Nhạc Vàng : Những ngày thơ mộng
Nhạc sĩ : Hoàng Thi Thơ
Ca sĩ : Hoàng Oanh.
Tìm đâu những ngày xinh như mộng..
Tìm đâu những ngày chưa biết yêu
Chỉ thấy, thấy lòng nhớ thương nhiều..
Ngày thơ biết tìm đâu
Tìm đâu. biết tìm đâu, đâu giờ ?
Danh từ “Nhạc Vàng” trước 75 thỉnh thoảng có được dùng để chỉ những bài nhạc thật hay, quý như vàng. Ví dụ: Băng vàng “Nhã Ca” do Anh Việt Thanh thực hiện năm 1972, băng nhạc vàng của Trung tâm Hương Giang… Ý của nhà sản xuất muốn quảng cáo rằng đây là băng nhạc gồm những bài hát có giá trị. Trên Đài truyền hình lúc đó cũng có Ban “Nhạc Vàng” do nhạc sĩ Phó Quốc Lân phụ trách.
Sau 75, “Nhạc Vàng” dùng để gọi chung tất cả những bản nhạc có trước 30-4-1975 ở Miền Nam. Loại nhạc nầy bị nhà cầm quyền lúc đó kết án ủy mị, ru ngủ, rên rỉ, làm băng hoại tinh thần, ý chí của người dân nên cấm phổ biến, bị tịch thu, bị thiêu hủy.
Tại sao có tên là “Nhạc Vàng”? Sở dĩ gọi là “Nhạc Vàng” vì noi theo ý của chữ “Hoàng sắc âm nhạc” của Trung Quốc (loại nhạc vàng vọt, bệnh hoạn) bao gồm những bản nhạc tình cảm, lãng mạn kiểu tiểu tư sản, bị cấm ở Trung Quốc kể từ năm 1949. Miền Bắc sau năm 1954 cũng noi theo gương Trung Quốc, không chấp nhận loại nhạc nầy: Cấm viết, cấm hát, cấm nghe.
Ngay cả những bản nhạc tình cảm được sáng tác thời kháng chiến trước 1954 cũng bị cấm. Các nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc nầy sống ở Miền Bắc như nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn từ đó cũng im bặt luôn tiếng nhạc.
Trong khi đó, ở Miền Nam sau 1954, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho lưu hành đủ mọi thể loại, kể cả những bản nhạc tiền chiến của các tác giả đang sinh sống ở Miền Bắc mà chính tại Miền Bắc không cho phép hát như: Biệt Ly 1939 (Dzoãn Mẫn), Ngày Về 1946 (Hoàng Giác), Nụ Cười Sơn Cước 1947 (Tô Hải), Dư Âm 1950 (Nguyễn Văn Tý) hay rất nhiều tác phẩm của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao và Hoàng Giác…
Sau 30-4-1975, tất cả văn hóa phẩm gồm: Sách, báo, băng, dĩa, bản nhạc… của Miền Nam trước 75 đều bị xem là hàng quốc cấm, phải giao nộp, thiêu hủy hay bị tịch thu, ai còn lưu hành, tàng trữ là có tội. Các văn - nghệ sĩ người thì bị ngồi tù (Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Dzoãn Quốc Sĩ…), người bị đi học tập cải tạo (Minh Kỳ, Thục Vũ, Nguyễn Văn Đông, Anh Việt…), người bị cấm hành nghề (Thái Thanh, Duy Khánh, Nhật Trường…).
Mấy năm sau, tên “Nhạc Vàng” bị đổi qua thành “nhạc sến”. Chữ “nhạc sến” thật sự đã có từ trước 75 (có dịp sẽ nói rõ hơn về gốc tích 2 chữ nầy). “Nhạc sến” lần nầy được dùng lại với nhiều dụng ý khác, cái chính là muốn miệt thị, dìm đi dòng nhạc một thời của những “người thua cuộc”. Ôi, dòng nhạc tội nghiệp nầy lại bị “tố” thêm một lần thứ hai, như vậy người ta mới yên chí là nó sẽ bị “sập” luôn.
Đằng đẵng gần 40 năm trời, Dòng nhạc Vàng bị quy cho tội là nhạc phản động và bị bóp nghẹt. Càng bị bóp nghẹt, lòng khao khát nghe Nhạc Vàng càng lớn. Một số băng dĩa cũ của Miền Nam vẫn còn được một số người dân lén lút cất giấu, lại có người còn đem chôn để dành. Rồi từ chút một, kín đáo truyền cho nhau trong dân gian, lưu hành ra cả miền Bắc. Có những người miền Bắc thời trước 75, từng lén nghe “Đài địch”, họ say mê, họ biết rành rẽ những bản nhạc, những ca sĩ của Miền Nam. Có người phải ngồi tù vì nghe và hát “nhạc của địch”. Sau 30-4-1975, có khá nhiều người miền Bắc vào Nam tìm mua những băng dĩa cũ để đem ra miền Bắc.
Thêm vào đó, băng dĩa lậu từ Hải Ngoại tràn về, nhiều nhất là kể từ thập niên 90 mà nhà nước không thể kiểm soát hết. Vai trò của băng dĩa Hải Ngoại trong giai đoạn nầy rất quan trọng. Nó giải tỏa phần nào những ẩn ức tình cảm của người dân mà “nhạc đỏ” (nhạc cách mạng) không tài nào thay thế nổi. Nói rõ hơn, Hải Ngoại đã góp phần lớn trong việc duy trì, gìn giữ những bản Nhạc Vàng thời Việt Nam Cộng Hòa không bị thất truyền. Công đầu phải kể đến các trung tâm băng nhạc Hải Ngoại (Asia, Thúy Nga - Paris By Night, Làng Văn, Trung tâm Mây, Tình Productions…) họp cùng đội ngũ các ca - nhạc sĩ Nhạc Vàng Hải Ngoại rất xuất sắc đã truyền tải tất cả niềm say mê về trong nước. Họ giúp Nhạc Vàng sống thọ rồi còn tiến công ra miền Bắc chiếm lĩnh thị trường.
Thế rồi từ năm 2000 đến 2010, nhạc trẻ trong nước được khuyến khích, thuận lợi đưa lên trám vào lổ hổng trống vắng trong tâm hồn người yêu nhạc. Một thời quay cuồng, xốc nổi, nhưng chỉ ít lâu sau, một số người trẻ cũng quay về với Nhạc Vàng, khiến một số ca sĩ nhạc trẻ cũng quay sang hát Nhạc Vàng (Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên…).
Dù không được phép của nhà nước nhưng Nhạc Vàng Hải Ngoại vẫn “chui” về trong nước với những bản nhạc hợp lòng người, với tình người. Những ca sĩ Nhạc Vàng Hải Ngoại được dân trong nước mến mộ dù trẻ hay già, dù tiền bối hay hậu bối (Thanh Thúy, Trúc Mai, Hà Thanh, Hoàng Oanh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Hương Lan, Duy Khánh, Nhật Trường, Chế Linh, Tuấn Vũ, Như Quỳnh, Quang Lê, Tâm Đoan, Hương Thủy…). Đây là thời kỳ tràn lan lậu, chẳng những băng dĩa lậu mà khán giả còn được xem online trên Internet. Nó như một sự tích góp, làm hồi sinh từ từ những giá trị, những kỷ niệm một thời vàng son của âm nhạc Việt Nam. Chân giá trị được nhìn nhận đi dần đến sự say mê không có gì là lạ.
Kể từ năm 2010 chính là sự trổi dậy, phục hưng của Dòng nhạc Vàng (trong nước) và trở thành một trào lưu mạnh mẽ từ Bắc vào Nam. Nó giống như hiện tượng “tức nước vỡ bờ”. Ở đâu cũng hát Nhạc Vàng: Các Đài truyền hình, các sân khấu, rạp hát, các phòng trà, các tụ điểm ca nhạc… Có một số ca sĩ miền Bắc muốn vào Nam lập nghiệp, cũng thường lận lưng “miếng võ Nhạc Vàng”.
Năm 2013, tên gọi “nhạc Boléro” ra đời thay thế cho tên “nhạc sến”, và cũng để tránh phải dùng cái tên “Nhạc Vàng” vốn đã bị nhà nước kết án, cấm kỵ trước kia. Các bài hát Boléro chầm chậm, buồn buồn, phù hợp với tâm hồn người Việt Nam. Các bài Boléro thường là những câu chuyện kể mộc mạc, chân tình, không trau chuốt, rất gần gũi, ở quanh ta, rất tha thiết với đời sống, là những ưu tư về thân phận, những thao thức về chiến tranh, buồn sầu vì chia ly, mất mát. Lời ca của các bài hát Boléro dễ hiểu, dễ hát và dễ thuộc: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn…” hay “Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em về phố chợ đôi ngày, ra miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá…”
Khi đồng hóa Boléro với nhạc sến, tôi nghĩ phần nào đó cũng do người Việt Nam có tính sính ngoại. Nhạc tiền chiến, nhạc thính phòng mang âm hưởng của Tây phương thì cho là sang, là hàn lâm, còn nhạc Boléro mang âm hưởng của nhạc quê hương, mang hình ảnh của mái tranh quê, của con đê đầu ngõ, của lũy tre xanh đầu làng thì cho là nghèo nàn, là thấp kém, rẻ tiền, không “sang” nổi nên gọi là “sến”.
Âm nhạc là một phần quan trọng của cuộc sống, âm nhạc mang theo hồn dân tộc và hơi thở non sông. Đất nước nào âm nhạc nấy. Có thể học hỏi thêm của xứ người, làm giàu vốn liếng xứ mình, du nhập thêm kiến thức, nét đẹp của âm nhạc xứ người nhưng không thể vì thế mà rẻ rúng, phủ nhận hoàn toàn, hay làm mất đi bản sắc âm nhạc Việt Nam. Bởi lẽ đó mà nhạc Boléro có một sức sống mãnh liệt, qua bao năm tháng bị vùi dập nhưng nó vẫn có thể vùng lên thật ngoạn mục, làm cho thế hệ trẻ tìm đến, thưởng thức, hâm mộ và say mê.
Tóm lại, ý nghĩa chữ “Nhạc Vàng” biến đổi theo thời gian. Trước 75, Nhạc Vàng là những bản nhạc hay, có giá trị, quý như vàng. Sau 75, tất cả những sáng tác trước 75 đều là Nhạc Vàng theo nghĩa vàng úa, bệnh hoạn, ủy mị, là nhạc phản động, nhạc của Việt Nam Cộng Hòa. Lãnh đạo văn hóa lúc đó nghĩ rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chết thì văn hóa - nghệ thuật của nó cũng phải bị chết theo nên cấm hoàn toàn. Sau đó, trong quần chúng vẫn còn âm ỉ, ri rỉ những bản nhạc buồn của thời chinh chiến xưa, nên đổi qua gọi là “nhạc sến”. Kể từ năm 2013, phong trào thích nghe nhạc xưa trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết nên người ta mới tránh né gọi là nhạc Boléro, dù Boléro chỉ là một trong những thể điệu của Nhạc Vàng. Điều đó cho thấy khuynh hướng quần chúng ngày càng yêu chuộng thể loại kể lể, tâm sự, gần gũi với tâm tình người dân trong thời buổi mà cuộc sống xã hội có quá nhiều căng thẳng, những bất trắc, những âu lo, khi mà những ức chế trong lòng con người bị dồn nén lâu ngày muốn tìm phương giải tỏa, muốn giãi bày tâm sự. Dòng nhạc Boléro Việt Nam đã “bùng nổ” trong hoàn cảnh xã hội như thế.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ trong nước có viết ở những trang nghe nhạc trên Internet: “Đừng đem chính trị vào âm nhạc. Hãy trả sự trong sáng cho âm nhạc…” Thế nhưng lịch sử Dòng nhạc Vàng cho thấy nó đã bị ngăn chặn, cấm đoán, sinh lộ vô cùng chông chênh vì lý do chính trị. Nhạc Vàng trong một thời gian dài đã nằm dưới vòng “kiềm tỏa” của chính trị trong nước. Vậy thì các bạn nói sao với nhà nước đây?
( Gửi từ :Một khán giả yêu Nhạc Vàng)
No comments:
Post a Comment