Wednesday, July 31, 2019




                            Gọi người yêu dấu
                            Nhạc sĩ: Vũ Đức Nghiêm 
                            Ca sĩ: Thanh Lan



Gọi Người Yêu Dấu
 ( Viết từ Quang An )

Nói về nhạc tình của Việt Nam, nhiều người trong chúng ta nhớ đến Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An, v..v... mà ít ai để ý đến một nhạc sĩ đa tài khác là Vũ Đức Nghiêm.  Cũng rất đơn giản vì Vũ Đức Nghiêm viết nhạc tình không nhiều lắm.  Lúc bắt đầu sự nghiệp về âm nhạc, Vũ Đức Nghiêm sáng tác nhiều về nhạc quân hành.  Lý do cũng có thể dễ giải thích vì Vũ Đức Nghiêm, người con của xứ Nam Định, do yêu âm nhạc từ nhỏ, và lại gia nhập quân ngũ từ rất sớm.  Năm 1951, ông vào học Khóa 1 trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, quân đội quốc gia Việt Nam.  Đến năm 1954, di cư vào Nam, ông lại tiếp tục đời binh nghiệp dưới màu áo trận của quân lực Việt Nam Cộng Hoà.  Cấp bậc cuối cùng là Trung Tá, Huấn Luyện Viên Tiếp Vận, Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Đà Lạt-Long Bình.  Đây cũng là thời gian Vũ Đức Nghiêm bắt đầu sáng tác nhạc tình.  Dĩ nhiên, sau tháng 4 năm 1975, Trung Tá Vũ Đức Nghiêm đã bị nhà cầm quyền cộng sản bắt đi tù cải tạo hết 13 năm.  Thời gian này, dù ở trong lao tù cộng sản nhưng tư tưởng tự do vẫn có trong mình, Vũ Đức Nghiêm âm thầm sáng tác những nhạc phẩm về Ngục Tù Ca.  Đến năm 1990, sau khi được thả ra từ trại cải tạo, Vũ Đức Nghiêm đã rời Việt Nam theo diện sĩ quan quân lực VNCH trong chương trình H.O và rồi đã định cư ở San Jose từ đó đến nay.  Thời gian sinh sống ở Mỹ, Vũ Đức Nghiêm lại sáng tác các nhạc phẩm về đạo về đời.  Chính vì những sáng tác không mệt mỏi trong lãnh vực âm nhạc mà Vũ Đức Nghiêm đã được bà Elaine Alquist, dân biểu quận hạt Santa Clara, tiểu bang California, tuyên dương và trao giải thưởng đặc biệt dành cho những nghệ sĩ cao niên đã sáng tác nghệ thuật trên 50 năm vào năm 2002.

Gọi Người Yêu Dấu được giới thiệu đến khán thính giả ở miền Nam cũng rất tình cờ.  Theo lời nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm kể lại, ông sáng tác nhạc phẩm này vào năm 1969, với những rung động về một cuộc tình riêng của mình, rất phiêu lưu, nhưng không kém phần lãng mạn.  Vừa sáng tác xong thì gặp ngay ca sĩ Thanh Lan ghé chơi.  Sau khi được hát thử nhạc phẩm này, Thanh Lan đã xin nhạc phẩm này về để giới thiệu trên đài truyền thanh và truyền hình Sài Gòn.  Gọi Người Yêu Dấu, qua giọng ca của Thanh Lan, đã chinh phục giới thưởng ngoạn âm nhạc miền Nam.

Từ đó đến nay, cũng đã gần 50 năm, gần nửa thế kỷ, qua bao nhiêu thế hệ, Gọi Người Yêu Dấu vẫn khiến cho biết bao nhiêu con tim thổn thức.  Tuỳ tâm trạng, tuỳ giọng ca, từ Thanh Lan, đến Ngọc Lan, Vũ Khanh, Khánh Ly, v..v... người yêu nhạc không thể nào quên .... Gọi Người Yêu Dấu.

Hôm nay, người yêu nhạc Việt Nam lại ngậm ngùi khi thêm một nhạc sĩ đa tài của Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi.  Vũ Đức Nghiêm, nhạc sĩ của Gọi Người Yêu Dấu đã vừa từ trần ở San Jose.  Một thế hệ nhạc sĩ tài ba của Việt Nam, những người đã đóng góp vào sự phát triển văn hoá văn nghệ Việt Nam cực thịnh vào giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam Việt Nam, từ từ đã vĩnh viễn từ giã cõi trần.  Sẽ là một khoảng cách xa vời vợi để bao giờ Việt Nam mới có thể có được một thế hệ văn nghệ sĩ tiếp nối thế hệ đã ra đi nhằm gầy dựng và phát triển lại nền văn hoá văn nghệ Việt Nam.

Chắc sẽ ca bài ... Gọi Người Yêu Dấu mãi thôi!  Vĩnh biệt nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm.

( Quang An)

Tuesday, July 16, 2019



Viết cho một cô em gái nhỏ.

Em thương.
Nơi anh ở đã bước vào mùa Hạ, trời ẩm ướt và nóng bức quá, chẳng thấy chút nào lãng mạn, diễm lệ như "Hạ hồng" của Phạm Duy, cũng không có bước chân người con gái với "chân em bước nhẹ, trời buồn gió cao" như "Hạ trắng" của Trịnh Công Sơn. Trời mưa hoài, mây đen và không khí ảm đạm chẳng nên thơ chút nào. Anh chỉ thích mùa Thu, trời dịu mát hơn, và hoa lá cũng tình tứ tươi đẹp hơn.
Có một năm, và chắc duy nhất chỉ một mùa Thu đó, vườn sau cũng như trước nhà đầy lá vàng, đỏ. Đẹp tuyệt vời như trong những tấm carte postale hồi trẻ chị thường sưu tập để ngồi nhìn và mơ mộng.
Anh và chị có nhiều sở thích, và mơ ước giống nhau. Chẳng hạn như đều có một mơ ước hồi còn trẻ là sẽ có một căn nhà gỗ nhỏ, một cửa sổ mở ra nhìn xuống một bụi hồng. Anh chị cũng đã có một căn nhà gỗ nhỏ ở Việt Nam, tuy không đẹp như mơ ước nhưng cũng rất hạnh phúc với nó. Chỉ cái là cửa sổ mở ra không có bụi hồng mà chỉ có một vườn Cúc Thái Lan, loại Cúc nhiều cánh giống như biểu tượng hoa Hippie, rất thịnh hành như một hình thức trang trí trên cặp sách, trên áo dài, mắt kiếng của các cô nữ sinh hồi năm71, 72. Ngày ấy chiến trường rực lửa, anh cực khổ nhọc nhằn bị thương nhiều lần ngoài chiến trường, nhưng hậu phương lại ồn ào make love not war. Hoa Hippie rất được yêu thích như một biểu tượng hoà bình hồi đó. Mà mất đi sự quan tâm đến những người đang ngày đêm chiến đấu.
Đầu mùa Hạ này ướt át quá. Nhưng anh chị chẳng quan tâm mấy. Anh chỉ quan tâm ngày ngồi uống cà phê với em mấy lần thôi. Lớn tuổi nhưng nhiều tối đã khuya rồi anh còn rủ chị pha cà phê uống. Anh thường nói đùa với chị ngồi uống cà phê, trà với nhau là một "nghi lễ" không thể thiếu được hàng ngày.
Mấy đứa nhỏ thường thắc mắc là sao bố má chắc có nhiều chuyện để nói hay sao mà cứ thấy rù rì ở ngoài bếp. Thật ra không phải ngồi hoài ở đó, nhiều khi chỉ chạy ra uống một tách trà, nhấp một chút cà phê, đôi khi một ly cà phê uống cả ngày chưa hết. Hình như ngồi với nhau một chút, nghe một hai bài hát là "đã" rồi, nói theo kiểu anh hay nói với chị. Đôi khi ở trong nhà, anh cũng chạy đi kiếm, em ơi em à... Chị hỏi có gì vậy anh. Chỉ gọi xem em ở đâu thôi.
Nhiều lúc chị cũng bực bội càu nhàu, nhưng chị biết đó cũng là một cách quan tâm thái quá của anh, một ngày đến năm lần bảy lượt em đâu òi, em anh ơi... thì cũng phải la chứ. Phải không?. Nhưng anh chắc chắn chị biết anh thương yêu lo lắng cho chị, rất nhiều.
Anh Hai của em chắc già rồi nên trở thành con nít, anh thích nói anh thương em lém, thương lém em ơi, em đâu mất tiu òi, buồn ngủ òi em ơi... Anh nói phải nói như vậy mới bộc lộ hết tình yêu của anh. Nói theo kiểu con nít nhõng nhẽo vậy mới được em thương. Chị cũng hết biết nói sao. Nhưng nhiều lúc chị cũng giận.
Có bạn bè hỏi anh chị sao không đi chơi Châu Âu hoặc đi Úc chơi? Đi chơi ai cũng thích, nhất là đi Úc, nhưng anh chị đi đâu xa là nhớ căn nhà , cái quán nhỏ vô cùng và chỉ mong trở về ngồi trong nó mà thôi. Ngồi trong quán nhìn ra khu vườn và hàng cây Thông xanh cao ngoài hàng rào, bờ giếng bên cạnh có cái birdfeeder để hạt cho chim rừng đến ăn. Cảnh trí chỉ đơn giản có chừng ấy nhưng nó thân thuộc gần gũi, và anh cũng như chị đều thấy nó như một phần trong tâm tưởng, trong linh hồn anh chị rồi.
Anh hay ngồi ngoài quán nhìn ra vườn, viết một bài thơ hoặc viết truyện lúc chị không có nhà, hoặc lúc chị đi làm. Ngồi đó anh mới có thể viết được, như bây giờ anh đang ngồi viết thư cho em. Ở bên trong nhà, anh không thể viết được gì cả.
Hay là khi mình lớn tuổi, mơ mộng đã dần cạn, kỷ niệm đã dần khô, nên không thể dễ dàng khi moi nó ra để viết lên những cảm xúc của mình. Chăng em?

Nguyễn Khôi Việt

Tuesday, July 2, 2019

                                
CHỊ HƯỜNG
( Phạm Hồng Ân)

Năm tôi mười lăm. Chị Hường đã mười chín, hai mươi tuổi. Năm đó, tôi chuẩn bị thi trung học đệ nhất cấp. Trong khi chị nghỉ học, ở nhà trông coi sản nghiệp của gia đình. Ba má chị là thợ máy, phải lên Sài Gòn, chạy theo công việc. Chị thui thủi một mình, nên thường ra quán kiếm tôi, nói chuyện dưới đất trên trời. Sản nghiệp gia đình chị, thật ra chỉ có một căn nhà để che gió che mưa, và một thẻo đất chứa đầy những chiếc Peugeot vẹo đầu sứt đuôi thời xa lơ xa lắc. Những chiếc xe rêu phong đã phủ đầy, cỏ dại mọc kín, vậy mà chúng vẫn nằm đó, ngó tuổi thơ chị Hường đi lên, một cách tội nghiệp. Chị càng lớn càng đẹp. Cái đẹp mộc mạc, mặn mà của loài hoa thôn dã. Lúc này, họa sĩ Lê Trung nổi tiếng trên báo chí. Tôi thường "cọp" báo hàng ngày, nên biết rõ về ông. Những bức tranh vẽ thiếu nữ của Lê Trung, thường để lại trong tôi ấn tượng rất đẹp. Chẳng biết ông họa sĩ tài hoa có bao giờ đến Cà Mau chưa? Có gặp chị Hường chưa? Sao mà những bức tranh thiếu nữ nào, cũng giống hệt bóng dáng diễm kiều của chị?
Ngoài giờ đến trường, tôi ghi tên thêm học thi. Nhà ông thầy dạy tư ở tận xóm tân lập, gần phi trường. Muốn đến học, tôi phải đạp xe trên mấy cây số, phải  còng lưng vượt qua cái cầu quay có con dốc cao dễ sợ. Khi đến nơi, phải đứng trước thềm nhà ông thầy vài phút, cầm cuốn tập quạt qua quạt lại cho bớt mồ hôi, mới yên tâm bước vào chỗ học. Thấy tôi cực khổ, chị Hường tình nguyện chở tôi đi học. Đến nơi, chị qua nhà thờ ngang đường, thơ thẩn gần hai tiếng đồng hồ, để chờ tôi tan lớp, chở về. Ngồi sau yên xe, gió thổi lất phất, vạt áo chị tung bay, thốc vào mũi tôi một mùi hương lạ kỳ.
Má tôi có cái quán cóc bên đường, bán tạp hóa và kẹo bánh lặt vặt. Cái quán, cách thẻo đất chị Hường chỉ một lối đi nhỏ. Ngồi trước quán, có thể nhìn thấy những chiếc Peugeot đen xì bên đó, nằm lúp xúp trong cỏ, và bóng dáng chị tha thướt trên sân nhà. Má thương chị, vì tính chị hiền lành, hay giúp đỡ má trong công việc khó khăn. Riêng tôi, tôi thấy chị còn đẹp, thùy mị, và có thể là đối tượng của ông họa sĩ Lê Trung nổi tiếng. Thương chị, má thường giao quán cho chị , giao cả tôi cho chị trông nom, nhắc nhở học hành. Đôi khi, ban đêm, chị ngủ lại quán với tôi, như người thân trong gia đình. Cho tới một hôm, anh tư tôi từ Sài Gòn trở về. Mùa hè, anh được nghỉ học. Anh muốn về quê tìm lại tuổi thơ, đang lẩn trốn đâu đây, quanh bờ ao, vạt cỏ. Nhưng chưa bắt gặp tuổi thơ, anh đã chớm thấy tuổi xuân trên đôi môi hồng thắm của chị Hường. Tuổi xuân lung linh những nụ mộng. Tung tăng một đóa hoa còn khép cánh e lệ, giữa trời xanh.
Từ ngày đó, chị Hường quên tôi, như quên một món đồ không cần thiết nữa. Tôi tự đạp xe đi học thêm. Khi cong lưng đạp kịch liệt lên dốc cầu, tôi kêu lớn tên chị, réo gọi chị như oán trách, giận hờn. Ban đêm, tôi ngủ chèo queo trong quán. Càng lạnh, tôi càng nhớ vòng tay ấm của chị, càng tưởng hơi thở êm đềm của chị đang phà bên tai tôi, thầm thì những lời khuyên bảo đậm đà. Suốt tháng nay, hai người hò hẹn, đưa nhau đi mất tiêu. Có bữa, má tôi phải đi kiếm khắp nơi. Vì cái món ruột, mà anh tôi thích, má đã sẵn sàng để đãi anh. Từ ngày đó, chị Hường được má tôi công nhận là một phần tử trong gia đình. Chị tạm quên những chiếc Peugeot chết tiệt để làm quen với những viên kẹo óng ánh sắc màu, nằm la liệt trong cái quán má tôi.
Chẳng hiểu tình cảm của hai người thế nào, mà anh tôi, bỏ xứ biền biệt. Chị Hường đếm từng ngày, từng tuần, từng tháng, rồi từng năm, rồi từng năm nữa...anh vẫn không trở về. Tội nghiệp, chị mòn mỏi đợi chờ, héo hắt dung nhan, người lúc nào cũng rũ xuống, như một đóa hoa sắp rơi. Má tôi buông tay đầu hàng. Má không biết thằng con trai của mình nghĩ gì, khi cô dâu đã dâng đến trước mặt, khi mọi chuyện đã hoàn tất, chỉ chờ sự trở về của chú rể. Tôi nhìn chị Hường đau khổ, lòng không cầm được xót thương. Muốn nguôi ngoai, tôi quay qua làm thơ, diễn tả nỗi thất tình của một người yêu bị bỏ rơi. Bài thơ ấu trĩ đó, lại lọt vào mắt chị. Đêm, ngủ trong quán, gần tết, gió bấc lạnh thấu xương. Tôi day lưng về chị, nằm co quắp, ngủ ngon lành. Tôi tỉnh dậy, vì có cánh tay ấm áp dang ra, kéo nhẹ tôi vào lòng. Và tiếng thỏ thẻ của chị, vang lên trong đêm khuya.
- Bộ em thất tình hả Bé? Con trai mà thất tình, kỳ lắm nha!
Tôi vươn vai cho tỉnh ngủ,rồi rúc sâu vào ngực chị. Một mùi hương kỳ lạ từ da thịt chị phả ra, làm tôi ngây ngất.
- Sao chị biết? Chắc coi lén thơ phải không?
- Thấy em làm thơ, chị tò mò. Té ra em bỏ học, chạy theo một cô gái.
Tôi muốn phân trần với chị, về bài thơ. Tôi làm thơ vì xót thương chị. Vì không chịu nổi cảnh một người yêu chờ mãi một người yêu. Nhưng thôi, hãy để chị nghĩ đến tôi như kẻ thất tình, có vẻ hay hơn, có vẻ lãng mạn hơn đôi chút.
- Em tưởng tượng chị ạ! Em vẫn học thi, có bỏ đâu?
Chị Hường ôm tôi, nhẹ nhàng. Những lọn tóc dài rớt xuống mặt tôi, trong đêm tối, sao nó huyền ảo, lung linh như bức tranh vẽ thiếu nữ của họa sĩ Lê Trung. Tôi mơ màng, quay lại, quấn chặt lấy chị. Và bên tai, vẫn văng vẳng tiếng thỏ thẻ của chị.
- Bé nè! Bé đẹp trai. Hổng có thất tình, nghe chưa?
Cho tới một hôm, chị Hường ra đi. Ngày chị đi, tôi không hay. Khi biết được, cánh cửa nhà chị đã khóa kín. Hàng bông huệ sân trước, rũ lá, khô cành. Đứng trong thẻo đất chị, bên cạnh đống Peugeot tật nguyền, tôi cảm thấy cô đơn muốn khóc. Xung quanh đây, từ căn nhà chị đến cái quán má tôi, dường như đầy dẫy bóng dáng chị, dường như đó là phần thân yêu, buộc chặt vào đời sống tôi, không thể bứt rời.
Những ngày sau, tôi như một kẻ thất tình, thật sự. Tôi bắt đầu chìm ngập theo thơ. Tôi bắt đầu uống rượu, tụ ba tụ năm với bạn bè, say khướt trong những đêm muốn nổi điên. Nhưng tôi vẫn học. Vì học để vươn lên, để thoát khỏi bàn tay nhầy nhụa của chiến tranh. Đến năm tôi chuẩn bị thi tú tài II, chị Hường bỗng trở về. Chị đi thẳng vào quán, ôm má tôi, nức nở. Cả nhà ngạc nhiên. Má tôi cảm động, bật khóc. Tôi ngỡ ngàng, ngó chị. Vừa mừng, vừa xót thương vô vàn. Chị không còn là thiếu nữ mộng mơ của Lê Trung nữa. Chị đã già dặn, đã vàng võ hơn xưa. Hình như chị đang lao lung. Đang bị cuộc đời quăng vào nơi chốn bất an.
Thăm má một lát, chị vội vàng từ giã đi. Tôi chạy theo, nắm tay chị, kéo lại.
- Tối rồi. Chị ngủ lại đây cho vui. Mai sẽ về.
Chị Hường bùi ngùi nhìn tôi. Tôi se sắt nhìn lại. Tôi thấy đôi mắt chị long lanh ngấn lệ.
- Không được em ạ! Chị có bạn. Bạn chị đang chờ.
Từ đó, tôi mất chị Hường luôn.
Mãi sau này, lên đai học. Rồi đi lính. Tôi có ý định tìm chị, nên lang bạt khắp nơi. Chẳng mãn nguyện, tôi tìm trong thơ, trong rượu, trong nhan sắc của mỗi gái điếm. Tôi nhào vào cuộc chiến như nhào vào cuộc tình. Đánh rồi rút. Yêu rồi đi. Chẳng cần ngày mai. Chẳng cần tương lai. Cho tới một hôm, tôi về Vũng Tàu. Đêm ở đây yên lành. Biển ở đây êm đềm. Trời đẹp như thế này, sao không thả ra phố làm một cốc cà phê cho ấm dạ? Tôi lủi vào góc một quán nhỏ, ngồi nghe dòng nhạc Trịnh bay nhảy trên môi Khánh Ly. Quán thưa người, có vài cặp đang thu mình ở các góc vắng, thầm thì. Tôi chờ cà phê bằng những ngụm thuốc lá. Lâu rồi, những ngụm khói vô tri này đã trở thành bằng hữu, bên cạnh tôi, trong suốt các nỗi buồn. Nó cũng hút tung bụi thơ lấm tấm từ hồn tôi, truyền tình cảm xuống bàn tay, bắt viết nên từng con chữ vấy huyết, tận cung tim. Vì vấy huyết, tôi yêu các con chữ này, đến hơi thở cuối. Tôi không bỏ thơ. Có thể, từ lâu, nó đã là phần tế bào, trong khối óc tôi.
- Bé! Bé đấy ư? Bé đi lính hồi nào vậy? Trời ơi! gặp em, chị mừng quá.
Một thiếu phụ rời khỏi cánh tay ông đại úy Biệt Động quân, xà xuống bên tôi.
- Trời! Chị Hường. Lâu quá, không gặp chị. Chị khỏe không?
Tôi trân trối ngó chị. Nhan sắc tàn phai, năm xưa, đã phục hồi. Khuôn mặt sáng hơn. Đôi môi vươn cao, chín mọng. Chị siết chặt  tôi, gật đầu. Những giọt nước mắt rơi xuống, cảm động. Ông đại úy tiến tới, bắt tay tôi. Màu áo vằn vện của ông, khiến tôi nhớ đến anh tôi, cũng đang lăn mình trong chiến trận. Tới giờ, tôi vẫn chưa hiểu, tại sao anh tôi nỡ đành bỏ rơi chị Hường?
- Anh Khả, chồng chị. Chị theo ảnh về Biên Hòa sống, lâu rồi.
Chị Hường chỉ tay về ông lính, giới thiệu. Anh Khả hùng dũng, oai nghi với bộ quân phục. Anh trò chuyện cùng tôi, cười cợt như đã quen từ lâu. Sau đó, chúng tôi cũng chia tay. Chị Hường lại thút thít. Chị ôm vai tôi, không muốn rời. Mùi hương kỳ lạ năm xưa lại phả vào mũi tôi, khiến tôi xúc động. Những giọt nước mắt tự nhiên lăn xuống, rơi trên tóc chị.
Tôi trở lại Cà Mau, lần cuối, lúc chế độ cộng sản nhuộm đỏ miền nam. Trở lại thăm thằng em út đang lặn ngụp trong đời sống cơ hàn. Tiện thể, thăm bạn bè. Những đứa học chung lớp. Những đứa từng làm thơ, từng uống rượu nổi điên, trong những đêm hào sảng. Cũng muốn gặp lại chị Hường, xem đời sống chị ra sao, sau khi anh Khả gãy súng. Cà Mau, những năm đó, thảm thương. Dân số tăng nhanh. Cuộc sống bần hàn hơn xưa. Người ta tranh nhau kiếm sống. Tranh nhau buôn bán. Có nhà, tuôn hết những vật kỷ niệm trong gia đình ra đổi gạo, ăn qua ngày. Tôi tìm không gặp một thằng bạn nào. Dường như, cuộc sống khó khăn đã lôi tụi nó đi khắp nơi, bươn chải. Còn thằng em tôi, mua nợ một chiếc gắn máy cà tàng, chạy xe ôm, nuôi con hằng bữa. Nhưng tôi gặp chị Hường. Chị phất lên như diều gặp gió. Chị đang an hưởng trong cảnh lầu cao cửa rộng. Ba má chị, sau 30 tháng tư, trở về, là cán bộ cao cấp của phe bên kia. Ngày xưa, họ tung tin đi Sài Gòn làm thợ máy, nhằm che mắt thiên hạ. Tôi gặp chị không khó khăn. Vì nghe tin tôi về, chị vội vã tìm tôi.
Chị Hường chở tôi trên chiếc xe Honda đàn bà. Chị ghé nhiều chỗ. Mỗi chỗ, chị dừng lại lâu, cho tôi nhớ kỷ niệm. Tôi nhớ nhất cái quán má tôi. Những đêm giáp tết, trời lạnh tái tê, tôi và chị Hường ôm nhau ngủ, một cách hồn nhiên. Cái quán bây giờ không còn nữa. Mảnh đất đó đã bị người trong bưng, túa ra, chiếm mất rồi. Chạy loanh quanh một chập, chị Hường tấp vào một quán cà phê bên đường. Quán vắng khách. Những cái bàn lộ thiên, trải dài ngoài vườn. Không khí thiên nhiên, hợp với tâm hồn thôn dã của chúng tôi. Chị Hường chọn cái bàn sâu nhất, giữa hàng cây rậm rì, xanh mướt.
- Mấy năm trước, má rời Cà Mau, chị mất liên lạc với má luôn. Những năm sau này, chị tìm em khắp các trại tù miền nam, nhưng vô vọng. Bộ người ta đưa em ra bắc hả ?
- Không chị. Em bị nhốt ở miền đông. Rừng Xuyên Mộc.
Chị chăm chú nhìn tôi, thở dài.
- Anh Khả mất. Chị như người không có linh hồn. Buồn thật buồn em ạ!
Tôi giật mình. Người đại úy mà tôi chỉ gặp một lần đã mến phục. Mất rồi sao? Tôi nóng nảy.
- Ảnh mất lâu chưa? Lâu chưa?
- Ảnh tử trận. Trước tháng tư chỉ vài tuần.
Nói xong, chị đưa hai tay ôm đầu, vò tóc, nghẹn ngào. Tôi ngậm ngùi. Nhớ đến anh tôi. Anh tôi cũng vậy. Cũng thời gian đó, anh tôi mất tích ở đại lộ kinh hoàng, trong toán quân di tản về miền nam. Nhưng tôi không dám thở than điều này. Chẳng ích gì. Chỉ làm cho vết thương lòng chị Hường, vấy thêm đau nhức.
Chị Hường tiếp tục tức tưởi.
- Bây giờ, chị đã có chồng. Ba chị bắt, ép gả cho một ông cán bộ.
Tôi tròn xoe mắt. Chị lấy cán bộ? Thôi rồi, chị đã phản bội anh Khả, phản bội quê hương, đất nước. Nhất là, chị phản bội tấm lòng của em. Chị biết chưa? Tôi hét lớn. Nếu có thêm vài ngụm rượu, chắc chắn tôi sẽ nổi điên, đập phá tứ tung.
Chị Hường khóc rống lên. Tiếng khóc ai oán biết bao. Xót thương biết bao. Tiếng khóc làm tôi nguôi giận, hối hận, và tự trách mình sao quá đỗi hung tàn. Tôi lặng lẽ đứng dậy, đến bên chị Hường vuốt vai, vỗ về.
- Em xin lỗi chị. Giận quá, mất khôn. Chị biết không? Em căm thù giặc. Căm thù đến hơi thở cuối cùng.
Tôi chưa nỡ bỏ Cà Mau đi sớm. Vì thằng em đơn chiếc. Nó vừa nuôi con, vừa chạy xe ôm kiếm sống. Vợ nó, làm ăn xa. Lâu lâu mới thăm nhà một lần. Nó cần tôi ở lại đây, trông mấy đứa nhỏ, chừng tháng sau, mẹ chúng sẽ trở về. Thương em, tôi chấp nhận lời yêu cầu của nó. Cũng là dịp, tôi có thời gian tìm bạn, xem bạn có công việc nào giúp mình sinh sống không?
Một hôm, thằng em phóng xe về, la lớn.
- Chị Hường đang bị công an bắt kìa, anh Bé.
Tôi đang bới cơm cho con bé, nghe đến tên chị Hường, bỗng hoảng hốt, chạy ra.
- Sao bị bắt? Làm gì bị bắt?
- Chị cầm dao đâm chồng, khi ổng đang ngủ. Ớn quá!
Tôi nhào lên xe thằng em, đốc nó chạy nhanh đến nhà chị Hường.
Đám đông bao quanh căn nhà. Công An cố gắng đẩy dòng người hiếu kỳ sang một bên, lấy chỗ cho xe cộ chạy qua. Tôi lủi vào dòng người, cố chen ra phía trước, dáo dác tìm bóng chị Hường. Trong nhà chị, công an dày đặc. Họ đứng che lấp khoảng cửa, bít kín hiện trường để làm việc gì đó, với kẻ gây án. Thất vọng, tôi chỉ còn biết lắng nghe dư luận xầm xì.
- Nạn nhân được xe cứu thương chở đi rồi. Máu ra nhiều quá, tôi e khó sống.
- Giết được thằng nào hay thằng nấy. Ở đâu, về đây làm trời.
Nóng lòng quá, tôi khều một ông kế bên, hỏi nhỏ.
- Thủ phạm bị đưa đi chưa chú? Hay đang còn trong nhà?
- Chưa đưa đi đâu. Người ta còn điều tra mà.
Lát sau, đám công an đưa chị Hường ra xe. Lúc này, hai tay chị bị còng, bẻ quặt ra phía sau. Tôi cố vượt đám đông, tiến tới gần chị.
- Chị Hường!
Chị quay lại, thấy tôi. Ánh mắt bỗng trở nên nghiêm nghị, sắt đá và cương quyết. Đám công an lôi chị, vượt lên, đi thẳng về chiếc xe bít bùng. Nhưng tôi vẫn nghe rõ giọng chị, oang oang trong gió.
- Chị trả thù chồng. Nó giết anh Khả.
Phạm Hồng Ân