Sunday, April 30, 2017

  

                                               (ảnh sưu tầm) 

30/4 LÀ NGÀY GÌ ?

Khi bánh xích xe tăng đầu tiên cán nát Dinh Độc Lập 11: 30 ngày 30/4/1975 cả miền bắc đổ ra đường vỗ tay ăn mừng chiến thắng. Một bi hài trớ trêu của lịch sử vì họ không hề biết rằng họ đang ăn mừng cái ngày dân tộc Việt Nam đặt một chân vào vòng nô lệ của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Những người có tầm nhìn lịch sử sâu xa như tổng thống Mỹ Reagan đã thấy được tương lai . Ông nói "Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho hòa bình là ngàn năm đen tối cho các thế hệ sinh tại Việt Nam về sau."
Tại sao người Mỹ lại nói như vậy ? Và cũng tại sao ông Ngô Đình Nhu cũng khẳng định :"Sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa."
( Chính đề Việt Nam) ?
Bởi lẻ họ đã nhìn ra dã tâm xâm lược của Trung Cộng , một nước khổng lồ có 1,3 tỷ dân , điều mà lịch sử ông cha ta 4000 năm đã hết sức cảnh giác.
Tại sao Nhật Hoàng ngay sau khi kết thúc thế chiến đã không ngần ngại bị tước hết quyền lực bởi một bản hiến pháp do quân đội viễn chinh áp đặt để đặt quyền dân chủ lên trên tất cả? Bởi vì ông biết Nhật đang sống cạnh Trung Hoa, chỉ có nền dân chủ và nước Mỹ mới cứu lấy nước Nhật khỏi bị Trung Cộng nuốt chửng.
Tại sao người Mỹ chỉ vào miền Nam để ngăn chặn cộng sản mà bỏ qua 8 bức thư kêu gọi của Hồ Chí Minh gởi cho tổng thống Mỹ Truman? Bởi vì họ biết rõ Hồ Chí Minh là người của "Quốc tế cộng sản" , một tên nội gián do Trung Hoa cài đặt. Họ thực hiện đường lối "NO WIN" là biết tự lượng sức mình ,không thể đương đầu với một đất nước đông dân như Trung Hoa, điều đã từng xảy ra khi ủng hộ Nam Hàn đuổi Bắc Hàn đến sông Áp Lục. Đánh nhau với Trung Cộng trên một lãnh thổ sát nách họ là một sự sa lầy cho cả nước Mỹ. Khi rời bỏ miền Nam họ cũng vô cùng luyến tiếc . Nhưng không còn cách nào khác. Nước Mỹ không nợ gì nhân dân miền Nam, không hề phản bội nhân dân Việt Nam vì họ đã để lại mảnh đất này 58.000 binh sĩ và hàng trăm tỷ Mỹ Kim. Họ đã giải quyết rốt ráo vấn đề hậu quả của chiến tranh bằng các chương trình tái định cư ODP, HO, con lai...
Chính nhân dân Việt Nam nợ nhân dân Việt Nam.
Món nợ nhận thức.
Tổng thống Mỹ Reagan cũng có một câu nói để đời :"Dân chủ đáng giá chết để đổi lấy, bởi vì nó là một cơ chế chính phủ danh dự nhất được thành lập bởi nhân loại."
Tiếc rằng người dân Việt nam chẳng hề thấm thía câu nói này.
Chỉ có một chính phủ dân chủ mới có thể ngăn chặn được xâm lược. Nhưng những người lính miền Bắc không hề hiểu thế nào là dân chủ. Họ đang cầm súng hủy hoại ngay chính tương lai dân tộc mình nhưng họ vẫn cứ nghĩ là đang chiến đấu cho ngày hòa bình,thống nhất đất nước.
Đến hôm nay ta có thể khẳng định chắc chắn rằng nước Việt Nam thực sự đã mất vào tay Trung Cộng, không có cách gì cứu vãn. Bởi vì nó đã diễn ra trong cả một quá trình cả trăm năm chứ không phải chỉ vài năm gần đây.
Mất từ khi dân tộc Việt Nam để Việt Minh cướp chính quyền.
Mất từ khi dân tộc Việt Nam để Võ Nguyên Giáp thanh toán các đảng phái đối lập trong vụ án Ôn Như Hầu và tiến hành độc đảng.
Mất từ khi Hồ Chí Minh cầu cứu Trung Cộng , Phạm Văn Đồng ký kết công hàm thừa nhận lãnh hải 12 hải lý của Chu Ân Lai.
Mất từ khi tiến hành cải cách ruộng đất đặt dưới tay các cố vấn Trung Cộng .
Mất từ khi chủ nghĩa xét lại của ông Hoàng Minh Chính bị bóp chết.
Mất từ khi Lê Duẫn và Lê Đức Thọ đưa quân đánh chiếm miền Nam.
Và đỉnh điểm của mất nước là đúng vào thời điểm bánh xích xe tăng cán nát cột cờ dinh Độc Lập. Vì chỉ có một nền dân chủ mới giữ được nước mà thôi. Nền dân chủ ấy chết xem như nước đã mất và 30/4 chính là ngày tang chung. Tang cho cả những người lính đang cầm súng tiến hành cái gọi là "giải phóng Sài Gòn". Không ,họ không hề giải phóng . Phải gọi chính xác là họ đang đặt những viên đá đầu tiên cho một ngàn năm nô lệ của giặc phương Bắc.
Những gì xảy ra sau này chỉ là mối bất hòa của hai kẻ đã từng thông đồng với nhau trước đó.
17/2/1979 đừng nghĩ rằng đó là một cuộc chiến chống xâm lược. Không hề. Đó chỉ là một cơn tức giận của gã chủ nợ với con nợ muốn phản bội giấy nợ đã ký để quay qua tên chủ nợ khác (Liên Xô).
Và 4/3/1988 chỉ là xoa giận chủ nợ nên hy sinh 64 con tốt thí.
Năm 1990 chính là năm ký kết giao kèo hồi quy và 30 năm sau đó là để cụ thể hóa tiến trình này.
Việt Nam chỉ có thể chống lại một trận chiến xâm lược khi quân đội xâm lược đó mặc áo lính. Khi quân đội đó mặc áo dân và đã thâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam thì vô phương. Điều này cũng giống như quân đội Mỹ,một quân đội hùng hậu nhất thế giới cũng phải bó tay khi dân Việt Nam mặc áo lính. Vì họ không thể giết dân nên đành phải kéo quân về.
Trung Cộng lại là sư phụ của Việt Nam về "chiến tranh nhân dân". Chúng sẽ dùng dân Tau tại Việt Nam để nội ứng ngoại hợp. Chưa kể lực lượng quân sự của Trung Cong đưng thứ hai tren thế giới. Cho dù quân đội này có đứng yên làm bia cho dân Việt Nam tập bắn, bắn cũng không hết vì chúng quá đông. Chết lớp này có lớp khác bổ sung ngay.
Khi anh đã mở cửa cho giặc vào nhà thì anh phải chấp nhận sự thật cho dù đau đớn nhất. Một sự thật đã được báo trước. Nhưng đáng buồn cười khi trong nước vẫn còn những kẻ đăng lên FB chửi xéo ngày 30/4 là ngày thất trận của bọn cờ vàng ,ba que, chụp những tấm hình khoe về xa lộ Việt nam đẹp và hiện đại như thế nào...

Chúng ta không thể trách họ mà chỉ tội nghiệp thay cho họ,tội nghiệp cho dân tộc Việt Nam. Bởi một lẻ đơn giản tư duy và tầm nhìn của họ chỉ đến mức đó.

( từ FB của Dương Hoài Linh )

Saturday, April 29, 2017

·Khúc tháng Tư... 
.
GIỌT NƯỚC MẮT BỊ BỎ QUÊN
 ( Phạm Hồng Ân )

Vài năm trước, tôi có nhận được cú điện thoại thống thiết của thằng cháu ruột, từ Việt Nam.
- Chú ơi! Hồ sơ của Ba cháu, chú đã mang theo qua Mỹ gần 15 năm rồi. Chú có nộp vào các chương trình nhân đạo của Mỹ chưa chú? Tụi con bây giờ nghèo khổ lắm! Tụi con muốn qua Mỹ làm ăn để phụ giúp gia đình. Ở đây bây giờ khó kiếm việc làm. Muốn vào hãng xưởng, mình phải có thân thế, hoặc có tiền hối lộ...chú ơi!
Tôi lặng lẽ giây lát, rồi bùi ngùi nói với cháu:
- Hoàn cảnh gia đình cháu không nằm trong diện nào của chương trình nhân đạo Mỹ. Chú đã tìm mọi cách để giúp đỡ các cháu, nhưng cuối cùng đành bó tay. Hơn nữa, bây giờ kinh tế Mỹ đang bị suy thoái một cách trầm trọng. Tìm kế sinh nhai ở bên này cũng rất khó cháu ạ!
Cú điện thoại chấm dứt, nhưng tôi vẫn còn cầm ống nghe, thẫn thờ như kẻ mất hồn. 17 năm qua, hồ sơ của anh tôi vẫn nằm yên trong ngăn tủ. Một hồ sơ của tên lính, một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa...đã gục ngã ở nơi nào đó trên đường rút quân kinh hoàng vào tháng 3 năm 1975. Tôi đau khổ kéo ngăn tủ. Đây rồi. Tấm ảnh mặc quân phục oai nghi của anh tôi, vừa rơi ra, từ mảnh bằng tốt nghiệp khóa Chiến Tranh Chính Trị. Và kia là bản Tướng Mạo Quân Vụ. Tất cả, với thời gian trôi qua, chất chồng... màu giấy đã xao xác ố vàng. Đại Úy Phạm Hữu Nghĩa, sư đoàn II bộ binh, Bộ Tư Lệnh đóng tại Quảng Ngãi. Với tôi, anh Nghĩa vẫn còn là một quân nhân tại ngũ. Bởi anh chưa trút bỏ quân phục, chưa đào thoát, chưa cam chịu ngục tù, chưa cao bay xa chạy ra nước ngoài. Anh đã hiên ngang nằm xuống cho quê hương, nằm với linh cảm cuối cùng: hy sinh vì đất nước...Dòng chữ cứng cáp và rõ nét của anh vẫn mồn một trên tờ "sơ mi" màu xanh: ngày 10 tháng 2 năm 1975 thuyên chuyển về Quảng Ngãi, em và các con thân yêu:Vũ, Thụy, Uyển và Ngạn ở lại an bình. Lời viết như một trăn trối cuối cùng. Như một định mệnh trớ trêu, tạo hóa an bài. Ngày anh về Quảng Ngãi, chị Liên ( vợ anh) vừa sanh cháu Thục Ngạn được 6 tháng. Cháu lớn nhất là Thạch Vũ, chỉ mới 5 tuổi đầu. Bốn đứa con còn quá nhỏ. Chị Liên không đủ sức đùm bọc. May có bà mẹ ở chung, dù Bà đã gần 70, nhưng mỗi sáng vẫn đội thúng bánh chưng trên đầu, khom lưng đi khắp chợ Phú Nhuận để bán dạo. Tôi vẫn còn nhớ con hẻm chật chội dẫn vào nhà chị Liên trên đường Nguyễn Huỳnh Đức. Con hẻm đã chật chội, nhà chị Liên lại càng chật chội hơn, Căn nhà quá nhỏ bé, chỉ đủ kê được một chiếc giường con, và khoảng trống nhỏ vừa vặn chiếc ghế bố nhà binh cho bà cụ. Anh Nghĩa , chị Liên và cháu út thì được ngủ trên giường. Còn 3 đứa lớn thì nằm lăn xuống nền xi măng, ôm nhau dỗ giấc. Căn nhà may mắn có thêm 1 gác xép tí tẹo. Tất cả mọi vật dụng dồn hết lên đó, kể cả những quyển sách thơ văn của tôi mà anh cố tình giữ lại. Anh về sư đoàn II vỏn vẹn vài tuần, chưa kịp gửi thư về thăm vợ con, thì chiến tranh bất thần bùng nổ. Sư đoàn đang chuẩn bị chiến đấu, trớ trêu thay, có lệnh rút quân. Quân rút, dân chạy theo. Cuộc hỗn loạn xảy ra. Cộng quân lợi dụng tình thế bất ổn, trút vào đám đông di tản những tràng pháo kích dã man cùng cực.
Sư đoàn II về được Sài Gòn, sau những ngày rút quân kinh hoàng. Sư đoàn tạm trú trong các trường học trên đại lộ Trần Quốc Toản. Chị Liên bồng bé Thục Ngạn, dắt theo ba đứa con nheo nhóc tìm chồng. Chị hỏi cấp chỉ huy. Chị xuống nước năn nỉ từng người lính vừa từ địa ngục trở về. Ở đâu, người nào cũng chỉ trả lời một cách vắn tắt, mập mờ. Cũng không trách họ được. Họ đang mệt mỏi. Họ mới thoát khỏi cái chết trong đường tơ kẽ tóc. Hơn nữa, họ đang quấn quít, mừng vui xum họp gia đình. Bỏ quên một người đàn bà dẫn bốn đứa con tìm cha, trong lúc này, là điều tất nhiên. Sư đoàn II tạm trú ở Sài Gòn bao nhiêu ngày thì chị Liên dẫn con đi tìm cha bấy nhiêu ngày. Sáng sớm, chị túm vội ít bánh chưng vào bọc nylon. Rồi, một tay bồng, một tay dắt bầy con leo lên xe buýt, xuống tận cổng tạm trú của sư đoàn II, chờ các xe nhà binh chở lính từ miền trung trở về. Ngày nào chị cũng đứng đợi cho đến khi đèn đường thắp sáng, cho đến khi các đứa con khóc thét dữ dội, chị mới chịu tất tả về nhà.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Quân đội Sài Gòn bị bức tử. Tất cả đơn vị tan hàng. Một số ruổi dong ra nước ngoài. Một số tuẫn tiết. Một số rút về rừng sâu, nuôi mộng phục quốc. Số còn lại bị cộng quân lùa vào trại tù, phân tán khắp nơi từ Nam ra Bắc. Tháng 5, trước khi vào trại tập trung, tôi đến thăm các cháu và từ giã chị Liên. Chị ốm hẳn. Xương cổ lồi ra. Hai nhánh tay khẳng khiu như hai que củi. Các cháu đứa khóc, đứa la, đứa xà vào lòng mẹ nũng nịu đòi ăn. Bà Má vừa đội thúng bánh chưng ra khỏi cửa. Nhìn Bà còng lưng, chậm chạp lê từng bước chân trên con hẻm ngoằn ngoèo, lòng tôi quặn lên một niềm đau khó tả. Giờ này, chị Liên vẫn trông chồng từng phút từng giây. Chị bùi ngùi với hàng nước mắt lã chã trên má:
- Anh Tư của em vẫn sống. Nhất định anh Tư phải sống. Người ta không dễ gì giết anh ấy được đâu. Chị tin chắc như vậy. Em cũng tin như vậy, phải không?
Ở trại tù vài năm, một hôm, vợ tôi báo cho biết tin buồn: Mẹ chị Liên giã từ cõi thế. Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được. Tôi lo cho số phận chị Liên và các cháu. Làm thế nào các cháu tôi sống an bình, trong một xã hội mất đi nhân tính. Nghề thủ công thêu thùa của chị Liên, liệu có thể nuôi nổi một bầy con còn quá thơ dại? Mất Ngoại. Mất đi một cánh tay mưu sinh đắc lực cho gia đình, các cháu tôi như một bầy gà xao xác, và chị Liên sẽ thui thủi một mình với phần số cô độc.
Vì thế, sau 7 năm tù, khi cộng quân vừa thả ra, tôi vội vã đến thăm chị. Cháu Vũ chỉ 12 tuổi, tiếp tục nối nghề Ngoại: bán bánh chưng nuôi bầy em. Những đứa còn lại, có đứa ở đợ cho hàng xóm kiếm cơm, có đứa đặt vài lọ kẹo bánh ở hiên để bán cho trẻ em qua lại. Chị Liên dẹp nghề thêu, vì dân Sài Gòn bận kiếm ăn, không còn thì giờ để khoe khoang quần là áo lụa nữa. Chị Liên bây giờ có dạng bệnh tâm thần. Tóc tai xổ tung. Áo quần xốc xếch. Gặp tôi, chị hét lên, rồi bù lu bù loa than khóc một hơi. Than khóc xong, chị bỗng dậm chân xuống nền xi măng túi bụi, rồi chỉ thẳng vào mặt tôi, hét lớn:
- Anh Tư ở chung tù với em phải không? Hai anh em sống với nhau mấy năm trời mà không cho chị hay biết. Bây giờ, em giấu anh Tư ở đâu, nói mau?
Chị nắm áo tôi lôi mạnh. Chị lôi tôi khắp nhà. Vừa lôi, vừa tru tréo thảm thiết. Các cháu chạy vội lại can ngăn, chị mới buông tha, rồi ngồi phịch xuống nền nhà. Chị cúi gầm mặt xuống, lầm thầm:
- Xin lỗi. Chị mệt quá! Chị buồn quá, em ơi!
Cháu Uyển rót cho tôi một ly nước, nức nở kể chuyện về người Mẹ cho tôi nghe:
- Mẹ cháu lúc tỉnh lúc điên chú ạ! Ban đêm, Mẹ trốn nhà, lang thang ngoài đường phố nửa khuya. Có khi, tụi con hay được, bủa nhau đi tìm Mẹ. Mẹ thường ra đống rác ở ngoài chợ ngồi khóc than rên rỉ. Hoặc xuống chân cầu Kiệu la lối, múa tay múa chân trong bóng tối.
Cháu Thụy tiếp lời:
- Tụi con phải cột Mẹ vào chân giường. Đi không được, Mẹ la hét suốt đêm, không ai ngủ được. Hàng xóm than phiền lắm chú ơi!
Vài năm sau, trong lúc tôi đang cầy thuê cấy mướn ở quê vợ, thì nhận một tin buồn từ cháu Vũ gửi tới. Chị Liên bị stroke, liệt nửa người, không còn nói năng như trước nữa. Tất cả gánh nặng gia đình đều dồn lên vai bốn mái đầu xanh. Các cháu vừa bươn chải kiếm sống, vừa khổ sở nuôi thêm một bà mẹ bệnh tật.
Trước khi qua Mỹ, theo diện HO, tôi có ghé thăm các cháu lần cuối. Đêm đó, tôi nằm lăn xuống nền xi măng ngủ với các cháu. Tôi ôm hôn từng đứa, vỗ về chúng kể lể về chính mình. Chẳng có đứa nào than thân trách phận cả. Chúng chỉ nói về Mẹ, dồn tất cả tình thương về Mẹ, và cầu mong Trời Phật giúp Mẹ chúng mau mau lành bệnh. Đêm đó, dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn nhỏ trên bàn thờ Mẹ chị, tôi thấy chị Liên bứt tóc xổ tung, la hét khóc than suốt đêm. Tiếng nức nở của chị trong đêm thanh vắng nghe rờn rợn, nghe thê lương ai oán biết chừng nào. Và trước khi leo lên máy bay, tôi gom tất cả giấy tờ còn lại của anh Nghĩa, với mục đích duy nhất là tìm mọi cách để đưa gia đình các cháu qua Mỹ, theo một diện nhân đạo nào đó của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ.

35 năm trôi qua, hồ sơ của anh tôi vẫn còn nằm lạnh lùng trong ngăn tủ. Các diện nhân đạo của chính phủ Mỹ không có diện nào dành cho thân nhân tử sĩ, những thân nhân đang chịu oan khiên và đau khổ cùng cực dưới chế độ cộng quân. Hoàn cảnh các cháu tôi nằm ngoài lề lòng nhân đạo của mọi người, mặc dù thế giới ngày nay, nhân loại đang cổ súy cho TÌNH YÊU THƯƠNG.
Các cơ quan thiện nguyện, các hội đoàn từ thiện, công lý, lương tâm, nhân quyền... mọc lên như nấm trên khắp thế giới. Người ta hảo tâm cho trẻ tật nguyền, trẻ mồ côi, trẻ phạm pháp, thương phế binh, đồng ngũ, đồng hương... còn kẹt lại Việt Nam. Người ta làm phúc cho chùa chiền, nhà thờ, nạn nhân thiên tai... Thậm chí họ còn giúp tiền cho những tay cộng sản gộc , hiện nay vì bất mãn quyền lợi nào đó, nên trở thành đối lập với nhà cầm quyền Hà Nội. Không có ai để ý hoặc ghé mắt đến TỬ SĨ, đến thân nhân cũa họ đang lâm nạn trên chính quê hương mình. Và cứ thế, đã 35 năm trôi qua,
 những giọt nước mắt như vậy... mãi bị bỏ quên...


(PHẠM HỒNG ÂN)

Tuesday, April 25, 2017

                            ANH Ở ĐÂY
                            Nhạc: Thục Vũ - Vũ Văn Sâm và Vũ Đức Nghiêm
                            Ca sĩ: Đoàn Chính


Anh Ở Đây

Có một hình ảnh dù những người viết lại lịch sử cố tình lãng quên, nhưng vẫn mãi in sâu trong lòng người. Hình ảnh ấy, chắc những ai đã từng sống ở miền Nam sau năm 1975 đều nhớ rõ, những chiến binh đã bị gãy súng, và đã bị ngược đãi, bị trả thù của những người "bên thắng cuộc", ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Cái mà được gọi với một danh từ mỹ miều "trại cải tạo", thực chất là những nhà tù không hơn không kém với những bản án không bao giờ được ghi thành văn bản, những bản án không biết ngày về.

"Anh ở đây, bạn bè anh cũng ở đây
Áo rách xác xơ vai gầy
Cùng chung kiếp sống lưu đầy
Anh ở đây, ngày này cơm chưa đầy chén
Chiều chiều xa trông đàn én
Kiếm mồi thấp thoáng bay nhanh..."

Bị lưu đày ở những nơi rừng thiêng núi độc, bị ngược đãi như những lao công trên những vùng đất hoang dã, người tù chiến binh xưa chỉ biết làm bạn với trời mây sông nước. Nhìn những cánh én lợn lờ kiếm ăn, mà lòng người chiến binh chạnh lòng về nền tự do họ hằng mong mỏi và đã bỏ công sức để giữ gìn nay không còn nữa. Nỗi buồn mất tự do của riêng mình càng thấm đậm hơn trong nỗi buồn của đồng bào khi một nền tự do ở miền Nam đã mất đi.

"... Toa liền toa, tầu đi trong ánh hoàng hôn
Tiếp nối những dư âm buồn
Thành thơ ray rứt tâm hồn
Trăng ngậm sương, mịt mờ không soi nẻo tối
Đường dài sao rơi lạc lối
Cho lòng giăng mắc không nguôi..."

Vận nước đổi thay. Số phận nghiệt ngã. Sự trả thù tàn bạo của những người mang trong mình một chủ thuyết phi nhân đã hành xác những người chiến binh trong những trại tù cải tạo.
 Thân xác kia dù đã nằm xuống trong lòng đất mẹ, vẫn để lại cho hậu thế những nỗi niềm thương nhớ không nguôi. Linh hồn của những người chiến binh xưa quyện vào hồn thiêng của dân tộc sẽ như những cánh én đem lại một mùa xuân tự do vĩnh hằng cho hậu thế mai sau.

"... Ôi người đi, về đâu khi nắng chiều phai
Nắng úa xót xa thương người
Chiều nao gục ngã trên đồi
Chim rủ nhau về rừng ru anh ngủ mãi
Hình hài tan theo cỏ cháy
Kiếp người kiệt sức buông tay"

Thành kính tri ân những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã nằm xuống trong những trại tù cải tạo sau năm 1975. Sự can trường trong chiến bại của những người lính Việt Nam Cộng Hoà chắc chắn sẽ chiếm được một chương oai hùng trong lịch sử dân tộc về sau.

( từ FB Quang An)

Sunday, April 23, 2017

                                              (ảnh Khôi Việt )

Con tôi.

Một ngày đầu năm 1977.
 "Ngày mai vác mía ra chợ, mấy ông ráng chặt cho đúng chỉ tiêu. Không thì mấy chả kiểm điểm càm ràm nhức cái đầu, ông nào gởi thư tay cho gia đình thì ráng cẩn thận. Tụi nó bắt được, không cho ra chợ nữa là tiêu cả đám." Tổ trưởng dặn dò. 
Chiều đến, cả đám ra rẫy mía chặt mỗi người khoảng 15 đến 20 cây mía, bó lại, vác hết sức thì thôi. Cột bằng dây rừng xiết thật chặt, vì đi đường xa 4 cây số nó bung ra thì rất phiền cho cả đoàn phải đúng lại chờ. Một tháng hai lần vác mía giao cho mối của trại ngoài đó. Đường xa, vác muốn kiệt lực nhưng thằng nào cũng thích đi, dù túi không tiền nhưng nhìn được thế giới bên ngoài. Cũng có thằng có tiền. Tụi nó bán đồ tù, võng...mà cũng không hiểu dân họ mua đồ tù để làm gì?. Nhuộm đen đi rồi mặc. Chúng tôi đều nghĩ như vậy. Người dân gặp ngoài chợ nhìn cũng rách rưới thảm hại chẳng kém chúng tôi. Nhưng họ vẫn lén lút thẩy cho chúng tôi cái bánh Ú, cái kẹo đậu Phộng, hoặc bánh tráng. Ngay cả bà chủ quán cóc bán cà phê, sau này tôi vô uống ở đó một lần bà cũng chỉ tính tiền rất tượng trưng. 
Ngày đó đa số chúng tôi đều mặc đồ tự may bằng bao cát, bây giờ cũng chẳng nhớ đã có từ đâu. Mà phải công nhận là vải bao cát của Mỹ bền chắc thật. Tôi có hai cái quần ngắn và hai cái áo cộc tay mặc mấy năm trời tới gần ngày về mới tưa sơ sơ vài chỗ. Kim là cọng dây kẽm uốn một đầu để xỏ chỉ cũng bằng sợi bao cát luôn. 
Công việc hàng ngày của hơn hai chục thằng tù chúng tôi là làm rẫy trồng mì, khoai lang, và khoảng ba mẫu mía. Từ lúc được đưa ra trại này, cuộc đời trở nên "huy hoàng" hơn vì ngày hai bữa được gần hai chén cơm, đôi khi được ít mắm ruốc, rau thì cả đám tự ai nấy kiếm. Rẫy mía ở sát một bên, lúc đi làm cũng lén lút ăn được một vài cây. Mía Tây trắng, loại này to cây nhưng rất mềm và ngọt, nhiều nước. Đói khổ quá, cơ thể rất thèm đường, có một tên bạn, lúc ở trong trại chính, sau khi đổi cái hộp quẹt Zippo lấy một ký đường tán từ một tay vệ binh, đã ngồi ăn gần hết. Cứ tưởng nó sẽ chết, té ra chẳng sao cả. Nơi đây mía bao la, thỉnh thoảng ăn trộm một vài cây, cũng đỡ thèm đường, và có sức để cuốc đất. Bắt được con ếch nhái nào cũng áng chừng nó ngang bằng 5,7 con tôm khô. Còn bắt được rắn hay chồn, là hôm đó bạn bè coi như đại hội. Cố tạo cho mình những cảm giác đôi khi hơi ảo tưởng, để cầm cự sống trong nỗi mong chờ gần như tuyệt vọng ngày nào đó được về với gia đình. Những lần vác mía ra chợ Katum vài tháng trước, có mấy thằng bạn lén gởi thư về gia đình. Rồi cũng đã có mấy thằng gặp được người nhà ở đây. Tất nhiên là ngồi gặp lén lút trong một quán tạp hoá nào đó. Tôi cũng đã gởi trong mấy kỳ trước, từ lúc bị bắt tới giờ chưa liên lạc gì được với gia đình, vợ con ở đâu cũng không biết. Tôi gởi về địa chỉ bà chị ở Sài Gòn, mặc dù không biết chị còn đó hay phải đi kinh tế mới?. Hôm nay tôi cũng chuẩn bị sẵn một cái thư tay rồi. 
Vác mía đi trong trời vẫn còn tối. Lầm lủi theo nhau dưới ánh trăng sớm trên đường mòn mà đi. Không ai có đồng hồ nên đoán chừng 4,5 giờ sáng. Chỉ có 12 người vác mía nên vệ binh theo chúng tôi hôm nay chỉ có 2 người. Các anh đến chợ không được đi đâu xa. Không được "quan hệ" với ai. Các anh phải nhớ các anh là những người có nợ máu với nhân dân. Nên đi đâu các anh cũng phải theo tổ ba người. Và phải cho anh tổ trưởng biết.
Lúc nào họ cũng chỉ có một sách vậy thôi. Vệ binh này là người dễ dãi nhất, dù rằng lúc đầu anh ta rất khó chịu. Chắc bị chúng tôi cảm hoá chăng? Cũng có thể như vậy. Họ cũng chẳng sợ chúng tôi trốn, hệ thống kiểm soát của họ ở đây rất chặt chẽ. Chúng tôi biết rõ điều đó. Nên cũng chẳng ngu dại gì đi trốn để bị bắn. Họ cũng biết những chuyến ra chợ chúng tôi lén gởi thơ về gia đình, có người nhà lên thăm, nhưng cũng lơ đi. Ít ra sau gần 2 năm, họ cũng đã biết phần nào sĩ quan "nguỵ" không phải như những gì họ bị tuyên truyền.
Đi chừng gần nửa đường, vác mía trên vai bắt đầu nặng dần, phải chuyển đỡ qua vai trái một lát cho vai phải đỡ mỏi. Nhiều thằng cũng đổi vai lia lịa như tôi. Tuy nhiên đoàn vẫn đi như bình thường. Ở tù cộng sản mới thấy sức chịu đựng của con người vượt qua sức tưởng tượng, kể cả nhịn đói. Có nhiều lúc đi xuyên rừng vác đồ đạc lương thực cho bọn vệ binh, nhiều bạn tù nhìn hai bên đường, thấy cái lá cây gì nhìn đẹp mắt là vặt bỏ vô miệng.
Đi sau tôi. Bảo. Nói nhỏ: hôm nay chắc tôi gặp ông già, hy vọng. 
-Ông gởi thư lần trước hả?
- Không, lần trước nữa.
-Nếu bác lên, nhờ bác đưa thư cho chị tôi nhé. 
-Xong ngay. Chỉ sợ ông già không đi nổi, cụ yếu và mắt kém trước ngày "đứt phim" mà. Nếu không, có thể em gái tôi lên.
-Bác gái có lên không? 
-Tôi nói mẹ tôi đừng đi, đường xa, đi mệt chịu không nổi. 
Chúng tôi thường gọi cái ngày tang thương 30-4 đó là ngày "đứt phim" hoặc "sập tiệm"
Đến chợ lúc trời vừa rạng sáng. Khu chợ này chắc hình thành sau 75, chứ trước kia trong bản đồ chỉ toàn là rừng, ngoại trừ căn cứ của sư đoàn 25 Hoa Kỳ và lực lượng đặc biệt Việt Nam. Mọi vận chuyển từ Katum với Tây Ninh đều bằng trực thăng. Đường bộ có tráng nhựa dài khoảng 60 km nhưng không thể xử dụng được vì luôn bị gài mìn đắp mô, bắn phá bởi du kích. Nhìn chợ rất nghèo nàn, toàn là nhà tranh hoặc nhà tôn cũ kỹ rỉ sét, giữa một bãi đất trống cạnh con đường nhựa, đã bị hư hại rất nhiều, nhưng cũng có quán cà phê và hủ tíu. Chắc để phục vụ những tài xế và phụ xe be chở cây, chạy rất thường xuyên trên đường, vì lần nào ra chợ chúng tôi cũng thấy. Katum, Tây Ninh là rừng già bạt ngàn, gỗ quí không phải là ít. Có hai hay ba tiệm bán tạp hoá nhưng tôi chưa bước vào bao giờ, vì lý do duy nhất là không có tiền. Nhưng tôi lần nào cũng xin đi vác mía. Vì ít ra cũng có dịp để thấy lại thế giới loài người, dù rằng cái thế giới đó nghèo nàn thảm hại, cũng còn hơn cái địa ngục tôi đang sống, đang đói và đang phải làm việc khổ sai một ngày 10 tiếng đồng hồ.
Xếp mía thành đống xong. Như thường lệ, vệ binh cho chúng tôi 1 tiếng để nghỉ ngơi, được đi mua bán ăn uống gì đó tuỳ thích, nhưng luôn phải đi theo tổ 3 người. Xong. Hai cậu vệ binh cũng chui vào quán, thưởng thức cái nồi ngồi trên cái cốc.
Bảo giật vai tôi. Bố tôi kìa. 
Tôi nhìn theo hướng tay chỉ.Thấy ông đứng đó, một mình, giữa khoảng đất trống, dáng nhỏ gầy, mặc bộ bà ba nâu, râu tóc bạc phơ. Tôi và Bảo rảo bước tới gần mà hình như ông vẫn chưa nhận ra. Tới lúc tôi chào, và Bảo nói: 
Bố. Không nhận ra con à. 
Ông cụ chợt giơ hai tay ra phía trước, chớp cặp mắt mờ đục. Chắc ông không thể tưởng tượng được đứa con trai của ông trong một bộ dáng tiều tuỵ như vậy.
Ông ôm chầm lấy nó, kêu lên nghẹn ngào: Con tôi !

Rồi hai cha con cùng khóc.

Nguyễn Khôi Việt

Tuesday, April 18, 2017

                                                 
                                           Vô cùng thương tiếc 
                                           Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhân                                                                                      

Khoảng giữa năm 1977, tiểu đoàn tù binh chúng tôi được phân tán ra để chuyển trại đi nhiều nơi. Một số đi đâu không rõ, còn chúng tôi mấy chục mạng được về Hóc Môn, căn cứ của liên đoàn 5 Công Binh cũ. Bị cầm tù trong rừng rú hai năm trời, về một nơi có nhà cửa tường xây, mái lợp fibro ,nhiều người cảm động quỳ ôm nền xi măng quen thuộc, vì đã tưởng như sẽ không bao giờ gặp lại những gì gọi là thế giới văn minh nữa. 
Ở đây không có đất để cuốc đất trồng khoai hay củ mì, nên ngoài những lúc đi làm cỏ cạnh hàng rào hay vệ sinh quanh chỗ ở, chúng tôi phải đi rỡ mái tôn của những khu nhà còn rất đẹp trong trại. Tháo gỡ những bồn cầu của khu nhà vệ sinh. Trong lòng người nào cũng tiếc hùi hụi khi phải phá bỏ những ngôi nhà đẹp đẽ như vậy. Sau mới biết họ sai chúng tôi tháo dỡ tôn, bồn cầu, thậm chí cả gạch bông, cửa sổ để bán, hoặc đem ra Bắc.
Và lúc ấy tôi nhận ra, không xa lắm, cách chúng tôi một hàng rào ngang qua ban quản giáo, là khu của các chị nữ quân nhân.
Lúc ấy gạo không có, đồ ăn sáng và chiều chỉ có hai miếng bột mì luộc bằng lòng bàn tay. Xen kẽ với những ngày ăn bột là những ngày ăn khoai lang, một ngày được 4 củ khoai lang dài chừng gang tay. Ăn xong có nhiều người vào chỗ nằm không dám động đậy vì sợ "tiêu hết năng lượng". Ở trại này chẳng có gì ngoài những xe cần cẩu, xe ủi ngổn ngang nằm đợi rỉ sét và những cây bã đậu. Cũng đã có người đói quá ăn cả hột bã đậu, và sau đó đi cầu không ngớt vì hột bã đậu là một loại thuốc xổ mạnh. Một tay dược sĩ, tất nhiên rõ những gì độc hoặc không độc, đi vớt cả thau nòng nọc cóc, nhưng cứ nhất định là ăn được. Con gì ngo ngoe là ăn được hết. Anh ta nói. Tất nhiên chúng tôi xúm vào giựt cái thau đó đổ đi. Hình như cái đói làm con người không còn lý trí gì nữa. Vì vậy có nhiều người "bị" kêu lên "làm việc", được cho ăn vài bữa no nê và những lời hứa hẹn. Sau đó đã cam tâm làm antenne cho họ. Bán đứng đồng đội.
Một thời gian sau, có vẻ như được tiếp tế nhiều hơn từ Liên Xô. Lượng bột mì cũng khá hơn. Ăn bột luộc riết không nổi, mấy tay trưởng khối đề nghị với họ làm lò bánh mì. Nhờ đôi chút "kiến thức" tôi được ở trong đội làm bánh mì.
Công việc này cực vì gần như làm suốt ngày nhồi bột, làm bánh, nướng bánh, đốt lò. Nhưng được cái no bụng vì ăn bánh mì thả giàn, và "chôm" bột đã nhồi về cho bạn bè tha hồ nấu nướng, làm bánh canh.
Lò bánh mì không xa các chị nữ quân nhân là mấy, chỉ cách một hàng rào kẽm gai. Khu nhà vệ binh và quản giáo cũng không gần, để đôi khi tôi có thể nói dăm ba câu thăm hỏi, và để lên tinh thần lẫn nhau.
Nhưng thật bất ngờ, một thời gian sau khi tiếp xúc một số chị, những người đàn bà chân yếu tay mềm kia, đều có một tinh thần sắt thép cứng cỏi. Không đội trời chung với Việt cộng. Thay vì chúng tôi an ủi họ, thì họ lại dạy cho chúng tôi phải luôn luôn giữ vững lập trường Quốc Gia. Đừng để "chúng nó" khuất phục các anh, chết vinh hơn sống nhục. Các anh đừng lo cho chúng tôi. Ở đây chúng tôi trăm người đều đồng lòng như nhau.
Gặp các chị không nhiều, và cũng không nói được nhiều. Nhưng từ xa họ gởi cho chúng tôi những cái gật đầu, ngước mặt, và những ánh mắt rực lửa căm hờn. Các anh nói nhau đừng bao giờ làm antenne cho tụi nó. Hèn hạ lắm.
Tất nhiên những thằng tù chúng tôi phục sát đất sự cứng cỏi, sắt đá của những người nữ quân nhân trước kia chỉ quen với công việc bàn giấy văn phòng hơn là súng đạn.
Vài tháng sau đội của chúng tôi chuyển lên Phước Long.
Trong tâm trí tôi đến giờ, những người bạn chiến binh nữ quân nhân đó vẫn để trong tôi một niềm kính phục và thương mến.
Và ngày hôm nay. Sáng thứ Ba, lúc 1:43AM, ngày 18 tháng Tư, Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn qua đời tại Little Saigon, California.
Chúng tôi, những người lính, thương phế binh, quả phụ Việt Nam Cộng Hoà luôn nhớ ơn chị.
Và Tổ Quốc Tri Ân chị, Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.

 (Khôi Việt )

                               Nữ quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Sunday, April 16, 2017



                                                    ảnh Khôi Việt

Chuyện gạo nước.

Mỗi lần đi thăm con ở Atlanta, tôi thường ghé chợ Đại Hàn, Korea theo cách gọi của người Việt bên này, kể từ khi con gái nói: bố má mua gạo Đại Hàn ăn, ngon và dẻo. Dù sao ăn cũng tin tưởng không bị nhiễm thuốc sâu rầy như gạo Việt Nam hoặc Thái.
Cũng mua về ăn, không muốn mua gạo Thái Lan, biết đâu chủ của nó cũng là...Tàu. Như nước mắm vẫn thường hay ăn từ lúc qua Mỹ, thấy đề made in Thailand, té ra của Tàu. Mấy lần mua gạo Việt Nam, nghĩ dù sao cũng là...quê hương, nhưng ăn không nổi vì khô quá, chắc khi nằm trên quầy ở Mỹ này, nó cũng đã có vài năm tuổi rồi. Có lần mở bao gạo ra còn thấy có cả vài hạt đậu đen đi theo. Nhiều bạn bè của tôi nghe nói tới gạo Việt Nam là "sorry" thôi vì ăn không ngon.
Gạo của Đại Hàn đều là loại gạo hạt hơi tròn, tuy dẻo nhưng ăn lạt và cứng cơm. 
Ngồi lẩn thẩn nghĩ về ngày xưa, mẹ là chủ nhân một vựa gạo, lúc nào gạo trong vựa cũng khoảng 4,5 trăm bao, còn có than, dầu hôi, nước mắm Nhĩ (thiệt chứ không bao giờ có giả, khoảng trăm tỉn), đường (đường trắng, vàng hạt lớn, hạt nhỏ, trong bao tạ 100 ký như bao gạo)
Lại nghĩ sao hồi đó người ta lại đóng đường vào bao tải? Mỗi lần xếp những bao tải đường đã bán hết để trả lại cho vựa ở Bình Đông, tôi thấy đường bị dính theo bên trong bao rất nhiều, cả nửa ký lô chứ không ít. Có lẽ vì sản xuất được nhiều, nên giá thành rẻ, chẳng ai nghĩ đến tiết kiệm chút đường làm gì cho mệt. Vùng Đức Hoà, Đức Huệ trồng mía bạt ngàn. Nhà máy đường ở đây còn sản xuất cả rượu rhum mang tên Hiệp Hoà. Rất ngon và xuất cảng đi nhiều nước trên thế giới, còn có một loại rhum khác mà tôi quên mất tên, có hình một ông già, rất phổ biến trong giới lính tráng, và được đặt tên "ông già chống gậy".
Mẹ bán gạo, nên tôi rất rành về gạo. Với một ống sắt gọi là cây xâm, dài gần 2 gang tay, nhọn vát một đầu, chắc bây giờ cũng vẫn còn xài, xâm vào bao gạo, tôi phân biệt được ngay đó là gạo gì. Gạo thơm bây giờ không biết còn nhiều không? Chứ hồi đó đủ thứ. Tám Thơm, Nanh chồn,Nàng Hương, nàng Quất, Móng Chim, Chợ Đào, hơi giống nhau ở chỗ hạt gạo nhỏ rí, thuôn dài, thanh thoát. Tất cả đều rất dẻo ngon, cho đến cuối mùa vẫn nguyên hương vị và mềm cơm. Những loại này bán rất chạy. Người miền Nam đều thích ăn loại gạo thơm hạt dài này.
Những loại gạo hạt tròn, bụng hơi trắng, như Ba Thác, Ba Giăng, Sóc Nâu, Ruột Ngựa... Nếu có dẻo lúc đầu mùa thì ăn vẫn cứng cơm và lạt lẽo, cuối mùa thì gạo nấu nở to rất vô duyên. Loại gạo này chỉ được những người thuộc lớp bình dân, các quán cơm ưa chuộng vì rẻ hơn nhiều so với những loại gạo thơm hạt dài.
Gạo Korea hạt tròn này, tôi thấy có vẻ cùng giống với những giống gạo rẻ tiền ngày xưa, gạo này bán ở miền Nam chắc dẹp tiệm sớm vì ít khách.
Không biết những vựa đầu mối khác thế nào. Nhưng chỗ bỏ mối gạo cho mẹ tôi, họ luôn cân bao gạo hơi giác một vài lạng. Vì họ biết bao gạo trước khi đến tay người tiêu thụ, cũng bị hao đi đôi chút vì sẽ có vài người khách xâm ra để xem mặt gạo. Họ cân như vậy để trừ hao. Điều đó cho thấy trong buôn bán ngày xưa nhiều người rất chân thật, và chịu nghĩ tới những người bạn hàng của họ.
Cuộc sống dễ chịu, nên tất nhiên con người hướng tới những sản phẩm tiêu dùng có phẩm chất cao. Xài than thì phải mua than Đước, loại than rất chắc và đượm lửa. Mua chỗ nào cũng có nước mắm Nhĩ mà không có nước mắm giả hoặc pha phách, gạo thì ăn gạo thơm Nanh Chồn hoặc Nàng Hương. Gạo Thái Lan hồi đó không "có cửa"(nói theo ngôn ngữ bây giờ) vì không ngon so với bất cứ loại gạo bình dân nhất của miền Nam, tuy rằng rất dẻo , nhưng hầu như ít người thích. Có lần mẹ tôi đã phải bán đổ bán tháo đi một số lượng lớn loại gạo này.
Bây giờ rượu rhum Hiệp Hoà mất tích ở Việt Nam, nước mắm Nhĩ giờ muốn ăn mà không sợ lo lắng, lại phải kiếm một cái tên ngoại quốc lạ hoắc trên...Amazon, gạo ăn cho ngon phải mua gạo của Thái, cho dù cũng chẳng thích gì nó. Đồng bằng sông Cửu Long đang chết dần. Mai đây nước tôi chẳng biết có còn những tên gọi thương yêu Móng Chim, Nanh Chồn nữa hay không. Hay là lúc đó dân tôi phải ăn gạo...Thái Lan.
Giờ nghe nói sẽ nhập cảng muối. Trong khi nước chúng ta nhìn về phía Dông là biển xanh bao la. Những ruộng muối ở Phan Rang, Phan Thiết đủ sức cung cấp cho cả Đông Nam Á. Trước kia dân miền Nam chê các loại đồ hộp, thịt hộp vì ăn không ngon, và tốt như đồ tươi, bây giờ Việt Kiều về nước mang theo muối và ...đồ hộp. Dân có tiền ở Sài Gòn giờ mua cá nhập của Nhật, vì sợ ung thư do nước biển ô nhiễm chất độc của Formosa. Họ mua thịt bò nhập của Úc hoặc Mỹ. Mai mốt đây chắc sẽ mua nước lạnh nhập từ...ngoại quốc, hoặc mua không khí đóng hộp( của Anh hay Mỹ tôi không nhớ rõ) về ngửi như người dân Trung cộng đã mua. Còn những người dân nghèo, chạy gạo ăn từng bữa, thì đành chấp nhận đối diện với Tử thần đang bước tới gần họ, chậm rãi nhưng rất chắc chắn.
Rất nhiều người Việt Nam thờ ơ để tranh đấu cho môi trường sống bị huỷ hoại nghiêm trọng. Họ không nghĩ rằng khi môi trường bị ô nhiễm, nó sẽ tác động đến toàn diện. Khó mà chạy thoát. Đành phải tự an ủi, ăn gì cũng chết, không chết trước cũng chết sau. Thôi cứ nhắm mắt ăn đi đã. 

Khi người Việt chúng ta, khí phách, phẩm chất, và sức khoẻ đã không còn, trước sự xâm lăng có hệ thống của Trung cộng, đại hoạ mất nước là điều không tránh khỏi.

( Khôi Việt )

Wednesday, April 12, 2017


                                         nh Khôi Vi
             


V mt thi rt xa

1. Những cuộc tình ly biệt

Khi chia tay nhau cuối đường
Ta không hỏi nhau bao giờ gặp lại
Bao giờ ?
Bao giờ ?
Câu trả lời tắt lịm trong phiến
linh hồn âm u hoá đá
Ngã tư đèn xanh đèn đỏ
Hàng quán xôn xao vĩa hè chộn rộn
Giòng xe cộ ngược xuôi mắc cửi
Không ai biết không ai hay
Ngày mai có người ra trận chiến
Bên kia vùng trời đêm sáng rực hoả châu
Có giọt nước mắt nào
vừa lặng lẽ
Một phần đời ai đã mang đi.
Đêm chưa qua mà sao mai vội vàng
thức giấc.

2. Ở trùng trùng. Hai phía

Chiến tranh
Mang chúng ta đi về hai phía
Phía nào cũng đầy dẫy tai ương
Chiều hành quân phục kích
Khuya thám sát mở đường
Đêm thăm thẳm những vì sao thở dài bất trắc..
Đêm tận cùng đêm
Người chết hôm qua cho người sống
hôm nay
Những vết thương tươm máu
mưng mủ
Đau đớn thấu thịt da
Những trái tim nhỏ máu nóng hổi
chưa lần đập bồi hồi tên gọi tình đầu
Đất mẹ trở mình vật vã
Lá Quốc Kỳ ôm ấp thân anh
điệu kèn não nùng
tiễn đưa thổi từ lòng đất
Lời chào vĩnh biệt
Rồi đất sẽ hồi sinh .
Sẽ hồi sinh.
Mẹ quờ quạng mắt mù loà thương khóc con trai
đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác dưới khăn tang
( chắc tự hỏi sao màu khăn lại trắng)
Bé thơ ơi
Gai sớm nở khi em còn quá nhỏ
Trái tim thiếu phụ khói nhang lùa về
tìm nơi
ẩn náu
Bàn tay buông những bàn tay ..
( ôi anh , em sẽ sống làm sao !!!)
Tuổi trẻ chúng ta ..chết mòn theo chiến tranh
Nhưng họ vẫn băng về phía trước
Ra chiến trường bằng trái tim nóng hổi
Chữ hy sinh không nằm trong giáo trình tự điển
Nên xá gì vị quốc vong thân
Ôi những người lính trẻ mang khí phách của Ngô Quyền, Hưng Đạo
Đi và đi và đi ..
Hàng hàng những bước chân tiếp nối
Sử xanh làm sao chép hết những trang sử oai hùng
Từ cha từ anh từ chị từ em.
Nên ...em ơi
Tình yêu chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ nhoi
trong đại dương cuồng nộ
Là máu lệ
là quan tài tươi
là xích xiềng
tù tội
Nên. Xin em đừng khóc.
Đời anh và đời em
Tình anh và tình em
Những mối tình thời chinh chiến
Như hơi thở ngày thoi thóp
Chờ cuộc tàn hơi
Chờ một ngày mai không bao giờ có mặt

3.Ở một nơi. Không thuộc về nhau

Như hàng triệu người lìa bỏ quê hương
Chúng ta là những người may mắn
Còn thấy trời xanh sống sót
sau cuộc chiến tương tàn
Thần chết đã quên gọi tên ?
Quên gọi tên ? ( Tôi đã nghìn lần tự hỏi )
Em lam lũ đời thiếu phụ
Gánh nhọc nhằn gánh cả oan khiên
Tôi còn nguyên đây phế tích chiến tranh
Và trái tim tật nguyền
Gặp lại nhau chiều nương náu xứ người
Đôi mắt em chở vẹn nguyên tiếng
thở dài khô thoát từ lồng ngực
sâu thẳm
nét môi cười kết từ ngàn chương héo hắt
Như lần cuối cùng chia tay nhau cuối đường
Không hề hỏi bao giờ gặp lại
Phố vẫn đông người qua
Vẫn ngược xuôi xe cộ
Nhưng chúng ta đã khác
Một nửa đời sau không thuộc về nhau
Em tất tả xuôi giòng xe cộ
( có phải em đang khóc ?)
Tôi ngược phía cuối đường
(nếu anh có thể được ôm em và khóc cùng em )
Ôi, em ơi. Em tội nghiệp của tôi .
Nợ nần nầy tôi biết trả về đâu ?
Những mối tình nở hoa trong lửa đạn
Tàn tạ dần rơi rụng cánh xương khô
Bởi, từ bắt đầu đã nẩy mầm xa cách.
Từ bình minh đã chớm hoàng hôn

4. Về một thời...ly biệt.

Chương cuối- Ngày đó.
Đời anh và đời em
Tình anh và tình em
Ta đi qua, đi qua, đi qua...
Hoàng hôn xám nằm phả hơi trăn trối
Trùng trùng cách biệt
Đời này
Ta thật sự lìa nhau
Ta có được gặp nhau lần nữa trong
chuyến tàu cuối đời không em ?

Như ngày nọ .
Không ai trả lời dùm chúng ta
Nó lịm tắt
trong phiến linh hồn âm u
hoá đá..
Đêm bất tỉnh

(Nht Tân)


Saturday, April 8, 2017

                                             ( ảnh KV )

Ngày 24 tháng 4
Buổi sáng, trời còn tối đen đã ba lô súng đạn lên GMC đi về hướng Trảng Bàng, Tây Ninh, nửa đường nghe pháo 130 ly nổ dọc theo quốc lộ, nó bắn để thị uy chứ xóm ấp hai bên đường đâu có đơn vị bạn nào ở đó, chỉ trúng sập nhà chết dân thôi.
Tiểu đoàn đổ quân xuống Lộc giang để giải toả xã này. Nếu không được thì thằng nằm ngoài trại Tân Hoà cạnh bờ sông đi đứt vì mấy ngày nay bị pháo dữ lắm. Thằng em cũ của mày đấy. Chắc mày mắc nợ nó. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng nói.
Đoàn văn Tiến- Tiến râu - đại đội phó của tôi trước kia, bây giờ qua làm đại đội trưởng của tiểu đoàn khác, lòng vòng rồi cũng gặp nhau. Nó bị vây mấy ngày rồi. Pháo dữ lắm anh, anh không vô được chắc mấy thằng em bị thương hôm giờ chết hết quá. Quên nói nó cũng là anh em kết nghĩa với tôi. Dân Huế chính gốc, râu quai nón, uống rượu bằng tô. Ngang tàng không ai bằng.
Buổi chiều tối. Tiến quân qua cánh đồng ruộng khô bị khựng lại, liên đoàn báo xuống trên hướng tiến quân có đồn nghĩa quân bị đóng chốt ngay bên ngoài vòng rào, chỉ có hai ba chốt thôi nhưng mấy anh nghĩa quân chịu trận không ra được. Tiểu đoàn trưởng nói đào hố nằm. Đêm xuống, ông kêu bên trong đồn nằm yên không được nhúc nhích bắn chác gì hết. Ngoài này ông đích thân cầm ống dòm hồng ngoại tuyến chỉ huy trung đội thám báo bò vào đánh lựu đạn.

Ngày 25 tháng 4
Cả tiểu đoàn nằm lại bố trí chờ cho dân trong xã chạy ra, không nhiều lắm vì tụi nó kềm chế, không cho dân di tản. Nhưng vẫn phải chờ vì nếu vào sẽ đụng lớn, chỉ chết dân thôi. Lúc này pháo 130 li từ hướng Đức Huệ bên kia sông bắn qua, và từ Chà Rầy mật khu Bời Lời bắn tới. May sao từ sáng đến giờ chưa có em nào bị dính miểng. Pháo 130 li miểng nào miểng nấy bằng cái tô. Có điều họ cũng không bắn vào trong xã. Chắc tại họ đặt bộ chỉ huy trong đó, còn những đám chốt quanh làng bắn AT 3 và 82 không giật ra như mưa. ĐM...chắc hồi nào giờ tụi nó không được bắn. Lính chửi đổng. Từ đầu tháng đến giờ trời không mưa, nắng đổ lửa trên đầu.
Không có đường nào đánh ngang hông. Cả tiểu đoàn tiến theo hình chân chim vào mục tiêu.Pháo nhiều quá. Dễ chừng có đến ba vị trí pháo đang thả dàn bắn TOT( time on target) vào chúng tôi. Lên được chút nào thì đào hố nằm lại chịu. Hai cây 155 của sư đoàn 25 nằm ở sân banh gần thánh thất Cao Đài bị pháo trúng nổ tan tành, pháo 105 của quận Trảng Bàng cũng bị không khá gì hơn. Bây giờ chỉ còn đánh bằng hoả lực cơ hữu và tác chiến cá nhân mà thôi.

Ngày 26 tháng 4
Đào hố cá nhân nằm hai bên con đường, pháo bắn lai rai dọc theo đường và bìa xã sớm đến giờ. Bây giờ thiếu tá tiểu đoàn trưởng bận rôn với dàn hoả tiễn của "ngài" để phản pháo lại vị trí của mấy cây 130 li từ bên kia Vàm Cỏ Đông bắn qua. Hoả tiễn xin bên mấy xếp của Không quân. Phóng bằng ống phóng của trực thăng đặt trên xe Dodge. Hôm đóng quân trong nhà máy đường Hiệp Hoà năm trước, ông chỉ tấm bảng đồng ghi tên vài nhân viên của nhà máy gì đó trong nhà máy. Mày nhớ chỗ này nghe. Kiếm cho tao cái cưa sắt. Làm gì thiếu tá. Ăn trộm chứ làm gì mày. Đêm đó hai anh em ngồi cưa được một miếng lớn bằng hai bàn tay. Mấy hôm sau ngài ngồi hì hục mài đục dũa cả ngày. Sau đó ông hớn hở đưa tôi xem công trình hoàn tất là một bảng chia độ cái máy nhắm tự chế cho giàn phóng hoả tiễn của ông. Bắn xa vài cây số không biết sai lệch ra sao. Chứ lúc đánh "chốt" tầm xa 4,5 trăm thước bắn không trật chút nào.
Trong khi người dân chạy loạn từ Tây Ninh về Sài Gòn, thì em chạy ngược dòng người, một mình một xe lên kiếm chồng. Không biết sao cũng mò ra hậu trạm.
Trung uý Trình- đại đội trưởng Công Vụ chở em đến chỗ tôi đang bố trí quân. Đang pháo thế này mà chạy xe lạnh mỏ ác quá. Trình càu nhàu. Ông đặc biệt lắm thiếu tá mới để bà ấy vô chỗ này đó.
Nhảy xuống hố cá nhân ngồi nói chuyện trong lúc pháo rải rác khắp nơi, em nói: anh ơi về với em đi. Ở Sài Gòn người ta đi nhiều lắm.
Tôi chỉ cho em thấy 3 trung đội đang bố trí phía trước. Em nghĩ, anh là cái đầu mà dễ dàng bỏ đi vậy à. Em im lặng, nắm tay tôi. Buồn, lúc nào cũng mang vẻ chịu đựng.
Chở em ra ngoài quốc lộ 1, pháo nó vẫn bắn dọc theo hai bên đường. Lạ cái là xe đò vẫn chạy. Với dân mình, chiến tranh một lúc nào đó đã làm con người chai lì và cứng cỏi ít có người dân nước nào sánh kịp. Tôi đưa em lên xe. Vì không dám để em chạy Honda một mình trên đường với quá nhiều bất trắc. Chiếc xe sau này chuyển quân đi, phải gởi lại Tha La xóm đạo. Mất.

Ngày 27 tháng 4
Chiếm được mục tiêu hoàn toàn vào buổi chiều. Có một chiếc Tinh Long C119 yểm trợ rất cần mẫn. Đào hố nằm nghỉ lại trong làng, bên cánh trái có tiểu đoàn 1/50 của sư đoàn 25. Cũng nhẹ bớt phần nào. Đi vòng quanh kiểm soát, thấy nhà cửa, dân chúng thật là bi thảm. Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng kêu tôi đi với ông ra bìa làng, trèo lên xà ngang của một căn nhà ngói lớn để trổ nóc nhà, quan sát mục tiêu để vào cứu "thằng em". Chắc tiền sát viên của họ trông thấy, nên bắn gần chục trái 130 li xung quanh. Hai anh em bị sức nổ ép rớt từ trính nhà xuống. Nằm một hồi mới lóp ngóp bò dậy được. Phước đức ông bà không bị sao cả.
Nhưng nỗi lo là làm sao vào cứu "thằng em"ra được. Từ bìa làng tới căn cứ đó là một cánh đồng ruộng khô rất lớn. Chạy hết tốc lực may ra tấp vào được mấy bờ đê. Còn không thì đưa lưng ra cho pháo chắc chết hết.
Rồi đến sẩm tối, sau cả ngày bò lăn, lê lết trên cánh đồng, rồi cũng đánh bật hết các chốt chung quanh căn cứ Tân Hoà, "bắt tay" được với thằng em bơ phờ râu ria hốc hác. Nó bị vây và pháo gần nửa tháng chứ ít gì. Anh biết không? Đất trong trại bị pháo riết rồi tơi như cát hết. Nó nói. Mừng cho nó là không có binh sĩ nào chết. Chỉ toàn bị thương. Không có chú nào bị nặng lắm. Nhưng cũng chở đầy một xe GMC thương binh. Đại đội tôi bị thương tám binh sĩ và một chuẩn uý mới ra trường bị thương vào đầu gối. Từ hôm 24 đến giờ chỉ toàn bị thương. Không có ai chết. Hên quá.

Ngày 28 tháng 4
Trung tâm hành quân cho biết là khu ngã ba Vựa heo, tức phía sau lưng, bị Việt cộng đóng chốt. Nên tiểu đoàn 1/50 được lệnh quay trở ra đánh giải toả. Có nghĩa là chúng tôi sẽ nằm trong tình trạng khó khăn hơn với mục tiêu phía trước, địch nằm sau lưng. Rồi khi tiểu đoàn đó ra tới thì nghe trong tần số hành quân những chuyện buồn ngoài dự đoán. Tiểu đoàn trưởng nhận toàn những tin không vui, ông than thở: chúng nó đánh giặc như c...Thấy tình hình mà tao muốn tự tử quá. Pháo bắt đầu nặng hơn. Lúc lội qua một con kinh đào, đại uý Phong tiểu đoàn phó đang đứng trên bờ la hét thì bị một trái 130 li nổ bên bờ kia, hơi ép rơi cái ầm xuống kinh. Mấy thằng em vội vàng nhảy xuống lôi lên. Nghĩ lúc đó tưởng cha này thế nào cũng khó nuôi rồi. Té ra vẫn ngoác miệng nà nà nắm nắm. Ông thần này nói ngọng hết biết. Nờ thành lờ, lờ thành nờ. Nghe là thấy buồn cười. Mà cả đám lúc đó cười thiệt.Hình như tới một giới hạn nào. Chuyện sống chết đều coi thường. Cứ cười giỡn như không. Dù rằng có lúc cả đám mặt dài ra như mặt ngựa.
Vẫn còn chiếc Tinh Long C119 bao vùng bắn yểm trợ. Nhưng đột nhiên, khoảng 9 giờ tối, khi chiếc này đang chăm chỉ bắn thì cả một rừng đạn phòng không bắn lên nổ như sao trên trời. Đến lúc đó chúng tôi mới biết là Bắc quân đã ở đầy quanh Đức Huệ. Chắc phải vài chục khẩu phòng không bắn lên chứ không ít. Giờ này mới ló mặt ra, chắc để dằn mặt thị uy. Khoảng 11 giờ đêm, nghe tiếng xe tăng từ phía bờ sông Vàm Cò Đông khoàng cách hơn cây số đường chim bay. Tụi nó qua sông. Xe tăng mở đèn sáng choang như ban ngày không chút e dè. Mẹ! Đất nước mình mà nó chạy rần rần coi mình như pha. Tất cả chuẩn bị M72, XM202 lựu đạn. chuẩn bị tử chiến. Nhưng cuối cùng bọn nó chuyển hướng không đi ngay mình mà đi về Đức Huệ.
Lầm lủi trong đêm. Chúng tôi quay ngược trở ra để giải cứu cho bộ tham mưu chi khu Trảng Bàng. Pháo bên địch cứ bắn 3 trái nổ thì lại bắn 1 trái sáng, suốt cả mấy tiếng đồng hồ liền, chắc để họ quan sát xem bên trong có di tản không.. Lúc trung đội thám báo đang cắt dây kẽm gai để bên trong có đường ra. Bên trong pháo binh của mình bắn trực xạ ra hai trái. May mà không có ai bị thương. Khi trước đó đã liên lạc rất chặt chẽ rồi. Chẳng hiểu bên trong họ làm cái gì.

Ngày 29 tháng 4
Kéo quân vào trú trong Tha La xóm đạo. Tới giờ thì đã hoàn toàn mất liên lạc với những đơn vị chung quanh, kể cả trung tâm hành quân. Kệ, cứ kéo vào quán uống cà phê cái đã. Tha La cảnh đẹp thật, vào đó mát rượi với những khóm Trúc hai bên con đường làng. Hèn chi được Dzũng Chinh đưa vào nhạc.
Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng dự tính sẽ đặt mìn giật sập cây cầu từ ngoài bưng vào Tha La, để bộ binh và tăng của Bắc quân không vào theo ngã này được. Nhưng sau thấy chỉ thiệt hại cho xã và dân. Nên thôi.
Chợp mắt được hơn tiếng đồng hồ sau mấy ngày không ngủ. Sẽ di chuyển đêm để về Hóc Môn lập phòng tuyến cuối cùng
Điều đáng nói là khi đơn vị triệt thoái. Ngoảnh nhìn lại lần chót ráng chiều tuyệt đẹp khắp tàng cây cọng cỏ, trên những rặng Trúc vàng khắp Tha La. Phía ngoài xa kia, nơi đầu cầu bìa làng. Tôi thấy trong đồn nghĩa quân, người lính vẫn ngồi trên vọng gác. Và tôi biết chắc rằng, anh hẳn đã nghe tường tận những gì diễn biến qua đài phát thanh Sài Gòn mấy ngày nay.
Đó là hình ảnh cô đơn, lẻ loi nhất, nhưng cũng đầy ấn tượng bi hùng nhất mà tôi không bao giờ quên được. Đó chính là những gì mà người ta hay nói về. Đó là Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Ngày 30 tháng 4
Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4. Toàn đơn vị di chuyển về hướng Hóc Môn, ngoại ô Sài Gòn với mục đích lập một phòng tuyến tử thủ, cho dù liên lạc vô tuyến với trung tâm hành quân và các đơn vị bạn không còn nữa. Đâu khoảng xế trưa mở radio nghe Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn mà không khỏi chửi thề. Cả tiểu đoàn đi âm thầm dọc theo bưng Thái Mỹ,sau này nghe nói có tên là nông trường Lê Minh Xuân. Anh và một số sĩ quan mà tôi không rõ đơn vị đi theo đại đội chúng tôi. Đến ba giờ chiều thì chạm địch. Anh bị đạn trúng ngực. Biết là không thể sống được trong tình trạng tuyệt vọng đó, anh nói tôi giữ cái bóp giấy tờ để đưa lại cho vợ của anh. Tôi đã nợ anh một lời hứa và xin anh tha lỗi. Vì đến cuối ngày khi tôi bị bắt thì tất cả những đồ đạc giấy tờ cá nhân, áo trận có cấp bậc của mọi người bị lột xuống chất thành đống và họ đã đốt tất cả. Tất nhiên cái bóp giấy tờ của anh cũng chung số phận. Tôi không quen anh để biết nhà hầu sau này có thể tìm kiếm. Chỉ biết anh là đại úy Lê văn Cang (hay Can ??) trưởng ban 3 Hành quân của quận Trảng Bàng. Xin lỗi chị Cang rất nhiều. Cũng không biết chị có còn sống sót qua cơn binh lửa đó hay không. Ngày ra tù tôi cũng cố gắng hỏi thăm, nhưng biết đâu mà tìm trong thời điểm đó. Thôi, nếu chị còn sống và nếu tình cờ đọc note này, thời gian qua đi tôi nghĩ những đau đớn cũng đã phai nhạt, nhưng nếu chị rơi nước mắt nhớ anh, thì cũng an ủi là trong giờ phút cuối cùng anh Cang vẫn nhớ đến chị và các con: “anh đưa giùm cho vợ tôi, nói là tôi yêu bả”.
Đại đội tôi trong thời điểm cuối này nhiều người đã bị thương rất nặng, tôi không nghĩ họ sẽ được chữa trị và sống sót. Những thương binh đang điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà còn bị đuổi ra ngoài, huống hồ những kẻ bị thương ngay tại trận địa. Xem ra tôi đã mắc nợ và có lỗi với rất nhiều người.
 Còn về thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Ông đã không vào cùng chỗ với chúng tôi, mà băng trong lau sây của bưng Thái Mỹ về nhà gần Sài Gòn. Đó là một quyết định khôn ngoan. Ông quá nhiều chiến công. Bắt được ông, điều chắc chắn đó là cái chết.

Ngày đó 2 tháng 5.
Tôi và những người bạn sĩ quan bị bắt vào giờ thứ 25, đêm 30-4 tập trung tại một trường học. Trưa ngày 1 tháng 5 được ra gặp em. Em mắt khóc tiều tuỵ, đứng cách nhau hàng rào kẽm gai. Mất nước rồi anh ơi. Câu nói lập đi lập lại của em ngập với chan hoà nước mắt được đứng với nhau 15 phút ngắn ngủi, chẳng nói được với nhau thêm điều gì. Cuối tháng chưa có lương, chỉ có đúng mười ngàn đưa cho em vì biết chắc rằng sẽ chẳng có gì để mua bằng tiền của miền Nam Việt Nam được nữa.
Sáng 2 tháng 5 . Bị dẫn đi về hướng bờ sông Vàm Cỏ Đông. Không biết sẽ đi đâu, chúng dẫn đi dọc theo thị xã, vẫn có người dân chạy theo dấm dúi cho chúng tôi chiếc áo, đôi dép, mặc cho đám vệ binh hầm hừ quát tháo. Nhớ hoài cô bé mặc chiếc áo sơ mi còn huy hiệu của trường trung học, chạy theo đưa cho tôi chiếc bánh tét và đôi dép, nước mắt đầm đìa: Anh ơi, mất nước rồi. Y hệt như câu em của tôi hay nói.
Cuối cùng sau hơn nửa tháng đi bộ, băng qua những xóm làng giáp biên giới bị Việt Cộng chiếm từ 72. Những đứa trẻ ốm gầy khẳng khiu, quần áo tả tơi nhưng vẫn chạy theo đám tù binh ném đá và chửi: Tù binh ngoan cố. Chúng tôi tới một trại tù nằm bên kia biên giới Miên, giáp Phước Long. Trại tù đầu tiên của nhiều lần chuyển trại tù sau đó. Trại Nước ngập. Cái tên nghe nhiều khủng bố đe doạ. Bước vào trại, kinh hoàng thêm khi nhìn thấy những thân hình gầy guộc,với những khuôn mặt xanh xao như ma đói, không còn chút sinh khí nằm trên chõng tre, sâu dưới tàn lá của cây rừng rậm rạp, mà tia nắng mặt trời không qua lọt. Nơi đây đã giam giữ những người tù binh trong chiến tranh.
Tôi và em. Đến khi gặp lại nhau lần đầu tiên khi được thăm của tháng 8 năm 1977. Mới biết rằng trong buổi sáng ngày tháng 5 tang thương đó. Em đã chạy theo tôi băng đồng, qua suối, qua những trảng ruộng khô nắng bốc khói của ngày tháng 5 để mong được nhìn thấy chồng lần cuối. Vì biết đâu sẽ không bao giờ thấy nhau lần nữa.
Thương em như câu hát: ơn em thơ dại từ trời, thơ dại từ trời, từ trời theo ta, theo ta từ trời. Xuống biển lượm đời, lượm đời ta lên ...
Và phần thứ hai, xin các bạn đọc những cảm xúc, ý nghĩ của em tôi ngày ấy. Trong binh biến tao loạn mà chạy từ Sài Gòn xuống kiếm chồng bất kể chết. Và tôi chắc chắn rằng trong thời gian đó. Cũng có trăm ngàn người vợ lính cơm nắm cơm gói, không quản thân mình cam go cùng khổ để kiếm cho ra người chồng lính của mình dù rằng chỉ còn là một thân xác rữa nát.

( Nguyễn Khôi  Việt )

Thursday, April 6, 2017



                                         Sài gòn, ngày trở lại.



THƯƠNG QUÁ SAIGON NGÀY TRỞ LẠI
  ( Nguyễn Minh Nữu )



Tôi đang ngồi ở một quán cà phê ven con lộ vắng chạy cong cong theo bờ kênh Tẻ. Đây là quán thứ ba kể từ buổi trưa nay. Tôi loanh quanh trên con lộ mới này, gọi là mới, vì tôi đoán chừng con lộ và cả khu dân cư này được xây dựng chưa tới hai mươi năm. Năm 1995, trước khi tôi rời Saigon, thì nơi đây vẫn còn là cánh đồng mênh mông cỏ lác.
Ngày mai tôi lại xa Saigon rồi. Ba mươi ngày sống với ngờm ngợp bằng hữu, sống tung tăng với bờ cây góc phố xưa, chạy xe gắn máy một mình loanh quanh hết đường này qua ngõ nọ, nơi đâu cũng bát ngát những kỷ niệm, những ân tình ngày xưa gieo xuống, sống tận cùng mỗi khoảnh khắc khi thức dậy buổi sớm mai, và kể cả khi nằm ngủ để hiểu được rõ rằng mình không đi tìm cái gì hết, mà thực sự là về để được sống với một thời quá khứ. Ngày chót trước khi rời Saigon, tôi không giữ một cuộc hẹn nào với các thân tình, mà muốn một mình tận hưởng được sống với chính mình.
Tôi sinh ra ở Hà Nội, mà lớn lên ở Saigon. Vùng đất sống dài lâu nhất là khu vực giáp ranh quận Năm với quận Nhất - khu vực chân cầu chữ Y - sau đó vượt qua dòng Kênh Tàu Hủ, và sống ven dòng Kênh Tẻ. Kênh Tàu Hủ và Kênh Tẻ là hai dòng kênh song song, chính giữa là quận Tư. Còn bây giờ, tôi ngồi đây là bên kia dòng kênh Tẻ. Cùng bắt nguồn từ sông Saigon, Kênh Tàu Hủ chạy dọc theo quận Nhất, cùng với Kênh Tẻ chảy song song vào đến ranh giới quận Năm thì gặp nhau tại ngã ba sông có cầu Chữ Y, hai con kênh nhập lại thành một chạy về phía tây, chạy tuốt xuống Long An và chảy ra sông Vàm Cỏ Đông. Kênh Tẻ lớn hơn kênh Tàu Hủ. Theo Saigon Năm Xưa của cụ Vương Hồng Sển, con kênh này được đào từ năm Kỷ Mão 1819 thời vua Gia Long, và người chỉ huy việc đào kênh là Huỳnh Công Lý, nhạc phụ của vua Minh Mệnh. Khi kênh đào xong được đặt tên là An Thông Hà. Nhân vật Huỳnh Công Lý này khá đặc biệt. Nguyên do là khi vua Gia Long gần mất, có ý muốn lập tự quân là người nối ngôi, triều đình chia thành hai phe, một phe đề nghị lập hoàng tôn là con của hoàng tử Cảnh đã mất, một bên muốn lập một vị vua lớn tuổi hơn để giữ giềng mối. Cuối cùng, Gia Long nghiêng về phía lập con lớn tuổi nối ngôi là Minh Mạng.
Khi Minh Mạng lên ngôi, phe nghiêng về lập hoàng tôn trong đó đứng đầu là Tả Quân Lê Văn Duyệt đang là Tổng Trấn Gia Định Thành. Trước nhất đây là một vị tướng dày công lao, thứ hai là đang cầm đại binh trấn đóng phương xa và thứ ba, uy tín của vị lão thần quá lớn nên không thể ra mặt trị tội, Vua bèn sai nhạc phụ mình là Huỳnh Công Lý vào làm Phó Tổng Trấn, có thể cũng là để kiềm chế bớt uy quyền của Tả Quân. Huỳnh Công Lý có công đào kinh An Thông Hà, và có thể cậy công, cậy là cha vợ của vua nên khi vắng mặt Tả Quân đã làm một số điều vi phạm. Tả quân làm phiếu trình tội lỗi của Huỳnh Công Lý dâng về kinh xin trị tội. Vua Minh Mạng muốn trì hoãn nên ra lệnh giải Huỳnh Công Lý về kinh xét xử. Tả Quân biết ý vua, nhưng cậy mình có Thượng Phương Bảo Kiếm chém trước tâu sau nên ra lệnh chém và gửi thủ cấp về kinh. Hiềm khích vua tôi càng thêm nặng nề nên sau khi Tả Quân từ trần, Án Sát Gia Định Thành là Bạch Xuân Nguyên cùng các quan ở trong kinh thành Huế đồng loạt dâng biểu kết tội. Chuyện này đã làm con nuôi của Tả Quân là Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm đóng thành trì chống trả với triều đình suốt ba năm từ 1833 tới 1835.
Trong nghiên cứu “Lê Văn Khôi và sự biến thành Phiên An (1833-1835), GS. Nguyễn Phan Quang cho hay, cuộc nổi dậy này, lại thêm có Xiêm La, Cao Miên hưởng ứng với Khôi, nên rất mạnh. Vua Minh Mạng bởi việc này, mà nổi trận lôi đình, trách tội Lê Văn Duyệt nuôi mầm tai họa, án hậu tử của Lê Văn Duyệt sau đó hình thành. Sau khi bình định được thành Gia Định, vua cho giết sạch thành rồi, truyền đem hết cả những thây đó vào chôn chung một huyệt tại làng Chí Hòa bây giờ, được tục kêu là “Mả Ngụy”. Ấy là việc ghi chép chung về hậu kết cuộc nổi dậy, cả thành Phiên An tất thảy đều bị giết hết."
Cũng khu vực giữa hai dòng kênh này, nhất là bờ phía nam Kênh Tẻ, vào thời gian từ năm 1945 đến 1960 là mật khu của quân Bình Xuyên. Theo Wikipedia ghi lại là:
"Sau khi quân Anh-Pháp gây hấn ở Sài Gòn (23 tháng 9 năm 1945), nhiều lực lượng quân sự chống Pháp tự phát được thành lập. Người lập bộ đội thường lấy tên của mình đặt cho lực lượng trong vùng, như bộ đội Tân Quy cũng được gọi là bộ đội Dương Văn Dương, hay gọn hơn là bộ đội Ba Dương. Bộ đội Nhà Bè mang tên bộ đội Hai Nhị, Hai Soái... Khi Dương Văn Dương, thủ lĩnh các nhóm giang hồ Nam Bộ, thống nhất các lực lượng quân sự chống Pháp ở Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm, ông đã chọn cái tên "Bình Xuyên" để đặt cho lực lượng thống nhất này. Đây là tên chữ trên bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn để chỉ vùng Hố Bần, còn gọi là Xóm Cỏ, địa bàn hoạt động của lực lượng này. Cái tên "Bình Xuyên" còn hàm chỉ: "Bình" gợi chiến công đánh chiếm và bình định, còn chữ "Xuyên" để chỉ vùng chi chít sông rạch."
Bình Xuyên là một tổ chức tự phát tập họp nhiều thành phần là giang hồ tứ chiếng, có nông dân chân lấm tay bùn, có nho sinh, hào kiệt khắp vùng lục tỉnh Nam kỳ, nhiều tay kiệt liệt võ nghệ cùng mình mà cũng nhiều tay du đãng quanh vùng Saigon Chợ Lớn về đầu quân lập nghiệp. Sau năm 1955, khi bị đánh tan, số còn lại của lực lượng kéo về Rừng Sác rồi tan biến dần trong dân gian. Khu vực bên kia cầu Kinh Tẻ là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân Pháp với Bình Xuyên, giữa quân đội Ngô Đình Diệm với Bình Xuyên và cả giữa các băng nhóm khác nhau của Bình Xuyên tranh giành quyền lợi đánh lẫn nhau. Tàn chiến cuộc, biết bao nhiêu xương cốt, vũ khí bỏ hoang phế nơi ruộng lầy, nơi đầm nước, nơi kênh rạch mà dân cư lâu lâu lại tìm thấy.
Khi về cư trú vùng Xã Tân Quý Tây, huyện Nhà Bè, tôi ngạc nhiên khi gặp chỉ trong một ấp là Ấp 4 nơi tôi ở có tới cả chục người tên Gấu: Ông Tám Gấu sửa xe, ông Hai Gấu bán tiệm tạp hóa, chàng thanh niên Gấu làm nhân viên xã... Hỏi ra mới biết trong vùng có một vị Thầy Ngãi thuốc Nam, chuyên bốc thuốc, coi bói, cúng kiếng mà dân rất nể trọng. Gia đình nào có con sợ khó nuôi đem đến thầy xin cúng thế, thầy cúng rồi cho bùa ngãi đeo trên người cùng lúc đặt tên lại, và không rõ thầy thờ gì, nhưng đa số đặt tên là Gấu. Khi tôi tới đó, ông thầy đã mất rồi, chỉ có một nhân vật lạ lùng ở ngay trong xóm tôi là Cậu Hai Gấu làm tôi nhớ hoài.
Cậu Hai Gấu khoảng ba mươi tuổi, dáng người thanh mảnh, mặt mũi sáng sủa, thường mặc nguyên bộ bà ba trắng sống trong một khu vườn cây trái rộng, có một căn nhà xây, mái ngói cổ kính khá lớn, nằm lẩn sau những tàn cây um tùm hoa trái.
 Thường mỗi buổi chiều, cậu thong thả đi dạo xóm trên xóm dưới, chỗ nào cũng được chào hỏi trân trọng. Có lần đứng trước cửa nhà, thấy cậu ta đi ngang, miệng cười vui vẻ, tôi cũng chào hỏi, cậu ta dừng lại chuyện trò hỏi thăm gốc gác, công chuyện làm ăn và rủ bữa nào rảnh ghé vô em làm vài chung rượu nghe anh Bẩy.
Một bữa rảnh rang, tôi đi sâu vô xóm, quẹo trái quẹo phải theo hàng rào cây lá, đi tiếp nữa cho tới khi nhìn trước mặt là ruộng lúa, xa lắm mới có một mái nhà. Mùa này trời mưa nên vùng nước lợ đã ngọt lại, bà con có thể gieo trồng lúa, khác với mùa nắng, nước nhiễm mặn bỏ mặc cho cỏ lác mọc bạt ngàn.
Vui chân đi cho đến khi trời chập choạng mới tìm đường quay về, tới gần xóm thì trời đã tối hẳn. Tôi đi từ phía ruộng lên nên đi vào phía sau nhà cậu Hai Gấu. Từ cuối vườn tôi thấy một cái Miễu nhỏ sáng đèn nhang, thấp thoáng có bóng người, rồi cậu Hai Gấu lên tiếng hỏi anh Bảy hả, đi đâu về phía này vậy, ghé vô chơi.
Tôi ghé vô và được mời vào cái bàn có sẵn hai băng ghế đá ngay trước miếu. Trong miếu không có bài vị hay hình thờ, mà trang trọng trên bàn thờ, là một cây mác cụt cán bầy trên giá gỗ, phía sau là một khung hình có chữ Tâm. Quen với cậu Hai Gấu rồi, tôi được mời dự một buổi cúng tổ vào giữa tháng giêng ta. Bữa đó tôi mới biết đàng sau cái dáng vẻ thanh mảnh nhẹ nhàng đó, cậu Hai Gấu là một nhân vật có võ công như phim chưởng, cậu bay nhảy từ dưới đất lên đọt cây, từ đọt cây này chuyền qua đọt cây khác hai tay liên tục đưa ra nhưng chiêu thức lạ mắt và nghe gió lộng vù vù một khi cánh tay vung lên. Cũng bữa đó, tôi được giới thiệu nhiều tay mã thượng giang hồ, tên chỉ là hai chữ Tư Bân, Mười Tổng… khuôn mặt phong trần gân guốc, tuổi tác có khi lên tới 70, râu tóc bạc phơ, ngồi nói chuyện mà luôn tỏ vẻ kính trọng một câu thưa cậu Hai, hai câu thưa cậu Hai. Tới lúc làm lễ họ đồng loạt ra trước miễu múa võ cúng tổ, đường quyền cứng cáp mạnh bạo, khi di chuyển nhẹ nhàng thanh thoát như một vũ công. Tàn cuộc lễ, họ trải hai hàng chiếu giữa sân, mọi người ngồi chung quanh, có hai cây đàn guitar phím lõm, một cây đàn nhị, một cây đàn gáo và nâng ly rượu hát hò xướng họa với nhau.
Tôi đã từng đi coi cải lương, nhưng tuồng tích là chính, chưa bao giờ thưởng thức thực sự âm điệu kỳ diệu của vọng cổ. Ở đây trong vòng tròn, người ta hát những làn điệu dân ca xưa cổ như Nam Bình, Nam Ai, Tống Biệt, Khốc Hoàng Thiên..., lời ca là nỗi niềm riêng của huynh đệ giang hồ nghe buốt dạ:
- Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng tâm sự với mây đôi lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ nối những lời rồng mây...
Đêm đó cậu Hai Gấu mặc bộ bà ba trắng như bình thường, nhưng khác hơn là trên đầu quấn cái khăn nâu, cột sau ót giống như một cái nón, lưng thì cột một khúc vải cũng mầu nâu sẫm, thắt lại bên hông thả tua xuống đùi,chân mang giầy vải bó chân. Vòng tròn hơn hai mươi người nhưng không ai nói chuyện riêng, chỉ chăm chú nghe từng người hát, rượu không rót ra ly mà đựng trong bầu, họ chuyền tay nhau mỗi khi uống xong, giữa vòng tròn người là khoảng trống không có thức ăn mồi nhậu gì cả.
Chừng giữa buổi, cậu Hai Gấu đứng dậy, bước ra giữa vòng, cung tay bái về phía miếu, và vòng tròn rồi bắt đầu đi quyền.
- Nghe hung tín Nhị Ca đà thọ khổn.
Hồng Đào San em quay ngựa trở về đây.
Kìa! Giữa pháp trường cát bụi mù bay,
Quân đao phủ sắp ra tay hành quyết.
Khoan khoan, hãy để anh cạn phân đừng giết oan một
trang hào kiệt, nghe lời anh đình thủ bớ La ... Thành.
Một ông lão tóc bạc, tướng mạo hùng vĩ, đột ngột đứng lên hát tiếp...
- Thôi rồi một lưỡi gươm đưa đã dứt mạng anh hùng.
Đơn Nhị Ca ơi còn đâu một đời ngang dọc, quyết vẫy
vùng cho rõ mặt núi sông. Nhớ năm xưa cùng nhau thề
câu chị ngã em nâng, dẫu tử sanh quyết vẹn nghĩa kim bằng.
Thế mà hôm nay u hiển đôi phang, giữa pháp
trường chia tay vĩnh viễn.
Cả hai quay tròn bên nhau, lúc người này hát, người kia múa võ, thay đổi qua lại.
- Đơn Nhị Ca ơi, ôm thây anh máu thắm nhuộm chinh y.
Lòng tiểu đệ thêm não nùng chua xót. Nhớ đến
câu "Tiền đồng tịch, kim bằng cộng lạc, hậu lâm nguy
bất kiến đệ huynh". Đấng anh hùng đâu ngại lẽ tồn
vong, nhưng chết tức tưởi ngàn thu còn di hận.
Giữa lòng đêm và ánh lửa bập bùng trước miếu, giữa không gian vừa trang nghiêm vừa hào hùng, dường như lẫn cả vào đó chất bí ẩn thiêng liêng làm tôi mường tượng ra khung cảnh của lớp người ngày xưa đi mở đất phương nam.
Tiệc rượu kéo dài tới giữa đêm mới tàn, một số người leo lên xe gắn máy rời địa điểm, nhưng ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh ông già râu tóc bạc phơ, phất tay đứng dậy, chào cậu Hai Gấu, và chào chung quanh bằng câu ngắn gọn, "thôi qua về nghen mấy em," và lừng lững bước ra phía sau, bên bờ rạch đã sẵn một chiếc ghe tam bản, ông bước xuống, lấy mái chèo, khua nước rồi đi xa dần giữa bóng đêm, con trăng ngày rằm soi giòng nước lãng đãng, hắt trên lưng áo một vệt như ánh bạc.
Sau này, cậu Hai Gấu mới nói cho tôi biết những lời ca đó là trong trích đoạn bài vọng cổ Tống Tửu Đơn Hùng Tín, đoạn họ hát trao đổi với nhau là lớp Tần Quỳnh khóc bạn.
(http://mp3.zing.vn/…/Tan-Quynh-Khoc-Ban-Thanh…/ZWZA9U0O.html).
Bây giờ khu xóm cũ không còn nữa; tôi đã về tìm lại, nơi đây đã được xây cất thành những tòa chung cư lớn, tân kỳ hiện đại; ruộng lúa, bờ dừa khi xưa thành những con lộ tráng nhựa rộng rãi. Tìm gặp vài người còn sót lại, họ cũng không biết cậu Hai Gấu tên họ là gì, không biết nguồn gốc miếu thờ đó là thờ ai, không biết nhóm người tụ họp cúng kiếng rồi ngâm vịnh hát hò đó thuộc hội nhóm nào và sau chót là khi khu đất giải tỏa, họ cũng chẳng biết cậu Hai Gấu lưu lạc nơi đâu, hãy còn hay đã mất.
Chỗ ngồi này với tôi hết sức thân tình và cũng thật xa lạ. Thân tình vì ngày xưa, từ căn nhà mái lá của huyện Nhà Bè, bên cạnh dòng kênh Tẻ, tôi đã biết bao lần đưa mắt ngó qua bên kia bờ kênh, chỉ là những rặng dừa nước, những chòm cây Sú, cây Đước, cây Tràm mọc mênh mông với những khoảng trống là cỏ lác... Vùng nước lợ không có vườn cây trái và cũng chẳng có chăn nuôi. Và cũng thật xa lạ vì những tòa nhà xây dựng mỹ thuật, rộng rãi với rất nhiều những con đường mới mang tên là số thứ tự 1, 2, 3... đặc biệt là con đường đẹp với hàng cây cao và công viên chạy dài theo dòng kênh Tẻ. Từ bên này bờ kênh nhìn qua, tôi vẫn còn mường tượng ra khu xóm cũ, cái hẻm nằm sâu hun hút bên những hàng dừa...
Tôi ghé quán cà phê đầu tiên lúc giữa trưa, đây là một tòa nhà 4 tầng, trên tầng thượng, tôi có thể nhìn thấy con kênh Tẻ nước xanh ngắt chẩy mênh mông, xa hơn là những tòa nhà cao tầng của quận Tư và xa hơn nữa, lẫn trong mây mờ là tòa nhà hình búp sen ở quận Nhất, tòa nhà đang được coi như một biểu tượng cho Saigon bây giờ. Sau đó, ngại ngùng vì ngồi quá lâu, tôi rời quán, đi dọc mé kênh tìm một quán khác ghé vào. Quán này nằm sát bờ kênh, tôi nghe được tiếng rì rào sóng vỗ, thấy được khuất sau hàng cây bên kia những mái nhà nhỏ, và rõ ràng còn nhìn thấy cả tuổi thơ tôi xưa hiển hiện khi nhìn đám trẻ con nô đùa dưới dòng nước mênh mông.
Về đây và bâng khuâng giữa Đi và Về.
Tôi về và yêu thích cái không gian trầm lắng nơi này. Ngay sát cạnh những sầm uất của quận Nhất, quận Năm, nhưng những hàng cây cao, con đường mới mở chạy ven theo bờ kinh, và thanh vắng ít người tạo ra một khoảng không gian đặc biệt thanh tĩnh nhẹ nhàng.
Chữ Về và chữ Đi ám ảnh rất nhiều trong các bài thơ hay của các thi sĩ nổi danh. Nhớ có lần, ngồi với Đinh Cường và Phạm Cao Hoàng ở cà phê Starbuks, tôi bất chợt nhớ đến một câu thơ hay mà không nhớ rõ của ai: "Bao nhiêu huyết lệ trong trời đất, huyết lệ nào không huyết lệ ta..." Cả ba đều ngần ngừ không biết chắc, cái hơi thơ kiêu bạc và hào hùng đó có lẽ là của Tô Thùy Yên trong bài Ta Về. Đêm đó, Đinh Cường gửi cho tôi một email, nói rằng, về nhà vẫn lẩn quẩn suy nghĩ và đã tìm ra, đó là thơ Mai Thảo trong "Ta thấy hình ta những Miếu Đền":
Ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
Nhìn hình ta khuất bóng ta xa
Sao không, huyết lệ trong trời đất
Là phát sinh từ huyết lệ ta.
Mai Thảo là nhà văn, gần một đời viết văn. Văn của Mai Thảo là những lời trau chuốt, mượt mà. Những câu ông viết xuống trong các tùy bút đã trở thành quen thuộc bởi đó là những câu được các người dẫn chương trình nhà nghề sau này thường sử dụng, và sử dụng thuần thục. Gần cuối đời, ông xuất bản một tập thơ, và cũng là tập thơ duy nhất. Khi tìm đọc lại những trang thơ của Mai Thảo, rồi nhân đó tìm đọc thêm những trang thơ của Tô Thùy Yên bất chợt tôi nhận ra mấy điều kỳ lạ.
Tô Thùy Yên người miền Nam, Mai Thảo người gốc Bắc. Cả hai là bạn thân của nhau và cùng chung một nhóm là nhóm Sáng Tạo. Mai Thảo là nhà văn, Tô Thùy Yên là nhà thơ. Hơi thơ của Tô Thùy Yên bi tráng, thơ của ông là những trò chuyện với Tâm Linh, với Thiên Nhiên mà ở đó không phải để nhìn ngắm, chiêm ngưỡng mà như một đối tượng để trầm tư, đối thoại.
Mai Thảo và Tô Thùy Yên cùng trong một thời điểm đưa ra hai bài thơ: bài Ta Về của Tô Thùy Yên và bài Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền của Mai Thảo. Cả hai bài đều là tuyệt tác, đều là những vần thơ rung động tim người, có điều hai bài đi ngược chiều nhau.
Mai Thảo sáng tác khi đang trong khoảng thời gian già yếu, nhiều trọng bệnh, trên đường đi về cõi chết, Tô Thùy Yên viết khi từ cõi chết trở về.
Cũng là Về, Mai Thảo thì thấy:
"ta thấy hình ta những miếu đền
tượng thờ nghìn bệ những công viên
sao không, khói với hương sùng kính
đều ngát thơm từ huyệt lãng quên"
hay là:
 ta thấy muôn sao đứng kín trời
chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
sao không, một điểm lân tinh vẫn
cháy được lên từ đáy thẳm khơi
Mỗi đoạn thơ chia hai câu trên thành lòng khao khát và hai câu dưới tự hỏi chính mình: Tại sao lại không? Bởi vì ... Nhưng tỏa trong không gian cái lòng độ lượng và thanh thản chịu đựng.
Tô Thùy Yên khi từ cõi chết trở về, cái nhìn cũng mênh mông và tráng khí:
Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi
Nỗi buồn của Tô Thùy Yên không thảm, mà bi tráng, thiết tha.
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta.
Tôi ngồi đây và nghĩ tới Đi và Về. Đi Việt Nam hay Về Việt Nam. Ngay từ lúc ngồi trong phi trường ở Mỹ nghe những đồng hương nói chuyện, dường như không ai dùng chữ Đi mà chỉ nghe chữ Về. - "Về Việt Nam lần này chắc tui ráng đi Sapa một chuyến, nghe nói đẹp lắm" hay "Lần trước bà về, có ghé Rạch Giá không?"
Mỗi người về mang một tâm trạng khác nhau, cũng là thăm lại vùng đất khi xưa sinh sống, cũng là tìm gặp gia đình thân hữu, cũng là muốn hít thở lại cái không khí ngày xưa, sống lại cái không gian kỷ niệm, nhưng khi ra đi người nào cũng thấy lòng man mác.
Con ngõ nhỏ ngày xưa quanh co lầy lội, đưa về căn nhà mái tôn có giàn bông giấy tím, bây giờ con ngõ đã nâng cao, trải bê tông sạch sẽ, căn nhà xưa đổi chủ, xây cao lên ba bốn tầng, nhưng cái cảm giác đi về vẫn là cái rạo rực như ngày xưa đi nghỉ hè xa về nhà. Dòng kênh xưa nơi mỗi buổi chiều nắng xuống, cùng một nhóm bạn trong xóm chơi U Mọi, bắn bi, đánh khăng đánh đáo đã đời, rủ nhau nhảy ùm xuống bơi lội thỏa thích, thì nay dòng kênh đó có bờ bê tông bao bọc, thiếu đi những cội cây Đước cây Tràm…
Trong nỗi cảm hoài của buổi trở về, chúng ta bắt gặp từ rất nhiều danh tác, từ thơ qua nhạc, cái nào cũng là một nỗi niềm u uất:
Phạm Duy ngậm ngùi: Mẹ có hay chăng con về, chiều nay thời gian đứng im để nghe...
Anh Việt Thu tha thiết: Người về, một mùa thu gió heo may. Về đâu… Có nhớ chăng những vì sao long lanh...
Nghe Trương Vũ kể nhiều đêm nằm bỗng nhớ Nha Trang tới tê người.
Nghe Phạm Cao Hoàng nhớ Đà Lạt. Nghe Đinh Cường nhớ Dran. Cái nhớ mông lung, cái nhớ dịu dàng, nhớ mà không thể hình dung ra cụ thể là nhớ cái gì. Không chắc đã là con đường xưa, ngôi trường cũ, khung cảnh chung quanh, không gian đã sống, cũng không chắc là một bóng hình, một kỷ niệm hay một rung động đã qua. Mà có lẽ nó là một tổng hợp các thứ ấy trộn vào nhau theo một thứ tự vô hình nào đó, vào một thời điểm nào đó đã ghi một dấu ấn khó phai. Có phải đó là cái hồn của nơi mình đã sống vẫn tồn tại trong lòng mình hiện tại?
Mới đây, trên facebook, đọc được bài thơ đắng lưỡi tê môi của Hoàng Lộc, bài Anh Không Về Nữa:
anh không về nữa.
quê nhà
đã quen gió táp mưa sa mất rồi?
anh không về nữa người ơi
trái tim vừa cũng hết thời yêu thương?
phải đi cuối lối cùng đường
phải đau khắp phố khắp phường người dưng
để khi ngoảnh lại
trông chừng...
Bài thơ làm tôi choáng váng, tê điếng người. Bữa đó, dù đang bị tiểu đường, cũng ráng pha ly trà đường uống cho đỡ đắng cổ.
Đi là tìm một cái gì mới, khung cảnh mới, đời sống mới, xã hội mới và rung cảm mới. Còn Về là được sống lại với chính mình của một thời đã qua. Về là hồi sinh, là được thoải mái thả mình vào ký ức, là gặp gỡ cảm giác non nớt của mình ngày xưa, và rung động thực của mình bây giờ. Con hẻm nhỏ lầy lội uốn lượn theo bờ cỏ bụi cây ngày xưa, đưa về căn nhà mái tôn lụp xụp không còn nữa, thay vào đó là đường đổ bê tông, căn nhà cũ đã đổi chủ xây lên cao đẹp, thế mà cái cảm giác rưng rưng vẫn không thay đổi.
Đến một tuổi nào đó, người ta ngần ngại cho những chuyến đi, nhưng vẫn náo nức thèm mong một cuộc trở về. Tôi cũng vậy. Về lại Saigon lần này, tôi không dám nhảy xuống dòng kênh bơi lội, không cần phải núp vào gốc cây trước cổng trường Nguyễn Bá Tòng nhìn em tan học về, không được đạp những vòng xe nửa đêm từ Phú Nhuận về Nhà Bè, đường vắng lặng để vừa đạp xe vừa hát um sùm ... "đường thênh thang gió lộng một mình ta", cũng chẳng cần ghé cà phê Bình Minh để nhìn đôi mắt sắc như dao, cũng chẳng còn được cái thú vui đêm rằm, chèo ghe theo đường rạch đi lễ chùa Ông. Nhưng kỳ lạ là tôi thấy chẳng mất đi đâu, vẫn nguyên vẹn trong tôi cả một thời nào xa lắc, vẫn quẩn quanh bên tôi tiếng cười đùa giọng nói đặc trưng Saigon của người xưa cũ.
Nói cho cùng, trở về chính là nhân đôi kỷ niệm, được sống, được thở và được vui buồn một lần nữa cái tuổi thanh xuân đã qua của mình.
Ngày mai tôi lại chia tay với Saigon, tôi không đoán được chuyến sau về tôi sẽ gặp ở Saigon điều gì. Những gì tôi thấy và gặp gỡ trong lần về này sẽ thành kỷ niệm? Hay lần sau tôi về tôi lại hoài niệm tới một khoảng xa hơn nữa? Đời sống như một giòng chảy, nhìn thì giống nhau, nhưng có ai được tắm hai lần ở một giòng nước đâu. Thương quá Saigon của mỗi lần trở lại.

Nguyễn Minh Nữu
Virginia, tháng 3-2017