Monday, April 3, 2017

                                Mẹ và con ( ảnh sưu tầm )



NGÀY CUỐI TUẦN CỦA ANH


Sáng thứ bảy anh thức dậy như mọi ngày, lơ mơ nhớ những ngày trong tuần vội vã, trong cái không khí im ắng, thanh thản của buổi sáng cuối tuần, nhưng anh cũng chẳng thể nằm nướng để vươn mình qua lại lắng nghe chim hót ngoài những hàng cây ven đường, hay lắng dõi theo những bước chân vui của những con chiên đi lễ ở một nhà thờ gần đó…
Anh vội vàng tung chăn dậy, đi tắm nhanh kẻo má thức dậy rồi chẳng biết bà mở cửa đi đâu, rồi sẽ là hớt hơ, hớt hãi chạy đi tìm…má như tìm con thơ đi lạc.
Suốt bốn năm nay, từ ngày má anh đi sâu vào con đường Alzheimer, những cuối tuần với anh là những ngày mệt mỏi, căng thẳng. Cứ chiều thứ sáu mọi người trong sở vui mà anh chẳng thấy vui nỗi, chẳng háo hức gì hai ngày được nghỉ.
Cuối tuần của anh vẫn là dậy sớm,  tắm vội vàng rồi chờ má thức dậy, tắm cho má, khi anh mặc tả cho má xong, anh mỉm cười rồi vỗ vào mông bà, {tôi liên tưởng hình ảnh ngày xưa sau khi mặc tả cho con tôi cũng âu yếm vỗ mông con bé như vậy}, bà ngơ ngác chẳng vui, chẳng buồn nhưng mặc quần áo đẹp, thơm tho vào thì bà cũng cười tươi lắm, rồi nói vu vơ gì đó mà anh nghe chữ được chữ mất chẳng hiểu đầu đuôi gì… Có những lần bà làm xấu trong tả anh thay tả mà bà đứng không yên, rồi hai má con loay hoay thế nào bà lấy chân dẫm bẹp lên tả làm văng tung toé ra sàn nhà… Anh không biết bao lần dỡ khóc dỡ cười, cứ cố nén bực giận vào lòng mà không thể không phát vào chân bà một cái, {y như cái thuở con bé ngày xưa làm xấu còn lấy tay quậy lung tung khắp giường, dù cố bình tĩnh tôi cũng không thể nào không hét lên Trời ơi đất hỡi, và cũng phát cho mấy cái}, rồi lại dọn dẹp, tắm rửa lau nhà…
Những ngày má anh mới phát bệnh đôi lúc bà vẫn nhớ điều này điều kia, anh còn chở bà đi chợ cho bà chọn mua đồ bỏ lên xe, cứ lấy thoải mái ra đến quầy thì anh mới bắt đầu chọn lại, anh muốn cùng má làm những việc ngày trước đã làm cho bà khỏi mau quên, nhưng rồi chỉ là thời gian, giờ thì bà không nhớ gì nữa, đôi khi bà buột miệng hỏi anh: thằng M. đâu rồi, anh thương bà quá chỉ cười: nó đây! Nhưng bà hỏi chỉ để hỏi, là chút tro tàn ký ức còn lại hay một vùng nhỏ xíu chất xám nào chưa bị hư hao bật ra thôi chứ bà có thèm nghe trả lời đâu… Vậy mà anh thấy vui vui trong lòng, má vẫn nhớ thằng con thương của má…
Hai ngày cuối tuần của anh khi nào tôi gọi hỏi thăm anh làm gì thì cũng là “anh ngồi canh má”, má không phải đứa con nhỏ để anh có thể vừa canh vừa chơi đùa được với nó, má là đứa con nít lớn lại rất quậy phá, chỉ cần anh lơ đễnh một chút, hay chăm chú làm việc trên máy tính một chút mà nghe tiếng sột soạt bên trong chạy vội vào thì y như rằng một là má anh đã lật cái TV nằm úp xuống hay đang trong bếp lấy nồi niêu sạch ra rửa hay vào toilet rửa tay trong bồn cầu… Chỉ khi nào anh nghe má hát cải lương hay nói chuyện một mình trong phòng thì anh yên tâm, khi tiếng nói ngưng lại thì anh phải lo chạy vào để xem…em bé lớn đang phá tới những thứ gì rồi.
Những đêm anh thức giấc nửa chừng anh chạy qua phòng má xem má thế nào và có lẽ đã quen với những linh tính không hay nên anh không lạ khi vào phòng thấy má anh cỡi hết quần áo ngồi co ro một góc phòng, ra giường mền gối lôi hết ra vất xuống đất, anh thương má quá mà cũng không nén được câu than thở: má ơi sao má làm khổ con quá vậy! Rồi lại mặc quần áo, trãi ra giường, và anh quấn má vào mền như người ta quấn tả em bé để má khó ngồi dậy, để má nằm yên rồi ngủ quên, anh lại ngồi canh cho má ngủ rồi mới về phòng…đêm qua trời sáng còn giờ đâu để ngủ?! Bởi vậy có lần anh nói với tôi anh ngủ trưa mười lăm phút trong xe ở sở làm mà ngon hơn ngủ suốt đêm ở nhà, vì ở nhà anh có ngủ yên bao giờ… {Điều anh nói có gì khó hiểu với tôi khi nhớ lại những ngày chăm con thơ bị bịnh, có người mẹ nào có thể ngủ trọn giấc được, ba bảy phút lại chập chờn thức dậy sờ tay chân con xem nóng lạnh thế nào.} Anh chăm chút và lo cho má nên dù trời không lạnh mấy vẫn mở máy sưởi kẻo lúc anh ngủ quên mà má làm vậy thì cũng không đến nỗi cảm lạnh. 
Dù thế nào, vất vả, mệt mỏi anh vẫn không muốn đưa má vào trại nuôi bịnh hay nhà dưỡng lão bởi anh hiểu ai vào đó rồi cũng rất nhanh chết, đâu đủ người để gần bên chăm sóc từng ly từng tý như anh. {Tôi nhớ đọc đâu đó có một người hỏi một ông cụ vì sao cứ hay vào thăm nuôi bà vợ ông đã bị Alzheimer lâu rồi, bà có biết gì nữa đâu, thì ông đã trả lời rằng bà không biết nhưng ông biết }. Thật cảm động biết bao về điều đó, về những con người sống hết lòng với tình mẹ cha, chồng vợ, lòng hiếu thảo không đếm đo được… Họ sống bằng tất cả lòng từ bi như những vị bồ tát.
Cũng có những ngày tôi nghe giọng anh vui trong điện thoại khi anh nói về món ăn má anh thích, tôi hỏi sao anh biết má thích, anh nói: biết chứ, má ăn mà cười cười, chỉ chỉ thức ăn như hối anh đút má nhanh và má nhai miệng nhỏn nhẻn thấy thương lắm! {Tôi cho rằng đó là câu nói dễ thương nhất của một người con lớn tuổi chăm mẹ già bịnh, nó cũng dễ thương như những câu nói ngây ngô khi con tôi còn bé mà đôi khi nhớ lại tôi vẫn mỉm cười một mình}.
Tôi vẫn hằng mong má anh không quậy phá quá để anh có chút thảnh thơi tâm trí, mong anh đủ sức khoẻ để lo cho má anh cho trọn lòng hiếu thảo bởi dù sao một ngày nào đó không còn má anh nữa cũng sẽ là một nỗi hụt hẫng khó phai với anh.

Duy Xuyên

No comments:

Post a Comment