Monday, July 12, 2021

                            Thơ: Nhật Tân

                            Nhạc và trình bày : Phan Anh Dũng
 

Bóng mây

 

Em đi như bóng mây

Phan Thiết buồn biết mấy

Lá úa khóc trên cành

Gió hát lời đưa đẩy

 

Sợi tóc nào còn thơm

Trên gối chăn ngái ngủ

Đôi môi nào thêu hương

Chiêm bao nào, đã cũ.

 

Giọt thời gian rạn vỡ

Đêm gối thềm hắt hiu

Ngày mịt mùng bóng tối

Mùa theo mùa liêu xiêu

 

Em đi như bóng mây

Sóng Mường giang vời vợi

Một đời tình. Cỏ úa

Một đời tìm. Hụt hơi.


Góc của T.

Cám ơn anh, ngườì bạn lớn chân tình. Nếu âm nhạc là chất liệu cho cuộc sống của anh  quên bớt phiền muộn đời thường thì chính âm nhạc  cũng đã cho anh thêm một mảng đời sống bình yên hơn, an uì hơn dù cuộc đời của chúng ta luôn thăng trầm với những phiền muộn  lo toan.

Hảy giữ mãi niềm hạnh phúc đó, anh nhé.

Cám ơn Anh với Bóng Mây.


v

Thursday, July 8, 2021

                               Em là tia nắng ban mai

                                Nhạc và lơì : Cung Minh Huân
 

Em là tia nắng ban mai

( Cung Minh Huân )


Đây là một bản nhạc...nịnh vợ!

Thử tưởng tượng bạn (nữ) có một ông chồng không biết nấu ăn, không biết làm gì cả, đi làm về thì chúi mũi vào đọc sách đến giờ cơm, cơm xong lại đọc sách vớ vẩn đến tối mịt. Ngày cuối tuần thì la cà quán cafe đánh cờ từ sáng đến khi quán đóng cửa mới về. Người ngợm thì lúc nào cũng nồng mùi thuốc lá. Thỉnh thoảng hai ba lần một tháng chạy lên casino chơi poker cũng đến nửa đêm mới về...kéo dài như thế...khoảng vài năm...😥Tưởng ngưng, gần đây, không la cà đánh cờ hoặc đánh bài nữa, nhưng lại chuyển sang chơi facebook, suốt ngày lướt phây, đọc thơ, đọc văn, xem tin tức, rồi ôm đàn nghêu ngao hát, rồi lại ghi ghi viết viết. Sáng tác nhạc đấy!!!
Khổ cái xong bài nhạc mới nào thì lại lôi vợ ra, bắt nghe trước tiên, dù là bản nháp mới hoàn thành vài câu nhạc cũng bị tra tấn hai lỗ tai trước. Nếu nghe xong, có ý chê không hay, thì mặt lại xụ xuống, đầy nét buồn, thế là phải dỗ dành, nói khéo...để 'ngài' vui lên!...😩

Hehe...! Trên đây là tâm sự thầm kín của vợ tôi. Cô ấy không nói ra, nhưng tôi biết!🥲

Còn hai ngày nữa là sinh nhật của cô ấy. 🤫
Đây coi như là món quà sinh nhật tôi tặng vợ ...để nịnh! Tôi rất biết thân biết phận, nên đã chuẩn bị từ lâu.😀

Cũng thật là, bất cứ làm việc gì không phải dành cho vợ, tôi làm rất mau lẹ. Việc gì làm cho vợ thì lại cảm thấy khó khăn vô cùng. Bản nhạc này cũng vậy!

Thai nghén ấp ủ nó đã lâu, tôi mất hơn một tuần mới viết xong nhạc và lời một. Sau đó mất hơn ba tuần để sửa và thêm vào lời hai. Rồi khi ôm đàn hát, tôi phải hát đi hát lại gần chục lần mới cảm thấy vừa ý!😥

Dù sao cũng có chuyện để khoe với vợ là bản nhạc 'đặc biệt' này anh đã bỏ lắm công sức vào nó, gấp nhiều lần các 'tác phẩm' khác...😀

Mời các bạn fb nghe 'ủng hộ' bản nhạc 'nịnh vợ' này của tôi nhé! Cảm ơn các bạn rất nhiều!🌹

Mừng sinh nhật người vợ yêu dấu của tôi!
(Ký tên: Một người lúc nào cũng cảm kích, biết ơn, và...luôn sợ vợ...buồn!😀)

EM LÀ TIA NẮNG BAN MAI
              Nhạc & Lời: Cung Minh Huân
1.
Ngày ấy em nhẹ bước chân vào đời
Ngày ấy anh đã biết yêu nửa vời
Từng tháng năm dài anh sống u hoài
Chợt đến, em thành tia nắng ban mai.

Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt em
Tiếng cười làm anh ngẩn ngơ
Cho hồn anh thêm mộng mơ.
Ngày xưa áo dài nào ai đón đưa
Dáng hiền đạp xe dưới mưa
Em cười anh hoá ngu ngơ

ĐK:
Và rồi mình trong tay nắm tay
Lời thề nguyền bên nhau đắm say
Cùng một lòng chung xây ước mơ
Anh nào cứ ngỡ đời còn như thơ
Rồi từng ngày trôi nhanh rất nhanh
Và tình mình xanh thêm vẫn xanh
Mắt môi em cười làm anh say đắm tháng ngày bên nhau.
2.
Ngày tháng ta dìu nhau giữa cuộc đời
Và tiếng con cười ôi phút rạng ngời
Hạnh phúc đâu cần áo hoa lụa là
Hạnh phúc không cần những giấc mơ xa

Rồi mai dẫu đời còn lắm phong ba
Dẫu đường đi có gió sương
Anh dìu em bước yêu thương
Tình ta vẫn nồng thêm qua tháng năm
Sẽ còn sưởi ấm tim anh
Em là tia nắng ban mai.

Friday, June 25, 2021

 



                                Thơ : Nhật Tân

                                Nhạc : Phan Anh Dũng 

                                Trình bày: Huỳnh Lợi

                                Hòa âm: Khắc Nhẫn


Nhặt mảnh trăng đêm nằm nhớ núi

Mơ chuyện vá trời mơ vá viển vông

Túi càn không nhốt tình rồ dại

Ta mang tình gối cõi thinh không..

Góc của T.

Cám ơn anh đã đưa những lời thơ vào âm nhạc để giữa thơ và nhạc cùng quyện với nhau bằng những âm thanh quyến rũ làm chạnh lòng người thưởng thức.

Đó là những kỷ niệm đẹp mà chúng ta đã có với nhau ở cõi trần gian nầy.

Người ta không thể sống bằng âm nhạc nhưng không thể sống thiếu âm nhạc.

Anh dùng âm nhạc để nói lên tiếng nói  thầm kín từ trái tim mình mà đôi khi ngôn ngữ không  thể  bày tỏ. Âm nhạc đã làm thăng hoa đời sống  của anh, của mỗi người chúng ta, và qua lăng lính mầu hồng đó, trái tim chúng ta mỗi ngày thẩm thấu thêm những điều mới mẻ đẹp đẽ, để yêu đời sống nầy dù cuộc đời đôi khi quên lãng chúng ta.

Mỗi note nhạc, mỗi âm điệu là đoá hoa đầy hương thơm mơn trớn trái tim vốn cằn cỗi vì tuổi già, vì bịnh tật, vì nhiều thứ lo toan vốn sẵn có trong định mệnh mỗi người, nên những giây phút gặp nhau trong cuộc đời  được ve vuốt bởi âm nhạc, bởi những vần thơ cũng gọi là những khoảnh khắc của  hạnh phúc.

Cám ơn anh , những bài ca mang tên tình cờ hạnh phúc.

(Nhật Tân)


Đêm (NT) 6/2021
Đêm bên ngoài


Cả khi phác một cử chỉ bình thường, đẩy ly cà phê về phía trước, dù không cố ý, tôi cũng nhận thấy một điệu bộ gần như kiểu cách của Quỳnh. Kiểu cách trong dáng ngồi, trong bước đi, hay lúc Quỳnh trò chuyện với chồng. Có lẽ tôi không được công bằng hoặc mang sẵn một ấn tượng mơ hồ nào đó khi gặp lại chị, nhưng quả tình, giữa chúng tôi vẫn có những khoảng cách kỳ cục mà cho đến lúc nầy, cảm giác lạc lõng trong một khung cảnh xa lạ làm tôi mệt mỏi. Thật tình, tôi muốn trở về nơi chốn mình vừa rời khỏi.

Quỳnh vẫn đẹp như thuở nào. Khuôn mặt được tạo nặn hoàn mỹ, phơi bày nét đẹp một cách kiêu hãnh không dấu diếm. Có lẽ lão thời gian đã bất lực hoặc cố tình thiên vị một dung nhan kiều diễm như vậy, nên Quỳnh của ngày xưa và Quỳnh bây giờ vẫn trọn vẹn là đóa hoa mượt mà cánh sắc. Cơ chừng sự lôi cuốn và quyến rũ của một người nữ đã đạt đến tuyệt đỉnh. Và có lẽ cũng không dấu diếm được rằng, vẻ đẹp quá rực rỡ nơi Quỳnh làm tôi ghen tị. 

Quỳnh kể về cuộc sống của gia đình chị. Ráp liền lạc từ những chuỗi cánh bạc lấp lánh đủ mầu sắc của tiếp nối nầy sang tiếp nối khác, những may mắn mà Thượng đế thường ban thưởng cho thần dân của Ngài một cách phóng khoáng, dễ dãi. Một gia đình hạnh phúc. Một dinh cơ đồ sộ, trang bị bởi những đồ đạc choáng lộn đắt tiền. Một người chồng lịch lãm, hoạt bát. Mắt Quỳnh âu yếm khi lướt về phía Nghiêm- chồng chị- đang ngồi cạnh lò sưởi.Trong vùng sáng bập bùng tia lửa ấm, khuôn mặt Nghiêm cúi sát vùng tóc hoe óng nâu vàng của con bé Quỳnh Chi. Hai cha con họ đang nói về một đề tài gì đó, chắc là rất vui, vì tiếng cười của Quỳnh Chi, trong trẻo và dễ thương đến lạ. 

Và nhân vật tôi thừa đang ngồi lọt thỏm trong gia đình kiểu mẫu nầy. 

Ðáng lẽ tôi không nên đến đây, bước vào, dù chỉ chạm khẽ cõi hạnh phúc bình yên của họ. Khi ngắm một bức tranh quá tuyệt hảo mà người họa sĩ đã dành cho nó những mầu sắc hết sức chọn lọc, cầu kỳ thì có lẽ ta chỉ nên đứng xớ rớ bàng quan chiêm ngưỡng. Nó không thuộc về thế giới của những người quá sức bình thường như tôi. Nó là không gian của Quỳnh. Là thảm hoa bọc nhung lướt về phía trước. Quá khứ, với chị, đã trôi tuột vào khoảng đời nào xa lắc mà không ai muốn nhìn nhận sự có mặt của nó. Lập lại điều gì. Ðòi hỏi điều gì. Có những vết thương khi gợi lại, khộng gây cho người ta một chút cảm giác gì, dù chỉ là cái buồn nhột vô tình. 

Mắt Quỳnh nhìn tôi như đang ngắm nghía, đánh giá một món đồ chơi đã mốc meo bị bỏ quên lâu ngày trong xó tủ : 

 “ Em cũng ...không thay đổi bao nhiêu nhỉ ? Nhưng hơi ốm. Nước da con gái mà xanh xao quá, như thiếu máu...” 

Thấy tôi vẫn lặng thinh, Quỳnh đưa tay vuốt nhẹ gò má tôi, hơi cau mày : 

“ Da em hơi khô. Mỗi tối em phải dùng kem dưỡng da ban đêm. Loại kem chị hay xài cũng được lắm, để chị xẻ cho em một ít... “

Ðôi mắt tôi vẫn không rời khuôn mặt chị. Tôi nghe mà như khộng nghe. Nhìn mà như không thấy. Sao chị không hỏi về Anh. Sao không hỏi lý do nào tôi đã đến đây. Bàn tay tôi vừa mới rời khỏi cái thân xác tiều tụy như nắm xương khô, mấp mô dưới lớp mền bệnh viện buồn thảm.. Vẫn còn ấm giọt nước mắt khẩn cầu tội nghiệp. Giọt nước mắt đàn ông không ngờ. “Tìm Quỳnh dùm anh. Em ơi. Vợ anh, con anh...Anh nhớ họ lắm. anh muốn gặp con gái của anh...'' 

Vậy mà...Giờ đây, sự giàu có sang trọng và cuộc sống vương giả của họ làm tôi sượng sùng, ngần ngại.. Có lúc tôi lẩn thẩn nghĩ rằng, chị đã hoàn toàn quên sự quan hệ giữa chị và tôi, giữa ba người chúng tôi..Hoặc có thể, nhớ mang máng một điều gì đó nhưng không thật chính xác. Hoặc ngược lại. Làm sao biết được, đằng sau khuôn mặt đẹp như pho tượng kia, giây thần kinh hoài niệm nào còn hoạt động ? chị đang nghĩ gì sau đôi mắt gần như vô cảm kia ? Nhưng thật sự, tôi có đủ can đảm để nhắc lại lời khẩn cầu của anh hay không ? Ðứa cháu gái xinh đẹp, quá sức dễ thương kia, là cháu ruột của tôi. Tôi có quyền đòi hỏi để nhìn nhận ? Lúc nầy loay hoay giữa hai giòng xoáy, một nửa giằng co thôi thúc muốn tỏ bày, nửa kia muốn bỏ mặc buông xuôi...Thật lòng tôi muốn thoát ra khỏi vai trò oái oăm mà người đạo diễn quái ác đã nhấn kịch bản vào tận tay, đẩy tôi ra sân khấu. 

“Uống cà phê đi em “ 

Quỳnh định nói tiếp gì đó nhưng vòng tay của Nghiêm bất ngờ choàng qua vai chị. Cánh tay khá mạnh mẽ đầy lông xoắn đậm. Ông nựng chị như trẻ con : 

“ Ðừng uống cà phê nghe cưng. Rồi cưng lại kêu mất ngủ. Rồi lại than thở sao mắt em có quầng thâm.” 

Ông ghé môi hôn bên má vợ. Tiếng Quỳnh cười rinh rích nũng nịu. Chị níu tay, vít gương mặt chồng. Tôi nhắm mắt. Cánh tay anh ngày xưa cũng vững chãi, rắn chắc như ông. Cũng đầm ấm và ngọt ngào mỗi khi chị cuộn mình trong lòng anh. Tôi nhớ những giòng mực khoanh xanh, đỏ trong ''Uyên ương gẫy cánh “” của Khalil Gribran mà anh đọc từng ngày như tụng kinh tình yêu...” Tình yêu bất chợt nẩy nở trọn vẹn trong tâm hồn khi cảm xúc đó gặp nhau ở khoảng khắc định mệnh.Ðó là giây phút vĩnh cửu. Bởi, người ta không thể tự tạo ra nó cho dù cả hàng nghìn năm...'' Anh muốn bao bọc em trong cánh tay tình yêu mạnh mẽ của anh..'' 

 Vậy mà...Mối tình đẹp đẽ kia kết thúc không một giọt nước mắt. Cánh tay tình yêu hứa hẹn đầy nam tính đó bây giờ chằng chịt những dây nước biển, ống thở, nhịp đo tim... 

Quỳnh nói với chồng, chị muốn ngồi lại vài phút với tôi '' Chỉ chút xíu thôi, em sẽ lên với anh ngay mà “. Quỳnh Chi cũng vừa trờ tới. Mái tóc nâu vàng mềm mại của cháu thoảng mơn trớn vai tôi. thơm dìu dịu mùi hương táo.Tôi đã nhìn cháu rất nhiều lần, rất lâu mà mỗi lần ngắm nhìn đều không khỏi nôn nao ước muốn được ôm vào lòng, gương mặt quá xinh xắn, quá dễ yêu kia. Dưới hàng mi cong rợp  tia nhìn, vừa trong  trẻo vừa buồn rầu là trọn vẹn âm bản ánh mắt của anh tôi. 

Khi bước chân hai cha con khuất xa phòng khách, gương mặt Quỳnh hình như kéo lại đường gân thư giãn, bình thản một cách hiếm có. Vài lọn tóc rủ che vầng trán cao làm nét khắc của pho tượng dịu dàng hơn.Tội nghiệp Quỳnh. Tại sao người ta luôn phải khốn khổ , lừa dối chính mình bằng những mặt nạ giả tạo, bối rối kia? Mối tình của chị và anh đâu dễ gì có thể xóa bỏ, gạt nó ra ngoài tầm ký ức buồn vui ? Có thể chị quên anh, thậm chí thù ghét anh, nhưng còn sự hiện hữu của Quỳnh Chi. Nếu anh muốn gặp lại con, đâu phải là điều quá đáng ? Tôi e dè mở lời : 

“Chắc chị biết tại sao.. “

“Chị biết. Chị biết.” - Quỳnh chồm đối mặt tôi-“ Em trả lời cho chị. Em thấy Nghiêm đối với con bé như thế nào ? Rất thương yêu nó phải không ? “

“Có. Em thấy vậy.” 

“Nó là sự sống, là niềm hãnh diện không riêng cho Nghiêm mà cả cái gia đình nầy. Nó là con chị. Phải. Chị đâu cần dấu em cái cái bí mật kinh khủng nầy. Ðúng không ? Chị hỏi em. Tại sao giờ nầy em muốn khơi lại, muốn tung hê đạp đổ cả một đời sống mà phải cố công lắm chị mới có thể tạo dựng được...” 

“ Em không..” 

“ Không hiểu hả ? Tại sao hả ? Nghiêm nghĩ là chị sinh thiếu tháng. Vậy thôi. Với một người chồng cao thượng, đầy đủ điều kiện tốt như Nghiêm, em nghĩ chị có can đảm để nói lên cái điều tồi tệ đó hay sao ? “

“ Sao chị gọi đó là điều tồi tệ ? Sau lễ hỏi, mẹ của em đã đến nhà chị xin định ngày cưới mà.” 

“ Cưới. Cưới.” - Chị cười nhạt giọng đay nghiến –“ Phải, định ngày cưới.. Rồi sao ? Cái ngày chị có thai, lên Pleiku báo cho tin cho anh ấy, em biết chị thấy ai trên giường ảnh không? Con nhỏ bạn thân của chị. Tại sao em lại nhấp nhổm ? Bộ mấy người muốn tôi phải khóc lóc nghe lời giải thích sao ? Bộ muốn tôi phải đau khổ khi bị ruồng bỏ sao ? Người đàn bà khi yêu, họ có thể bất chấp, cởi hết, bỏ hết để sống cho tình yêu. Nhưng khi đã bị phản bội, em có biết phản ứng của họ ra sao không ? Ờ, mà em đâu bao giờ bị lừa gạt thảm thương như chị nên làm sao thấm thía cho được ? Thử bị một lần đi cưng, rồi em sẽ có câu trả lời. Nói cho em nghe. Có người khóc lóc, chết lên chết xuống, xé quần xé áo đòi tự tử. Có người khư khư ôm vết thương lòng rồi than thân trách phận. Chị hả. Chị chọn Nghiêm trong đám thanh niên xếp hàng theo đuổi và khi Nghiêm ngỏ lời, chị nói chị muốn cưới liền. Vậy thôi.” 

“ Chị à, chị đã bỏ đi từ hôm ấy, nhưng đến bây giờ, ít ra..” 

Hình như Quỳnh khóc. Hình như không. Tôi thật tha thiết muốn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đẹp kia hay được nghe lại giọng nói mềm mỏng dịu dàng, là riêng con người thật của chị, có thể biểu lộ cảm xúc buồn vui một cách gần gũi thân ái như ngày xưa, mỗi lần chị nằm vùi kêu với tôi. '' Sao mà nhớ anh đến tối tăm mắt mũi. Sao mà yêu anh đến phát khùng điên “ Cái khùng của chị nhiều khi lây sang cả tôi, và ngay lúc nầy, muốn lây thêm những oán giận mà chỉ duy nhất tôi là đối tượng để trút cho hết một hồ căm phẫn. 

“ Quỳnh Chi là thế giới thu nhỏ của Nghiêm. Không một người cha nào yêu con, cưng chìu con như Nghiêm. Quỳnh Chi cũng vậy. Với nó, Nghiêm là một người cha tốt nhất trên đời.” 

Những lời thì thầm của Quỳnh đập lùng bùng qua tai tôi. Nó đổ đầy ắp, ứ tràn như không còn chỗ nào có thể nhét thêm được nữa. Tôi đang lơ lửng trong chuỗi âm thanh hỗn độn...Trong tiếng thì thầm của Quỳnh như thoảng  tiếng rét rét của loài dế, cánh đập xè xè của bọ hung, tiếng vo ve buồn tẻ của nghìn muỗi đêm... Có lẽ vì vậy mà từ lúc gặp Quỳnh đến giờ, chị chưa hề hỏi về anh. Cuộc sống của anh. Buồn. Vui. Sống. Chết. Không chút mảy may ảnh hưởng tới chị., Anh đã chết trong lòng chị. Chết tức tưởi. Chết mất tích. Thậm chí đã bị xóa bỏ, gạch tên như không hề đã từng tồn tại. Khi người ta muốn quên quá khứ, coi nó như một ung nhọt, thì sự gợi lại chỉ gây thêm nỗi ghê sợ phiền toái. Và tôi cũng đang tự hỏi. Có phải mình đang làm một công việc rồ dại, thừa thãi, cố công mày mò khơi lại vết thương cũ mà thời gian đã liền miệng, thậm chí không để lại một vết sẹo nào. 

“ Em à..Hiểu dùm cho chị. Em biết tại sao chị không muốn nhắc đến anh ấy mà” 

“ Nhưng mà anh ấy đang bị bịnh nặng lắm, không biết sống được bao ngày nữa. Anh ấy chỉ xin được gặp con gái của anh ấy lần cuối  thôi ”

“ Không thể. Chị không cho phép điểu đó”

“ Nhưng dù sao, chị à. Dù sao anh chị cũng đã từng…” 

“ Nói làm sao cho em hiểu đây ? Chị đã quên hết rồi. Chẳng có vết thương lòng nào mà không thể hàn gắn được. Nếu ai nói với em, thề sống chết với mối tình đó chỉ là đóng trò giả dối thôi. Hơn nữa chị cũng chẳng có vết thương nào để hàn gắn. Chị không thù hận anh của em, cũng chẳng hờn giận. Bởi, ảnh chết từ lâu rồi. Chị biêt em nghĩ chị giả dối, đang mang mặt nạ để che dấu quá khứ của mình. Đúng, chị là vậy. Có những người đeo mặt nạ để mưu cầu những điều ảo tưởng, để phỉnh lừa, để .gạt gẫm... Còn chị chỉ muốn bảo vệ hạnh phúc cho mình và tương lai của Quỳnh Chi. Ngần ấy năm,  cái mặt nạ đó đã biến thành mảng da dính vào máu thịt chị rồi.”

Tôi hỏi mà tự trong mình đã chừng sẵn câu trả lời : 

“Chẳng lẽ chị dấu Quỳnh Chi suốt đời ? Có quá bất công cho anh ấy không? ” 

“Bất công, em nói nghe hay thật.” 

“Nhưng anh ấy sắp.. “

“Chị yêu Nghiêm. Chị rất yêu chồng chị. Em hiểu chưa ? Sao nói hoài mà em chẳng chịu hiểu? Chị sẵn sàng đánh đỗi tất cả để giữ kín cái bí mật nầy. Và em. Em cũng phải làm như vậy. Chị không van xin mà yêu cầu em. Không phải cho chị mà chính là vì tương lai của cháu em “. 

Hình như giọt nước mắt trong tôi đang bung vỡ đâu đó.Tôi đang ngồi trước một ván cờ, thành chưa thất thủ mà tướng đã vội bỏ chạy. Phải. Tôi còn có thể làm điều gì khác. Quá khứ đã khép sau lớp bụi thời gian, đã được ưu ái cài chặt bởi trăm vòng khóa lãng quên. Nhân vật chính đành đoạn vất sau lưng, ném vụt ngoài ngăn hồi tưởng thì kẻ đóng vai phụ như tôi có thể làm nên điều kỳ diệu nào khác ? 

Cửa phòng bật mở. Phòng ấm sưởi mà cơn gió lạnh đâu thổi sượt qua, buốt lay màng tóc. Gương mặt Quỳnh Chi ló vào : 

“Mẹ à. Con đi ngủ trước hay chờ mẹ ?”

Lặng lẽ ngắm Quỳnh Chi, tôi muốn gom cho hết trong trí nhớ, hình ảnh yêu dấu của cháu. Mắt mơ mộng viền nâu mầu hạt dẻ. Ðôi má ngấn nụ đồng tiền xinh xinh. Cả nụ cười khóe môi cong cong hệt tôi hồi nhỏ. Có lẽ Quỳnh nói đúng. Cháu đang khiêu vũ với cuộc đời trên tấm thảm nhung rực rỡ., nếu không thể sơn phết thêm cho nó những mầu sắc lộng lẫy thì cũng chớ phủ vội những đốm tàn nhang hệ lụy...Bao dằn vặt khổ tâm của Quỳnh sau lớp mặt nạ giả tạo kia cũng đã đủ hành hạ chị cho đến hết một đời rồi.. 

Quỳnh đẩy cháu về phía tôi. ( Tôi thầm cám ơn cử chỉ tế nhị của chị ) 

“ Mai cô về sớm. Lại chào cô đi con”. 

 Bàn tay Quỳnh Chi nhỏ nhắn, mềm mại nắm chặt cườm tay tôi làm các giây thần kinh chợt chuyễn mình êm dịu. Cháu nhón chân hôn chụt vào má tôi, và tôi, trong lúc bất ngờ không thể kiềm chế được, giang tay ôm chặt cháu vào lòng. 

Gương mặt Quỳnh tối lại lớp mặt nạ cũ. 

Tôi đứng quay lưng nơi cánh cửa họ vừa rời khỏi. Bóng đêm sâu thẳm đang đổ vội, lướt thướt ngoài khung cửa.. Ðầu óc tôi rối bời. mệt mỏi với những sắp xếp chi tiết lộn xộn. Nói gì với cái thây người tàn tạ trong bệnh viện đây ? Vai nào, bối rối hay thiểu não cũng làm tôi đau lòng.”Ờ. Anh à. Em đến đó mà đâu có gặp ai. Thì còn cái địa chỉ nào nữa. Ðâu phải nhà của chị Quỳnh. Anh cứ mà tin lời mấy ông bạn của anh, chắc em đi giáp tận trời cuối đất quá. Có, em tới thiệt mà. Ờ phải, người ta nói hồi xưa cũng có một bà già tên Quỳnh, hay Huỳnh gì đó, nhưng già háp rồi. Có, em có gặp bả mà. Bà nầy già ghê lắm, móm xọm mà còn nghễnh ngãng nữa.. Ngó buồn cười lắm...” 

Ngó buồn cười lắm...Nước mắt ở đâu một lần nữa ứa lặng lẽ chạy dài theo cánh mũi. Tôi tưởng tượng đến khuôn mặt của anh, lớp da bọc ngoài xếp cằn ly theo đường rảnh nhăn nheo. Khuôn mặt bình thản của một người tự biết mình không còn gì để mất. Như cuối cùng một đời người dường như biết trước số phận của mình, dọn sẵn đường cho nơi đến. 

Dù muốn dù không, lúc nầy đây, mặc nhiên tôi đã đứng về phía chị. Ðể vĩnh viễn Quỳnh bình yên bước ra khỏi tấm khung quá khứ. Để bỏ lại phía, không phải bây giờ mà từ nhiều năm về trước mọi vết tích của một mối tình đã mang lại cho chị nhiều cay đắng hơn hạnh phúc.

“.Thôi anh. Hãy bình yên đi anh. Hãy ném tất cả ký ức vào giòng sông quên lãng. Hãy tắm gội một lần cho đến mệt nhoài và rũ sạch bụi tro nuối tiếc. Hãy coi như chưa từng có người nào mang tên Quỳnh đã đi qua cuộc đời anh. Ðây là một sự thật mà anh phải chấp nhận...” 

Bỗng dưng. Da thịt tôi chợt rùng mình nổi sần sùi từng đốm gai ốc. Cơn lạnh di chuyễn chậm mà chân tóc, chân lông đồng loạt dựng đứng. Cảm giác lạnh rợn người y hệt lúc cháu Quỳnh Chi mở cửa. Cùng lúc, chân tay tôi cứng đơ, ngực tưng tức, tim vặn vẹo như thiếu không khí.Một người nào đó đang thở sau lưng tôi. Tiếng thở dài âm u phát sâu suốt lồng ngực, phà dọc sau gáy hơi lạnh của một khối băng. Không phải tiếng gào. Không phải tiếng khóc. Nó gom tụ một chuỗi âm thanh u trầm não ruột, vừa bi thiết vừa thê lương. 

Mấy ngón tay tôi bị rút căng, tê cứng, miệng há hốc mà không thể phát tiếng kêu. 

Một giây...Hai giây...Ðột nhiên, hơi lạnh dịch về hướng cửa sổ. Tôi quay phắt lại. Không. Không có ai. Nhưng tiếng thở dài vẫn còn quanh quẩn kéo xoáy những vòng trôn ốc. Nó ai oán não nùng như gom đủ trăm nghìn tiếng nấc bị bóp nghẹn, khùng khục lẫn tiếng khóc rền rền đập vào bức tường đá dội ngược âm thanh xé gió.Tiếng khóc và hơi lạnh buốt chợt lướt qua thân thể tôi, rồi,như bị lôi kéo bởi một sức mạnh vô hình khủng khiếp nào đó, nó đảo mạnh, xô tung chắn khung cửa, cuốn vạt áo tôi ném phần phật về phía trước. 

Ðêm bên ngoài.

 Bóng tối xô đẩy, dồn cục muôn hình thù quái gở. In đậm trên nền trời, một vệt sáng xanh lè tựa mắt mèo đứt quãng. Chợp tích tắc...Ðốm sáng vươn rộng, chồm chới với như cánh tay khẳng khiu, níu vào khung cửa, lòng thòng những đường dây dẫn ống nước biển...

(Nhật Tân) 

Saturday, May 15, 2021

                                 Thiên Kim ( 2021)

Kim của ngoại

Nhanh quá, phải không con ? Mới ngày nào con còn bé xíu, chập chững chạy theo ông bà, còn mắccỡ khi thấy ông cầm máy hình , mỗi lần mẹ Quyên chụp hình con là con quay mặt đi. Con ít nói và cũng ít cười,  nhưng con lại biết lo cho mẹ, quan tâm đến ba mẹ của con nhiều hơn chị Thanh. 

 Điều ngoại buồn đến tận bây giờ, là ít thời gian ở cạnh bên con và chị Thanh khi các con còn nhỏ. Mỗi năm chỉ đôi lần gặp con trong dịp tết, lễ. Mỗi lần gặp ngoại, con thường áp gương mặt xinh xắn của con vào vai ngoai, và khi con lớn từng ngày, con cao hơn, mảnh dẻ hơn và muốn ôm ông bà , con phải cúi  xuống. 

Con bé xinh xắn, dễ thương đó, sắp bước chân vào đại học.

Ngoai vẫn còn giữ những notes nhỏ con viết cho ngoai. Lần con đi làm, lương tuần đầu tiên con mua cho ngoại gift card Starbuck. Con nói con biết ngoai thích uông cà phê. Những notes nhỏ đó câu cuối bao giờ cũng viết’ Con thương ông bà ngoại’

Con sẽ đi một mình ở con đường phía trước, hết những lần ba mẹ con đưa đón con ở trường, ở hồ bơi hay sân golf. Bay một mình. Chắc con sẽ rất nhớ ba Quang, mẹ Quyên. Nhớ căn phòng của con, chỗ con ngồi học bài, mùa thu, lá vàng tực rỡ ngoài khung cửa. Con ít nói nhưng trong đôi mắt con, trong trái tim con đầy ắp những yêu thương ấm áp mà con dành cho gia đình mình, ông bà, các cậu.

Ngoại hạnh phúc vì có được một cô cháu gái ngoan ngoãn, giỏi giang như con.

Ngoại biết. Ba mẹ con sẽ rất buồn khi phải xa con. Khi các con lớn lên, bay nhảy ngoài trời rộng kia, ba mẹ của con, ông bà .. chỉ đứng tại chỗ, ngó tại chỗ và chờ đợi tại chỗ.

Kim của  ngoại. 

Tháng tám con vào trường. 

Còn bao lâu thời gian, con hãy tận hưởng những giây phút còn được gần bên cha mẹ. Điều đó sẽ an ủi ba mẹ của con nhiều lắm.

Vì, không bao lâu nữa, con sẽ thật sự rời khỏi vòng tay âu yếm của ba  mẹ con. Căn nhà vắng con và Thanh, ba mẹ của con sẽ buồn đến dường nào .

Kim. Ngoại nhớ con.






Sunday, May 9, 2021

 

                                  Phan Thiết quê tôi 


NHỮNG KÝ ỨC KHÓ QUÊN .

( Nguyễn Lượng )
'
Xóm nhỏ chừng chục căn nhà, chỉ có nhà Nhỏ là căn nhà 2 tầng, những nhà còn lại đều nhỏ nhắn. Mặt tiền nhà Nhỏ hướng ra một ngã tư đường mà thời đó những ai là học sinh trung học trong cái thị xã nhỏ bé này thường đi qua để tới trường. Ngang hông nhà, cánh cửa sổ trên lầu mở ra là thấy ngay một công viên với những thảm cỏ, những cây hoa dại và những cây Vông cổ thụ cao lớn, mà thân của từng cây hai người lớn ôm không hết. Mùa hè đến, cây nở hoa đỏ rực và sau khi bầu hoa thành hạt, chúng rụng xuống làm đỏ cả lối đi, ngó thoáng qua tưởng như xác pháo được đám trẻ con đốt trong ba ngày Tết hay lễ cưới của đôi uyên ng nào đó!
Nhà nào cũng có " dân số" năm, bảy người. Không tính bậc cha mẹ thì nhà nào cũng có những đứa trẻ lứa tuổi ''Thằng Côn'', "Con Thúy" trong những tác phẩm của nhà văn Duyên Anh và những đàn anh, đàn chị trong lứa tuổi cập kê nhưng vẫn còn xách cặp táp tới trường. Thành ra anh chị em nhà nàythường là bạn bè trang lứa với anh chị em nhà khác. Ngoài những buổi tới trường, đám trẻ thường nhóm lại chơi những trò chơi như : rượt bắt, trốn tìm, nhảy dây, nhảy nhà lầu, đánh chắc, nấu ăn, đá banh, đá dế, bắn bi, u mọi ... Nhiêu trò chơi đó thôi cũng làm cái xóm lúc nào cũng nghe tiếng vui cười, cãi vả của đám trẻ cho tới tận giờ đi ngủ. Nhớ có lần chơi trò trốn tìm. Tôi leo lên cây trứng cá rồi chuyền lên mái nhà ẩn núp. Phe kia tìm hoài không ra mà đêm càng khuya càng tối nên lo sợ kêu réo um sùm. Còn tôi thì nằm trên mái nhà ngủ một giấc ngon lành! Cũng ở trò trốn tìm này tôi và thằng Ng. leo lên cây nguồn trong xóm. Cây nguồn có nhánh um tùm dể ẩn núp, khó tìm nhưng rất giòn, dễ gãy, Ng. té xuống đất phải chở đi nhà thương. Tôi chạy theo một đoạn rồi đứng lại, khóc! Chơi trò nấu ăn tôi được chị D. phân công lấy nước ở cái giếng trong xóm. Cặp thùng là hai cái lon sửa bò và đòn gánh là một thanh tre !
Chơi trò nào cũng thường chia làm hai phe và tôi luôn chọn về phe có Nhỏ, cô bé có hàng lông mi dài cong vút và đôi môi đỏ thắm ! Nhỏ lanh lẹ nên chơi trò nào cũng giỏi. Chơi trò rượt bắt , Nhỏ chạy nhanh và lắc léo nên bắt được Nhỏ không dễ chút nào.
Trong xóm có một khoảng đất trống, khá rộng. Đám trẻ đã " thiết lập" thành một sân banh. Mỗi phe có một cái gôn được lập bởi những chiếc áo, quần, giày, dép. Nhớ lại tôi chơi rất hay khi thấy Nhỏ đứng nhìn xuống qua khung cửa sổ ở trên lầu!
Mùa hè được nghỉ học. Khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống. Vườn bông gần xóm cây cỏ phát triển xanh tươi. Những chú dế ăn cỏ non, mau lớn về đêm gáy râm ran suốt cả khu vườn. Những buổi chiều hè này, tôi thường ra vườn bông bắt dế. Tai căng ra nghe tiếng dế gáy để xác định chổ trốn của nó. Chân đi rón rén về hướng đó nhưng mắt vẫn thỉnh thoảng nhìn về cửa sổ trên lầu hướng ra vườn bông coi Nhỏ có đứng ngó xuống không !
Chơi đá dế trong xóm không hẳn dành riêng cho tụi trẻ mà cả những đàn anh, đàn chị lứa tuổi cập kê vẫn ham thích! Anh H. một người anh của Nhỏ nhiều lần đạp xe chở tôi về Phong nẫm, nơi có nhiều thửa ruộng để bắt dế. Có lần bắt được cả thùng đầy dế, hai anh em ngồi đá cả buổi mới chọn được con dế nhất ( vô địch ). Con này được nuôi dưỡng đặc biệt hơn những con khác. Thường được nhốt trong những chiếc hộp giấy hộp quẹt, được ăn cỏ non và tối thường được phơi sương! Nuôi dưỡng như vậy mới hy vọng đá thắng những con của người khác ! Hề hề ! Chơi dế cũng cầu kỳ đâu thua gì chơi gà chọi ha ?!!! Thích nhất là để chiếc hộp dế ở trên túi áo trước . Đi đâu cũng nghe tiếng gáy " réc'' '' réc" như tiếng kèn thúc quân ra trận !
Cũng vì mê thích trò chơi đá dế và nghe tiếng dế gáy oai hùng (dể gây hiệu ứng phấn khích cho lủ trẻ ) mà lần đó tôi bị ông Thầy đánh cho một trận và chắc trong cuộc đời mình chỉ có một không hai !Mùa hè năm đó khi tôi chuẩn bị vào lớp Tư , ba tôi cho tôi đi học thêm ở một trường tư thục có tên Lễ Trí . Trường ở trong một con hẻm nhỏ đối diện với xóm , do một vị thầy lớn tuổi và cô con gái đảm trách . Trường có vài chục học trò theo học đủ các lớp từ lớp Năm cho tới lớp Nhất và thường là con em của những gia đình phụ cận . Cũng bởi do thầy lớn tuổi nên trường còn có thêm một tên thường gọi nữa là trường Thầy Già !!! Học trò lúc đó luôn được học sự lễ phép kèm theo những môn học thường thức ! Trên vách , trên mái nhà được treo những chiếc roi mây hay đuôi cá đuối và bảo đảm trong suốt thời gian theo học tại đây , chắc chắn không học trò nào mà không bị ăn roi từ Thầy !
Buổi học chiều hôm đó , khi cả lớp đang nghe Thầy giảng , con dế than trong hôp giấy dầu Khuynh diệp tôi đang bọc trong túi áo , nổi hứng cọ cánh , gáy um sùm !Trong lúc tôi đang bối rối đập nhẹ nhẹ vào hộp , mong sao nó sợ mà ngừng gáy thì Thầy quay xuống , chỉ tay vào tôi la lớn " Lượng , lên đây "! Tôi bước lên , mắt cứ ngó vào chiếc roi đuôi cá đuối trên tay Thầy mà nước mắt đã ràn rụa trên má . Khi tôi đi đến gần vừa tầm , Thầy cầm roi quất mạnh vào mông . Tôi la khóc om sòm . Trận ăn roi đó cũng là duy nhất và cũng là cuối cùng . Bởi lẽ , ba tôi không cho tôi đi học thêm nữa . Chiều đó khi về nhà , Má tôi cũng đã bật khóc khi thấy những vết bầm tím , vắt ngang dọc trên mông của con mình khi thay quần áo cho tôi. Bà pha nước muối loãng , thoa lên " vết thương " . Thoa đến đâu tôi đều có cảm giác bỏng rát đến đó ! Chắc cũng gần cả tháng những vết bầm tím đó mới lặn ! Thiệt là một trận ăn roi nhớ đời , khó quên !
Thế hệ của chúng tôi đều lễ phép đối với mọi người lớn tuổi ,cha mẹ , thầy cô . Có lẽ cũng nhờ vào sự nghiêm khắc vàdạy dỗ của thầy cô lúc đó ?!
Bên kia khi băng qua con đường chạy ngang xóm có một dãy phố nhỏ . Đầu con phố này là một khách sạn và ngay đó là con hẻm nhỏ chạy vào ngôi trường trên .Phố có vài cửa tiệm bán kiêm luôn sửa xe đạp , vài tiệm bán thuốc Bắc và vài cửa tiệm tạp hóa . Những cửa tiệm này đều của người Tàu . Tiệm tạp hóa có rất nhiều mặt hàng ,từ thượng vàng đến hạ cám ! Nhiều loại bánh kẹo ngon được chứa trong những thẩu lớn bằng thủy tinh ,trong những thùng nhôm lớn có mặt trước là kính đề bánh kẹo hiện ra rõ ràng ,làm cho lũ trẻ đứng nhìn , thèm thuồng khó bước khi đi ngang qua! Những vật dụng lặt vặt hàng ngày , những gia vị cho bữa ăn thêm ngon được trưng bày đầy ắp làm cho cửa tiệm chật chội thêm . Xen lẫn các cửa tiệm này có hai tiệm thuốc Tây , hai phòng mạch Bác sĩ , một tiệm cầm đồ ,một nhà in có bán kèm sách vở và một tiệm cơm . Tiệm cơm có mấy chị em xinh đẹp , luôn mang trên người nhiều đồ trang sức đứng bán . Tên gọi của mấy chị em cũng thiệt đặc biệt , dễ nhớ khó quên! Bắt đầu tên người chị là Giàu rồi kế đến là Có , Tiền , Của ! Tiệm cơm thường có khách hàng là những viên công chức trẻ , xa nhà và lũ trẻ chúng tôi trong xóm cũng có nhiều kỉ niệm khó quên với tiệm cơm này ! Tôi sẽ kể về chuyện này vào lần kế tiếp .

Góc của T.

Anh nhắc ‘ Sao lâu lắm em không vào blog?’’
Chẳng lẽ nói với anh , sao mà em lười quá. 
Blog, với tôi , như cánh cửa mở ra một góc phòng khác, nơi tôi có thể xếp trong đó những bài thơ nhỏ, những truyện ngắn, những chia xẻ của bạn bè, anh em. Đó là thế giới bình yên của tôi..Nhưng, đã gần một năm nay, thật tệ cho trí nhớ của tôi. Chìa khoá của cánh cửa đó, không biết đã rơi  rụng nơi nào...
Anh viết về những hàng vông bông đỏ thắm nơi thành phố cũ. Thành phố nơi tôi được sinh ra, lớn lên, nơi mà không gian ở đó đã thấm đẫm chan hoà trong tôi,  cho tôi được bơi lội thoả thích trong tình thương của gia đình, nơi tôi nhìn các em tôi lớn từng ngày với những chiếc răng măng ngộ nghĩnh.
Cũng căn nhà có cây trứng cá quanh năm chín đỏ, anh và tôi, chúng ta có với nhau biết bao kỉ niệm. Tôi nói với anh ‘ Hồi xưa em cõng anh hái trứng cá, bây giờ đến lượt anh.. ‘ chỉ nhắc chút chừng đó đã nghe bùi ngùi.
Anh. Anh sắp bước vào phòng phẩu thuật lần nữa. Hãy bình yên, anh nhé. Và đừng quên, anh còn nợ em một lời hứa.


Monday, May 25, 2020


                      Tiểu Quyên & Duy Quang ( 5/2020)


Con yêu thương của bố má.

Hôm nay sinh nhật con. 
Mỗi năm khi đến ngày nầy, má nhớ lại nhiều thứ và càng nhớ lại càng thương con xiết bao. 
Thương con gầy gò nhỏ bé lẫn đẫm theo má từ những vùng kinh tế mới. Bữa cơm bobo độn khoai mì khô, mít non luộc cho đỡ cơn đói. Thương con và em bé bỏng trong căn nhà lợp tranh toang hoác, mái lá không đủ che mưa che nắng, đêm ngủ con có thể đếm những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời rộng kia. 
Thương con áo mặc không đủ ấm, ăn không đủ no. Với quyển vở cặp nách, đôi dép mòn, con lội qua hàng ngọn đồi để đến lớp học. Những ngày mưa, mái dột, con về nhà quần áo ướt nhem run lẩy bẩy. Suốt thời tuổi nhỏ, con theo má từ trường này đến trường khác.
Có nỗi kh nào mà mẹ con mình chưa từng trải qua ? 
Có những trường dùng tạm phòng học cũ làm nơi ở tập thể tuy khá hơn một chút, đỡ mưa đỡ nắng, nhưng mẹ con mình đói triền miên. Gạo, đường phát theo tiêu chuẩn, lương giáo viên chỉ sống đủ hai tuần nên tuổi nhỏ của con, chưa bao giờ có được một bữa cơm tươm tất như bao đứa trẻ cùng lứa.
Điều mẹ con mình thiệt thòi nhất là không có bố để nương tựa. Nếu có bố ở nhà, con đâu phải vào rừng nhặt từng cây củi chà về nấu cơm, đâu đến nỗi háo hức chờ cơm hẩm chín chỉ với chén nước tương và rau dền luộc ..
Bố ở tù còn khổ gấp trăm nghìn lần hai mẹ con mình, nên tuy thiếu thốn khổ cực, con không hề so sánh bạn bè cùng lứa có cha có mẹ, có áo đẹp mà tủi thân. Con biết , mình nghèo, và con, dù ít tuổi cũng biết vì sao đời sống của chúng ta khốn nạn, cùng cực đến như vậy.
Má không muốn viết thêm về những khoảng đời cơ cực mà con đã trải qua cùng má. Nó luôn  mang đến trong lòng má, nỗi ray rức của người làm mẹ không mang lại cho con một tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo, dù chỉ là khoảng khắc.

Con gái yêu thương của má.
Điều an ủi và cũng là điều vui mừng nhất cho bố má là con có một gia đình hạnh phúc. Con có một người chồng tốt và hai đứa con xinh  đẹp, ngoan ngoãn.
Đó chính là ân sủng của Thượng đế đã bù đắp cho con những gì mà con đã từng trải qua thời tuổi nhỏ trăm bề thiếu thốn. 
Và má, má cũng luôn cám ơn Thiên Chúa đã mang con đến với gia đình mình. Chúa đã ban tặng cho con một trái tim nhân hậu ấm áp, biết yêu thương và lo lắng cho bố má và các em, cho hết thẩy mọi người xung quanh.
Cuộc đời của bố má, không còn gì ao ước thêm nữa khi đã có con.

Cám ơn con gái yêu dấu của bố má.
Yêu con.

                               Gia đình nhỏ của con.( 5/2020)

Friday, September 13, 2019


                        La Maritza
                        Lời Việt : Nguyễn Xuân Hùng
                        Singer : Sylvie Vartan


Những con đường hoa nắng.

Nói về ngày xưa, ai cũng có rất nhiều ngăn kỷ niệm trong ký ức. Thỉnh thoảng kéo một ngăn ra, nhìn ngó, gậm nhấm những ngày tháng cũ ươm nắng vàng son tươi đẹp, để vui, hoặc để buồn nhớ thoáng qua. Ngăn ký ức của tôi thường tràn đầy những bài hát, quá nhiều, quá mệt để nhớ nó, có lẽ tất cả những bài hát tôi đã nghe qua, đã hát đều nhớ nằm lòng trong đầu. Đa số những bài hát tôi yêu thích đều gắn liền với kỷ niệm không nhiều thì ít.
Chắc các bạn và nhiều người khác cũng vậy, khi có những cuộc tình không có một kết cục hạnh phúc; thì tâm hồn họ hay gắn theo một bài hát nào đó. Cuộc tình càng buồn thì bài hát trong ngăn ký ức của họ càng bi thảm. Có thể lúc chúng ta càng lớn thì những bài hát đó cũng phai nhạt đi, khi chúng ta có một đời sống hạnh phúc thì quá khứ buồn bã đó cũng tan theo.
Cũng có khi, không nhất thiết là phải có tình hoặc không, như hồi đầu tiên được nghe nhạc, khi ba tôi mua giàn máy quay đĩa về, tôi mê mệt với bản Ngày đó chúng mình do Duy Trác hát. Hồi đó nhỏ xíu, biết gì đâu mà yêu ai.
Nhưng bài hát thường gợi lại trong tôi những hạnh phúc lại chẳng vương vấn một mối tình nào, nó chỉ mang theo hình ảnh tươi đẹp của năm tôi mới 12 tuổi, tuổi của đá dế, chọi cỏ gà, đánh đáo, đánh khăng, và đôi khi đánh lộn với bạn bè vì những lý do bây giờ nghĩ lại thấy mình thật ngu ngốc, và đôi khi cậu bé 12 tuổi này cũng có những cảm xúc mơ mộng vu vơ mà chẳng hiểu nó là gì.
Buổi chiều khoảng gần 4 giờ là tôi thót lên xe đạp đi lấy tiền hàng cho mẹ, bây giờ nghĩ lại thấy cũng lạ, hồi đó lấy tiền hàng không phải là ít, thường là mấy trăm đồng, trong khi một gói thuốc lá Cotab chỉ có 4 đồng một bao. Hình như hồi 59, 60 chẳng ai nghĩ đến chuyện đề phòng cướp bóc, hoặc ăn trộm. Khu nhà chứa gạo của mẹ tôi chỉ có một then gài bên trong bằng gỗ rất sơ sài.
Tôi thích chạy xe đạp trên đường chiều nắng đẹp, luôn mát mẻ và lộng gió, những năm xưa Sài Gòn cũng như vùng phụ cận khí hậu không nóng bức như sau này, những lúc nóng nhất cũng không làm mình khó chịu. Hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt như một cái máy điều hoà nhiệt độ cho toàn miền Nam, còn bây giờ khí hậu sao quá nóng, nóng đến hết sức chịu đựng của con người. Tháng 9 năm 2010 tôi về lại Sài Gòn, lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại như đang sống trong một lò bánh mì.
Khi đúng 4 giờ, tôi sẽ nghe thấy bản nhạc chuyển mục của đài phát thanh Sài Gòn, từ radio trong nhà bên đường phát ra. Bản nhạc có âm thanh rất lả lướt mà có lúc tôi dừng xe lại để nghe. Thích đến nỗi ghiền, nhưng tôi chỉ thích nghe nó ở ngoài đường như vậy thôi. Dù rằng tôi có thể ở nhà, đúng giờ bật radio lên là nghe được. Khi lớn lên sau này mới biết đó là bản Sonata số 16 en C major của Mozart.
Cháu ngoại Thiên Kim của tôi. Lúc học đàn Piano cũng rất thích bản nhạc này. Thích một cách đặc biệt như ông ngoại nó đã thích.
Rồi tôi canh khoảng gần 6 giờ chiều, lại lấy xe đạp đi thâu tiền hàng cho mẹ. Lần này cốt để nghe bản nhạc Bóng người đi của nhạc sĩ Văn Phụng, trình tấu bằng đàn Hạ Uy Di, không biết ai đàn, vì là nhạc chuyển mục nên không có lời giới thiệu. Chẳng hiểu sao ngày ấy còn nhỏ nhưng tôi đã yêu thích hình ảnh hào hùng của người chiến sĩ trong bản nhạc, và tình yêu thắm thiết của người con gái luôn mong chờ người yêu, người chồng trở về. Hình như tôi đã yêu đời lính từ ngày đó.
Tất nhiên chạy xe trên đường, nghe lúc được lúc mất, mà nhạc chuyển chương trình thường ngắn, chỉ chừng 1/3 bản nhạc thôi, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thích như vậy, tuổi trẻ hình như ai cũng có những sở thích thật kỳ khôi.
Tôi ra khỏi nhà đúng giờ đến nỗi mẹ tôi cũng để ý, và mẹ nói với các bá của tôi: cái thằng Việt này nó giờ giấc lắm. Mẹ không biết là tôi phóng ra khỏi nhà chỉ để nghênh ngáo nghe nhạc mà thôi. Lấy tiền hàng cho mẹ là chuyện phụ. Đôi khi cũng đánh nhau với trẻ con trên đường đi, nhưng đó lại là chuyện khác 😀.
Đến năm 62 ở Vũng Tàu, thì tôi lại có một bản nhạc chuyển mục khác để lắng nghe và mơ mộng, chắc lúc này tôi đã "phải lòng" cô bạn nhỏ gần nhà, cô có gương mặt khả ái, cười có duyên, giọng nói hơi đớt rất dễ thương. Nhưng không sao, cô chỉ cần nụ cười là đủ hớp hồn tôi rồi.
Đó là bản nhạc Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước, cứ đúng 8 giờ tối được trổi lên với tiếng đàn Tranh não nuột, hồi ấy tôi cứ ao ước được biết, hoặc nhìn thấy người nhạc sĩ chơi bản nhạc đó. Mà không biết rằng chỉ cần nói với ba tôi là sẽ biết ai ngay, vì ông quen biết rất nhiều người là bạn lính ở đài phát thanh Sài Gòn cũng như đài Quân Đội. Trong đêm, tiếng đàn Tranh và "Tiếng Xưa" luôn tạo cho tôi cảm giác buồn bã của một hạnh phúc đã mất, thật là mơ hồ khó tả.
Đến 10 giờ tối, lại tiếng đàn Hạ Uy Di truyền cảm quen thuộc, với bài Đàn chim Việt của Văn Cao, bài này thì tôi thích đã lâu, từ hồi lớp Nhì thì phải, vì cuối năm lớp Nhất đi thi Tiểu học, trong phần thi nhạc tôi chọn bài này, bài Sơn Nữ Ca, và Nụ cười Sơn cước. Thầy giám khảo lật qua 3 bài hát, nhìn tôi và cười ngạc nhiên. Rồi ông nói, hát bài Đàn Chim Việt đi em.
Chắc ông thấy 3 bài hát này chẳng hợp với tôi chút nào, tôi cũng nghĩ vậy, vì những bạn đồng thi với tôi toàn hát mấy bài của con nít. Tôi sở dĩ thích nghe mấy bài này là do ảnh hưởng các bá của tôi, bá Thu chị của mẹ tôi hay hát Nụ cười Sơn Cước và đánh Banjo rất hay. Còn mẹ tôi thì chỉ thích ngâm nga bản ruột là Dạ Khúc- Đàn ai lên cung oán tang tình, gieo buồn...
Sau bản nhạc Đàn Chim Việt, là giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm của cô xướng ngôn viên : bây giờ là 22 giờ, xin quý vị điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để khỏi phiền lòng hàng xóm. Xin cám ơn quý vị.
Ngày ấy cả hai đài phát thanh Sài Gòn và đài Quân Đội đều có những chương trình nhạc chủ đề, nhạc thính phòng, nhạc vui buổi sáng, nhạc chọn lọc, nhạc hoà tấu. Chương trình nhạc lúc 0 giờ. Chương trình nhạc ngoại quốc như Pháp, Mỹ đều rất chọn lọc và không nhiều lắm. Hồi tôi nằm Tổng Y Viện Cộng Hoà cũng nhận thấy là người phụ trách để nhạc cho thương binh nghe rất cẩn thận, nhạc luôn êm dịu, thường là nhạc tiền chiến, hoặc của Phạm Duy, Trần Thiện Thanh.
Còn nhạc Việt trong nước bây giờ, tôi đã nghe qua đôi lần cho biết, ngoại trừ một số nhạc sĩ đếm đầu ngón tay tạm nghe được, đều toàn những chắp nối vay mượn nhạc của Đài Loan và Đại Hàn nhiều quá, lời lẽ kém cỏi ngô nghê, nói lên trình độ nhạc lý và học thức cũng như cảm nhận thấp kém của người viết nhạc.
Người ta không bao giờ tắm được hai lần trong một dòng sông. Và tôi không bao giờ có thể trở về con đường thơ ấu lung linh hoa nắng, gió mát, với những bài hát đầy mơ mộng bình yên ngày đó.
Nguyễn Khôi Việt

Góc của T."  Ai trong chúng ta cũng có những con đường hoa nắng lung linh rực rỡ  như cánh diều chở đầy ước mơ của một thời tuổi nhỏ. 
Những con đường lồng lộng ước mơ. 
Khi lần giở lại những ký ức đẹp đẽ đó, lòng sao khỏi ngậm ngùi.
Mỗi bài hát là mỗi kỷ niệm luôn ẩn dấu trong đó, những mảng tình buồn..
và dù buồn hay vui..dù ngậm ngùi hay nuối tiếc..ký ức ấy mãi  luôn đi bên cạnh  chúng ta cho đến cuối đời..như anh, như em.

Saturday, September 7, 2019



                     Cho đời chút ơn
                     Nhạc : Trịnh Công Sơn
                     Photos, video : Trang Thanh Trúc
                     Nhật Tân trình bày



            Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố 
           Trong lòng bổng vui như đời rất lạ 
           Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa 
            Làm lời lá bay trên đường đi 
           Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia 
            Làm hồng chút môi cho em nhờ 

Môi thiên đường hót chim khuyên 
Ôi tóc trầm ướp vai thơm 
Ta nghe đời rất mênh mông 
Trong chân người bước chậm chậm. 

          Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm 
          Cho đời chút ơn biết tà áo nọ 
          Em là phấn thơm cho rừng chút hương 
         Là lời hát ca cho trần gian 
         

Dưới phường phố kia có người nhớ em 
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường

Saturday, August 31, 2019

                                  Đá và 
                                 Thư Quán Bản Thảo
                                 ( số  85. Tháng 7/19)



Về Houston
Trần Hoài Thư
  
Về Houston lần này mọi sự được êm đẹp ngoài sự tưởng tượng của tôi. Trước hết là tình trạng sức khỏe của Y. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ để tôi quan ngại. Năm ngoái, đã mua vé tàu đành bỏ vì đến gần ngày đi thì Y. phải được đưa vào Emergency và phải nằm trong phòng đặc biệt mất một tuần lễ, mạng sống như sợi chỉ mành treo chuông. May mắn thứ hai là con tôi được mấy ngày nghỉ. Nó lái xe từ tiểu bang cạnh qua NJ để thay mặt tôi chăm sóc mẹ.
Như vậy là tôi lên đường như một kẻ ẩn sĩ xuống núi. Buổi sáng tinh sương lành lạnh, phi trường ít người, ít xe vì quá sớm, khiến tôi dễ dàng tìm bãi gởi xe rẻ tiền để từ đây xe bus bốc đưa về phi trường. Tôi gởi vali hành lý vì nó quá nặng, quá khó mang theo bên mình. Hành lý chỉ là những tập thơ tôi mới in. Nhất là lần in này, tôi làm bìa có vân nổi trên giấy láng. Nhan tựa của tập thơ mới nhất là Đá, lấy từ tựa một bài thơ hiện diện ở trong thi phẩm:
Em có bao giờ thấy một người nào chắn đạn ?
Em có bao giờ nhìn những khói đá bốc lên
Và những tia lửa hồng tức tối xẹt cuồng điên
khi trăm ngàn đầu đạn đâm vào thân thể đá ?
Và bây giờ anh cũng mong được làm phiến đá
Để chai lì với những bọt sủi niềm đau !

Đó là những gì tôi chỉ có thể có được trong đời sống hiện nay. Bạn bè thương tôi, cảm thông hoàn cảnh của tôi, tôi biết làm sao mà đền đáp. Chỉ có tập thơ này. Nó do chính tự tay tôi làm, từ đầu đến cuối, từ A đến Z. Nó hèn mọn lắm:

Xin tặng đời, một món quà hèn mọn
Tôi không biết lấy gì đền đáp chỉ thơ
Tôi đang ở tận cùng những mất mát tuổi già
Xin rộng lượng để bàn tay tôi khỏi vuột !

Sau gần bốn giờ bay, tôi đã được thở trong một cõi đất trời khác, thế giới khác. Những ngôi lầu, building, những con đường tấp nập xe cộ đã thay thế những hàng cây xanh, những con nai, hay những ngôi giáo đường … Người đón tôi ở phi trường là Bùi Huy tức là nhà thơ Tô Thẩm Huy. Vẫn là mái tóc bồng bềnh, dù kỳ này thấy anh mập hơn xưa. Cám ơn đất trời đã cho tôi có những bạn bè tốt. Và cảm tạ văn chương đã cho đời những tâm hồn đồng điệu. Quen biết là một sợi dây buộc hai người, nhưng với những kẻ mang giòng máu thơ văn, sợi dây ấy càng buộc chặt hơn…
Có phải ?
Tôi nói lên niềm mong mỏi lớn nhất của tôi trong kỳ về Houston này là được đến nhà quàn để nhìn nhà thơ Tô Thùy Yên một lần cuối. Tôi muốn cảm ơn anh, dù trong tình trạng bệnh hoạn trầm kha nhưng vẫn còn nhớ đến tôi, tặng tôi thi tập cuối đời của anh. Giòng chữ run rẩy trên trang đầu, chứng tỏ là anh phải rất khó khăn lắm mới cầm bút và viết..
Nhưng Huy cho biết, xác anh TTY chưa được tải về nhà quàn vì nhà quàn hết chỗ. Phải dời lại một tuần.

Việc dời lại này đã giúp Huy – người mà gia đình xem như là người nhà, và anh TTY xem như là một bào đệ, một người bạn tri kỷ về văn chương- mới được rảnh tay để “take care” toàn phần tôi trong hai ngày ở Houston.
Có lẽ có người cho việc dời ngày tang lễ hay ngày thăm viếng nhà quàn chỉ là một sự ngẫu nhiên tình cờ. Riêng tôi thì khác. Bởi chính tôi nhận được món quà vô hình vô giá này. Sự giao cảm giữa những thi sĩ thì lạ lùng lắm. Hình như họ bắt được mạch nhau. Đó là cái mạch mà đời thường không thể thấy hay cảm nhận nổi.

Gặp lại bằng hữu
Sau khi ghé nhà Huy để bỏ lại cái vali nặng trĩu Đá, Huy buổi trưa chở tôi đến nhà PVN để dùng cơm. Gặp lại bạn cũ. Gặp lại chị Nh. Gặp lại Tuyên, người mà chúng tôi xem là em gái, vui như chợ Tết. Tôi như thằng bị khóa miệng lâu năm, giờ mới được tự do. Nói cười thả dàn. Và ăn cũng thả dàn. Món gì cũng “double”. Dù răng chẳng còn một chiếc ! Nhất là món Bánh Canh mà PVN là đầu bếp. Tôi hỏi về cách nấu. Và PVN thì cặn kẻ dạy tôi. Hai phút bỏ trong Microwave. Một phút trụng nước sôi…Văn chương văn nghệ thi phú giờ này là gia chánh. Nghĩ lại, có lẽ không có một ai có cùng một hoàn cảnh giống nhau - rất giống nhau - như PVN và tôi… Cùng sinh vào tuổi ngựa. Cùng đi lính ở Bình Định. Cùng tốt nghiệp lò “khu Sáu” Qui Nhơn. Cùng lưu lạc ở Nha Trang, Tháp chàm... Cùng chủ trương tờ tạp chí “có một không hai” là TQBT suốt 18 năm nay. Cùng bị bệnh ở chân nên phải chống gậy. Cùng có vợ bị bệnh không thể di chuyển. Và bây giờ cùng trở thành nội tướng nấu ăn bất đắc dĩ. Chỉ có khác là bạn tôi đã trở thành ông cố. Còn tôi thì mới lên chức ông nội.
5 giờ chiều, anh chị Phan Xuân Sinh mở tiệc khoản đãi bạn bè. Có người đến từ VN như nhà thơ Từ Hoài Tấn. Có người mãi tận CA như họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Hay từ NJ là tôi. Hay từ Dallas như anh chị Trần Doãn Nho. Ở địa phương có anh Lương Thư Trung, CTT, PVN, TTH v.v.. Ngoài ra còn có một số bạn khác mà tôi quên mất tên. Tôi mang Đá ra tặng. Bởi tôi chỉ có bấy nhiêu đề làm quà cho bạn bè. Như nhà thơ Tô Thùy Yên, dù bệnh nặng, vẫn cố gượng viết vài giòng chữ tặng anh em. Hai người bạn tôi mong đợi là Lữ Quỳnh và Lữ Kiều không có mặt. Lí‎ do: họ không về kịp.

6 giờ chiều, bạn Huy làm tài xế chở tôi và PVN ra ngoại ô Houston để tôi tham dự một party “reunion” mà người tổ chức là cháu gái tôi. Tôi không thông báo việc tôi đến Houston. Tôi muốn cả đại gia đình có mặt phải ngạc nhiên về một ông chú bụi, chú hoang đàng, chú đãng tử, chú bất cần, chú đi lính dữ, chú viết văn làm thơ... Tưởng tượng hai ông anh ruột và hai bà chị dâu của tôi sẽ phải ngạc nhiên lắm lắm. Và cả nhà sẽ phải òa vỡ niềm vui đoàn tụ...
Vậy mà khi tôi xuất hiện trước những bàn tiệc đông đảo người, bi bô huyên thuyên cười nói múa tay múa chân nhưng chẳng ai buồn ngó hay quan tâm. Đến nỗi tôi phải chặn ông anh thứ hai, nhìn ổng và hỏi: Anh biết ai không ?

Trời ơi, tôi đã trở thành một con người khác rồi. 6 năm chăm sóc Y. đã làm tôi thay đổi đến thế sao ? Mỗi ngày phải nuốt vào bao nhiêu muối lệ. Và mỗi ngày cũng phải nhỏ ra bao nhiêu lệ muối. Mỗi ngày tôi đóng kịch, để trở thành người bạn đồng hành với người loạn trí. Hay là tôi cũng trở thành một lão gìa điên loạn cũng nên.

Các bạn ở Houston của tôi ơi. Từ lâu tôi chưa bao giờ soi gương, nhưng kỳ về này, tôi đã được soi gương để thấy rõ hơn về mình. Tôi vẫn bụi như thời trẻ. Ngay cả chụp hình với nữ họa sĩ Thanh Hằng, áo vẫn không hề  cài khuy trọn vẹn !
 Như  tấm hình dưới đây, chụp cách đây 6 năm, khi đưa bà xã viếng chùa cách nhà khoảng 2 tiếng đồng hồ:
Tuổi trẻ  áo banh  vào trận mạc
Tuổi già  banh áo  đẩy xe lăn !
 Nhìn xung quanh ai cũng quần áo chỉnh tề,  cung kính. nhìn mình thấy như môt tay du côn, xem chỗ tôn nghiêm không ra gì. Lại ưởn ngực, để người khác chụp hình mới anh chị chứ !
Không phải thế đâu !
Nếu kết tội thì kết tội  cái thói quen.
Cái thói quen từ  thời đánh giặc. Trong khi có kẻ gân cổ xem cái chết tựa lông hồng,  nhưng áo giáp thì che thân, áo bào che ngực, nón sắt che đầu còn  ta thì mũ rừng nhẹ hẩng, không áo giáp che mình, đưa bộ ngực lép ra mà hứng đầu tên mũi đạn trước hết vì là lính thám kích, khi gặp bạn thì mặc  bom dội pháo rền, rũ vào quán tiếp tục banh áo:

Chiến tranh thì vẫn là tranh chiến
Mặc. Kéo nhau vào quán chị Hai
Mặt trời đỏ ối trên vàm xáng
Banh áoNgâm bài thơ Cổ Lai

Hớp rượu cay cay chiều nhạt nhạt
Rừng lau trắng bạc dòng kinh xa
Ai ngồi đốt thuốc trên bờ xáng
Hay lính bộ binh quá nhớ nhà?

Cái thói quen banh áo, vì để hứng gió, cũng như vì ngứa ngáy mấy thứ phù vân trên người, muốn trần truồng, muốn kêu gào tự do muôn năm, muốn thơ phải nóng với rượu để cuồn cuộn chảy trong người… Không ngờ nó lại nằm trong máu thật, khổng chiu rời để bây giờ lại thêm một lần banh áo bên bạn ta, cũng như trong sân chùa  và bây giờ ‎bên cạnh vợ bạn mình thì chẳng lịch sự chút nào !
Chị TH, xin lỗi chị nhé.

Người tôi được soi gương thứ hai là Lê thị Hoài Niệm mà tôi xem là em gái. LTHN là độc giả của tạp chí TQBT từ số đầu tiên. Nhưng mãi sau 17 năm, tôi mới được cơ duyên gặp mặt. Thú thật tôi rất e dè trước phái nữ khi phải đứng ra ưởn ngực chụp hình, bởi hầu hết những cô những chị đều tỏ lòng thương hại, hay sụt sùi, hay kêu trời ơi sao anh Thư lại thảm vậy hà ! Nhưng với cô em gái tôi, ví tôi như một tiên ông đạo cốt - 4 chữ mà thật lòng tôi không hề dám nhận  bởi xét ra mình quá trần tục - đã làm tôi càng thấy mỗi giao cảm kỳ diệu của những tấm lòng văn chương với nhau. Chúng tôi có cái nhìn khác cái nhìn thường tình. Và cũng vì cái nhìn này nên  Houston có một ngày hội ngộ. Từ VN qua. từ CA  đến. Từ NJ về. Và những triền miên lai láng tình thân chảy từ ngày đầu đến ngày cuối. Nó  không phải là cái nhìn thương hại, mũi lòng. Dù hôm ấy, LTHN đã không ngừng bỏ vào cart trong một tiệm thực phẩm VN, hết đòn bánh ú này đến gói chã lụa khác, hết hộp bột nấu phở này đến hộp súp khác cho tôi, vì biết là ở chỗ tôi không có tiệm VN mà tôi rất cần để nấu ăn cho Y. Buổi trưa ở Houston nóng kinh khủng, vậy mà  tôi cảm thấy mát dịu lạ thường, vì bóng mát  tình bằng hữu văn chương đã rợp ngát cả lòng  tôi!
Còn nữa. Còn rất nhiều những người bạn quí để tôi phải nhớ mãi trong chuyến đi này. Bùi Huy thì lo cho tôi từng giây từng phút, và can đảm để nghe tôi nói, tôi kể, tôi đọc thơ suốt dọc đường đưa và đón... Lữ Kiều thì ngồi cạnh tôi, vẫn dáng dấp khoan hòa, thỉnh thoảng nói lên một vài ý‎ nghĩ về văn học nghệ thuật và sự trường cửu của nó. Nữ họa sĩ Thanh Hằng cũng vậy. Ít nói. Ít bàn. Chỉ lắng nghe. Chỉ nói với ông xã để Lữ Kiều cứ tấm tức nhắc nhở hoài một bài thơ trong Đá. Và Dung, hiền nội của Bùi Huy cũng vậy. Anh chị PXS đôi bạn không rời, luôn luôn có mặt. Rồi anh Lương Thư Trung, Lê Hoàng Viện, Trần Bang Thạch.. Họ đến. Và chỉ cần cái bắt tay thật chặt. Là đủ. 
Tuổi già chỉ cần bấy nhiêu. Phải vậy không ?

Trần Hoài Thư