Sunday, July 29, 2018

                     thiếu nữ 
                   ( vẽ bởi  Họa sĩ Nguyễn Nhân )



Hoàng Anh Tuấn Và Bài Thơ Còn Lại
(Bùi Bảo Trúc)
Có một bài thơ của Hoàng Anh Tuấn nhiều người đọc qua chỉ một lần rồi cứ nhớ mãi. Bài thơ ấy nhan đề Bài Thơ Còn Lại, vẫn ở lại, với một số người, cho mãi đến tận ngày hôm nay, nhất là mấy câu ở gần cuối...

Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
Mắt vương tơ của những phút học bài
Tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn.

Trong bốn câu trên, tôi thích nhất câu : có đi qua xin em đừng đánh phấn. Câu ấy như một lời dặn dò, như một khẩn cầu với những bước chân đang đi qua. Dặn dò hãy đừng son phấn. Hãy cứ để nguyên như thế. Hãy cứ học trò, hãy cứ hồn nhiên và hãy cứ mười sáu tuổi, hãy cứ tuổi trẻ, hãy cứ ngây thơ mới lớn. Bài thơ này Hoàng Anh Tuấn viết vào thời điểm nào thì không rõ vì ông không có thói quen ghi ngày tháng ở cuối những bài thơ của ông, nhưng nguời ta có thể đoán nó được viết trong khoảng thời gian ông ở Pháp, những năm của thập niên 50. Bài thơ tám chữ có thứ ngôn ngữ ông dùng trong những năm cuối của thập niên 50 như người ta có thể tìm thấy trong những bài thơ khác ông viết trong thời gian này.

Chúng ta hay nói, hay nghĩ và viết, hay hoài niệm về những gì không còn ở với chúng ta nữa.
Hoàng Anh Tuấn rời Việt Nam đi học ở xa năm 17 tuổi.

... Giã từ em, mười bẩy tuổi một lần
Thu rất mỏng , mưa hững hờ đẫm lá ...

Ở một thành phố chói lọi ánh sáng , trên những chuyến métro, trên những chiếc lá vàng Jacques Prévert, ở cầu Mirabeau của Apollinaire, nơi đại lộ Saint Michel, nơi tả ngạn, ở cái quán cà phê ...Hoàng Anh Tuấn vẫn nhớ lại những bước chân mềm, mái tóc rối mưa ngâu, tiếng guốc ròn rã, bức thư tình viết không bao giờ dám gửi...

Tay vụng quá nên thư không viết nổi
Mực trong bình như cẩm thạch ngẩn ngơ
Giấy trắng tinh đem bóc nhẹ từng tờ
Tầu bay giấy ngập ngừng bay ra cửa...

Bài thơ là một lời tỏ tình thuần khiết trong sạch nhất gửi cho mối tình đầu và cho tuổi trẻ đã không còn.
Trong bài thơ, Hoàng Anh Tuấn nắm tay thời gian giữ lại. Ông không muốn mối tình ấy son phấn, trang điểm. Ông không muốn làm mất đi tuổi thơ, những lúc đánh chuyền, nụ cười xinh cam thảo, ván giải gianh, bàn tay vơ nắm sỏi ... Hình ảnh giữ lại phải là nguyên bài thơ bé nhỏ, bài thơ cũ như cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi...

Em đi ngang nhịp bước có lạnh lùng
Mà sao vẫn y nguyên bài thơ cũ
Vẫn lặng lẽ để anh nghe vừa đủ
Vẫn thờ ơ cho rủ hết màn the
Vẫn mỉm cười rồi vẫn lấy tay che
Cho cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi...

Bài thơ tám chữ, hình thức diễn tả mà Hoàng Anh Tuấn dùng khá nhiều trong thơ của ông là những hình ảnh còn lại mãi trong trí của ông ở những nơi đã rất xa. Mối tình mười sáu tuổi không còn nữa. Thời gian ngủ kỹ giữ lại mãi hình ảnh của mối tình xưa cũ trước khi những nỗi lòng vỡ vụn và những gió mưa của đời sống kéo đến mà cả hai đều muốn dấu đi.

Hoàng Anh Tuấn đã tạo được cho ông một không khí mới với thứ ngôn ngữ ông dùng. Mà ngôn ngữ thơ ấy cũng không phải là những khám phá mới mẻ, phá phách như những nhà thơ cùng thời với ông. Bằng những chữ nghĩa rất quen thuộc, ông cho chúng những đời sống mới để chúng đẹp lên một cách lạ thường như vẻ đẹp không son phấn trong Bài Thơ Còn Lại.

Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7 tháng 5 năm 1932 ở Hà Nội. Ông đi Pháp học trong những năm 1950 và về nước năm 1958.

Ông là một lãng tử theo đúng nghĩa đẹp nhất của chữ lãng tử. Ở một thời đại khác, Hoàng Anh Tuấn chắc phải là người ôm đàn đến giữa đời như trong lời của một ca khúc tiền chiến.

Hoàng Anh Tuấn làm thơ rất nhiều, nhưng ông lại không bao giờ nghĩ đến việc in những bài thơ ấy thành một tập. Ông nói với bạn bè rằng thơ của ông ai thích thì đọc, thì thuộc. Những bài thơ ở trong tim người đọc mới quí, quí còn hơn trên những trang giấy. Mãi đến năm 2005, gia đình ông mới gom lại được một số và in thành tập thơ nhan đề Yêu Em, Hà Nội Và Những Bài Thơ Khác. Hoàng Anh Tuấn mất ngày 1 tháng 9 năm 2006 hưởng thọ 75 tuổi.

Bài Thơ Còn Lại, như tựa đề của nó, sẽ còn lại mãi với văn học Việt Nam. Nó sẽ không bao giờ là :
Bài thơ héo như hoa khô rời rã
Nép âm thầm trong trang sách bỏ quên.

 Bài Thơ Còn Lại

(Hoàng Anh Tuấn)


Bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót
E nắng buồn làm rối tóc mưa ngâu
Em tìm anh nước uốn nhịp ven cầu
Năm tháng cũ rợn tình xưa tỉnh thức
Em vẫn bé, anh vẫn còn ngây ngất
Màu áo hường còn gợn sóng âm thanh
Mắt thuyền qua nên nón vẫn nghiêng vành
Chân cuống quýt nên guốc ròn gõ cửa
Anh mở vội cả nghìn lần hớn hở
Cho hồn nhiên, mắc cở với hoài nghi
Em cúi đầu và lặng lẽ bước đi
Từ hôm ấy cửa nhà anh bỏ ngỏ
Bước rất nhẹ như hường qua sắc đỏ
Như màu trời len lén bước vào xanh
Như thời gian vò nát lá thư tình
Bước rất nhẹ như vẫn còn đứng lại
Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái
Như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh
Như chưa lần nào em nói: yêu anh
Như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ
Bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
Như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
Em có về ăn cưới những vì sao
Ðể chân bước trên giòng sông loáng bạc
Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc
Yêu một người mà cảm thấy mênh mông
Em đi ngang nhịp bước có lạnh lùng
Mà sao vẫn y nguyên bài thơ cũ?
Vẫn lặng lẽ để anh nghe vừa đủ
Vẫn thờ ơ cho rủ hết màn the
Vẫn mỉm cười rồi vẫn lấy tay che
Cho cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi
Tay vụng quá nên thư không viết nổi
Mực trong bình như cẩm thạch ngẩn ngơ
Giấy trắng tinh đem bóc nhẹ từng tờ
Tầu bay giấy ngượng ngùng bay ra cửa!
Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ
Anh còn nguyên là một kẻ yêu em
Em đi ngang xin ráng bước cho êm
Ðừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ
Ðừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa?
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ
Ðừng nói trước để anh buồn vơ vẩn
Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
Mắt vương tơ của những phút học bài
Tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn
Em dấu đi những nỗi lòng vỡ rạn
Anh cũng thề dấu hết gió mưa đi
Bao nhiêu ánh đèn rũ rượi tái tê
Những ngõ vắng, tối tăm anh dấu hết.


(Viết từ Bùi Bảo Trúc )

Thursday, July 26, 2018



                              Trả lại em yêu
                               Nhạc : Phạm Duy
                               Ca sĩ : Thái Thanh


Sài Gòn...một thời.

Có người bạn viết trong comment của anh ta: Các bạn trẻ ngày nay chắc chắn không biết Sài Gòn Thứ Bảy ngày xưa ra sao đâu. Câu nói này chợt gợi ra trong tôi bao nhiêu là kỷ niệm.
Khoảng chừng 3 giờ chiều. Khi mây trắng, mây xanh trở về thành phố, khi gió chiều bắt đầu thổi mát trên các đường phố chính như Tự Do, Nguyễn Huệ, Pasteur. Những quán kem nhìn ra vỉa hè như Mai Hương, Phương Lan, Cafeteria ( hình như khai trương năm 70, 71 không nhớ rõ, trong quán là một là một hình ảnh rừng Thu rất đẹp chung quanh tường) trên đường Lê Lợi (bây giờ không biết bị đổi tên là gì?) đông nghẹt người ngồi ăn kem ,đồng thời để "rửa mắt" dõi theo những giai nhân thả bộ theo hè phố . Có thể thấy khá nhiều sinh viên sĩ quan Thủ Đức, hoặc Không Quân trang trọng trong những bộ đồ phép bên cạnh người yêu. Không phải ngẫu nhiên mà có câu "gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè, và gió hôn tóc thề..." Sài Gòn về chiều rất mát mẻ, đôi khi lạnh vào buổi tối vì gió dưới bến Bạch Đằng thổi lên. Tiếng mời chào từ những người bán hàng, tiếng nhạc vọng ra từ các cửa hiệu hai bên đường. Âm thanh, tiếng hát đó không bao giờ có thể quên. Đường phố nhiều khi đông người, nhưng bình yên, ít khi có nạn giựt đồ cướp bóc như sau này. Ngay cả khi bạn dạo phố vào ban đêm
Về Sài Gòn dạo chơi chiều thứ Bảy với người yêu là một sự hanh phúc rất thi vị. Ngoài con đường Duy Tân cây dài bóng mát mà hầu như ai trong chúng ta cũng biết trong Trả lại em yêu của Phạm Duy, còn có đường Nguyễn Du đầy lá Me bay. Nơi chốn rất bình yên, đẹp đẽ và lãng mạn để bạn có thể "ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới" như lời thơ của thầy Thanh Tâm Tuyền. Nhưng nếu vắng nàng thì ta giả bộ làm "người hùng cô đơn" đi ngắm hạnh phúc của thiên hạ. Hoặc tìm một bóng hồng nào cũng cô đơn như mình. Đêm xuống thì đã có những nơi rất xứng đáng để vào. Đêm Màu Hồng nghe Duy Trác, Sĩ Phú, ban tam ca Đông Phương, Queen Bee với Lệ Thu, đôi khi có Carol Kim, phòng trà Tự Do nghe Khánh Ly hát, Chez Jo Marcel, vủ trường Olympia, hoặc hội quán Tre nơi có Lê Uyên và Phương tha thiết với "Vũng Lầy của chúng ta" hoặc "Uống nước bên bờ suối. . Nếu muốn đánh dấu một ngày về thăm bằng bữa ăn tối trịnh trọng với người yêu thì vào nhà hàng La Cave (cái Hầm) nơi có những món ăn Pháp rất đặc biệt, với những người hầu bàn vô cùng lịch sự và chu đáo.
Và cứ thế. Sài Gòn êm đềm trôi. Tới ngày 30-4-1975 thì chấm dứt. Tổ Quốc sang một trang đầy đau khổ nhục nhằn.
( Khôi Việt )

Monday, July 23, 2018

                           Nghìn trùng xa cách
                           Nhạc : Phạm Duy
                           Ca sĩ : Thái Thanh


Bạn tôi.
Từ tấm hình đen trắng bạn ngồi bên cạnh người ấy, buổi chiều muộn màng như bức tranh sắp phủ đầy bóng tối.
Một chút hoàng hôn bâng khuâng rót qua khe cửa. Mái tóc che nửa gương mặt khi bạn cúi xuống. Hình như trên đôi vai gầy guộc kia đã gánh đủ những buồn phiền, nỗi chịu đựng lẫn bất lực. Hình như bạn đang dấu những giọt nước mắt lặng lẽ. Bức hình đen trắng đó mở ra và cũng cùng lúc khép lại “Khúc tình của hai người” 
Nó là một trong những chuyện tình ở đời thường, có hạnh phúc và đau khổ, có hạnh ngộ và chia xa. Và như tất cả những buồn vui trải qua trong đời sống của chúng ta, rồi ngày nào đó, như lẽ tất yếu, chúng ta phải lìa nhau. 
Làm sao biết được, ta sẽ đi vào lúc nào, bằng cách nào và điều gì chờ đợi chúng ta ở cõi trùng trùng mênh mông kia ?
“ Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi ..còn gì đâu nữa mà khóc với cười ..” 
Mỗi khi nghe câu hát ấy mình lại nhớ ngày xưa. Bao lần chia tay là bấy nhiêu lần biết sẽ nghìn trùng xa, cứ muốn níu những hạnh phúc đang trong tầm tay, sợ khi buông rời sẽ không còn thấy nhau lần nữa .. Và thật đau đớn khi đột ngột phải lìa nhau mà chưa kịp hiểu tại sao ..
Ngay cả bây giờ, khi nghe lại bài hát ấy, trong lòng mình vẫn man mác cái cảm giác mất mát đó, dù, những mất mát về tình yêu trong chiến tranh ngày ấy đã lùi quá xa vào dĩ vãng ..
Nghìn trùng xa cách
Đời đứt ngang rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người mang theo toàn vẹn thương yêu ..

Tình yêu, dù thời nào, tuổi nào lấp lánh trong không gian ấy cũng đầy ắp kỷ niệm buồn vui lẫn cay đắng mà khi nhớ về, nó luôn đọng lại trong ký ức của chúng ta vô vàn tiếc nuối dù đôi khi, kỷ niệm còn lại chỉ là nhánh hoa khô, chiếc lá gẫy hay tờ thư cũ ..
Nghìn trùng xa cách
Đời đứt ngang rồi
Còn gì đâu nữa 
Mà giữ cho người ..
Và, bạn tôi. Mình còn giữ được chút gì cho nhau khi hoàng hôn đời người đã chấp chới ngoài kia ?
Chẳng còn gì để giữ lại cho nhau
khi những kỷ niệm xanh xao 
đã chìm miệt mài theo ký ức
Một chút tình thơ dại
vội tan theo ngày vụn vỡ
Khúc tình riêng của hai người
như trái  hạnh phúc nở trên cây sầu đông ngày buốt giá
Chưa kịp ngọt đầu môi đã vội lìa nhau
...
Nghìn trùng xa cách
Người đã đi rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người 
Còn lời trăn trối ...

Bạn .. Hãy đi tiếp, sống tiếp dù ngoài kia, nhánh đời đã trổ ngọn đìu hiu ... ( nt)

Saturday, July 14, 2018



                         đã từng..( ảnh Khôi Việt )



Khúc tình của hai người.

( một)
 Cuối cùng, em đã đến ...
Trong buổi chiều nhập nhoạng tối, anh mơ hồ thấy em ngồi cạnh anh, gương mặt cúi  xuống, bóng tối phủ đầy trong đôi mắt em có một chút đau đớn lẫn thê thiết. Có phải em đang nhìn anh? Có phải từ khoé mắt kia sắp tràn những giọt lệ nóng.
Lúc ấy, Anh thật sự, khao khát muốn nắm tay em, muốn xiết những ngón tay xanh xao đó, xiết chặt trong bàn tay già nua của mình.
Bàn tay quấn quít bàn tay, như ngày xưa ..
Ngày xưa .. Sao bây giờ, anh chỉ toàn nhớ những chuyện ngày xưa, tuồng như, sau những vật vã biến chứng của bịnh tật, mọi trí nhớ bình thường của con người đã rời khỏi anh, duy chỉ mảng ký ức về em thì lại luôn vá víu, bám chặt mỗi khi anh tỉnh lại. Dù chỉ đôi khoảng khắc sau cơn mê muội bởi thuốc, anh lại thấy em, rõ mồn một, gần gũi mồn một như mùi hương tóc bồ kết ngọt ngào ấm trên vai anh, ngày xưa, xưa lắm .. thuở anh và em thời mới lớn cùng nắm tay bước vào thế giới tên- gọi - tình - đầu .
Anh tin. Em à. Anh tin rằng, mối tình đầu ấy mãi mãi bất diệt trong trái tim son trẻ của chúng ta . 
Hình như có gì đó vừa lăn trên gò má nhăn nheo của anh. Nó là gì nhỉ. Những sợi tóc ? Những giọt nước mắt tình nhân? Anh không biết, em ơi. Anh thật khao khát được ôm gương mặt yêu dấu kia áp sâu vào ngực của mình, được nói trăm lời thương nghìn lời yêu .
Nhưng .. thân thể tàn tạ nầy hình như không còn thuộc về anh nữa.
Mặc anh khẩn cầu gào khóc, mỗi ngày anh thấm thía từng phần từng khúc đang giãy giụa đành đoạn lìa bỏ anh ..
Em có hiểu không? Mỗi khi sắp rơi vào hôn mê, anh lại thấy thế giới bên kia mỗi ngày mỗi gần gũi hơn, nó tha thiết thúc giục đến nỗi, anh thấy mình hăm hở bước tới, anh không muốn tiếp tục sống trong chịu đựng đau đớn, đau đớn không chỉ riêng anh mà còn các con của anh. Đôi khi anh sợ hãi, tự hỏi. Mình sẽ chết như thế nào? Cơn đau sẽ kéo dài bao lâu và điều gì đang chờ đợi anh phía bên kia cánh cửa? 
Nhưng ngay cả những lúc ấy, trái tim anh lại khao khát sống, bởi, anh chưa bao giờ bù đắp cho em dù chỉ một giờ, một ngày hạnh phúc.
Thật khốn nạn, thân anh.
Cuộc tình của  chúng ta buồn quá phải không em ?
Chúng ta, từ bữa em tiễn anh về thành phố, đã qua bao nhiêu năm, em còn nhớ không ?
Có phải hơn nửa thế kỷ anh và em dù đã lìa nhau nhưng trong tận cùng sâu thẳm của trái tim, vẫn có một khoang nhớ bồi hồi mở ra mỗi ngày khi ta nghĩ về nhau.
Đau đớn quá, phải không em? Mà cũng tội nghiệp cho em nữa.
Không ai trách ai tại sao chúng ta phải chia tay. Chúng ta không thể quyết định và chọn lựa cho cuộc sống của  chính mình bởi hồi ấy chúng ta còn quá trẻ, quá trẻ để có thể can đảm đương đầu với những va chạm khắc nghiệt thực tế mà cuộc đời mang lại. Và chính tuổi trẻ nông nỗi, những quyết định buông xuôi đã đẩy anh và em đi về hai phía. 
Phía nào, với anh, với em cũng ngập ngụa nước mắt, cũng trùng trùng dang dở.
Mình có hối hận về điều đó không em? Có, anh nghĩ là, rất nhiều lần mình ước ao trở lại từ đầu, làm lại từ đầu, hoặc chắp nối lại đoạn đời dang dở, nhưng, cũng như thời tuổi trẻ, chúng ta luôn đứng ở ngã ba đường, lo sợ, phân vân, mệt mỏi và quan trọng hơn, khi đến chừng ấy tuổi, ta sợ làm gánh nặng đời nhau 
( hay tình yêu của chúng ta đến chừng tuổi nầy đã cùn mòn mọi cảm xúc? Và nhu cầu có nhau đã chìm dần mất hút dưới lớp sơn phết thời gian ? )
Anh không còn bao nhiêu thời gian để có thể, nhìn ngắm em sau tròng mắt mờ đục, dùng chữ nhìn ngắm chỉ là cách ví von, em biết không, vì em ở đó, gần lắm bên anh mà sao với anh, xa vời vợi xa ..
Em à. Có phải ngoài kia là hoàng hôn không em? Em hỏi sao anh biết . Anh nghe tiếng động của nó, hoàng hôn ấy, chậm rãi ung dung mà cũng rất đáng sợ, vì bao giờ sau cái tiếng động ấy, anh bắt đầu rơi vào hôn mê. Không, không phải hôn mê mà là bóng của đêm tối. Nó đặc quánh, không hình thù nhưng rất nặng nề. Thường, nó như khối sắt khổng lồ đè ngấu nghiến trên ngực như hút từng hơi thở của anh, và sau đó, mọi thứ đều thình lình  tăm tối.
Cũng không có gì gọi là đáng sợ đâu em. Chỉ sợ là anh không tỉnh dậy nữa, và làm sao anh biết, em còn nắm tay anh và đâu đó tiếng em  thở dài lẫn trong tiếng khóc ..
Em à. Anh muốn nghe lại câu hát. Hát cho anh nghe đi em. 
Làm ơn .. Bài gì, hả em?
...
Anh yêu em  
như rừng yêu thú dữ
Anh yêu em
 như từng cây với gió
Anh vẫn biết yêu em là tuyệt vọng ..

Tuyệt vọng. Cuối đời anh mới hiểu và thấm thía vô cùng hai  chữ " tuyệt vọng " 
Và cuối đời anh mới nhận ra .. cuộc sống nầy chỉ là phù du. Phù du. 
Ngay cả trong tình yêu !!!

(hai)
Cuối cùng, em đã gặp anh. 
Em không thể tin, cái thân xác tàn tạ khô héo kia là anh , 
Chúng ta đã đi trên ngững con đường khác nhau, có bắt đầu,có kết thúc, hai cuộc đi khác nhau không cùng điểm hẹn, chỉ một điểm chung duy nhất. Trái tim chúng ta từ giây phút đầu tiên đã thuộc về nhau.
Chính điều đó đã giữ em gượng đứng lên, đi và sống tiếp.
Em vẫn nuôi hy vọng, sẽ gặp lại anh một lần nào đó. Gặp, dù thoáng qua để biết chúng ta vẫn còn tồn tại. Đôi lần em đi ngang qua căn nhà của anh. Căn nhà có giàn hoa tigon phớt hồng môi thiếu nữ. Chỗ bệ cửa những khuya anh chờ em, nó vẫn đó, có già nua hơn chút, bệ rạc hơn chút, nhưng nó vẫn sống đđá vữa hồn nhiên, mỗi ngày đón nắng gió.
Thỉnh thoảng, em thấy má của anh ngồi trong chiếc ghế nhựa sợi xanh đỏ, bà phe phẩy quạt khươi chút gió  trưa. Thời gian sau mỗi ngày nhìn bà già hơn, cm rọm hơn. Em không còn cảm giác ghét bà nữa, chỉ là một chút ấm ức lần anh đưa em về,trong tia mắt của bà, em thấy sự khó chịu và ghẻ lạnh. Chính điều đó là bức tường đá khủng khiếp đã ngăn cách anh và em, em không thể vượt qua, và chính anh cũng không thể. 
Tuổi thơ và tình yêu đầu đời của chúng ta thuở ấy, duy nhất chỉ một con đường đầy hương thơm từ những đoá hoa tinh khiết . Không trộn lẫn nghi ngại. Không xào nấu lo âu ..chỉ khi chúng ta lớn lên, chúng ta, đã bước hụt vào một trong trăm nghìn ngả rẽ đời sống.
Nhưng, khi bước vào đời và vấp ngã bởi thực tế chúng ta mới nhận ra rằng. Nếu chúng ta cứ chăm chăm ôm lấy cái bóng của quá khứ thì suốt đời chỉ nhận được trái đắng của đau khổ mà thôi. Cuộc tình ấy, quá khứ ấy không phải là vết thương không thể hàn gắn nhưng từ ngày ấy, nó đã rơi vào vết lõm thời gian. Và ở đó. Anh ạ. Vĩnh viễn. 
Nói cho em nghe. Anh có bao giờ, thật sự hiểu rõ ràng tường tận tiếng nói từ trái tim? 

(ba)
Rồi cuối cùng cũng kết thúc một đời người, một chuyến đi. Dù biết, sớm hay muộn điều đó sẽ xảy ra. Em sẽ mất anh như đã mất từ nhiều năm về trước ..
Dù vậy, trái tim em lần nữa, như vỡ tan từng mảnh. Kiệt quệ. Đau đớn.
Ôi, trái tim già nua tội nghiệp của em, nó đã sớm tật nguyền từ khi còn rất trẻ ..
Không còn giọt nước mắt nào để em tiễn anh. Nó đã, trôi ngược vào tim chan hoà trong da thịt. Nó gậm nhấm từng tế bào, từng mạch máu làm run rẩy tận cùng chân tóc. Làm sao em có thể nói, với anh, em yêu anh biết bao nhiêu ..
Khi nghĩ đến anh, em biết rằng, đâu đó, em vẫn còn có anh, thở chung một bầu trời, gửi cho nhau những nỗi nhớ dù xa xôi thầm lặng nhưng vô cùng gần gũi.. Cảm giác ấy em còn có thể sờ mó được, còn nếm được, còn bồi hồi, còn run rẩy... 
Nhưng, bây giờ...
Khi bước qua cánh cửa của đời sống khác, anh có bình an không anh ? 
Em nghĩ là có bởi anh đã bỏ lại trần gian những đau đớn bởi bịnh tật triền miên. Và dù sự giải thoát nào cũng phải đánh đỗi bởi vô vàn nuối tiếc nhưng ít ra, anh đã ngừng lại trong khi em vẫn phải đi tiếp, sống tiếp cuộc đời khốn khổ ở thế gian nầy. Gánh nặng nầy, từ nay, đâu còn ai để chia xẻ cùng em, dù chỉ là lời than thở và cái nắm tay ngậm ngùi. 

Nhưng anh, hình như chúng ta chưa hề nói lời chia tay . 
Phải không anh ?
Chưa hề. Anh ạ.
( nhật ng.)

Tuesday, July 10, 2018

                              T Bà 
                              Thơ Bích Khê
                              nhạc Phạm Duy
                              Ca sĩ :Thái Thanh

      Ô hay, buồn vương buồn vương cây ngô đồng
      Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông
     Tác giả: Bích Khê (*)
     
     Nàng ơi ! Tay đêm đang giăng mềm
     Trăng đan qua cành muôn tay êm
     Mây nhung pha màu thu trên trời
     Sương lam phơi màu thu muôn nơi


     Vàng sao nằm im trên hoa gầy
     Tương tư người xưa thôi qua đây
     Ôi ! Nàng năm xưa quên lời thề
     Hoa vừa đưa hương gây đê mê


     Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
     Cây đàn yêu đương run trong mơ
     Hồn về trên môi kêu: em ơi
     Thuyền hồn không đi lên chơi vơi


     Tôi qua tìm nàng vay du dương
     Tôi mang lên lầu lên cung Thương
     Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
     Tình tang tôi nghe như tình lang


     Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
     Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
     Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
     Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi


     Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
     Sao tôi không màng kêu: em yêu
     Trăng nay không nàng như trăng thiu
     Đêm nay không nàng như đêm hiu


     Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
     Buồn sang cây tùng thăm đông quân
     Ô hay ! buồn vương cây ngô đồng
     Vàng rơi ! vàng rơi: Thu mênh mông
     ( 1939)



Tiểu sử của nhà thơ Bích Khê:

Nhà thơ Bích Khê
Bích Khê sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con thứ chín trong một gia đình nho học yêu nước.
Thuở nhỏ, Bích Khê học tiểu học ở Phước Lộc và Đồng Hới, học trung học ở Huế, rồi ra Hà Nội học ban tú tài nhưng nửa chừng bỏ dở.
Năm 1931, 15 tuổi, ông đã biết làm thơ Đường luật, ca trù. Năm 1934, cùng người chị ruột tên Ngọc Sương vào Phan Thiết học thêm và mở trường dạy học tư. Năm 1936, chị Ngọc Sương bị mật thám Pháp bắt, trường đóng cửa, Bích Khê trở lại quê nhà.
Năm 1937, bị bệnh phổi, sau khi điều trị trở về lên sống trên núi Thiên Ấn thuộc Quảng Ngãi, ông lại ngược xuôi trên một chiếc thuyền quanh các ngả Sa Kỳ – Trà Khúc. Năm 1938, ông lại cùng chị Ngọc Sương (khi ấy đã được thả) vào Phan Thiết mở trường dạy học, được vài năm lại bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.
Năm 1941, Bích Khê dạy học ở Huế. Năm 1942, bệnh phổi tái phát, ông trở về Thu Xà thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 17 tháng 1 năm 1946, Bích Khê lìa bỏ cõi đời và cõi thơ tại Thu Xà lúc 30 tuổi.

(*) Bài thơ ông sáng tác từ năm 1939( đến nay đã gần 80 năm) 
Bài thơ chỉ dùng âm và vần bằng mà có thể diễn tả không gian mênh mông mềm mại của mùa Thu. Nàng và   thơ và cuộc tình sương khói như" sương lam phơi màu thu muôn nơi"
Từng lời thơ quấn quít, đưa đẩy nhau mang lại cho ta những cảm xúc vừa  bâng khuâng vừa lưu luyến.Hình ảnh ví von, gọt dũa trong lời thơ đẹp như nhung như gấm.
Và tình yêu trong mùa Thu mênh mông kia, ai có thể diễn tả tuyệt vời hơn, man mác hơn trong bài thơ chỉ dùng âm và vần bằng ?
Tiếc rằng ông chia tay cuộc đời quá sớm, để lại trần gian vô vàn nuối tiếc..

Ô hay, buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi. Vàng rơi. Thu mênh mông 


Sunday, July 1, 2018


                  Messi & Ronaldo.
                  Hai ngôi sao cô đơn
                  (ảnh từ báo Thể Thao )


Lang thang cùng World Cup 
( Vòng tứ kết)

Vòng tứ kết đã gần qua và mọi thứ, ngoài dự đoán. Nó không hào hứng, gay cấn và hấp dẫn như lòng người hâm mộ. Có phải bởi Argentina ( Messi) và Portugal (Ronaldo ) đã bị loại ? Những trận tranh tài thế giới mà không có hai chàng trai trẻ ấy,sự nôn nao, sự hấp dẫn đã phần nào mất đi vẻ quyến rũ của nó. Không còn ai để làm đề tài cho báo chí so sánh, mổ xẻ .Không còn phe bên nầy chê bai phe bên kia.
Hai chàng trai ấy đã mang đến thế giới bóng đá niềm vui và nguồn cảm hứng vô tận.
Họ, hai ngôi sao cô đơn trong bầu trời nhiều sao ( xẹt )
Phần nữa, quá thất vọng với hai đội Tây Ban Nha-Nga.
Đó là trận đấu quá tệ, bên thủ kỹ ( sợ thua) một bên không dám tấn công( sợ thắng ) Một trận đấu phơi bày bộ mặt thảm hại,bạc nhược, phi thể thao.
Còn gì để hào hứng bỏ thời gian theo dõi những trận đấu mà tự nó đã mất đi sự cạnh tranh đúng nghĩa ? Mọi trật tự đã đảo lộn mất rồi !

Nhìn lại vòng 1/8:
Pháp- Argentina ( 4-3)
Tiếc cho Messi !!
Anh đã làm tất cả những gì có thể.
Bye Argentina !! 
Messi . You”re always the best .
Pháp : Le Blues  với giàn cầu thủ trẻ, sở hữu tốc độ. Một ẩn số khó lường.
Uruguay- Portugal: (2-1)
Chúc mừng  Uruguay .
Suazer: Tránh va chạm phạm lỗi và  đừng .. cắn nữa nhé . Mong đội của anh tiễn Pháp về  . sớm  !!!
Chia buồn Portugal .
Hẹn gặp Ronaldo ở giải vô địch bóng đá Tây Ban Nha, nếu anh còn ở đó và World Cup 2022 , nếu có thể .
Nga - Tây Ban Nha 
Một trận đấu được sắp xếp khôn khéo rất bài bản : 
Nga thắng phạt đền ( trong 90”) ( tỉ số 1-1 )
Hai đội cầm cự qua hai hiệp phụ 
( TBN sợ thắng - Nga sợ thua ) đá penalties. Nga thắng . 
Một cuộc dàn xếp rất hoàn hảo.
Chia buồn những người hâm mộ bóng đá TBN. Họ không xứng
đáng với tình cảm  chúng ta dành cho họ.
Ảnh hưởng của Chính trị đã làm xấu xí tinh thần thể thao của bóng đá. 
Một trận thắng quá trơ trẽn !
Không biết trận tới, khi gặp Nga, Croatia có cùng chung số phận với TBN, chấp nhận thua độ để Nga vào vòng trong ? 
Croatia- Đan Mạch ( thắng Penalties)
Trận nầy Đan Mạch chiến đấu rất kiên cường. Thua vì thiếu một chút may mắn.
Chúc mừng Croatia. Trận tới, hãy dứt đẹp Nga cho thoả lòng người hâm mộ. Đừng đi vào vết xe đổ của TBN .
( 2.7. 2018)
Brazil - Mexico
B- Nhật 
( 3.7. 2018)
Thụy Sĩ- Thụy Điển
Anh- Colombia.
Đội nào thắng hay thua, cũng không còn là vấn đề nữa .
Bởi, đã hết hào hứng rồi.
Bye. World Cup 2018 .( NT)