng nói được với nhau thêm điều gì. Cuối tháng chưa có lương, chỉ có đúng mười ngàn đưa cho em vì biết chắc rằng mai mốt sẽ chẳng có gì để mua bằng tiền của miền Nam Việt Nam được nữa.
Sáng 2 tháng 5 . Bị dẫn đi về hướng bờ sông Vàm Cỏ Đông. Không biết sẽ đi đâu, chúng dẫn đi dọc theo thị xã, vẫn có người dân chạy theo dấm dúi cho chúng tôi chiếc áo, đôi dép, mặc cho đám vệ binh hầm hừ quát tháo. Nhớ hoài cô bé mặc chiếc áo sơ mi còn huy hiệu của trường trung học, chạy theo đưa cho tôi chiếc bánh tét và đôi dép, nước mắt đầm đìa: Anh ơi, mất nước rồi. Y hệt như câu em của tôi hay nói.
Cuối cùng sau hơn nửa tháng đi bộ, băng qua những xóm làng giáp biên giới bị Việt Cộng chiếm từ 72. Những đứa trẻ ốm gầy khẳng khiu, quần áo tả tơi nhưng vẫn chạy theo đám tù binh ném đá và chửi: Tù binh ngoan cố. Chúng tôi tới một trại tù nằm bên kia biên giới Miên, giáp Phước Long. Trại tù đầu tiên của nhiều lần chuyển trại tù sau đó. Trại Nước ngập. Cái tên nghe nhiều khủng bố đe doạ. Bước vào trại, kinh hoàng thêm khi nhìn thấy những thân hình gầy guộc,với những khuôn mặt xanh xao như ma đói, không còn chút sinh khí nằm trên chõng tre, sâu dưới tàn lá của cây rừng rậm rạp, mà tia nắng mặt trời không qua lọt. Nơi đây đã giam giữ những người tù binh trong chiến tranh.
Tôi và em. Đến khi gặp lại nhau lần đầu tiên khi được thăm của tháng 8 năm 1977. Mới biết rằng trong buổi sáng ngày tháng 5 tang thương đó. Em đã chạy theo tôi băng đồng, qua suối, qua những trảng ruộng khô nắng bốc khói của ngày tháng 5 để mong được nhìn thấy chồng lần cuối. Vì biết đâu sẽ không bao giờ thấy nhau lần nữa.
Thương em như câu hát: ơn em thơ dại từ trời, thơ dại từ trời, từ trời theo ta, theo ta từ trời. Xuống biển lượm đời, lượm đời ta lên ...
Và phần thứ hai, xin các bạn đọc những cảm xúc, ý nghĩ của em tôi ngày ấy. Trong binh biến tao loạn mà chạy từ Sài Gòn xuống kiếm chồng bất kể chết. Và tôi chắc chắn. Trong thời gian đó. Cũng có trăm ngàn người vợ lính cơm nắm cơm gói, không quản thân mình cam go cùng khổ để kiếm cho ra người chồng lính của mình dù rằng chỉ còn là một thân xác rữa nát.
(Nguyễn Khôi Việt)