Saturday, July 30, 2016

Viết cho em, Diệu Xuân.

Để cùng chị nhớ lại khoảng khắc đẹp đẽ, nơi chốn chúng ta cùng lớn lên, trong tuổi thơ ngọt ngào có Ba có Má, và các em..
Những ký ức đó dù đôi khi lẫn lộn buồn nhiều hơn vui, nhưng tự nó là những notes nhạc ngân nga tràn đầy giai điệu đằm thắm lẫn ấm áp.
Cho chị nhìn cuộc đời bằng trái tim mềm mại ( và cả dễ tin nữa ) Dù đau đớn,khắc nghiệt thế nào, đôi khi chị vẫn muốn tìm về trốn nấp trong cái kén bình yên đó, dặn lòng hãy cố mà sống, vì bên cạnh chị còn có ba má, có các em..Gia đình mình, sau 75 , như bao gia đình khác, đã mất sạch mọi thứ, đã rơi tận cùng dưới đáy khổ ải của phía bên kia, đầy lòng thù hận
Và khi nhớ về khoảng thời gian chúng ta sống với nhau, chị vẫn ao ước, nếu có kiếp sau, chị cũng xin chọn được ở cạnh Ba Má, cạnh các em, để chúng ta cùng nối tiếp những mơ ước, những niềm vui dang dở ở đời sống nầy...

Em...
.

Mỗi lần nghe tiếng em nói, cười qua điện thoại,cái giọng kể lể chuyện nhà,chuyện trà lá, năm nay Bảo lộc mưa nhiều, trà mua vào giá rẻ hơn kỳ trước, nhưng không lời bao nhiêu vì giá trà hạ,xung quanh người ta bán giá đó nên mình cũng phải theo giá chợ, chị à..
Cuối câu, lặng một chút " Mất mối chết."
Lúc đó, trong chị, cảm giác như em đang ngồi kề bên, sắp sửa nắm tay chị, sẽ nói "Sao tay chị khô quá, chị không xức lotion sao. Em biết chị làm biếng mà"
Giữa chị và em, khoảng không gian xa cách kia chỉ là tên gọi.
Em như đưa chị bơi ngược về thời thơ ấu.
Căn nhà mình thưở ấy đầy ắp tiếng cười, tiếng đóng cửa, bàn chân đuổi nhau rầm rập ,cả giọng la rầy của má theo nhịp roi của ba. Cái roi mây chắc vô cùng hớn hở mỗi lần tụi mình nằm sấp trên phản, chờ ba kể tội. Bây giờ tưởng tượng lại,mới biết những tiếng động thưở đó hay hơn bất cứ một bản nhạc du dương nào, bởi đó là những âm thanh trầm bổng khóc cười tuổi thơ được khoác bởi chiếc áo nuột nà quá khứ..


Cây trứng cá trước sân nhà quanh năm mỡ màng trái chín, Tụi mình suốt ngày ngồi tòn ten trên chái nhánh, trèo lên, tuột xuống, tuồng như ăn thay cơm. Khi chị lớn hơn một chút, nghe nói, ăn trứng cá nhiều mặt sẽ bọc đầy mụn cám, da sần sùi giống vẫy cá, nên, thiệt tình, chị cũng sợ, nhưng chỉ vài hôm, chị em mình lại rủ nhau trèo tót lên cây, giả lơ không liếc mắt ,mặc kệ  bên kia hàng rào trường Bán công, mấy tên con trai đứng tì thành cửa sổ, gọi tên ơi ới.
Tuổi thơ của mình gắn liền với tàng cây trứng cá, lá vươn tay xòe rậm mát, với trái chín đỏ mọng, vỏ bóng căng mỏng ngọt lịm. Nên đi đâu, ở đâu, tình cờ bắt gặp cây trứng cá, lòng chị bỗng nhiên rưng rưng, thảnh thốt.
Căn phòng nhỏ của chị phía sau dãy nhà ngang, ở đó, quanh năm thơm ngát mùi hoa sứ. Hoa sứ trắng phơn phớt nhụy vàng bung nở bất kể mùa phơi phới. Cành nhựa trắng nhớp nháp nên chị thường hái những cánh hoa tươi, nhặt hoa rụng chưng trên bàn học, thương cả khi hoa tàn, cánh dần khô héo.
Ở căn phòng đó, chị thường nhìn qua cửa sổ, dõi theo em và Phượng, mỗi chiều, hai đứa tranh nhau leo lên cây, một chân thòng, một chân vắt qua nhánh bông sứ, có khi nghéo cả hai chân, (ham leo trèo mà sợ té ) Hai đứa nghêu ngao học bài, rồi gấp sách, tranh nhau đọc, bài nọ xọ qua bài kia, đọc chán lại tuột xuống rồi đu cành leo lên. 
Những bài học của em thưở đó, thơm ngát mùi hoa sứ.
Má mua cho tụi mình bộ đồ hàng nhựa làm bếp xanh đỏ nào nồi, nào chảo, bếp lò...Sợ tụi nhỏ phá, tụi mình chui trốn trong hồ xi măng trước sân nhà nấu cơm, bày chén đũa xíu xiu như nhà búp bê. Em lang thang tìm hái lá sương sâm, hì hục đem vo với nước. Sương sâm đặc quánh mầu xanh rêu lợn cợn xác, vậy mà chị em mình ăn ngon lành, còn tự thưởng thêm cho mình mấy nhúm cơm nhỏ xíu. Mình hớn hở như vừa lập một kỳ công lớn.
Nhúm cơm thưở đó, chắc phải nghìn lần ngon hơn những bữa cơm đầy ắp thức ăn như bây giờ, bởi nó ngọt ngào trong vắt tuổi thơ.
Vườn sau nhà mình, Má nuôi gà thả rong. Gà mái tơ mập, lông vàng râu bắp, cào bới khắp khoảng sân rộng. Gà ấp lứa, gà con thi nhau nở, lông nhung mượt tròn ngộ nghĩnh vừa nắm tay xinh. Gà sòn sòn đẻ trứng.Trứng tròn trịa to nâu vàng nắng mật. Má đếm trứng , cẩn thận xếp vào rổ để trong  tủ chén. Vậy mà, mỗi ngày một quả, chị nhón trứng dấu dần trong góc bếp, trên mặt  phủ mớ rơm khô .Một ngày, đếm đủ chục, chị, mắt trước mắt sau, chờ má ra khỏi nhà, tóm lẹ vào rổ, đậy kín.
Chị và bé Phượng dắt díu nhau ra chợ Phường, định bụng mang trứng bán cho bà tạp hóa.( ! )
Và, bởi lần đầu tiên dám ăn cắp trứng gà đi bán  cho nên, chị e rằng mình sẽ nhớ đời, sẽ buồn cười cái bộ dạng thập thò của mình lúc đó.
Đến đầu sạp, hai chị em đứng lớ xớ, đứa nọ ngó đứa kia. Chị còn ôm chặt rỗ như sợ bà bán tạp hóa nhìn thấy trứng bên trong. Sợ bà ta méc má , mình ăn cắp trứng gà. Hai đứa ú ớ , mặt đỏ gay khi bà hỏi ‘ Mua hay bán gì vậy con ?’
Đứng lớ xớ chán chê, chân đổi bộ hết phải sang trái, hai chị em dắt díu nhau về sau khi chị hối lộ bé Phượng cái bánh chuối chiên nóng hổi.
Cái bánh chuối, bé Phượng thổi phù phù nhấm nháp ngon lành trong khi chị vừa mắc cở vừa tiếc rẻ.
Trứng gà, lén bỏ lại trong tủ thức ăn. Má, ngày hôm sau tở mở.’Gà kỳ nầy đẻ sai quá.Trứng nào trứng nấy thiệt to. Để riêng một chục mang cho Dì nghe con ‘
Không hiểu, Má sẽ tặng cho chị mấy roi, khi biết, cái kế hoạch ăn cắp bị thất bại thảm thương từ trong trứng nước.
Bé Phượng không méc tội chị, chỉ thỉnh thoảng nó níu áo, ngây thơ:
‘Sao bữa hổm mình không bán trứng hả chị hai . Bữa nào dẫn em đi nữa nghen" ( Thiệt tình !!)
Em giống bà Nội nên khi cười, cái miệng mom móm dễ thương. giống cả tướng đi tất bật nên Ba thường nói ‘Số con tư tương lai chắc khổ về đường chồng con, như Nội bây vậy, buôn thúng bán bưng chợ trên xóm dưới, nuôi cả bầy con..’ Chị không biết lúc còn trẻ Nội vất vả ra sao, chỉ nghe nói, khi Má về làm dâu, nhà đã có của  ăn của để , bà Nội khó giàn trời, không đứa con dâu nào nội vừa lòng , con ruột không ai chìu nỗi, cuối cùng má gánh cái nợ làm dâu cho đến lúc Nội mất.
Thiệt tình, chị không thích em giống Nội chút nào.
Chị hơn em sáu tuổi , lại cách thằng em trai quậy phá , nên em thường lẽo đẽo theo chị. Đi đâu, đứng chỗ nào cũng không thoát khỏi cái bóng nhỏ xíu của em. Đôi khi, chị lén trốn em đi chơi, em phụng phịu " Má về em méc cho coi " Nhưng rồi cái miệng móm duyên khoe hàm răng thỏ hớn hở " Em giỡn thôi, hỏng méc má đâu "
Em thường dấu thư trong túi áo, mắt lấm lét nhét vào tay chị " Của anh..nói đưa cho chị nè" và kề sát mặt nhìn vào tờ giấy " Thơ viết gì vậy chị hai ?". "Ờ, chuyện.. à, làm bài’ "
" Ngộ hen, chị hai"  "Sao em ?" " Nhà ảnh cách nhà  mình có mấy bước hà. Ngày nào ảnh cũng  gặp chị hà rầm mà sao phải viết thơ hả chị hai ?" " Thì..là..". " Anh ba cũng dzậy đó, chị hai. Chị Hoa ở sát hàng rào nhà mình mà cũng đưa giấy đó, chị hai. Mỗi lần em đưa thơ, chị Hoa cho em cái kẹo dừa.."
Chết thật.. Điệu nầy đến tai Má chắc mình te tua .
Bày trò chơi đánh nhau, bao giờ em cũng dành về phe chị. Mùa mưa, em một tay cầm que, tay kia khư khư ôm lon sữa bò. Em mầy mò vạch từng bụi cây tìm dế, bỏ vào lon, chờ chị đi học về, hai chị em châu đầu đá dế. Mùa mưa, dế gáy re re suốt ngày, ren rét khắp nơi, và ba, tối tối vừa xách roi vừa cầm đèn pin soi gầm giường tìm dế.
Trò chơi múa hát, em nằn nì " Cho em đứng đầu nghen chị hai." Và nếu có đứa nào xớ rớ dành chỗ, em dằn mặt liền " Chị hai của tao chớ bộ "
Chị bày rỗ vá quần áo, em ngồi chầu rìa chờ xỏ kim. Em khệ nệ giúp chị khiêng thau quần áo đi giặt và nhấp nhổm chờ chị sai múc nước.Truyện tranh mới mua, em dấu kín trong cặp, chờ chị coi trước.Hai chị em mình nằm đu đưa trên võng, chân em gát qua bụng chị. Em, miệng ngậm ngón tay, có khi cả bàn tay, mắt tròn xoe chờ nghe chị kể, khi nào hoàng tử Ếch biến thành người, khi nào bà phù thuỷ mới bị núi đè, và đôi khi, sốt ruột,em hối " Chị hai, coi trang cuối đi chị. Chờ bả chết lâu quá."
Chúng ta đã đi qua nhiều trang cuối cổ tích, chỉ riêng trang cuối trong đời mình vẫn là khoảng cách xa vời vợi. Nó, chỉ còn lại là những trang cuối hồi tưởng.
Hồi tưởng. Như lần chị xa em.
Khi sắp qua khỏi hàng bạch đàn, chị cố ngoái lại nhìn căn nhà cũ. Em ngồi đó, lẻ loi trong bóng tối nhạt nhòa với ngổn ngang đồ đạc bỏ lại. Em nhỏ bé tội nghiệp biết bao nhiêu.
Em, bờ vai run run theo tiếng nấc.
Giây phút ấy, trái tim chị như bật khóc. Chị không biết, xa lần nầy còn cơ hội nào gặp lại em, gặp lại gia đình mình khi chị bước vào con đường trước mặt. Cảm giác ngỡ ngàng, xa lạ và mơ hồ như người đi trong màn sương mù mịt, không biết điều gì chờ đợi phía trước, mà không thể quay lùi phía sau.Và, hình ảnh em ngồi một mình trong bóng tối nhỏ nhoi ấy như in đậm trong trái tim chị, đến nỗi, chị nghĩ rằng, khoảng khắc ấy, luôn sống cùng nỗi nhớ của chị, mỗi lúc buồn vui.
Chị vẫn thấy , như hồi em còn nhỏ, hồn nhiên lẽo đẽo theo chị,tiếng em gọi " chị hai, chị hai" thỉnh thoảng theo chị về trong giấc ngủ. Luôn thấy em, lo cho chị từng cái áo, khăn choàng khi chị về thăm nhà, nhắc chị uống thuốc như bịnh tật đâu sẵn vồ chụp lấy chị.
Luôn thấy em, nhỏ nhoi ngồi trong bóng tối và những giọt nước mắt lặng lẽ khi dần tiễn chị đi xa.
Chúng ta đã trải qua cùng nhau thời thơ ấu đẹp đẽ, nó trong vắt lấp lánh như viên bi không gợn chút váng mây. Nó thơm ngọt ngào mùi hoa sứ mới. Giữa tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, trong đời sống bộn bề hiện tại, ở tương lai xa vời phía trước, em luôn cạnh bên chị dù trùng trùng khoảng cách. Có lẽ, bởi kỷ niệm của chúng ta đã có với nhau nhiều quá, nhiều đến nỗi, vòng tay già nua của chị, dù ráng sức bao nhiêu cũng không thể, tự mình ôm hết.
Tuổi thơ. Nó như trang truyện cổ tích lóng lánh mầu sắc, vừa ngây thơ vừa háo hức. Nó mang sắc cầu vòng rực rỡ chứa đầy những ước mơ thần tiên và chắp cho chúng ta những đôi cánh mơ mộng, cho ta được chạy nhảy nô đùa, cho ta cùng nhấp nghìn giọt hồn nhiên.
Tuổi thơ đứng lại cùng ký  ức. Riêng  ta, mỗi ngày héo hon theo thời gian.
Tuổi thơ của mình, vẫn bình yên ở đó, để mỗi khi hồi tưởng lại, bất chợt tìm thấy trong ta vài khoảng khắc hạnh phúc, dù ngắn ngủi, dù chớp mắt, nhưng nó thật sự cần thiết cho chúng ta, bởi mỗi ngày khi già đi, trí nhớ sẽ mất dần, cánh cửa tuổi thơ sẽ đóng lại, và buồn lắm, khi ta chẳng còn gì để nhớ trong cuộc đời nầy..
Nhưng hơn hết, trên tất cả, chị luôn cám ơn Ba Má đã cho chị và các em được gặp nhau ở đời sống nầy, cùng nhau chia xẻ những buồn vui , đã cùng những tháng năm bơi đùa thỏa thích trong giòng sông thơ ấu.

Em ơi. Mình đâu còn gì để tiếc nuối nếu ngày nào đó, mình chia tay nhau, ra khỏi đời sống nầy , phải không em ?



 Chỉ là một cuộc hành trình trở lại, để bắt đầu, thôi em.




Góc. Với Xuân: Ôi sao chị quá nhớ nhà.

Monday, July 25, 2016


Always on my mind 
By : Wayne Carson,Johny Christopher, Mark James (1972) 

Artist : Wille Nelson ( 1982 )


Maybe I didn't treat you
Quite as good as I should have
Maybe I didn't love you
Quite as often as I could have
Little things I should have said & done
I just never took the time

But you were always on my mind
You were always on my mind

Maybe I didn't hold you
All those lonely, lonely times
And I guess I never told you
I'm so happy that you're mine
If I made you feel second best
Girl, I'm sorry I was blind

You were always on my mind
You were always on my mind

Tell me, tell me that your
Sweet love hasn't died
Give me, give me one more chance
To keep you satisfied
Satisfied

Little things I should have said & done
I just never took the time

You were always on my mind
You were always on my mind
You were always on my mind
You were always on my mind



Wednesday, July 20, 2016




Hà Nội ngày tháng cũ

Nhạc : Song Ngọc
Ca sĩ : Sĩ Phú.

(Share từ FB của Quang An )

Quang An
Nhạc Cuối Tuần: HÀ NỘI NGÀY THÁNG CŨ
20 tháng 7, ngày này 59 năm về trước, là ngày vận mạng của cả dân tộc Việt Nam khi các cường quốc và lân bang đã ép chúng ta ký vào hiệp định đình chiến ở Việt Nam và chia đôi đất nước ở vĩ tuyến thứ 17. Lúc ban đầu quá trình thương thảo, Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc) còn đòi chia cắt đất nước ở ngay vĩ tuyến thứ 13, nhưng không được bên Pháp đồng ý. Cuối cùng rồi thì đến ngày này, 20 tháng 7 năm 1954 thì hiệp ước đình chiến soạn thảo xong được gọi là Hiệp Định Genève được ký kết giữa Thiếu tướng Henri Delteil, thay mặt Tổng tư lệnh quân đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương và ông Tạ Quang Bửu, thứ trưởng Bộ quốc phòng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) cùng năm chữ ký của phái đoàn Anh (Anthony Eden), Liên Xô (Viacheslav Molotov), Trung Quốc (Chu Ân Lai), Cam bốt (Tep Than) và Lào (Phumi Sananikone). Riêng Chính phủ Quốc gia Việt Nam (miền Nam) do Bác sĩ Trần Văn Đỗ trưởng đoàn và Hoa Kỳ do ông Bedell Smith dẫn đầu không chấp nhận chia đôi đất nước nên từ chối đặt bút ký tên.
Có lẽ các bạn trẻ lớn lên sau này đều được giáo dục rằng đây là thắng lợi lớn của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Việc giáo dục thế này, chỉ hòng che lấp đi sự sai trái của việc chấp nhận sự chia cắt đất nước, không bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nội dung Hiệp định đình chiến Việt Nam có 6 chương và 47 điều khoảng áp đặt vài điểm quan trọng như sau: Chia đôi hai miền Nam Bắc lấy làng Bohushu sát biên giới Lào Việt đến cửa sông Bến Hải tại tỉnh Quảng Trị làm ranh giới, Quốc Gia Việt Nam phía nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phía bắc, hiệu lực thực thi từ ngày 14-8-1954 quy định hai bên rút quân trong vòng 300 ngày. Chính vì sự khác biệt giữa hai chủ thuyết Quốc Gia và Cộng Sản, mà biến cố này đã dẫn dân tộc ta vào cuộc chinh chiến khói lửa suốt 20 năm sau đó giữa hai miền Nam - Bắc.
Trong vòng 300 ngày cho phép tản cư ở cả hai bên, cả triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam. Từng đoàn người trốn tránh được chính quyền địa phương ở ngoài miền Bắc, kiếm cách về đến Hải Phòng để lên tàu xuôi vào Nam. Chính sự di cư này, đã thay đổi toàn bộ đời sống văn hoá của người dân miền Nam. Biết bao văn nghệ sĩ, vì yêu tự do, đã trốn khỏi miền Bắc, xuôi Nam. 
Với nền tự do công bình bác ái ở miền Nam, như là nguồn động lực khiến các văn nghệ sĩ gốc Bắc, đã sáng tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đã tạo nên một nền văn học nghệ thuật phát triển cực thịnh ở miền Nam trong suốt 20 năm sau đó. Trong các sáng tác của mình, nỗi lòng nhớ nhung về quê cũ, tình yêu đôi lứa bị trắc trở do hoàn cảnh lịch sử trái ngang là những dấu ấn không thể nào phai. Những lời ca, tiếng hát, vần thơ, đã khiến bao người nghe nức nở trong lòng. Ở đâu đó trong tiềm thức của người dân miền Bắc xa quê, là hình ảnh của Hà Nội với 36 phố phường, là bóng phượng vĩ của phố Cảng Hải Phòng.
"Hà Nội ngày tháng cũ
Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ
Hà Nội ngày tháng cũ
Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi
Hà Nội ngày tháng cũ
Có dáng em tôi áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều
Tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè
Mùa thu theo gió heo may
Hà Nội người có nhớ
Tháp Bút chơ vơ liễu xanh vật vờ
Hà Nội người có nhớ
Hương lan vương vương bên hồ Thuyền Quang
Hà Nội người có nhớ
Chiếc áo xanh lam thơ ngây cô em học trò
Áo trắng Tây Sơn Trưng Vương em tan trường về
Đường qua nẻo phố hẹn hò ..."
Sáng thứ Bảy cuối tuần, nhớ về ngày này năm xưa, một biến cố làm thay đổi vận mạng của cả một dân tộc, mời các bạn cùng lắng nghe lại nhạc phẩm Hà Nội Ngày Tháng Cũ, một sáng tác của nhạc sĩ Song Ngọc, qua giọng ca của Sĩ Phú. Nghe để lắng đọng lại nỗi niềm của người dân Việt trong hoàn cảnh chia lìa. Nghe để biết thêm lòng người dân Việt qua lời nhạc của Song Ngọc. Nghe để hiểu nguyên do và tác động của một chủ thuyết phi nhân bản xua đẩy người dân Việt vào vòng chia ly.
Quang An

Thursday, July 7, 2016


              Trung Học PBC Phan Thiết Hội ngộ ( 2015 ) và Thiết ( Canada)


Phôi Pha ( Nhạc TCS )
Giọng hát: Khánh Ly.

Bạn mình.

Nợ nhau một lời hứa mà mãi đến hôm nay, mới tạm gọi là, lòng có chút nhẹ nhõm.
Chỉ là chút thôi, vì mình còn nợ bạn, vô số những điều “ước..”

Bạn nói.” Cho mình nghe “ Phôi pha “đi…Ôi phù du từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ Đời người như gió qua  Sao mà mình thích bài hát đó quá .Nghe như lời trăn trối.

Ừ thì..Một lời trăn trối.



“Hay cho mình nghe..Gió ơi , gió ơi bay lên, để bụi đường cay lòng mắt.. Sao tự nhiên không khóc mà mắt cay..”

Ừ thì..Thà như hạt bụi cay.

Hai đứa cùng yêu nhạc TCS. 
Và có lẽ đó là điểm chung mà mỗi khi nói chuyện với nhau, nhắc những kỷ niệm thời còn đi học, thưở biết yêu, cả khi chia tay một cuộc tình nào đó, bao giờ bạn cũng kết câu hát.."Người nằm xuống nghe tiếng ru, cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.."
Trong Mưa hồng, tôi lại thấy mình tan loãng trong hình ảnh mềm mại, thơ mộng và pha chút lãng mạn như một bức tranh  xanh mướt của từng hàng cây, mầu hồng thắm lao xao của những chùm phượng đỏ.." Đường phượng bay mù không lối vào Hàng cây lá xanh gần với nhau.."
Có những bài hát gắn liền với kỷ niệm,với một khoảng khắc nào đó trong đời sống. Nó ngủ yên nằm đâu đó nhưng bất chợt thức giấc chỉ một gợi nhớ tình cờ..

Khi tôi hát Tình xa, tôi nhớ Bảo Lộc và những ngày mưa.Mùa mưa Bảo Lộc dầm dề lê thê. Đoạn đường từ phố về nhà, ngày ấy, đi qua những ngọn đồi trà thăm thẳm bóng đêm. Trong nỗi cô đơn và đêm rưới xuống từ trời hàng nghìn hạt mưa ướt át, lạnh lẽo, tôi nghe tiếng bước chân mình, nghe nỗi cô độc trùng trùng trong đời sống, và câu hát theo giọt nước mắt lặng lẽ , theo từng hàng mưa thấm đẫm " Khi bước chân ta về Đêm khuya nhìn đường phố.Thành phố hoang vu như đời mình như cuộc tình..Làm sao em biết đời sống buồn tênh.." Có bài hát nào, lời ca nào gần gũi với tâm trạng của tôi hơn, trong khoảng khắc ấy ?Ngay cả bây giờ, khi nghe Tình xa, tôi vẫn thấy trong tôi, trọn vẹn cảm giác cô đơn của ngày mưa ấy..
Bạn kể. Có những ngày chờ xe bus trên đường đến bịnh viện, bạn đứng  một mình hắt hiu giữa giòng xe cộ ngược xuôi. Bạn nhìn cái bóng lẻ loi của mình đổ xuống mặt đường, và mắt chợt cay khi nghĩ tới câu hát " Một ngày như mi ngày. từng chiều lên hấp hối. Một ngày như mọi ngày bóng đổ một mình tôi.."

Một ngày rồi cũng như mọi ngày. Ta sống, đi qua và chờ đợi.." Không còn ai đường về ôi quá dài những đêm xa người. ." Quá buồn, phải không ?

Tôi không thích nhạc phản chiến của TCS, bởi nó vẽ lên những hình ảnh nhức nhối đau thương của chiến tranh. Không ít, nhiều những bài hát về thân phận quê hương của ông cũng đã ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của những người lính trẻ đang cầm súng bảo vệ đất nước. Không ai phủ nhận điều đó.

Nhưng tôi yêu nhạc tình của TCS . Sẽ tuyệt vời hơn nếu ông chỉ viết về những bài tình ca,.

Ông đã mang đến đời sống của bạn, của tôi , của những người yêu nhau chan ch
ứa hình ảnh, ngôn ngữ lạ lùng trong những notes nhạc đơn giản, Không cầu kỳ, bóng bẩy, Không văn hoa, trau chuốt. Nó là một bức tranh đầy mầu sắc và âm thanh. Nó gần gũi như hơi thở,  mềm mại như hơi lụa mát.  Ông thổi vào tâm hồn chúng tôi làn hương gió mới , ngọt ngào mà say đắm, hát lời tình yêu bằng bước khẽ ngập ngừng, khiêm tốn nhưng không thiếu mảng nồng nàn, mật ngọt.
Tình yêu trong nhạc TCS không giận hờn trách cứ, không tuyệt vọng sầu thảm.Cuộc tình dù chia xa vẫn giữ cho nhau một cõi rất riêng để khi nhìn ngắm nó, ta cám ơn đời sống đã cho ta được gặp nhau, được yêu nhau, được chia xẻ cho nhau những giây phút hạnh phúc, mà nỗi hạnh phúc đó, không phải ai cũng có thể tìm gặp trong đời sống của mình..." Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày ngồi mơ ước cùng người.."

Nhạc tình của TCS, như men rượu lâu ngày, càng thấm càng say..

Tôi yêu cõi tình trong nhạc TCS ở điều giản dị ấy.

Wednesday, July 6, 2016



Một buổi chiều cho Nhụy.

Nhụy gấp trang sách, mắt khẽ nhướng lên  khi tôi đề cập đến anh. 
Trong bóng tối nâu thẫm, khuất sau chụp đèn nhỏ, tôi không thể nhìn thấy  đôi đồng tử đen kéo theo một vết nhăn chân chim, mờ mờ ở đuôi mắt.  Chị im lặng, có vẻ  suy nghĩ. Dự định đám cưới vào cuối năm có lẽ là một bất ngờ cho Nhụy và cả tôi. Cũng  dễ hiểu, vì tôi và  anh trước đây, chưa hề có một quyết định rõ ràng trong việc sống chung . Đám cưới lại là điều tôi không nghĩ tới. Lần đầu tiên khi thố lộ với Nhụy là tôi đang yêu anh, lúc đó Nhụy đang đứng cạnh bếp, quay lưng về phía tôi, và dù không nhìn thấy gương mặt của Nhụy, nhưng ở dáng đứng không bình thường của chị, tôi biết mình vừa mang đến cho chị một bất ngờ, quá sức bất ngờ, ngoài tưởng tượng. 
“Em suy nghĩ  kỹ chưa ?”  Nhụy hỏi 
“Em cũng không biết.”
“Đừng nói giỡn. Chuyện cả đời em đó.”
Cả đời tôi. Một đời tôi.Thật sự. Sao quá sức mơ hồ. Quen anh đã lâu, khoảng chừng hai, ba năm về trước hoặc dài hơn chút đỉnh.Tôi không nhớ rõ lắm. Tình yêu đến nhẹ nhàng  bằng những thoáng  bâng khuâng, rồi dần dà như tờ giấy thấm, ngày nầy sang tháng nọ trở thành một thói quen, một bắt buộc hiện hữu. Dường như đến một thời điểm nào, kết quả tất yếu sẽ xảy ra. Anh là người đàn ông dễ  thương. Danh từ dễ thương  phải được nằm đàng hoàng trong dấu ngoặc kép, hoặc một dấu gạch tới gạch lui tô đậm  vì quả thật, anh hội đủ  điều kiện để trở thành một mẫu đàn ông lý tưởng cho một gia đình hạnh phúc. Nếu định nghĩa hạnh phúc, yêu thương vừa đủ nhớ nhau, cho và nhận vừa đủ cần nhau thì tình cảm giữa tôi và anh là như vậy. Không quá sôi nổi, không quá ray rức, chỉ cảm giác bình yên khi ngồi cạnh nhau. Và dịu dàng vài câu thăm hỏi. Với tôi, Tình yêu giản dị như một ngày mới bắt đầu bận rộn và đêm êm ả như giấc ngủ không hoài nghi, mộng mị.
Ở tuổi tôi và Nhụy, sự kén chọn đã trở thành cũ kỹ.
Anh giải thích tại sao  lại chọn tôi trong vô số những người nữ mà anh quen biết. “Anh thích sự đơn giản, ghét rắc rối. Hai điều kiện đó em có đủ.” Dĩ nhiên, câu nói đó không làm tôi vừa ý, nếu không muốn nói rằng tôi hơi phật lòng, nhưng đến giờ phút nầy, đến từng tuổi nầy, thật sự tôi muốn mau chóng vất bỏ sau lưng chiếc áo cũ chằng đụp của đời độc thân, bởi cơ hội thường không xảy ra với những kẻ kém may mắn đến hai lần.
Nhụy là mối ái ngại và lần lửa trong quyết định của tôi.
Tôi nuối tiếc những ngày tháng vô tư, bình yên mà tôi  vụng dại trong vòng tay cưu mang đắp đỗi của chị. Trong khu apartement nhỏ nằm khuất tịnh phía  bờ hồ, tôi lớn lên ở đó. Nhụy nhìn tôi nhích dần từng ngày bằng nỗi ân cần thân ái của  một người mẹ, bằng sự  thông cảm gần gũi của một người chị lớn. Nhụy đã  dửng dưng đi qua cả một  thời xuân sắc thiếu nữ, một phần có lẽ bởi tôi còn quá nhỏ, chưa đủ sức để bay một mình. Nói chung, thật trong thâm tâm, tôi dùng dằng chưa muốn rời bỏ tổ ấm mà Nhụy đã cặm cụi thu nhặt, đan kết bằng suốt một thời thiếu nữ.
Nhụy mở trang sách đọc dở. Một nửa mái tóc che lấp khuôn mặt thon nhỏ, thanh tú. Nước da trắng, hơi xanh, cặp mắt ngày cũng như đêm đằm thắm mầu vàng nắng. Vẻ đẹp nơi Nhụy dễ làm xiêu lòng những người khác phái nên chị cũng rất khó tính trong sự chọn lựa. Từ sau những mối tình không đoạn kết, Nhụy rơi đắm vào ốc đảo thầm lặng, khép kín. Ốc đảo đó, với tôi  luôn là một thế  giới bí mật chứa đầy bóng tối sâu thẳm. Chị tìm niềm vui, nỗi buồn theo từng nhân vật trong sách. Họ dắt chị đi, ngày nầy qua tháng nọ mệt nhoài không ngừng nghỉ. Chị run rẩy theo mối tình của Lara và Doctor Zhivago, theo Marc Levy không sót một tác phẩm nào, và chị cũng là tín đồ của Kahlil Gibran (Uyên ương gãy cánh) Kiến thức  của tôi về  sách vở quả thật không to hơn đầu đũa. Thiếu dịu dàng lại thừa mứa vụng về. Nóng nảy, bộp chộp. Có lẽ vì vậy mà sự trưởng thành của tôi, phần lớn đều dựa vào sự chăm chút tỉ mỉ của chị.
Vậy mà. Anh lại yêu tôi. Thật khó có thể giải thích. Riêng với anh, Nhụy luôn giữ một  khoảng cách dè dặt theo bản tính ít nói kín đáo. Nói năng nghiêm trang chừng mực theo đúng vị trí của một bà chị vợ khó tính.
Mỗi khi anh đến, Nhụy chỉ ngồi lại với chúng tôi đôi ba phút, trả lời vài câu chào hỏi bâng quơ rồi lẳng lặng rút vào thế giới riêng tư với những nhân vật nói cười trong tiểu thuyết.. Thế giới đó, chỉ có chị và họ bơi trong những vùng mây mênh mông mộng tưởng khao khát hạnh phúc và ruồng rẫy bất hạnh.
Anh bình phẩm:
“Chị ấy..sống khép kín quá.” 
“Nhưng Nhụy rất tình cảm. Anh biết không, chị rất dễ khóc.”
“Có khi nào .. Nhụy không muốn em lấy chồng. Anh có cảm tưởng chị ấy rất ghét anh.”
“Tại sao ?”
“Tại anh giật em khỏi tay Nhụy”
Nhụy ít nói, có vẻ trầm lặng hơn trước sau cái tin tôi quyết định lấy chồng. Chắc trong thâm tâm , Nhụy buồn và lo lắng cho tôi, bởi  chưa bao giờ tôi rời khỏi vòng tay của chị, và ở bước ngoặt mới kia, với tính tình trẻ con của tôi, tôi sẽ xoay sở ra sao. Tôi thật sự chưa chuẩn bị sẵn sàng cho vai trò làm vợ, làm mẹ. Tuy vậy, chị dành nhiều thời gian để chìu chuộng săn sóc tôi. Nhụy chỉ cho tôi cách nấu nướng, cách xử thế làm sao cho vừa lòng gia đình chồng. Những ngày cuối tuần,thay vì khóc cười theo những nhân vật không có thật, Nhụy vẽ, cắt  quần áo mới .  Chị bày ra đầy một nhà toàn mẫu vẽ, vải vóc đủ mầu sắc. Thước dây kéo tới kéo lui chi li tính toán.” Chị muốn tự tay làm, để khi xa em vẫn nhớ tới chị” Tôi hay ngồi quanh quẩn, nhìn gương mặt cúi xuống với nhánh tóc che một nửa  gò má xanh xao, nhìn những ngón tay gầy kiên nhẫn đẩy nhẹ từng vạch phấn.  Chị cặm cui suốt buổi. Chân lao xao trong tiếng máy khâu. Thường tôi không ngồi được lâu. Chẳng hiểu chị tìm được bao nhiêu  cảm giác hứng thú  trong từng vạch thước buồn tẻ như vậy. Thế mà. Áo may hoài vẫn chưa xong. Cái thì thiếu tay hoặc thừa cổ. Đường chỉ tháo tới tháo lui chỗ nào cũng dở dang. Hình như  Nhụy muốn gửi nỗi buồn trong những đường chỉ nhặt, trong từng khuy áo sâu..Và có lẽ nỗi buồn dài hơn số quần áo dự định nên ngày cưới gần kề mà tôi vẫn chưa được mặc áo mới.
Trong khi tôi và anh bận rộn đủ thứ cho ngày cưới, nào đặt quay phim, chụp hình, áo cho phụ dâu, phụ rễ…Nhụy trốn vào vỏ  ốc cô đơn nghìn năm. Chị có thật sự tìm thấy bình yên trong khoảng không gian riêng tư chật hẹp ? Tôi thường mũi lòng khi bắt gặp đôi mắt xa vắng của Nhụy. Nó, long lanh ngấn nước.Và khi tia buồn đó ném mông lung ngoài giới hạn, một chút bâng khuâng, một chút u uẩn mầu gỗ gụ, trái tim tôi như thắt lại bởi ray rức. Nhụy của  tôi. Đôi khi tôi muốn vất bỏ hết sau lưng, quay trở lại những mảng sông hạnh phúc, êm đềm mà tôi và chị đã bơi từ những ngày thơ ấu.
Anh có vẻ không thích tính tình cách biệt, dửng  dưng của Nhụy. Dù không ai bình phẩm về ai, giữa họ luôn có một khoảng cách mơ hồ, tưởng chừng đơn giản, nhưng thật sự, rất khó hàn gắn. Sự mâu thuẫn không rõ nguyên nhân đến từ hai phía  mà tôi bị lôi kéo không biết sẽ xô dạt theo phía nào. Khi tôi nói với anh. “ Em chỉ có một mình Nhụy. Anh nghĩ sao nếu sau nầy, chúng ta vẫn  sống chung với chị ấy “. Anh nhìn tôi. Nhìn chăm chú và cười lạ lẫm. Có lẽ anh cho tôi lẩm cẩm, dở hơi và tôi rất buồn bực vì thái độ của anh.
Nhụy hỏi:
“Lấy chồng, em định ở đâu ?”
“Em không biết. Có lẽ tụi em sẽ mướn một chỗ gần chị.”
Một khoảng khắc yên lặng. Giọng Nhụy nhỏ nhẹ:
“Em có hạnh phúc không ?”
“Theo một nghĩa nào ?” Tôi hỏi, hơi phân vân.
“Nghĩa là…Tất nhiên hạnh phúc phải khởi nguồn bằng tình yêu, sự cảm thông từ cả hai phía. Tên đó ( Nhụy ám chỉ anh ) Có thật sự yêu em không ?”
Anh có thật lòng yêu tôi ? Có ai dám khẳng định điều đó dù họ đã sống với nhau đầy đàn con cái. Tôi lại càng không ảo tưởng. Nhưng ngược lại, với tôi, đó là tình yêu.. Anh  đã bù đắp và san sẻ cho tôi những gì mà tôi thiếu thốn và hụt hẫng. Trong tình yêu,  đòi hỏi sự tuyệt đối là điều không thể. Nếm đủ mùi vị tương đối cũng đã là may mắn rồi. Huống chi tôi chỉ là một người phụ nữ rất bình thường, mơ ước cũng bình thường, đơn giản như hạnh phúc là nhu cầu tương đối cần phải có trong cuộc  sống, mà sự san xẻ là điều đương nhiên. Trước. Sau. Cả đến bây giờ, với tôi, anh là một người đàn ông tuyệt vời.
Hiểu theo cả hai nghĩa.
Nhụy im lặng khi nghe tôi phân tích khái niệm về  hạnh phúc. Nó thật trừu tượng , phải không Nhụy. Mơ hồ. Mờ ảo. Nhưng trong mắt em, Nhụy à. Hạnh phúc chỉ gói gọn trong hai động từ đơn giản. Cho và nhận.Thế thôi… Những ngày nầy, tôi đang bơi, đang chạy, đang lướt. Phải, là tôi. Là tôi trong tuần lễ cuối trước ngày cưới. Tôi như được hồi sinh bởi ngọn gió anh vây phủ. Hoa đỏ cho chú rễ. Hoa hồng cho cô dâu. Áo cưới lộng lẫy điểm những chùm hoa trắng tuyết. Tóc được uốn lại, cầu kỳ nên ngó tôi cũng  khá trẻ trung. Trong đôi mắt bao dung của Nhụy, tôi thấy tôi qua lại như một cô bé mới lớn, hăm hở vất bỏ sau lưng những đồ chơi đã cũ để bước tới, bước tới mở toang cánh cửa mới mẻ của đời sống.
Anh ngược lại, phải làm bù cho hai tuần trăng mật nên chúng tôi ít gặp nhau . Tuy vậy, mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi. Tôi đếm từng tờ lịch rơi với tâm trạng nôn nao lẫn hốt hoảng. Vừa muốn đẩy thời gian lùi ra xa lại vừa muốn níu ngày đêm lại gần. Sự thay đổi tâm sinh lý làm tôi khó ngủ. Nhụy cũng vậy. Nhiều đêm tôi nghe  tiếng chị ho khúng khắng. Có khi hai, ba giờ  khuya phòng bên vẫn còn ánh đèn dù chị đã chặn cửa bằng lớp khăn dày. Có lẽ chị đang khóc với nhân vật nữ mà đoạn kết, có trời mới biết tại sao tác giả lại khéo dựng lên những tình huống, những bi kịch dù tưởng tượng cũng quá sức thê thảm đến vậy.
Ngày thứ sáu của tuần lễ  cuối, hồ sơ giấy tờ đã xong nên tôi sắp xếp về sớm. Gọi điện thoại hẹn anh đi ăn. Nhưng anh lăng quăng đâu đó, tiếng chuông điện thoại reo từng chặp làm tôi cụt hứng. Đi đâu cho hết một buổi chiều đẹp trời như hôm nay ? Tôi nghĩ đến Nhụy. Tuần nầy chị làm ca đêm. Vậy là tôi có một khoảng thời gian dài dành cho Nhụy.
Một buổi chiều cho Nhụy. 
Thật lý thú. Tôi hối hả phóng xe về nhà. Chắc Nhụy sẽ vô cùng ngạc nhiên, bởi xưa nay, tôi rất ghét đi shopping. Áo quần tôi mặc từ Nhụy thải , chị mang ra cắt lại, sửa sang đôi chút, bóp eo, hạ vai, và tôi rất thoải mái trong những bộ đồ rộng thùng thình, có thể nằm ngồi tha hồ mà không ngại nhăn nheo hoặc quá khổ.
Xe đậu hơi xa chỗ ở, nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy khoảng cỏ trước sân nhà ngập nắng. Cả chậu hoa hồng mấy đứa trẻ hàng xóm bẻ cọng nằm trơ cuống. Lát nữa đi chợ, tôi định bụng sẽ mua thêm ít phân và hạt hoa gieo vào cái bình sành có chạy hoa văn ngồ  ngộ mà anh và Nhụy đều ngạo tôi” Khiếu thẩm mỹ nhà quê “.
Ngay lúc tôi định chui ra khỏi xe, bất chợt, tôi thấy anh bước ra từ apartment của tôi.
Dáng anh dường như ủ rủ, quá sức ủ rủ, tuồng như phải vác trên lưng một vật nặng khủng khiếp ngoài khả năng chịu đựng làm oằn cả hai vai, bình thường là chiều vai ngang của một lực sĩ đẹp. Mất mấy  giây, tôi rơi trong  trạng thái ngỡ ngàng, không biết nên bước ra gọi anh hay ngồi yên, chờ anh đến bãi đậu xe.
Có lẽ anh không nhìn thấy xe tôi đậu khuất xéo bên góc chung cư. Tôi mở cửa, dợm gọi  thì đột nhiên…Anh đứng  sững. Quay phắt lại, hai tay chới với hốt hoảng đâm sầm ngược về phía nhà tôi…Vừa vặn…Nhụy cũng từ trong nhà lao ra…Chị đang khóc, có lẽ khóc rất nhiều, tôi nhìn thấy rõ cả những lọn tóc dính bết sát bên thái dương. Họ cùng loạng choạng, cùng run rẩy, cùng tuyệt vọng và…như  hai nhân vật chính trong một đoạn phim Hồng kông mà đạo diễn cố ý đặt ống kính ở góc độ dễ gây ấn tượng…Nhụy lả vào vòng tay anh. Và gương mặt anh  cúi xuống cuồng nhiệt…Họ uống trong nhau hồ nước mắt.
Tôi nhắm mắt. Nhắm mắt để cố nghĩ rằng, có lẽ những  cảnh tượng vừa nhìn thấy chỉ là  ảo giác, hoặc giả sự lo lắng, căng thẳng trong những ngày qua làm tôi mệt mỏi. Nhưng mở mắt, nhìn chằm chằm, nhìn nghi hoặc…  Rõ ràng họ vẫn đang đứng xéo mặt tôi, vòng tay anh vẫn ôm ghì thắt lưng Nhụy ở tư thế cũ, và hơi thở nhập làm một kia, thêm tiếng nức nở dường như bất tận.
Nếu nói rằng tôi dửng dưng, không cảm xúc khi nhìn cảnh tượng kia thật là điều  giả dối, hoặc là người ngu ngốc, mất  bình thường. Khóc lóc vật vã , giật tóc giật tai  hay nước mắt tụ ứa quầng quầng là những biểu hiện khác nhau khi người ta có một cái tên gọi chung là  đau khổ, bị phản bội. Tôi đang rơi trong trạng thái nào đây ? Thật  sự tôi đã mất hết hay vừa mới bước ra khỏi một canh bạc gian lận mà trước đó tôi đã hân hoan chui đầu vào ? Tội nghiệp cho Nhụy và tôi. Tội nghiệp cho hai sinh vật quá nhỏ bé, yếu đuối không thể cưỡng chống lại cái hấp lực quá mạnh mẽ của tình yêu, để cùng xoay điên khùng trong vòng lẩn quẩn, mà nghĩ cho cùng,  cả hai cùng mất nhiều hơn là nhận. Nhưng kẻ được nhận và kẻ thua cuộc, ai sung sướng hơn ai ?
Tôi vẫn ngồi  sững . Vẫn nhắm mắt. Tôi thấy tôi mở cửa, bước vào nhà. Căn phòng ấm áp thứ ánh sáng dễ chịu.  Nhụy đang ngồi đọc sách nơi chiếc ghế quen thuộc. Và anh sẽ  âu yếm, như mọi lần, lau tóc cho tôi, nói giận dỗi rằng anh định về vì đợi em quá lâu. Nhụy cười trầm ngâm và nhẹ nhàng rút lui vào ốc đảo cố hữu của chị. Đoạn phim đó đang điễn ra trong tận cùng hồi tưởng,  đậm nét, khá lớp lang bài bản dù trong ba nhân vật, trước sau, tôi là một diễn viên hạng xoàng.
Chiều oi nồng  rẽ mây ném xuống mênh mông những hạt nước đầu mùa. Mưa lay tỉnh, đập vào kính xe và thi nhau nhễu thành dòng tuôn không  ngớt  những đường cong ngoằn ngoèo dị mắt…Cửa xe đóng kín mà nước mưa ở đâu nhạt nhòa khuôn mặt tôi. Chẳng lẽ  tôi đang khóc ? Chẳng lẽ, tất cả những điều tôi vừa nhìn thấy là sự thật ?
 Mưa ngoài trời và mưa trong lòng, ai có thể trả lời dùm tôi, cơn mưa nào sầu thảm , tội tình hơn.?

Sunday, July 3, 2016


God Bless The U.S.A
( or Proud to be American )

 By : Lee Greenwood


If tomorrow all the things were gone
I worked for all my life
And I had to start again
With just my children and my wife
I thank my lucky stars
To be living here today
'Cause the flag still stands for freedom
And they can't take that away
And I'm proud to be an American
Where at least I know I'm free
And I won't forget the men who died
Who gave that right to me
And I'd gladly stand up next to you
And defend Her still today
'Cause there ain't no doubt
I love this land
God Bless the U.S.A.
From the lakes of Minnesota
To the hills of Tennessee
Across the plains of Texas
From sea to shining sea
From Detroit down to Houston
And New York to L.A.
Where's pride in every American heart
And it's time we stand and say
That I'm proud to be an American
Where at least I know I'm free
And I won't forget the men who died
Who gave that right to me
And I'd gladly stand up next to you
And defend Her still today
'Cause there ain't no doubt
I love this land
God Bless the U.S.A.
And I'm proud to be an American
Where at least I know I'm free
And I won't forget the men who died
Who gave that right to me
And I'd gladly stand up next to you
And defend Her still today
'Cause there ain't no doubt
I love this land
God Bless the U.S.A.

God Bless the U.S.A..Lần xúc động nhất khi tôi nghe bài hát nầy có lẽ là hôm con trai tôi mãn khóa US Marines tại South Carolina sau ba tháng huấn luyện.
Bồi hồi theo tiếng nhạc, tôi đưa mắt tìm con giữa hàng trăm chú lính trẻ trong hội trường mênh mông.
Ngay cả khi bài Quốc ca Hoa Kỳ cất lên, trái tim tôi cũng dạt dào cảm xúc.
Tôi tự hỏi  " Tại sao tôi không phải là người Mỹ, không cùng ngôn ngữ và dân tộc tính như họ, tôi chỉ là một người tỵ nạn đến từ một đất nước tang thương bởi chiến tranh, sao những cảm xúc từ những bài hát kia lại chạm đến trái tim tôi ? "
Có phải bởi chúng tôi đã mất quê hương  và niềm ao ước một ngày nào được thấy lại lá cờ vàng ba sọc đỏ cùng bài hát Quốc ca lồng lộng trên quê hương tôi chỉ là niềm khao khát ?
 Nước Mỹ nợ chúng tôi một lời Xin lỗi
Chúng tôi nợ nước Mỹ một lời Cám ơn.
Chúng tôi phân biệt rất rạch ròi giữa lời xin lỗi cám ơn.
Cám ơn nước Mỹ đã cho chúng tôi cơ hội được sống , được tự do và bình đẳng giữa người- và- người.
Cám ơn nước Mỹ, một ngày nào không xa sẽ dang tay ôm ấp thân xác và linh hồn những người tỵ nạn khốn khổ chúng tôi trong vòng tay bao dung của họ. Bởi đơn giản, chúng tôi , đời nầy không còn quê hương để trở về, để yên nghỉ.

July.4 .God Bless America.