Monday, August 27, 2018


                            Nghe những tàn phai
                            Nhạc : Trịnh Công Sơn
                            Ca sĩ : Khánh Ly


(Khi nghe lại một bài hát cũ ).

Nghe những tàn phai...

Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi ..
Ngày đi đêm tới ..đã vắng bóng người ..

'Nghe những tàn phai' đã theo tôi, từng chiều, từng đêm khi một mình đi lại những con đường anh vừa rời khỏi Ở mỗi góc phố là mỗi kỷ niệm. Ở mỗi bước chân là một bước xa. và cái niú tay vẫn còn run rẩy bàng hoàng theo tôi từng con đường trở lại.
Sự rung động và cảm xúc có khác nhau khi bạn nghe cùng một bài hát ở những thời điểm và không gian khác nhau ?
Cũng ca khúc ấy, cũng chừng notes nhạc ấy, ở thuở đôi mươi khi chiến tranh thấp thoáng đâu đó, tình yêu là nỗi khắc khoải, là những giọt nước mắt đợi chờ hoang mang, lo sợ bỗng dưng lạc mất đời nhau, là mỗi bước tưởng chia lìa ..là quạnh hiu chỗ ngồi khi thế giới xung quanh bỗng dưng đầy bóng tôi. 

Dù vậy, tình yêu thuở đó mang đầy nỗi khao khát, có bấp bênh, có đau đớn nhưng với trái tim tuổi trẻ, chúng ta vẫn luôn tin ở những màu nhiệm của hạnh phúc ..với chúng ta thuở ấy, hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được nhìn thấy nhau, còn thấy  tình yêu hiện hữu trong vòng tay,  trong hơi thở ấm.Tương lai  là giấc mơ quá xa vời,đôi khi không thật 
Và chúng ta thuở ấy, chỉ đơn giản chấp nhận chừng đó mà không hề dám mơ ước một đời sống hạnh phúc trọn vẹn viên thành.

Gặp nhau, uống với nhau ly cà phê vội vàng, tiễn nhau một đoạn đường,rồi lại tiếp nối những ngày chờ đợi. Hạnh phúc lúc ấy là thú đau thương nhưng nó lại là chất liệu gắn kết vô cùng để chúng ta chịu đựng sống tiếp, chờ đợi tiếp dù mỏi mòn dù đau đớn,  nhưng tình yêu lại là niềm an ủi vô tận vì ta biết rằng, đâu đó, ta vẫn luôn khao khát nhớ về nhau ..

Chiều nay em ra phố về 
thấy đời mình là con nước trôi ..
.đèn soi trên vai rã rời
ngày đi đêm tới còn chút hao gầy.

Nhưnng khi đứng ở mốc thời gian cuối đời, khi nghe lại những ca khúc cũ, cảm giác run rẩy hình như không còn, trái tim ta, hình như xa lạ với những nhịp đập rưng rưng bởi cảm xúc . Có phải bởi ta đã quá già để mơ mộng ? 
Quá mệt mỏi để thấm thía ?
Hay ta đã, thừa thãi những mong ước, hoặc tâm hồn quá mệt mỏi chật hẹp để không còn cánh cửa nào mở thêm những khát khao  ..

Có ai đi về những đêm khuya
Rượu tàn phai dấu chân đi ơ hờ
Bàn tay quen hơi băng giá
Khóc lại một ..người tình cũ ..khóc lại một đời người quá ê chề ..

Tôi nhớ, hình như, bao nhiêu năm nay, giọt nước mắt ngọt ngào lẫn muộn màng đã rời xa tôi, từ lâu lắm . 
Và tôi ước, chỉ một lần, cho tôi tìm sống lại trọn vẹn cảm giác xao xuyến lẫn đau đớn khi nghe lại những ca khúc của một thời tuổi trẻ.
Và để làm gì, tôi thật sự không hiểu được chính mình .Hay có chăng chỉ là gậm nhấm thêm nỗi mất mát mà thời gian để lại khoảng trống vô tận không thể lấp đầy ?

Tuổi già, bịnh tật không là điều đáng sợ vì nó là qui luật tất yếu của đời sống .Nhưng điều đáng sợ nhất là tâm hồn già nua trước bịnh tật. Và như thế, cuộc đời dường như đã bước vào trang cuối .
Buồn lắm khi chút ngậm ngùi đã từng ngày, phôi pha dần theo năm tháng tàn phai ...
Có ai đi về giữa đêm khuya...

( Nhật Ng.)

Tuesday, August 21, 2018


                                      Ảnh từ..Cõi Linh


        Qua đường thơ, trầm mặc
        Chỉ còn riêng mình tôi..
        ( Diêu Linh )

        Gánh Thơ

        Người gánh thơ đi bán
        Thơ gặp buổi thất thời
        Đời mộng mơ kiệt cạn
        Thơ nằm vạ chợ trời

        Chữ co ro buồn bã
        Vần nhăn nhúm guộc gầy
        Chẳng ai buồn mặc cả
        Thơ ngậm lòng đắng cay

        Mặc khản lời mời mọc
        Kẻ qua vẫn hững hờ
        Bỏ thơ nằm heo hóc
        Đời mãi mê cuộc cờ

        Chợ thơ chừ vắng ngắt
        Người gánh thơ đâu rồi ?
        Qua đường thơ, trầm mặc...
        Chỉ còn riêng mình tôi.

        Diêu Linh

Thursday, August 16, 2018



Thế giới Thơ của Thiên Thanh


Oh soldier boy
The trumpets, trumpets calling
above the skies, in joyful jubiles.
So you must go
while there’s still foes left for fighting
But give me a kiss before you cross the sea
But come you back
When war is fought and over







When victory is yours
as well as mine
And greet me in
the silent, silent meadows
Oh soldier boy,
you know I love you so.

 (Thiên Thanh)






Tuesday, August 14, 2018

                   Thế giới Thơ của Thiên Thanh  
                              



Khi thời gian tới ( when the time comes )


 Khi những cỗ máy ngừng di chuyển
Bởi tàn lụi
Bởi trái tim rỉ sét
Thì..
Loài chim hoạ mi sẽ hót

Khi những bài thánh ca cất lên
Xua đi sự im lặng
Trong thung lũng và giòng sông
Bầy chim và bầu trời
Thì..
Loài chim hoạ mi sẽ hót

Và , tôi hy vọng khi thời gian đến
Cuối cùng tôi có thể nói với anh
Lúc niềm tin sụp đổ
Tôi đã nghe ..
Tiếng hót của loài chim hoạ mi 

Thiên Thanh


Friday, August 10, 2018


                                     Trần Hoài Thư với..
                                     Vẫn còn mãi đam mê.(*)

Viết từ Luân Hoán

Giới thiệu sách mới nhận:
TRẦN HOÀI THƯ VẪN CÒN MÃI ĐAM MÊ

Sách trong chủ đề đặc biệt của tạp chí. Người thực hiện nhà văn Phạm Văn Nhàn cùng bằng hữu của cả hai: người thực hiện và người được giới thiệu: Trần Hoài Thư.
Tập chí mang tên Thư Quán Bản Thảo số 79; hiện diện vào tháng 4 năm 2018.
Khác với nhiều lần trước, Thư Quán Bản Thảo kỳ 79 này, dành toàn bộ số trang (288 trang) để chuyển tải những gì liên quan đến người sáng lập tạp chí, chính vì lẽ đó khi ghi nhận đây là một cuốn sách về tác giả, tác phẩm, không sai lệch với tên gọi.
Nội dung của chủ đề bao gồm:
I - Lời tòa soạn do Phạm Văn Nhàn viết có trích dẫn email tán đồng của các nhà văn, nhà thơ: Nguyên Minh, Lê Văn Trung, Mang Viên Long, Lãm Thúy, Đỗ Nghê (bs Đỗ Hồng Ngọc), Lê Ký Thương, Phạm Cao Hoàng,
II - Giới thiệu tên truyện của Trần Hoài Thư đã sáng tác, trích từ Thư viện trường Văn Khoa cũ, gồm 49 truyện và 2 bài trên báo Văn 103 tháng 4-1966 và 1.7.1971.
III - Giới thiệu nguyên bản những truyện ngắn tiêu biểu của Trần Hoài Thư trước năm 1975 gồm 12 truyện:
1. Vì Sao Côi Côi Cút.
2. Đỉnh Xuân Buồn.
3. Điếu Thuốc Tình Si.
4. Đôi Mắt Mùa Xuân Xa.
5. Quán Biên Thùy.
6. Trưa Địa Ngục.
7. Đêm Chiêm Thành
8. Khung Cửa Nhỏ.
9. Nước Mắt.
10. Đôi Mắt Người Sơn Tây.
11. Bệnh Xá Mùa Xuân.
12. Nhật Ký Hành Quân 1 và 2
đi trong 142 trang.
IV - Những Người Bạn Viết Về Trần Hoài Thư gồm các bài:
1. Phạm Văn Nhàn: Tình bạn với Trần Hoài Thư.
2. Nguyện Lệ Uyên: Người vịn thơ đứng dậy
3. Tô Thẩm Huy: Kim Mao Sư Vương và tôi.
4. Nguyên Minh: Nghiệp Hành.
5. Lữ Quỳnh: Bồi hồi biển dâu
6. Lữ Kiều: Chàng thi sĩ viết văn.
7. Lãm Thúy: Kỷ niệm với người vịn vào lục bát.
8. Lê Văn Trung: Nỗi cô đơn của một thế hệ.
9. Nguyễn Âu Hồng: Bóng anh xiêu đổ bên bóng tháp.
10. Mang Viên Long: Một con người giản dị cởi mở.
11. Lê Cần Thơ: Tản mạn đôi điều với Trần Hoài Thư.
12. Lê Ký Thương: "Chất Trần Hoài Thư"
13. Nguyễn Dương Quang: Về mũi kim khâu di sàn văn học miền Nam.
14. Trần Doãn Nho: Trò chuyện cùng THT về Thư Quán Bản Thảo.
15. Phạm Cao Hoàng: Phỏng vấn Trần Hoài Thư (trong bài phỏng vấn, có ìn ảnh chụp ngôi nhà của anh chị Trần Hoài Thư (Ngọc Yến) , cùng một bản vẽ có tên Vịn Cha của Trần Quí Thoại, người con (trai) duy nhất của Yến Thư, hiện đang hành nghề bác sĩ, tại New Jersey USA, và ảnh chị Nguyễn Ngọc Yến.
V - Chân dung Trần Hoài Thư (màu) được vẽ bởi:
. Nguyễn Quang Nhơn.
. Đinh Cường.
. Hoàng Ngọc Biên.
Sách trình bày tranh nhã; bìa trước ảnh (màu) chụp Trần Hoài Thư (rất đẹp lão) - bìa sau: ảnh THT thăm nuôi vợ và ảnh một ghế dài cô đơn trong công viên cùng 6 câu lục bát của THT.
*
Ghi chú riêng:
Tôi thường không viết nổi bài, để góp trong hầu hết các chủ đề cho TQBT thực hiện.
Với số về THT, tôi có được chị Trần Thị Nguyệt Mai tin cho biết vào ngay thời điểm tôi chuẩn bị in tập Theo Gót Thơ 2. Trong tập này, tôi có viết về THT, và chị Trần Thị Nguyệt Mai đang là người giúp tôi đọc lại bản thảo, bổ sung những sai sót, cùng sửa chính tả. Chị Mai có hỏi ý tôi và tôi thuận để chị chuyển bài viết đến TQBT. Sau khi xem lại, tôi thấy bài viết yếu tay, tôi có nhận như vậy với chị Mai và đề nghị gác lại. Rất may bài đó chỉ có mặt trong Theo Gót Thơ 2. (Thơ Của Người Viết Văn Làm Lính Chiến: THT), Tôi cũng vừa phổ biến trên Vuông Chiếu kỳ ngày 5 tháng 8 này. Các bạn nếu có dư giờ mời ghé đọc.
cảm ơn nhà văn Ngô Thế Vinh đã đọc và gởi lời khuyến khích.
Luân Hoán
(*) Chủ đề đặc biệt do Phạm Văn Nhàn và bằng hữu thực hiện.

Monday, August 6, 2018


                            Rừng..(ảnh KV)


Tản mạn về Rừng..
( Khôi Việt )

Những ngày xưa trong nhiều lần hành quân, thường băng qua những khu rừng cháy đen khô khốc, vì trước đó đã được rải thuốc khai quang (Agent Orange) khi rừng khô lá thì không quân ném bom Napalm cho cháy, để phe Bắc Quân không còn chỗ ẩn náu. Đa số là rừng già nên sau khi cháy, trơ ra những cây cổ thụ cao ngất sạm đen nham nhở, đứng buồn bã hiu hắt dưới một bầu trời mờ mịt thê lương. Rồi cũng có lúc đụng trận, có chết, có bị thương, tại nhiều nơi có những khu rừng tiều tuỵ ấy. Rừng cháy khô, nên không còn một chút mầm xanh cây cỏ nào, chim chóc cũng không. Dừng quân lại là thấy xung quanh một sự im lặng rợn người. Nhưng tôi yêu những khu rừng cháy nám này, vì bố trí quân trong đó hoặc đụng trận cũng dễ quan sát. Đi trong rừng già bí rị, di chuyển chậm và ngột ngạt. Đụng trận xong mang được thương binh ra trảng trống, cho trực thăng tải thương được là cả một vấn đề.
Rừng rậm quân đi rất khó khăn và chậm chạp, đôi khi người khinh binh phải dùng dao chặt dây leo rừng mở lối. Len lỏi nhiều nên tôi nhận thấy rừng Việt Nam rất nhiều cây gỗ quý. Sở dĩ biết được là nhờ những hạ sĩ quan già chỉ cho tôi. Cây Gõ và Cẩm Lai dễ nhận ra bởi chúng có cái tàng cây xoè ra rất đặc biệt. Vùng mật khu Hắc Dịch và Bời Lời, Dương Minh Châu, cây gỗ quý nhiều vô cùng. Bời Lời cũng là tên một loại cây, không quý lắm, nhưng gỗ của nó đóng bàn ghế rất đẹp vì có màu vàng nâu và không bị mối mọt, lá hay vỏ nó cũng có nhiều công dụng mà lâu quá rồi tôi không còn nhớ. Có lần đi qua một khu rừng cháy nám, ngửi thấy một mùi thơm rất lạ mà không biết từ đâu, người lính mang máy truyền tin nói với tôi: chỗ này chắc nhiều cây Giáng Hương bị cháy lắm ông thầy. Sao mày biết. Nghe mùi nó ông thầy, gỗ nó xẻ ra đóng đồ rồi vẫn thơm hoài. Quý lắm đó.
Binh sĩ hay gọi tôi là ông thầy hoặc “thẩm quyền”, nó biểu lộ sự thương mến, chứ mình chẳng phải ghê gớm gì. Hồi xưa không để ý mấy, nghe nói cây Giá Tỵ đóng bàn ghế tốt và chịu nắng mưa không mục. Sau này mới biết nó là cây gỗ Tếch (Teak). Loại này thì mình có cả nguyên khu rừng luôn. Ở vùng Long Thành hay Phương Lâm? Lâu quá rồi trí óc giờ cũng mù mờ không còn nhớ rõ.
Nói về gỗ quý, giờ tôi nhớ lại cây Gõ gần doanh trại của tôi chừng hai cây số, vì du kích hay leo lên cây Gõ để quan sát hoạt động ở trong trại. Và nhiều lần đã pháo kích vào. Tôi đã thương lượng với ban trị sự của xã để hạ nó xuống. Xã đồng ý, nhưng tôi phải cho binh sĩ phụ giúp, vì nó rất lớn mấy người ôm mới giáp. Sau tôi được bên chính quyền xã tặng cho vài khúc gỗ khá lớn. Đóng hai cái bàn và ghế cho đơn vị, phần còn lại đóng được cái giường ngủ và một cái bàn đêm(night table) cho hai chúng tôi. Đóng xong, tạm thời để mộc như vậy xài tạm vì chưa mua được véc ni, mấy tuần sau cả bàn ghế lẫn giường, đều tự động lên nước một màu nâu đen. Mấy ông thượng sĩ già nói nó là Gõ đen. Rất quý. Chắc trên thế giới khó có loại cây gỗ nào tự động đổi màu kỳ lạ đến thế.
Chỉ một vài khu rừng mà tôi đi qua, gỗ quý đã nhiều như vậy. Trong khi nước mình từ miền Trung trở xuống rừng già bạt ngàn. Tôi yêu rừng, vì nó ôm ấp và che chở con người. Chẳng biết tôi nghĩ vậy có đúng không, đụng trận trong những khu rừng già khó bắn trúng nhau vì cây dày đặc. Có lần “tao ngộ chiến” trong một cánh rừng khô, bắn nhau cả buổi trời mà bên ta chẳng có ai chết, phe địch cũng không, họ có bị thương hay không thì không biết. Những cây cổ thụ già đã đứng che chắn cho cả hai bên.
Không chỉ cây rừng mới che chở chúng ta, những dây leo mọc chằng chịt trong rừng chẳng phải thừa thãi và vô tác dụng. Có những dây leo bằng cổ chân hoặc lớn hơn, đi rừng hết nước thì kiếm nó, chặt ngang một khúc hứng cũng được cả bidon nước. Hầu hết những dây rừng đều là vị thuốc, đại loại như dây Gấm, dây Gùi tiêu độc, xả nước độc tích tụ trong người như phù thũng sinh ra bởi thiếu dinh dưỡng, dây Huyết rồng trị thiếu máu, dây Cam Thảo, Đỗ Trọng, một vị thuốc gần như không thể thiếu trong bất cứ một toa thuốc Bắc nào, có rất nhiều trong vùng núi Dinh và Hắc Dịch. Một loại dây được mua rất mắc tiền và chở về Trung Quốc là dây Mối, tôi nghĩ họ đặt cho nó cái tên ấy để che bớt giá trị thực sự của nó. Và họ cũng dấu không nói công dụng của nó là gì. Loại dây này không nhiều, hơi khó kiếm một chút, vạt mỏng ra nó có mùi hăng hắc đặc biệt của thuốc Bắc. Tôi đã sắc nước dây Gùi cho bạn bè trong tù uống để trị phù nước trong cơ thể họ, và thấy rất hiệu nghiệm. Chúng ta đã tàn phá rừng, tận diệt cả những cây thuốc quý báu. Đã bệnh chết trên những đống thuốc mà không biết.
Ngôi làng tôi ở trước khi qua Mỹ chỉ là một trong những làng chài nhỏ dọc theo quốc lộ 15 đi ra Vũng Tàu, hầu hết những căn nhà tường được dựng lên sau 54, hệ thống kèo cột, đòn dông trong nhà đều bằng gỗ quý như Gõ đỏ hoặc Cẩm Lai. Nhiều ngôi nhà ba gian hai chái vùng ngoại ô Sài Gòn như các bạn cũng đã biết, cột trong nhà toàn bằng gỗ Lim, Gõ đỏ, Gõ mật. Tôi nghĩ với tình trạng khai thác rừng ồ ạt như bấy lâu nay. Những căn nhà đó chắc hẳn là vô giá.
Ngày em tôi về Việt Nam, có đi ra Vũng Tàu. Em nói, núi Dinh bây giờ chẳng còn một cái cây nào, nó trắng xoá bốc khói, nhìn nhức cả mắt trong nắng mùa Hạ.
Mai đây chẳng còn những cánh rừng mênh mông để mà cháy nám trơ xương. Rừng và cây đã sắp trở thành huyền thoại trong thế hệ con cháu chúng ra rồi.

 Nguyễn Khôi Việt ( tháng 8. 2018)

Friday, August 3, 2018


                   Ga chiều 
                   ( ảnh Khôi Việt)


     Đợi tàu
     con mắt mỏi .

     Anh không về bữa nay
     Đường tàu sao im ắng
     Nghe như ngoài chân mây
     Tiếng còi tàu xa vắng

     Đời tàu là nỗi đợi
     Hẹn hò và chia xa
     Đời tàu con mắt mỏi
     Ngóng từng chuyến mưa qua

     Hạnh phúc là trang giấy
     Loang lổ vết mực khô
     Là đường trăm lối rẽ
     Nghi ngại và mơ hồ

     Như ngọn bấc lụi tàn
     Thoi thóp lời trối trăn
     Như mùa đem bão tố
     Đời chia những cách ngăn

     Từng chiều qua đứng đợi
     Lạnh buốt đôi bàn tay
     Anh không về qua đó
     Anh không về hôm nay

     Con tàu đi biền biệt
     Rền rĩ tà vẹt cong
     Nghiến trên từng thanh sắt
     Đau theo nỗi chờ mong

     Con tàu không về nữa
     Còn ai đợi, ai chờ
     Suốt đời em, anh ạ
     Vô hình cả trong mơ .

     (Nhật Ng.)