Cuối năm,
có gã thất tình
Quán Michaels ở gần trường đại học có bán cà phê, bánh nhân, hamburger… và cả kem mở tới 2, 3 giờ sáng cho lũ sinh viên thích ăn khuya. Tôi ở Commodore, học khuya đói bụng thường mò xuống tìm cái gì có thể ăn được. Nhưng đêm nay tôi khỏe lắm, vì hết lớp, hết thi. Thấy chàng ngồi một mình, mặt chàng nặng trịch. Tôi ngồi ở bên bàn này chưa hiểu chuyện tưởng chàng vừa gãy cái final, tôi nhủ thầm, gãy thì làm lại, chớ có phải gãy rồi đi lính đâu mà buồn vậy, ông bạn. Nghĩ rồi tôi cười, sau khi đưa mắt nhìn lén chàng. Ngỡ là lén, ai dè bị chàng bắt gặp. Chàng cười lại vì tưởng là gặp người quen. Quán về khuya chỉ có hai sinh viên Á Đông ngồi, đó là lý do chàng mang ly cà phê lại xin ngồi cùng bàn. Cô và tôi chắc đã gặp nhau đâu? Tôi lắc đầu, tôi không nghĩ vậy. Thế sao chúng ta lại cười chào nhau tưởng như là quen biết? Tôi cười vì thấy ông buồn quá, chắc môn toán quan trọng? Chàng ngơ ngác, môn toán nào? Chớ không phải ông bị gãy sao? Tôi dòm chừng phản ứng của chàng. Mặt ông buồn xo như...cái bánh bao chiều! Chàng nói, có thi cử gì đâu, tôi bị… bồ đá.
Người chi mà
thành thật quá. Đem chuyện kể hết cho người lạ nghe, người lạ là...tôi. Cô nàng
bắt cá hai tay –bây giờ chàng mới hay – hứa hẹn với chàng mà vẫn đi quen người
khác: anh chàng đó là bác sĩ vừa ra trường, ngon lành hơn chàng nhiều. Vờ kiếm
chuyện với chàng để có cớ thôi nhau. Mọi sự đã sắp đặt mà chàng nào có hay. Hai
tháng nữa, cô nàng đi lấy chồng. Đâu mà sẵn thế nếu cô đã không quen hai người
cùng một lúc? Người ta không muốn con gái của họ đi xa (theo chàng qua New
York), gặp ông bác sĩ trẻ này có phòng mạch ngay Seattle, bố mẹ anh ta lại danh
giá giàu có, dĩ nhiên là chàng thua tả tơi dù chưa đánh trận, chàng vô tình
trong suốt thời gian đó. Chàng trở về gặp nàng. Nàng không tiếp. Nì nài lắm mới
được nói chuyện trong phôn. Nàng không nhỏ một giọt lệ. Vì nàng đâu bị cha mẹ
ép uổng. Nàng khôn lanh, thực tế vô cùng. Giờ chàng mới hay. Gặp tôi, chàng
than chàng không hiểu nổi trái tim bọn con gái. Ừ, thì cha mẹ nào lại chẳng muốn
con mình sướng để phải tham phú phụ bần, chứ nàng tháng trước còn nói yêu chàng
tha thiết cơ mà. Trai thừa gái thiếu, nhiều chàng đi "cô–ốp" sáu
tháng về là mất bồ ngay, trừ phi chàng ta phải thật xuất sắc và lại hết mực chiều
chuộng cô nàng.
Họ đã quen
nhau được mấy năm. Chàng ra trường trước được việc ở bên New York. Nàng hứa sẽ
lấy chàng khi nàng ra trường, mong chàng kiên nhẫn đợi, đừng lăng nhăng với ai
khác. Mỗi tối cứ bên đó 11 giờ, bên này 8 giờ là chàng gọi cho nàng. Chàng kể
chuyện sở, nỗi cô đơn trong căn phòng trọ nhỏ bé. Cần một tiếng chim líu lo cho
lòng ấm cúng. Nàng là chim, là bóng nắng buổi sớm mai. Cần một bàn tay nhỏ nhắn
săn sóc bữa cơm cho chàng. Chàng ăn cơm hộp hâm nóng trong microwave. Tôi nghĩ
đàn ông con trai vậy là dở, ở xứ này ít nhất cũng biết nấu một bữa cơm cho
chính mình ăn chứ. Giữa lời kể, chàng cũng cho tôi biết.
–Tôi tốt nghiệp
từ trường này.
Tôi ngạc
nhiên, hỏi lại:
–UW?
Thì ra chàng
thuộc khóa đàn anh của tôi. Chàng gật đầu và kể tiếp. Nàng kể chuyện lớp học,
thầy cô, những kỳ thi học trối chết, thời tiết nắng mưa, Seattle mưa dầm dề, lạnh
lẽo, bầu trời lúc nào cũng chùng xuống xám xịt, những con bạn,...tuyệt nhiên
không bao giờ nàng hé môi một tí gì để chàng biết là có sự hiện diện của
"người ấy". Tôi nghĩ bụng, ai điên vậy mà đi kể cho chàng biết, nàng
đã có tính toán rồi mà.
–Tôi muốn nói
là rất sửng sốt. Rất bất ngờ!
Làm sao mà
không biết thái độ của người ta, dù là qua phôn. Mặt đối mặt, đồng ý là dễ rồi,
có thể dò biết được phản ứng. Giọng chàng rất buồn. Tôi nghĩ cô ta tự ý bỏ
chàng để theo anh chàng bác sĩ tương lai sáng rỡ hơn, buồn thương làm gì?
Chàng cứ kể
và tôi cứ ăn. Tôi ăn một cách tự nhiên. Vì đói bụng quá, và không hiểu sao lại
có cảm tưởng quen biết chàng đã lâu, nên tôi không làm dáng kiểu cách. Tuần lễ
final tôi chạy nước rút, bỏ ngủ quên ăn, khi nào đói quá thì mò xuống quán này
kiếm gì ăn bậy. Tôi tự hỏi không biết cô nàng bồ cũ của chàng có phải cũng đang
học thi không. Ai lại dại chọn lúc này để nói dứt khoát chứ. Tôi thì chả giỏi để
làm hai việc cùng một lúc. Đang học cũng chả dám liếc mắt đưa tình nữa chứ nói,
nhỡ lạng quạng thương phải chàng nào, rồi mộng học cao bị dang dở. Con chăm học,
mẹ mừng, nhưng mẹ tôi không khỏi lo, sợ học cao... đàn ông Việt không ai xứng
đáng rồi con của mẹ lại lấy Mỹ, lấy Tàu. Bà cứ hỏi dò tôi, bị tôi la, má lo gì
đâu không hà. Bà đi than với bà bạn làm chung sở thường hay đi ăn trưa với
nhau. Tôi run mà nó cứ tỉnh queo. Chẳng biết ý nó ra sao, cũng không dám hỏi.
Chuyến xe
buýt về khuya lặng lẽ ngừng sát lề đường đón người khách cuối cùng đang đứng đợi
ở chỗ bus stop trước quán. Tôi cũng vừa thanh toán xong muỗng kem dâu tây, sau
khi đã nuốt trọn cái double cheese hamburger. Chàng cũng đã ngừng kể. Ý chừng
chợt nhớ ai lại đi kể một chuyện riêng tư như thế cho một người lạ mặt nghe? Cứ
cho là câu chuyện tạm kết thúc ở đây? Chàng hỏi, lễ lộc có "về quê"
ăn Tết với gia đình không? Tôi nói tôi ở trong dorm đi học, còn gia đình thì ở
Olympia cách đây hơn một giờ lái xe. Olympia là thủ phủ của tiểu bang
Washington này.
“Về quê”, chữ
chàng dùng làm tôi nghĩ tới mấy cậu học trò ngoài Trung vào Saigon ở trọ học,
là anh em họ của tôi. Họ ở trọ nhà bà dì là mẹ tôi. Bây giờ thì tôi cũng đến
thành phố khác ở trọ trong cư xá của trường để đi học cho gần, cuối tuần hay lễ
lộc thì chạy về với gia đình.
Chàng còn lại
một tuần phép mà chưa biết sẽ làm gì. Buồn quá. Chàng lại than. Chàng cho biết
chàng không có gia đình ở bên này, còn kẹt lại VN. Hồi mới qua chàng ở đây với
gia đình ông chú. Bà thím đau tê thấp nên gia đình ông đã dọn về Cali ấm áp. Bạn
bè cũ của chàng đã theo công ăn việc làm đi tứ xứ. Người yêu cũ thuyền cập bến
khác như đã vừa kể. Chuyện tình thế là xong, chẳng còn gì. Cõi lòng trống trải
buồn tênh. Bước chân hụt hẫng. Những dự định tan theo mây khói. Ngọn sóng vô
tình vỗ mạnh vào bờ nhạt nhòa cuốn trôi dấu xưa.
Suốt buổi tôi
nghe nhiều hơn nói. Biết an ủi gì đây? Chưa yêu lần nào, tôi biết gì mà an ủi.
Mấy cái tình cảm nhẹ nhàng một chiều, một phương thuở mới lớn chỉ một sáng một
chiều là quên mất tiêu. Đâu dám cho là mình có kinh nghiệm tình trường. Chưa có
một trận gió tình yêu nào đủ làm tôi lao đao say ngất ngây quên đường về!
Seattle với những rặng thông dài, đồi núi chập chùng, mây trời xám xịt. Thành
phố mùa đông, mưa hoài, buồn hiu hắt. Tôi chưa ca với ai. Phố núi cao, phố núi
đầy vơi. May mà có anh, đời còn dễ thương. Tôi cứ tỉnh tỉnh cà ngơ tơ lơ mơ lo
ăn học.
Chuyện chàng
kể tôi nghe động lòng. Mẹ tôi từng than tôi hay lo chuyện thiên hạ, tính thương
người của tôi rồi sẽ làm tôi khổ. Hãy tưởng tượng cảnh chàng không nhà không cửa
(chàng ở tạm motel), không cha mẹ anh em vợ con vào những ngày cuối năm, biết về
đâu, về đâu. Không chừng lại thấy Greenlake hấp dẫn nhảy xuống chơi. Thiên hạ
kêu cứu. Trời mùa đông mau tối, nước hồ đen nghịt, chẳng tìm thấy chàng, người
ta hẹn sẽ mò tiếp vào sáng hôm sau? Xác chàng về đâu, trôi tấp nơi nào?
Tôi bỗng nảy
ra một ý định và nói ngay với chàng:
– Nếu anh
không ngại, Uyên mời anh về nhà Uyên ở Olympia chơi mấy ngày. Chỉ có má và mấy
đứa em nhỏ.
Đề nghị bất
ngờ này làm chàng sửng sốt. Chàng nói chàng không quen ai sợ làm phiền. Trước lạ
sau quen, phải không, với lại có Uyên mà, cứ coi như mình đã quen biết nhau.
Tôi cho là tôi đã cứu được một mạng người. Tôi hẹn gặp lại chàng ngày hôm sau
cũng ở chỗ này rồi cùng nhau về Olympia.
oOo
Thấy tôi thu
xếp áo quần (nói ra thì cũng xấu hổ quá: thu mớ áo quần đã mặc, đem về nhà má để
giặt!), đồ đạc, Thụy Du, bạn ở cùng phòng, hỏi, mày không ở lại dự văn nghệ cuối
năm ư? Tôi kể lý do. Nó không tin. Mày dẫn một tên con trai không quen biết về
nhà giới thiệu với mẹ và các em của mày? Tôi giải thích, thấy thì vậy mà không
phải vậy, cứ coi như tao đang giúp đỡ một người bất hạnh, một người đồng hương,
bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn mà. Nó cười
bĩu môi, mày ơi, mình con gái mình lo thân mình không xong, ở đó đi lo chuyện
buồn vui của người khác, mày dở hơi quá. Tôi cười, ai cũng nghĩ như vậy rồi
không ai giúp đỡ ai được sao, giả sử mày qua đây một mình không cha mẹ họ hàng,
bị người yêu đá cho một cái bịch, lang thang thất tình ở một quán hamburger nào
đó vào một đêm cuối năm mưa gió lạnh lẽo, gõ cửa xin ở nhờ, người ta đẩy mày ra
đóng sầm cửa lại (chàng có bằng cấp công ăn việc làm, không đói mà chỉ thất
tình thôi). Ở cảnh đó mày nghĩ sao, con ích kỷ?
–Vô duyên
chưa! Đương không lại mắng người ta. Đủ rồi nha nhỏ. Tao chỉ buồn là văn nghệ
không có mày mất vui. Sợ không có mày thằng Tú nó đánh đàn không nổi. Công nó tập
dượt mày hát mấy tuần nay.
–Không có tao
hát thì có đứa khác hát. Ai mướn mày lo!
–Mày hứa với
nó…
Ừ, thì trước
đây tôi có hứa với Tú là tôi sẽ hát vài bản, nhưng bây giờ chuyện không tính mà
lại xảy ra, thì tôi phải thay đổi chương trình chứ. Tôi năn nỉ:
–Mày nói khéo
giùm tao đi! Cái miệng Bắc Kỳ của mày lanh (và dẻo!)
–Thôi đi! Mày
hứa cuội rồi bắt tao phải gánh. Tao không làm đâu! Nhất định không làm!
Nói thì nói vậy
nhưng rồi Thụy Du cũng hứa là sẽ nói sao cho Tú khỏi giận tôi. Cứu bồ lần này nữa
thôi nhé.
oOo
Thời gian ngắn
ngủi Kha ở chơi đủ để mọi người trong nhà tôi...chấm chàng cho tôi. Từ má tôi,
tới thằng em với mấy con em. Má tôi nói cái thằng hiền. Tôi cười thầm, hiền? Khờ
thì đúng hơn. Bị đá rồi mới hay. Má nấu nướng những món ăn ngon, săn sóc chàng
như con. Cả nhà đều biết chuyện chàng vừa bị bồ bỏ, không ai biết cái cô Khánh
Vân nào đó nhan sắc nghiêng nước đổ thành như thế nào, chứ mọi người đều nghe
tiếng về ông bác sĩ đẹp trai, con nhà giàu có. Vậy mà cứ xúi tôi chịu đi...dù
tôi mới biết chàng chỉ... vài ngày. Nhỏ em kế dạy đời, vết thương nào rồi cũng
lành, với thời gian tình nào rồi cũng quên, bộ chị tưởng anh Kha sẽ ở vậy mãi để
khóc cho một mối tình dang dở hay sao...chị khờ ơi là khờ. Chị không nhìn thấy
sao, ảnh đâu có vẻ gì thất tình da tái mét, má hóp, mắt thâm quầng, râu ria ra
rậm rạp đâu?
Hôm chàng về
New York, chàng và tôi đều bịn rịn. Dù vậy, tôi vẫn phủ nhận sự việc là tôi có
thích chàng. Vẫn cố nghĩ là tôi đã làm một việc nghĩa, cứu rỗi một con tim đang
bị rướm máu, thế thôi. Những cú phôn viễn liên xuyên những tiểu bang mới đầu là
những câu thăm hỏi thông thường rồi thành những thân thiết gần gũi hơn mỗi
ngày. Rồi không biết duyên số đưa đẩy thế nào mà một năm sau cái anh chàng thất
tình đó đã trở thành… ông chồng của tôi. Chàng đã nói yêu tôi trên phôn và hỏi
tôi có chịu...nâng khăn sửa túi cho chàng không cũng… trên phôn. Dĩ nhiên là
chúng tôi sống hạnh phúc, như truyện cổ tích ngày xưa.
Thỉnh thoảng
chàng cười hỏi:
–Sao em dám
đưa một tên con trai lạ về nhà..?
Tôi thành thật
trả lời:
–Cũng chẳng
hiểu tại sao nữa. Nghĩ lại thời buổi này, thật nguy hiểm. May mà gặp anh… đàng
hoàng. Em sẽ không khuyên các cô… kiếm chồng bằng kiểu này đâu.Linh Vang..
( trích trong tạp chí văn học nghệ thuật :Văn Hữu)
No comments:
Post a Comment