Saturday, May 15, 2021

                                 Thiên Kim ( 2021)

Kim của ngoại

Nhanh quá, phải không con ? Mới ngày nào con còn bé xíu, chập chững chạy theo ông bà, còn mắccỡ khi thấy ông cầm máy hình , mỗi lần mẹ Quyên chụp hình con là con quay mặt đi. Con ít nói và cũng ít cười,  nhưng con lại biết lo cho mẹ, quan tâm đến ba mẹ của con nhiều hơn chị Thanh. 

 Điều ngoại buồn đến tận bây giờ, là ít thời gian ở cạnh bên con và chị Thanh khi các con còn nhỏ. Mỗi năm chỉ đôi lần gặp con trong dịp tết, lễ. Mỗi lần gặp ngoại, con thường áp gương mặt xinh xắn của con vào vai ngoai, và khi con lớn từng ngày, con cao hơn, mảnh dẻ hơn và muốn ôm ông bà , con phải cúi  xuống. 

Con bé xinh xắn, dễ thương đó, sắp bước chân vào đại học.

Ngoai vẫn còn giữ những notes nhỏ con viết cho ngoai. Lần con đi làm, lương tuần đầu tiên con mua cho ngoại gift card Starbuck. Con nói con biết ngoai thích uông cà phê. Những notes nhỏ đó câu cuối bao giờ cũng viết’ Con thương ông bà ngoại’

Con sẽ đi một mình ở con đường phía trước, hết những lần ba mẹ con đưa đón con ở trường, ở hồ bơi hay sân golf. Bay một mình. Chắc con sẽ rất nhớ ba Quang, mẹ Quyên. Nhớ căn phòng của con, chỗ con ngồi học bài, mùa thu, lá vàng tực rỡ ngoài khung cửa. Con ít nói nhưng trong đôi mắt con, trong trái tim con đầy ắp những yêu thương ấm áp mà con dành cho gia đình mình, ông bà, các cậu.

Ngoại hạnh phúc vì có được một cô cháu gái ngoan ngoãn, giỏi giang như con.

Ngoại biết. Ba mẹ con sẽ rất buồn khi phải xa con. Khi các con lớn lên, bay nhảy ngoài trời rộng kia, ba mẹ của con, ông bà .. chỉ đứng tại chỗ, ngó tại chỗ và chờ đợi tại chỗ.

Kim của  ngoại. 

Tháng tám con vào trường. 

Còn bao lâu thời gian, con hãy tận hưởng những giây phút còn được gần bên cha mẹ. Điều đó sẽ an ủi ba mẹ của con nhiều lắm.

Vì, không bao lâu nữa, con sẽ thật sự rời khỏi vòng tay âu yếm của ba  mẹ con. Căn nhà vắng con và Thanh, ba mẹ của con sẽ buồn đến dường nào .

Kim. Ngoại nhớ con.






Sunday, May 9, 2021

 

                                  Phan Thiết quê tôi 


NHỮNG KÝ ỨC KHÓ QUÊN .

( Nguyễn Lượng )
'
Xóm nhỏ chừng chục căn nhà, chỉ có nhà Nhỏ là căn nhà 2 tầng, những nhà còn lại đều nhỏ nhắn. Mặt tiền nhà Nhỏ hướng ra một ngã tư đường mà thời đó những ai là học sinh trung học trong cái thị xã nhỏ bé này thường đi qua để tới trường. Ngang hông nhà, cánh cửa sổ trên lầu mở ra là thấy ngay một công viên với những thảm cỏ, những cây hoa dại và những cây Vông cổ thụ cao lớn, mà thân của từng cây hai người lớn ôm không hết. Mùa hè đến, cây nở hoa đỏ rực và sau khi bầu hoa thành hạt, chúng rụng xuống làm đỏ cả lối đi, ngó thoáng qua tưởng như xác pháo được đám trẻ con đốt trong ba ngày Tết hay lễ cưới của đôi uyên ng nào đó!
Nhà nào cũng có " dân số" năm, bảy người. Không tính bậc cha mẹ thì nhà nào cũng có những đứa trẻ lứa tuổi ''Thằng Côn'', "Con Thúy" trong những tác phẩm của nhà văn Duyên Anh và những đàn anh, đàn chị trong lứa tuổi cập kê nhưng vẫn còn xách cặp táp tới trường. Thành ra anh chị em nhà nàythường là bạn bè trang lứa với anh chị em nhà khác. Ngoài những buổi tới trường, đám trẻ thường nhóm lại chơi những trò chơi như : rượt bắt, trốn tìm, nhảy dây, nhảy nhà lầu, đánh chắc, nấu ăn, đá banh, đá dế, bắn bi, u mọi ... Nhiêu trò chơi đó thôi cũng làm cái xóm lúc nào cũng nghe tiếng vui cười, cãi vả của đám trẻ cho tới tận giờ đi ngủ. Nhớ có lần chơi trò trốn tìm. Tôi leo lên cây trứng cá rồi chuyền lên mái nhà ẩn núp. Phe kia tìm hoài không ra mà đêm càng khuya càng tối nên lo sợ kêu réo um sùm. Còn tôi thì nằm trên mái nhà ngủ một giấc ngon lành! Cũng ở trò trốn tìm này tôi và thằng Ng. leo lên cây nguồn trong xóm. Cây nguồn có nhánh um tùm dể ẩn núp, khó tìm nhưng rất giòn, dễ gãy, Ng. té xuống đất phải chở đi nhà thương. Tôi chạy theo một đoạn rồi đứng lại, khóc! Chơi trò nấu ăn tôi được chị D. phân công lấy nước ở cái giếng trong xóm. Cặp thùng là hai cái lon sửa bò và đòn gánh là một thanh tre !
Chơi trò nào cũng thường chia làm hai phe và tôi luôn chọn về phe có Nhỏ, cô bé có hàng lông mi dài cong vút và đôi môi đỏ thắm ! Nhỏ lanh lẹ nên chơi trò nào cũng giỏi. Chơi trò rượt bắt , Nhỏ chạy nhanh và lắc léo nên bắt được Nhỏ không dễ chút nào.
Trong xóm có một khoảng đất trống, khá rộng. Đám trẻ đã " thiết lập" thành một sân banh. Mỗi phe có một cái gôn được lập bởi những chiếc áo, quần, giày, dép. Nhớ lại tôi chơi rất hay khi thấy Nhỏ đứng nhìn xuống qua khung cửa sổ ở trên lầu!
Mùa hè được nghỉ học. Khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống. Vườn bông gần xóm cây cỏ phát triển xanh tươi. Những chú dế ăn cỏ non, mau lớn về đêm gáy râm ran suốt cả khu vườn. Những buổi chiều hè này, tôi thường ra vườn bông bắt dế. Tai căng ra nghe tiếng dế gáy để xác định chổ trốn của nó. Chân đi rón rén về hướng đó nhưng mắt vẫn thỉnh thoảng nhìn về cửa sổ trên lầu hướng ra vườn bông coi Nhỏ có đứng ngó xuống không !
Chơi đá dế trong xóm không hẳn dành riêng cho tụi trẻ mà cả những đàn anh, đàn chị lứa tuổi cập kê vẫn ham thích! Anh H. một người anh của Nhỏ nhiều lần đạp xe chở tôi về Phong nẫm, nơi có nhiều thửa ruộng để bắt dế. Có lần bắt được cả thùng đầy dế, hai anh em ngồi đá cả buổi mới chọn được con dế nhất ( vô địch ). Con này được nuôi dưỡng đặc biệt hơn những con khác. Thường được nhốt trong những chiếc hộp giấy hộp quẹt, được ăn cỏ non và tối thường được phơi sương! Nuôi dưỡng như vậy mới hy vọng đá thắng những con của người khác ! Hề hề ! Chơi dế cũng cầu kỳ đâu thua gì chơi gà chọi ha ?!!! Thích nhất là để chiếc hộp dế ở trên túi áo trước . Đi đâu cũng nghe tiếng gáy " réc'' '' réc" như tiếng kèn thúc quân ra trận !
Cũng vì mê thích trò chơi đá dế và nghe tiếng dế gáy oai hùng (dể gây hiệu ứng phấn khích cho lủ trẻ ) mà lần đó tôi bị ông Thầy đánh cho một trận và chắc trong cuộc đời mình chỉ có một không hai !Mùa hè năm đó khi tôi chuẩn bị vào lớp Tư , ba tôi cho tôi đi học thêm ở một trường tư thục có tên Lễ Trí . Trường ở trong một con hẻm nhỏ đối diện với xóm , do một vị thầy lớn tuổi và cô con gái đảm trách . Trường có vài chục học trò theo học đủ các lớp từ lớp Năm cho tới lớp Nhất và thường là con em của những gia đình phụ cận . Cũng bởi do thầy lớn tuổi nên trường còn có thêm một tên thường gọi nữa là trường Thầy Già !!! Học trò lúc đó luôn được học sự lễ phép kèm theo những môn học thường thức ! Trên vách , trên mái nhà được treo những chiếc roi mây hay đuôi cá đuối và bảo đảm trong suốt thời gian theo học tại đây , chắc chắn không học trò nào mà không bị ăn roi từ Thầy !
Buổi học chiều hôm đó , khi cả lớp đang nghe Thầy giảng , con dế than trong hôp giấy dầu Khuynh diệp tôi đang bọc trong túi áo , nổi hứng cọ cánh , gáy um sùm !Trong lúc tôi đang bối rối đập nhẹ nhẹ vào hộp , mong sao nó sợ mà ngừng gáy thì Thầy quay xuống , chỉ tay vào tôi la lớn " Lượng , lên đây "! Tôi bước lên , mắt cứ ngó vào chiếc roi đuôi cá đuối trên tay Thầy mà nước mắt đã ràn rụa trên má . Khi tôi đi đến gần vừa tầm , Thầy cầm roi quất mạnh vào mông . Tôi la khóc om sòm . Trận ăn roi đó cũng là duy nhất và cũng là cuối cùng . Bởi lẽ , ba tôi không cho tôi đi học thêm nữa . Chiều đó khi về nhà , Má tôi cũng đã bật khóc khi thấy những vết bầm tím , vắt ngang dọc trên mông của con mình khi thay quần áo cho tôi. Bà pha nước muối loãng , thoa lên " vết thương " . Thoa đến đâu tôi đều có cảm giác bỏng rát đến đó ! Chắc cũng gần cả tháng những vết bầm tím đó mới lặn ! Thiệt là một trận ăn roi nhớ đời , khó quên !
Thế hệ của chúng tôi đều lễ phép đối với mọi người lớn tuổi ,cha mẹ , thầy cô . Có lẽ cũng nhờ vào sự nghiêm khắc vàdạy dỗ của thầy cô lúc đó ?!
Bên kia khi băng qua con đường chạy ngang xóm có một dãy phố nhỏ . Đầu con phố này là một khách sạn và ngay đó là con hẻm nhỏ chạy vào ngôi trường trên .Phố có vài cửa tiệm bán kiêm luôn sửa xe đạp , vài tiệm bán thuốc Bắc và vài cửa tiệm tạp hóa . Những cửa tiệm này đều của người Tàu . Tiệm tạp hóa có rất nhiều mặt hàng ,từ thượng vàng đến hạ cám ! Nhiều loại bánh kẹo ngon được chứa trong những thẩu lớn bằng thủy tinh ,trong những thùng nhôm lớn có mặt trước là kính đề bánh kẹo hiện ra rõ ràng ,làm cho lũ trẻ đứng nhìn , thèm thuồng khó bước khi đi ngang qua! Những vật dụng lặt vặt hàng ngày , những gia vị cho bữa ăn thêm ngon được trưng bày đầy ắp làm cho cửa tiệm chật chội thêm . Xen lẫn các cửa tiệm này có hai tiệm thuốc Tây , hai phòng mạch Bác sĩ , một tiệm cầm đồ ,một nhà in có bán kèm sách vở và một tiệm cơm . Tiệm cơm có mấy chị em xinh đẹp , luôn mang trên người nhiều đồ trang sức đứng bán . Tên gọi của mấy chị em cũng thiệt đặc biệt , dễ nhớ khó quên! Bắt đầu tên người chị là Giàu rồi kế đến là Có , Tiền , Của ! Tiệm cơm thường có khách hàng là những viên công chức trẻ , xa nhà và lũ trẻ chúng tôi trong xóm cũng có nhiều kỉ niệm khó quên với tiệm cơm này ! Tôi sẽ kể về chuyện này vào lần kế tiếp .

Góc của T.

Anh nhắc ‘ Sao lâu lắm em không vào blog?’’
Chẳng lẽ nói với anh , sao mà em lười quá. 
Blog, với tôi , như cánh cửa mở ra một góc phòng khác, nơi tôi có thể xếp trong đó những bài thơ nhỏ, những truyện ngắn, những chia xẻ của bạn bè, anh em. Đó là thế giới bình yên của tôi..Nhưng, đã gần một năm nay, thật tệ cho trí nhớ của tôi. Chìa khoá của cánh cửa đó, không biết đã rơi  rụng nơi nào...
Anh viết về những hàng vông bông đỏ thắm nơi thành phố cũ. Thành phố nơi tôi được sinh ra, lớn lên, nơi mà không gian ở đó đã thấm đẫm chan hoà trong tôi,  cho tôi được bơi lội thoả thích trong tình thương của gia đình, nơi tôi nhìn các em tôi lớn từng ngày với những chiếc răng măng ngộ nghĩnh.
Cũng căn nhà có cây trứng cá quanh năm chín đỏ, anh và tôi, chúng ta có với nhau biết bao kỉ niệm. Tôi nói với anh ‘ Hồi xưa em cõng anh hái trứng cá, bây giờ đến lượt anh.. ‘ chỉ nhắc chút chừng đó đã nghe bùi ngùi.
Anh. Anh sắp bước vào phòng phẩu thuật lần nữa. Hãy bình yên, anh nhé. Và đừng quên, anh còn nợ em một lời hứa.