Monday, June 6, 2016




60 năm lịch sử xa lộ Mỹ 
Sunday, June 5, 2016 3:22:34 PM 





Tư Mỏ Lết

Ai cũng biết xứ Mỹ là thiên đường của xe hơi. Thống kê vào năm 2014 cho biết có khoảng 253 triệu xe hơi, xe tải đang lăn bánh khắp nơi trên nước Mỹ, có nghĩa là gần như 1 chiếc xe trên 1 đầu người Mỹ. Các hãng xe nổi tiếng trên thế giới như Đức, Nhật, Ý... đều đặt thị trường Mỹ lên hàng đầu.

Hệ thống xa lộ chằng chịt của nước Mỹ.

Lâu nay bàn chuyện xe hơi ở Mỹ triền miên, mà dân lái xe quên mất một điều: cái gì đã giúp cho thị trường xe Mỹ phát triển dữ vậy?
Xin thưa rằng: hệ thống xa lộ Mỹ.
Câu chuyện về huyền thoại xa lộ Mỹ bắt đầu từ cách nay đã 60 năm. Vào ngày 29 tháng  6, 1956, Tổng Thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã ký đạo luật Federal-Aid Highway Act, cho phép chính phủ tài trợ một trong những dự án làm thay đổi bộ mặt giao thông vận tải của nước Mỹ: Bắt đầu xây dựng hệ thống xa lộ liên bang (interstate freeway system) với tổng chiều dài 47,856 miles (77,017 km). Dự án này đã kéo dài trong 35 năm với tổng chi phí 114 tỷ USD (tính vào thời điểm 2015 tương đương khoảng 511 tỷ USD).
Lịch sử xa lộ Mỹ có thể bắt đầu xa hơn một chút, nhưng cũng vẫn với ông Eisenhower. Vào những năm tháng cuối cùng của Đệ II Thế Chiến, ông tướng bộ binh Eisenhower dẫn quân đồng minh tiến vào Berlin, và ông đã hết sức ấn tượng bởi hệ thống xa lộ cao tốc của Đức vào thời đó, với tên gọi là Reichsautobahnen. Ông đã nghĩ đến chuyện xây dựng một hệ thống xa lộ tương tự cho Mỹ. Khi đã trở thành tổng thống Mỹ vào năm 1953, ông bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng này, mà trong thời đó với mục đích quốc phòng là chính. Hệ thống xa lộ liên bang còn mang tên là “Hệ Thống Quốc Gia Các Xa Lộ Liên Bang Và Quốc Phòng,” với lập luận của thời chiến tranh lạnh “...trong trường hợp bị tấn công nguyên tử, hệ thống này cho phép di tản nhanh chóng ra khỏi các khu vực bị tấn công...,” vì thế là “...một nhu cầu thiết yếu của quốc gia....”
Và xa hơn nữa, ý tưởng về hệ thống xa lộ huyền thoại Mỹ lại bắt đầu từ những chiếc xe huyền thoại của nền công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ, Ford Model T. Như đã nhắc ở trên, ngày nay mỗi đầu người Mỹ là một đầu xe máy. Theo trang web www.history.com, vào cuối thế kỷ thứ 19, thì 18,000 người Mỹ mới có 1 chiếc xe hơi, vì giá xe quá đắt! Vào thời đó, những con đường ở nước Mỹ không có trải bê tông, trải nhựa, mà là những con đường đất bùn. Lái một chiếc xe hơi không đơn giản như bây giờ, mà mang ý nghĩa của một sự phiêu lưu mạo hiểm. Ngoài những thành phố và thị trấn, gần như không có một trạm xăng nào, không có biển báo giao thông, và cũng không có những trạm nghỉ. Tờ báo Brooklyn Eagle đã gọi xe hơi là “tiếng gọi cuối cùng của nơi hoang dã!”
Bước ngoặt thay đổi là vào năm 1908, khi Henry Ford sản xuất chiết Ford Model T, chiếc xe đáng tin cậy và giá phải chăng, đã biến xe hơi trở nên có thể mua được đối với đại đa số người Mỹ. Chỉ đến năm 1927, 15 triệu chiếc “Tin Lizzie” của Ford đã được bán ra. Giới chủ xe hơi bắt đầu có nhu cầu những con đường tốt hơn để xe hơi chạy. Nhưng xây dựng đường sá chi phí mắc lắm, ai trả tiền đây? Nên biết rằng, vào thời đó, ở hầu hết các thành phố và thị trấn chưa có hệ thống “giao thông công cộng.” Thay vào đó, các công ty tư nhân đầu tư xây dựng đường sá để đổi lấy những lợi ích lâu dài. Dựa vào họ thì việc xây dựng xa lộ liên bang là bất khả thi. Do đó, các công ty sản xuất xe hơi, vỏ xe hơi, công ty xây dựng trạm xăng dầu... đã cố gắng thuyết phục với chính quyền tiểu bang và địa phương rằng đường sá phải thuộc về công chúng, nên nhà nước phải làm. Cuộc vận động này đã thành công: Tại nhiều nơi, các dân biểu đã đồng ý tiền thuế dân sẽ được dùng để xây dựng đường sá. Đạo luật Federal-Aid Highway đã duyệt qua ngân sách 26 tỷ USD để xây dựng xa lộ liên bang. 90% chi phí là do chính quyền liên bang trả, bằng nguồn thuế xăng dầu.
Hệ thống xa lộ Mỹ “theo kiểu Đức” từ đó dần dần được hình thành như ngày hôm nay. Một hệ thống đường giao thông không có giao lộ, đèn xanh đèn đỏ. Các xe vào ra xa lộ thông qua các đường dẫn (entry-exit). Xa lộ có tối thiểu 4 làn xe rộng rãi, được thiết kế để xe chạy với tốc độ cao. Những con đường xưa bị gọi là “vùng ổ chuột” nay được thay thế bằng những giải bê tông sạch sẽ, nối liền hai bờ đại dương của xứ Mỹ một cách dễ dàng. Các phát minh kỹ thuật về xây dựng cầu đường, cho phép các kỹ sư công chánh Mỹ đào hầm, xẻ núi, mở những con đường Mỹ đi đến những nơi mà trước đây chưa thể dẫn đến.
Có thể nói rằng hệ thống xa lộ liên bang đã làm thay đổi đáng kể về mọi lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ. Xe hơi nhờ nó mà trở thành phương tiện vận chuyển chính của người Mỹ, chứ không phải là đường sắt, đường thủy như trước đây. Cũng giống như ở Việt Nam hiện tại, người Mỹ ngày xưa xây dựng hệ thống hàng quán buôn bán dọc theo những con đường. Hệ thống xa lộ Mỹ ra đời đã tách biệt những sinh hoạt buôn bán dọc đường ra khỏi nó, thay vào bằng những cụm khu vực buôn bán tập trung tại một số entry-exit như hiện nay: cây xăng, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa... Rồi người Mỹ bắt đầu phải bỏ thói quen vừa đi vừa ngắm cảnh. Hệ thống xa lộ được xây dựng với mục đích di chuyển nhanh, đã ngăn cản người ngồi trên xe thưởng thức danh lam thắng cảnh trên đường. Trong nhiều trường hợp, chính những con đường bị kết tội là phá hủy đi những cảnh quan thiên nhiên, phá hủy môi trường thiên nhiên của vùng mà nó đi qua. Những con đường xa lộ của Mỹ thực dụng, đồng nhất, cho nên còn có khi bị chê là làm người lái xe buồn ngủ vì nhàm chán!
Người Mỹ được hưởng những tiện nghi hàng đầu thế giới, nhưng vẫn không biết quí những cái mình đang có. Trong vấn đề xa lộ liên bang cũng thế. Sau thời gian đầu được hầu hết người Mỹ ủng hộ, về sau đã bắt đầu xuất hiện những người chống lại việc xây dựng xa lộ. Hầu hết những người chống đối cho rằng xa lộ phá hoại, chia cắt nơi họ đang sinh sống, chia cắt cộng đồng, phá hoại cảnh quang... Những cuộc vận động chống xây xa lộ bắt đầu, và đã có một vài thành phố thành công như San Francisco, New York, Washington DC, New Orleans... Hậu quả là có những con đường xa lộ đã tận cùng một cách... đột ngột, mà các nhà hoạt động gọi chúng là “những xa lộ... không đi về đâu!”
Nói gì thì nói, xa lộ Mỹ vẫn xứng đáng là niềm tự hào Mỹ. Đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Việt. Nhìn lại “Đường Việt Nam” với những xa lộ chưa xây xong đã hỏng, dân mình càng cảm thấy hạnh phúc khi đi trên những con đường Mỹ tự do, vừa đi vừa hát” “đoàn người tưng bừng về trong sương gió, hồn như đám mây trắng lửng lơ...” (trích Con Đường Vui)...

No comments:

Post a Comment