Tập thơ: Lửa đốt ngoài giới hạn.
từ : Cao Đông Khánh
( 1941- 12.12. 2000)
ảnh : Nguyễn Khôi Việt
Nhớ Anh... muời tám năm rời bỏ trần gian...
Một kiếp . Một
đời .
Lấy đó làm
vui (* )
Rất nhiều bạn
bè văn nghệ, bạn đời thường viết về anh. Họ có cùng với anh những kỷ niệm đậm
men say, những ký ức rưng rưng khi nhặt nhạnh hồi tưởng. Họ nói về anh “Thơ Cao
Đông Khánh là lịch sử thuyền nhân dưới những góc nhìn táo bạo, khốc liệt nhưng
sau những con chữ nhảy múa là thế giới tiềm ẩn hồn thơ “ ( trích)
Riêng tôi,
làm sao tôi có thể mở từng bản lề cánh cửa của quá khứ, có thể
tách dù chỉ một mảng trong từng vạt kỷ niệm nhỏ nhoi với anh, với bạn bè
ngày ấy khi mọi thứ ở cuộc đời nầy, đã một ngày đột nhiên “một bữa hừng hực “
biến mất cùng “-lửa-đốt ngoài giới-hạn “
Dù bao năm
trôi qua, khi mường tượng lại, trong trí tưởng của tôi, ở buổi tối họp
mặt cùng với bạn bè thân hữu gần xa, anh đứng đó, nơi góc khuất cạnh chiếc bàn
ngổn ngang nào ly nào rượu, lưng chênh vênh dựa tường, tay cầm ly rượu, dáng vẻ
vừa tán thưởng vừa lơ đãng, đôi mắt lúc hờ hững lúc lim dim như bàng quan với
những âm thanh xao xác chung quanh. Anh, lúc ấy, như lạc vào một thế giới mơ mơ
hồ hồ dường như không gian kia, tiếng đàn ấy là tiếng nỉ non của rừng cây giật
gió khua động lá, và tiếng hát dội trong lồng ngực anh những âm thanh trầm đục
bẽ bàng của khuôn mặt muôn hình muôn vẻ gọi tên đời sống.
Anh đứng đó
mà dường như không-ở-đó.
Anh ở đó mà
dường như không-đứng-đó .
Tôi nghĩ, lúc
ấy, chính trong căn phòng đùn đẩy mọi tiếng động, anh đang lạc vào thế giới của
riêng anh, xa lạ chung quanh nhưng lại vô cùng gần gũi cõi mênh mông, không rõ,
vì với tôi, lúc nào anh cũng có vẻ lãng đãng tựa như bướcr chân đi qua lớp
sương lụa mà không hề để ý rằng, mình vừa đi qua, vừa lướt qua đám đông bộn bề
trần gian với chút ngạc nhiên lẫn băn khoăn.
Tôi nhớ, lúc ấy,
sau khi chấm dứt bài hát, anh vỗ vai V.
“ Tao thích
thằng nầy “
Yêu và thích,
với anh thật giản dị, như thể, những câu nói ấy xuất phát từ cái khoác vai mạnh
mẽ, từ trái tim tràn
trề những mạch máu hào hứng, nông nỗi không dấu diếm .
Ít khi tôi được
đọc những câu thơ dành cho người anh yêu, lại nhớ nhung một cách đằm thắm dữ dội, tựa như
thế giới ấy sẽ bị tan biến, sẽ đổ nát vì Em. Một lời hẹn lỡ.
Em hẹn. Một
tháng. Có lẻ mùa băng rã.
Rừng núi căm
căm. Nứt. Đổ. Kinh hoàng.
Một tháng nữa.
Một tháng. Trời đất động.
Hồn vía nào
không khỏi kinh tâm.
Có phải đó là
cách bày tỏ tình yêu, chỉ một Cao
Đông Khánh, qua những góc cạnh lạ lùng, gần như ngưỡng mộ, tôn sùng. Có phải đó là hình ảnh lạ
lẫm, chấp chới của nữ thần tình yêu đặt tên hạnh phúc. Nữ thần ban cho anh những
ân sủng tuyệt vời để anh thoả thích bơi lội trong bốn mùa trần tục diệu kỳ say đắm.
Em nhỏ nhẹ
làm vui từng chi tiết
Những sắc rau
xanh một tín ngưỡng linh đình
Mỗi tiếng
nói. Mỗi miếng ăn. Mỗi hơi thở mỏng
Có linh hồn
con mắt ở bên trong .
Với anh, bạn
hữu là những thực thể rất thiêng liêng, rất quí trọng, không phải do tình cờ gặp
gỡ. Nếu đã là bạn thì hẳn người đó đã dạo chơi đâu đó với anh trong một kiếp
nào xa xưa. Trong một sát na nào đó mênh mông cõi càn khôn vũ trụ, đã tình
cờ gặp lại.
Những kẻ có
tiền kiếp một lần tề tựu
Một kiếp một
đời lấy đó làm vui .
Người Bắc và
người Trung thường thích ngâm
thơ khi muốn diễn tả tình cảm được gửi gắm trong bài thơ và thường, âm điệu của
giọng ngâm mang lại cho người nghe cảm giác rung động sâu trầm tự trong trái
tim. Có chút man mác. Có chút nghẹn ngào.
Nhưng với
anh, anh chỉ đọc thơ
Đó là cung
cách của một người miền Nam bộc trực, thẳng thắn và hào phóng. Đôi khi nhuốm
chút giang hồ, bạt mạng.
Nghe anh đọc
thơ, tôi- hốt- nhiên thấy tôi của
những ngày kinh hoàng cùng khổ, tả tơi đói khát trong “ Sở thú người“ mà
anh miêu tả. Tôi nhìn tôi qua anh với nỗi u uất mê sảng trong thân phận tị nạn.
Buồn bã. Bất lực. Tuyệt vọng khi nhớ về quê hương.
Qua những
chuyển động âm thanh nhức nhối, bi thương kia, tôi nghĩ, dù bài thơ đã dứt, người
đọc đã đột ngột đặt dấu chấm hết hay chấm ngừng lơ lửng, nhưng người nghe
vẫn còn trong tâm trạng bàng hoàng, hình như còn chờ đợi anh sẽ dẫn dắt họ
đi tiếp, đến một thế giới khác, thế giới cuồng nộ của đau khổ, trần trụi
xúc cảm, của niềm đau che dấu sau tiếng cười khinh mạn.
Đã mười mấy
năm, tôi vẫn nhớ như in cảm giác mê hoặc ấy, nó như lôi cuốn tôi lạc trong khu
rừng đầy âm thanh, nhiễu nhương tiếng động mà ở đó, hạnh phúc và đau khổ hoà
quyện vào nhau như một chất nhựa keo bám chặt trong từng giây, từng phút theo
nhịp thở. Đôi khi đột ngột choáng voáng bởi một cú va vập. Đôi khi như vừa nhấp
phải ngụm rượu cay. Không quá đắng nhưng đủ để say. Để ngây ngất .
Tưởng tượng.
Anh đứng đó, giọng đọc sang sảng như bốc cháy cùng thơ, anh ném chữ nghĩa về mọi
phía và gom nó lại bằng những ngón tay phù thuỷ. Mọi thứ mang đến cho người
nghe, những tâm trạng hụt hẫng chao đảo như say sóng, cái cảm giác ấy óng ánh dị
thường mà cũng ngào ngạt chất men say.
Chất men pha
hỗn tạp ở đời sống trần tục trộn lẫn quá khứ bi thương mà hình như ký ức ấy
luôn gọi tên anh, xô, đẩy, níu anh dạt về một phía .
Ngôn ngữ thơ
có phải là sự nổi loạn, phản kháng khi cái ác hồi sinh, cá tính bất cần đời
nhìn sự vật trần trụi qua lăng kính của màu xám xịt đời sống, màu đen phận người,
màu bùn của đất, với lời cảm thán “ những con đường trở lại đi suốt đời không hết,
những món nợ ân tình khi nào trả cho xong. Sống chết một đời không đủ để yêu
nhau ..”
Thơ của anh,
ngôn ngữ của anh, chẳng gò ép bởi vần điệu nào mà mênh mông vô vàn cung điệu,
vô vàn những cung bậc cảm xúc, đọc mà xây xẩm, mà ngất ngư.
Ở ngôn ngữ rất
riêng đó, cách dùng chữ rất lạ lùng, kỳ dị và lôi cuốn ..
“Em. Cảm giác
thật gần.
Gần như khiếp
đảm .
Cảm tưởng ở
xa.
Xa lạnh lẽo
hơi người “
Anh trộn lẫn
không gian vào thời gian, nhào nặn ban ngày vào ban đêm lồng lộng, trộn máu, mồ
hôi và mùi đất nung ngai ngái đặt tên tuyệt vọng. Anh hối hả viết, hớp hơi thở
mà viết..như thể nhốt đêm vào vô tận để
níu kéo một bình minh.
Và, hào sảng
“ Mở cửa không trung “ Mở. Vô tận.
Vô tận bởi
anh đã đi cùng trời cuối đất. Ra ngoài biển mưa đưa anh đi qua núi mây tầng lớp.
Đi qua sông qua suối qua kinh rạch qua nhân tình chằng chịt thế thái. Và anh đã
tìm gì, Gặp gì ?
Không. Anh
không cần bất cứ điều gì cho riêng mình ngoài những ngôn ngữ kỳ lạ, dữ dội, đau
đớn như tiếng hú thống thiết của loài sói cô đơn. Như dòng nham thạch chảy miệt
mài dưới hoả diệm sơn.
Như dòng nước
âm ỉ đổ tràn qua con đập bung vỡ hăm hở hoà nhập vào biển lớn bởi những đợt
sóng bi thương lẫn phẫn nộ .
Có phải. Khi
sự thống khổ vượt qua giới hạn, mọi thứ sẽ bóc trần nguyên hình bộ
mặt đau đớn của cảm xúc.
Và khổ tận.
“Ta sống, cảm
giác ngọn giáo đâm trước ngực
Mũi tên tẩm độc
ghim đầy chân tay
Gửi về Việt
nam cho đến xương tàn cốt rụi “
Rất đặc biệt.
Anh Cao Đông Khánh ạ. Anh không thể lẫn với bất cứ ai được.
Và, cái ngang
tàng khí phách ấy, rành rành ra kia:
“Tôi sống làm
mộ bia
Cho bạn bè
thân hữu
Tôi sống làm
chứng nhân
Đâu có cần
ngôn ngữ
Buổi sáng uống
chén trà mặt trời
Buổi chiều ly
rượu mặt trăng
Tôi là thằng
đào ngũ phản bội
Mùi quê hương
trong biển dữ kinh hoàng”
Và, sau tất cả,
là một Cao Đông Khánh.
“ Hắn cô đơn.
Hắn trọn vẹn. Biết bao. Hắn có huyền thoại. Hắn có những ngàn năm trước và những
mơ hồ trước đó. Hắn có những ngàn năm sau và những mơ hồ sau đó. Hắn là một thế
giới riêng, một vô biên sống bên cạnh những tư duy khác, những con người vô
biên khác, những
thế giới láng giềng. Ai cũng có những thể dạng hạnh phúc riêng trong cô đơn của
họ.
Đối với hắn,
không có vấn đề hoài nghi. Mọi sự thật giả căn cứ trên những định ước tương đối,
kể cả , đời sống hữu hạn cũng hàm chứa cái vô hạn cực kỳ “(thế giới láng giềng)
Với những câu
thơ mang một nét đặc biệt phá cách và một ấn tượng riêng, thơ Cao Đông Khánh
như một tác phẩm nghệ thuật với bút pháp phóng khoáng, hình ảnh hỗn mang, mỗi vệt
màu mang nét chấm phá không hình thù, sau mảng bâng quơ là hào khí cao ngạo ngất
trời lừng lững. Ở đó, nó đã tái hiện quá khứ bi thương của đất nước, tiếng phẫn
uất khẩn thiết của loài người bị dồn vào đường cùng, sự đấu tranh để sinh tồn
và cả những hoài bão, đôi khi chỉ một bước giữa lằn ranh sinh tử.
Ngoài cách
hành văn dồn dập, đột ngột, hoặc liên hồi bất tận, đặc biệt trong thơ của anh,
mặc dù là người miền Nam, anh viết rất chính xác từng dấu hỏi, ngã. Mỗi dấu câu
cũng mang một hàm ý ẩn dụ theo từng bài thơ. Tôi thật ngưỡng mộ anh về sự trân
trọng chữ nghĩa. Một tài sản văn hoá quí giá, hiếm hoi mà chúng ta mang theo và
cố gắng gìn giữ.
Không có nhiều
mảnh ký ức để tôi có thể mở ra, để có thể nhìn ngắm những hạnh
phúc riêng khắc khoải trong cô đơn,
và có thể ghép lại từng trang hạnh phúc bất tận, đôi khi, vượt
ngoài giới hạn.
Đã mười tám năm ...
Mọi thứ, với
tôi, dường như chỉ mới hôm qua. Dường như thời gian đã đứng lại ở khoảng khắc của
chừng ấy năm, lần hội ngộ ngắn ngủi và bàng hoàng chia lìa.
Nhớ giọng đọc
thơ sang sảng như được
thoát ra từ sâu thẳm trong lồng ngực nhức nhối. Nhớ tiếng nói, tiếng cười
và dáng đi lừng lững, mặc kệ đời sống xung quanh đè
nặng, phơi bầy những đẩy đưa phù phiếm.
Anh đã bước
vào cánh cửa hư vô. Đã giã từ cõi tạm, giã từ người yêu, bạn bè,
cũng bất ngờ như khi anh đến trần gian ..
Xin mượn câu
thơ của anh Tô Thẩm Huy để chia tay, cùng anh :
Mày một bữa nằm
im như giun dế
Tao một bữa
ngồi im như bàn ghế
Nhớ mày mà
không muốn khóc bữa nay .
(*) Tựa và những
chữ in nghiêng từ ý thơ của Cao Đông Khánh .
( Nguyễn thị Hồng Hải )