Saturday, August 31, 2019

                                  Đá và 
                                 Thư Quán Bản Thảo
                                 ( số  85. Tháng 7/19)



Về Houston
Trần Hoài Thư
  
Về Houston lần này mọi sự được êm đẹp ngoài sự tưởng tượng của tôi. Trước hết là tình trạng sức khỏe của Y. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ để tôi quan ngại. Năm ngoái, đã mua vé tàu đành bỏ vì đến gần ngày đi thì Y. phải được đưa vào Emergency và phải nằm trong phòng đặc biệt mất một tuần lễ, mạng sống như sợi chỉ mành treo chuông. May mắn thứ hai là con tôi được mấy ngày nghỉ. Nó lái xe từ tiểu bang cạnh qua NJ để thay mặt tôi chăm sóc mẹ.
Như vậy là tôi lên đường như một kẻ ẩn sĩ xuống núi. Buổi sáng tinh sương lành lạnh, phi trường ít người, ít xe vì quá sớm, khiến tôi dễ dàng tìm bãi gởi xe rẻ tiền để từ đây xe bus bốc đưa về phi trường. Tôi gởi vali hành lý vì nó quá nặng, quá khó mang theo bên mình. Hành lý chỉ là những tập thơ tôi mới in. Nhất là lần in này, tôi làm bìa có vân nổi trên giấy láng. Nhan tựa của tập thơ mới nhất là Đá, lấy từ tựa một bài thơ hiện diện ở trong thi phẩm:
Em có bao giờ thấy một người nào chắn đạn ?
Em có bao giờ nhìn những khói đá bốc lên
Và những tia lửa hồng tức tối xẹt cuồng điên
khi trăm ngàn đầu đạn đâm vào thân thể đá ?
Và bây giờ anh cũng mong được làm phiến đá
Để chai lì với những bọt sủi niềm đau !

Đó là những gì tôi chỉ có thể có được trong đời sống hiện nay. Bạn bè thương tôi, cảm thông hoàn cảnh của tôi, tôi biết làm sao mà đền đáp. Chỉ có tập thơ này. Nó do chính tự tay tôi làm, từ đầu đến cuối, từ A đến Z. Nó hèn mọn lắm:

Xin tặng đời, một món quà hèn mọn
Tôi không biết lấy gì đền đáp chỉ thơ
Tôi đang ở tận cùng những mất mát tuổi già
Xin rộng lượng để bàn tay tôi khỏi vuột !

Sau gần bốn giờ bay, tôi đã được thở trong một cõi đất trời khác, thế giới khác. Những ngôi lầu, building, những con đường tấp nập xe cộ đã thay thế những hàng cây xanh, những con nai, hay những ngôi giáo đường … Người đón tôi ở phi trường là Bùi Huy tức là nhà thơ Tô Thẩm Huy. Vẫn là mái tóc bồng bềnh, dù kỳ này thấy anh mập hơn xưa. Cám ơn đất trời đã cho tôi có những bạn bè tốt. Và cảm tạ văn chương đã cho đời những tâm hồn đồng điệu. Quen biết là một sợi dây buộc hai người, nhưng với những kẻ mang giòng máu thơ văn, sợi dây ấy càng buộc chặt hơn…
Có phải ?
Tôi nói lên niềm mong mỏi lớn nhất của tôi trong kỳ về Houston này là được đến nhà quàn để nhìn nhà thơ Tô Thùy Yên một lần cuối. Tôi muốn cảm ơn anh, dù trong tình trạng bệnh hoạn trầm kha nhưng vẫn còn nhớ đến tôi, tặng tôi thi tập cuối đời của anh. Giòng chữ run rẩy trên trang đầu, chứng tỏ là anh phải rất khó khăn lắm mới cầm bút và viết..
Nhưng Huy cho biết, xác anh TTY chưa được tải về nhà quàn vì nhà quàn hết chỗ. Phải dời lại một tuần.

Việc dời lại này đã giúp Huy – người mà gia đình xem như là người nhà, và anh TTY xem như là một bào đệ, một người bạn tri kỷ về văn chương- mới được rảnh tay để “take care” toàn phần tôi trong hai ngày ở Houston.
Có lẽ có người cho việc dời ngày tang lễ hay ngày thăm viếng nhà quàn chỉ là một sự ngẫu nhiên tình cờ. Riêng tôi thì khác. Bởi chính tôi nhận được món quà vô hình vô giá này. Sự giao cảm giữa những thi sĩ thì lạ lùng lắm. Hình như họ bắt được mạch nhau. Đó là cái mạch mà đời thường không thể thấy hay cảm nhận nổi.

Gặp lại bằng hữu
Sau khi ghé nhà Huy để bỏ lại cái vali nặng trĩu Đá, Huy buổi trưa chở tôi đến nhà PVN để dùng cơm. Gặp lại bạn cũ. Gặp lại chị Nh. Gặp lại Tuyên, người mà chúng tôi xem là em gái, vui như chợ Tết. Tôi như thằng bị khóa miệng lâu năm, giờ mới được tự do. Nói cười thả dàn. Và ăn cũng thả dàn. Món gì cũng “double”. Dù răng chẳng còn một chiếc ! Nhất là món Bánh Canh mà PVN là đầu bếp. Tôi hỏi về cách nấu. Và PVN thì cặn kẻ dạy tôi. Hai phút bỏ trong Microwave. Một phút trụng nước sôi…Văn chương văn nghệ thi phú giờ này là gia chánh. Nghĩ lại, có lẽ không có một ai có cùng một hoàn cảnh giống nhau - rất giống nhau - như PVN và tôi… Cùng sinh vào tuổi ngựa. Cùng đi lính ở Bình Định. Cùng tốt nghiệp lò “khu Sáu” Qui Nhơn. Cùng lưu lạc ở Nha Trang, Tháp chàm... Cùng chủ trương tờ tạp chí “có một không hai” là TQBT suốt 18 năm nay. Cùng bị bệnh ở chân nên phải chống gậy. Cùng có vợ bị bệnh không thể di chuyển. Và bây giờ cùng trở thành nội tướng nấu ăn bất đắc dĩ. Chỉ có khác là bạn tôi đã trở thành ông cố. Còn tôi thì mới lên chức ông nội.
5 giờ chiều, anh chị Phan Xuân Sinh mở tiệc khoản đãi bạn bè. Có người đến từ VN như nhà thơ Từ Hoài Tấn. Có người mãi tận CA như họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Hay từ NJ là tôi. Hay từ Dallas như anh chị Trần Doãn Nho. Ở địa phương có anh Lương Thư Trung, CTT, PVN, TTH v.v.. Ngoài ra còn có một số bạn khác mà tôi quên mất tên. Tôi mang Đá ra tặng. Bởi tôi chỉ có bấy nhiêu đề làm quà cho bạn bè. Như nhà thơ Tô Thùy Yên, dù bệnh nặng, vẫn cố gượng viết vài giòng chữ tặng anh em. Hai người bạn tôi mong đợi là Lữ Quỳnh và Lữ Kiều không có mặt. Lí‎ do: họ không về kịp.

6 giờ chiều, bạn Huy làm tài xế chở tôi và PVN ra ngoại ô Houston để tôi tham dự một party “reunion” mà người tổ chức là cháu gái tôi. Tôi không thông báo việc tôi đến Houston. Tôi muốn cả đại gia đình có mặt phải ngạc nhiên về một ông chú bụi, chú hoang đàng, chú đãng tử, chú bất cần, chú đi lính dữ, chú viết văn làm thơ... Tưởng tượng hai ông anh ruột và hai bà chị dâu của tôi sẽ phải ngạc nhiên lắm lắm. Và cả nhà sẽ phải òa vỡ niềm vui đoàn tụ...
Vậy mà khi tôi xuất hiện trước những bàn tiệc đông đảo người, bi bô huyên thuyên cười nói múa tay múa chân nhưng chẳng ai buồn ngó hay quan tâm. Đến nỗi tôi phải chặn ông anh thứ hai, nhìn ổng và hỏi: Anh biết ai không ?

Trời ơi, tôi đã trở thành một con người khác rồi. 6 năm chăm sóc Y. đã làm tôi thay đổi đến thế sao ? Mỗi ngày phải nuốt vào bao nhiêu muối lệ. Và mỗi ngày cũng phải nhỏ ra bao nhiêu lệ muối. Mỗi ngày tôi đóng kịch, để trở thành người bạn đồng hành với người loạn trí. Hay là tôi cũng trở thành một lão gìa điên loạn cũng nên.

Các bạn ở Houston của tôi ơi. Từ lâu tôi chưa bao giờ soi gương, nhưng kỳ về này, tôi đã được soi gương để thấy rõ hơn về mình. Tôi vẫn bụi như thời trẻ. Ngay cả chụp hình với nữ họa sĩ Thanh Hằng, áo vẫn không hề  cài khuy trọn vẹn !
 Như  tấm hình dưới đây, chụp cách đây 6 năm, khi đưa bà xã viếng chùa cách nhà khoảng 2 tiếng đồng hồ:
Tuổi trẻ  áo banh  vào trận mạc
Tuổi già  banh áo  đẩy xe lăn !
 Nhìn xung quanh ai cũng quần áo chỉnh tề,  cung kính. nhìn mình thấy như môt tay du côn, xem chỗ tôn nghiêm không ra gì. Lại ưởn ngực, để người khác chụp hình mới anh chị chứ !
Không phải thế đâu !
Nếu kết tội thì kết tội  cái thói quen.
Cái thói quen từ  thời đánh giặc. Trong khi có kẻ gân cổ xem cái chết tựa lông hồng,  nhưng áo giáp thì che thân, áo bào che ngực, nón sắt che đầu còn  ta thì mũ rừng nhẹ hẩng, không áo giáp che mình, đưa bộ ngực lép ra mà hứng đầu tên mũi đạn trước hết vì là lính thám kích, khi gặp bạn thì mặc  bom dội pháo rền, rũ vào quán tiếp tục banh áo:

Chiến tranh thì vẫn là tranh chiến
Mặc. Kéo nhau vào quán chị Hai
Mặt trời đỏ ối trên vàm xáng
Banh áoNgâm bài thơ Cổ Lai

Hớp rượu cay cay chiều nhạt nhạt
Rừng lau trắng bạc dòng kinh xa
Ai ngồi đốt thuốc trên bờ xáng
Hay lính bộ binh quá nhớ nhà?

Cái thói quen banh áo, vì để hứng gió, cũng như vì ngứa ngáy mấy thứ phù vân trên người, muốn trần truồng, muốn kêu gào tự do muôn năm, muốn thơ phải nóng với rượu để cuồn cuộn chảy trong người… Không ngờ nó lại nằm trong máu thật, khổng chiu rời để bây giờ lại thêm một lần banh áo bên bạn ta, cũng như trong sân chùa  và bây giờ ‎bên cạnh vợ bạn mình thì chẳng lịch sự chút nào !
Chị TH, xin lỗi chị nhé.

Người tôi được soi gương thứ hai là Lê thị Hoài Niệm mà tôi xem là em gái. LTHN là độc giả của tạp chí TQBT từ số đầu tiên. Nhưng mãi sau 17 năm, tôi mới được cơ duyên gặp mặt. Thú thật tôi rất e dè trước phái nữ khi phải đứng ra ưởn ngực chụp hình, bởi hầu hết những cô những chị đều tỏ lòng thương hại, hay sụt sùi, hay kêu trời ơi sao anh Thư lại thảm vậy hà ! Nhưng với cô em gái tôi, ví tôi như một tiên ông đạo cốt - 4 chữ mà thật lòng tôi không hề dám nhận  bởi xét ra mình quá trần tục - đã làm tôi càng thấy mỗi giao cảm kỳ diệu của những tấm lòng văn chương với nhau. Chúng tôi có cái nhìn khác cái nhìn thường tình. Và cũng vì cái nhìn này nên  Houston có một ngày hội ngộ. Từ VN qua. từ CA  đến. Từ NJ về. Và những triền miên lai láng tình thân chảy từ ngày đầu đến ngày cuối. Nó  không phải là cái nhìn thương hại, mũi lòng. Dù hôm ấy, LTHN đã không ngừng bỏ vào cart trong một tiệm thực phẩm VN, hết đòn bánh ú này đến gói chã lụa khác, hết hộp bột nấu phở này đến hộp súp khác cho tôi, vì biết là ở chỗ tôi không có tiệm VN mà tôi rất cần để nấu ăn cho Y. Buổi trưa ở Houston nóng kinh khủng, vậy mà  tôi cảm thấy mát dịu lạ thường, vì bóng mát  tình bằng hữu văn chương đã rợp ngát cả lòng  tôi!
Còn nữa. Còn rất nhiều những người bạn quí để tôi phải nhớ mãi trong chuyến đi này. Bùi Huy thì lo cho tôi từng giây từng phút, và can đảm để nghe tôi nói, tôi kể, tôi đọc thơ suốt dọc đường đưa và đón... Lữ Kiều thì ngồi cạnh tôi, vẫn dáng dấp khoan hòa, thỉnh thoảng nói lên một vài ý‎ nghĩ về văn học nghệ thuật và sự trường cửu của nó. Nữ họa sĩ Thanh Hằng cũng vậy. Ít nói. Ít bàn. Chỉ lắng nghe. Chỉ nói với ông xã để Lữ Kiều cứ tấm tức nhắc nhở hoài một bài thơ trong Đá. Và Dung, hiền nội của Bùi Huy cũng vậy. Anh chị PXS đôi bạn không rời, luôn luôn có mặt. Rồi anh Lương Thư Trung, Lê Hoàng Viện, Trần Bang Thạch.. Họ đến. Và chỉ cần cái bắt tay thật chặt. Là đủ. 
Tuổi già chỉ cần bấy nhiêu. Phải vậy không ?

Trần Hoài Thư

Monday, August 19, 2019


                             Đá
                            Thơ: Trần Hoài Thư




Tập thơ Đá của anh đến với tôi trong buổi chiều mưa lất phất qua vườn nhưng không khí vẫn hầm hập hôi hổi nóng của ngày hè. 
Không hiểu vì tựa đề thơ hay bởi tôi vừa đọc xong bài anh viết trong chuyến về Houston với bằng hữu, những người bạn hơn nửa thế kỷ mới gặp lại, những vòng tay ôm, những bịn rịn vì thời gian quá ngắn để có thể nói cho hết những tình cảm chất chứa trong lòng.. có phải vì những điều đó mà khi đọc thơ của anh, trái tim tôi nặng trĩu nỗi buồn.
Mỗi người đều có một số phận, một định mệnh mà Thượng đế sắp sẵn, ta không được lựa chọn mà phải chấp nhận để chịu đựng và sống tiếp. Nhưng định mệnh Đá của anh sao cay nghiệt và chua xót quá. Đọc Đá của anh và tưởng tượng những nhọc nhằn khổ nạn mà anh phải gánh trên đôi vai gầy trơ xương đó, tôi không thể, không thể cầm được nước mắt. 
Khổ nạn đó, chỉ mình anh đơn độc , chỉ mình anh chịu đựng. 
Đi khắp thế gian nầy, có người chồng, người cha nào tận tuỵ hơn anh ? Nước mắt đã từng hàng vạn lần nuốt ngược vào trong, ngày chất chồng chỉ chực bung vỡ. 

Dù vậy, với anh..

“Tôi thấy cuộc đời hôm nay đẹp quá
Tôi thấy lòng tôi vô lượng vô chung..
Trong trái tim tôi có nhiều ngăn tủ
Có cả một  ngăn dành cho tháng Giêng..

Ngậm ngùi lắm khi đọc bài thơ “ Thơ của lão già sống một mình “

Xin tặng đời một món quà hèn mọn
Tôi không biết lấy gì đền đáp chỉ thơ
Tôi đang ở tận cùng những mất mát tuổi già
Xin rộng lượng để bàn tay tôi khỏi vuột”
...
Anh Thư. Lúc nào anh và chị cũng ở cạnh bên em, trong trái tim em.
Như ngày ấy và bây giờ. 

Wednesday, August 14, 2019

                      Tình Lỡ
                      Nhạc: Thanh Bình
                     Ca sĩ: Khánh Ly


Bao nhiêu thương nhớ rồi quên hết
Không còn nhớ nỗi một cái tên..

Câu thơ anh viết cho tôi trong lá thư , gửi từ một nơi xa xôi, trải qua bao đại dương xanh thẫm, bao núi đồi trùng điệp và nó dội trong lòng tôi như nghìn vết cắt..
Biết là không còn gì để nuối tiếc khi giở lại những ký ức về một mối tình thời tuổi trẻ. Cái thuở nghìn lần ngây thơ, trăm lần nông nỗi.. 
Mối tình ấy đã đánh dấu cả một khoảng thời gian tươi đẹp, hân hoan gió và hừng hực nắng.
 Mối tình nở trong thời chiến tranh và cũng tàn lụi khi cuộc chiến tàn. 

Có thật anh đã quên, ngay cả cái tên anh đã nghìn lần gọi ?
Tội nghiệp thay, trong trái tim già nua của anh bây giờ, không còn nhớ nỗi dù chỉ một cái tên.            

Tuesday, August 6, 2019




                         Thẻ bài ( ảnh KV)



Viết về một người tôi thương mến và kính trọng.
( Khôi Việt )

Hình như những cấp chỉ huy trực tiếp thoạt đầu đều không ưa tôi, nếu không nói là ghét và kiếm cách đì cho bõ ghét. Mục tiêu nào khó nhai thì thảy đại đội tôi vào. Có thể hồi trẻ tôi không biết cách nói năng sao cho phải đạo, cho dễ nghe, cộng thêm dáng điệu và mặt mũi lúc nào cũng có vẻ nghênh ngang bất cần đời. Nhưng đó chỉ là dáng vẻ mặt mũi thôi. Tôi lúc nào ăn mặc cũng đúng tác phong, tay áo xăn cao, quần gom ống, tóc hớt cao đàng hoàng.
Chắc có lẽ ông và cả bộ chỉ huy tiểu đoàn không có thiện cảm với tôi mấy, trong ngày tôi trình diện ông để nhận đại đội. Vì trước đó mấy tháng tôi bỏ đơn vị cũ, đưa đơn tố cáo tham nhũng lên Tổng thanh tra Quân Lực, và trình diện thiếu tướng Lữ Lan. Sau những cuộc điều tra của phái đoàn thanh tra, rất nhiều người bị bắt và vào tù.
Nên lúc đến bộ chỉ huy tiểu đoàn để nhận lệnh về nắm đại đội, tôi dễ dàng nhìn thấy sự e dè lạnh nhạt của nhiều người. Một người đi đưa đơn tố tham nhũng, chắc chắn là khó chơi rồi.
Ông và tôi nói chuyện khá lâu về khu vực hành quân, về những điều cần thiết về an ninh trong đại đội mà tôi sắp về làm đại đội trưởng.
Ông người Nam, sanh ở Trảng Bàng, giọng nói chậm, từ tốn, khuôn mặt xương xương khắc khổ. Tôi có cảm tình với ông ngay từ phút đầu. Trước khi thuyên chuyển về tiểu đoàn của ông, tôi biết ông là một người rất giỏi và can đảm hơn người, có nhiều kinh nghiệm chiến trường và rất tốt với binh sĩ dưới quyền.
Nhưng chắc ông hơi buồn vì khi nói chuyện đã xong, ông nói tôi qua câu lạc bộ uống vài chai với mấy sĩ quan của các ban trong bộ chỉ huy tiểu đoàn. Tôi cáo từ để lúc khác vì tôi cần về gặp binh sĩ của đại đội tôi cho sớm. Lúc đó cũng xế chiều.
Về sau ông có nhắc lại chuyện đó với tôi lúc có mặt đủ 4 đại đội trưởng: tao mời nó mà nó không thèm đi uống với tao một chai. Làm như tao có lính ma lính kiểng. Mặt nó lúc ấy "trầm trọng" thấy ghét lắm.
Tôi cũng cười và phân bua, lúc đó chiều rồi Thiếu Tá, phải về lo đơn vị mới chứ. Cần phải nói thêm một điều, ông rất trong sạch, sống giản dị, không có những chuyện lem nhem tiền bạc. Lúc nào cũng lo cho 4 thằng em (4 đại đội trưởng) và các binh sĩ dưới quyền.
Sau nhiều ngày tháng hành quân cùng nhau, sau nhiều lần đụng trận. Ông đã hiểu và gần tôi hơn.
Trong chiến tranh, ra vào, va chạm giữa sống chết chỉ cách nhau mỏng manh như sợi tóc, cái tình cảm thường gọi là tình đồng đội chỉ có những người đi chiến đấu cùng nhau mới hiểu được nó gắn bó và quan trọng như thế nào.
Đại đội của tôi và đại đội 4 nằm vòng đai bảo vệ bên ngoài, vòng bên trong là bộ chỉ huy tiểu đoàn cùng một trung đội Pháo Binh với hai cây đại bác 105mm. Trại nằm sát mật khu Bời Lời, nơi đây thường xuyên bị pháo bằng cối 82 và đôi khi bằng cả 85 sơn pháo. Loại này bắn rất nhanh, mới nghe tiếng départ là thấy cái "oành" rồi. Tuyến phòng thủ của đại đội tôi hướng mặt về phía mật khu Bời Lời, nên hay bị bắn sẻ, hoặc dính đạn pháo kích hơn tuyến phòng thủ của đại đội 4. Ngày hôm ấy, em ôm con bé Tiểu Quyên lên thăm thì đêm bị Việt cộng pháo kích bằng cối 82, tôi nhảy lên nóc hầm chỉ huy để quan sát hướng tác xạ của địch hầu hướng dẫn cho pháo binh phản pháo. Em tôi cũng lò mò leo lên theo, bỏ bé Quyên một mình trong căn hầm, vừa đứng đâu chừng 5 phút đã nghe liên tiếp tiếng départ của 85 sơn pháo. Một trái bắn trúng ngay dưới chân căn hầm của tôi,hai đứa vội vàng lôi nhau nhảy xuống đất, may không bị sao hết. Chạy vào trong hầm thấy con vẫn đang ngồi chơi tỉnh bơ trong chiếc xe đẩy, chẳng có vẻ gì quan tâm vì tiếng nổ cả. Em không sợ hãi gì còn cười rinh rích. Tuổi trẻ lạ thật, có thể cười nói giữa những sống chết sát một bên. Hay là khi có tình yêu, có nhau, thương chồng, nên người ta chẳng sợ gì chăng.
Chắc vậy, nên đã có rất nhiều người vợ thăm chồng ở những tiền đồn xa xôi, khi trại bị tấn công họ đã tiếp đạn, làm y tá "bất đắc dĩ" rất nhanh và khéo léo. Trong chiến tranh mới thấy người vợ lính can đảm chẳng sợ gì cái chết, đường vào các trại biên phòng thường là đường đất, đôi khi xuyên qua những cánh rừng, nên hay bị gài mìn, nhưng các bà mẹ hoặc vợ lính vẫn thường xuyên ngồi vắt vẻo trên xe lôi đến với chồng và con của họ.
Rạng sáng hôm ấy, đại đội tôi ba lô súng đạn rời căn cứ để "bắt tay" với đại đội 1 của trung uý Hiệp đóng tại căn cứ Trung Hưng, cách tôi khoảng chừng 3 cây số sau đó sẽ cùng nhau đi phối hợp hành quân lục soát tại mục tiêu là một cánh rừng chồi nhỏ, . Nhìn trên bản đồ thấy có vẻ dễ ăn, nhưng khi Hiệp vừa cho đại đội của nó tản ra bám vào bìa rừng chồi để đợi đại đội của tôi tới thì bị bọn Việt cộng nằm phục kích hồi nào trong khu rừng bắn như mưa. Từ bộ chỉ huy tiểu đoàn, Thiếu tá Duy gọi cho tôi với giọng như lửa đốt:
- 65 (tên nguỵ thoại của tôi trên máy truyền tin) đây Bạch Mai, mày đi tới đâu, lên cho lẹ bắt tay với thằng Hồng Hà (Hiệp) con cái nó đi phép nhiều lắm rồi.
-Tôi có nghe trên máy mà , sẽ đi cặp bên trái con lộ, thằng Hồng Hà giờ đang nằm trước tôi bên phải con lộ. Tôi sẽ đánh ngang hông bọn ve chai (VC) Con cái tôi đang cách thằng Hồng Hà khoảng một cây số nữa.
- Khi nào mày tới gần nó, tản ra bố trí đợi tao.
- Bây giờ Bạch Mai (tên nguỵ thoại truyền tin của thiếu tá Duy) cho gà cồ gáy hiệu quả mấy cái hoả tập tiên liệu trước đi đã. Nó đánh thằng Hồng Hà sáng sớm như vầy phải coi chừng nó chặn mình đó Bạch Mai.
Không thể tiến quân nhanh hơn theo ý của Bạch Mai được, vì linh tính và cảm nhận chiến trường cho tôi thấy có một cái gì không bình thường phía trước. Bây giờ tôi chỉ cách điểm giao tranh chưa đến một cây số, địa thế chỉ là một rừng chồi xen lẫn cỏ Tranh trống trải và cây Mua chỉ lưa thưa ngang bụng, địch quân có mù cũng thấy đại đội tôi đang cặp trái con lộ đất tiến lên, nhưng không thấy có dấu hiệu bắn chặn hoặc pháo kích chúng tôi bằng súng cối. Như vậy phía trước đã có một cái bẫy đã dăng sẵn.
Giờ đã rất gần đại đội 1, nghe tiếng AK, B40 nổ tự nhiên thưa thớt dần, Hiệp gọi tôi, giọng nói của nó giờ cũng có vẻ bực bội khi thấy tôi không đến nhanh như mong muốn.
Nhưng tôi vẫn không vội vã, dừng quân lại quan sát bố trí, cho pháo binh bắn dọn đường vài toạ độ nghi ngờ để dễ dàng bắn hiệu quả khi cần.
Lệnh cho chuẩn bị lựu đạn, M72 sẵn sàng vì bọn chúng có thể từ dưới đất nhảy lên chơi mình.
Chỉ còn cách thằng Hồng Hà chừng 300 mét. Bằng mắt thường tôi cũng thấy những người lính bị thương hoặc có thể đã chết nằm rải rác trên con lộ.
Bạch Mai gọi tôi: mày nắm được thằng Hồng Hà chưa?
-Trình Bạch Mai, chưa, nhưng tôi gần sờ được áo nó rồi. Thấy rõ mấy thằng em đi phép nằm trên đường.
-Mày bung con cái ra đợi tao ở đó. ĐM, đánh giặc gì mà rờ rờ như c...
Tôi nghe ông chửi nhưng không cảm thấy giận. Bình thường ông rất quan tâm lo lắng khi thấy binh sĩ trong tiểu đoàn bị thương hoặc chết khi đụng trận, và phải cứu ra bằng bất cứ giá nào.
Có một cái gì bất thường trong cách nói chuyện nóng nảy rất lạ ngày hôm nay của ông. Với tôi, ông là một cấp chỉ huy giỏi, điềm tĩnh không nóng nảy, nhiều kinh nghiệm chiến trường,. Nhưng ông có một điểm yếu là rất thương yêu đơn vị của ông đến quên thân mình. Các đại đội thường đóng quân rải rác, nhưng khi có chuyện là ông bằng mọi cách để đến nơi cho bằng được.
Tôi bốc máy gọi ông, nhưng người trực máy hậu cứ nói ông đã lên xe Jeep của ông cùng trung đội thám báo tháp tùng đi rồi. Mày gọi Bạch Mai, phải ngừng xe trên đường ngay chỗ tao nằm đợi, tao nghĩ là nó sẽ phục kích đó. Tao vào tần số hành quân gọi ổng không được.
Vừa nói xong ít phút sau nghe tiếng xe chạy ào ào trên đường phía sau, nhìn về con lộ thấy xe Jeep của ông chạy vụt qua, theo sau là chiếc xe Dodge chở tiểu đội Thám Báo, tôi không nghĩ đến chuyện gọi máy nữa, chạy như điên khùng ra đứng hoa chân múa tay kêu dừng lại nhưng vô hiệu. Đúng như tôi đã lo ngại. Xe ông chạy thêm chừng 300 mét là bên trái đường tiếng B40, trung liên nồi bắn ra như mưa bấc. Chiếc xe Dodge bị trúng B40 nằm quay ngang trên đường, tôi cùng đại đội chạy tới, tuyệt vọng nhìn thấy đằng xa trước mặt, những bóng người với quần áo xanh lá cây đang phóng ra khỏi hầm hố nguỵ trang bên đường, và ông hơi loạng choạng, hình như đã bị thương, vẫn một mình xông lên với khẩu M16.
Nhưng rồi ông đã trúng đạn, ngã quị trên đường, và chúng nó chạy tới bu quanh ông, sau mới biết là chúng cắt mất 2 bông hoa mai cấp bậc của ông, chắc để báo cáo đã diệt được một thiếu tá "nguỵ".
Cả đại đội chạy hết tốc lực xung phong lên, chưa bao giờ tôi thấy những người đồng đội của tôi lại chiến đấu dũng cảm như ngày hôm ấy.
Xong trận. Bọn chúng bỏ chạy khỏi cánh rừng cây Mua, bỏ lại nhiều xác chết nằm thẳng cẳng. Chúng tôi đã thắng trận, nhưng mất đi một cấp chỉ huy dũng cảm, tận tuỵ hết lòng với đơn vị.
Tuy chết vì bị trúng đạn rất nhiều, nhưng ông nằm nghiêng như đang ngủ, khuôn mặt thoải mái bình yên. Tôi đã ngồi bên cạnh ông cho tới khi xe tải thương đến.

Và tôi khóc.
Đó là tiểu đoàn trưởng của tôi. Cố trung tá Bùi Văn Duy.
Vẫn thương nhớ anh đến giờ. Anh Duy ạ.
(Nguyễn Khôi Việt)

Góc của T. Tôi vẫn nhớ mầu nắng của thị trấn đó, những chuyến xe lam chở khách, xe thổ mộ lắc lư lóc cóc trên con đường đầy bụi, Vẫn, trong ký ức của tôi, tiền đồn nằm chênh vênh heo hút. Chúng tôi thường leo lên nóc hầm đá xanh nhìn phía xa xa khu rừng thưa thớt cây. T phía đó, Việt công pháo kích vào tiền đồn hằng đêm. 
Những bụi  Chùm bao leo rải rác trên hầm đá, xanh tươi mơn mởn như không hề biết chiến tranh đang hàng giờ rình rập.
Thú vui của tôi , lúc ấy, nhẩn nha nhấm nháp vị ngòn ngọt chua chua của trái chùm bao.Những tiền đồn nơi anh đóng quân như căn nhà thứ hai của tôi. Những người lính trẻ, trở về đồn sau đêm đi kích, họ cười nói ồn ào  hấp háy mắt đỏ bơ phờ mệt mỏi. Họ vẫn lạc quan dù hằng ngày đối diện với cái chết cận kề..Ôi , những ngươì lính trẻ của chúng tôi..
Tôi yêu họ xiết bao!!!
Đoạn hồi ký của anh về  vị tiểđoàn trưởng mà anh yêu quí làm tôi muốn khóc, dù đã bao nhiêu năm trôi qua. Có ai còn nhớ tới ông ? Có còn nhớ, chính tại nơi đó, máu và nước mắt đã trộn chan hòa theo dòng máu đỏ thấm lặng lẽ trên từng vuông đất, cho đất hồi sinh.
" Ngươì lính già không bao giờ chết. Họ chỉ mờ nhạt đi thôi " (*)
(*)The old soldier never die, they only fade away.