Tuesday, October 30, 2018




                       Anh đi vào mộng tìm em
                       Nhạc và lời : Yên Sơn
                       Ca sĩ: Thanh Ngọc




Người đi bỏ lại trời trống vắng
Bỏ lại chỗ ngồi với quạnh hiu...

Bạn và Ngọc Bích  ghé qua nhà, vội vã như  những buổi chiều tháng mười, ngày hối hả đi ngủ sớm .. 
Ngọc Bích đang bịnh. Gương mặt thiếu ngủ với nụ cười héo hắt..
Thương quá bạn hiền theo những vòng tay ôm .
Bao nhiêu lần gặp là bấy nhiêu nỗi mừng vui, cả những nỗi buồn khi chia tay.Tình bạn mỗi ngày chồng chất theo thời gian, đằm thắm hơn, gắn bó hơn, và hình như nó cũng là niềm an ủi. là hạnh phúc hiếm hoi mà không phải ai cũng đã từng nhận được trong đời sống đầy nếp nhăn, vốn dĩ...
Bạn ra vườn tìm Cổ tích. Nơi chốn nầy đã từng in dấu chân ngày cũ, một lần hay đôi lần lạc vào hồn trăng bất chợt. Một chút ngậm ngùi. Một chút bâng khuâng ..Ở đó, thời gian vời vợi xa, và,  mọi thứ... 

Cổ tích chỉ còn là kỷ niệm.
Vườn Hương Xưa còn đó; 
góc Cổ Tích mờ xa. 
Bao mùa trăng sáng trăng tà. 
Bạn bè xưa vẫn còn ta với mình. 
Tình ơi tình hỡi ơi tình. 
Trải bao năm tháng vẫn mình vẫn ta...(*)

Cổ tích. Những mùa trăng
Hương xưa. Những mùa yêu dấu cũ..
Hơn hai mươi năm một tình bạn. Bạn ngày ấy và bây giờ,  dù tóc nhạt nhoà sương muối . Như “ Mưa nắng bên đời”
“ phong trần đã lắm phong trần, gian nan chi lắm cũng ngần ấy thôi..” nhưng trái tim của bạn vẫn sôi nổi, vẫn như ngày nào, đầy ắp  thương yêu,
Khoảng khắc gặp nhau sao mà ngắn ngủi, niềm vui chưa kịp trọn vẹn đã thấp thoáng gửi lại, lắm nỗi niềm ..
Biết nói gì với bạn đây ?
Thôi thì ..
Cám ơn hai bạn đã đến và  chia xẻ cùng chúng tôi, những ngọt ngào tình thân, những buồn vui trong đời người tuy  ngắn ngủi nhưng chan chứa chân tình.
Như ngọn nắng ấm qua vườn mùa đông lạnh lẽo . 
Như giọt mưa thu tưới mát cõi sương mù .. 
Và như thế, với chúng tôi, đã rất đủ cho  những ngày tháng đợi chờ bước tuổi già lần gõ cửa...
Bình yên và hạnh phúc nhé, bạn tôi.
(*) thơ Yên Sơn

Friday, October 26, 2018

         MA ( ảnh chụp bởi Tư Đại Gia)



Thế giới bên cạnh chúng ta



Nguyễn Khôi Việt

  👻Những chuyện ma dưới đây chỉ là những gì người kể là tôi đã biết, đã trải qua hoặc nhớ lại. Hoàn toàn không chịu trách nhiệm nếu sẽ làm ai đó mất ngủ. Hoặc nếu không cảm thấy sợ thì người kể cũng không chịu trách nhiệm luôn 👻

Vào buổi tối, nếu tôi cần những thứ như vài chai rượu, mấy bịch Hurricane mix 
( một loại bột dùng để pha rượu Hurricane, một loại rượu cocktail nổi tiếng của New Orleans) hoặc bất cứ đồ vật gì phải lên kho trên lầu của nhà hàng thì hầu như nhân viên của tôi, nam cũng như nữ đều sợ phát rét và phải rủ thêm một người nữa đi cùng. Sợ lắm. Bọn họ nói. Lên đó đi qua hành lang lúc nào cũng thấy như có ai đứng nhìn sau lưng mình.  
Hình như người Mỹ có vẻ sợ ma hơn người Việt Nam. Tôi cũng biết nhà hàng này có ma, nhưng chẳng có gì để sợ, chắc tại tôi cứng bóng vía. Trong nhà hàng chỉ có một waitress người Việt, tên Kim, chê bọn waiters kia chicken (nhát) nhưng có buổi chiều cô lên lầu, tôi nấp sau cánh cửa cầu thang hù. Cô ngã đùng ra sàn, tưởng chết, tôi cũng hết hồn. Cô nói, cái nhà hàng này có ma anh ạ. Vào trong nhà kho sao thấy lạnh hết cả gáy luôn. 
Mà có nhiều chuyện không tin cũng không được. Ở trong bếp nhìn qua ô cửa của bàn máy rửa chén ra hành lang, mấy bà bếp nói hay có bóng người đứng đó, nhìn thẳng thì không thấy, nhưng ngó lơ chỗ khác qua đuôi mắt lại thấy. Một hôm đang đứng nói chuyện với bà bếp Delores trong bếp thì cậu em bước vào. Bà ngạc nhiên hỏi, sao nãy giờ mày ở trong walk in-cooler lâu vậy? Em tôi nói "tôi tới nhà hàng là vô đây liền, đâu có vào cooler?"
Bà Delores nói, hạ giọng làm như có ai nghe: tại tao thấy bóng của mày mới đi vào đó mà. Ba người chúng tôi cùng cười, vì đều biết đó là cái gì. 
Mấy ngày trước, cậu nấu bếp cũng người Việt, vào trong cooler lấy đồ ra nấu, tự dưng tung cửa chạy ra kêu thất thanh: ma, ma. Cái quai xách của thùng 5 galons Pickle đưa lên đưa xuống như có ai cầm.  Cậu ta nói.
Chừng tháng sau, cậu em tôi vào trong cooler cũng thấy cái quai xách nhưng của thùng đồ khác, cũng cử động như vậy. Tôi thử vào mấy lần, nhưng không thấy gì. Chắc tại lúc tôi vào có nghĩ trong bụng, mày mà nhúc nhích là tao đá bỏ mẹ. Nên tụi ma nó sợ.
Cũng trong bếp. Một lần chú em tôi luộc nguyên một tá trứng để sẵn cho waiter bỏ vào salad. Lúc luộc xong, chú bỏ hết vào một cái rổ nhựa, khi xoay người để đặt cái rổ lên bàn bếp, chú cảm thấy như hai tay cầm rổ va trúng một cái gì, làm mấy quả trứng rớt ra sàn,nhưng thật ra đâu có cái gì ở đó, chú liền để rổ trứng lên bàn, rồi lượm mấy quả trứng bị rơi để lên bàn để bóc vỏ. Lúc ấy mới để ý là tất cả mọi quả trứng vỏ đều bị nứt vỡ như vừa rơi xuống sàn. 
Một bà bếp già khác tên Dorothy, chúng tôi gọi bà là Mrs Dot, một hôm mở cửa cái cooler nhỏ để lấy cheese ra nấu thì cả một hộp lớn đựng cheese phóng ra ngoài, bà lập tức la làng và bỏ chạy. Lúc đó mới chừng 8 giờ sáng, chỉ có tôi với bà cùng cậu rửa chén. Chúng tôi được một trận cười đã đời. Cooler cũng giống như tủ lạnh nhưng thiết kế lớn hơn và chắc chắn hơn cho các nhà hàng. Một thỏi cheese lớn 2 pounds tức là một ký không thể tự động phóng ra ngoài như vậy được, trừ khi có một tác động vô hình nào đó.
Đấy là dưới bếp, còn nhà trên tức là phòng ăn chính có ma không. Có chứ. Một hôm lúc đóng cửa nhà hàng và đang check out cho nhân viên. Lúc đó chỉ còn cô Dee và một chàng tên Jason. Dee đang đếm tiền. Tôi đang check out cho Jason, chợt thấy lò sưởi vẫn còn cháy ánh lửa, tôi bỏ chùm chìa khoá nhà hàng có chìa khoá ga lên góc quầy bar nhờ Jason tắt dùm. Và rồi cả ba chúng tôi đều thấy chùm chìa khoá từ từ bò ra góc quầy rồi rớt xuống sàn. Thế là cả Dee lẫn Jason đều chạy một mạch ra đường. Tôi phải chạy theo kêu vô check out còn về.  Cả hai đứa đều run lập cập. Lạ một cái là khi rớt xuống sàn nhà, chiếc chìa khoá lò sưởi văng ra khỏi chùm. Làm sao nó văng ra được, đấy mới là đáng nói.
Có hôm chỉ có tôi, cô Dee và chú em đứng nói chuyện sau khi check out cho Dee xong, cô đang đứng dựa vào quầy uống ly Bloody Mary thì bỗng nhiên, nắp của cái hộp đựng tăm (toothpick holder) trên mặt quầy gần cô tự nhiên rời khỏi cái nắp và bay lên không. Tội nghiệp cô Dee lại một phen bỏ chạy khỏi nhà hàng, về nhà luôn. 

French Quarter này có những historic sites cần cảnh sát ở đó canh gác ban đêm, nhưng các chàng cảnh sát đều ngồi ngoài xe chứ không vào trong. Có lần tôi hỏi một người cảnh sát quen, bên  trong có thấy gì ghê gớm không?. Anh ta nói ban đêm vô đó tâm hồn mình hoang mang lắm, có những tiếng nói, âm thanh kỳ lạ quái gở bên tai mình. Đi đâu cũng cảm thấy có ai đó đứng nhìn sau lưng. Cho nên ngồi trong xe ngoài đường cho khoẻ.
                     

Lầu trên của nhà hàng, căn phòng phía trong dùng làm office, bên ngoài là nơi lưu trữ giấy tờ sổ sách cùng đồ đạc sửa chữa như máy xịt nước, kềm búa mỏ lết v,v...nhiều lần buổi tối ngồi trong office thường nghe tiếng bước chân nhè nhẹ đi bên ngoài. Một hôm chú em tôi ngồi nghe tiếng gõ cửa, em nói: come in, please. Không thấy ai vào. Hồi lại nghe tiếng gõ cửa tiếp, rồi cũng không thấy ai vào. Hồi sau lại  nghe tiếng gõ. Em tôi bực mình quá vì nghĩ Walter, một người bồi bàn thường hay giỡn phá với em , nên khi vừa nghe gõ là em nhảy ra mở cửa. Nhìn không thấy ai hết, lúc đó em mới nghĩ là bị ma phá nên cũng hoảng và phóng xuống nhà dưới liền. 
  Một buổi sáng có hai anh em nọ vào nhà hàng, tôi nghĩ họ tới ăn trưa nên mời ngồi. Nhưng họ không ngồi và nhìn hoài vào chân cầu thang trong góc phòng ăn. Tôi lại nghĩ họ muốn quan sát cái cầu thang vì nó được làm bằng Redwood, tay vịn rất đặc biệt từ năm 1874. Họ bảo họ không quan tâm tới lịch sử của nó, và hỏi tôi: nhà hàng này có ma không?
Tôi trả lời họ là có. Thế rồi họ nói với tôi cách đây mấy tháng, cha mẹ của họ từ New York về đây chơi, ngồi ở bàn ăn dưới chân cầu thang, sau có nhờ một waiter chụp cho tấm hình kỷ niệm. Khi về lại New York mang cuộn phim đi rửa thì thấy giữa hai người họ là một khuôn mặt u ám của một người đàn ông. Nhìn rất ma quái ( spooky ) họ nói vậy. Tôi bảo hai anh em, nói với cha mẹ khi nào tới New Orleans chơi thì ghé đây ăn.Tôi sẽ không tính tiền.
Về sau tôi cũng thử chụp hình vòng vòng trong nhà hàng mà chẳng thấy con ma nào.

Cây cầu thang này nằm gần cuối phòng ăn, dẫn lên lầu trên, giữa văn phòng và nhà kho. Một hôm tôi tới mở cửa nhà hàng, lúc ấy còn sớm, nhân viên chưa ai tới. Khi vừa mở cửa, trong ánh sáng mờ mờ tôi thấy bóng một người thiếu nữ ngồi khoảng giữa cầu thang, trang phục váy dài nhìn rất cổ xưa. Tôi chỉ kịp nhận thấy trong vài giây trước khi cô biến mất, nhoà đi trong không gian . 

Nhà em gái tôi ở Destrehan Plantation, New Orleans trước khi dọn qua California cũng bị ma quái phá phách. Cậu em rể nói vào một buổi tối thấy 3 con ma bay lượn đu bám nơi cây quạt trần nơi phòng khách. Tôi hỏi hình dáng tụi nó ra sao. Cậu em nói chúng nó đen thui, to như người mình, có đuôi dài. Tôi không bàn thêm, e rằng em gái tôi sẽ sợ. Nó yếu tim lắm . Đen thui và có đuôi như vậy là quỷ chứ còn ma mãnh gì nữa.

   Ông già John Sawyer làm manager ban ngày trong nhà hàng từ đời chủ trước khoảng thập niên 80, tiếp tục làm việc với tôi bắt đầu từ năm 95. 
Là một cựu trung sĩ Hải Quân Hoa Kỳ, ông thường kể những kỷ niệm của thời gian khốc liệt khi khu trục hạm của ông bị không quân Nhật oanh tạc ở Pearl Harbor. Thật kinh hoàng và cũng may mắn sống sót. "Nhưng tao cũng như mọi người đã chiến đấu hết mình. Những ngày đó đúng là một địa ngục trần gian". Ông nói.
Nhưng ông lại không thù người Nhật. Ông đặc biệt căm ghét người Nga. Khi nhà hàng có những người khách Nga, ông tỏ thái độ khó chịu và bực bội rất dễ nhận thấy. Đôi khi ông từ chối không nhận những người khách Nga vào ăn. Tôi có lần khuyên ông đừng tỏ thái độ với tụi Nga như vậy, vì sợ rằng có người sẽ thưa kiện ông, thưa kiện nhà hàng vì kỳ thị. Ông trả lời, tao chẳng quan tâm, tao chịu hết. Và khi tụi nhà báo tới đây, tao sẽ nói cho cả thế giới biết về chúng nó. Ông có người yêu người Ba Lan, chết trong cuộc xâm lăng của Liên Xô hồi ấy vào Ba Lan. Nên ông ghét người Nga cũng đúng.
Ông còn kể tôi nghe về cuộc thảm sát người Ba Lan ở rừng Katyn nữa. Cũng thông cảm cho ông. 
Sáng nào cũng vậy, ông dậy rất sớm. Qua bên nhà hàng lúc 6 giờ, pha một bình cà phê, ngồi đọc báo, nhà hàng chỉ cách căn phòng của ông mấy bước bên kia đường Bourbon. Căn phòng này người chủ cho ông ở  từ hồi năm 80, khi người chủ đất nhận ra John Sawyer là người đã cứu sống ông ta  trong trận Pearl Harbor. Ông cho John Sawyer ở căn studio rộng mênh mông mà không lấy tiền từ dạo đó. Tình đồng đội là một cái gì vô cùng thắm thiết. Đôi khi không thể diễn tả được. Và sự nhớ ơn đó thật nhân bản đáng kính trọng

Sáng hôm ấy, cô Cheryl làm manager ban ngày, như thường lệ đến mở cửa nhà hàng lúc 8 giờ, và thấy John Sawyer nằm chết gần chỗ ông hay ngồi đọc báo uống cà phê. Ông chết vì heart attack.
Ông không có vợ con cũng như người thân. Nhưng sau tôi được biết ông có một căn condo cho thuê ở Florida, cũng như một cái mutual fund. Ông đã viết trong di chúc tất cả những lợi tức đó đều dành cho cựu chiến binh Hải Quân Hoa Kỳ một khi ông qua đời.
Cô Cheryl và nhiều nhân viên khác, có lúc bất chợt thấy ông ngồi trầm tư đâu đó trong nhà hàng. Đôi khi nghe tiếng tằng hắng phát ra cái bàn ông hay ngồi . Tôi thì không gặp.

Bà cụ già bên cạnh nhà hàng nói: nhà tao cũng có ma. Bên nhà hàng mày tao nghe nói ma lâu rồi. Cũng không có gì lạ, vì lúc chiến tranh, khi hải tặc lừng danh Jean Lafitte hùng cứ vùng New Orleans và Bavartaria. Nơi đây là khu vực dùng làm bệnh viện của quân đội. Mà cũng kệ, họ chẳng làm gì mình, sinh sống nơi đây quen rồi mà. Biết đi đâu. Bà cụ nói tỉnh bơ. Nếu mày có thì giờ thì đọc kinh. Bọn họ cảm kích lắm đấy.
Nhưng không phải nơi nào những vong hồn lảng vảng đó cũng cảm kích những lời cầu kinh cho họ. Sau này khi em trai tôi mở một nhà hàng ở ngoại ô, chỗ này nhỏ đẹp xinh xắn, đa số là khách quen người địa phương. Tất nhiên là chủ đất chẳng nói gì về chuyện toà nhà này có ma. Sau khi khai trương vài tháng sau mới biết những đám ma mãnh ở đây phá phách ngoài sức tưởng tượng. Một tối sau khi đóng cửa, cô em dâu đang dọn dẹp trong nhà bếp thì thấy qua khung cửa kính một khuôn mặt quái gở đỏ gay đang dán sát vào kính nhìn vào. Cô la thất thanh gọi em tôi,   cả hai vợ chồng cùng thằng cháu chạy vội ra ngoài để xem là ai. Chẳng thấy ai cả vì đắng sau nhà bếp là chỗ đậu xe vắng lặng, chung quanh không có nhà ở gần kề. Cô em dâu tôi sợ lắm, biết là ma nên thường xuyên đọc kinh cầu cho các linh hồn, nhưng hình như không thay đổi gì mấy. Một hôm, khoảng 9 giờ bắt đầu ngớt khách. Cả hai vợ chồng đang ở trong bếp đều nghe trên phòng ăn tiếng người râm ran ồn ào nói chuyện, tiếng bàn ghế kéo như có người ngồi. Mừng quá tưởng có khách vội chạy ra, nhưng chẳng nhìn thấy ai. Hai người hầu bàn và một doorman đang ngáp dài, nói chúng tôi nãy giờ ngồi đây mà. Đâu thấy ai!
 Hai con của em tôi cũng làm hầu bàn và đứng pha rượu trong nhà hàng, đã nhìn thấy vài lần có người ngoài cửa đi thẳng vào restroom, lâu không thấy ra, chúng nó tới gõ cửa coi sao thì không thấy gì.
Có hôm cô em dâu vừa bước trong restroom thì nghe phòng bên cạnh có tiếng thở dài não nuột. Cô nói, lúc ấy em nghe mà dựng tóc gáy, lạnh toát cả người vì sợ, lúc đó khoảng hơn 8 giờ sáng, nhân viên chưa ai tới. Nghe rất rõ ràng, vì như các bạn cũng biết, vách của restroom bên Mỹ đa số làm bằng ván ép bọc nhựa vinyl,  dày khoảng 2 inches. Có thể nghe rõ âm thanh của phòng bên cạnh. Và cô biết rõ lúc ấy, em trai tôi đang nấu đồ ăn trong bếp.
Một tối vắng khách, đóng cửa sớm đi chợ mua rượu. Khi lùi xe khỏi parking, chú em giật nẩy mình vì có cảm giác bánh xe sau cán lên một vật gì mềm mềm giống như thân người. Cả hai vợ chồng đều nhảy xuống xe nhìn vì cứ tưởng đã cán trúng ai đó. Nhưng nhìn kỹ dưới gầm xe thì chẳng có gì cả. Hình như họ cố tình phá em tôi, nên sau khi đi tới chợ mua rượu xong, lùi xe lại để chạy về nhà, lại bị phá như vậy một lần thứ hai.
Và còn vô số những phá phách khác như đồ đạc trong nhà bếp tự di chuyển, cửa freezer đôi khi tự mở ra, nghe tiếng đổ vỡ trong nhà kho. Vật dụng để trên nóc tủ lạnh bay xuống đất. Ngoạn mục nhất là một hôm, có một bà khách rất già tới ăn tối, một cuốn thực đơn ở trên quầy bar,  cách mấy bước tự dưng bay cái vèo tới bàn. Bà khách đó cười và nói, chuyện này không lạ với tao. Vùng này hồi xưa của bọn da đỏ, tụi nó phá phách dữ lắm.                      

Lâu lắm rồi, đâu khoảng 67, 68. Bá của tôi, ( bác gái- tiếng miền Nam, là chị của mẹ) kể tôi nghe một chuyện hồi bá còn ngoài Bắc. Bá có một người bạn gái đột nhiên qua đời vì bệnh. Thương nhớ quá nên đôi khi bá hay ra nghĩa trang thăm mộ và đọc một tràng hạt 50 kinh cho bạn. Đến một chiều kia bá đang đọc kinh trước mộ thì thấy người bạn gái hiện ra trên mộ,khôn mặt đau đớn với lửa cháy đỏ rừng rực chung quanh. Người đó nói với bá tôi: đừng đọc kinh cho tôi nữa. Tôi bị sa hoả ngục rồi.
Tôi tin bá vì bá của tôi là một người rất hiền lành và đạo đức thánh thiện. Nhưng hồi ấy tôi có hỏi bá, bà ấy làm tội gì mà sa hoả ngục vậy? Bá không nói. Chắc bá không muốn nói gì về một người đã khuất.

Lúc tôi ở tù Cộng sản về, tôi lang thang một cảnh ba bốn quê, lúc ở Sài Gòn, lúc về Bảo Lộc với em và con, sau dọn về Bà Rịa ở, chạy xe đò, xe lam, làm lụng trồng rau cầy cuốc qua ngày. Cạnh nhà tôi, chỉ cách một con đường đất nhỏ là gia đình ông bà Lợi, hai ông bà cụ người hiền lành tử tế, ngoan đạo . Ông bị bệnh mà tôi chắc là bệnh già, vì ông càng ngày càng yếu dần. Sau ngày an táng ông đâu chừng tuần lễ,  khoảng 3,4 giờ sáng gì đó tôi nghe tiếng chó sủa râm ran từ hướng nghĩa địa cách nhà tôi khoảng 400 mét. Nằm nghĩ chắc có đám vượt biên nào không lọt đi về nhà, mà nhiều người lắm hay sao mà chó sủa rất gắt, nhưng khi gần tới nhà ông bà Lợi thì ngưng. Tôi ngủ tiếp vì nghĩ chẳng có gì quan tâm. Đi ra nhìn chỉ gây thêm khó chịu cho họ.
Đến trưa, khi tôi qua thăm bà cụ, bà hỏi: chú Việt ban sáng có nghe chó sủa không?
  • Cháu có nghe chó sủa dữ lắm, chắc đám nào vượt biên bị bể.
  • Tôi cũng nghe suốt từ lúc ấy. Rồi tôi nghe tiếng ông ấy nói qua cửa sổ "mẹ con chịu khó nhá".
 Tôi hỏi thế bà có sợ không? Bà nói sợ gì. Tôi còn muốn nhìn thấy ông ấy nữa chứ.
Bà cụ chắc cũng theo ông ra nghĩa địa từ lâu. Năm ấy bà cũng già lắm rồi.

Ngày mẹ tôi mất năm 89, lúc ấy tôi vẫn còn ở Việt Nam. Không có chuyện gì lạ lùng xẩy ra. Nhưng các em tôi lúc đó ở 3 tiểu bang khác nhau cùng một đêm đều nghe có những tiếng động lạ lùng, và cảm giác như người đang đi lại, tới mức tôi phải dậy mở đèn coi trong nhà vì nghĩ là trộm. 
Lúc tôi qua Mỹ đâu mấy tháng sau, cô em dâu kể tôi nghe, có mấy đêm liền cô nhìn thấy một thằng người to kinh khủng mà thân mình nó toàn là đá, nó đứng đè chân nó lên người làm cô sợ vô cùng và thở không được. Tôi lại nghĩ cô bị vấn đề như đau tim, yếu tim và khuyên nên đi khám tim càng sớm càng tốt. Cô nói tim em tốt lắm, không có bịnh gì hết. Em nhìn thấy nó rõ ràng chứ không phải nằm mơ.
 Trong ngày Chúa Nhật sau đó, lúc đang ở nhà tôi ăn trưa như thường lệ sau buổi lễ sáng. Cô em ruột tôi kể " hôm qua em mơ thấy mẹ về, mẹ nhìn buồn lắm và nói với em là mẹ muốn tới thăm vợ chồng thằng Thọ (em ruột tôi) mà không được, vì có thằng người đá cản đường không cho mẹ vào.
Cô em dâu sợ quá, dĩ nhiên. Vì như vậy thằng người đá cô gặp đó chính là ma rồi. 
Nhưng nếu xét về khía cạnh tôn giáo, sẽ nghĩ như thế nào đây, bên Công giáo tin là khi chết sẽ xuống Hoả Ngục hoặc lên Thiên Đàng. Phật giáo cũng vậy nhưng có thêm phần đi đầu thai. Có thể sau một thời gian, linh hồn sẽ siêu thoát và đi về một cõi, một thế giới nào đó chúng ta không hiểu được. 
Khôi Viêt ( hết phần một)

Monday, October 22, 2018


                   You make me happy ( ảnh KV)



Khi yêu nhau người ta thường tặng nhau những đoá hoa hồng tươi rực rỡ và 
ngào ngạt hương thơm.
Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu . Là ngôn ngữ của trái tim. 
Nồng nàn.Say đắm.
Nhưng mỗi mầu sắc của hoa cũng có ý nghĩa riêng của nó.
Ai không một lần trong đời đã từng nhận được những đóa hồng tình yêu ..
 và như thế, sự góp mặt của loài hoa đó làm cuộc sống chúng ta vui tươi 
và hạnh phúc hơn, phải không ?

Những ý nghĩa về mầu sắc hoa hồng :

1 red rose: “ I like you”
6 red roses: “I adore you”
A dozen red roses: “ It’s true love”
15 red roses: “ I’m sorry”
25 red roses: “ Congratulations”
50 red roses: “ I love you, no matter what”
100 red roses: “ I’m devoted to you”
108 red roses: “ Will you marry me ?”
Yellow rose: “ Let’s just be friend”
Red, white, and pink mixed: “ May God bless you” 
( The three colors symbolize the Holy Trinity )
Red and White mixed: “ We belong together”
Red and yellow :” Let’s celebrate “
Two intertwined red roses: “ I have something to ask you”
 ( A marriage proposal is imminent)
Red and White with ivy: “ We will be together forever “
White : symbolizes innocence and purity. 
White buds :”l’m too young for love “
Light pink:” You make me happy “
Dark pink: “ Thank you “
Blue: “ You’re mysterious “



Wednesday, October 17, 2018




                 Một chút tình thu
                 Nhạc và lời: Nguyễn Linh Quang
                 Hòa âm : Quang Đạt
                 Trình bày : Bạch Thảo& Kim Tuấn


      Một chút tình thu (*)

     Đã tàn nụ hoa cuối cùng, 
     Nhoà phai hương sắc thời gian, 
     Đã vàng hàng cây lá khô, 
     Bay nghiêng theo từng cơn gió, 
     Đã buồn vì thu mới sang,
     Em ngồi chờ tình vỡ tan 
     Giữa rừng Gãy đổ Ngổn ngang… 
     Tình yêu như gió xoáy trong đời, 
     Tựa chiếc lá vàng 
     Hồn rồi cũng tả tơi, 
     Tình yêu như nắng qua đường,
     Người đi xa mãi không về…
     Người ơi ! Nhớ đến đêm nào, 
     ngồi một mình thắp hương lòng,
     Nhớ nét môi cười, 
     Nhớ tiếng ru hời. 
     Một trời xưa lá rơi,
     Một thu nay viễn khơi,
     Người ơi ! Nhớ đến đêm nào, 
     ngồi một mình tiếc xuân thì,
     Thoáng gió qua đời, 
     Run tiếng hoạ mi. 
     Giọng buồn than khóc ai,
     Hẹn thề thương nhớ nhau 
     Ngàn kiếp sau. Lá sẽ vàng,
     Mùa thu úa tàn,
     Hoa khô héo, 
     Tình vỡ tan ! 

Nguyễn Linh Quang
Paris 12.1996- 03.1997

"Một chút tình thu". Bản nhạc Nguyễn Linh Quang đã sáng tác cách đây đã trên hai mươi năm..
Dù mùa thoáng gió qua đời,  Dù ngàn kiếp sau, lá sẽ vàng, hoa khô héo..nhưng những notes nhạc rơi trong mùa thu thì..mãi  ngân nga, bất tận theo thời gian...

Saturday, October 13, 2018


                    Họa sĩ Nguyễn Nhân
                    ( nhìn từ bạn hữu )  


Vài nét về Họa sĩ Nguyễn Nhân:

Sinh năm 1955 tại tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh)
Năm 1972-1973: theo học Đại học Khoa học, Sài Gòn và học vẽ tại trường Gia Định (tiền thân trường Mỹ Thuật Đông Dương ) sau nầy đổi tên trường Đại Học Mỹ Thuật.
1973:Tổng động viên vào trường Học Viện Cảnh sát Quốc Gia Thủ Đức.
1975- 1977: Ở tù cải tạo
Anh bắt đầu sáng tác sau khi ra tù..
Anh đã từng sinh hoạt trong Hội Mỹ Thuật Họa sĩ Việt nam và là thành viên của Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam toàn quốc.

Về tác phẩm:
Những tác phẩm nhận giải thưởng cao nhất của Hội Mỹ Thuật Việt nam, toàn quốc và của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (*) 
-        -  Dạ Khúc Kiều ( tranh sơn dầu) triễn lãm toàn quốc
-          -Những mảnh đời bất hạnh( tranh sơn dầu ) triển lãm toàn quốc(*) 
       Hiện nằm trong bộ sưu tập nghệ thuật của Singapore
-          -Văn hiến giữ nước ( giải nhất toàn quốc )(*)
-          -Mưa đầu mùa ( tranh sơn dầu ) giải thưởng của đồng bằng sông Cửu Long (*)
-         - Hoa trên Cổ Tháp ( tranh sơn dầu ) 
       Giải thưởng từ đồng bằng sông Cửu Long (*)
-          - Điệu múa Apsara cùng thiếu nữ ( tranh sơn dầu ) triển lãm toàn quốc (*)

Ngoài tranh sơn dầu, anh còn sáng tác nhiều thể loại phong phú và đa dạng : Tranh trừu tượng, siêu thực, ấn tượng, bán cổ điển ..Những bức tranh nghệ thuật thể hiện nhân sinh quan của anh về cuộc đời, dưới góc nhìn của một người họa sĩ tài hoa đã chiếm hầu hết các giải thưởng giá trị cũng như được các giới thưởng ngoạn hâm mộ và ưa chuông. 
Những tác phẩm được giải thưởng hiện lưu giữ trong  viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ghi chú : 
(*)Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long : Cả nước Việt Nam có 8 khu vực. Đồng bằng sông Cửu Long là Khu vực số 8. Ở đây có tổng cộng 12 tỉnh miền Tây tính từ Long An đến Cà mau.
(*) Những tác phẩm trên hiện đang được lưu giữ tại viện bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Hiện anh đang định cư tại tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ.


GiG      giai điệu tình yêu & âm nhạc
             ( sơn dầu )     

                             
                      Giấc mơ trăng
                     ( màu nước )


                        Thiếu nữ ( màu nước )                                                                                                                                                       

                 Khúc ngợi ca ( sơn dầu)










                                                              

                  










Thursday, October 11, 2018



                       hương hoa
                     ( ảnh Khôi Việt )



                   Mỏng manh từng cánh hoa
                   Thẹn thùng theo lá cỏ
                   Hình như vừa bước qua
                   Mùa thơm vai áo nhỏ

                   Vàng thu từng sợi mỏng
                   Chợt thêu nắng qua vườn
                   Em về bâu áo lụa
                   Ngập ngừng cánh gió nương

                   Nhón bước chân se sẻ
                   Em gọi mùa thu sang
                   Lá trên cành thao thức
                   Gió hẹn hò mơn man

                   Và em. Và nắng mật
                   Thổi hồn gió mênh mông
                   Hạnh phúc vừa chạm ngõ
                   Hạnh phúc gầy trổ bông

                   Thời gian nào ngóng đợi
                   Hoàng hôn trượt nghiêng vai
                   Còn bao ngày để giữ 
                   Rồi mùa cũng tàn phai 

                   Còn lại chút tình ta
                   Hương hoa. Em. Và nắng 
                   ( nt)

Monday, October 8, 2018


                           D Khúc 
                           Nhạc sĩ : Nguyễn Mỹ Ca
                           Ca sĩ: Duy Trác


Đàn ai lên cung oán ( tang tình) gieo hờn
Đàn ai ngân theo gió ( xế xang) gieo buồn..

Ngày xưa mẹ hay hát bài Dạ khúc...
Tôi còn đang tuổi nhỏ, khoảng 12,13 tuổi gì đó. Nhà mới chỉ có 6 anh chị em. Tôi là trai, thứ hai. Coi như con trai trưởng
Mẹ có mấy cửa tiệm. Gạo nước muối mắm. Vật dụng xây cất, xi măng gạch cát, tôn ngói đủ thứ
Nên hàng ngày rất bận rộn. Trưa đi học về, trời nắng chang chang cũng đẩy xe ba gác chở gạch hoặc xi măng, cát đi giao cho khách. Hoặc "bắt tay" khiêng gạo lên xe Lambro. Những buổi chiều rảnh thì ôm bộ khuôn ra đóng gạch bloc
Đi chợ nấu cơm có bà bá Năm. Chị của mẹ phụ giúp, cho nên rửa chén và dọn dẹp nhà cửa tôi phải lo. Vì bá cũng bận rộn coi tiệm với mẹ.
Lúc rửa chén bát, quét nhà tất nhiên đôi khi không qua khỏi mắt mẹ. Rửa bát phải rửa cái trôn bát, không thì mỡ nó đóng két ở dưới kìa! Quét nhà khom cái lưng xuống, đứng sòng sõng thế kia làm sao quét sạch được. Chiều nay đi đến nhà bà... lấy tiền hàng cho mẹ
Nói tóm lại là tôi quay như chong chóng hết việc này đến việc kia. Từ trưa đến chiều tối lúc nào cũng có "công tác". Vẫn còn nhớ đến giờ, là một hôm có con rắn Cạp Nong bên ngoài đường chui vào nhà lẩn dưới sạp gạo. Tôi phải ngủ thường trực mấy đêm trong khu nhà chứa gạo để rình. May mà cũng đập chết được nó.
Nghiệm ra rằng khi tuổi nhỏ phải làm đủ thứ chuyện trên đời như vậy, tâm tính trở nên cần mẫn chịu khó, và chuyện gì cũng có thể mày mò làm được. Những lúc hạnh phúc nhất trong đời tôi là ngồi đánh cờ tướng với mẹ. Tôi biết đánh cờ tướng là do mẹ chỉ. Bàn cờ tướng là một cái ngăn kéo bàn ăn lật sấp lại. Tôi vẽ bàn cờ lên trên. Tôi ngồi dưới đất, mẹ nằm trên giường, khi đi quân mẹ mới đưa tay xuống đẩy quân cờ. Những lúc đánh cờ như vậy cũng rất hiếm hoi, vì mẹ bận suốt ngày với công việc và khách hàng. Sức khoẻ mẹ cũng không tốt mấy vì bệnh tim. Lúc nào nghỉ là mẹ vào giường nằm.
Tôi thường xuyên chạy đi hốt thuốc Bắc cho mẹ. Và mua thuốc trợ tim Coramine.
Những năm cuối gần mẹ, từ 84 đến 89. Tôi cũng vẫn ngồi dưới sàn nhà nói chuyện với mẹ. Mẹ nằm trên giường, vuốt tóc tôi. Mẹ thương con lắm.
-Con cũng thương mẹ lắm. Mẹ ơi.
Ngày xưa mẹ hay hát:
Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn.
Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn...

(Từ khoivietnguyen. blogspot.com)

Thursday, October 4, 2018

                              Thơ tình Phạm Ngũ Yên
                              ( tháng 9. 2018)


Tháng giêng đâu đó 
một bờ môi(*)

Ký ức là một màu trăng
Chảy qua những mùa thơ dại
Trái tim của thời con gái
Mất rồi những nhịp bình yên

Giữa một chặng đường chung riêng
Ai mang tiếng cười đi mất
Còn lại hàng cây khóc ngất
Giữa ngày lộng gió mênh mông

Có người buồn như mùa đông
Và lạnh theo từng nỗi nhớ
Thành phố sáng này bỏ ngỏ
Mùa màng lên tiếng run run

Ngồi nghe tiếng đời trẻ trung
Đi qua cõi lòng im ắng
Giữa hai bàn tay trống vắng
Nỗi đau không nói thành lời

Anh về đứng trước trùng khơi
Khát khao những ngày bão gió
Giấc mơ một thời tuổi nhỏ
Bỗng già suốt mấy mươi năm

Phải chi em đừng bận tâm
Cũng đừng vì nhau mà khóc
Để nghe nặng mùi hương tóc
Dạt dào lệch cả bờ vai

Những chuyến xe đời chia tay
Sẽ không khởi hành đúng lúc
Giữa phố muôn màu đông đúc
Đau lòng một cánh sứ rơi ..

Như một quá khứ đầy vơi
Xốn xang những điều không thật
Trên những mặt bàn ngây ngất
Cà phê vắng một chỗ ngồi

Chẳng thể dập dồn trên môi
( Át đi những lời đay nghiến)
Còn đâu cái cười nửa miệng
Ướt mầu son nhạt vấn vương ?

Thời gian như một tấm gương
Hiện lên tháng ngày xanh mét
Bàn chân ủ đầy giá rét
Mới vừa ấm lại song song

Nỗi buồn từng như nhánh rong 
Xanh trên những đời rỉ máu
Cho anh được về nương náu
Ngực căng gió biển rạt rào

Và những bàn tay tìm nhau
Giống như chưa từng thất lạc
Thời gian dù nay có khác
Với em hai nửa cuộc đời... 
(Phạm Ngũ Yên )

(*) Có thể, tập thơ sẽ là một cầu chứng mới mẻ với cuộc đời đã cũ. Của một người đã đi hết một mùa điêu linh nhưng vẫn không được tình yêu ưu đãi. Tập thơ cũng dành cho những ai đã- bỏ mất đoạn đầu...
Tập thơ, trong một nghĩa cao cả nhứt , và chỉ tồn tại duy nhứt một bờ môi. Đã dạy cho tôi biết bài học về cuộc đời từ cặp môi đỏ au, mà mỗi nụ hôn là một món nữ trang, một món quà đắt giá ..
( trích từ lời tựa của tác giả )

(*) Phạm Ngũ Yên và những tác phẩm đã xuất bản:
- Hoa Bluebonnets cho hai người ( tập truyện, 1994)
- Chăn gối ngày về ( tập truyện, 2004)
- Tuyển tập Văn Bút Nam Hoa kỳ ( nhiều tác giả)
- Hồ sơ B.40, tập 1&2 ( nhiều tác giả )
- Đi qua mùi huơng ngãi ( tập truyện, 2017 )
- Tháng Giêng đâu đó một bờ môi ( thơ, 2018)
Sẽ xuất bản :
- Dấu chân nào theo Biển ( Hồi ký cho Vũng Tàu )
- Bé ơi, đừng khóc ( Tạp chí )
- Thơ tình Phạm Ngũ Yên


Monday, October 1, 2018


                               Túy Hà 
                               với Cát Bụi Lưu Vong

Như thể tương tư
( Tuý Hà) (*)

Anh những muốn đêm dài thêm nữa
Để thơ anh nhập mộng tìm em
Để anh được thấy em loã thể
Dưới vầng trăng nghiêng xuống đời nhau
Để anh được nghe tim loạn nhịp
Và còn có em trong những tế bào.

Anh những muốn đêm mang về cơn bão
Cho gió thét gào trong đường máu luân lưu
Cho da thịt bừng lên nhựa sống
Lửa hực nồng theo nỗi nhớ ăn năn
Mặc mưa đêm kéo dài hun hút
Hạt thưa dày cắt rát mặt nhau.

Anh những muốn đem muộn phiền yêu đâu
Trải lòng đêm thần thoại nở hoa
Hoa vô sắc vô hồn vô tướng
Chỉ mãn khai khi dáng nguyệt tròn
Và khi ấy bóng em nhập mộng
Để thơ anh trần trụi một dáng hình.

Anh những muốn ghé đời em một chuyến
Như sang ngang cần có con đò
Nhưng chỉ ngại là thân hàn sĩ
Viết chữ múa gươm độ nhật qua ngày
Không qua hết đường ngang ngã dọc
Đời lưu vong rách nát như tương.

Anh muốn quá những đêm dài mộng mị
Cứ theo dòng kể chuyện ngàn đêm
Có lẽ một, là vẫn còn thêm nữa
Chuyện xưa nay và luận anh hùng
Nên đêm hỡi xin dài thêm chút nhé
Cho mộng đời thương nhớ chẳng phôi pha.

Khi tỉnh giấc thấy gối xô mền lệch
Là biết em về trong giấc chiêm bao
Là lại tiếc lại hờn lại hận
Đêm không đủ dài cho trọn tứ thơ
Đêm không mang những cánh tay của gió
Cởi hộ xiêm y, anh lót chỗ em nằm.

Mặc ngày qua đêm cứ dài thêm nhé
Cho hạnh phúc ru đầy giấc mộng tròn
Và em ơi! Có thể nào không nhỉ
Về với anh, khuya trở giấc lặng thinh
Anh những muốn đêm dài em loã thể
Ta nhìn ta trần trụi giữa nhiệt tình.

Tim vẫn đập máu còn xuôi ngược
Anh còn nguyên những nỗi khát thèm
Cứ mặc kệ những đêm nguyệt động
Miễn còn em trong riêng nhớ thăng trầm
Nên anh vẫn muốn đêm dài thêm mãi
Vì em ơi thương nhớ đã nghìn trùng.

Túy Hà ( Cát Bụi Lưu Vong & tháng 9/2018 )

(*) Tuý Hà và những tác phẩm đã xuất bản :

-Thơ: Tình gầy.Tình yêu lang thang và chiến tranh. 
Dấu ấn da vàng. Dã quỳ vẫn nở. Cát bụi lưu vong.
- Thơ và nhạc: Vàng lên nỗi nhớ
- CD thơ: Thơ tình của Tuý.
Lối cũ vẫn trong tim ( CD thơ viết chung )
- Tuỳ bút :Trên đồng lau trắng
- Ký sự dở dang :Những nẻo đường hành hương
- Hợp tuyển: Rực rỡ đời thường

Những tác phẩm sắp xuất bản :


Những mảnh đời biệt xứ ( Truyện ký)
Không chỗ gối đầu ( thơ)
Vầng trăng huyền hoặc ( truyện )
Dòng sông say ( thơ tuyển )
Nửa đời kiêu bạc ( thơ)