Thục
Hai người ngồi sát quầy. Người Bartender mang tới cho John một ly rượu màu đỏ đục
Hai người ngồi sát quầy. Người Bartender mang tới cho John một ly rượu màu đỏ đục
'Tao thích uống thứ nầy. Nàng Mary đổ máu”
'Sao ghê vậy ?”
'Thì tên gọi vậy thôi. Pha thêm chút hot sauce mùi vị độc
đáo lắm. Mày thử không ?”
“Không. Tao thích Hennessy hơn”
'Mày cũng là dân sành điệu đó”
. Thư xoay xoay chiếc ly. Màu rượu đỏ ngọt mắt.
Anh nghĩ tới Thục. Không biết mấy giờ con bé hết ca làm. Mỗi khi theo anh vào quán, cô chỉ thích uống duy nhất thứ giải khát vừa kem vừa chuối, pha chút rượu dứa thơm và nheo cái mũi xinh xinh khi nhấp một ngụm dài, xuýt xoa “ .Sao mà chua dễ sợ”
Anh nghĩ tới Thục. Không biết mấy giờ con bé hết ca làm. Mỗi khi theo anh vào quán, cô chỉ thích uống duy nhất thứ giải khát vừa kem vừa chuối, pha chút rượu dứa thơm và nheo cái mũi xinh xinh khi nhấp một ngụm dài, xuýt xoa “ .Sao mà chua dễ sợ”
Từ chỗ ngồi, anh có thể nhìn qua tấm gương phản chiếu, những cặp
tình nhân thả bộ dọc vỉa hè.. Mùa xuân, du khách kéo nhau xuôi về miền Nam,
thành phố nhộn nhịp đủ mầu sắc. Gã Miner bôi trên mặt thứ phấn trắng mốc,
đầu đội mũ chóp chú Sam, đứng cứng đơ như pho tương. Lão già
nầy, có lần, anh cho lão một đồng, lão trề môi ra chìu chê ít. Lần đó, anh
bực dọc chửi thề, và Thục phải kéo anh đi, sau khi dúi thêm cho
gã một đồng nữa. Anh nhớ đã đọc quanh quẩn, một nhà văn đã tả về New
Orleans “ Nhân vật chính bị giật xách tay trong đám đông la hét. Một gã đeo mặt
nạ ôm chầm lấy cô hôn hít.Một bàn tay nham nhở khác bóp vú cô. Một kẻ khác nhấc
bổng cô lên lắc lư theo điệu nhạc...”Thật sự, thành phố của anh, chỉ nhộn nhịp
vào những ngày lễ Mardi Gras, tuần thứ ba của tháng hai .Người ta nhẩy múa,
uống rượu, chen chúc nhau trên đường
phố Bourbon, nhưng cũng không đến nỗi quá đáng như nhận xét của tác giả. Bình thường, con
phố khá đông đúc khách du
lịch. Họ đến và tận hưởng bằng hết những tự do mà họ có được trong chuyến nghỉ
dài.
John nhấp nhổm, đầu quay qua quay lại. “ Nó ra bây giờ đó mà. Phía
kia kìa. “ John mỉm cười, có vẻ mắc cỡ. Ánh mắt hiền lành xanh mầu
biển thẩm, tóc hoe hoe râu bắp vừa chín tới, nụ cười hết sức trẻ
con. Ảnh hưởng giữa hai nền
giáo dục Mỹ và Pháp, nên dù
John là người bạn khác ngôn ngữ nhưng lại rất thân thiết với Thư . John thích
Thục. Và cô, dù cảm động khi nhận những món quà nho nhỏ từ John, nụ cười lừng
khừng của cô thường làm
John sốt ruột. “ Nếu em lấy chồng- một lần Thục nói với anh- em nghĩ rất
khó thích hợp với một người
không cùng chủng tộc”.
Thục xuất hiện sau lưng anh trong tiếng cười khẽ:
'Ngày nào cũng đi đón em, chẳng mấy chốc anh làm con sâu rượu mất.
Lại kéo theo John nữa.”
“Không, tôi muốn gặp cô mà”-John cười trẻ con.
“Đi về chứ, anh ?”
‘Em uống chút gì không ? Như mọi khi ?”
''Thôi, em chán lắm rồi. Anh coi. Em đang bê nguyên một giàn bếp
trên người đây nè. Hôm nay em phải nấu Gumbo thay cho bà bếp bị
ốm..”
“Gumbo ? Không tin được”
“Sao , anh ?’
“Em. Nấu nướng ”
“Bí quyết đó nghe. Em có nấu gì đâu, chỉ rình bỏ vào nồi một muỗng
canh bột ngọt, ai cũng khen sao mà Crab ngọt quá. Gumbo cũng ngon hả anh, em
chỉ mới thử đây thôi” và cô càu nhàu khi nhìn ly rượu của anh “ Sao đàn ông
thích uống rượu vậy anh ?” “ Người ta uống khi buồn. Để quên.” Cô nhìn anh,
định nói gì đó, nhưng lại lắc đầu, nhanh chóng bước ra khỏi quán. Áo khoác cột
ngang lưng, bước chân sải dài khỏe mạnh. Cô chen qua dòng người đang đổ
xuống phố, mắt nhìn ngó lung tung, hai tay vung vẩy thật ngộ nghĩnh. Dù rất
quen thuộc với đoạn đường nầy, vậy mà mỗi lần đi qua , nó vẫn mang lại cho cô
cảm giác mới mẻ, lạ lẫm. Mới từ dòng người xuôi ngược, từ những bộ quần
áo lung linh mầu sắc, khuôn mặt háo hức của khách du lịch lần đầu ghé qua thành
phố. Cô thích sức sống tươi trẻ toát ra từ họ, trong mỗi cử chỉ, tiếng cười. Họ
có thể hôn nhau ngay giữa đường phố, có thể ôm nhau nhảy nhót hồn nhiên giữa
lòng đường mà không hề câu nệ mắt nhìn.( mà hình như chẳng ai nhìn ngó ai). Đôi
khi, cô cũng ước ao được sống như họ, vô tư, đầy sức sống, và nỗi buồn, nếu có,
chỉ vài ly rượu có thể giải sầu. Nhưng chẳng bao giờ cô nói với anh trai ý nghĩ
đó, lúc nào trong mắt anh, cô chỉ như vừa mới lớn, loanh quanh ngưỡng tuổi
teen , mặc dù, bạn cô có đứa đã lấy chồng từ rất lâu.
Họ băng qua đường tránh một nhóm du khách đang chụp ảnh.
Nắng nghiêng mái che soi rõ một khoảng vách tường rộng mầu trứng sáo, vòm
cửa cao sơn xanh đen với lối kiến trúc cổ từ thế kỷ 17. Nghe nói đây là căn nhà
trong bài hát “The house of the rising sun” nổi tiếng một thời với ban nhạc The
Animals. Ban đầu với nội dung bài hát, người ta tưởng nói về nhà tù NO, vì
lúc ấy là thời thịnh vượng
của những ông trùm Mafia chuyên buôn lậu thuốc phiện , súng ống và đầu tư sòng
bài. Chuyện ở tù, thanh toán nhau là câu chuyện người ta nói hàng ngày ở quán
rượu, trên báo chí.. Nhưng thật sự, cái chắn song cách biệt giữa đường phố và
đời sống bên trong là thế giới của hộp đêm, của những cô gái giang hồ, của sòng
bài và đấu súng. Một thế
giới ăn chơi chìm đắm trong hoan lạc của thủy thủ, thợ thuyền mỗi lượt tàu ghé
bến . Trải qua mấy trăm năm, The House vẫn còn mang dáng vẻ kỳ bí với những
huyền thoại quanh nó.
Nghe đồn căn nhà ấy bây giờ là nơi trú ngụ của những con ma
chắc đã có hàng mấy trăm tuổi.
Qua hết dãy phố, cả ba người cùng rơi vào con đường
lát những ô gạch hình chữ nhật chạy dọc theo bức tường
xám rêu cao. Chỉ cách một ngã tư, đôi mắt trẻ trung vừa mới nãy của cô đã bỏ
lại con đường cũ. Cô bao giờ cũng vậy. Buồn vui giận hờn như vệt nắng thoảng
hiên ngoài. Cô có thể cùng một lúc, nhớ nhiều thứ và quên nhiều thứ.
'Một thiếu nữ đặc biệt” john thường nhận xét với anh về cô.
Giọng hào hứng.
Đến chỗ đậu xe, John khều nhẹ tay anh” Chủ nhật đến nhà tôi nghe.
Mẹ tôi mời đó.” “Rồi. Nhớ” “ Cô ấy nữa chứ” “ Dĩ nhiên. Yên chí”
Mẹ John gốc ngưới Pháp. Gia đình bà qua Mỹ từ thời chiến tranh
giữa Pháp và Tây ban Nha. Tổ tiên của bà lập nghiệp tại Louisiana trong một
cuộc di cư tìm kiếm đất đai mở rộng thuộc địa ven các vùng biển từ thế kỷ thứ
17. Khu French Quarter, thế kỷ 18 là những đường rầy xe lửa dùng để chở
vật liệu xây dựng, lương thực cho một cuộc định cư lâu dài. Bây giờ ở đó
vẫn còn những dấu tích xưa. Đôi ba chỗ nhô lên những cột mốc trên bờ sông
đánh dấu cho tàu bè neo bến, nước mòn nhẵn thín. Đường xá được lát
bằng những viên gạch nung hình vuông, vẫn không biến dạng dù trải qua
hàng mấy thế kỷ.. Trên con đường tìm đất mới, tổ tiên của bà đã chọn vùng dọc
theo bờ sông Missippissi để trồng trọt, khai khẩn đất hoang. Chỗ đó, ngày
xưa toàn đầm lầy, nhưng qua bao thế hệ, đã biến thành một khu trù phú, nhà cửa
đa số cất theo kiểu Pháp, cửa và vòm rộng, vừa thoáng đãng vừa cổ kính.
Ngôi nhà của bà nhìn xuống giòng sông hiền hòa ấy.
...
Vóc người nhỏ nhắn, mắt sâu, da mồi lốm đốm, mũi hơi khoằm mang
nét đặc biệt của người Pháp, bước đi nhanh nhẹn , đầu hơi dúi về
phía trước, bà Rose đón hai người bằng sự cởi mở đặc biệt . Thục mấy lần
huých cùi chỏ vào Thư khi anh ghé tai cô “Bà tưởng em là bạn gái của John
đó”
'Vào đây. Cô gái. Tôi chuẩn bị nướng Pizza cho hai người.”
Với bàn tay thành thạo, bà trải lớp sốt cà chua lên mặt bột
bánh nướng hình tròn , vừa nói chuyện bà vừa rắc từng sợi chesse trắng xắt nhỏ, xếp đều đặn
pepperoni ..kín mặt bánh . Căn bếp thơm
phức mùi bánh nướng.
'Cô thích ăn Pizza không ? “
'Dạ, thỉnh thoảng”
'Cô ấy chỉ thích ăn thức ăn Việt nam thôi, mẹ ạ “ John nhanh
nhẩu “ Cô ấy nấu phở ngon tuyệt”
Thục loanh quanh nơi bếp. Cô ngắm nghía thế giới của bà Rose bằng
cặp mắt vui thích. Đầu tủ, vô số dây hành tỏi khô treo lủng lẳng thoáng
mùi khô ngai ngái. Cạnh bồn rửa chén, lỉnh kỉnh lọ đựng gia vị, chậu hoa
giả, dao nĩa. Trên mặt tủ lạnh, ngoài những hình trái cây đủ mầu sắc, lộn xộn
giấy tờ , hình ảnh của gia đình được ghim cẩn thận. Thấy Thục chăm chú nhìn tấm
ảnh đã cũ, hình người phụ nữ nhỏ thó mặc chiếc áo đầm hái nho đứng dưới gác
chuông xinh xắn, bà giải thích :
'Tấm hình nầy chụp cách đây đã nhiều năm, tại tu viện Teperna ở Ý.
Cô thấy gác chuông ra sao ?”
“Dạ, đẹp và hơi..”
'Không phải là đẹp mà nó rất đặc biệt.”
Cô ngắm nghía lần nữa. Và làm bộ chăm chú vì dưới mắt cô, nó
không có gì đặc biệt so với những nơi cô đã biết hoặc xem trong tranh
ảnh. Tu viện có vẻ thôn dã . Mặt trước nhìn ra cánh đồng trơ cuống rạ như
vừa xong mùa gặt hái, phía sau um tùm những cánh tay trắc bá diệp. Lớp gạch cũ,
uốn vòng được bao bọc bởi bức tường hoa dại phủ mầu rêu. Trên
nền xanh lục lấm tấm những chấm cúc vàng. Nhưng mầu nắng vàng tràn ngập trên
đám rạ trơ gốc lại gợi nhớ trong cô một hình ảnh nào đó, rất mơ hồ và cô, dù hết sức cố gắng cũng
không thể tìm bắt được sự liên quan giữa bức ảnh với ký ức của mình.
'Lạ ở chỗ, cô biết không, cứ đúng 12 giờ trưa là tháp chuông tự
nhiên phát ra những âm thanh, thánh thót như tiếng nhạc, Âm thanh vọng đều
xuống gác chuông và chỉ có những người trong tu viện mới nghe được mà thôi.”
'Bà có nghe tiếng chuông không ?
'Có chứ. Đúng 12 giờ trưa.. Không ai giải thích được điều nầy, và
dù người ta làm đủ mọi cách để tìm nguyên nhân, như cúp điện, quay phim, chụp
hình, nhưng tiếng chuông ngân nga đó vẫn đến với mọi người đúng giờ, đúng âm
thanh réo rắt của nó hằng bao năm nay. Thật là quá sức huyền bí không. May
mắn hơn nữa, tôi gặp bố của John ở đó. Ông trong đoàn quay phim.”
'Mẹ lại sắp kể chuyện hai người..”
'Yên nào, john..Cô tin rằng có định mệnh không , cô Thục’
Cô ngơ ngẩn. Chữ Thục được phát âm trên vành môi khô của bà nghe mềm mại làm sao.’ Có đấy, cô ạ.Tôi tin là mọi việc xảy ra dù
lớn hay nhỏ cũng có bàn tay sắp đặt của Thiên Chúa “
Bà Rose cầm một bó rau cần, loay hoay tìm dao. “ Bà định nấu
Creole sauce phải không ?” “ Cô cũng biết món đó sao ?” Bà hỏi lại, vẻ hớn hở.
'Cô ấy làm nhà hàng mà mẹ” John đỡ lời.
'Hay lắm. Tôi nấu món nầy nhiều lần nhưng vẫn không vừa ý. Hình
như nó còn thiếu gì đó. Cả món Jambalaiya nữa..”
'Creole sauce..Bà cho thêm vài miếng chanh. Nhưng phải là chanh
vàng. Mùi thơm của nó làm món ăn có mùi vị đặc biệt hơn.”
“Ô vậy là tôi nắm được bí quyết rồi . Còn Jambalaiya, cô nghĩ cái
gói bán sẵn ngoài chợ có đầy đủ gia vị không ?’
'Kìa mẹ-John chen vào- Cô ấy là khách mà”
'Không sao, John, mấy món nầy tôi cũng khá rành, tôi vẫn thường
nấu mà.”
Bà Rose quá sức vui vẻ khi vớ phải cô khách ý hợp tâm đầu, có thể
biết nấu những món ăn mà bà ưa thích. Bà lăng xăng qua lại, cười nói tự nhiên
như vừa gặp lại người thân lâu ngày. Có nét gì đó từ điệu bộ, từ miệng
cười phúc hậu của bà mang lại cho cô cảm giác ấm áp và gần gũi. Cô có thể
nghe được, mùi nước hoa No 5 thoáng qua cánh mũi khi bà đứng sát cạnh. Hương
thơm quen thuộc làm cô dễ chịu.
Họ không ăn Piszza mà cùng thưởng thức món Creole sauce đắc ý của
bà Rose. Thư nhấm nháp Gumbo. Anh không thích món ăn Mỹ, nhất là đặc sản của
New Orleans, quá nhiều gia vị làm anh muốn hắt hơi.Nếu được chọn,
anh thà ăn hamburger còn hơn.
Anh hài lòng khi thấy cô em gái, hòa đồng nhanh chóng với bà Rose.
Ít khi cô vui vẻ như vậy. Một vài lần, anh bắt gặp cái liếc vội âu yếm của John
hướng về phía cô, và anh tự hỏi, không biết thằng bạn Mỹ dễ thương nầy có chút
hy vọng nào không.
“Thỉnh thoảng tôi cũng nấu món ăn Việt nam, như chicken noodle
chẳng hạn.." Bà Rose tâm sự.
“Bà.. biết Việt nam sao ? “
“Ồ, tôi ở đó một thời gian khá lâu. Từ trước năm quân miền Bắc
vào. Tôi có những người bạn Việt nam rất dễ thương, They’re pretty nice and
Friendly’
Bà Rose, trong đầu thập niên 70 làm việc trong phái đoàn thiện
nguyện Caritas. Bà coi sóc một cô nhi viện ở Long Khánh trụ sở chính đặt
tại đường Tú Xương. “ Cô nhi viện đó không lớn lắm, nằm trên một ngọn đồi thoai
thoải, gần thành phố nhưng quanh năm mát mẻ.Từ tòa nhà chính có thể nhìn thấy
đường xe chạy về thành phố. Tiện nghi tương đối. Mỗi tháng tôi thường về Sài
gòn để lấy thực phẩm viện trợ. Sân sau có một cái giếng, nước trong và ngọt.
Tôi trồng ở đó rất nhiều cây ăn trái, cả lê và táo tôi mang từ Pháp qua. Chúng
tôi còn nuôi gà, nuôi heo nữa. Nhân viên điều dưỡng đa số còn rất trẻ,
độc thân, dù vậy, họ chăm sóc bọn trẻ tử tế lắm.”
Thục lặng yên. Cô chăm chú theo dõi câu chuyện. Hai bàn tay xếp
ngay ngắn trên đùi. Cô gửi qua Thư nụ cười rất lạ khi ánh mắt anh hướng về cô.
'Chuyện mẹ kể dài dòng quá .”- John càu nhàu.-‘ Cô ấy chưa thử món bánh của mẹ kìa"-..’
'Không sao, John. Tôi thích câu chuyện kể của mẹ anh.. Nó làm tôi
nhớ nhiều điều.”
“Có lẽ tâm hồn tôi, theo triết lý của nhà Phật, có căn cơ
của người Á Châu. Chắc là vậy, vì tôi rất yêu xứ sở của cô. Dù khác biệt ngôn
ngữ nhưng chúng tôi đã sống với nhau những ngày tháng vui vẻ. Họ tìm thấy ở đó
một gia đình thật sự. Công việc làm chúng tôi gắn bó cùng một hạnh phúc chung.
Một số người bạn đến bây giờ tôi vẫn còn giữ liên lạc đấy.”- Bà Rose khoe với
Thục-
Bà với tay, lấy một tấm ảnh dán nơi tủ lạnh. Tấm ảnh đen
trắng đã ngả sang mầu vàng mép viền xơ đôi chỗ, nhưng cô có thể nhận ra
ngay, khuôn mặt của bà Rose, phúc hậu dịu dàng với khóe miệng cười .
Khuôn mặt bà sáng rõ giữa hai hàng người, nam có nữ có, đa số còn rất
trẻ. Những mảng nắng mầu hạt dẻ chiếu óng ánh trên tóc họ. Phía sau lưng, dãy
nhà ngang lợp tole, cạnh nhà thờ nhỏ mà mầu cỏ rạ vàng làm không gian mang một
khung cảnh đặc biệt đồng quê. Mầu nắng, mầu cỏ rạ vàng.,, Gương mặt đặc biệt
gần gũi của bà Rose như một tia chớp bất ngờ sáng lóe trong vùng ký ức của
Thục. Sự khám phá mới mẻ đó làm cô bàng hoàng. Cô đặc biệt chú ý đến một
thiếu phụ trẻ đứng cạnh bà, gò má cao, cặp mắt láy đen, tóc uốn lưng lửng, mặc
quần sa tanh đen, áo bà ba, hai tay vòng trước bụng, miệng cười nhưng gương mặt
lại có vẻ rầu rĩ. ‘Tôi nuôi đứa con của bà bạn nầy lúc mới sinh.
Hoàn cảnh bà ta tội nghiệp lắm”
'Bà ta bỏ con à mẹ ?”- John hỏi.
'Ừ...không hẳn là vậy mà cũng gần như thế.”
'Bỏ con sao gọi là tội nghiệp ?”
'John, không thể đánh giá người ta như vậy đâu. Có nhiều lý
do để họ phải quyết định việc đó. Vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, vì nghèo
khổ..Tôi nghĩ cô ta có nhiều nỗi khổ tâm, vì khi giao đứa bé cho tôi, cô khóc
sưng cả mắt.”
'Khóc sưng mắt mà...” John vẫn khư khư giữ nguyên lập luận của
mình.
'Yên nào . John. Để mẹ kể tiếp. Đứa bé kháu khỉnh lắm. Lúc tôi
nhận nó, nó chút xíu như chú mèo con vầy nè.’- Bà phát cử chỉ úp mấy ngón tay
tưởng tượng-.’Thương quá là thương. Đến khi chập chững biết đi, nó quấn quít
tôi không rời. Thời gian đầu, thỉnh thoảng bà mẹ lên thăm, chỉ đứng từ xa nhìn
con...Sau đó tôi có việc phải trở về nước. Năm 75, tôi làm giấy tờ, định xin cô
bé làm con nuôi mang qua Pháp, nhưng không kịp nữa. Chiến tranh Việt nam đã
đuổi những đứa bé tội nghiệp ra khỏi chốn trú ẩn của chúng.. Tôi không còn dịp
nào trở lại...”
'Còn những đứa trẻ mồ côi ? Caritas có đưa chúng di tản
không?”
'Chúng tôi không kịp tới. Quân miền Bắc chiếm tòa nhà chính làm
chỗ đặt pháo. Họ dồn hết mọi người xuống nhà hầm. Một số chết trong lúc bắn
nhau, một số thoát ra ngoài. Nghe kể lại, khi mìn nổ, những đứa trẻ mồ
côi có đứa chết trên đường chạy trốn, có đứa chết ngay thềm nhà, đạn băm banh
xác, đau lòng quá. Chúng tôi thực sự không biết số phận của những đứa trẻ đáng
thương đó ra sao..”
Bà Rose nhớ lại sự dã man của quân miền Bắc khi chúng chiếm miền
Nam, bà đọc trên báo chí, thấy cảnh tượng tang thương đó trên tivi khi miền Nam
thất thủ. Bà thương những con người hiền lành chân chất thưở ấy. Họ sống
giản dị, thật thà, họ đã làm đầy hương vị trong cuộc sống vốn cô
đơn, tẻ nhạt của bà khi chồng bà mất. . Miền Nam thuở ấy vui vẻ làm
sao. Bà được đi nhiều nơi, được chia xẻ, đóng góp bàn tay , sức lực và cả trái
tim của bà – một trái tim thiếu nữ nhân ái- cho cuộc sống mà chính bà bằng lòng
với sự lựa chọn đó.. Bà gắn bó với đất nước xa xôi kia, với những con người
hiền hòa mà không bao giờ bà có thể tưởng tượng được rằng, chiến tranh đã tàn
phá hết mọi thứ, đã đẩy họ ra khỏi tổ ấm của mình, như tổ chim bị cuốn vào cơn
giông bão tàn phá không còn đến cọng cỏ khô bám víu. Và họ, lìa đàn, lìa quê
hương tan tác khắp nơi.
'Người nầy ‘– Bà chỉ người phụ nữ Việt Nam có gương mặt ầu
rĩ trong hình –‘ Hiện đang ở tại Marseille .Bà ta theo chồng qua
Pháp khi con bé lên một tuổi.”
' Có phải bà Maggie không mẹ ? Hình như bà ta có thêm mấy đứa con
nữa..”
'Con biết gì. Không phải đâu. Với đời chồng sau bà ta không có đứa
con nào. Cô Thục biết không. Năm 75, khi nghe tôi dự định trở qua Việt nam, bà
ta nhờ tôi đưa cho cô bé vật nầy..”
Bà hấp tấp vào phòng và nhanh chóng trở ra với một chiếc lắc nhỏ,
chạm trổ cầu kỳ, vòng mắc xích nọ uốn qua đầu móc kia. Nó rất vừa với cổ tay
một bé gái. Chiếc lắc xinh xắn làm sao!
'Có khắc chữ đây nầy. Đọc như thế nào ?”-John kêu lên-
Thục vẫn ngồi yên. Mặc dù gương mặt hơi ửng hồng, hình như
cô không có ý định xem tấm lắc đang lấp lánh trước mắt mọi người. Thư
nhìn chồm qua vai em gái.
'Riêng con của mẹ..Nguyễn thị Bình Yên.”
Thư đọc to, đọc thêm lần thứ hai và nhìn Thục...Một mảng ký ức
chợt loé sáng .Thoạt đầu, mơ hồ không rõ nét nhưng một chớp tích tắc, mảng sáng bùng dữ dội như thành tường đập nước bị bung vỡ , nước trán xối xả tung tóe. Cảm giác choáng
voáng gần như kinh hãi. Anh choàng tay, bóp chặt vai Thục. Tuy vai cô vẫn thẳng nhưng cả thân
người nhỏ bé kia như đang run rẩy. Anh muốn ôm cô vào
lòng, muốn dùng bàn tay mạnh mẽ của mình che chở cho cô. Tội nghiệp em tôi.
Ánh nắng dịu dàng buổi sáng chiếu qua vòm cửa, rướn nghiêng
khuôn mặt Thục óng ánh vài ngọn tóc rối , rồi ánh sáng bức tung soi rọi
cánh cửa quá khứ của một ngày tháng Tư trời ngầu đục âm u... Cõng trên
vai bầu trời xám chì, đất và trời như đè nhau trong địa ngục trần gian mịt
mù hỗn độn, trong chết chóc tang thương. Là anh , chấp chới theo dòng người đổ
về Vũng Tàu sau những ngày băng rừng, núp hố tránh đạn, qua những con đường
ngập ngụa xác người. Người ta va vập trên xác chết, ngủ cùng xác chết Xe cộ dồn cục, bỏ lại ngổn ngang
trên đường, người chạy vào,
kẻ chạy ra. Thất thần. Sợ hãi. “ Chạy đâu. Chạy đâu. Chỗ nào còn là phía mình”
Không còn chỗ nào là phía mình nữa...Anh nhập theo đám người tay gồng tay gánh,
tìm đường ra biển..Nhiều xác người co quắp bên đường. Nhiều người nằm hấp
hối chờ chết. Anh vấp phải
con bé nằm xấp trên ụ đất.Cái chúi nhũi làm con bé giật mình. Nó ốm đến
nỗi, tưởng chỉ là một xác
chết. Quần áo nó không còn chỗ nào để tơi tả hơn. Nó quơ ngón tay xương nhỏ về
phía anh, chưa vừa vặn một
vòng đã gục mềm người. Anh
vác nó chạy, một hành động chỉ theo vô thức, vì chính anh cũng chẳng biết mình
có sống sót cho kịp ngày tới hay không.
“ Em tên gì ?” “ Yên..B..ình Yên..” “Ba má em đâu ?” “
Mẹ..RRoosse..”
Thục vẫn ngồi yên. Ngoài gương mặt từ mầu hồng chuyển sang trắng
xanh, tuyệt nhiên cô không tỏ thêm thái độ gì . Khi Thư coi lại lần nữa,
hàng chữ khắc trên chiếc lắc vàng, anh quay sang nhìn cô. Đôi mắt của
Thục. Trong khoảng khắc đó, chỉ có anh mới hiểu và chỉ có anh mới có thể
chia xẻ nỗi đau dậy lên từ đôi mắt hằn những sợi gân đỏ cầu cứu của cô . Đôi
mắt của con thú nhỏ tuyệt vọng tìm một con đường khác, chạy
trốn vòng lưới kinh hãi vô hình của quá khứ. “Em đã từng có một cái tên như
thế, phải không anh ? Hãy nói với em, rằng.. không phải, không phải ...”
Rồi nhẹ nhàng, cô hướng về phía bà Rose. Tia nhìn dịu dàng của cô
lướt trên khuôn mặt bà, thả theo chiếc cằm đã móm, trên đôi
vai gầy, và dừng rất lâu trên những ngón tay xương ấm áp hằng bao lần bà
chải tóc cho cô, đắp chăn cho từng đám trẻ mồ côi những ngày đông trở
lạnh. Bà hay mặc váy dài kiểu đầm hái nho, và bây giờ cũng vậy..Bước đi chậm ,
đầu dúi về phía trước, vừa chạm bước chân đã nghe tiếng cười...Ôi, mẹ Rose của
tôi...
Thục ra dấu muốn về. Cô sợ hãi và mệt mỏi. Cô muốn khóc và cảm
thấy khó thở. Thục không biết mình sẽ làm gì, xử sự ra sao khi biết được sự
thật về cuộc đời mình. Cô cần phải có thời gian để suy nghĩ và quyết định.
Họ ngồi lại thêm đôi phút nữa. John chưng hửng khi Thục ngỏ ý
muốn về. Bà Rose càng thất vọng hơn. “ Tôi sẽ trở lại thăm bà lần nữa.” Thục
hứa chắc chắn. Bà hôn vào má cô. Thục xúc động khi nghe lại hơi thở quen thuộc
của bà Rose. Hơi thở thơm mùi dâu chín.
Ngang qua tủ lạnh, cô vẫn giữ khuôn mặt thẳng. Và dù Thục
không ngó lại tấm ảnh được gắn ở vị trí cũ. , Thư biết, tấm
ảnh kia như chất keo không rời bám riết theo cô. Như viên sỏi vô tình xao
động sóng lăn tăn trên mặt hồ bấy lâu yên tỉnh, và dù mặt hồ có lúc trở lại mặt
phẳng bình yên( giả tạo ) của nó. Lớp rong rêu dưới đáy hồ làm sao có thể tìm
lại không gian tĩnh lặng như cũ khi viên sỏi bứt động cựa mình .
Vòng tay ôm vai Thục, Thư nghe nhịp thở của cô vừa gấp gáp vừa đứt
quãng.Anh thật sự cảm thấy lo lắng “ Em khó thở hả” “ “Dạ” ‘Hít một hơi thật
sâu rồi thở ra từ từ. Vầy nè..Rồi. Em thử đi..Em cảm thấy sao.” “ Dạ. Em đỡ
rồi.”
Hai anh em chầm chậm thả chân xuôi con dốc. Gió từ mé sông
chập chùng mang theo hơi nước nồng nồng ẩm ướt .Thỉnh thoảng , tay anh xoa nhè
nhẹ vai cô, một chút ân cần, một chút an ủi. Anh đợi cô lên tiếng, và muốn cô
nói một điều gì đó, tuôn cho hết , trút cho hết những ấm ức về quá khứ đang đè
nặng trái tim của mình. Thậm chí, nếu cô có thể khóc được, anh cũng sẵn sàng
chia xẻ giọt nước mắt cùng cô. Nhưng suốt đoạn đường Thục vẫn im lặng.
'Em có định tìm mẹ em không”
'Em chưa nghĩ tới điều đó.”
'Có lẽ em nên tìm bà ấy. Dù sao bà cũng là mẹ em. Hãy cho mẹ
em có cơ hội để giải thích. Bà đã chịu đựng chừng đó năm cũng đã là điều quá
khổ sở rồi.”
'Anh nghĩ mẹ em khổ sở sao ?”
'Sao không. Làm sao bà có thể hạnh phúc khi trong lòng mình
luôn canh cánh nỗi đau. Và cả sự mặc cảm nữa.Anh nghĩ, bất cứ người mẹ nào cũng
mang tâm trạng đó khi họ phải làm cái việc mà, chắc chắn không ai muốn, là
bứt lìa đi chính một phần sự sống của mình.”
'Anh đâu cần phải bào chữa cho hành động của mẹ em. Cho đến bây
giờ em cũng không nghĩ rằng sẽ trách cứ nguyên nhân nào mẹ bỏ em. Đã xưa lắm
rồi. Xưa quá rồi. Chỉ là cảm giác đau lòng về một điều gì không rõ
ràng vừa vỡ trong em.”
'Không phải là bào chữa. Anh muốn em có một cái nhìn, cánh
xử sự công bằng với bà mà thôi”
'Em không biết. Và không muốn nghĩ thêm điều gì khác. Ngay lúc
nầy. Nó đến bất ngờ quá.Em không bao giờ chờ đợi điều đó. Giá như đừng
biết vẫn hơn”
‘Còn thời gian mà. Em hãy suy nghĩ đi.”
‘Có lẽ..nhưng chưa phải bây giờ”
Cô quay nhìn anh “Có anh lo cho em , từ ngày ấy đến bây giờ
đã đầy đủ lắm rồi. Anh không những là người anh mà còn là người cha của em nữa.
Mẹ mang em đến đời sống nầy, có thể bà không muốn hoặc chối bỏ điều đó, nhưng
anh mới là người ban tặng cuộc sống cho em. Mẹ chỉ cho em hình hài, còn anh mới
chính là người mang cho em hơi thở, nếu anh không cứu em ngày đó, không
vác em chạy theo dòng người ra biển, không chăm sóc em, làm sao em có thể tồn
tại đến bây giờ. Thật tình, em quá sức bất ngờ khi biết rằng em đã từng có một
người mẹ. Điều đó không nói lên được điều gì. Sao anh nhìn em. Hay anh nghĩ
rằng em vô tình . Không đâu anh. Ồ mà có thể là như thế. Sống trong chừng đó
năm, đến từng nầy tuổi, em chưa bao giờ khao khát , hoặc mang cảm giác thiếu
tình thương của một người mẹ. Nhìn lại mẹ hoặc ngược lại, có gì quan trọng đâu
anh. Em không muốn khuấy động đời sống yên tĩnh của bà. Thật lòng em
nghĩ, có lẽ em không nên xuất hiện bên cạnh cuộc đời của bà. Hãy để cho mẹ em
sống như bà đã từng. Không phải là cách tốt nhất hay sao anh ?”
Cô nắm tay anh khi băng qua con đường hẹp, nhà cửa san sát
và nghiêng mái tóc né tầng gác gỗ lơ lửng những chậu hoa treo, nhánh lá dài
đung đưa theo gió. “Dễ sợ quá, anh à. Có khi nào nó rớt trúng đầu mình
không anh ?” Cô hát nho nhỏ một đoạn nhạc. ‘“Khi tôi muốn quên quá khứ lại tìm về.
Như cơn bão lớn cuốn trôi giòng sông yên tĩnh. Khi tôi muốn nhớ lại không có
điều gì để nhớ.. Nhớ..Anh
biết không.. Làm sao em có thể nhớ khuôn mặt của bà Rose khi em còn quá nhỏ.
Nhưng tấm hình kia và mầu cỏ rạ vàng lại nằm đâu đó trong tiềm thức của em. Lạ
quá. Khi em nhớ lại, hình như quá khứ tràn ngập mầu nắng..Sau dãy nhà ngang đó,
hồi nhỏ tụi em thường theo mấy chị lớn đi bắt chuồn chuồn, vợt bướm..Tụi em
sống với nhau vui lắm, hồn nhiên lắm và bởi hoàn cảnh đứa nào cũng giống nhau
nên không hề biết trên đời nầy, còn có một thứ khác tên gọi gia đình, còn có
cha có mẹ. Em nhớ, hồi nhỏ em rất thương mẹ Rose..cũng giống như em thương anh
bây giờ vậy.’
“Hai anh em mình nương tựa vào nhau mà em. Ngày xưa hay bây giờ
cũng vậy.”
“Nên, làm sao em có thể trả cho hết, cám ơn cho hết, mọi thứ anh
đã làm cho em..Em, thật sự đâu cần thêm điều gì khác..”
'Thời gian, em à. Em cần thời gian.”
“dạ..”
Tiếng dạ nhỏ nhẹ của Thục rơi loãng vào giòng người đang đổ xuôi
dốc phố. Cô nắm chặt bàn tay Thư. Những ngón mềm mại nằm gọn trong
tay anh. Ấm áp. Tin cậy.
Họ cùng nhập vào tiếng bước chân , tiếng cười nói , tiếng máy chụp
hình lách cách xung quanh. Gió mùa xuân từ bờ sông thổi ngược lên mang những
hơi nước mát và tan vội vã theo muôn ngàn chùm bông nắng trải chan hòa
trong không gian. Anh kiên nhẫn theo từng bước nỗi buồn của cô, qua những con
đường đắp gạch, những hàng quán bên đường, buổi chiều, bàn ghế được
bày ra sân, xếp san sát nhau để du khách có thể ngắm suốt dọc con đường
nhộn nhịp vào buổi tối.
Ngang hè đường, chỗ chiếc dù sọc trắng xanh kê sẵn hai chiếc ghế
mây. Cô níu tay anh.
'Mình uống chút gì đi anh.”
Đôi mắt nâu thả mông lung ngoài vỉa hè. Giọng cô thầm thì
ướt sũng như gom hơi nước từ ngoài bến sông đầy “Cho em chút rượu
nghe anh. Em buồn quá. Em muốn khóc.”
No comments:
Post a Comment