Monday, December 14, 2015



Kẻ lạ.


Chị ném mình xuống giường, chân tay rã rời và trái tim đập thình thịch từng cơn nhức nhối. Cơn đau giần giật như bị một tảng đá đè, không thể cựa quậy  và đâu đó,  một cái búa tạ nện thình thịch vào đầu  sái vai, trẹo cổ. Chị thở, hớp không khí, miệng khô khốc, há to như con cá đuối nước, vòm ngực đau từng cơn khi nhô lên hụp xuống  Chị không biết, tâm trạng của mình bây giờ có thể dùng từ ngữ nào diễn tả. Chán nản cùng cực, thất vọng cùng cực. Nếu như chị  có thể kéo thời gian lại  trẻ khoảng vài chục năm về trước, chị có thể quyết định mạnh mẽ hơn, chính xác hơn  bây giờ, cái mớ bòng bong lộn xộn rối nhùi vây hãm , bóp nghẹt trái tim làm chị có cảm giác, chỉ cần một cái hắt hơi dài, chị sẵn sàng ra khỏi đời sống nầy.
Anh ngoại tình
Trời, chị không bao giờ nghĩ,  cái điều tồi tệ đó lại xảy ra cho chính trường hợp của mình. Xưa nay, nghe thiên hạ nói chuyện ngoại tình, chị chỉ cười mỉm và bàng quan như cái chuyện đó là của ai đâu khác, lạ hoắc lạ huơ. Chị ngạc nhiên  và sợ hãi khi thấy bạn chị, vò đầu bức tai, cấu xé áo quần lôi thôi lếch thếch như con mẹ dại khi chồng bỏ đi. Người đàn ông dễ dàng ngoại tình là hết thuốc chữa, chẳng nên níu kéo làm gì, bởi ngươì ta thường nói, giữ ngươì ở ai giữ được ngươì đi. Mà giữ làm gì cơ chứ, thứ đàn ông bạc tình đó.
Vậy mà bây giờ, kẻ bạc tình đang ở trong nhà chị
Đau đớn chưa. Khốn nạn chưa.
Trước đó, chị cũng nghe bạn bè nói bóng gió, là anh hay ra quán café, ngồi cà kê dê ngỗng với đám bạn nhậu , một số thất nghiệp, một số nghỉ hưu và phải dành thời gian quá rảnh rỗi dính chặt trên ghế trong những quán xá mà mấy em bán càfe, cũng rảnh rỗi như họ. Từ khi nghỉ hưu, anh đâm ra sính làm thơ. Không biết anh lấy nguồn cảm hứng ở đâu mà thơ của anh tuôn lai láng như nước , nó cắc cớ , nó vặn vẹo như tính tình của anh, và, anh có vô số các bà các cô nườm nượp ngưỡng mộ.
Chỉ vài bài thơ, anh được tôn vinh là thi sĩ.
Nhưng khổ nỗi, khi nghe ai giới thiệu mình là vợ thi sĩ ,lòng chị cũng hân hoan phơi phới. .Bạn bè tán dương chị là nàng thơ của anh, là bầu trời trăng sao mây nước trong những bài thơ tình ướt át đẫm mùi thất tình sầu bi, chị thật tình không biết nàng thơ mặt mũi tròn méo ra sao.Dù vậy, từ sau khi bài thơ đầu tiên của anh đăng báo, chị thấy mình như biến thành một ngươì khác. Khi đi đâu chung với anh, chị để ý đến cách ăn mặc tóc tai của mình hơn. Đơn giản, chị là vợ của một thi sĩ đang nổi tiếng.
Năm trước, cô bạn học cũ của chị sẵn đi họp, ghé qua thăm. Hai đứa cùng xóm, cùng lớn lên bên cạnh giòng sông Vàm cỏ, mùa mưa thả vò bắt cá, mùa lúa cắp rỗ mót tôm mót tép, cái bánh ú cũng chia làm đôi. Áo mặc cùng mầu,  bông tai cùng kiểu. Đám cưới của chị, Ngân làm phù dâu và suýt nữa trở thành chị dâu , nếu anh trai chị không tử trận trong chiến trường miền Trung. Chị thương Ngân hơn cả ruột rà nên khi nghe bạn ghé nhà, ngày hôm trước chị náo nức mất ngủ. Phải đến hai mươi năm chị không gặp bạn, bởi Ngân ở tận bên Úc, mà chị thì, có bao giờ biết tới nước Mỹ tròn dài rộng cỡ nào, ngoài chỗ làm và nhà, chợ Walmart, ba thứ đó chỉ nằm trên một con đường.
Con gái của chị cũng tở mở khi nghe dì Ngân ghé thăm, nó phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, phụ đi chợ mua thức ăn. Chị háo hức cảm động nghĩ đến giây phút gặp lại bạn, đến nỗi,  làm cái nọ xọ qua cái kia. Ơ, sẽ ra sao nhỉ, chắc mình sẽ ôm Ngân mà khóc. Làm sao không khóc cho được khi ôm bạn trong tay mà ngỡ như ôm cả một thời thơ ấu. Trước ngày đón Ngân, chị lục tìm trong tủ quần áo,  chọn những mầu áo giống nhau, những vòng đeo tay giống nhau để riêng một chỗ.  Chị bồi hồi nhớ , lần đầu tiên hai đứa cùng may áo mới, má chị chọn cho hai đứa xấp vải mầu hoa cà có bông tigon phơn phớt hồng , may áo cổ bèo viền xanh đậm,  hai đứa  mặc áo mới nắm tay nhau tung tăng trên đường đê, lũ bạn cùng xóm ghen tị “ Tụi bay làm như sinh đôi không bằng “ Đó, đâu khác gì sinh đôi.
Anh như không màng đến cảm giác của chị. Anh rung đùi làm thơ.
Đón Ngân, phòng ăn nhà chị tươm tất hẳn ra. Một lọ hoa hồng hai dozen mà chị bóp bụng bỏ ra hơn ba chục đô, bộ chén bát mới rinh về nhà từ Bedbad Beyond ngốn  hơn trăm bạc, nhưng chị không cảm thấy tiếc tiền. Ngân của chị xứng đáng nhận nhiều hơn như vậy.
Nhưng. Ngân của ngày xưa và Ngân bây giờ thật khác xa trong trí tưởng . Ngân đẹp lạ lùng và đứng cạnh nhau, Ngân ngó trẻ hơn chị cả chục tuổi. Đón Ngân ở phi trường, nếu Ngân không chạy a lại kêu tên chị, chắc chị tưởng một cô ca sĩ nào đó lỡ va vào mình. Váy da ngắn, đôi giày boot cao mầu nâu điểm mấy khoen tròn xinh xinh, Ngân như ngươì mẫu bước ra từ  tạp chí thời trang, đến nỗi, chị không dừng được tò mò “ Mày sửa mũi à Ngân “ “Ờ, chút chút “ “ Chích botox à ? “ “ Cũng chút chút luôn” Rồi Ngân véo má bạn “ Bà ơi. Nhà quê vừa vừa thôi. Tuổi nầy không làm đẹp thì đợi chừng nào nữa ? Đợi bỏ vô hòm chắc ? “
Gương mặt trang điểm quá đẹp của Ngân làm chị nghẹn ngào.
Nhưng sao  lại nghe mũi lòng. Chị nhớ lắm vẻ mặt hồn nhiên của Ngân hồi còn nhỏ. Nó thường lắc lư hai cuộn tóc thắt bím, và ngón tay luôn để trên mũi hít hà mùi bạc hà thơm, mùi lúa chín, cả mùi ngai ngái của nước lợ phèn chua. Nó hít hà cả vị cay của ớt hiểm, vị chua của xoài tượng,  ổi xanh. Cái mũi nó lúc đó mới ngộ làm sao, hơi chun ở sóng mũi và khóe miệng xinh khoe cái răng thỏ đáng yêu. Chị không hiểu tại sao mình lại nhớ hình ảnh đó vào lúc nầy, nó man mác một cảm giác vừa bùi ngùi vừa nuối tiếc,như chị đã đánh mất một cái gì đó, không tên gọi mà lại rất rõ ràng. Cảm giác y hệt như khi chị theo con thuyền vuợt qua khỏi rặng trâm bầu, khỏi hàng dừa nước, và giọng nói của Má chị bươn theo bờ gọi Con ơi…con ơi..Bầu trời phía sau đã nuốt chửng bóng dáng tôị nghiệp , nhỏ bé của bà, nuốt luôn trái tim của chị.
Mắt chị cay cay
Có lẽ khi ta đã quá yêu quí một hình ảnh, một kỷ niệm đẹp đẽ gắn liền với thời thơ ấu, nó vẫn nằm đâu sẵn trong ký ức . Nó không chịu lớn, luôn yên ngủ theo thơì gian, và bởi dành quá nhiều  yêu thương , ta không bao giờ chịu chấp nhận sự thay đổi .Và khi nó thoát xác, vượt qua khỏi cái kén cũ kỹ , mới biết, ta lạc hậu biết là bao nhiêu. Tội nghiệp biết bao nhiêu.
Những ngày gặp lại Ngân thật thần tiên.Hai đứa nấu ăn, tán chuyện gẫu, Ngân lại có duyên ăn nói nên câu chuyện nhắc từ quá khứ đến hiện tại , kể hoài không dứt. Qua Ngân, chị có thể nhớ lại, chiếc cầu ghép thân dừa bắt qua con kênh, hai đứa thường đu đưa tòn ten ở đó, những trưa hè ngụp lặn dưới giòng sông nước trong veo, tiếng cười, tiếng đập nước chan hòa nắng. Ngân luôn gọi đó là giòng sông trắng vì chạy dọc theo đường đê, hàng lớp rặng trâm bầu chen chúc với ngàn cánh hoa nhỏ, mầu vàng trứng sáo vươn mạnh mẽ, trắng xóa dưới ánh nắng mặt trời. Nhớ  lu nước mưa Má để dành ngọt lịm,cái võng mắc tòn ten đầu hồi, cạnh bên,  gian bếp nhỏ đơn sơ mà hai đứa thường lục cơm nguội ăn với cá đồng kho tiêu.
Anh biết Ngân trong đám cưới của chị nên đối với Ngân, anh chu đáo và ân cần. Anh ăn nói chừng mực và kín đáo như thường lệ.
Chị thật sự rất biết ơn anh.
Chị và Ngân ngủ chung phòng, y như hồi xưa, hai đứa thường ngủ lại nhà nhau. Chị nhớ cái mùng lỗ chỗ những mảng rách to và muỗi thì ôi thôi, nửa khuya chúng làm thịt hai đứa không thương tiếc. Chị và Ngân đập muỗi suốt đêm, lấy giây thun túm đầu nầy rồi lúi húi cột đầu kia. Mệt nhoài với đám muỗi vắt, rồi lăn ra ngủ chân đứa nọ gác qua đầu đứa kia, đôi khi lăn qua lăn lại lọt cả xuống giường. “ Hồi đó vui quá, phải không Ngân. Mình ước gì..” Nhưng bao giờ Ngân cũng ngủ trước  và chị,  luôn phải nhờ đến viên thuốc ngủ, nếu không, buổi sáng,  chị sẽ không dậy nỗi với cơn đau đầu khủng khiếp.
Đôi khi, giữa đêm giật mình, quơ tay, chị không thấy Ngân. Ngân nói, lạ nhà, Ngân khó ngủ.
Chị cũng vậy. Lạ nhà, khó ngủ nên hầu như chị chẳng mấy khi xa nhà. Mà hình như anh cũng mất ngủ . Anh lục đục  làm thơ suốt đêm.
Đêm trước ngày Ngân phải về lại chỗ họp, Ngân  đưa cho chị một cái áo đầm màu xanh da trời vẽ thoang thoảng mấy cành thông. Mình vải mềm và mát. Lần đầu tiên trong đời, chị được nhận một cái áo đắt tiền như vậy. Ngân chọn thêm dây đeo cổ cũng mầu xanh da trời và ướm thử trên ngươì chị.” Cái nầy hợp với bồ nè ..Mình cũng có một bộ y vậy đó. Khi nào mặc, nhớ chụp hình gửi cho mình nghen” Chị tần ngần cầm lấy, không tiện từ chối, vì chị biết, chẳng bao giờ chị mặc nó, vì mầu da của chị vốn đã quá xanh tái rồi. Chị không muốn trở thành thân chuối biết đi. Chị chỉ hơi buồn vì mình không có món quà nào xứng đáng để tặng cho Ngân.
Buổi sáng Anh  đưa Ngân về lại phố vì chị phải đi làm. Nhìn theo vòng bánh xe đưa bạn đi xa mà trái tim chị như bồi hồi đau thắt. Gương mặt Ngân cũng ủ ê như chị. Con đường tráng nhựa với hàng xe cộ qua lại thẳng tắp nhà cửa mà cớ sao chị lại nhớ những lần cùng Ngân chở nhau đi học trên chiếc xe đạp qua đường đê mấp mô,Tiếng cười thưở ấy trong trẻo hồn nhiên quá và bầu trời thưở ấy cũng thênh thang như vạt áo mới may . Nó xanh ngát mầu mây..
Vòng xe càng đi xa, chị có cảm tưởng như Ngân đã mang trong chiếc vali kia là vô vàn nỗi buồn nặng trĩu từ chị.
Buồn và mệt, chị gọi vào sở xin nghỉ làm. Giữa trưa, chị gọi cho anh.Anh nói, đang ngồi quán café với mấy ngươì bạn và âu yếm hỏi “ Em cần gì anh vậy em .Chiều em đi làm về mình gặp nhau nghe em “
Chị hơi bất ngờ vì giọng nói tẩm đường của anh. Bình thường anh tiết kiệm lời nói, và ít khi quan tâm đến cảm giác của chị. Phụ nữ ai lại không thích nghe những lời ân cần , âu yếm, ngay cả khi biết rằng đôi khi, không thật lòng. Biết là vậy,  nhưng  niềm vui ở đâu bất chợt tràn về bát ngát , và chị nghĩ, mình nên làm món gì đó cho bữa cơm tối ,  món cá kèo kho tiêu chẳng hạn, thêm món canh chua cá catfish với bạc hà, giá sống, bởi nhà có khách và chắc anh đã phát ngấy vớí phở, hủ tiếu rồi.
Ra chợ Việt Nam, nếu đi đường tắt qua cây cầu sắt thì gần hơn đường chị vẫn đi làm. Kẹt xe ở dốc cầu, chị phải quành xe qua một đường nhỏ khác .Chưa bao giờ đi qua con đường nầy nên chị hơi  ngạc nhiên khi thấy ở đó, khách sạn Holiday Inn mớí xây chắn hết ngã ba. Mầu sơn xanh mới viền trắng lấp lánh như những tấm thảm nắng khổng lồ  mời gọi mắt nhìn. Khi dừng xe chờ bảng yied đến phiên mình chạy, chị lơ đãng ngó về cổng khách sạn..
Một vầng nắng nổ tung như tóe lửa trong mắt chị.
Ngay cửa khách sạn,là Họ. Anh và Ngân đang xoắn xít ôm nhau, vạt áo đầm xanh của Ngân dính sát  vào chân anh , họ hôn hít cuồng nhiệt, như thể, với họ, trái đất sắp sụp đổ và sắp sửa xé toang họ.
Ngay phút ấy, chị không biết mình phải làm gì. Chị cứ há hốc miệng mặc đàng sau, còi xe inh ỏi. bàn tay nắm chặt vô lăng xe và ngực thì đau thắt từng cơn. Cảm tưởng như quả địa cầu bất thình lìnhtừ trên trời sập xuống, đè bẹp mui xe và khối đá khổng lồ nghiến ngấu đầu cổ , dúm dó thân xác .Tôi phải làm gì đây. Ngươì ta sẽ làm gì khi gặp hoàn cảnh tương tự như tôi. Không ai xát muối mà đau xé lòng Không ai đánh mà choáng voáng. Không dao đâm mà tim phun máu.
Chị nằm trên giường..rã rời, đau đớn. Hãy nói cho tôi biết, tôi sẽ phải làm gì . Hãy mở dùm tôi cánh cửa để tôi có thể thở, có thể suy nghĩ tiếp , để biết mình còn sống, trái tim còn thoi thóp đập.Hình như mình đã chết rồi, từ mấy phút trước . Chị có cảm tưởng mình đang tuyệt vọng , vùng vẫy trong giòng sông mênh mông trắng xóa và sóng thì cuộn mãi, cuộn mãi dập vào mặt, vào tai vào mũi làm chị nghẹt thở Chị quơ tay chới với và bỗng nhiên,trong chớp tích tắc, chị  thấy mình nhẹ tênh như thân xác  chìm lỉm dưới giòng sông trắng quê nhà.
Mọi thứ,  ý niệm về tình yêu, tình bạn, trong phúc chốc ..theo giòng nước dữ dội cuốn phăng phăng như xô bờ, xé bãi.
Chị biết.Ngay lúc nầy, đối với chị.
 Họ- chỉ -là- kẻ- lạ.


                                                                                                                                         
  
                             
                             Biển

                             Hãy đi cùng tôi trở về thành phố biển
                            Con đường Nguyễn Hoàng biêng biếc bóng cây
                            Ta theo nhau đoạn đường sao quá ngắn
                            Tà áo học trò thêu nắng thơm mây

                            Ta chờ nhau những ngày mưa thầm lặng
                            Mái hiên người đôi câu nói vụng về
                            
Vạt áo ngại ngùng vài giọt mưa khép nép
                            Trời giữ chân người giăng ngang mưa lê thê

                            Thành phố của tôi - nồng nàn biển hát
                            Biển theo sóng đùa vỗ tình mong manh
                            Biển thơm dạt dào mặn mà hơi thở
                            Cho tóc em nồng cho tình thêm xanh

                           Trong những giấc mơ nằm nghe biển gọi
                           Nhớ tha thiết những con đường nắng gió lao xao
                           Ký ức tôi mang theo là chuỗi buồn vô tận
                           Là những con sóng ngọt ngào
                          
 Là tình tôi lao đao

                          Em hãy cùng tôi đi tìm ký ức
                          Có còn kịp không - Đời dẫu phù vân
                          Có giữ đời nhau Có còn mắt khóc
                          Em ơi Biển nghìn trùng ngóng đợi tình nhân



Saturday, December 12, 2015


        Gần như, niềm..


        Có điều gì
        dường như 
        niềm tuyệt vọng

        Rơi rất gần
        Rơi xuống
        Trong tôi..





Tôi mở cửa nhà. Vòng khoá xoay nhè nhẹ khác hẳn với trái tim tôi đang đập từng nhịp, ngắn mà dồn dập. Ở giây phút đầu tiên, nỗi hồi hộp  tràn ngập thổn thức chen lấn trong từng mạch máu 
 Mường tượng. Tôi sẽ thấy anh, ngồi ở nơi chiếc ghế quen thuộc kia, đang chờ đợị nghe ngóng bước chân khẽ khàng  nơi cửa. Và  sẽ, từ tốn , thắp sáng ngọn nến nhỏ như lời hẹn, ngày nầy, tháng năm nầy..
Tôi và anh có từng hẹn nhau về điều đó không ? Có. Không . Là vẫn tìm về với nhau, tha thứ cho nhau dù giận hay xa. Có. Không. Hình như là không. Chưa bao giờ tôi hỏi anh về điều đó. Khi tình yêu được chắp cánh hạnh phúc và bơi lượn trong hàng nghìn sợi  ước mơ, nào ai còn nghĩ đến điều nào khác.
Mường tượng.Khi mở cửa, đầu tiên tôi sẽ gọi tên anh, sẽ nói, em nhớ anh, và như bao lần, vòng tay anh ân cần giang rộng ..Bao giờ, cũng kèm theo tiếng thở dài âu yếm..Nỗi nhớ. Nó nằm đâu đó trong từng mạch máu, trong từng tế bào để nuôi dưỡng tình yêu. Nó, không thể " nhớ nhau vài giờ hoặc vài ngày trong tuần, trong tháng.." Làm sao  có thể tách bạch rạch ròi như phân chia thời gian biểu ?
Nhưng trong tận cùng nỗi nhớ, có nhiều khi...

Có nhiều khi bên gối tôi nằm
Nghiêng sang em , tôi thấy nắng vàng..

Căn phòng trống trơn. Không ai đợi tôi với ngọn nến nhỏ. Không cánh hồng mang tên chờ đợi.
Hình như rất lâu, bao lâu, làm sao tôi biết, anh không hề trở lại nơi đây.
Không hề.
Tôi ngồi trên chiếc ghế anh bỏ lại. Nó cựa mình như thể, tôi vô tình dựng đầu nó dậy. Tôi ngồi. Trái tim nghẹn ngào và nước mắt rơi lặng lẽ. Biết là có lúc sẽ nhận  rõ ràng cảm giác mất mát, nhưng khi đối mặt với nó, khi nó vồ chụp lấy mình, tôi mới thấm thía  thật sự , nếm mùi vị của  niềm tuyệt vọng.
Tôi nhìn quanh, cố níu một chút hy vọng nhỏ nhoi, rằng anh sẽ để lại cho tôi một giòng chữ, một lời nhắn nào đó, dù chỉ vài chữ bâng quơ  xin lỗi. Tuyệt nhiên không . Tuồng như khi  rời khỏi, anh đã mang đi tất cả mọi thứ.Trong tình yêu, sao người ta có thể hà tiện với nhau, dù chỉ một lời thăm hỏi ? Căn phòng nầy, đã biến mất hoàn toàn. Tình yêu của tôi, nỗi nhớ của tôi và cả niềm tuyệt vọng.

Đời sống có khi ngươì đưa tiễn ngươì
Là tôi lắng nghe lòng tôi rã rời..

Tôi bước ra khỏi nhà. Bỏ lại phía sau, tiếng cười hồn nhiên thuở ấy, nơi chốn anh đã cho tôi được mơ mộng được yêu thương. Bỏ lạị  những tháng ngày hạnh phúc chúng tôi đã có, và, khi bước hẳn ra lòng phố rộng, xa hẳn căn nhà mang tên hạnh phúc, trái tim tôi chợt tan biến trong cơn gió cuồn cuộn thốc tới và và màn sương dày đặc phủ quanh tôi như nhấn chìm tôi trong niềm tuyệt vọng..
Dường như bão qua giòng sông  nước lên
Đời không có mưa mà vẫn ướt mềm..

Bây giờ tôi mới thấm thía.. Đời không có mưa mà vẫn ướt mềm..

Friday, December 11, 2015


Hình như…

Thơm. Đỉnh đầu ngày lời chim bỏ ngỏ
Buổi sáng mở ra. Khóe nắng biết cười
Trời gội nắng đầy cụm mây váng sữa
Khung gió đâu về mở cửa gọi mời.

Nắng rưới hàng hiên nghìn bông cỏ ngọt
Dọn bước em về cây lá hỏi han
Lay động con đường sỏi chừng mở mắt
Sáng. Đợi chân người ngày bỗng thênh thang

Hình như mơ hồ guốc ai gõ nhẹ
Kéo anh thức choàng giấc ngủ mùa Đông
Mấy nhánh lan gầy bao mùa khô quắt
Rướn vội tay quơ tìm vạt nắng hong

Hình như. Hình như là khi em đến
Ngày bỗng nhiên vui. Đời gió lao xao
Khóe nắng biết cười. Mở ra buổi sáng
Là khi em về. Chìm tận đời nhau.
Viết cho Con. Từ New Orleans đến Iraq


Sáng nay, trời bỗng nhiên trắng xóa sương mù. Con đường từ nhà ra bưu điện  lác đác những cành khô gẫy như đất trời chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Trời cũng đột ngột đổ lạnh..Dường như cái lạnh đến sớm hơn những mùa đông trước. Mùa thu qua hồi nào không rõ. Thành phố không lá đỏ, không những con đường với hàng cây Maple ngả mầu vàng úa như những tấm hình cô Phương gửi về từ Utah nên Má không thể tưởng tượng được, ở nơi nào đó, có những mùa thu thơ mộng, rực rỡ như thế nào.
Thành phố của chúng ta, từ bao năm vẫn vậy. 
Mùa hạ khô và mùa đông ẩm  ướt lừng lững trở về.
  Rẽ con đường nhỏ  ở ngã tư, Má ngừng xe rất lâu cạnh  ngôi trường con học năm lớp 7 Cũng cái bảng Wild Cats vẽ cái đầu mèo nhe răng hôm nào con chụp hình ở đó- năm lớp tám- con ốm nhom, cầm trên tay bao nhiêu là bằng khen, cười ngại ngùng giữa đám bạn bè lớn hơn con một bờ vai. Con mắc cở khi Bố chụp hình con lên nhận giấy khen. Con là cậu bé Á Châu duy nhất trong trường được thầy cô giáo hết lời khen ngợi. Ở ngôi trường đó, suốt mùa đông, con dậy sớm, lúp xúp chạy ra bảng stop ngay  ngã tư, co ro đứng đợi xe. Những ngày con về học, có khi quên chìa khóa vào nhà, con đứng ở bậc thềm đợi Má. Mắt buồn ngơ ngác như chú nai con lạc Mẹ. Đôi khi Má về trễ, hỏi con có lạnh không, bao giờ con cũng ngập ngừng "Không lạnh mà con… đói. Má ơi."
Má nhìn vào những dãy lớp học Không biết bước chân con chạy qua khoảng sân nào, chính xác là phòng học nào con cùng bạn bè sớm chiều ra vào. Sao không hỏi con, để có thể tưởng tượng, con trai của má, trong bộ đồng phục nhà trường... lưng đeo cặp, có chỗ nào con đứng, mỗi ngày, ngóng từ chuyến xe bus mang con về nhà.
Má xếp hàng ở quầy bưu điện. Đồ đạc gửi cho con nhiều quá. Má phải chia làm hai thùng. Thùng giấy lớn đựng hai thùng mì gói (Con thèm ăn mì gói Việt Nam, loại mì trong tô mà ớt cay thật cay. Nếu chua càng tốt. Con dặn). Một số sách của Kellerman, J. K. Rowling, John Grisham. Vài băng game hôm bữa ở nhà con chơi chưa xong (Chắc con không có giờ đâu Má, mà thôi, cứ gửi cho con, khi nào rảnh con chơi với bạn), một số kẹo chua mà hồi còn ở nhà, con ăn xong xả rác đầy phòng.
Thùng nhỏ toàn đồ gia vị. Tương đỏ, tương đen, xì dầu, hành khô thôi thì đủ thứ cho con tự nấu. Ở nhà con vẫn thường bày ra nấu cơm. Nhiều bữa con gọi về "Má ơi. Hôm nay con xào thịt bò cay kiểu Thái đó. Má không phải lo thức ăn chiều đâu nha." Má gửi thêm cho con vài bịch khô bò Bố làm lấy. Loại khô bò nầy chắc không ngon bằng loại ở Houston mà Má vẫn nhờ người bạn mua dùm, nhưng mỗi lần nhận quà, con thường gửi thư về khen lấy khen để "Ngon lắm Má ơi. Con ăn hết  rồi . Nhưng kỳ sau, làm cay hơn nữa cho con."
Má định viết cho con mấy chữ, nhưng ngần ngừ chẳng biết viết gì. Bây giờ khoa học tiến bộ quá, computer càng ngày càng tinh vi, người ta chỉ cần gõ lóc cóc vài hàng trên phím , bấm send là thư đi lẹ. Đâu như hồi xưa. Phải viết trên giấy, rồi nào bì thư, nào tem rồi chờ đợi Nhưng nếu hỏi Má có thích kiểu gửi thư bây giờ không. Chắc là không. Nhận một bức thư và nhìn từ nét chữ của người viết, nét cong, nét lượn, vẫn thích hơn là nhưng khuôn chữ có sẵn trên computer (Chắc là con sẽ cười, sao mà Má chậm tiến quá.)
Má rẽ qua một con đường khác trong thị xã. Con đường này sau bão, người ta mở rộng, sáng sủa hơn. Nhiều nhà  được xây mới ngó rất đẹp mắt. Đi cuối con đường, qua một khoảng sân đá banh rộng lớn là ngôi trường High school của con. Trường con vẫn còn  nguyên bãi đất ngổn ngang gạch đá bị bão đánh sập và người ta đã đập phá để xây trường mới. (Không biết bao giờ họ xây xong , cơn bão qua đã hơn hai năm  và nhà trường vẫn phải mượn trailer của Fema đặt hàng  dãy ở sân nhà thờ ) Má xuống xe đi dọc qua khôn viên cũ mà hành lang còn mờ mờ đường xi măng. Dưới hàng cây Magnolia còn sống sót, Má nhớ hôm nào đây, ồ không, dễ chừng hơn ba năm, con đứng đợi Má chỗ nầy, con đi học trễ và Má phải đến trường xin phép cho con vào lớp. Con đã gắn bó với ngôi trường nầy biết bao kỷ niệm. Những chiều má ngồi trong thư viện nhìn con họp lớp, con lúi húi ghi chép gì đó khi thầy giáo đưa cho con tờ giấy hoặc có người phát biểu (Má ngồi xa nhìn không rõ, không nghe con nói gì, nhưng gương mặt con lúc đó nghiêm trang lắm. Có khi con cười, miệng cười tươi ơi là tươi.) Cũng chỗ ngồi nầy, những ngày Má đợi chở con về sau giờ tập thổi kèn trong band, hay những ngày sinh hoạt muộn. Bên kia khán đài, mỗi cuối tuần, con chỉ huy ban nhạc chơi Football (Ban nhạc  tên là Pirates of the Carribean, nên con thường mặc áo đỏ, hông đeo kiếm bạc và áo choàng đen phủ dài qua đầu gối. Khi con đánh nhịp cho ban nhạc chơi kèn, hai bàn tay vung cao lên xuống như hiệp sĩ Jean la Fitte chỉ huy đoàn quân lâm trận, ngó hay lắm, làm Bố cười hoài.) Những ngày đông như hôm nay trời lấm tấm mưa, con qua lại giữa sân trường cùng bạn bè trong JROTC, diễn hành, nằm, bò chạy, leo dây đủ thứ.
Con nói, cũng mệt lắm Má ơi, nhưng mà vui.
Từ năm học lớp 10 con đã muốn vào lính rồi.
Cũng ở khoảng sân trường đầy bụi cát, ngổn ngang gạch đá, gỗ vụn, ( hồi đó nó là sân cỏ thẳng  tắp xanh mượt) Bố  Má dự  lễ ra trường của con. Con đứng trên khán đài với 9 bạn, trai có gái có, trong áo tốt nghiệp. Con lên xuống nhiều lần để nhận đủ thứ bằng khen, Trophies. Những tràng pháo tay nườm nượp dành cho con. Trời ơi. Lúc đó Má ước chi người ta biết con là con trai của Bố Má.  Hôm đó, hình như Má khóc, và Bố, mắt đỏ hoe Cái thằng bé, mới năm nào từ Việt Nam qua Mỹ ốm nhom, trên máy bay còn ngồi trong lòng Bố, vào học lớp Một còn níu vạt áo Má khóc đòi v mà bây giờ đứng đó, chững chạc biết là dường nào.
Nhưng cũng ngay hôm đó, sau  lễ ra trường, con vào lính.
Hình như đâu khoảng tháng Năm.
Gần khuya, Bố Má đưa con đến khách sạn chỗ tụi con tập họp chuẩn bị sáng sớm lên máy bay. Suốt dọc đường gần một tiếng đồng hồ, con nắm chặt tay Má. Có lúc con ôm vai Má, an ủi "Má à, hồi xưa Bố cũng đi lính vậy. Chắc là con giống Bố thôi mà." Hồi xưa… Cũng những lần Má tiễn Bố trở về đơn vị. Giọt nước mắt thấm đẫm vai áo lính. Những lần Má vùi mặt trong ngực áo đẫm mùi mồ hôi, thuốc súng. Những lần tìm Bố ở đơn vị đứng lạc loài giữa mênh mông rừng tràm và xa bên kia đồi, bụi cát mấp mô giữa tiếng súng, tiếng đạn pháo kích tung trời. Tuổi trẻ của Bố, của Má, trôi trong cuộc chiến đầy hiểm nguy, đau thương lẫn bất trắc. Người trở lại chiến trường không biết ngày về. Một lần chia tay tưởng là lần vĩnh biệt. Không còn nước mắt để khóc cho người ở lại lẫn người ra đi. Tưởng rằng qua đây sẽ không còn nỗi  lo sợ  ám ảnh của chiến tranh. Tưởng rồi các con lớn lên,  học hành sống cuộc đời  bình thường như bao người khác. Vậy mà con lại chọn cho mình một con đường không bình yên ."  Làm sao  nói cho hết nỗi lòng của Bố Má bây giờ.
Những ngày đầu xa con, đêm nào Má cũng mơ thấy con. Con ngồi, đứng, nằm chỗ nầy. Mới hôm qua, mới hôm kia, mới tuần trước, tháng trước… Ngày của ký ức lùi dần mà ngày mang nỗi nhớ như tảng đá đè tê tái da thịt. Chỗ nào trong căn nhà ghi dấu từng bư ớc chân con cũng làm Má khóc. Con đâu biết lòng cha mẹ đau đớn như thế nào khi con xa khỏi tầm tay, và chọn bước vào đời đối diện v ới đầy dẫy những hiểm nguy. Chọn súng đạn thay vì sách vở, mỗi chặng đường là bẫy bom, là cái chết  không biết sẽ đến lúc nào.
 Con, năm vào lính chỉ mới 18 tuổi.
Rồi cũng qua ba tháng quân trường. Cả nhà cùng đi North Carolina đón con về. Ba tháng tập luyện, con gầy rọp, má hóp sâu. Con mất hơn 30 lbs đến nỗi con đứng gần mà Má không thể tin được, chú lính còm nhom bơi trong bộ đồ Marine kia là con trai của Má. Trong bộ đại lễ hôm ấy, con nói năng từ tốn, gần như nghiêm trang. Con đã thực sự là người lính.
 Ôi, cậu lính con của Má.
Về từ  trại Huấn luyện  tháng Tám thì vài ngày sau đó, Katrina tới. Rạng sáng ngày 29 tháng Tám, cả nhà mình chạy bão. Khác những lần chạy bão trước, cảnh sát đóng đường không cho xe vào thành phố. Ban đêm , hai bên đư ờngđèn đuốc sáng trưng được thắp bởi những cột đuốc như  pháo hoa cho ng ày hội lớn. Cảnh sát đóng bớt đường 10 qua Houston, dồn tất cả  xe ctheo đường 12. Hàng hàng xe nối  đuôi  nhau. Xe của con chạy theo xe Bố. Xe nhích dần từng  chút, từng chút một nên mãi đến sớm hôm sau, chúng ta mới qua khỏi địa phận Louisiana. Từng hàng xe chạy bão nối nhau vượt qua những con đường mát rượi bóng cây, lên đồi thoai thoải, xuôi xuống xa lộ đẹp đẽ thẳng tắp về hướng  Teneesee. Lần chạy bão đó,chúng ta đã đi   một chặng hành trình dài  từ Teneesse qua Akansas, ngược về Dallas, xuôi Houston  Lần đó, không ai trong chúng ta nghĩ rằng, căn nhà mình vừa rời khỏi vài ngày sau đã chìm trong bin nước. Tin tức từ NO. lần nào con cũng hân hoan. "Nhà mình không sao đâu Má. Bão sắp qua rồi."  Cũng từ khách sạn ở Tennesse, lần đầu tiên cả nhà cùng bàng hoàng khi nhìn lên TV, New Orleans  chìm ngập trong biển nước mênh mông.và hàng hàng nóc nhà trôi bồng bềnh trên  
nước. Còn nhà mình thì sao? Nhà mình có sao không? Không một tin tức gì từ Slidell. Báo chí không hề đưa tin Slidell bị ngập lụt. Chỉ một chút chớp nhoáng, người phóng viên quay cảnh cây xăng gần nhà, cột điện ngã sập và mưa gió, cây cối run bần bật Lúc đó, ai cũng hy vọng Slidell vẫn còn có một chỗ để về...
Chúng ta. Cũng còn có một chỗ để về nhưng không còn nơi trú ngụ.
Hàng tháng trời, đồ đạc kéo ra từ đống bùn sình rác rưởi. Nhà nhà, rác chất thành đống dồn cục, không khí bốc mùi nằng nặng của xác thú vật, xác cá chết trương bụng trắng hếu.Mùi  gỗ ẩm mục ngai ngái, và từ thức ăn hôi thối dồn lũy bao ngày. Nhà không điện, không gas. Không máy giặt, máy sấy. Ngồi từ trong nhà có thể nhìn xuyên qua ngoài đường giữa tường nhà toang hoác. Tháng Chín.  Con đi học xa nên không ai chở em Nấm đi học. Mỗi ngày, em  đứng lọt thỏm bên đống rác lềnh khênh đế đón xe bus đến trường.
 Đó là những tháng năm Má tưởng mình sẽ không gượng dậy nổi.
Có bão tố hoạn nạn thiên tai mới thấy, chính phủ Mỹ đã lo lắng cho người dân tận tâm như thế nào. Trailer của Fema mỗi ngày lần luợt kéo đến từng nhà, đặt trên hallway.Họ chuẩn bị điện nước, gas cho một gia đình có chỗ nương náu trong khi chờ sửa lại nhà  cửa. Từng đơn vị các binh chủng bộ binh, thuỷ quân lục chiến đổ về thành phố, giữ an ninh và phát thực phẩm, nước uống cho dân. Những người thiện nguyện từ các tiểu bang khác, từ Hội Chữ Thập đỏ dựng lều, nấu ăn , khám bịnh miễn phí cho các gia đình nạn  nhân bão lụt.
Lòng nhân ái của họ vượt qua mọi chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ. Và khi hoạn nạn mới  thấy, tấm lòng của người Mỹ bao dung, rộng lượng biết là dường nào.
Chúng ta đón Noel đầu tiên, sau bão , trong trailer của Fema. Hôm đó, con và anh từ Baton Rouge về. Con bày ra bàn, đây là quà của Bố, cái nầy của Má... Trên bàn bếp, con thắp những ngọn nến, ánh sáng dịu dàng tỏa lan qua nhánh thông nhỏ, thoáng trong không gian nhè nhe, tiếng nhạc Giáng sinh làm căn phòng thật ủi an, ấm áp. Con bày trò chơi, chụp hình cả nhà. Hình nào con cũng nhăn mặt làm trò ngó đến tức cười. Những tấm hình đó, thỉnh thoảng Má vẫn mở ra coi lại. Để rưng rưng nhớ những ngày tháng còn thấy con nói cười gần gũi… Hình ảnh đó đối với Má quí báu biết là ngần nào. Bởi, Má đã mất hết mọi thứ, từ những hình ảnh, những kỷ niệm của các con lúc mới ra đời, hình đám cưới của Bố Má mà Má đã nhặt nhạnh, gìn giữ hàng bao nhiêu năm trời.
Mọi thứ, chúng ta làm lại từ đầu.
Không dễ. Nhưng ít ra, chúng ta còn có một nơi chốn để về. Một nơi trú ngụ.
Tháng Tám (cũng tháng tám ) con rời nhà vào trại. Từ Camp Lejeune, North Carolina đến Camp Pendletton, California, từ đó, con cùng đơn vị qua Iraq.
Cũng như ngày đầu con xa nhà, Má phải tập  để chịu đựng dần nỗi nhớ, nỗi lo lắng mà mỗi đêm khi chợp mắt, má nghĩ, đó chỉ là giấc mơ. Má sẽ nghe, lát nữa thôi, tiếng con gọi má, hoặc con sẽ mở TV, tiếng cười ha ha của con chộn rộn cả phòng khách.  Má dễ dàng khóc trong bất kỳ gợi nhớ một hình ảnh, một vết tích nào. Má rất muốn mở TV, coi tin tức hàng ngày về  Iraq, muốn mường tượng nơi chốn con ở, mà lại kh ông có can đảm để nghe, để nhìn… Có bao nhiêu người làm Mẹ như Má phải chịu đựng cảm giác nầy, mang trong lòng sự mâu thuẫn dằng xé khi con họ rơi vào một chiến trường đầy chết chóc như vậy?
Con viết tiếng Việt không rành. Con viết "Hom nay con ban làm day tho. Có phải chữ day tho viết vậy không Má" Má ngẫm nghĩ , đoán hoài không biết con muốn viết chữ gì. Dãy thờ ? Dạy thợ ? Đầy thơ ? Không, con bận rộn như vậy chắc không phải là thơ thẩn rồi. Mãi, Má mới biết con muốn viết chữ giấy tờ. Trời, con ơi là con. Tiếng Việt Nam mình nhiều nghĩa lắm. Con viết thư không dấu mà lại sai chính tả,thiệt là tội  cho ngôn ngữ của mình biết bao nhiêu, rồi thế hệ sau , sau nữa, ngươì ta chỉ nói, “ I love you” họ sẽ không còn nhớ và nói với nhau âm điệu êm ái  “anh yêu em, hay em yêu anh “ nữa. Con ra đời, sống trong môi trường xử dụng tiếng Mỹ là ngôn ngữ chính, nên chính con cũng dần dà quên tiếng nói nuớc Việt nam rồi. Mà lỗi cũng nhiều phần bởi Má không dạy con đến nơi đến chốn.
Từ Iraq, con email hỏi Má "Má ơi, Bạn con hỏi New Orleans có món gì ngon?" Ngộ chưa. Chắc tụi con bên đó ăn toàn đồ hộp Ready to eat nên thèm thức ăn  nấu nóng, vừa ăn vừa hít hà phải không?  Ở nhà con hay vào bếp nhưng mới đi đó đã quên rồi. Món con thích nhất là  barbercue shrimp nấu với bơ, lá thơm, chanh, bột đỏ. Đây là món ăn gần như đặc biệt của NO, nhiều nơi họ cũng có nấu nhưng chắc không theo đúng công thức nên mùi vị không đậm đà bằng. Nhưng nếu nói là đặc biệt, rất NO thì phải kể đến món Creole sauce ăn với cơm trắng và tôm, món Crawfish etouffé có mầu vàng đỏ nhạt, ăn với crawfish pie. Còn món cá sấu thì… ngon tuyệt. Thịt cá sấu trắng, dai nên khi chiên phải ướp gia vị cho thịt thấm mềm, nhúng bột chiên trong deep fry , đố ai  biết là mình vừa nhai phải thịt cá sấu. Miếng thịt thơm, ngọt mềm hơn cả thịt gà.
Khi nào con về Má sẽ làm món  Barbercue shrimpcho con ăn. Má sẽ bỏ thật nhiều tôm, nhiều chanh, ớt để con khỏi than phiền "Sao mà không cay, chua chút nào!"
Tuần trước Má dọn phòng của con. Dù là mãi đến mùa Hè sang năm con mới về nhà nhưng Bố đã lo mua gỗ, ván chuẩn bị đóng kệ sách. Bố vẫn loay hoay không biết đóng kiểu nào cho đẹp, cho hợp với phòng ngủ của con. Bố dự định vẽ trên hết một mặt bức tường còn lại  lá cờ Việt Nam như ý thích của con, nhưng có lẽ qua Noel mới thực hiện được. Cũng còn lâu con mới về mà. Má thay cho con tấm trải giường mới, trên bàn ngủ chưng bình hoa lan màu trắng ngà điểm mấy cọng cỏ xanh, ngó dễ thương lắm. Má nghĩ là con rất thích.  Em Nấm có nhiệm vụ quét bụi hai lần trong tuần. Nó vẫn thắc mắc sao anh Khôi đi lâu mới về mà nó phải làm công việc đó sớm quá vậy.
Căn phòng của con, chỗ con ngồi chơi game, đọc sách, căn phòng ngó ra đường tràn ngập ánh sáng, vẫn luôn chuẩn bị đón con về.
Hôm nay, tình cờ Má thấy một tấm ảnh của người lính Marines trên tờ báo Time. Trên cánh tay đầy hình xâm. Một đôi giày lính, một khẩu súng và hai tấm thẻ bài. Hình xâm nhìn dữ dội và cũng khá nghệ thuật. Ở đó, có hàng chữ "Tattoo Bans. Body art is big. But the Marines and some police are cracking down on it."
Tattoo nầy làm Má nhớ thằng bạn thân Marine của con. Kỳ nó đến nhà mình, cánh tay cũng xăm một huy hiệu Thủy Quân Lục Chiến to thật to, (sợ thì thôi ). Thấy Má nhìn, con cười cười "Má à, mai mốt con cũng…"  Má đẩy con ra, chắc vậy, hình như lúc đó Má giận con. "Con à, đâu cứ phải xăm đầy tay chân như vậy mới chứng tỏ mình là người can đảm.  You're the man. Con và bạn con hay nói câu này. Sự can đảm ở ngay chính trong bản thân của con đó. Với lại, người Việt Nam mình thường đánh giá không tốt về những người hay xăm hình nầy nọ,"  "Má à. Con nói giỡn thôi mà. Má tưởng thiệt hả!"
Cũng hôm dọn phòng cho con, Má tìm thấy trong tủ quần áo, nguyên một tập thơ bằng tiếng Anh của con. Một số bài thơ con viết tay. Má biết con thích làm thơ nhưng  không nghĩ rằng con trai của Má làm thơ nhiều đến như vậy. Ôi, con trai của Má. Không biết giống ai mà tâm hồn dạt dào thơ quá sức. Giá như con hiểu và viết được tiếng Việt nhiều, trong những vần thơ kia, Má sẽ thích thú hơn. Má thích bài thơ Sunrise hơn bài My Lovely Rose. Hình như bài thơ này con viết hôm cùng gia đình đi biển ở Destin. Hôm đó, con đón bình minh trên biển, trên bờ cát xô đẩy đùa theo sóng nước… Đó là tấm ảnh rất đẹp với hình ảnh con đứng lẻ loi, cô độc dưới bầu trời mây xanh thẳm, và những ngọn sóng đội đầu chồm trắng xóa.
Má ngồi bất động trong phòng con, rất lâu, tư ởng tư ợng hình ảnh con vào ngày hôm ấy.Những bước chân con chạy in sâu trên bãi biển, và con đuổi theo những con sóng  cuốn dấu chân con xa bờ...

Sunrise


I left footprints  on the warm sands
I can hear the sound ot the waves,  crashed angrily against the shore.
As if wanting to pull me into their heartless trap
The unsettling wind rushed to envelope me in its cold touch
As I hudled and leaned against a piece of rock along the beach.
There I see now. Rising slowly above the horizon
It skillfully painted its magic streaks of colors across the sky.
The magnificence of its presence, gave one such a feeling
That's so intangible by thoughts, and untouchable by words
I stood up and walked humbly down the beach
And erased by the wawes were my footprints on the beach.


Con ơi, bên đó con có thường theo dõi  tin tức không? Cali vừa bị một trận cháy rừng kinh khủng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Hàng triệu người phải di tản khỏi thành phố, hàng nghìn nhà bị cháy rụi và theo tin tức, có đến hơn ngàn người chết. Cảnh tạm trú cũng giống như kỳ mình chạy bão Katrina, nhưng ở đây, họ tổ chức tập trung qui mô hơn. Họ ở trong những chiếc lều tạm và thức ăn thì được Chính Phủ cung cấp kịp thời. Họ mất hết mọi thứ y hệt như chúng ta. Họ phải làm lại từ đầu trên đống tro oan khiên đó. Tội nghiệp cho họ. Tội nghiệp cho chính  chúng ta. Nhưng rồi họ cũng phải đối mặt để đứng lên vượt qua như chúng ta từ hai năm trước. Trong thiên tai, dù ở  bất cứ tiểu bang nào, chính phủ Mỹ cũng  lo lắng tận tình cho người dân . Bàn tay và tấm lòng của nước Mỹ còn giang rộng ngay cả những quốc gia nhỏ bé xa xôi nhất, khi họ cần sự  giúp đỡ. Má nghĩ, không nước  trên trái đất nầy có tấm lòng quảng đại như vậy.
Vậy mà khi Cali đang cuống cuồng lo cháy rừng, một số những người lính cứu hỏa chết cháy khi đang thi hành nhiệm vụ thì New Orleans lại tổ chức Voodoo* Festival. Những ông đồng bà bóng ăn mặc quái dị, mặt vẽ rằn ri như thổ dân uống rượu ca hát nhảy múa trên đường. Thành phố nầy, dù đã hơn ba trăm năm thành lập, vẫn còn nặng nề thế giới ma thuật huyền bí. Họ mê tín đến nỗi, phải cầu ông bà thần linh cho họ lá bùa yêu, làm hình nhân đâm kim xuyên tim để trả thù tình địch, vẽ ngoằn nghoèo vài ba chữ trên tờ đô la bỏ trong bóp tiền cầu may mắn. Nhưng, một số trong đám phù thủy đó, là những người  lừa bịp. Ở Việt Nam mình cũng có bùa phép, nhưng chỉ ở một số ít vùng trên cao nguyên hoặc những vùng quê, nơi người dân còn nặng về mê tín chứ không như ở đây. Bùa chú mà cũng có festival. Hết biết. Nó là một trong rất nhiều  festival (ngày hội) của NO.  Gay festival. French quarter festival, Jazz festival.v.v. Chưa kể ngày lễ hội Mardi Gras còn quái dị hơn nữa. Nhưng t nhất là Swinger festival, ngày hội của những cặp vợ chồng  hoán đổi cho nhau -vợ hoặc chồng -trong một số ngày nào đó- cuối tuần - hoặc một tuần lễ cho dài ngày hơn. Xong. Ai về nhà nấy, còn sau đó, họ có sống già với nhau hay không thì không ai biết. Họ rất dễ phân biệt với khách du lịch bình thường, với chiếc vòng dẹp màu sô cô la nhạt trên tay.
Những lễ hội đó , hình như không thích hợp với người Việt Nam nên chưa lần nào  chúng ta tham dự, dù đã sống ở đây gần hai mươi năm.
Con không nói về tình hình, công việc của con bên đó. Email gửi về thường là những lời trấn an Bố Má. Con nói. Công việc con bận rộn lắm. Một  đêm chỉ ngủ ba, bốn tiếng. Không ngày nghỉ. Mà dù con không nói, Má cũng biết. Những tấm ảnh con gửi về đã nói lên điều đó. Có những bức ảnh con chụp quanh chỗ đóng quân. Trại lính đóng dọc trên bờ sông Tigris, với  những đập nước lớn chảy xiết.  Chiến tranh ở đâu cũng giống nhau. Không gian quạnh quẽ, khô khốc với những đồn lũy, bao cát trấn quanh hầm cá nhân. Má cảm nhận được không gian đó, vì dù trải qua bao nhiêu năm, những lần tìm thăm Bố ở tiền đồn, chiến tranh luôn hiện hữu, gần đến nỗi mình có thể nghe được hơi thở của nó. Dù không thể sờ nắm được nhưng nó thật sự có mặt ở mỗi bước đi, mỗi chỗ đứng, mỗi khoảng khắc của thời gian. Bố nói con phải đội nón sắt, dù ở trong trại lính. Kẻ thù có thể pháo kích bất cứ lúc nào và nón sắt có thể giúp bảo vệ được tính mạng cho con. Con phải nhớ rõ điều nầy.

Má đi ngược lại con đường cũ.  Đường  vắng. Nắng đã bò qua khỏi ngọn cây, đung đưa theo gió rung rinh tàng lá sớm. Hôm nay là thứ tư. Tuần sau con sẽ nhận được quà của Má. Tưởng tượng, bàn tay con hối hả mở thùng giấy. "Ô, nhiều thứ quá!" Và rồi, con sẽ ăn cho bằng hết trong một thời gian kỷ lục số kẹo bánh Má gửi cho con. Con có thể ăn suốt ngày, kể cả mang vào giường nhâm nhi hương vị khô bò cay xé lưỡi mà vẫn chưa chịu là cay.
Và rồi, như bao lần, Bố lại lui cui ướp thịt, bắc vĩ nướng, xếp thẳng thớm từng lát thịt bò. Mấy ngày liền sấy không biết bao nhiêu là vỉ khô bò cho con .
Và cũng như sáng hôm nay, Má lại ra bưu điện xếp hàng, đợi đến phiên, khiêng cái thùng giấy đựng đủ thứ lỉnh kỉnh… Ông bưu điện già sẽ nhìn Má bằng cặp mắt ái ngại khi mắt lướt vào địa chỉ .

UNIT 73142

FPO AE 09509-3142
Má phải làm quen với nó hàng bao tháng trời nữa, cái địa chỉ ở cái xứ sở xa lạ nầy. Má hy vọng, thời gian qua nhanh hơn, Má sẽ được nghe tiếng con cười  trong ngôi nhà quen thuộc của mình, con sẽ dịch cho Má nghe, những bài thơ con viết từ Iraq. Không biết buổi sớm khi nhìn bình minh ló dần phía chân trời, mầu sắc có rực rỡ và mây có theo gió về bàng bạc từng phiến mây hồng? Ước gì Má có thể đọc những bài thơ con  viết về cảnh bình minh hay hoàng hôn nơi đó. Chắc hẳn rằng trong thơ bây giờ là nỗi nhớ nhà nôn nao thoảng trong đì đùng tiếng súng, hệt như Bố ngày xưa.
Chỉ đến khi con trở về nhà từ chiến trường Iraq, Bố  Má mới thật sự là những kẻ hạnh phúc.

( Chú thích)
1-Voodoo: black magic ( ma thuật)
              
 Sunrise ( Rạng đông)

Tôi bỏ lại  bước chân trên bãi cát
Tôi có thể nghe, quanh tôi.
Âm thanh cuồng nộ của sóng đập vào bờ đá
Những âm thanh giận dữ
Xô đẩy tôi trong chiếc bẫy vô hồn
Đứng một mình co ro
dựa vào ghềnh đá
Đâu đây, tiếng gió xôn xao
Thổi choàng quanh tôi
Mênh mông hơi nước biếc.
Ở đó. Trước mắt tôi.
Mặt trời từ từ vươn lên đường chân trời.
Thật tuyệt vời.
Muôn nghìn mầu sắc chao lượn trên  cao
Rực rỡ
Tôi chỉ có thể cảm nhận
Sự tuyệt diệu vô cùng của tạo hoá


Một chút về Hiện Đại

Tạp chí Hiện đại ra đời vào tháng 4.1960 ( sau khi Sáng tạo đình bản vào tháng 9.1959)
Hiện đại chỉ có mặt 8 số báo và dù chỉ hiện diện có một năm nhưng đã tạo một chỗ đứng ấn tượng trong giòng sinh hoạt Văn học nghệ thuật miền Nam thời bấy giờ ( 1960-1961).
Hiện đại số đầu tiên ( tháng4.1960) đã đăng bài thơ " Một nửa "của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn mà thưở ấy, ngay cả sau nầy, những giòng thơ tình lãng mạn đó luôn được nâng niu trong cặp sánh học trò e ấp và dịu dàng trôi vào những giấc mộng đẹp của một thời tuổi trẻ.
Bài thơ  rất dài, chiếm trọn hai trang giấy, gồm 13 đoạn, Tôi chỉ ghi ra đây, bốn đoạn thơ trong 'Một nửa ", riêng tặng Thu Thuyền..



                                                                                   
Một nửa.
...........

Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc
Yêu một người mà cảm thấy mênh mông
Em đi ngang nhịp bước có lạnh lùng
Mà sao vẫn y nguyên bài thơ cũ ?
.....
Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ
Anh còn nguyên là một kẻ yêu em
Em đi ngang xin ráng bước cho êm
Đừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ

Đừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ
Đừng nói trước để anh buồn vơ vẩn

Có đi qua xin em đừng đánh phấn
Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
Mắt vương tơ của những phút học bài
Tay khéo léo khi đánh chuyền với bạn.
..........

Hình như," lứa tuổi thích ô mai"sau nầy chúng ta thường nghe, thường đọc trong thơ, văn..bắt nguồn từ " Một nửa " của ông.
Riêng tôi, Câu thơ " Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc. Yêu một người mà cảm thấy mênh mông" dường như đã đi theo tôi suốt một thời thiếu nữ..
Cám ơn ông, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Dù ông đã ra đi nhưng những vần thơ tình yêu ngọt ngào, đằm thắm mà ông đã tặng cho đời sống nầy luôn tươi mát theo thời gian.

Tuesday, December 8, 2015



Những cuốn truyện bằng tranh
(Hữu Việt)
Một chiều xa lắm vào năm 80 tại kinh 7 U Minh Hạ, sau khi làm ruộng về, đang nằm nghỉ trong căn nhà lợp lá gồi sát bờ kinh chợt nghe tiếng ai hát Thu Ca của Phạm Duy Lạnh lùng sương rơi heo may Buồn ngơ ngác bóng chim bay Mây tím giăng sầu đó đây
Cả mười một thằng tù nhảy xô xuống chỏng tre, chạy ra ngoài xem ai hát.Ở cái xứ quê mùa tận cùng đất nước nầy, lại hát một bài nhạc vàng , đó là chuyện không tưởng
Chị đang bơi thuyền cất tiếng hát rất ung dung,có vẻ không quan tâm đó là nhạc bị cấm. Vời chị lại, nói ba điều bốn chuyện, chẳng để ý tới người quản giáo lừ lừ dò xét. Chị khoảng chừng 45 tuổi, khuôn mặt đẹp đài các không thuộc về vùng đất này.Sau ghé nhà chị thăm, gặp hai con nhỏ. Hai đứa con trai đứa 12, đứa kia 14. Truớc 75 học trường Pháp,chị có một công ty xuất nhập cảng vải sợi ở đường Gia Long. Giờ xuống đây đi kinh tế mới. Căn nhà tranh nhỏ xíu ọp ẹp,tôi cố không nhìn vào những đồ vật trong nhà để khỏi trào nước mắt,những người có học,những mầm non hạt giống của nước tôi được đầy xuống vùng đất này để làm một thứ lao động khổ sai mà không biết có chi mà ăn qua ngày hay không. Qua vài lần ghé thăm nhà chị vì ngày chủ nhật được phép ra ngoài vàm sông Trẹm chơi. Ở đó có thể ăn tô hủ tíu,hoặc uống ly cà phê, ngáo ngáo chơi đến chiều thì về trại. Họ thả lỏng cũng có lý do. Đám tù này làm ra lúa gạo tiền bạc cho họ,thả lỏng củng chả mất ai được.Chỗ này đi về quận Thái Bình cũng mười mấy cây số đường sông,về Rạch Giá cũng vậy.Đi lọt sao nổi với lực lượng công an,xã đội dày đặc.
 Ngày đó thằng bé Tuấn con của chị cho tôi hai cuốn sách Asterix-Obélix và một cuốn Tin Tin.Dấu diếm mà đọc vì để lộ sẽ bị tịch thu còn bị kiểm điểm.Nhớ mãi một câu trong cuốn Asterix :Je suis un nomad,un joyeux nomad. Tôi ngày đó lang thang từ hết trại này qua trại kia nhưng lúc nào cũng hồn nhiên vui vẻ vì : Còn em. Hồi đó hay hát:
Ơn em thơ dại từ trời,thơ dại từ trời,từ trời theo ta à a a á theo ta từ trời xuống biển lượm đời, lượm đời ta lên Ơn em mưa nặng hạt mềm,mưa nặng hạt mềm,à a theo ta, à a lên núi theo ta về miền ,về miền yêu thương. 
Bây giờ chẳng biết chị có còn sống hay không.Bao nhiêu oan khiên cực nhọc nhiều khi đã quật ngã người đàn bà mảnh dẻ, chỉ có bằng Cử Nhân Văn Khoa chứ không có chút bằng cấp nào về lao động tay chân, đốn tràm, và đi ăn ong, tối đặt lóp hy vọng được vài con cá trèng,vài con cua cho một ngày, quơ quào đám rau mọc hoang quanh nhà, luộc ăn với muối  pha chút nước đâm với trái Bần qua ngày. Thấy em chụp hình những cuốn TinTin lại nhớ ngày đó. 



Trăm nhánh sum vầy
( Riêng Phượng Tím.)



Mai về cố quận một mình
Bạn ơi..Hãy nhớ Mốí tình tri âm...







Ta chia trăm nhánh sum vầy
Nhánh hạnh phúc lẫn nhánh gầy hư hao
Dấu tình trên ngọn xanh xao
Giọt mừng, giọt tủi, giọt nào mặn môi
Nắm tay nhau chút bồi hồi
Tóc xanh xưa bạc, da đồi mồi phai 
Dấu chân chim níu ngày mai
Giọt nước mắt vội trên vai bùi ngùi
                               
                      Ta ôm ký ức ngậm ngùi
                       Hương thời gian cũ ngỡ vùi sớm trưa
                       Ngày phôi pha, người về chưa
                       Thầy cô bạn cũ trường xưa một thời
                       Hồn nhiên trăm tiếng gọi mời
                       Ngón tay thầm lặng ngón rời. Lạ nhau
                       Rưng rưng nắng gió lao xao
                       
Bơi trong vạt nhớ ngọt ngào thơ ngây
 Ta chia trăm nhánh sum vầy
 Mai kia lẻ bạn còn giây phút nầy
 Giữ tình trong những ngón tay
 Mai về phố cũ chắc đầy nhớ thương
 Khi về trên những con đường
 Hãy gom nỗi nhớ để mường tượng nhau
 Nhớ gửi trong giấc chiêm bao
Tiếng cười tiếng khóc tiếng xao xuyến lòng
                       Gửi thêm những mảnh tình trong
                       Gửi hương theo gió gửi mông mênh tình
                        Mai về cố quận. Một mình
                        Bạn ơi hãy nhớ chút tình tri âm




























Đoá Hoa Vô Thường - Khánh Ly





Đóa hoa vô thường.
Bài hát của một thời kỷ niệm.
 Của tình đầu..một thời mơ mộng, yêu thương

Đây là bài hát hay nhất, ý nghĩa nhất của Trịnh Công Sơn (theo ý mình) tác giả có viết thêm phần nhạc dạo sau mỗi đoản khúc. Tất cả có 6 đoản khúc.Tại sao người ta không chơi theo những dòng nhạc đã có sẵn nhỉ, vì anh Sơn soạn rất hay. Và chỉ có những đoạn nhạc do anh viết mới diễn tả được những lời hát trong bài.
Khánh Ly hát năm 73. Dàn nhạc Lê Văn Thiện đã chơi theo đúng  như những gì anh viết.
Không thay đổi.Hình ảnh,ngôn ngữ trong bài hát nói về tình yêu khi gặp một người con gái,thật mơ hồ và siêu thực, không phải trong cõi trần gian này.
Nó cũng thể hiện nỗi khao khát đi tìm một sự tuyệt mỹ trong tâm tưởng của anh.Ta có thể dễ dàng nhận thấy sự trân trọng đẹp đẽ tột cùng trong tình yêu với những người con gái trong mộng hay thực – không ai biết và. Chỉ có anh biết?? Nhưng có những ngộ nhận khi nhiều nhạc sĩ khi viết hoà âm cho bài hát những lần thu sau này, đã tưởng rằng người con gái trong bài này là nữ tu, hoặc ni cô thì đúng hơn (vì trong bài hát họ thấy có câu: chiều em ra đứng hát kinh đầu sông, cho nên họ đã soạn hoà âm có tiếng cồng chiêng trong đó. Họ đã cho người mẫu trong video mặc đồ nâu chẳng hạn.Người con gái trong bài hát chẳng dính dáng gì đến tu hành cả.
Nàng hát kinh, chứ không cầu kinh. Cũng như lúc mời nàng về-ngồi thơm ngát hương trầm, không phải sao?
Người con gái đó không có thực,nàng không thuộc về thế giới này.
Vì: Một thời yêu dấu đã qua, gót hồng em muốn quay về, dù trần gian có xót xa, cũng đành về với quê nhà.
Về đâu, quê nhà nào, nếu không phải là cõi xa kia.Tình yêu nam nữ trong nhạc thơ của anh luôn hoàn hảo và vô cùng thánh thiện.
 Và anh đã xa lánh chốn tục lụy này về ở bên cõi xa kia.
Nơi có đôi dòng “kinh sấm” bay rền vang.  Nơi chốn cội nguồn xưa mà anh đã gặp nàng.
                                                                                Hữu Việt

Remember When Up Movie.flv


Anh..Em vẫn luôn ao ước như ngày xưa..
Một chỗ ngồi êm ái bên nhau
Chúng ta cùng đọc sách
Anh nắm tay em
Và chúng mình
Nhìn bầu trời thêng thang trên kia..
Gửi những ước mơ
Của một thời
Một đời..

Remember when..
( By Alan Jackson )

Remember when I was young
and so were you
And time stood still and love was all we knew
You were the first, so was I
We made love and then you cried
Remember when

Remember when we vowed the vows and walked the walk
Gave our hearts, made the start, it was hard
We lived and learned, life threw curves
There was joy, there was hurt
Remember when

Remember when old ones died and new were born
And life was changed, disassembled, rearranged
We came together, fell apart
And broke each other's hearts
Remember when

Remember when the sound of little feet
Was the music we danced to week to week
Brought back the love, we found trust
Vowed we'd never give it up
Remember when

Remember when thirty seemed so old
Now lookin' back, it's just a steppin' stone
To where we are, where we've been
Said we'd do it all again
Remember when

Remember when we said when we turned gray
When the children grow up and move away
We won't be sad, we'll be glad
For all the life we've had
And we'll remember when

Remember when
Remember when


Nhớ lại.Khi...

Nhớ lại, khi tôi và em còn trẻ
Thời gian như đứng yên  và chúng ta biết rằng.
Chúng ta đã yêu nhau với mối tình đầu
và đôi khi, em đã khóc..

Nhớ lại, khi..
Những lời thề ta trao nhau
Những quãng đường  ta đi qua
Đã làm trái tim ta thổn thức
Ta đã sống và nhận từ cuộc sống
muôn vàn khó khăn
Niềm vui lẫn khổ đau..

Nhớ lại, khi..
Cuộc sống không ngừng đổi thay
Có huỷ diệt có hồi sinh
Có tan vỡ và hàn gắn
Như khi ta đến với nhau
Nỗi chia lìa làm trái tim đau.

Nhớ lại, khi..
Mỗi bước em đi..
Âm thanh rộn ràng như tiếng nhạc
Chúng ta cùng khiêu vũ.. quên ngày quên tháng
Bởi tình yêu mang đến cho chúng ta niềm tin
và lời thề yêu nhau
không hề nhạt phai

Nhớ lại, khi..
Ở tuổi ba mươi..
Ta thật sự quá già
Khi nhìn lại
Những bước vấp ngã..

biết rằng,,
Nếu có thể..Ta vẫn muốn..
lập lại đời sống đã qua, một lần nữa..

Nhớ lại, khi..
Chúng ta nói với nhau
Lúc đời sống đã chuyền bóng hoàng hôn
Các con rồi sẽ rời xa .
Nhưng ta sẽ không phiền muộn
vẫn cảm thấy hạnh phúc
vì chúng ta đã có..
đã nhận được tất cả mọi thứ
Từ chính trong cuộc sống  của mình..

Nhớ lại, khi...
Nhớ lại, khi..

Monday, December 7, 2015

       Em.cổ tích.  
       
         
        Nhón chân
        khẽ
        bước
        ngập ngừng

        Biếc xanh
        cây cỏ
        vui mừng
        hát ca

        Từ em
        cổ tích
        bước ra

         Có người
         dụi mắt
                                                                            ngỡ là
                                                                            chiêm bao.

Sunday, December 6, 2015




Chuyện Em và Tôi.

 Em là một sinh vật dễ thương. Người nữ mà tôi yêu thương nhất  nhưng cũng là người tôi “căm thù” nhất. Không căm thù sao được khi em đã tàn nhẫn tước đoạt quyền tự do của gã đàn ông độc thân, rồi đem nhốt vào lồng son êm ái với giọng mật ngọt tẩm đường chết người, nhưng cũng nhanh chóng pha hàng tấn chanh chua ( loại chanh ít hột, vỏ mỏng dính để ngâm chanh muối ) nếu đôi khi lầm lỡ làm phật lòng em.Nên, đôi khi tôi kết luận, mình thuộc họ nhà Chanh thì phải.
Tôi nhớ. Ở cái tuổi nhóc tì bé xíu xiu, ông trời đã rắn mắt gieo cho em cái mầm mống được quyền bắt nạt tôi, không thua gì mấy bà chị ở nhà thuộc loại chằng ăn trăn cuốn, cũng lớp lang bài bản, từ slow đến paso...Vậy mà chưa bao giờ tôi giận em được lâu. Thật quái gở.Chắc má tôi sẽ buồn lắm nếu bà biết, đã sinh ra một thằng tôi ngu ngốc như vậy.
Tuổi nhỏ. Em thích chơi trò đưa đám ma hàng lũ côn trùng kiến, dế, chim, bướm...Trong khi tôi hì hục đào lỗ, moi đất, em lúi húi trồng hoa. Em bắt chước người lớn, khóc tỉ tê, kể lể, không ngừng kéo vạt áo tôi hỉ mũi (!). Vừa khóc, em vừa hối tôi đốt nhang lạy xì xụp, vái cho đến tàn cây nhang để chúng mau lên thiên đàng. Em nói vậy.
Chơi trò chia phe hai bên đánh nhau,  luôn luôn em giành làm kỵ sĩ. Kỵ sĩ  giả que làm kiếm, hò hét y hệt nữ tướng xung trận. Em thúc ngựa tả xung hữu đột, đôi khi quên mất thằng ngựa là tôi, nữ tướng nắm tóc, quật que vào mông ngựa. Đau đến nỗi một đôi lần,ngựa hất tung nữ kỵ sỹ. Tàn chiến cuộc, em khóc ỉ ôi không làm sao mà dỗ được.
Đến tuổi bắt đầu đi học, nhiệm vụ của tôi phải đi kèm, bênh vực em khi bị trẻ con bắt nạt.
Hầu như em không thích cầm bất cứ một thứ linh tinh nào khác, ngoại trừ phần quà sáng của tôi như ...gói xôi, khúc bánh mì, túi kẹo, hoặc nhẹ nhàng hơn, mấy tờ tiền giấy mà ký cóp mãi, tôi mới để dành được. “Em phải giữ...dùm cho anh, không thôi chẳng còn đồng nào. Anh hay làm mất tiền lắm.” ( Cũng thật oan ông địa. Có bao giờ tôi được giữ tiền đâu mà còn với mất ). Hình như từ lúc ấy cho cả đến bây giờ, cái lý luận  rất là logic ấy vẫn không hề có chiều hướng thay đổi. Luôn luôn một câu chắc nịch: “ Em phải giữ tiền dùm cho anh “ Không sót một chữ nào !
Mùa mưa, vào những ngày hè, lũ con trai chúng tôi thường trốn ngủ trưa, rủ nhau ra đồng bắt dế.Trong khi tôi lom khom tìm hang dế, vạch từng kẽ đá, đụn rơm vồ chụp mấy chú dế than, dế lửa...em thường lẽo đẽo ôm hộp đựng dế theo sau. Cũng vỗ tay xuýt xoa khi mấy con dế lửa kè nanh, xù cánh quyết chiến giành phần thắng. Chiến lợi phẩm tịch phu từ phía địch quân được phân chia rõ ràng. Em độc quyền chiếm giữ ... kẹo bánh, giây thun... Những bao thuốc lá bạc cán dẹp xếp vuông vức tính bằng tiền hoặc mấy đồng nắp ken thì dành ưu tiên cho sở thích của đấng ...nam nhi. Thật..logic.
Mùa nắng. Em rủ tôi vào rừng bắt bướm. Bướm bay chập chờn không cao lắm nhưng đâu dễ mà túm được. Với cái vợt lưới, tôi rình rập, bò rạch từng bụi rậm, đến nỗi, quần áo rách tả tơi sướt đầy gai nhọn. Bao giờ về nhà, mẹ cũng thương tình cho vài cái quật vào mông, mấy bà chị lớn được dịp xỉa xói,  chì chiết khi phải căng mắt mạng từng lỗ rách.
Bướm bắt về, em ưu ái ép đầy trang sách. Những ngày đầu, suốt ngày em giở tới giở lui săm soi ngắm nghía. Rồi âu yếm đặt tên cho chúng. Nào là: Ngọc tía, hoàng hậu, hồng lan, thiên thanh, bạch cúc...Đến khi chán chê, sực nhớ giết hại côn trùng là có tội, nên vì sợ phải sa hỏa ngục, em đem ngần ấy công lao của tôi ( chưa kể phần mông bị đòn ê ẩm ) đào lỗ chôn tập thể. Em thành khẩn thắp nhang khấn vái, sau nầy Chúa nhớ cho em được lên nước Thiên đàng.
Bắt đầu  trung học đệ nhị cấp, em tập tành bắt chước mấy bà chị trời ơi đất hỡi của tôi, nghĩa là, sửa sang điệu bộ, áo dài trắng ủi tới ủi lui, tóc cột nơ xanh đỏ, quai guốc tím hồng vẽ hoa lá cầu kỳ, mỗi ngày một mầu rất khó hiểu. Ngày nào đợi em đi học, vào lớp, thầy cô giáo cũng bắt phạt đứng trước cửa lớp hoặc thương tình hơn thì trừ vài điểm cái tội đi trễ.
Một mình em, tôi đã quá mệt, nay lại thêm một lũ bạn gái mới, đâu chừng năm, sáu đứa gì đó, cũng xí xọn như em. Nhưng bù lại, con bé nào mặt mày cũng ngồ ngộ, sáng sủa. Nhiệm vụ của tôi bây giờ thập phần đa đoan, nhưng không kém phần quan trọng : Giữ chừng ấy cặp sách cho đám tiểu yêu, giàn hòa khi các cô bé giận nhau. Cái phần quà sáng  vốn dĩ đã khiêm nhường của tôi lại bị nhanh chóng rút gọn thảm thương.
Càng lớn em càng xinh đẹp. Răng khểnh. Miệng chưa cười nụ đồng tiền đã lấp ló. Tóc gội bồ kết nhỏ chanh nên lúc nào cũng thơm óng mượt. Nhưng chỉ thay đổi ở hình thức, còn tính tình thì vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều cái đuôi choai choai đã bắt đầu thập thò dòm ngó. Nhưng dần dần đều phải rút lui trong vòng trật tự vì chúng không ưa cái bộ mặt hãm tài đưa đám của tôi.
Ngoài nhiệm vụ làm vệ sĩ, tôi còn kiêm thêm công việc edit cho những bài luận văn của em. Thử tưởng tượng, trong khi tôi gò lưng, vò đầu, bức tai tìm mở bài, thân bài, kết luận... thì tiểu thư ngồi đó, ung  dung như những kẻ nhàn rỗi nhất trên đời, cắn móng tay hoặc chống cằm ra chiều tư lự. May mà nét chữ khác nhau, nếu không, tôi sẽ được ưu tiên đặc trách nhiệm vụ thư ký riêng mà chẳng biết bao giờ mới được cấp phép vacation.
Tôi thích một cô bé trong đám tiểu yêu nữ. Cô xinh xắn không kém gì em, rất hiền lành lại thảo ăn. Có bánh kẹo ngon, cô thường dấm dúi để dành cho tôi. Mỗi khi tôi bị đồng bọn bắt nạt, cô bé thường an ủi bằng tia mắt buồn buồn lo lắng. Mối cảm tình dành cho tiểu yêu nữ kia chưa kịp nhen nhúm, đã chợp lụi tàn khi em tuyên bố” Em không thích anh hay cà rà với bạn em.” ( Trời đất, tôi không hiểu chính xác chữ cà rà nghĩa là gì nữa) Dĩ nhiên.Trái tim tôi non trẻ đành đau khổ chấp nhận cái điều không ưa, không thích của em và đám tiểu yêu kia, ngày nọ, không còn thấy tăm hơi cô bé rất dễ thương của tôi nữa.
Năm đệ tam. Em theo ban C, và tôi, cái thằng văn chương không đầy một túi bèn leo vào ngồi ban B. Giờ học khộng trùng nhau, không cùng lớp, đáng lẽ tôi có thể từ chức vệ sỹ, vậy mà không hiểu tại sao, Vẫn y chang hình ảnh cũ, ngày ngày tôi vẫn đứng đợi em, đưa đón nhau về, lại có phần hăng hái thái quá.
Có một cái đuôi khá...lì lợm. Nó cũng trạc tuổi tôi, nhưng ngó bộ đẹp trai hơn ( từ thuở cha sinh mẹ đẻ, chưa nghe ai khen tôi thuộc loại đẹp trai !Lạ  quá.) Cái đuôi nầy đi đứng lừng lững, là nó cố ý ra vẻ nghệ sĩ đấy thôi, tôi còn lạ gì cách sửa bộ của mấy tên hỉ mủi chưa sạch nữa. Nhưng nó hơn tôi ở chỗ cặp mắt có thêm gọng kính cận, nên công tâm mà nói, ngó cũng không tệ. Trồng cây si, nó tập tểnh làm thơ tình. Thơ nắn nót vẽ vời mặt trăng, mặt trời trên giấy tím giấy hồng, ngoài bì thơ họa thêm mấy cành hoa hay bươm bướm ngó thiệt ngứa mắt. Những bài thơ viết tay mà chắc nó phải gò lưng nắn nót suốt cả đêm mới xong. (Trời, tội cho cha mẹ nó, đâu biết con mình mới nứt mắt đã biết mê gái ) Mỗi bài thơ gửi cho em, đều có một đề  tựa rất ướt át “ Có phải em là mùa thu. Tình anh như ngàn sóng ( Khó hiểu ) Đừng lay anh nhé ( Chắc nó hay ngủ gục ) Tiểu thơ của tình anh mới lớn..v..v..” Đó là những bài thơ sướt mướt màu đông, rực lửa mùa hạ, triền miên mùa thu...làm tự ái tôi bị chà đạp ghê gớm. Đến nỗi, tôi đã nhiều lần rủa thầm.” Trời đã sinh ra ta, không hiểu sao lại nặn thêm chi cái thằng trời đánh đó “
Có lẽ em cũng ...ghét nó như tôi, nên mỗi khi đưa cho tôi xem những bài thơ tỏ tình của nó, em thường lơ đễnh ném...vào cặp, phê bình bâng quơ “ Làm thơ dở ẹt mà cũng bày đặt” Rồi ném thêm mấy câu vô thưởng vô phạt “ Nhưng cũng còn hơn nhiều người...”
A. Em đang nói kháy tôi đây. Dĩ nhiên bị xếp chung trong danh sách nhiều người theo cách em ví von thật ...mất mặt nam nhi. Mất ngủ mấy đêm liền, tôi âm thầm làm thơ tặng em. Có đụng chuyện mới biết, làm thơ quả thật không dễ dàng. Cũng nhìn trời trăng mây nước, cũng làm mặt buồn ngơ ngẩn như kẻ thất tình, cũng tập bắt chước như mấy ông anh rể, pha cà phê đen đậm, mơ màng nhìn từng giọt nước đen đặc nhểu xuống đáy ly, rồi nốc hết một hơi để có thể thức suốt đêm rình nàng thơ. Nhưng nàng thơ kiều diễm đó, chắc không có địa chỉ nhà tôi, nên chẳng bao giờ nàng ghé qua gõ cửa. Cuối cùng, sau mấy đêm rình rập, dù không gặp nàng thơ, tôi cũng sáng tác được một bài lục bát, theo rất đúng qui luật bằng trắc. Tuy chưa phải là xuất sắc lắm ( Có lẽ hơi... khiêm nhường chăng ?  ) Nhưng tôi cũng thầm phục cái đầu óc quá thi sĩ của mình. Té ra, tâm hồn tôi lâu nay cũng tiềm tàng hồn thơ phong phú mà mình không biết khai thác.
Để cho chắc ăn và cũng thử xem trình độ thưởng ngoạn thơ của em, tôi đưa cho em coi bài thơ sau khi nhờ con nhỏ em nắn nót chép ra giấy “ Của thằng bạn nhờ anh sửa dùm “
Bài thơ rằng “Thấy em chải tóc trước sân
                       Lòng anh chao đảo bần thần ngẩn ngơ
                       Đêm về gối mộng dệt mơ  
                       Nửa khuya trở giấc làm thơ tặng nàng
Bài thơ có mười sáu câu, mới đọc bốn câu đầu, em đã phá ra cười ngặt nghẽo “ Trời ơi là trời, thơ cú gì mà gượng ép quá. Eo ơi..” và mắt em lim dim “ Nàng mới chải tóc mà đã.. chao đảo, bần thần, ngẩn ngơ rồi...Không hiểu...Làm thơ kiểu anh chàng nầy, chắc mấy bà bán lược dẹp tiệm quá ! Còn em thì ...cạo đầu đi tu sớm..Thiện tai. Thiện tai. “
 Ê chề chưa. Thảm thiết chưa. Bài thơ nhức nhối đầu đời của mấy đêm thức trắng, đã chết tức tưởi không kịp đem mai táng. Tôi bẻ bút, thề không thèm làm thi sĩ, mặc em nói kháy.
“ Có nhiều người nhìn tướng tá thư sinh mà chẳng có một tí tẹo nào thi nhân hết”.” Kệ em.” tôi nhủ thầm.” Không làm thi sĩ ta đây lại tiếp tục làm vệ sĩ.”
Nhưng đôi khi, tôi thật sự không hiểu lắm tính tình của em.Nếu vô tình tôi khen một cô bé nào đó xinh xắn, hay khen một mái tóc đẹp, một tà áo dài thướt tha, thường là em làm thinh, đôi khi liếc xéo,rồi hất nhánh tóc,mím môi, rất ..khó hiểu.( !)
Lên Đại học, em theo Văn khoa và tôi vào Khoa học. Hai trường không cách xa là bao, nhưng thời gian đưa đón, chầu chực hết lớp, dẫn em đi dạo phố, ăn kem ngốn hết thời gian học của tôi. Bấy giờ, tôi phác giác ra rằng: Làm vệ sĩ  thú vị hơn là trở thành một anh cử nhân toán học. Trái tim tôi thường xuyên hồi hộp khi những anh chàng ngớ ngẩn nào đó, viết cho em hàng tá thư tình vẽ mũi tên xuyên thủng con tim máu chảy ròng ròng thật kinh hãi.. Có những tên ngốc hơn, tặng cho em hàng tá hoa hồng đắt tiền mà bản thân tôi, chưa bao giờ dám xài sang đến vậy.
Nhiều khi. em giận dỗi tôi với nhiều lý do lãng nhách. Nào là..” anh bắt em phải đợi lâu quá   (Mấy lúc đó tôi ngủ quên ) Đi xem phim anh toàn ..ngủ không à ! ( Biết làm gì bây giờ, nhiều phim hài hước vô duyên, có cù lét cũng không cười nỗi ) Em mặc áo đẹp mà anh chẳng thèm khen lấy một câu (Trời, sở thích của em về mầu sắc, kiểu cọ tôi đây đâu lạ lùng gì ! ) Em chưa thấy ai...tham ăn như anh (Bạn nghĩ sao? Đi nhà hàng để ăn hay để ..nhìn thức ăn? )
Những lúc mây mù che qua bầu trời lúc mưa lúc nắng, tôi nhớ em không sao tả xiết. Con tim khờ khạo bắt đầu cựa quậy, rên rỉ: “ Mày đang yêu đó “’ Yêu.Yêu. Lẽ nào tôi đã...? Yêu một con nhỏ không ngừng bắt nạt mình, từ hồi hỉ mũi chưa sạch cho đến mười mấy năm sau ? Chẳng lẽ trên cõi đời ô trọc nầy, không còn một người nữ nào khác để tôi yêu ? Đâu thể kết luận điều kiện ắt có và đủ dễ dàng như vậy ? Tình yêu phải đau khổ, thậm chí ...đổ lệ mới thấy được giá trị của nó. Như vậy, có thể kết luận rằng...Cái sự nhớ nhung đó chưa phải là tình yêu. Chỉ là thói quen tích tụ lâu ngày dày tháng.  Phải, có thế chứ.
Kết quả, mặc dù trăm nghìn lần nói rằng không yêu...Năm thứ hai đại học, người ta ung dung leo lên lớp kế tiếp, còn tôi đau khổ leo lên xe vào Thủ đức. Chín tháng quân trường, đời lính  dần kéo em khỏi tầm tay tôi. Nỗi nhớ thương theo tỉ lệ thuận càng lâu càng thấm . Nhớ em như nhớ một khoảng đời tuổi thơ đã đi qua. Góc hồn nhiên không âu lo như chiếc hộp chứa đầy kỷ niệm. Nỗi nhớ gần gũi như tên gọi mỗi góc đường, mỗi nơi chốn mà trong những giấc mơ, tiếng  cười em trong trẻo như giọt sương sớm tưới mát hồn tôi.Nhớ những ngón tay xinh thường nắm chặt tay tôi. Nhưng cái  nắm tay của tuổi thơ, thời mới lớn và lúc biết yêu chắc phải khác nhau, nhưng sao những giây phút ấy tôi không cảm nhận được cái điều kỳ diệu như vậy.... Suốt một chặng đường dài trải rộng, buồn vui giận hờn...Cái bóng kia. nhỏ bé mà lại ấm áp biết chừng nào.
Hai tháng đầu ở quân trường, tuần nào em cũng lễ mễ, tay xách nách mang chờ đợi thăm nuôi. Em thường cười tủm tỉm khi cái thằng tôi từ đầu chí cuối, trừ vài câu hỏi han sức khỏe
chăm chỉ đánh chén hết ngần ấy thứ thức ăn, luôn miệng khen ngon rối rít. Hết giờ thăm nuôi, nhìn lại chỗ em vừa bỏ đi, mới thấy tiếc rẻ những giây phút có nhau, lòng tự trách mình sao quá vô tâm...Nhưng rồi lần sau, lần sau nữa...  vẫn là những câu hỏi han thời tiết bâng quơ, và tôi, bổn cũ soạn lại, không hứa hẹn chiều hướng thay đổi khá hơn..
Kể ra ông trời cũng rành rẽ luật bù trừ. Hồi nhỏ em hay lấn lướt giành ăn, quà bánh ngon lần lượt chạy qua túi của em. Lớn lên, bao của ngon vật lạ, nhất nhất em đều đưa đẩy cho tôi. Em muốn giữ eo thon .”Em sợ biến thành thùng phi biết đi “
Đôi khi, tôi muốn bắt chước mấy thằng bạn cùng khóa, ngồi cạnh người yêu, mắt trong mắt, tay trong tay đắm đuối, lùa hơi thở nhau và...hôn nhau ( Trời! Tuyệt vời ) Nhưng làm sao có thể... nếu không có lý do, lớ ngớ thộn mặt chỉ làm em thêm...chết cười vì đau bụng.
Bây giờ tôi mới biết. Tỏ tình không phải là chuyện đơn giản.Tôi thiệt phục mấy thằng bạn văn chương, trong bụng cả một bầu pho tán gái, thằng khác một bụng thơ tình nữa. Chỉ đọc vài đoạn thơ tình ướt át là các cô bé đã phải lòng rồi.
Tôi chưa mãn khóa học, em đã bỏ trường , rời thành phố về làng cũ. Cặp mắt nheo nheo  nửa đùa nửa thật “ Em chán học rồi. Với lại...má muốn lên chức bà ngoại...”
Tôi mất hút em, phủ phàng đành đoạn như một cậu bé đang ngậm viên kẹo ngọt bị đứa khác giật mất. Hương vị ngọt ngào chưa tan đầu lưỡi bỗng trở thành đắng nghét không thua gì viên thuốc trụ sinh. Đôi khi ngẩn ngơ nhìn lại mớ hành trang vào đời... Không một kỷ vật, một dấu tích nào mang bóng dáng em.
Nhưng đâu hề gì. Cái bóng dễ thương kia,bao năm ,vẫn nằm yên ắng  trong tim tôi, dù nhỏ bé nhưng vẫn luôn chiếm một vị trí rất đặc biệt vừa yêu thương vừa ấm áp mà đôi khi, chính chủ nhân của nó cũng không hề nhận ra.
Nó, là hơi thở, là mạch máu nuôi trái tim tôi.
Một chiều cuối đông, đâu khoảng năm 71, 72 gì đó, tôi được thư em sau gần một năm trời bóng chim tăm cá. Thư viết cụt ngủn, đếm đủ bảy chữ. ( Không hiểu tại sao với mớ chữ nghĩa tiết kiệm như vậy, em ngồi ở Văn Khoa đến hơn hai năm liền ).
Thư rằng “ Sẽ lên thăm anh. Gặp sẽ rõ “.
Gặp em, sau một thời gian dài xa nhau, tôi mừng mừng tủi tủi. Muốn ôm chặt lấy em, muốn nói với em những câu nhớ thương não nùng tha thiết mà mình hằng để dành ấp ủ...Ôi. Tình yêu. Phải. Đây mới thực sự là tình yêu vì tôi đã gậm nhấm nỗi thương nhớ suốt một chặng đường dài hơn tôi tưởng tượng..” Nhỏ ơi, anh yêu em, anh sẽ..”
“Anh sao vậy . Bịnh hả ?” Em cười nụ hóm hỉnh
“Không, anh..”
Tôi tự xỉ vả cái tính bộp chộp của mình.  Bao nhiêu lời hay ý đẹp, bao nhiêu hoa thơm cỏ lạ tích trữ sưu tầm bấy lâu đã vụt bay như diều đứt giây.
Và cũng y chang như những ngày xưa thân ái, tôi chăm chỉ ( quá sức vô duyên ) ăn một mạch những thức ăn em mang từ quê lên...Bánh nếp đậu xanh nước dừa, bánh ú nhân thịt mỡ, bánh nậm, bánh ít lá dứa...loại nào cũng ngon, nếp mới dẻo quẹo và thơm lựng...
Mắt nhìn tôi ranh mãnh, em hỏi :
“ Ngon không anh ?”
“ Ngon lắm. Còn nữa không ?” ( Thật là thằng không biết điều )
“ Đơn vị anh có ...thuốc xổ không ?”
Giọng tôi hờn mát :
-“À..à..là em muốn nói anh tham ăn chứ gì ?”
Em cười, lắc đầu. Bây giờ nhìn kỹ , tôi mới nhận ra , hai năm không gặp em thay đổi biết là bao nhiêu. Xinh hơn,  duyên dáng hơn nhưng ánh mắt tinh nghịch khi nhìn tôi luôn kèm nụ cười tủm tỉm thì không xê dịch một chút nào.
Chợt nhớ chưa thực hiện thủ tục thăm hỏi, tôi mau mắn :
“Má có khỏe không ?”
“Má ai ? Anh hỏi má em hay má anh ?”
“..Ơ.. cả hai.”
“Vẫn khỏe.”
“Còn chị Hai, chị Ba với mấy ông anh rễ của anh ?”
“Vẫn vậy.”
“Cô dượng Bảy với cô gì đó...”
“Cũng thường”.
“Còn mấy đứa cháu, thằng Tèo, con..”
Em nói một mạch
“Thằng Tèo, thằng Chuột, con Xí nhỏ cháu của anh. Con Ti, thằng Tí, thằng Tình, con Bê cháu của em.., Khỏe. Khỏe hết. Anh muốn hỏi ai nữa ? Coi còn thiếu ai tiện thể hỏi luôn một lần cho khỏi mất công trả lời. Ai đời... chuyện cần biết lại không hỏi., toàn nói…lung tung.”
Vòng chân mày nhíu gắt với khuôn mặt hơi cúi xuống nên tôi không đoán được em đang nghĩ gì, nhưng, chuyện cần biết mà em nói chắc  là  trọng đại lắm nên em mới cất công đi tìm tôi. Ừ nhỉ, tại sao mình không nghĩ ra điều đó sớm hơn ? Hai năm không gặp, biết bao điều thay đổi...
Một khoảng yên lặng khá lâu. Em sửa lại thế ngồi: :
“Anh chẳng thay đổi một chút nào”
“Thì anh..”
“Em hỏi thiệt. Xa em anh có buồn không ?”
“Dĩ nhiên là buồn rồi.”
“Buồn như thế nào ?”
“À, buồn là...nhớ”
“Nhớ ...cỡ nào ?”
Thật khó trả lời. Chẳng lẽ nói rằng “ Trên trời có bao nhiêu vì tinh tú thì anh nhớ em bấy nhiêu” hay” Anh nhớ em, nỗi nhớ mênh mông hơn đại dương, thăm thẳm hơn bầu trời” Những lời lẽ đại loại như vậy thật tình tôi có nghĩ tới, nhưng nó lại quá văn hoa không thực tế với bản tính của tôi, hơn nữa, nói chưa hết câu cũng chỉ làm em thêm tức cười mà thôi.
Thấy gương mặt em có vẻ không vui, tôi giả lả :
“Có chuyện gì mà em..”
“Anh à. Em nói thiệt. Nếu em đi thật xa, anh gặp nhưng coi như cũng không gặp., anh có buồn không ?”
Thật bí hiểm. Tôi cau mày ra chiều đăm chiêu mà thực ra, trong bụng phân vân không hiểu em muốn ám chỉ điều gì.
“À...cái đó...cái đó.”.
“ Cái đó thì sao ?”
“À, là vì..”
Cái giọng chanh chua hệt như hồi em còn nhỏ :
“ À, là, vì, bởi, tại, mà, cho nên...-và nhấn mạnh từng chữ một- Em sắp lấy chồng, anh hiểu chưa ?”
“Sao..sa..o .” Giọng tôi chợt đổi tần số cà lăm. Đầu óc xây xẩm ,mắt nổ đom đóm, tưởng chừng sắp té lăn đùng xuống ghế. Tròi ơi, sao em có thể thốt ra những lời nói tàn nhẫn như vậy, đâu khác chi giết chết thêm nửa hồn còn lại thương đau. Đang khi tôi còn bàng hoàng, em nói liền một hơi :
“ Em đã lớn tuổi rồi, không lấy chồng bà con hàng xóm nói già kén chọn hom..”
“Bộ em lấy chồng vì...hàng xóm sao ?”
“ Anh vô duyên. Ờ, mà phải. Ai hỏi thì em ưng”
“ Thằng nào hỏi em ?”
“Anh hỏi làm gì ? Để đánh họ à ?”
“Khộng”.- Câu hỏi của em làm tôi lúng túng-“ Hỏi cho ... Tại sao nó muốn lấy em ?”
“Hả. Cái anh nầy mới là kỳ cục, anh có giỏi về mà hỏi họ đi, dĩ nhiên họ có thương mới cưới em chứ.”
“Chừng nào cưới ?”
Em cười nụ bí ẩn:
“Cưới vợ phải cưới liền tay...Anh có về không ?”
Cõi lòng tôi tê tái như  bị móng tay nhọn vuốt của em cào cấu tan nát. Gương mặt hí hửng như ta đây sắp được lấy chồng. Tôi căm thù cái thằng trời đánh nào đó, đã tước đoạt người yêu bé nhỏ của tôi, giật đành đoạn niềm hạnh phúc quí báu mà tôi luôn nghĩ rằng, nó chỉ duy nhất thuộc về mình. Chẳng lẽ tôi sẽ vĩnh viễn mất em ? Chẳng lẽ cái tình yêu  đã dành cho em hằng bao năm trời, trong phúc chốc, đành đổ sông đổ biển ? Chẳng lẽ...
Trái tim tôi thổn thức :
“Em nói cho anh biết đi. Em có thương tên đó không ?”
Cặp mắt em nhìn tôi trân trối. Một vòng ngấn nước, một chút tủi thân. Cánh môi mím chặt như những lúc em giận hờn, phật ý, nụ đồng tiền sâu hơn.. Rồi nước mắt từ khóe mi đổ xuống, đổ xuống...Những giọt nước mắt từ gương mặt thanh tú làm trái tim tôi như òa vỡ hạnh phúc, và tràn trề can đảm..Tôi áp bàn tay mình vào mấy ngón tay em nhỏ nhắn, nóng hổi :
“Anh yêu em, nhỏ ơi “.
“Yêu. Yêu...Sao bây giờ anh mới chịu nói.”
“ Anh yêu em từ hồi mình còn nhỏ xíu, đâu phải đợi đến bây giờ..”
“Làm sao em biết được”
“Anh nghĩ là em hiểu.”
“Em ngu lắm. Chẳng hiểu gì hết.”
Và dí ngón tay vào trán tôi, kèm theo đuôi mắt ranh mãnh:
“ Mãi tới bây giờ mới chịu nói yêu em. Cho anh biết, nếu hôm nay anh không  mở miệng, em đi lấy chồng luôn, chẳng thèm đợi anh nữa. Trời ạ, người ta đợi ba chữ nầy suốt mấy năm trời...thì ra...thì ra..anh cũng biết yêu há !”
Đó. Chuyện tình giữa em và tôi bắt đầu và kết thúc như vậy. Đơn giản êm ả như thời tiết bốn mùa trong lẽ vô thường.. Nhẩm tính lại sổ đời, hình như tôi chưa quen biết một người con gái nào, ...ngoài em. Tựa như ông trời trớ trêu ấn em vào tay tôi, sau khi vạch một chữ thập trên trán với lời ban ơn “ Mày chỉ được lấy nó mà thôi “
Nghỉ một tuần phép, tôi từ đơn vị về quê cưới vợ. Bà con nội ngoại chẳng ai ngạc nhiên khi nghe tôi cưới em. Y tuồng rằng, thằng tôi trước sau gì cũng rước em về , không sớm thì muộn.Đám cưới linh đình đủ mặt bá quan văn võ. Con nít chạy theo cô dâu chú rễ, không phải để trầm trồ cô dâu xinh đẹp, mà để nhặt  pháo lép.Bà con họ hàng hể hả chúc má tôi mau có cháu đích tôn bồng bế. Chỉ tội cho đám gà, vịt, heo bò bỗng nhiên ngã lăn ra chết  mà chẳng kịp hiểu tại sao.
Bà mẹ vợ đứng cạnh, không ngừng kéo vạt áo khóc sụt sùi ngó thật sầu não. Tôi không hiểu tại sao bà lại khóc, chắc không phải vì sợ con gái mình “ Trao duyên lầm tướng cướp” rồi. Từ nhỏ đến lớn, bà biết em bao giờ cũng giành phần hơn tôi, thậm chí còn ...lấn lướt làm mình làm mẩy khi hữu sư. Hay là bà khóc vì thương cái thằng rễ quí, hiền lành chơn chất mà cái nghề nghiệp nhà binh không đủ để lo cho cô con gái rượu ?
Bây giờ cũng vậy, dù đã bao nhiêu năm chung sống, em của tôi cũng y hệt như hồi còn nhỏ. Giận hờn, khóc đó rồi cười đó. Hình như ông trời không bắt em già đi bao nhiêu. Chỉ riêng tôi, tuổi đời còn...non trẻ mà đã gần giống lão ngoan đồng, tay chân chưa trái gió trở trời đã muốn kêu răng rắc. Em của tôi, vẫn miệng cười tủm tỉm mỗi khi tôi xì xà xì xụp tô phở nóng, cũng câu giận dỗi..” Phải mà, em ngu lắm, chẳng biết gì hết “ Cũng cái lắc đầu bướng bỉnh “ “em ghét, em không ưa...” Nhưng đặc biệt, không bao giờ nghe em nói “ Em ghét ..giữ tiền của anh “ Về cái khoản nầy phải công nhận rằng, em tôi có một trí nhớ hơn người. Chẳng cần học qua một khóa kế toán nào, chẳng cần phải xử dụng đến máy tính, cộng trừ nhân chia, số chẳn số lẻ, đồng to đồng nhỏ...Check vào nhà băng, chi tiêu sắm sửa, chẳng cần phải coi account balances, nhắm mắt em cũng biết checking, saving còn bao nhiêu .. Đáng lẽ em nên học về ngân hàng thay vì làm nghề gõ đầu trẻ.
Nhưng dù sao đi nữa, qua bao năm chung sống, tôi nghiệm ra rằng. Em chính là cái xương sườn của tôi mà thuở khai thiên lập địa, Thượng Đế đã cố ý làm thất lạc. Ông trời công bằng lắm. Bù đắp thiếu thừa không sót mảy may. Voltaire nói. “ Thượng đế tạo ra người đàn bà để bù đắp và thuần hóa người đàn ông.” Thử ngẫm nghĩ. nếu cuộc sống tôi mà không có em thì buồn bã và vô vị đến dường nào.
Đàn bà... Người ta không lầm khi nói rằng người đàn bà là một nửa của người đàn ông. Vì, khi người đàn ông có vợ, họ chỉ còn là...một nửa mà thôi !
-          

-          
-