Thursday, July 26, 2018



                              Trả lại em yêu
                               Nhạc : Phạm Duy
                               Ca sĩ : Thái Thanh


Sài Gòn...một thời.

Có người bạn viết trong comment của anh ta: Các bạn trẻ ngày nay chắc chắn không biết Sài Gòn Thứ Bảy ngày xưa ra sao đâu. Câu nói này chợt gợi ra trong tôi bao nhiêu là kỷ niệm.
Khoảng chừng 3 giờ chiều. Khi mây trắng, mây xanh trở về thành phố, khi gió chiều bắt đầu thổi mát trên các đường phố chính như Tự Do, Nguyễn Huệ, Pasteur. Những quán kem nhìn ra vỉa hè như Mai Hương, Phương Lan, Cafeteria ( hình như khai trương năm 70, 71 không nhớ rõ, trong quán là một là một hình ảnh rừng Thu rất đẹp chung quanh tường) trên đường Lê Lợi (bây giờ không biết bị đổi tên là gì?) đông nghẹt người ngồi ăn kem ,đồng thời để "rửa mắt" dõi theo những giai nhân thả bộ theo hè phố . Có thể thấy khá nhiều sinh viên sĩ quan Thủ Đức, hoặc Không Quân trang trọng trong những bộ đồ phép bên cạnh người yêu. Không phải ngẫu nhiên mà có câu "gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè, và gió hôn tóc thề..." Sài Gòn về chiều rất mát mẻ, đôi khi lạnh vào buổi tối vì gió dưới bến Bạch Đằng thổi lên. Tiếng mời chào từ những người bán hàng, tiếng nhạc vọng ra từ các cửa hiệu hai bên đường. Âm thanh, tiếng hát đó không bao giờ có thể quên. Đường phố nhiều khi đông người, nhưng bình yên, ít khi có nạn giựt đồ cướp bóc như sau này. Ngay cả khi bạn dạo phố vào ban đêm
Về Sài Gòn dạo chơi chiều thứ Bảy với người yêu là một sự hanh phúc rất thi vị. Ngoài con đường Duy Tân cây dài bóng mát mà hầu như ai trong chúng ta cũng biết trong Trả lại em yêu của Phạm Duy, còn có đường Nguyễn Du đầy lá Me bay. Nơi chốn rất bình yên, đẹp đẽ và lãng mạn để bạn có thể "ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới" như lời thơ của thầy Thanh Tâm Tuyền. Nhưng nếu vắng nàng thì ta giả bộ làm "người hùng cô đơn" đi ngắm hạnh phúc của thiên hạ. Hoặc tìm một bóng hồng nào cũng cô đơn như mình. Đêm xuống thì đã có những nơi rất xứng đáng để vào. Đêm Màu Hồng nghe Duy Trác, Sĩ Phú, ban tam ca Đông Phương, Queen Bee với Lệ Thu, đôi khi có Carol Kim, phòng trà Tự Do nghe Khánh Ly hát, Chez Jo Marcel, vủ trường Olympia, hoặc hội quán Tre nơi có Lê Uyên và Phương tha thiết với "Vũng Lầy của chúng ta" hoặc "Uống nước bên bờ suối. . Nếu muốn đánh dấu một ngày về thăm bằng bữa ăn tối trịnh trọng với người yêu thì vào nhà hàng La Cave (cái Hầm) nơi có những món ăn Pháp rất đặc biệt, với những người hầu bàn vô cùng lịch sự và chu đáo.
Và cứ thế. Sài Gòn êm đềm trôi. Tới ngày 30-4-1975 thì chấm dứt. Tổ Quốc sang một trang đầy đau khổ nhục nhằn.
( Khôi Việt )

1 comment: