Sunday, December 6, 2015




Chuyện Em và Tôi.

 Em là một sinh vật dễ thương. Người nữ mà tôi yêu thương nhất  nhưng cũng là người tôi “căm thù” nhất. Không căm thù sao được khi em đã tàn nhẫn tước đoạt quyền tự do của gã đàn ông độc thân, rồi đem nhốt vào lồng son êm ái với giọng mật ngọt tẩm đường chết người, nhưng cũng nhanh chóng pha hàng tấn chanh chua ( loại chanh ít hột, vỏ mỏng dính để ngâm chanh muối ) nếu đôi khi lầm lỡ làm phật lòng em.Nên, đôi khi tôi kết luận, mình thuộc họ nhà Chanh thì phải.
Tôi nhớ. Ở cái tuổi nhóc tì bé xíu xiu, ông trời đã rắn mắt gieo cho em cái mầm mống được quyền bắt nạt tôi, không thua gì mấy bà chị ở nhà thuộc loại chằng ăn trăn cuốn, cũng lớp lang bài bản, từ slow đến paso...Vậy mà chưa bao giờ tôi giận em được lâu. Thật quái gở.Chắc má tôi sẽ buồn lắm nếu bà biết, đã sinh ra một thằng tôi ngu ngốc như vậy.
Tuổi nhỏ. Em thích chơi trò đưa đám ma hàng lũ côn trùng kiến, dế, chim, bướm...Trong khi tôi hì hục đào lỗ, moi đất, em lúi húi trồng hoa. Em bắt chước người lớn, khóc tỉ tê, kể lể, không ngừng kéo vạt áo tôi hỉ mũi (!). Vừa khóc, em vừa hối tôi đốt nhang lạy xì xụp, vái cho đến tàn cây nhang để chúng mau lên thiên đàng. Em nói vậy.
Chơi trò chia phe hai bên đánh nhau,  luôn luôn em giành làm kỵ sĩ. Kỵ sĩ  giả que làm kiếm, hò hét y hệt nữ tướng xung trận. Em thúc ngựa tả xung hữu đột, đôi khi quên mất thằng ngựa là tôi, nữ tướng nắm tóc, quật que vào mông ngựa. Đau đến nỗi một đôi lần,ngựa hất tung nữ kỵ sỹ. Tàn chiến cuộc, em khóc ỉ ôi không làm sao mà dỗ được.
Đến tuổi bắt đầu đi học, nhiệm vụ của tôi phải đi kèm, bênh vực em khi bị trẻ con bắt nạt.
Hầu như em không thích cầm bất cứ một thứ linh tinh nào khác, ngoại trừ phần quà sáng của tôi như ...gói xôi, khúc bánh mì, túi kẹo, hoặc nhẹ nhàng hơn, mấy tờ tiền giấy mà ký cóp mãi, tôi mới để dành được. “Em phải giữ...dùm cho anh, không thôi chẳng còn đồng nào. Anh hay làm mất tiền lắm.” ( Cũng thật oan ông địa. Có bao giờ tôi được giữ tiền đâu mà còn với mất ). Hình như từ lúc ấy cho cả đến bây giờ, cái lý luận  rất là logic ấy vẫn không hề có chiều hướng thay đổi. Luôn luôn một câu chắc nịch: “ Em phải giữ tiền dùm cho anh “ Không sót một chữ nào !
Mùa mưa, vào những ngày hè, lũ con trai chúng tôi thường trốn ngủ trưa, rủ nhau ra đồng bắt dế.Trong khi tôi lom khom tìm hang dế, vạch từng kẽ đá, đụn rơm vồ chụp mấy chú dế than, dế lửa...em thường lẽo đẽo ôm hộp đựng dế theo sau. Cũng vỗ tay xuýt xoa khi mấy con dế lửa kè nanh, xù cánh quyết chiến giành phần thắng. Chiến lợi phẩm tịch phu từ phía địch quân được phân chia rõ ràng. Em độc quyền chiếm giữ ... kẹo bánh, giây thun... Những bao thuốc lá bạc cán dẹp xếp vuông vức tính bằng tiền hoặc mấy đồng nắp ken thì dành ưu tiên cho sở thích của đấng ...nam nhi. Thật..logic.
Mùa nắng. Em rủ tôi vào rừng bắt bướm. Bướm bay chập chờn không cao lắm nhưng đâu dễ mà túm được. Với cái vợt lưới, tôi rình rập, bò rạch từng bụi rậm, đến nỗi, quần áo rách tả tơi sướt đầy gai nhọn. Bao giờ về nhà, mẹ cũng thương tình cho vài cái quật vào mông, mấy bà chị lớn được dịp xỉa xói,  chì chiết khi phải căng mắt mạng từng lỗ rách.
Bướm bắt về, em ưu ái ép đầy trang sách. Những ngày đầu, suốt ngày em giở tới giở lui săm soi ngắm nghía. Rồi âu yếm đặt tên cho chúng. Nào là: Ngọc tía, hoàng hậu, hồng lan, thiên thanh, bạch cúc...Đến khi chán chê, sực nhớ giết hại côn trùng là có tội, nên vì sợ phải sa hỏa ngục, em đem ngần ấy công lao của tôi ( chưa kể phần mông bị đòn ê ẩm ) đào lỗ chôn tập thể. Em thành khẩn thắp nhang khấn vái, sau nầy Chúa nhớ cho em được lên nước Thiên đàng.
Bắt đầu  trung học đệ nhị cấp, em tập tành bắt chước mấy bà chị trời ơi đất hỡi của tôi, nghĩa là, sửa sang điệu bộ, áo dài trắng ủi tới ủi lui, tóc cột nơ xanh đỏ, quai guốc tím hồng vẽ hoa lá cầu kỳ, mỗi ngày một mầu rất khó hiểu. Ngày nào đợi em đi học, vào lớp, thầy cô giáo cũng bắt phạt đứng trước cửa lớp hoặc thương tình hơn thì trừ vài điểm cái tội đi trễ.
Một mình em, tôi đã quá mệt, nay lại thêm một lũ bạn gái mới, đâu chừng năm, sáu đứa gì đó, cũng xí xọn như em. Nhưng bù lại, con bé nào mặt mày cũng ngồ ngộ, sáng sủa. Nhiệm vụ của tôi bây giờ thập phần đa đoan, nhưng không kém phần quan trọng : Giữ chừng ấy cặp sách cho đám tiểu yêu, giàn hòa khi các cô bé giận nhau. Cái phần quà sáng  vốn dĩ đã khiêm nhường của tôi lại bị nhanh chóng rút gọn thảm thương.
Càng lớn em càng xinh đẹp. Răng khểnh. Miệng chưa cười nụ đồng tiền đã lấp ló. Tóc gội bồ kết nhỏ chanh nên lúc nào cũng thơm óng mượt. Nhưng chỉ thay đổi ở hình thức, còn tính tình thì vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều cái đuôi choai choai đã bắt đầu thập thò dòm ngó. Nhưng dần dần đều phải rút lui trong vòng trật tự vì chúng không ưa cái bộ mặt hãm tài đưa đám của tôi.
Ngoài nhiệm vụ làm vệ sĩ, tôi còn kiêm thêm công việc edit cho những bài luận văn của em. Thử tưởng tượng, trong khi tôi gò lưng, vò đầu, bức tai tìm mở bài, thân bài, kết luận... thì tiểu thư ngồi đó, ung  dung như những kẻ nhàn rỗi nhất trên đời, cắn móng tay hoặc chống cằm ra chiều tư lự. May mà nét chữ khác nhau, nếu không, tôi sẽ được ưu tiên đặc trách nhiệm vụ thư ký riêng mà chẳng biết bao giờ mới được cấp phép vacation.
Tôi thích một cô bé trong đám tiểu yêu nữ. Cô xinh xắn không kém gì em, rất hiền lành lại thảo ăn. Có bánh kẹo ngon, cô thường dấm dúi để dành cho tôi. Mỗi khi tôi bị đồng bọn bắt nạt, cô bé thường an ủi bằng tia mắt buồn buồn lo lắng. Mối cảm tình dành cho tiểu yêu nữ kia chưa kịp nhen nhúm, đã chợp lụi tàn khi em tuyên bố” Em không thích anh hay cà rà với bạn em.” ( Trời đất, tôi không hiểu chính xác chữ cà rà nghĩa là gì nữa) Dĩ nhiên.Trái tim tôi non trẻ đành đau khổ chấp nhận cái điều không ưa, không thích của em và đám tiểu yêu kia, ngày nọ, không còn thấy tăm hơi cô bé rất dễ thương của tôi nữa.
Năm đệ tam. Em theo ban C, và tôi, cái thằng văn chương không đầy một túi bèn leo vào ngồi ban B. Giờ học khộng trùng nhau, không cùng lớp, đáng lẽ tôi có thể từ chức vệ sỹ, vậy mà không hiểu tại sao, Vẫn y chang hình ảnh cũ, ngày ngày tôi vẫn đứng đợi em, đưa đón nhau về, lại có phần hăng hái thái quá.
Có một cái đuôi khá...lì lợm. Nó cũng trạc tuổi tôi, nhưng ngó bộ đẹp trai hơn ( từ thuở cha sinh mẹ đẻ, chưa nghe ai khen tôi thuộc loại đẹp trai !Lạ  quá.) Cái đuôi nầy đi đứng lừng lững, là nó cố ý ra vẻ nghệ sĩ đấy thôi, tôi còn lạ gì cách sửa bộ của mấy tên hỉ mủi chưa sạch nữa. Nhưng nó hơn tôi ở chỗ cặp mắt có thêm gọng kính cận, nên công tâm mà nói, ngó cũng không tệ. Trồng cây si, nó tập tểnh làm thơ tình. Thơ nắn nót vẽ vời mặt trăng, mặt trời trên giấy tím giấy hồng, ngoài bì thơ họa thêm mấy cành hoa hay bươm bướm ngó thiệt ngứa mắt. Những bài thơ viết tay mà chắc nó phải gò lưng nắn nót suốt cả đêm mới xong. (Trời, tội cho cha mẹ nó, đâu biết con mình mới nứt mắt đã biết mê gái ) Mỗi bài thơ gửi cho em, đều có một đề  tựa rất ướt át “ Có phải em là mùa thu. Tình anh như ngàn sóng ( Khó hiểu ) Đừng lay anh nhé ( Chắc nó hay ngủ gục ) Tiểu thơ của tình anh mới lớn..v..v..” Đó là những bài thơ sướt mướt màu đông, rực lửa mùa hạ, triền miên mùa thu...làm tự ái tôi bị chà đạp ghê gớm. Đến nỗi, tôi đã nhiều lần rủa thầm.” Trời đã sinh ra ta, không hiểu sao lại nặn thêm chi cái thằng trời đánh đó “
Có lẽ em cũng ...ghét nó như tôi, nên mỗi khi đưa cho tôi xem những bài thơ tỏ tình của nó, em thường lơ đễnh ném...vào cặp, phê bình bâng quơ “ Làm thơ dở ẹt mà cũng bày đặt” Rồi ném thêm mấy câu vô thưởng vô phạt “ Nhưng cũng còn hơn nhiều người...”
A. Em đang nói kháy tôi đây. Dĩ nhiên bị xếp chung trong danh sách nhiều người theo cách em ví von thật ...mất mặt nam nhi. Mất ngủ mấy đêm liền, tôi âm thầm làm thơ tặng em. Có đụng chuyện mới biết, làm thơ quả thật không dễ dàng. Cũng nhìn trời trăng mây nước, cũng làm mặt buồn ngơ ngẩn như kẻ thất tình, cũng tập bắt chước như mấy ông anh rể, pha cà phê đen đậm, mơ màng nhìn từng giọt nước đen đặc nhểu xuống đáy ly, rồi nốc hết một hơi để có thể thức suốt đêm rình nàng thơ. Nhưng nàng thơ kiều diễm đó, chắc không có địa chỉ nhà tôi, nên chẳng bao giờ nàng ghé qua gõ cửa. Cuối cùng, sau mấy đêm rình rập, dù không gặp nàng thơ, tôi cũng sáng tác được một bài lục bát, theo rất đúng qui luật bằng trắc. Tuy chưa phải là xuất sắc lắm ( Có lẽ hơi... khiêm nhường chăng ?  ) Nhưng tôi cũng thầm phục cái đầu óc quá thi sĩ của mình. Té ra, tâm hồn tôi lâu nay cũng tiềm tàng hồn thơ phong phú mà mình không biết khai thác.
Để cho chắc ăn và cũng thử xem trình độ thưởng ngoạn thơ của em, tôi đưa cho em coi bài thơ sau khi nhờ con nhỏ em nắn nót chép ra giấy “ Của thằng bạn nhờ anh sửa dùm “
Bài thơ rằng “Thấy em chải tóc trước sân
                       Lòng anh chao đảo bần thần ngẩn ngơ
                       Đêm về gối mộng dệt mơ  
                       Nửa khuya trở giấc làm thơ tặng nàng
Bài thơ có mười sáu câu, mới đọc bốn câu đầu, em đã phá ra cười ngặt nghẽo “ Trời ơi là trời, thơ cú gì mà gượng ép quá. Eo ơi..” và mắt em lim dim “ Nàng mới chải tóc mà đã.. chao đảo, bần thần, ngẩn ngơ rồi...Không hiểu...Làm thơ kiểu anh chàng nầy, chắc mấy bà bán lược dẹp tiệm quá ! Còn em thì ...cạo đầu đi tu sớm..Thiện tai. Thiện tai. “
 Ê chề chưa. Thảm thiết chưa. Bài thơ nhức nhối đầu đời của mấy đêm thức trắng, đã chết tức tưởi không kịp đem mai táng. Tôi bẻ bút, thề không thèm làm thi sĩ, mặc em nói kháy.
“ Có nhiều người nhìn tướng tá thư sinh mà chẳng có một tí tẹo nào thi nhân hết”.” Kệ em.” tôi nhủ thầm.” Không làm thi sĩ ta đây lại tiếp tục làm vệ sĩ.”
Nhưng đôi khi, tôi thật sự không hiểu lắm tính tình của em.Nếu vô tình tôi khen một cô bé nào đó xinh xắn, hay khen một mái tóc đẹp, một tà áo dài thướt tha, thường là em làm thinh, đôi khi liếc xéo,rồi hất nhánh tóc,mím môi, rất ..khó hiểu.( !)
Lên Đại học, em theo Văn khoa và tôi vào Khoa học. Hai trường không cách xa là bao, nhưng thời gian đưa đón, chầu chực hết lớp, dẫn em đi dạo phố, ăn kem ngốn hết thời gian học của tôi. Bấy giờ, tôi phác giác ra rằng: Làm vệ sĩ  thú vị hơn là trở thành một anh cử nhân toán học. Trái tim tôi thường xuyên hồi hộp khi những anh chàng ngớ ngẩn nào đó, viết cho em hàng tá thư tình vẽ mũi tên xuyên thủng con tim máu chảy ròng ròng thật kinh hãi.. Có những tên ngốc hơn, tặng cho em hàng tá hoa hồng đắt tiền mà bản thân tôi, chưa bao giờ dám xài sang đến vậy.
Nhiều khi. em giận dỗi tôi với nhiều lý do lãng nhách. Nào là..” anh bắt em phải đợi lâu quá   (Mấy lúc đó tôi ngủ quên ) Đi xem phim anh toàn ..ngủ không à ! ( Biết làm gì bây giờ, nhiều phim hài hước vô duyên, có cù lét cũng không cười nỗi ) Em mặc áo đẹp mà anh chẳng thèm khen lấy một câu (Trời, sở thích của em về mầu sắc, kiểu cọ tôi đây đâu lạ lùng gì ! ) Em chưa thấy ai...tham ăn như anh (Bạn nghĩ sao? Đi nhà hàng để ăn hay để ..nhìn thức ăn? )
Những lúc mây mù che qua bầu trời lúc mưa lúc nắng, tôi nhớ em không sao tả xiết. Con tim khờ khạo bắt đầu cựa quậy, rên rỉ: “ Mày đang yêu đó “’ Yêu.Yêu. Lẽ nào tôi đã...? Yêu một con nhỏ không ngừng bắt nạt mình, từ hồi hỉ mũi chưa sạch cho đến mười mấy năm sau ? Chẳng lẽ trên cõi đời ô trọc nầy, không còn một người nữ nào khác để tôi yêu ? Đâu thể kết luận điều kiện ắt có và đủ dễ dàng như vậy ? Tình yêu phải đau khổ, thậm chí ...đổ lệ mới thấy được giá trị của nó. Như vậy, có thể kết luận rằng...Cái sự nhớ nhung đó chưa phải là tình yêu. Chỉ là thói quen tích tụ lâu ngày dày tháng.  Phải, có thế chứ.
Kết quả, mặc dù trăm nghìn lần nói rằng không yêu...Năm thứ hai đại học, người ta ung dung leo lên lớp kế tiếp, còn tôi đau khổ leo lên xe vào Thủ đức. Chín tháng quân trường, đời lính  dần kéo em khỏi tầm tay tôi. Nỗi nhớ thương theo tỉ lệ thuận càng lâu càng thấm . Nhớ em như nhớ một khoảng đời tuổi thơ đã đi qua. Góc hồn nhiên không âu lo như chiếc hộp chứa đầy kỷ niệm. Nỗi nhớ gần gũi như tên gọi mỗi góc đường, mỗi nơi chốn mà trong những giấc mơ, tiếng  cười em trong trẻo như giọt sương sớm tưới mát hồn tôi.Nhớ những ngón tay xinh thường nắm chặt tay tôi. Nhưng cái  nắm tay của tuổi thơ, thời mới lớn và lúc biết yêu chắc phải khác nhau, nhưng sao những giây phút ấy tôi không cảm nhận được cái điều kỳ diệu như vậy.... Suốt một chặng đường dài trải rộng, buồn vui giận hờn...Cái bóng kia. nhỏ bé mà lại ấm áp biết chừng nào.
Hai tháng đầu ở quân trường, tuần nào em cũng lễ mễ, tay xách nách mang chờ đợi thăm nuôi. Em thường cười tủm tỉm khi cái thằng tôi từ đầu chí cuối, trừ vài câu hỏi han sức khỏe
chăm chỉ đánh chén hết ngần ấy thứ thức ăn, luôn miệng khen ngon rối rít. Hết giờ thăm nuôi, nhìn lại chỗ em vừa bỏ đi, mới thấy tiếc rẻ những giây phút có nhau, lòng tự trách mình sao quá vô tâm...Nhưng rồi lần sau, lần sau nữa...  vẫn là những câu hỏi han thời tiết bâng quơ, và tôi, bổn cũ soạn lại, không hứa hẹn chiều hướng thay đổi khá hơn..
Kể ra ông trời cũng rành rẽ luật bù trừ. Hồi nhỏ em hay lấn lướt giành ăn, quà bánh ngon lần lượt chạy qua túi của em. Lớn lên, bao của ngon vật lạ, nhất nhất em đều đưa đẩy cho tôi. Em muốn giữ eo thon .”Em sợ biến thành thùng phi biết đi “
Đôi khi, tôi muốn bắt chước mấy thằng bạn cùng khóa, ngồi cạnh người yêu, mắt trong mắt, tay trong tay đắm đuối, lùa hơi thở nhau và...hôn nhau ( Trời! Tuyệt vời ) Nhưng làm sao có thể... nếu không có lý do, lớ ngớ thộn mặt chỉ làm em thêm...chết cười vì đau bụng.
Bây giờ tôi mới biết. Tỏ tình không phải là chuyện đơn giản.Tôi thiệt phục mấy thằng bạn văn chương, trong bụng cả một bầu pho tán gái, thằng khác một bụng thơ tình nữa. Chỉ đọc vài đoạn thơ tình ướt át là các cô bé đã phải lòng rồi.
Tôi chưa mãn khóa học, em đã bỏ trường , rời thành phố về làng cũ. Cặp mắt nheo nheo  nửa đùa nửa thật “ Em chán học rồi. Với lại...má muốn lên chức bà ngoại...”
Tôi mất hút em, phủ phàng đành đoạn như một cậu bé đang ngậm viên kẹo ngọt bị đứa khác giật mất. Hương vị ngọt ngào chưa tan đầu lưỡi bỗng trở thành đắng nghét không thua gì viên thuốc trụ sinh. Đôi khi ngẩn ngơ nhìn lại mớ hành trang vào đời... Không một kỷ vật, một dấu tích nào mang bóng dáng em.
Nhưng đâu hề gì. Cái bóng dễ thương kia,bao năm ,vẫn nằm yên ắng  trong tim tôi, dù nhỏ bé nhưng vẫn luôn chiếm một vị trí rất đặc biệt vừa yêu thương vừa ấm áp mà đôi khi, chính chủ nhân của nó cũng không hề nhận ra.
Nó, là hơi thở, là mạch máu nuôi trái tim tôi.
Một chiều cuối đông, đâu khoảng năm 71, 72 gì đó, tôi được thư em sau gần một năm trời bóng chim tăm cá. Thư viết cụt ngủn, đếm đủ bảy chữ. ( Không hiểu tại sao với mớ chữ nghĩa tiết kiệm như vậy, em ngồi ở Văn Khoa đến hơn hai năm liền ).
Thư rằng “ Sẽ lên thăm anh. Gặp sẽ rõ “.
Gặp em, sau một thời gian dài xa nhau, tôi mừng mừng tủi tủi. Muốn ôm chặt lấy em, muốn nói với em những câu nhớ thương não nùng tha thiết mà mình hằng để dành ấp ủ...Ôi. Tình yêu. Phải. Đây mới thực sự là tình yêu vì tôi đã gậm nhấm nỗi thương nhớ suốt một chặng đường dài hơn tôi tưởng tượng..” Nhỏ ơi, anh yêu em, anh sẽ..”
“Anh sao vậy . Bịnh hả ?” Em cười nụ hóm hỉnh
“Không, anh..”
Tôi tự xỉ vả cái tính bộp chộp của mình.  Bao nhiêu lời hay ý đẹp, bao nhiêu hoa thơm cỏ lạ tích trữ sưu tầm bấy lâu đã vụt bay như diều đứt giây.
Và cũng y chang như những ngày xưa thân ái, tôi chăm chỉ ( quá sức vô duyên ) ăn một mạch những thức ăn em mang từ quê lên...Bánh nếp đậu xanh nước dừa, bánh ú nhân thịt mỡ, bánh nậm, bánh ít lá dứa...loại nào cũng ngon, nếp mới dẻo quẹo và thơm lựng...
Mắt nhìn tôi ranh mãnh, em hỏi :
“ Ngon không anh ?”
“ Ngon lắm. Còn nữa không ?” ( Thật là thằng không biết điều )
“ Đơn vị anh có ...thuốc xổ không ?”
Giọng tôi hờn mát :
-“À..à..là em muốn nói anh tham ăn chứ gì ?”
Em cười, lắc đầu. Bây giờ nhìn kỹ , tôi mới nhận ra , hai năm không gặp em thay đổi biết là bao nhiêu. Xinh hơn,  duyên dáng hơn nhưng ánh mắt tinh nghịch khi nhìn tôi luôn kèm nụ cười tủm tỉm thì không xê dịch một chút nào.
Chợt nhớ chưa thực hiện thủ tục thăm hỏi, tôi mau mắn :
“Má có khỏe không ?”
“Má ai ? Anh hỏi má em hay má anh ?”
“..Ơ.. cả hai.”
“Vẫn khỏe.”
“Còn chị Hai, chị Ba với mấy ông anh rễ của anh ?”
“Vẫn vậy.”
“Cô dượng Bảy với cô gì đó...”
“Cũng thường”.
“Còn mấy đứa cháu, thằng Tèo, con..”
Em nói một mạch
“Thằng Tèo, thằng Chuột, con Xí nhỏ cháu của anh. Con Ti, thằng Tí, thằng Tình, con Bê cháu của em.., Khỏe. Khỏe hết. Anh muốn hỏi ai nữa ? Coi còn thiếu ai tiện thể hỏi luôn một lần cho khỏi mất công trả lời. Ai đời... chuyện cần biết lại không hỏi., toàn nói…lung tung.”
Vòng chân mày nhíu gắt với khuôn mặt hơi cúi xuống nên tôi không đoán được em đang nghĩ gì, nhưng, chuyện cần biết mà em nói chắc  là  trọng đại lắm nên em mới cất công đi tìm tôi. Ừ nhỉ, tại sao mình không nghĩ ra điều đó sớm hơn ? Hai năm không gặp, biết bao điều thay đổi...
Một khoảng yên lặng khá lâu. Em sửa lại thế ngồi: :
“Anh chẳng thay đổi một chút nào”
“Thì anh..”
“Em hỏi thiệt. Xa em anh có buồn không ?”
“Dĩ nhiên là buồn rồi.”
“Buồn như thế nào ?”
“À, buồn là...nhớ”
“Nhớ ...cỡ nào ?”
Thật khó trả lời. Chẳng lẽ nói rằng “ Trên trời có bao nhiêu vì tinh tú thì anh nhớ em bấy nhiêu” hay” Anh nhớ em, nỗi nhớ mênh mông hơn đại dương, thăm thẳm hơn bầu trời” Những lời lẽ đại loại như vậy thật tình tôi có nghĩ tới, nhưng nó lại quá văn hoa không thực tế với bản tính của tôi, hơn nữa, nói chưa hết câu cũng chỉ làm em thêm tức cười mà thôi.
Thấy gương mặt em có vẻ không vui, tôi giả lả :
“Có chuyện gì mà em..”
“Anh à. Em nói thiệt. Nếu em đi thật xa, anh gặp nhưng coi như cũng không gặp., anh có buồn không ?”
Thật bí hiểm. Tôi cau mày ra chiều đăm chiêu mà thực ra, trong bụng phân vân không hiểu em muốn ám chỉ điều gì.
“À...cái đó...cái đó.”.
“ Cái đó thì sao ?”
“À, là vì..”
Cái giọng chanh chua hệt như hồi em còn nhỏ :
“ À, là, vì, bởi, tại, mà, cho nên...-và nhấn mạnh từng chữ một- Em sắp lấy chồng, anh hiểu chưa ?”
“Sao..sa..o .” Giọng tôi chợt đổi tần số cà lăm. Đầu óc xây xẩm ,mắt nổ đom đóm, tưởng chừng sắp té lăn đùng xuống ghế. Tròi ơi, sao em có thể thốt ra những lời nói tàn nhẫn như vậy, đâu khác chi giết chết thêm nửa hồn còn lại thương đau. Đang khi tôi còn bàng hoàng, em nói liền một hơi :
“ Em đã lớn tuổi rồi, không lấy chồng bà con hàng xóm nói già kén chọn hom..”
“Bộ em lấy chồng vì...hàng xóm sao ?”
“ Anh vô duyên. Ờ, mà phải. Ai hỏi thì em ưng”
“ Thằng nào hỏi em ?”
“Anh hỏi làm gì ? Để đánh họ à ?”
“Khộng”.- Câu hỏi của em làm tôi lúng túng-“ Hỏi cho ... Tại sao nó muốn lấy em ?”
“Hả. Cái anh nầy mới là kỳ cục, anh có giỏi về mà hỏi họ đi, dĩ nhiên họ có thương mới cưới em chứ.”
“Chừng nào cưới ?”
Em cười nụ bí ẩn:
“Cưới vợ phải cưới liền tay...Anh có về không ?”
Cõi lòng tôi tê tái như  bị móng tay nhọn vuốt của em cào cấu tan nát. Gương mặt hí hửng như ta đây sắp được lấy chồng. Tôi căm thù cái thằng trời đánh nào đó, đã tước đoạt người yêu bé nhỏ của tôi, giật đành đoạn niềm hạnh phúc quí báu mà tôi luôn nghĩ rằng, nó chỉ duy nhất thuộc về mình. Chẳng lẽ tôi sẽ vĩnh viễn mất em ? Chẳng lẽ cái tình yêu  đã dành cho em hằng bao năm trời, trong phúc chốc, đành đổ sông đổ biển ? Chẳng lẽ...
Trái tim tôi thổn thức :
“Em nói cho anh biết đi. Em có thương tên đó không ?”
Cặp mắt em nhìn tôi trân trối. Một vòng ngấn nước, một chút tủi thân. Cánh môi mím chặt như những lúc em giận hờn, phật ý, nụ đồng tiền sâu hơn.. Rồi nước mắt từ khóe mi đổ xuống, đổ xuống...Những giọt nước mắt từ gương mặt thanh tú làm trái tim tôi như òa vỡ hạnh phúc, và tràn trề can đảm..Tôi áp bàn tay mình vào mấy ngón tay em nhỏ nhắn, nóng hổi :
“Anh yêu em, nhỏ ơi “.
“Yêu. Yêu...Sao bây giờ anh mới chịu nói.”
“ Anh yêu em từ hồi mình còn nhỏ xíu, đâu phải đợi đến bây giờ..”
“Làm sao em biết được”
“Anh nghĩ là em hiểu.”
“Em ngu lắm. Chẳng hiểu gì hết.”
Và dí ngón tay vào trán tôi, kèm theo đuôi mắt ranh mãnh:
“ Mãi tới bây giờ mới chịu nói yêu em. Cho anh biết, nếu hôm nay anh không  mở miệng, em đi lấy chồng luôn, chẳng thèm đợi anh nữa. Trời ạ, người ta đợi ba chữ nầy suốt mấy năm trời...thì ra...thì ra..anh cũng biết yêu há !”
Đó. Chuyện tình giữa em và tôi bắt đầu và kết thúc như vậy. Đơn giản êm ả như thời tiết bốn mùa trong lẽ vô thường.. Nhẩm tính lại sổ đời, hình như tôi chưa quen biết một người con gái nào, ...ngoài em. Tựa như ông trời trớ trêu ấn em vào tay tôi, sau khi vạch một chữ thập trên trán với lời ban ơn “ Mày chỉ được lấy nó mà thôi “
Nghỉ một tuần phép, tôi từ đơn vị về quê cưới vợ. Bà con nội ngoại chẳng ai ngạc nhiên khi nghe tôi cưới em. Y tuồng rằng, thằng tôi trước sau gì cũng rước em về , không sớm thì muộn.Đám cưới linh đình đủ mặt bá quan văn võ. Con nít chạy theo cô dâu chú rễ, không phải để trầm trồ cô dâu xinh đẹp, mà để nhặt  pháo lép.Bà con họ hàng hể hả chúc má tôi mau có cháu đích tôn bồng bế. Chỉ tội cho đám gà, vịt, heo bò bỗng nhiên ngã lăn ra chết  mà chẳng kịp hiểu tại sao.
Bà mẹ vợ đứng cạnh, không ngừng kéo vạt áo khóc sụt sùi ngó thật sầu não. Tôi không hiểu tại sao bà lại khóc, chắc không phải vì sợ con gái mình “ Trao duyên lầm tướng cướp” rồi. Từ nhỏ đến lớn, bà biết em bao giờ cũng giành phần hơn tôi, thậm chí còn ...lấn lướt làm mình làm mẩy khi hữu sư. Hay là bà khóc vì thương cái thằng rễ quí, hiền lành chơn chất mà cái nghề nghiệp nhà binh không đủ để lo cho cô con gái rượu ?
Bây giờ cũng vậy, dù đã bao nhiêu năm chung sống, em của tôi cũng y hệt như hồi còn nhỏ. Giận hờn, khóc đó rồi cười đó. Hình như ông trời không bắt em già đi bao nhiêu. Chỉ riêng tôi, tuổi đời còn...non trẻ mà đã gần giống lão ngoan đồng, tay chân chưa trái gió trở trời đã muốn kêu răng rắc. Em của tôi, vẫn miệng cười tủm tỉm mỗi khi tôi xì xà xì xụp tô phở nóng, cũng câu giận dỗi..” Phải mà, em ngu lắm, chẳng biết gì hết “ Cũng cái lắc đầu bướng bỉnh “ “em ghét, em không ưa...” Nhưng đặc biệt, không bao giờ nghe em nói “ Em ghét ..giữ tiền của anh “ Về cái khoản nầy phải công nhận rằng, em tôi có một trí nhớ hơn người. Chẳng cần học qua một khóa kế toán nào, chẳng cần phải xử dụng đến máy tính, cộng trừ nhân chia, số chẳn số lẻ, đồng to đồng nhỏ...Check vào nhà băng, chi tiêu sắm sửa, chẳng cần phải coi account balances, nhắm mắt em cũng biết checking, saving còn bao nhiêu .. Đáng lẽ em nên học về ngân hàng thay vì làm nghề gõ đầu trẻ.
Nhưng dù sao đi nữa, qua bao năm chung sống, tôi nghiệm ra rằng. Em chính là cái xương sườn của tôi mà thuở khai thiên lập địa, Thượng Đế đã cố ý làm thất lạc. Ông trời công bằng lắm. Bù đắp thiếu thừa không sót mảy may. Voltaire nói. “ Thượng đế tạo ra người đàn bà để bù đắp và thuần hóa người đàn ông.” Thử ngẫm nghĩ. nếu cuộc sống tôi mà không có em thì buồn bã và vô vị đến dường nào.
Đàn bà... Người ta không lầm khi nói rằng người đàn bà là một nửa của người đàn ông. Vì, khi người đàn ông có vợ, họ chỉ còn là...một nửa mà thôi !
-          

-          
-                                                                                     

No comments:

Post a Comment