Cây trứng cá không cao lắm. Tàng xòe lưa thưa nhánh nhỏ nhưng khá dẻo dai. Cành lá non xum xuê nứt
những quả chín đỏ ối. Trái mọng, vỏ mỏng au xuyên qua ngọn nắng có thể nhìn thấy bọc trứng cá li ti đu
đưa ngộ nghĩnh. Từ hôm về nhà bạn, trưa nào cô và Ngọc cũng trèo lên cây trứng
cá, mỗi đứa chọn một nhánh vừa vặn có thể gác lưng, bám chân, và câu chuyện
nhặt nhạnh đâu đó nhón theo từng quả trứng cá vơi dần túi đựng.
Thành phố của Ngọc nhỏ xíu. Ngày đầu tiên khi xe vào bến,,
cô không thể chịu được mùi nước mắm nồng nặc tỏa hết cỡ trong
không gian. Nó trộn lẫn với hơi nước
biển, hơi muối mặn, thêm cái nóng làm
cho người ta có cảm giác râm ran ngứa ngáy. Ngọc cười.” Rồi có lúc bồ sẽ ghiền đó. Phan Thiết
mà..Như mình vậy, đi đâu xa cũng nhớ “ Qua vài ngày sau , hình như cô đã quen
dần với không khí đặc biệt của nó. Nó đậm đà như hơi thở biển mang trong không
khí chan hòa nắng gió. Chẳng hiểu có lúc sẽ ghiền như Ngọc nói hay không, nhưng
cô thật dễ chịu khi ở nhà bạn. Ba má của Ngọc rất hiền và tử tế . Ngay cả đám
em nghịch ngợm chạy nhảy suốt ngày kia cũng
mang lại cho cô cảm giác thoải mái.. Và cô như cuốn theo gia đình bạn trong không khí chộn rộn
của những ngày trước tết.
Hai buổi chiều cùng Ngọc đạp xe loanh quanh thành phố. Từ
đường Nguyễn Hoàng qua chợ Phường, xuôi
vườn bông. với tháp lầu cao thấp thoáng
bóng cây xanh , từ đó phát đi tin tức
với những bài hát mà đi xa âm thanh vẫn không ngừng bám theo từng vòng bánh
xe . .Qua cây cầu ghép ván nằm trên
giòng sông Mường Mán, hai đứa đánh một vòng rơi vào con đường Gia Long mà Ngọc
nói là con đường chính của thị xã..Từ đầu cầu xa lộ Trần Hưng Đạo, hai
đứa theo con đường Huyền Trân công chúa
chạy dài xuống biển Thương Chánh . Hai
bên đường , nhà cửa san sát không đều như hàm răng của trẻ con đang thời kỳ
thay cái mới. Lạ và ngộ nghĩnh.. Nhiều căn nhà
xưa , mái ngói xanh rêu nằm khép nép dưới bóng râm xanh um trồng vô số
loại cây kiểng lẫn cây ăn trái. Những ngày cận tết bận rộn nên cô và Ngọc không
có dịp ra thăm biển. “. Lần sau nếu bồ ra chơi lâu hơn. Tụi mình sẽ ở một ngày
ngoài đó cho bồ tha hồ ngắm biển. Mùa Hè biển đông vui lắm. Người ta đi cả gia
đình, đi nhóm hay đèo nhau trên những
chiếc xe đạp, xe gắn máy, xe ba gác, con nít người lớn đổ ra biển tắm, tìm gió
dập sóng. Tắm cả ngày mệt đừ , chiều còn nấn ná.. Khi nào bồ rơi vào vùng biển
sóng đó, bồ mới cảm nhận rõ , biển bao la và hấp dẫn đến chừng nào.”
Hai đứa trở lại đường
cũ ,qua cầu.. Rồi thả xe xuống dốc cặp
bờ sông ra cồn Chà...Cá tươi mang từ bến sông nhảy
roi rói xếp đầy ụ trên những cần xế, vảy lấp lánh tráng bạc. Người gánh
cá lên bờ, người chọn, mặc cả từng cần xế cá..tạo nên một bức tranh chợ cá sống
động mà ta chỉ có thể bắt gặp tại những vùng biền, ngay bến sông. Ngọc nói “ Mua mớ cá mai về làm gỏi ăn chơi..” “
Gỏi cá sống hả, ngon không.” “ Ngon lắm..ngon như vầy vầy nè..”- Ngọc làm điệu
bộ -“Làm gỏi cá mất công lắm..thôi đi. “.“ Gì mà mất công. Bà chỉ ăn thôi mà.
Cá mai lấy xương rửa sạch, để ráo nước rồi ngâm với phèn chua cho chín cá. Rồi
vắt ráo nước. Ngon là nhờ nước mắm đó.
Bí quyết nghe bồ. nước mắm ngoài tỏi, ớt, phải có chuối sứ chín giã nhuyễn, me
chín giã nhuyễn..Ăn với bún, rau sống, chuối chát, Bồ ăn một lần là nhớ đời..”
Nhớ đời thì phải kể thêm món bắp nướng, bánh căn. Cô thích gặm trái bắp nướng rưới hành mỡ, bánh căn nóng hổi,
được nạy ăn liền với nước mắm tỏi ớt hay cá nục kho. Bánh canh chả cá rắc thiệt
nhiều tiêu vừa ăn vừa hít hà. Hình như
ngày nào Ngọc cũng kiếm món ngon vật lạ
để giới thiệu cho cô, chưa kể buổi tối, Ngọc rủ cô ra lò bánh mì Nghi
Hưng ở dốc cầu đi xuống, cạnh cây xăng. Bánh mì nóng ,giòn rụm không thua gì bánh mì Sài gòn vừa ra lò.. Các
món ăn ở Phan thiết mang một hương vị đặc biệt đậm đà, mỗi loại mang một sắc thái khác nhau. Như món Mì Quảng,
sợi mì vàng mềm, rau sống đủ loại, đậu
phụng, ớt băm , thịt tôm.. bày trên mặt. Chan vừa xâm xấp nước lèo ăn cho đến
sạch muỗng nước cuối cùng.. Cá nục tươi
hấp cuốn bánh tráng ăn kèm rau thơm, dưa leo. Cô học đuợc cách kho cá
nục và làm nước mắm . Tô nước mắm đỏ au, tỏi giả nhỏ nổi trên mặt, vừa ngọt vừa
chua chấm hết cả rổ rau vẫn chưa muốn
buông đũa.Và , cô phải thú nhận, cô thật ghiền món nước mắm tỏi ớt với cách làm đặc biệt của người Phan Thiết.
Nhà của Ngọc cất theo lối xưa gồm ba gian. Gian giữa để tiếp
khách. Đối diện bàn thờ lớn bằng cẩm lai
kê sát tường là tấm phản gõ, dành
cho ba Ngọc ngồi đánh cờ hoặc nhâm nhi trà tàu mỗi sớm . Cận tết, ông có
thêm công việc mới : Viết câu đối. Ông trải lên mặt phản giấy thếp loại đặc biệt và
dùng mực Tàu để vẽ.. Chữ viết của ông nét hất lên nét kéo ngang trông rất lả
lướt . Vừa viết ông vừa ngâm thơ . Giọng ngâm sang sảng thổi qua nhà ngang, len tận bếp, và lòng vòng
quanh sân vườn nghe rõ mồn một. Má của Ngọc thì bận rộn hơn,
bà chỉ huy đám nhỏ lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt cho ba ngày tết.
Hai gian bên cạnh
chia thành những phòng nhỏ. Phía gian trái, được nối thêm một phòng khác dùng làm nhà ăn.
Lúc nào trong lồng bàn cũng chật ních thức ăn, la liệt chén bát. Đám em nhỏ của
Ngọc chạy ra vào tấp tới , miệng nhai nhem nhẻm suốt ngày. Không biết tụi nhỏ
ăn gì, và bụng đâu mà chứa cho hết với chừng đó món ăn chơi lẫn ăn thiệt ?
Ngọc than thở” Mỗi lần về nhà, đánh vật
với đám chén bát nầy muốn khùng luôn.” “ Vui mà. Còn hơn nhà mình, buồn thấy
mồ. Cả ngày không nghe tiếng con nít.” Ngọc
ghé tai cô “ Vui nỗi gì.. Ai tới
coi mắt mình, thấy đám lu bu nầy cũng chạy văng luôn.”
Phòng riêng của Ngọc nằm gian bên phải. Vừa gọn và rất xinh.
Rất đặc biệt con gái. Ngọc thích mầu hồng nên rèm cửa , gối thêu giấy hoa dán
tường tuyền một mầu hồng, đôi chỗ dậm thêm mầu tím hoa cà mang dáng vẻ thơ
mộng.. Cô thích căn phòng đó vì suốt ngày hoa sứ thơm dịu dàng đưa hương qua cửa sổ. Cánh hoa
trắng , nhụy phơn phớt vàng hình như lúc nào cũng quanh quẩn trong phòng khi cô
bước vào thế giới của bạn. Không
như căn phòng nhỏ của cô nhìn ra góc chợ,
mới mờ sáng đã nhộn nhịp quang gánh rau cá được bạn hàng mang lên từ các vùng
ngoại ô. Cô có thể phân biệt tiếng dọn hàng, mở sạp, tiếng xe lam, xe xích lô máy
nổ xình xịch, tiếng rao hàng buổi sớm lảnh lót từ đầu hẻm nầy len qua góc chợ nọ..Hình
như mọi tiếng động đã lấy hết vẻ yên tỉnh của không gian, chiếm cứ và tước đoạt
hơi thở trong lành của buổi sớm, nhiều đến nỗi, đôi khi cô thật khao khát một
khoảng trời trong veo cho riêng mình, một bóng cây xanh ngoài khung cửa sổ để dịu
lòng mỗi khi ném bâng quơ tầm mắt ngoài kia. Nhiều ngày, cô và Ngọc phải rủ
nhau ra thư viện học bài. Ngọc nhận xét “ Phòng bồ dễ thương, tiện nghi , nhưng
giống như cái hộp vậy..Bí rị hà..”
Thuần, anh của Ngọc
ghé qua nhà hôm hai mươi tám tết. Má của Ngọc hối tuị nhỏ dọn dẹp phòng ốc
đón anh Hai. Từ buổi sớm, trong đôi mắt
của bà thắp sáng ngọn lửa chờ đợi lẫn yêu thương, ngọn lửa ấy cũng vô tình bùng
thổi qua cô, bởi, lâu lắm, cô chưa gặp lại anh. Trong ký ức của cô vẫn y hệt
hình ảnh một anh chàng cao cao, gầy nhom, tóc lười chải thường dẫn bọn cô đi ăn
chè, uống nước mía, la cà khắp những con đường hẻm lớn nhỏ , ngày mưa rủ nhau
đi lội nước hay phóng xe ào ào vượt ổ gà ..Anh chàng làm thơ
tình không dám tặng ai, nhờ bọn cô
chờ nàng trước cổng trường đưa thư , sau khi phải hối lộ , đầu tháng
tiền giấy, cuối tháng lục tung túi trên túi dưới tìm tiền cắc, có khi gãi đầu cười trừ, có khi năn
nỉ.
Có lẽ bộ đồ lính làm anh già dặn, chững chạc hơn. Hoặc giọng
nói của anh, qua thời gian trở nên trầm tĩnh hơn. Cô không rõ cảm giác của mình
khi thấy anh xuất hiện ngay thềm cửa. Nó ngỡ ngàng, mơ hồ chênh vênh như người
say sóng, vì anh quá khác so với sự tưởng tượng của cô. Anh cao lớn, mạnh mẽ. Cái
anh chàng ốm o ngày xưa trong trí nhớ của cô hình như đã bốc hơi, mất tích.
Gặp cô, dù chưa hết vẻ vui mừng lẫn ngạc nhiên, anh cũng không quên thói quen, dí ngón tay
vào trán cô:
“Ha.ha..Nhỏ lớn bộn rồi ha..”
“Lớn gì..Em cũng vậy thôi.”
“Ra dáng thiếu nữ rồi đó. Nhỏ ơi. Có người yêu chưa.?”
Cô định đùa “ Đợi anh..làm mai” như bao câu nói
vô tội vạ hồi xưa thường đùa giỡn với nhau, nhưng cô làm thinh khi chạm phải
ánh mắt của anh, đâu như có chút
dịu dàng, chút ngọt ngào trong đôi đồng tử đen nâu kia.. Cô không hiểu tại sao
mình lại mất tự nhiên khi gặp lại anh. Hình như sóng biển đang vỗ từng chập
trong trái tim cô. Sao không như hồi xưa.
Thưở ấy hồn nhiên và vô tư làm sao. Hồi đó bọn cô thường sốt ruột, luôn hỏi khi nào anh làm xong bài thơ, bây
giờ tặng cô nào, nhà xa hay gần, cô đó đẹp không, tóc dài hay ngắn để.. ước
tính khoảng đường dài ngắn, tùy theo đối
tượng mà lãnh tiền công đưa thơ. Không biết
anh có còn nhớ những ngày vui ấy,nhớ những lá thư tình anh cặm cụi viết
nơi bàn học cạnh cửa sổ, hay ngày vui như cánh diều bọc gió đầy, lạc bay mất về phương nào.
Cả nhà bày ra nấu bánh tét sớm hơn dự định , vì ngay ngày
hôm sau anh phải trở lại đơn vị.
Anh thì thầm với Ngọc và cô
“Đừng nói với Má anh đi lính gì nghe, má tưởng anh làm văn
phòng “
“Sao anh biết.”
“Hôm qua má khoe với bác hai, nói anh giỏi lắm, thì đậu vào..chức
văn phòng nên được đóng ở thành phố, má
nói không ra trận là má yên tâm rồi “
Lá chuối phơi vừa héo lớp áo được mang vàp sắp đều trên chiếu. Từ sớm, cô và Ngọc đãi vỏ đậu
xanh. Ngó vậy mà không dễ. Hai đứa hì hục nhặt mày đậu, lường nước hớt vỏ cả
buổi sáng mới đãi xong thau đậu xanh
vàng ươm. Ngọc càu nhàu “ Tết nhất gì mệt thấy mồ. Làm nhiều chớ ăn đâu bao
nhiêu.”
Anh ngồi đối diện cô, phụ lau lá chuối. Nhìn tay anh cầm miếng khăn miết qua lại trên mặt
lá, cô nhớ từng phiếm đàn theo ngón tay anh thưở đó. Trên căn gác nhỏ nằm sâu trong con hẻm Bàn cờ, những ngày mưa
đường lầy lội, nước chưa kịp thoát từ những cống rảnh, tụ thành từng vũng biến
thành chỗ nghịch nước của lũ trẻ hàng xóm. Ở căn gác đó, anh thường ngồi trên thành cửa sổ, đàn hát
những bài tình ca mà người thiếu nữ được vẽ bởi âm nhạc là hình ảnh thật quyến
rũ dưới mắt bọn cô buổi ấy. Hình như
ngày ấy anh tương tư cô bé hàng xóm..Phải không nhỉ..Lâu quá, ký ức trở nên mờ
nhạt mù mờ đến nỗi, khi gặp lại anh, đôi
lần cô tự hỏi. Anh có lúc nào nhớ về cô
trong những khoảng thời gian xa lắc
kia..
“ Nghĩ gì vậy nhỏ. .nhớ Sài gòn hả..”
“ Đâu có..Chỉ là không biết, anh có còn nhớ tụi em và căn
gác ở Bàn cờ không thôi..”
“ Anh đang bắt những hàng mưa, lần ra trường học đón nhỏ. Có
hôm anh đang chờ trước cổng trường thì gặp cô bạn cũ. Vừa nói
chuyện mấy câu thì nhỏ từ lớp học chạy
ra. .Nhỏ qua mặt anh. mắt ngó lơ làm bộ
không quen, đi một mạch mặc kệ trời mưa. Hôm đó anh về, giận nhỏ quá trời..Vậy
là..anh và em, ký ức ai tốt hơn.”
“ Nhưng anh không hỏi em, tại sao làm bộ ngó lơ..anh đâu
hỏi..”
Anh nhìn cô, ánh mắt dịu dàng lẫn đằm thắm:
“ Anh sẽ không bao giờ hỏi em tại sao. Trước và sau. Bây giờ
cũng vậy.”
Anh không muốn nói
cho cô nghe. Đôi lần về thành phố, anh chờ cô từ cổng trường..Ở bên nầy đường, cô đi giữa bạn bè, cặp sách ôm ngực, nói cười
tíu tít.. Đôi lần ghé ngang nhà, cô đi đâu vắng chỉ trơ trọi trên thềm, chiếc
xích đu nằm co sưởi nắng. Và anh, chiến tranh mang anh đi nhiều nơi, và cũng vô
tình, mang cô dần xa anh.
Cả nhà xúm xít quanh chiếc chiếu chuẩn bị gói bánh. Ba lớp
lá chuối áo được xếp trên mâm, ở dưới gài sẵn ba sợi lạt cột bánh, Mẹ của Ngọc
múc khoảng nửa chén gạo nếp đổ đều lên
mặt lá chuối. Sau đó, bà rải đậu xanh, thịt ba rọi ướp tiêu hành gia vị, rồi
lớp đậu xanh . Nếp được rải thêm lần nữa
nằm vừa vặn giữa lớp lá chuối.
Anh khỏe và khéo tay nên làm công việc cột đòn bánh tét. Đầu tiên anh kéo mí
lớp lá, dùng sợi dây lạt cột xoắn lại và nhanh chóng bẻ gấp một đầu dựng đòn bánh lên. Sau khi cắt bằng đầu lá,
anh bỏ thêm chút nếp cho đòn bánh đều đặn
và dùng lá chuối bịt lại. Bên kia cũng vậy. Mười sợi lạt nằm cách nhau mí dây xoắn về một chỗ đều đặn tựa ai đó
dùng thước để ướm.. Đòn bánh tròn đầy đặn cứ y như những chú heo con cùng lứa
nằm xếp chồng nhau trong thúng. Ba của Ngọc
kê gạch, xếp củi chuẩn bị nấu
bánh. Còn một ít nếp và nhân, anh nói với cô ” Bánh ú nầy là phần cho em nè..Ăn
bánh thì nghĩ đến anh. Đậu thơm gạo nếp lá xanh..nhớ người. “” Sao gọi là bánh
ú hở anh? “” Ờ, chắc là tại cái bánh mũm mĩm ú nu ú nần..Anh không biết đâu
nghen, để anh hỏi má” ” Và anh rủ rê “Đi chợ tết với anh đi. Nhanh lên không
thôi con bé Ngọc kèo nài đòi đi theo.”
& & &
Qua hết dốc cầu, ngay bùng binh, chợ hoa tết rực rỡ trải ra
trước mắt cô. Ôi thôi, cơ man là hoa. Hoa mai cành to cành nhỏ đầy nụ xanh, nụ nào
cũng bóng mở vừa đốt ngón tay. Từng chậu cúc xếp chen nhau nở bung vàng tươi rực
thắm. Hoa mồng gà đỏ au, ngọn vươn thẳng chắc chắn khỏe mạnh. Nhiều nhất là Vạn
Thọ. Mầu vàng, mầu cam bung xòe tròn trịa như bông phấn. Cô tưởng như mình vừa tình cờ đi
lạc vào một khu vườn hoa rực rỡ chỉ có trong tranh vẽ. Một bức tranh Tết chộn rộn
mầu sắc. Anh nắm tay cô len qua dòng người đông đảo lên xuống. Từ bùng binh
xuôi theo dọc con phố Gia Long không dài lắm mà đi hoài ngó hoài vẫn mang cảm
giác mới mẻ.. Từng sạp trái cây bày bán ngoài đường, đủ loại đủ mùa no tròn mơm
mởn dậy thì. Nhiều chỗ bán bánh cúng, bánh dài khoảng một gang tay , mỗi xâu
cột mười cái, trong chỉ thuần là nếp, để
cúng trong ba ngày tết. Bánh cốm gói bằng giấy thủ công đủ mầu, hai đầu hộc rực rỡ hình hoa lá, hình bươm bướm xung quanh tỉa
hoa văn tinh xảo. Cô như trôi trong
không khí nhộn nhịp của chợ tết, giữa những tiếng cười nói, tiếng chân người
lao xao. Không như cảnh chợ tết chen lấn ở Sài Gòn, mọi người ở đây khi mua
cũng như lúc trả giá, họ có cái bình dị, chất phác của những người cùng quê,
không ai muốn hơn thua ai và cũng không sợ
bị mua lầm hoặc trả hớ giá. Một
vài người bạn đi ngược đường níu anh trò
chuyện. Không biết anh nói gì mà họ cứ nhìn cô cười tủm tỉm. Khi qua phía bồn
binh bên kia chọn hoa, anh nhắc về bạn bè với chút bùi ngùi:
“ Sau nầy những khi ghé thăm nhà, chẳng còn gặp được bạn bè
cũ. Cuộc chiến đã đẩy bọn anh đi khắp nơi. Mọi thứ như lớp sương của kỷ niệm ,
mù mờ lắm, xa xôi lắm nhưng thành phố bé
nhỏ nầy vẫn là nơi chốn ấm áp của một
khoảng trời, một chỗ trú ẩn bình yên tựa tấm thảm thơm dịu dàng cho mình ngã
lưng những khi mệt mỏi, một chiếc võng êm ái đón ngọn gió mát thổi qua từ
biển..nên dù đi đâu, bất cứ lúc nào có thể anh vẫn tìm cách ghé qua nhà, dù chỉ là đôi phút ngắn ngủi”
“ Bao lâu rồi anh mới về lại ?”
“Khoảng hai năm.. Bọn anh thường nói với nhau. Phan Thiết là
cái tổ ấm cưu mang tụi anh thời tuổi trẻ
hạnh phúc . Con chim mới ra ràng lìa tổ, bay bao xa vẫn nhớ đường về, vẫn nghĩ
rằng đâu đó, mình còn có một nơi chốn để trở về những khi mỏi cánh.. Và Phan
thiết, trong lòng tụi anh là vậy đó. Thương lắm, khi xa thì buồn, nhớ nhà. Kỳ nầy
anh ráng về cũng vì sợ má buồn. Thấy má khóc là anh không chịu nỗi “
Anh lựa mua hai chậu cúc vàng và một cặp dưa hấu “ Em biết
dưa hấu lựa sao mà vỏ mỏng ruột đỏ không ?” “ Em nghĩ, chỉ may rủi thôi” “ Coi
anh nè.” Anh chọn cặp dưa tròn đều, đầu
dưa vừa bằng cái tô úp ngược, vỏ xanh đậm, và để trong lòng bàn tay ướm thử.
“Cũng có thể may mắn. Nhưng em biết không, dưa hấu mà bón phân dơi, phân tép,
ruột dưa nhiều cát và chín ngọt. Quê anh thì thường bón phân cá, xác mắm nên dưa
ngọt đậm đà, nhiều nước hơn. Dưa anh lựa
lúc nào cũng đỏ au hà. Ba nói, anh mát tay”
“Đàn ông mà khéo tay, biết nhiều,coi chừng khó lấy vợ”
Anh quay nhìn cô,
định nói “Anh đợi nhỏ lớn.....” nhưng làm thinh. Đã qua mất rồi thời tuổi nhỏ,,
thưở cô theo anh đi khắp những con đường thành phố, , thưở anh có thể cầm tay
cô rất tự nhiên, có thể ôm gương mặt ai
kia ép vào lồng ngực dỗ dành những lúc
cô giận hờn. Hình như, trong đôi mắt nâu
hạt dẻ ngọt ngào mầu nắng
ngày xưa đã bâng khuâng, chút mưa thu ngày sắp tới. Mưa giăng hàng từ sợi buồn qua sợi nhớ...Và anh bâng khuâng
không biết, có nên giữ lại khoảng cách
như đã từng hay chìm tan trong mầu nắng mật ong ấy... Anh
xiết nhẹ những ngón tay của cô , vẫn yên ắng mềm mại trong tay anh . Có thể nào
giữ nó lâu hơn, có thể nối kết lại những kỷ niệm từ quá khứ đến hiện tại , để
anh có thể âu yếm đăt nó một tên gọi khác. Xa cô một khoảng thời gian khá dài,
anh không nghĩ rằng khi gặp lại, cô đã gợi trong anh cả một chuỗi những tháng
ngày tươi đẹp nhất đời người. Từ quá khứ
bước vào hiện tại, vẫn mắt cười đó, vẫn giọng nói chút phân vân chút liếng
thoáng..nhưng khi cô xuất hiện gõ cửa chính hiện tại của anh, anh mới nhận ra
rằng….. Cô và khoảng trời thành phố cũ quyện với nhau luôn nằm đâu đó , buồn
vui đâu đó và hình như chưa hề rời khỏi
ký ức của anh.
Anh và cô ngồi bên bếp lửa. Củi nổ tí tách, thỉnh thoảng lóe
xẹt tia sáng nhỏ ngộ nghĩnh những ngọn
pháo bông..Hai tay cô vòng trước đầu gối, một nửa khuôn mặt dấu trong bóng tối.
Nửa sáng bên nầy ánh lửa soi bập bùng ve vuốt trên nhánh tóc.Những sợi tóc ngày
xưa anh đã đôi lần giúp cô thắt bím hoặc
chải theo từng lọn tóc rối. Ngày ấy dưới mắt anh cô thật trẻ con, trẻ con lắm.
Chẳng lẽ thời gian nâng cô lớn lên từng ngày và anh thì dừng lại ? Hay mình đã
chớm già mất rồi. Không phải già từ thể xác mà ngay chính ở tâm hồn của mình.
Hình như đêm còn dài
nên chưa ai mở đầu câu chuyện dù có lẽ, họ có vô vàn điều muốn chia xẻ .Cô
rơi vào thế giới âm thanh trong tiếng
guitar từ giọng hát anh mà lâu lắm cô mới nghe lại. Căn gác Bàn cờ những chiều
mưa. .những tối bên thềm nhà anh và một chỗ ngồi dưới giàn hoa thiên lý. Tiếng
đàn đưa cô theo chân anh bắt đầu từ những năm tháng xa. Từ buổi sáng, anh bước
ra khỏi cánh cửa giảng đường với bộ đồ lính. Anh như ở một nơi
chốn khác mịt mù lắm, xa xôi lắm mà bọn cô không hình dung nỗi. Trong trí tưởng
của cô vẫn là anh của ngày tháng cũ , vẫn những ngày êm ả thành phố rộn rã nhịp
guốc khua , xe cộ nhộn nhịp phố phường. Và cô ngỡ ngàng khi nhận ra..dù anh
thay đổi bao nhiêu ở nhân dáng đó, sự ấm áp , những che chở ân cần mà cô nhận
từ anh hồi còn nhỏ xíu vẫn giữ bình yên trong ngăn kéo đời sống, không hề suy
giảm. Tại sao lại như thế.. Chịu. Ngay lúc nầy, cô không thể tìm cho mình một
câu trả lời nào khác, dù chỉ là một lời giải thích bối rối. Cô nhìn gương mặt anh khi cúi xuống. Một khoảng tóc
che vầng trán rộng, thỉnh thoảng gấp vài nếp nhăn sớm. Làm sao anh có thể trải
qua và chịu đựng được những gian khổ, hiểm
nguy của đời lính. Những sáng mở đường, những đêm đi kích.
Và nỗi bất trắc thì có thể xảy đến bất cứ lúc nào, không chửa một ai.
“Anh kể cho em nghe về anh đi..”
“Về anh,có gì đâu. Chỉ là thay đổi giai đoạn thôi, buông
bút cầm súng. Anh yêu đời lính và rất thương bạn bè đồng đội của anh. Vì một
lẽ, trái tim tuổi trẻ và lý tưởng đã gắn bó bọn anh lại với nhau. Khi đã ở
trong hoàn cảnh phải đối diện với cái chết hàng ngày, hàng giờ,, bọn anh cảm thấy,
cái chết thật ra, nó cũng bình thường thôi. Chỉ là anh thương má. Anh chưa làm
gì cho má vui, chưa một ngày trọn vẹn kề cận, an ủi bà. Hồi anh về phép lần đầu,
cả đêm má ngồi cạnh anh, cầm tay anh mà khóc. Nước mắt rơi lạnh cả tay anh..Khi
nghĩ tới điều đó, đôi khi anh thấy mình thiệt bất hiếu đó em”
Tiếng đàn của anh, từng nốt, từng nốt chơi vơi trong bầu không
khí mát lạnh giữa đêm, trong tiếng củi lách cách và tiếng đập cánh của loài
chim đêm “Mùa xuân yêu em đồi núi thênh
thang. Hồ nước long lanh ngàn cánh
vàng. Ngày ta yêu em mầu lá thanh xuân. Người ngồi trên bến nhớ mênh mông…””Cô
nhắm mắt, thả trí tưởng trôi bồng bềnh theo giọng hát anh như lời thì thầm của biển
đêm, của ngàn sóng lao xao...Người về
bỗng nhớ…Chỉ “ bỗng “ chỉ bất chợt thôi mà
trái tim như vừa vấp phải cánh cửa chưa sẵn sàng hé mở. Anh ngày xưa, thành
phố những chiều mưa, nhiều kỷ niệm cô đã có cùng anh hình như cùng lúc trở về, để
cô chợt nhận ra..Anh và phiến ký ức ngọt ngào kia vẫn luôn chập chờn đâu đó, chưa
bao giờ rời khỏi dù quá khứ và hiện tại là khoảng cách xa diệu vợi..
“Mai anh về đơn
vị. Mùng hai nhỏ lên với anh nghe..”
“Lên đơn vị với
anh ?” Mắt cô tròn xoe kinh ngạc
“Anh chỉ đường em đi. Dễ ợt.Từ Sài gòn em ra bến xe Phan cư
Trinh, đón xe đò về Phước Long. Anh chờ và đón em ở ngã ba thị xã.”
“Nhưng mà…”
Đề nghị của anh quá bất ngờ nên giọng cô , vừa hồi hộp vừa
phân vân như thể cô phải quyết định ngay tức khắc một việc gì ngoài sức tưởng
tượng.
“Em chưa bao giờ đi xa, và chưa..”.Cô ngập ngừng
“Em đi sáng sớm là có thể về trong ngày mà. Anh sẽ chở em đi
một vòng quanh chợ nhỏ, chỉ muốn cùng
chia xẻ với em không khí tết ở tiền đồn. Em
có thể hình dung đời lính bọn anh những ngày tết xa nhà cô đơn và buồn
bã ra sao, cũng có thể thấy, ở một nơi nào đó, chiến tranh hiện diện khắp mọi
chỗ. Phan Thiết là một trong hiếm hoi những thành phố còn giữ tương đối mùa xuân với những hơi thở bình yên”
“ Nếu muộn thì em ở lại ăn tết tiền đồn với tụi anh” Mắt anh
lấp lánh những ngọn lửa chờ đợi.
Cô không dám hứa với anh
và cũng không nghĩ rằng, có lúc, sẽ tìm thăm anh tại đơn vi. Một điều gì
,vừa đến bất chợt....Hoang mang lẫn hạnh phúc, ngờ vực lẫn mơ mộng. Cô không
dám nhìn thẳng vào mắt anh, cũng không dám cựa quậy cho đến khi tiếng Ngọc gọi cô đi ngủ.
Và ngó anh kìa, anh chỉ cười, làm như vừa kể cho cô nghe, một
câu chuyện vui.
& & &
Cô không nói với Ngọc lời rủ rê của anh dù thật lòng, muốn chia
xẻ cùng bạn, một lời hẹn. ..Có thể gọi đó là lời hẹn không. Có phải bắt đầu từ
anh một tình cảm nào đó, hoàn toàn khác hẳn ngày xưa. Cô thấy anh lớn quá,
chững chạc quá và cũng khó hiểu nữa.Cô cảm thấy mình thật không bình thường khi
đứng cạnh anh. Sao mình không hỏi thẳng
anh điều đó. Tại sao không.. Cô nhớ lúc anh trở lại đơn vị. Anh giữa bộn bề quà
bánh mang theo, giữa tiếng cười đám trẻ và đôi mắt lo lắng của bà mẹ , hình như
cô cũng là một thành viên trong gia đình đó, mang đầy đủ nỗi buồn lẫn nhớ nhung
của người ở lại . Khi cùng anh bước qua
thềm nhà, anh dúi vào tay cô, ngộ chưa, cánh hoa sứ mới hái còn đẫm sương đêm.
Anh thì thầm “ để nhớ anh.”..rồi thôi. Khi bóng anh khuất xa sau hàng rào dâm
bụt kia, khi không gian chỗ anh vừa đứng khi nãy tĩnh lặng nỗi buồn, mấy lời
thì thầm của anh như vẫn còn quấn quít bên cô, theo từng lần chải tóc , theo chân cô vào phòng, buổi
tối thơm mùi hoa sứ.
Ngày mai cô về lại thành phố. Thật quá ngắn ngủi thời gian ở
đây.. Những con đường phố nhỏ, bậc thềm cửa chậu cúc vàng, chỗ anh ngồi bên
nồi nấu bánh còn nguyên lớp tro âm
ỉ, mùi hương sứ sau vườn ..hình như anh
đã mang đi hết, mọi thứ.
Cô yêu thành phố của anh , yêu những con người hiền lành
chân thật mà cô đã gặp gỡ trong một chuyến đi vội vàng. Cô yêu bước chân chạy
nhảy cười đùa của trẻ nhỏ,yêu dáng dấp chịu đựng nhẫn nại của má anh khi bà bịn
rịn cầm tay con trai, khi vòng tay anh quàng qua bờ vai già run run. Cô nghĩ, bà
đang khóc. Cô yêu cả giọng nói trong trẻo pha tiếng miền ngoài, hơi nằng nặng nhưng lại ngọt mềm
như miếng cơm dừa vừa ngậm mà đã nghe tan qua đầu lưỡi..
“ Ngọc nè..Mùng hai..”
“ Sao. Mùng sáu chứ.. Không phải mùng sáu mới trở lại trường
sao..”
“ Ờ.”
“Bồ làm gì mà lơ lửng vậy…”
“Gì đâu..”
“ Anh hai nói gì hả “
Cô nằm xoay nghiêng , mặc kệ tiếng cười khúc khích của
Ngọc.( Trời, có thiệt mình đã bắt đầu mơ
mộng không đây ?) Mùi hương đêm nhẹ nhàng ghé qua của sổ, mang theo tiếng khẽ
cựa mình của lá, tiếng nhón ngập ngừng
bước chân của gió. Cũng như cô,
khi rời khỏi thành phố nhỏ bé nầy cũng sẽ mang theo nhiều thứ. Những con đường
phố biển, giòng sông hiền hòa chảy xuôi qua thành phố, những giây phút ngắn
ngủi ở cạnh anh, đêm ngồi bên bếp lửa nghe củi nổ tí tách và cô nhớ làm sao đôi
mắt anh nhìn cô lúc đó. Cái dịu dàng không phải từ không gian xung quanh mà từ
đôi mắt ai nhóm lên nghìn tia lửa ấm. Không bởi từ ngọn lửa bập bùng kia hay
gom từ những kỷ niệm cũ được khơi lại ,
được thắp sáng mà bởi.. cô thấy mình trong đôi mắt của anh, lạ quá. Vừa đằm
thắm vừa nồng nàn tựa hồ như , có nhiều điều anh dấu kín đằng sau nụ cười quen
thuộc đó. Có nhiều điều còn yên ắng trong bầu trời riêng mà chỉ duy mình cô mới
cảm nhận được.
Có lẽ lâu lắm cô mới trở lại thành phố biển..Trở lại nơi
chốn mà..Căn nhà thơm mùi hoa sứ và những kỷ niệm dịu dàng của nó vẫn hoài xúm
xít gót chân cô. Vẫn hoài theo cô ngày tháng tới, hình như vừa chớm lật sang
trang..Và, lạ lùng chưa..Ngay cánh cửa mới
mở, ở đôi phút chợp mắt ngắn ngủi, cô thấy cô đang ngồi trong chiếc xe
đò, nhịp lắc lư lắc lư.. Bên ngoài trời
hâm hấp nắng va chạm với không khí ngột ngạt chuyến xe đầy người, cô
ngã đầu trên vai anh. Là anh. Không ai khác. Chính là anh. Khi mái tóc cô nằm
xuôi êm ả, cô còn nghe thoáng qua hơi thở, vai áo lính
như chở đầy từ vườn nhà, từ căn phòng của Ngọc thơm ngát mùi hoa sứ mới, mùa xuân.
Bạn mình. Bạn hỏi. Rồi họ có yêu nhau không. Dĩ nhiên là họ yêu nhau, tựa như họ sinh ra là để dành cho nhau, nhưng tình yêu thời chiến tranh đâu ai nói trước được điều gì. Có hẹn hò, có chia xa. có nước mắt giọt tủi giọt mừng. Nhưng, như câu hát.." Sao tua năm cánh nằm kề. yêu em từ thưở mẹ về với cha "..Họ sẽ mãi yêu nhau, dù không đoạn kết, dù đời sống như nhánh sông xa nguồn, trùng trùng chia biệt...