Friday, March 15, 2019


                   Nơi em về trời xanh không em..

Trời Xanh Không Em
( Nguyễn Vĩnh Long)

Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường trước mặt với đàn con nhỏ dại. Con mất cha như nhà mất nóc, chị em tôi như bầy chim tan tác lạc đàn. Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi mặc cho bao biến cải đổi dời. Mẹ con tôi phải cùng dựng lại nóc, mà từ ngày xưa cuộc chiến chinh nào cũng đã đưa những người mẹ trở thành “phụ thân”. Gom hết tiền dành dụm cộng với tiền tử, mẹ tôi bán luôn căn nhà đầy hình ảnh kỷ niệm cha tôi, để sang lại quán cơm bình dân, đối diện bến xe đò thị xã. Phía sau quán cơm Thanh Vị, mẹ tôi lấy tên thị xã đảo ngược lại, bà dựng thêm hai chái nhà cho mấy mẹ con cùng ở. Hai bên nội, ngoại đều nhiều lần đề nghị đem vài đứa về nuôi, đỡ tay, nhưng bà một mực từ chối. Tôi thương mẹ vô cùng. Là con gái lớn, tôi cũng nhiều lần xin nghỉ học giúp mẹ một thời gian, khi ổn định đâu vào đó, tôi trở lại trường cũng không muộn. Mẹ tôi vừa khóc vừa mắng tôi một trận nên thân. Từ đó, tôi không dám nhắc đến nữa, mà cố gắng sau buổi học dồn hết tâm sức đở đần với mẹ cho tiệm cơm và chăm sóc đám em. Đời sống mẹ con tôi cứ vậy lặng lẽ trôi qua như dòng kinh xáng chảy quanh thị xã, phía sau nhà.

Hơn năm sau, quán cơm mẹ tôi khách ăn mườn mượp phải mở rộng thêm gần hết mặt lộ. Khách quen thuộc hằng ngày, phần đông là đám tài xế và phụ lơ. Còn lại là hành khách tứ xứ hoặc những người lính trẻ một lần dừng quân. Họ đến và đi như những cơn gió nổi, không mấy lần trở lại. Có những hôm đường bị đấp “mô”, hay lỡ chuyến xe cuối cùng, vài người khách hành vào quán hỏi mẹ tôi xin được mướn chiếc giường ngủ tạm qua đêm. Mẹ tôi nghĩ ngay đến chuyện biến hai chái phía sau thành nhà trọ cho khách lỡ đường. Cũng đã khá giả nên mẹ tôi mướn căn nhà rộng rãi gần nhà máy điện, cho chị em tôi có đời sống riêng biệt, xa khỏi chỗ bán buôn ồn ào. Công việc phụ giúp mẹ ở quán cơm cũng giảm dần vì mẹ đã có nhiều người bà con từ dưới quê lên làm phụ. Họ vừa tránh được cuộc chiến tranh đang càng ngày khốc liệt vừa kiếm được chỗ ăn, việc làm. Mẹ tôi sau thời gian lao đao, khốn khổ nay đã được chút bình yên. Bà tươi tỉnh và duyên dáng hơn xưa. Có nhiều người đàn ông cũng đến ve vãn, nhưng chừng như bà không mấy quan tâm bởi đàn con bốn đứa. Năm đó tôi cũng vừa mười bảy, tuổi dậy thì rực rỡ của thời con gái. Ngực tôi vun tròn, mắt long lanh, môi luôn mọng đỏ và biết ngượng ngùng trước những đôi mắt của đám con trai cùng lớp, những người lính trẻ mỗI lần tôi đi ngang qua tiểu đoàn. Đêm tôi trằn trọc khó ngủ, nằm lắng nghe tiếng súng vọng xa xa quen thuộc, mộng mị vu vơ. Còn ngược lại ban ngày, tôi cứ nằm đâu là ngủ đó, như con mèo tam thể của bà Năm chủ nhà.
Những chiếc lồng đèn xanh đỏ đủ loại bắt đầu treo bán khắp dãy chợ và trường tổ chức chương trình văn nghệ trung thu yểm trợ tiền phương. Nhờ cao ráo, sáng sủa tôi được tuyển vào ban hợp ca và ban vũ của trường. Trong một buổi tập hát, tôi quen Lộc. Anh học 12, trên tôi một lớp và trưởng khối báo chí trường. Chạm ánh mắt anh lần đầu tôi đã linh cảm một quan hệ tình cảm gì đó giữa tôi và anh. Lộc không đẹp trai, anh da ngăm ngăm, dáng người chắc hơi thấp nhưng anh có đôi mắt thật sáng và thông minh. Với anh, trong ánh mắt sáng đó, tôi biết hình ảnh mình đã chiếm ngự mỗi nỗi bối rối, ngỡ ngàng. Ngày nào, Lộc cũng đi ngang qua lớp tôi đôi lần. Để nhìn thấy tôi và được tôi nhìn đáp lại. Chỉ vậy mà đêm nào tôi cũng nằm mơ tưởng đến anh, muốn đêm qua nhanh để ngày mai tôi được anh liếc nhìn bối rối. Lộc ở trọ học nhà bà con gần ngõ nhà tôi, cuối bờ kinh xáng. Tôi d biết gia đình anh ở Hoà Hưng, cách thị xã cả nửa ngày đò. Cho đến một buổi tan học, vừa rẽ vào ngõ, tôi đã thấy anh đứng đợi tự bao giờ. Anh trao bức thư và nói vội, “Gửi cho Loan..!”. Tôi chưa kịp phản ứng, tim đập thình thịch thì anh đã rảo bước đi nhanh. Về nhà tôi không kịp thay đồ, chui ngay vào hầm “ chảng-xê” để đọc thư anh. Tôi đọc đi đọc lại thư Lộc nhiều lần, gần như thuộc lòng mà vẫn chưa thấy chán. Vài ngày sau tôi trả lời thư anh và cuộc tình bắt đầu từ đó.
Ông là người khách thương hồ tầm thước, tuổi chừng năm mươi. Một tháng đôi lần, ông ghé giao và nhận hàng đặt cho lần ghé tới. Nghe nói ông gốc gác ở miệt Tân Châu, Hồng Ngự. Trong đêm một trái pháo rơi giữa nhà, cả gia đình đều chết thảm thiết, trừ ông. Đến nay ông vẫn chưa hiểu sao mình sống sót với bao mảnh đạn phá nát bả vai, phải mổ nhiều lần mới lấy hết miểng. Từ đó ông bỏ xứ ra đi, sống lênh đênh trên chiếc ghe bầu mà ông gọi là nhà. Chú Bảy, tên ông, sống đời trên chiếc ghe buôn, xuôi ngược khắp mặt nước sông hồ của miền châu thổ. Dạo sau nầy, ông ghé quán mẹ tôi thường xuyên hơn và lần nào ngoài hàng cho quán, ông cũng có những món quà nhỏ, là lạ phương xa cho chị em tôi. Khi thì gói chuối ngào Hồng Ngự, khi thì chục cam miệt Cái Bè và lắm lúc cả chiếc kẹp tóc đồi mồi tận chợ Hà Tiên. Để rồi có nhiều hôm, ông dừng ghe bên bờ kinh hẳn vài hôm, phía sau quán mẹ tôi. Ông giúp mẹ tôi dựng lại một vách mái loang lổ, đóng lại vài chiếc bàn, cái ghế lung lay hay lót lại cái sàn nước đã lâu ngày gạch bể, trơn trợt. Mẹ tôi nhiều lần đề nghị ông ngủ lại phía sau nhà trọ. Ông đều từ chối. Chiếc ghe bầu là căn nhà trọ thân thương, duy nhất của ông. Nên không như những người đàn ông khác, mẹ tôi tỏ vẻ trìu mến, quyến luyến ông ra mặt. Mấy chị em tôi cũng quấn quít ông, nhất là tôi, không phải vì mấy món quà nhỏ phương xa, mà là những đêm ngồi nghe ông kể chuyện sông hồ.
– Nược, là một loài cá nước ngọt, sống từng đôi và rất tinh khôn. Cá nược có nhiều ở sông Cái lớn, nhất là những khúc sông quanh quẩn cù lao. Chúng thường xuất hiện lúc trời vừa rạng hừng đông, từng đôi lộI đua theo những chuyến đò. Chú đã từng nghe kể lại tính thủy chung của loài cá tinh khôn nầy. Có người đánh lưới cá ở miệt Cái Bè, vô tình giết chết con cá nược đực. Con cái chờ đợi trả thù, dìm chìm ghe, giết chết người đánh cá. Sau đó nó tự lao mình lên bãi đất cồn, nằm chết khô trên cạn. Dân làng biết chuyện, cúng đàn giải oan cho người chết và lập miếu thờ đôi cá nược trên cù lao… Ngày nay giống cá nầy gần như mất dạng. Bom đạn, xe tăng, tàu chiến đã càng quét mọi sự sống, an bình của vùng đồng bằng sông nước. Chiến tranh không chỉ tiêu hủy con người mà cả thiên nhiên, cầm thú…
 " Thôi khuya quá rồi, mấy đứa đi ngủ, mai còn đi học. Mẹ mấy đứa lại rầy rà chú nữa"
Tôi và mấy đứa em còn đang chần chừ tiếc rẻ thì chú Bảy đã đứng dậy và đi ra ghe bầu đậu bến ở bờ kinh xáng. Cũng kịp lúc mẹ tôi vừa về, hối chị em tôi chuẩn bị đi ngủ. Như thường lệ, tôi dành ngủ một mình trên nấp hầm “chảng-xê”. Tôi nằm thao thức và nhớ Lộc vô cùng. Sáng nay anh gởi tặng tôi hai tập nhạc, Như Cánh Vạc Bay và Ca Khúc Da Vàng, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh đã giữ tay tôi thật lâu khi trao tập nhạc. Tôi xúc động run cả người và chực muốn ngã vào vòng tay anh say đắm. Tôi sẵn sàng, nhưng anh thì vẫn chưa tiến xa hơn trong một tầm tay nắm. Hơi ấm lòng tay anh vẫn còn vương vấn tay tôi. Đôi mắt sáng, tình tứ của anh vẫn là tất cả giấc mơ tôi bao đêm dài trằn trọc.
Tôi chợt giật mình thức giấc với tiếng động trong đêm. Không biết tôi đã rơi vào giấc ngủ chập chờn nầy tự bao giờ. Tôi bàng hoàng lắng nghe tiếng thở hổn hển của người đàn ông. Đêm vắng lặng, tiếng thở lúc một rõ, dồn dập vọng lại cùng âm thanh thịt da, vạt giường chạm lẫn vào nhau… Rồi tất cả trở lại lặng im. Tiếng xột xoạt của quần áo, tiếng trở mình khe kh từ phía ngoài giường ngủ mẹ tôi. Tôi tê cứng cả người, mẹ tôi ngoại tình, ăn ngủ, làm tình với người xa lạ nào đó? Mà không, bà đã mãn tang từ lâu, sao gọi ngoại tình. Nhưng người kia là ai? Nghiêng mình, tôi cố lắng nghe những tiếng thì thầm từ phía giường của mẹ, chỉ cách tấm vách ngăn mong manh. Tiếng nấc nhè nhẹ của mẹ chợt vang lên. Chuyện gì xảy ra cho mẹ. Mẹ tôi đã khóc quá nhiều rồi cho cuộc đời nầy, tôi không muốn bà phải khóc nữa. Nếu phải thấy bà khóc thì đó là những giọt nước mắt hạnh phúc trên khuôn mặt bà… Tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ nhỏ dần rồi tắt lịm. Lúc sau là tiếng chân và tiếng cửa mở kèn kẹt trước nhà. Người đàn ông đó đã đi xa, để lại đâu đây tiếng thở dài của mẹ. Tôi úp mặt vào gối, cố xua đuổi chung quanh những việc đã xảy ra. Trăn trở, tôi xoay xở người tìm tư thế thoải mái, cố nhắm mắt tìm giấc ngũ… Đêm đó, trong giấc mơ chập chờn còn lại, tôi thấy Lộc hôn lên môi, ngực mình…
Buổi chiều trải chiếc thảm vàng nhạt xuôi dòng kinh xáng. Tôi nén vu vơ vài mảnh đất khô cứng xuống bờ kinh. Hai đứa vẫn ngồi yên lặng, đeo đuổI những ý nghĩ riêng tư. Lộc báo tôi hay ngày mai anh sẽ đi xa như bao thanh niên khác trong thị xã. Từng đợt nối tiếp nhau ra đi, để rồi sẽ vĩnh viễn không trở về với cuộc sống và nỗi thương nhớ quặn lòng của người ở lại. Nước mắt cứ tiếp tục ứa tràn mỗI lần tôi nghĩ đến những ngày sắp tới không có Lộc trong thị xã bé nhỏ nầy. Tôi kh liếc nhìn khuôn mặt đăm chiêu của Lộc, không hiểu anh đang nghĩ gì và có mang tình tôi trong đó.
– Rồi một ngày Loan sẽ hiểu. Ngày đó, chắc gì Loan còn nhớ đến Lộc… Nhưng thôi, Loan hãy nhìn dòng kinh. Đẹp quá phải không Loan. Biết bao nhiêu đổi dời, tang thương dòng kinh xáng nầy vẫn sớm chiều lớn, cạn.
Tiếng Lộc trầm buồn, không như những lúc ôm đàn hát, “Người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương nên yêu người yếu kém / Người con gái ngồi mơ thanh bình yêu quê hương như đã yêu mình…”, trong những đêm lửa trại. Tôi muốn nói với Lộc thật nhiều. Rằng mãi mãi, tôi sẽ không bao giờ quên Lộc. Rằng tôi yêu Lộc thiết tha hơn cả thị xã nầy yêu mến dòng kinh xáng Sà-No. Nhưng, ngôn ngữ chừng như đang dãy chết trong tôi. Đầu tôi nghĩ mà miệng lưi tôi đông cứng trơ trơ. Tôi đành chỉ nhìn bâng quơ những chiếc ghe xuôi ngược trên dòng kinh, mà nghe lòng mình thổn thức.
– Loan hứa chờ Lộc trở về, nghen Loan. Chắc chắn Lộc sẽ trở về với thị xã, với Loan. Ngày đó quê hương sẽ không còn đạn bom, chết chóc và sẽ không còn những chia ly trong mỗi cuộc đời. Con ngườI sẽ nối thành vòng tay lớn của yêu thương, của lòng tin và hy vọng…
Tôi lắng nghe từng lời anh như một tín đồ ngoan đạo. Lộc còn nói nhiều, rất nhiều về quê hương, con người và tình yêu rộng lớn. Nhiều lúc tôi không hiểu anh nói gì, nhưng cần chi, tôi chỉ muốn nghe giọng anh nói. Tôi chỉ muốn yêu anh và được anh đáp lại tình tôi. Những điều to lớn khác của anh, tôi không cần hiểu. Với tôi chung quanh anh là ánh sáng, là hào quang của tình yêu và mơ ước. Lộc ơi, Loan sợ những cuộc chia ly, những lời tiễn biệt. Đừng nói đến ngày mai nếu mình không gặp lại, không có nhau. Trong tình yêu của anh, Loan chỉ là con chim nhỏ đang tập chuyền cành, đừng để em cô đơn giữa bầu trời quá rộng… Lộc quay sang nhìn tôi ngây dại và nắm tay tôi, xiết nhẹ. Tôi nghe tim mình thổn thức từng cơn. Lộc chợt kéo mạnh tôi ngã vào lòng anh, khép chặt vòng tay. Khuôn mặt tôi và anh chỉ cách trong hơi thở. Tôi khép mắt như một phản xạ tự nhiên. Đôi môi Lộc lướt nhẹ trên mũi, dọc má và gắn chặt bờ môi tôi chờ đợi. Tôi chưa biết hôn trả lại thế nào chỉ biết đầu lưi tôi tê dại trong nụ hôn anh mãnh liệt. Chung quanh như sụp đỗ dưới chân, tối tăm mê muội, khi bàn tay tham lam của Lộc ngừng trên bờ ngực tôi…
2.
Ngọn đèn chong soi bóng dì Út lùi dần, mờ nhạt trên bờ kinh. Tiếng máy ghe dượng Bảy khàn đục, vỡ tan từng tiếng vọng chạy dọc đôi bờ. Đêm cuối tháng Hai vằng vặc và se sắt lạnh. Cuộc chia tay cuối cùng với dì Út thật lặng lẽ, thoáng chốc. Tất cả những điều cần nói chúng tôi đã nói hết trong những tháng ngày khốn khổ trôi qua. Phiá sau ghe, bập bùng trong đốm lửa trên môi là khuôn mặt thẩn thờ, nghiêm trọng của dượng Bảy. Chưa bao giờ tôi thấy mến phục ông như lúc nầy. Ông đã đem lại tất cả niềm vui, sự sống và bao hy vọng cho gia đình mẹ con tôi.
… Cuộc đổi đời năm bảy lăm, một lần nữa đưa gia đình tôi vào ngõ ngoặt mới. Quán cơm đóng cửa, mẹ con tôi sống thấp thổn từng ngày trong chiến dịch giảm dân và hồi hương những gia đình “ngụy” không phải sinh quán tại thị xã. Gia đình tôi nằm trong diện nầy. Mà không ở trong diện nầy thì gia đình tôi cũng không sống nổi với đám chính quyền thị xã. Con côi mẹ góa, thành phần tiểu thương là mục tiêu đấu tranh “giai cấp” của chính quyền mới. Công an khu vực lãng vãng trước nhà, trường học cứ bắt phải khai lý lịch mỗi học kỳ. Con cái lần lượt bỏ học, mẹ tôi bán dần đồ đạt trong nhà sống cho qua ngày đoạn tháng. Nước chảy đá mòn, chẳng bao lâu nhà cửa trống trơn, chúng tôi chỉ nhìn nhau rồi nhìn mẹ chờ đợi ngày tình nguyện đi vùng kinh tế mới. Mẹ con còn đang hốt hoảng, thì chú Bảy bất ngờ trở lại. Không như một người khách trú qua đường, ông là vị cứu tinh của gia đình tôi. Chú Bảy trở về với tất cả sự kính nể và trọng đãi của đám chính quyền địa phương. “Cách mạng” xóa bỏ tỉnh Chương Thiện, thị xã Vị Thanh thành đơn vị huyện thuộc tỉnh Cần Thơ. Chú Bảy là người có công với cách mạng và là bạn đồng chí với bí thư tỉnh ủy. Theo lời chú kể, trong chuyến giao hàng ngang Hỏa Lựu, chú đã vô tình giúp đ dấu trên ghe một người đàn ông đang trọng thương ra khỏi trận ruồng bố của lính quốc gia. Sau nầy biết được người đó chính là bí thư thường vụ tỉnh ủy Cần Thơ. Chú Bảy vốn không biết gì, cũng không quan tâm đến chuyện chính trị, chỉ thấy người hoạn nạn cứu giúp vậy thôi. Nhưng cũng từ đó, chiếc ghe chú Bảy trở thành đường tiếp vận, giao liên cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh… Chú Bảy trở thành dượng Bảy của chị em tôi bằng một buổi tiệc gia đình thật nhỏ. Dượng thật sự rời bỏ một đời sông nước và dừng bước chân thương hồ với mẹ tôi bên bờ kinh xáng Sà-No. Bến xe thị trấn chẳng mấy chốc chen chúc khách đường xa. Mẹ và dượng mở lại quán cơm. Cuộc sống gia đình tôi từ đó ổn định, nề nếp và chiếc ghe của dượng buột bến sau nhà. Thỉnh thoảng dượng cùng mẹ hoặc chị em tôi lại xuôi ngược dòng kinh xáng trong những chuyến mua hàng trên tỉnh… Và, tôi đã biết được người đàn ông trong đêm đó là chính là dượng Bảy.
Ngày tháng qua, tôi vẫn thẫn thờ nhìn những buổi chiều lặng lẽ trên dòng kinh mà thương nhớ một người. Đã năm năm rồi thoáng chốc trôi qua. Đã năm năm rồi không gặp, tin Lộc vẫn biền biệt mù tăm. Cuộc tình có sâu đậm bao nhiêu rồi cũng cuốn dần theo năm tháng mõi mòn. Tôi không còn là cô học trò thơ dại mộng mơ, vụng về chưa biết hôn môi. Đời sống áo cơm và cuộc biến động không chừng của xã hội làm cho thế hệ tôi già dặn trước tuổi thời gian. Vài người đàn ông nữa đã đi qua đời tôi. Những cuộc tình đó thật ngắn ngi và không để lại một âm vang. Tên tôi là một loài chim, con chim luôn vươn lên tìm khoảng trời xanh thẳm, mà chừng như chung quanh nó chỉ là những vách đá cheo leo và những biển đồi không bến đậu. Cuộc chiến tranh chấm dứt bất ngờ, như nén chúng tôi vào xã hội không ngày mai, không lối thoát. Họ, những người trẻ đã ra đi, cũng vẫn chưa trở về. Nếu đâu đó, có người trở lại thì cũng chỉ vội vã, lơ láo chuẫn bị cho một chuyến ra đi vô định khác. Đám thiếu nữ chúng tôi vẫn cô đơn trong nỗi đợi chờ vô vọng. Nhóm người mới, những kẻ chiến thắng họ lại càng ngơ ngác hơn trước những khước từ của cuộc sống chung quanh. Một lần tưởng đã quên, tưởng đã quá khứ cuộc tình mới lớn.
Tính về dạy trường cấp 3 thị xã vài tháng sau ngày giải phóng. Tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, còn đang chơi vơi với những đổi thay thì quen Tính. Chúng tôi rơi vào cuộc tình của nhau dễ dàng, vội vã. Ngày mai là đám mây mù của bao nhiêu từ ngữ mới, đảng ta vinh quang hạnh phúc, ngụy quân ngụy quyền, tội ác với nhân dân… vân vân và vân vân. Cùng với hợp tác xã, hộ khẩu, cửa hàng, gạo bán cân từng ký, hàng nhu yếu phẩm tính đầu người… còn bao nhiêu thứ nữa để tuổi trẻ chúng tôi lao vào những cơn lốc của thời cuộc và cả tình yêu. Tôi và Tính ở cơn lốc của tình yêu, để quên và cũng để biết mình còn hiện hữu. Một đêm tôi đã trao anh những giọt máu trinh nguyên từ cửa mình con gái, những mê sảng đầu đời của tình yêu thể xác. Nhưng nghiệt ngã thay, trong nỗi đê mê dục vọng tôi cứ tưởng mình đang nằm trong vòng tay của Lộc và rên xiết gọi tên anh. Chỉ vài tháng sau, Tính bị bắt vì tội chứa chấp tài liệu phản động và có mưu đồ “chống phá chính quyền cách mạng”. Lần cuối vào thăm anh trong phòng tạm giam thị xã, tôi đã khóc xót xa còn anh thì chỉ lặng nhìn tôi thương cảm. Sau đó nghe nói anh bị áp tải lên công an tỉnh. Tôi tìm tới thì được trả lời là đã đưa đi nơi khác, nhưng không ai cho biết ở đâu. Tính biến khỏi cuộc tình tôi từ đó, vĩnh viễn. Tôi hy vọng giữ lại chút gì còn lại của anh, nhưng tất cả chỉ là niềm thất vọng. Những buổi chiều một mình, ngồi nhìn dòng kinh xáng Sà-No chảy lững lờ quanh thị xã phía sau nhà, tôi không hiểu tại sao hòa bình rồi mà không còn ai ở lại..?
3.
Chiếc ghe máy chợt như khừng khựng, chậm lại. Tiếng dượng Bảy vọng nhỏ từ phía sau mui:
– Trạm kiểm soát… Tụi nó kêu ghé vô.
Chị em tôi bừng tỉnh, ngồi lại chĩnh tề. Bên ngoài mũi ghe trời cũng lờ mờ sáng. Mẹ tôi vừa xấp lại mấy quả đựng bánh vừa dặn nhỏ:
– Nhớ là mình về giỗ ngoại ở Giồng Riềng, Kiên Giang nghen con.
– Dạ…
Chiếc ghe máy cập sát bờ, hai người thanh niên trẻ nón tai bèo vai khoác súng nhảy xuống chòng chành mũi ghe.
– Đi đâu mà đông dầy nè. Có giấy đi đường hông… Chủ ghe đâu?
– Dạ gia đình tôi về quê đám giỗ. Có giấy đi đường đây, trình mấy chú.
Mẹ tôi lui cui đưa tờ giấy đi đường đã cầm sẵn trên tay. Một ngườI thanh niên rọi đèn pin dọc ngang tờ giấy, còn người kia luồn đầu đi thẳng phí sau mui lái.
– Chú cho coi giấy chứng minh nhân dân.
– Tui đưa má nó dới mấy đứa sấp nhỏ dìa quê ăn đám. Giấy chứng minh của tui đây, chú coi.
Hai người thanh niên cầm giấy tờ ra phía trước mũi ghe, xem xét và thì thầm to nhỏ. Mọi người còn đang yên lặng chờ đợi thì có giọng xấc xược:
– Chú cho tắt máy ghe và tất cả mọi người lên bờ!
– Dạ chuyện gì vậy chú…
– Thì cứ lên trạm sẽ rõ.
Dượng Bảy tắt máy, ra dấu cho chúng tôi theo dượng lên bờ. Tay chân tôi lạnh ngắt, nghĩ đến căn buồng tạm giam mà một lần tôi đến thăm Tính. Trạm kiểm soát là căn nhà lá nền đất vuông vức chừng bảy, tám mét. Bên trong cuối căn vách, phía trên là bức hình lãnh tụ nhìn xuống cười mai mĩa, dưới là một bàn làm việc nhỏ với rải rác giấy tờ và bên hông là một bàn tròn lớn khác với bốn chiếc ngồi chung quanh. Họ ra dấu cho chúng tôi ngồi đợi và cầm giấy tờ cùng dượng Bảy đi vào phía trong. Mấy mẹ con lo lắng nhìn nhau, nghĩ đến tình huống đen tối nhất. Lát sau dượng Bảy đi ra, nói nhỏ:
– Tụi nó tình nghi mình vượt biên.
– Làm sao bây giờ… Mẹ tôi hốt hoảng.
– Đợi tụi nó đi gọi thằng trưởng đồn công an đến giải quyết.
Giọng dượng Bảy vẫn từ tốn, nhỏ nhẹ. Thời gian chờ đợi nặng nề trôi qua. Tôi nhớ đến những vòng kẽm gai của trại tạm giam và khuôn mặt gian ác của tên cán bộ giữ tù lần thăm Tính, khẻ rùng mình. Dượng Bảy đã chuẩn bị giấy tờ thật cẩn thận cho chuyến đi, không hiểu sao đám công an nầy vẫn làm khó dễ. Nhưng mỗi lần nhìn khuôn mặt bình thản của dượng, tôi thấy an tâm phần nào. Cho dù là sự an lành không đâu, trong xã hội mà mọi nghịch cảnh có thể xảy ra bất lúc nào, bất cứ nơi đâu. Có vài tiếng chân và tiếng người lao xao bên ngoài. Tôi sửng sờ ngước nhìn người đàn ông bước vào trạm. Lộc. Đúng là Lộc. Lộc của tôi ngày xưa đây mà. Anh không gì thay đổI, ngoài khuôn mặt hơi xạm đen, ráng nắng. Tôi chưa kịp phản ứng thì Lộc nhìn thẳng mặt tôi thoáng chút ngạc nhiên, rồi hững hờ lướt qua, tiến đến chiếc bàn đặt cuối phòng. Hai ngườI công an đưa những giấy tờ tùy thân của gia đình tôi cho Lộc:
– Xin báo cáo đồng chí trưởng đồn. Giấy tờ đầy đủ nhưng không biết thiệt hay giả. Vã lại trên ghe chở nhiều thực phẩm, lại đi về vùng biển Rạch Gía, rất tình nghi tổ chức vượt biên.
– Được, để tôi. Hai đồng chí cứ tiếp tục nhiệm vụ.
Hai người công an trẻ liếc nhanh về phía chúng tôi rồi bỏ ra ngoài. Lộc nhìn lướt qua giấy tờ, rồi ngước mắt về phía dượng Bảy:
– Ông là chủ hộ, chủ ghe.
– Dạ phải.
Lộc đứng dậy, đi chầm chậm về phía dượng Bảy. Nỗi sợ hãi tan biến, nước mắt chợt từ đâu dàn dụa trên mặt tôi. Biết bao năm tôi đợi chờ, thương nhớ bây giờ là đây. Lộc bằng xương bằng thịt, xa lạ, hững hờ đang trước mặt và chuẩn bị đưa cả gia đình tôi vào vòng tù tội. Nhớ ngày nào bên dòng kinh, anh bảo tôi chờ đợi, tưởng anh không trở về nào ngờ anh đã lãng quên. Tôi cúi đầu, không muốn nhìn anh, không muốn nhìn thấy từng nỗi ước mơ tôi vỡ tan, rụng chết. Tôi không dám nhìn mẹ, dượng, mấy em tôi như thể chính mình là kẻ tội đồ của những hành động lạnh lùng của Lộc đối với gia đình. Lộc ơi, tại sao mình gặp lại nhau làm gì. Tại sao Lộc không chỉ là Lộc của ngày xưa, “Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng…”, như bao lần ai cất tiếng hát em nghe.
– Bà đưa mấy đứa nhỏ xuống ghe, đợi tôi.
Tiếng dượng Bảy làm chúng tôi bừng tỉnh. Hiểu ý ông, mẹ tôi lặng lẽ ra dấu cùng chị em tôi xuống ghe. Tôi cố quay lại nhìn Lộc và dượng đi về phía trong trạm kiểm soát. Lộc đi thẳng, không nhìn lại. Lát sau, mọi người thở phào khi thấy dượng bước xuống ghe với giấy tờ trên tay cười, nói:
– Xong rồi, mình đi.
– Thiệt hả… Ông nói gì với tụi nó vậy.
Mẹ tôi mừng rỡ hỏi. Khuôn mặt bình thản dượng cười nhẹ, kéo cổ áo và chìa cánh tay trái, ôn tồn nói nhỏ:
– Nói gì đâu… Tôi lột đưa thằng trưởng đồn sợi dây chuyền và cái đồng hồ đeo tay. Nó trả giấy tờ cho đi, còn chúc hờ lên đường may mắn.
Chiếc ghe máy dượng Bảy rời trạm, xuôi vào giữa dòng kinh xáng. Tôi không cầm được nước mắt, cắn chặt môi để không ngoái đầu nhìn lại. Trạm gác lùi dần, mờ nhạt phía sau. Dòng sông như tẻ đôi bờ, rẽ con nước từng cụm lục-bình bị đẩy ngược hai bên hông chiếc ghe dượng Bảy. Phía trước chúng tôi là cuối một nhánh sông dài, nơi sông sẽ về với biển… Hơi nước lạnh đọng môi tôi mằn mặn, câu hát nào còn văng vẳng dọc bờ kinh,
“Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe nghìn giọt lệ
Rơi xuống thành hồ nước long lanh…”
(Như Cánh Vạt Bay – Trịnh Công Sơn)
Nguyễn Vĩnh Long.
( NC. USA)

No comments:

Post a Comment