Sunday, April 29, 2018




                          (Ảnh của Phước)


Bài cho Tháng tư

Có người gãy súng
tàn cuộc binh đao
Giao thông hào còn nát vết đạn cày
tanh mùi máu ..
Đàn chim xao xác rỉa mồi
kêu tiếng thê lương

Tháng tư
Mấp mô những con đường
đoàn người kêu gào
chạy trốn ..
Máu đổ thành sông
Máu quyện thành dòng
Người ta tìm hy vọng trong tận cùng tuyệt vọng
Như thiêu thân điên cuồng
lao vào ánh sáng
Cánh giập tả tơi ..

Tháng tư
Người lính gục đầu
dấu dòng lệ nóng
dấu tủi hờn
sau vòng giây kẽm rỉ sét
Mất nước rồi
Sống -hay - chết - 
Chỉ một bước chân ..

Tháng tư
Bên bờ mương 
Bên giao thông hào
Có người ngã xuống
nằm cùng anh em bạn bè
Mới hôm qua ..
trời xanh trong mắt anh 
Và hôm nay. Bóng tối
đưa anh về
bình yên giấc ngủ
thiên thu...

Tháng tư ..
Có ai còn nhớ ?
Còn gọi tên ?

( Nhật Ng.)

Thursday, April 26, 2018

                            Trại tù khổ sai.              
                           (Ảnh sưu tầm trên internet.)

Cuối năm 77...
( KV) 

Chuyển trại từ Katum, Tây Ninh về trại mới, trước là bộ chỉ huy của Liên đoàn 5 Công Binh, còn có tên là căn cứ Thành Ông Năm ở Hóc Môn. Sau hai năm trời bị giam cầm trong rừng xa mặt trời. Ngày này qua tháng kia chặt cây rừng, cắt cỏ tranh, vật lộn với thiên nhiên và bệnh tật khắc nghiệt cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Về tới đây tuy chỉ nhìn lại được chút đường xá qua khe vải bạt, lúc chiếc xe Molotova chở chúng tôi chạy ngang, nhưng vẫn bồi hồi cảm động khôn cùng. Vì đã nghĩ tới lúc bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc, vẫn không còn nhìn lại được những hình ảnh phố xá xưa cũ. Nhiều người trong đám tù chúng tôi đã quỳ hoặc nằm dài ra ôm hôn nền xi măng quen thuộc, tưởng như không bao giờ có thể gặp lại.
Tuỳ theo từng căn phòng được chia. Thường thì khoảng 8 đến 10 người một phòng, cũng không chật lắm. Trải mền nằm trên sàn xi măng vì chẳng có giường chiếu chi cả. Lúc ấy tôi còn trẻ nên không cảm thấy gì, nhưng mấy vị lớn tuổi thì rất khổ sở phong thấp đau nhức vì nằm đất. Tuy nhiên chúng tôi đều có nỗi khổ sở giống nhau là đói triền miên. Ngày được hai miếng bột luộc, hoặc tệ hơn là khi ăn khoai lang, chỉ được phát hai củ bằng gang tay một ngày. Đói quá nên thiên hạ thường kể về những món ăn rất say mê hào hứng, gọi là ăn "hàm thụ". Tôi không thích kể và nói về nấu nướng. Và thường bỏ đi chỗ khác. Tôi chỉ có sở thích là uống trà và cà phê, hai thứ này không phải dễ có, ngoại trừ được thăm nuôi. Nhưng tôi hầu như vẫn được uống trà, hoặc cà phê, vì là "ca sĩ" nên đôi khi được ăn chè là món "xa xỉ thượng hạng" từ bạn bè. Buổi tối pha một bình trà trong chiếc bi đông cũ kỹ, bạn bè cùng "chung chí hướng" gặp nhau. Nhâm nhi chút trà nóng, hút thuốc lào. Hát với nhau đôi ba bài hát. Tạm quên đi một tương lai mù mịt không có ngày về.
Nhớ Trần Kháng Sơn với hàng ria mép và chiếc nón "tự tạo" rộng vành, nhìn na ná như nón Sombrero của người Mexico. Mà cũng lạ, khi ngồi chơi đàn cho bạn bè hát, là chàng phải đội chiếc nón đó lên. Ngón đàn của Sơn thật phóng đãng bay bướm tuyệt diệu, Sơn đã làm bài hát mà bây giờ tôi không nhớ tên:
Người ra đi đi về cõi hư vô
Người ôm con mong chồng đã ba năm
Ôi ba năm qua sao thấy đau thương dâng tràn
Ôi ba năm qua thân xác ta đã mỏi mòn
Ngàn năm chinh chiến
Ngàn năm binh biến
Lòng cầu mong mãi cho người sống yên.
Thắp hương lên mồ hoang đã lạnh
Bước chân đi niềm tin dở dang...

(Trần Kháng Sơn)
Gần như Sơn hát bản này thường xuyên mỗi khi có buổi "trình diễn". Có thể nói trong những người chơi Flamenco về đây từ trại Suối Máu Long Khánh, tôi thấy Sơn chơi hay và lả lướt, có hồn nhất.
Tôi với Sơn mất liên lạc khi tôi bị đưa xuống U Minh Hạ làm ruộng năm 78. Bây giờ cũng không biết Sơn ở đâu, còn sống hay đã vùi thây ngoài biển cả rồi, vì hồi đó nó vẫn nói khi về được, nó sẽ vượt biên?
Trại Thành Ông Năm là căn cứ của Liên đoàn 5 Công Binh. Đi đâu cũng chỉ thấy bê tông và sắt, máy móc, xe cơ giới bỏ phế không dùng tới hư hỏng rỉ sét, thấy mà tiếc vô cùng, kiếm cả ngày cũng không được khúc củi nào để nấu nước pha trà, nấu chút mì gói hoặc bột đậu xanh sau khi được thăm nuôi, hay nấu chút canh rau Dền hoặc rau Đắng hiếm hoi sau một thời gian chăm sóc trên một mảnh đất cũng nhỏ xíu hiếm hoi trong trại. Nên những chiếc lò nhỏ xíu, chỉ để vừa ống lon Guigoz ra đời. Đốt vài cành khô, bỏ chiếc bao nilon vào, nhựa chảy ra với ngọn lửa khét nồng leo lét. Chỉ cần 5 bao nilon là đủ sôi nước để pha một bidon nước trà ngồi nhâm nhi với bạn bè. Bao cát sợi nilon dẹp màu xanh được xem như của quý vì nấu được rất nhiều so với những bao nilon nhỏ nhoi. Ngày đó, trong một lần duy nhất được thăm vì sau đó tôi bị chuyển trại, em đã mang cho tôi trà, cà phê, và nhiều thứ vô cùng quý giá khác, ngoài một keo thuỷ tinh lớn còn cái nhãn của cà phê Taster's choice, bên trong là một cục thịt heo ngâm nước mắm. Không biết em kiếm đâu ra 3 hộp Corned beef, vào thời điểm ấy tôi nghĩ rất mắc tiền. Sau này hỏi, em nói cũng không nhớ mua ở đâu. Năm 77, 78 em đi dạy học với một túi khoai khô. Mua những thứ này cho chồng là cả một sự hy sinh “ngoài giới hạn”.
Chung quanh trại là hàng rào kẽm gai. Bên ngoài hàng rào khoảng trăm thước có nhà dân nên đám tù chúng tôi không phải đi cuốc đất trồng mì, chặt cây như lúc ở rừng Katum. Ban ngày chỉ đi làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh. Đi cậy gạch bông hoặc gỡ bồn cầu, gỡ tôn trong những dẫy nhà rất đẹp đẽ khang trang trong trại, lý do không nói ra ai cũng biết là họ chở về miền Bắc.
Với tôi đây là thời kỳ nghỉ "dưỡng quân" hiếm hoi, và không dài lắm trước khi đi tới những trại tù vô cùng gian khổ nơi U Minh Hạ ở Cà Mau và rừng già Phước Long sau này. Không có trong tay một thứ dụng cụ nào như kềm búa dao đục. Chỉ với những đồ tự chế, những cây guitar được ra đời, tuy rằng không được đẹp lắm vì vật liệu chỉ là gỗ được tách ra từ những miếng ván ép, những bàn tay tài hoa đã đưa luồng sinh khí vào những mảnh gỗ vô hồn để nó phát ra những âm thanh tuyệt hảo như những cây đàn chuyên nghiệp. Những lá nhôm máy bay, giờ tôi cũng không nhớ của ai, và từ đâu ra, được cắt nhỏ và chia cho bạn bè. Từ đó đi đâu cũng thấy các "quan" ngồi hì hục mài dũa, người làm vòng tay, người làm lược, hoặc những cánh hoa, con bướm để cài trên áo. Tất nhiên đều xinh xắn tinh xảo. Vì bao nhiêu thương nhớ dành cho vợ hoặc cha mẹ, người thân đều dồn vào những vật kỷ niệm ấy. Tôi cũng làm được cho em một chiếc vòng đeo tay với tên em trên đó.
Họ gỡ hết những bồn cầu trong khu nhà ở. Nên chúng tôi phải đào những hố xí ở khu vực đất trống dọc theo hàng rào kẽm gai bờ trại, chiều ngang và sâu khoảng 1 mét, dài chừng 4 mét, gác đà sắt lên để họ ngồi. Thay vì ngồi trong những nhà vệ sinh sạch sẽ mát mẻ. Ra ngoài trời ngồi chịu nắng mưa, và mùi hôi hám, ruồi nhặng. Nghĩ cũng lạ thật.
Mặc dầu thường xuyên đói, đôi lúc đói hoa cả mắt. Nhưng tôi cũng như những bạn bè thân, hay tìm đến nhau ngồi tâm sự, và chuyền cho nhau những tin tức để lên tinh thần lẫn nhau. Đa số chúng tôi, đôi khi biết là tin thất thiệt, nhưng nó cũng như những lâu đài ảo ảnh, giúp cho con người ta nhìn mà cố gắng đi trên con đường khổ ải. Giống như những món ăn được kể "hàm thụ" cho quên đói, những tin tức đồn đại cũng làm hừng chí, khơi lên những ngọn lửa leo lét trong tâm hồn đã tận cùng tuyệt vọng với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con cha mẹ. Chúng tôi là những người tù không có án. Khi nào các anh làm tốt, thì "cách mạng" sẽ tha về. Bọn quản giáo thường nói vậy. Thế nào là tốt, và tốt như thế nào? Những người tù hình sự, trộm cắp, giết người họ đều có một bản án là mấy năm tương xứng với tội của họ. Họ đều biết rằng ngày đó tháng đó chấm dứt hạn tù, họ sẽ ra tù. Những người tù binh hay trình diện đi tù, đêm ngày phải đối diện với một nỗi kinh hoàng là không biết đến chừng nào sẽ ra khỏi chốn địa ngục trần gian đó. Nắm bao tử để dễ sai khiến, trấn áp hành hạ tinh thần và thể xác để người tù không còn sức kháng cự. Có biểu hiện chống đối sẽ bị nhốt vào một thùng sắt trước kia chứa đồ quân dụng của Mỹ, người miền Nam đều biết với cái tên "conex". Một chiếc thùng sắt vuông vức mỗi chiều khoảng cao hơn đầu người, nóng như thiêu đốt dưới ánh nắng mặt trời và chỉ có một cửa sổ rộng chừng một gang tay, dài khoảng 3 gang tay để thở và đưa đồ ăn nước uống vào. Không ít người đã chết trong chiếc lò nung này. Còn hình thức cùm 1 chân, cùm 2 chân là hình thức trừng phạt phổ biến ở những trại khác. Chỉ có thể nằm hoặc ngồi, chân trong vòng sắt của cùm, nên chỉ cần một tuần lễ là hai cổ chân chảy máu lở loét. Người Cộng sản thật tinh vi và thừa phương cách để kiểm soát người dân. Cho nên không có gì lạ khi trong nước Việt bây giờ, số lượng những con người đứng lên phản kháng thật là nhỏ nhoi và cô đơn.
Trong đám bạn bè thân hay tìm đến nhau trong ngày ấy là Phan Lạc Giang Đông-không quân. Bạch Đình Vỹ-giáo sư Toán, rất giỏi và nổi tiếng Sài Gòn thời bấy giờ. Trịnh Cung -ông này thì nhiều người biết qua bài thơ được Trịnh Công Sơn phổ nhạc, và Lê Quang Uyển- thống đốc ngân hàng, mà hồi đó tôi có lần nói đùa với anh rằng: nhờ ơn Việt cộng, chứ tép riu như tôi chẳng có tư cách nào ngồi giỡn hớt với ông được. Thật vậy, trong tù tiếp xúc mới biết những người đầy tài năng cũng như bằng cấp nhiều vô số kể, những con người tuấn tú đó không còn được phục vụ quốc gia Việt Nam Cộng Hoà thân yêu của chúng ta. Mà thay vào đó phải đi chặt cây rừng cuốc đất, gánh phân người lên tưới rau. Và những công việc cực khổ khác. Chưa kể vô số người vùi thây dưới biển lúc vượt biên đầu năm 80. Đất nước chúng ta rơi vào một số phận đau thương và khổ ải vô cùng. Bây giờ cũng thế, sợ rằng sẽ còn tệ hơn.
Buổi sáng ôm bụng đói đi lang thang, gặp Phan Lạc Giang Đông và Bạch Đình Vỹ rủ qua thăm Tạ Ký, gặp anh đang bệnh, mà tâm bệnh nhiều thì đúng hơn, nên cảm thấy chẳng vui gì. Cái tên Phan Lạc Giang Đông chắc không biết đói vì lúc nào cũng chuyện trò oang oang. Ngồi đọc bài Ruồi và người tình của Tạ Ký rồi đắc chí cười ồn ào. Nói chuyện với anh Tạ Ký một lát tôi bấm hai ông thần kia về để cho anh nghỉ. Vừa đi Đông vừa cười vừa cao hứng đọc lại cho tôi bài Ruồi và người tình. Ông ấy ngồi đi cầu mà cũng nghĩ ra một bài thơ sẽ đi vào văn học sử. Tôi thì không cười nổi, vì bài thơ u uẩn quá. Có lẽ vì vậy mà tôi nhớ hoài, bài thơ của anh Tạ Ký giờ cũng đã vào văn học sử thật sự. Sau này, mỗi lần nghĩ về anh, trong trí tưởng của tôi luôn hiện lên hình ảnh một người tù già yếu còm cõi, ngồi trên hố xí, trước mặt là hàng rào kẽm gai dày đặc những ruồi nhặng trong một không gian hôi thối. Nghĩ tới người vợ mà anh yêu thương đã rời xa lúc anh trong tận cùng khốn khó. Anh đã rơi nước mắt nhiều lần, khi gọi tên vợ của anh trong lúc làm bài thơ này. Tôi nghĩ vậy.
Chuỗi hạt ruồi đậu trên dây kẽm gai
Ruồi từ những hố tiêu bay lên
Tiếng ruồi lao xao như sóng gợn
Mắt ruồi nâu làm nhớ tóc Tây phương
Chuỗi hạt ruồi như chuỗi hạt huyền
Anh tặng em ngày cưới
Ruồi đậu trên dây thép gai như những nốt nhạc
Dây thép gai kẻ nhạc không đều
Làm sao em hát
Có bầy én về
Không phải để báo tin Xuân
Vì anh biết mùa Xuân đã chết
Có bầy én về tìm ruồi trên giây thép
Chuỗi hạt huyền vỡ tan
Anh gọi tên em
Mấy lần.

(Tạ Ký)
Phan Lạc Giang Đông lúc nào cũng cười nói ồn ào. Ít khi tỏ ra thấy buồn. Cũng như anh Tạ Ký, Đông cũng rơi vào một tình trạng bi phẫn tuyệt vọng không kém. Nhiều người vợ vào thăm chồng rồi nói lời chia tay, cha mẹ thăm con cho biết giờ đang nuôi cháu. Một số người cứng cỏi vượt qua được, cũng có người trở nên điên khùng, hoặc không bình thường. Nghĩ cho cùng chẳng biết trách ai. Thời gian đó miền Nam rơi vào tận cùng của đói khổ và tuyệt vọng. Chỉ trách đất nước chúng ta nằm không đúng chỗ trên bản đồ thế giới. Nhưng may mắn và cũng đáng kính phục khi vẫn có những người vợ gánh gồng đồ thăm nuôi chồng qua hàng chục cây số vào những trại tù xa xôi như Bù Gia Mập, ở Phước Long, trại tôi ở sau này. Vượt ngàn dặm cực khổ đói lạnh thăm chồng ngoài Thanh Hoá, Hà Nam Ninh... Có lẽ nên công nhận người phụ nữ miền Nam Việt Nam là một biểu tượng cho sự cao cả và vĩ đại nhất trong những người phụ nữ trên khắp thế giới.
Đám tù binh chúng tôi, vì ở rừng mới về, chưa từng có lần thăm nuôi nên cả đám đều te tua đói rách. Những người ở trại này trước chúng tôi khoảng một năm, nhờ được người nhà thăm nên có vẻ "giàu có" hơn. Nói cho vui vậy vì nhiều người có chuồng nuôi gà, một vài con thôi, cũng có mấy người nuôi vịt Xiêm. Trồng rau Dền, rau Đắng trên mấy miếng đất nhỏ xíu "chó ngồi lòi đuôi" cạnh khu nhà họ ở. Hỏi mới biết là họ mua từ những người vệ binh. Về sau tôi được biết họ bán cho mình đủ thứ, từ thuốc lào, thuốc lá, trứng, thịt, cả rượu đế nữa. Ngoại trừ những người quản giáo mặt mũi lúc nào cũng đằng đằng sát khí, đám vệ binh có quan hệ mua bán với mấy bạn của tôi đều ăn nói nghe được, có nhiều cậu còn xưng em . Nhiều buổi "văn nghệ" họ còn đứng canh chừng quản giáo cho chúng tôi hát. Sau hai ba năm trời chắc họ đã thấy đám sĩ quan "nguỵ" này không phải ác ôn như những gì họ đã bị nhồi sọ, trái lại còn tài hoa và giỏi giang ăn nói lịch sự và “trình độ”. Đi dọc theo hàng rào kẽm gai họ có thể nghe thấy tiếng nhạc guitar classic, flamenco, hoặc một ban nhạc hoà tấu guitar trong những khu nhà vọng ra trong chiều tối. Các anh giỏi thật, cái gì cũng biết. Một cậu vệ binh rất ngưỡng mộ Trần Kháng Sơn nói như vậy. Tôi nói với Sơn, trong trại này tính cho kỹ ra thì bác sĩ Quân y, Trợ y, kỹ sư, nhiều vô số, phi công F5 cũng có mấy người. Nó(người vệ binh) nói như vậy quá thừa.
Trong đám bạn của tôi mua được một con chó nhỏ, cả đám xúm vào góp đồ ăn nuôi nó, càng lớn càng dễ thương và khôn vô cùng. Nó quấn quít chúng tôi không rời, và đặc biệt không bao giờ sủa ai cả, dù rằng trong trại kẻ qua người lại cả ngày. Nhưng khi người quản giáo tên Tư Lung xuất hiện đâu đó trong trại dù rất xa, nó cũng biết và sủa ngay, la nó không được sủa nữa thì nó gừ hoài, khi nào người quản giáo đi ra khỏi khu vực mới thôi.
Tại sao nó lại đánh hơi thấy, cảm thấy một đối tượng "thù địch" như vậy. Con chó mà cũng biết ghét Việt cộng hay sao? Chính vì khả năng cảm nhận ra "kẻ thù" đó làm tên Tư Lung ra lệnh phải giết chết nó.
Giao nó cho một đám bạn tù khác làm thịt, chúng tôi không ai ăn một miếng nào, dù rằng ngày đó một miếng thịt là một thứ gì quý giá vô cùng.
Mấy người bạn tù nói lại: lúc kéo nó ra gần hàng rào để đập đầu làm thịt. Nó không chống cự, nhưng nó khóc.

Nguyễn Khôi Việt

Friday, April 20, 2018



                                 Ảnh ( Trần Trung Đạo )


(Hồn ta là một dòng sông
Chở bao nhiêu nước về lòng biển sâu.)


TỤC DU


Ðời ta cắn cỏ trăm đường
Khai sinh kết nghĩa với phường tục du
Lá buồn từ độ sang thu
Ta buồn từ độ sương mù mới sa
Lang thang trong buổi chiều tà
Tìm trăng trăng khuyết tìm hoa hoa tàn
Từ ta tan giấc mộng vàng
Quê hương nghìn dặm ngỡ ngàng bước chân
Hỏi đời ai kẻ tri âm
Về cho ta gởi tấm lòng viễn phương
Hồn ta là một con đường
Mà ai qua đó còn vương phấn hồng
Hồn ta là một dòng sông
Chở bao nhiêu nước về lòng biển sâu
Hồn ta là một nhịp cầu
Mà ai qua đó để sầu lại đây
Hồn ta là một cành cây
Ai về ngủ đậu chờ ngày mưa qua
Hương tàn phấn đã bay xa
Thôi về mộng với màu hoa năm nào.

Trần Trung Đạo

Sunday, April 15, 2018




                                       Đôi bạn. ( ảnh Tô Thẩm Huy)



Tình Bạn với TRẦN HOÀI THƯ
Phạm văn Nhàn (*)

Viết về nhà văn Trần Hoài Thư. Với tôi, trải qua một giai đoạn dài. Từ cuối năm 1967 cho đến hôm nay. Tình bạn vẫn gắn bó trên văn chương chữ nghĩa và ngoài đời.

1/ QUI NHƠN

Nói về bạn bè khi tôi còn làm việc ở Qui Nhơn không nhiều lắm. Ngay cả nhưng người bạn trong đơn vị của tôi. Ngoài ra tôi còn có vài người bạn cầm bút một thời còn rất  trẻ. Thỉnh thoảng gặp nhau bù khú vài ba câu chuyện cho vui. Hay ngồi quán cà phê nhâm nhi tách cà phê để nhìn thiên hạ trong những ngày rảnh rỗi. Nhưng vào cuối năm 1967 tôi gặp anh Trần Hoài Thư. Qui Nhơn là thành phố nhỏ, chỉ có vài con đường chính, lang thang rồi cũng gặp nhau. Thành phố đầy bụi và xe nhà binh. Không khí chiến tranh bao trùm, và đĩ trong những khu quân sự có lính đồng minh trú đóng . Hay trên những con đường trong thành phố đầy quán bar. ( thật sự là như vậy). Những người lính như chúng tôi cảm thấy lạc lõng giữa lòng phố thị.

Đã trải qua 50 năm, ngồi ôn lại những người bạn trong thời khói lửa chiến tranh khốc liệt mà tôi gặp, trong đó có anh . Nhất là ở chiến trường Bình Định, tôi không biết gặp anh lúc nào. Ai giới thiệu. Tôi không nhớ ra. Hay chúng tôi có cái tên: không gặp mà đã quen. Mà sao tôi với anh gắn bó trên tình bạn lâu nhất. Phải nói " ngọt bùi" đều có nhau, dù hai chúng tôi khác đơn vị. Ngay cả những người bạn cầm bút vẫn nói như thế.

Vào năm 1967. Nếu tôi không có lệnh đổi về Qui Nhơn làm việc thì làm sao gặp và thân với Trần Hoài Thư ??. Bên cạnh anh, tôi còn có hai người bạn dù nhỏ tuổi hơn tôi, lại khác nghề nghiệp, mà hôm nay cũng đã 50 năm, tôi không hiểu sao lại gặp hai người bạn trẻ này. Đó là nhà thơ Phạm Cao Hoàng và Lê Văn Trung. Tôi chỉ nói ở Qui Nhơn thôi. Chú bạn bè tôi ở các tỉnh tôi chưa nói đến. Có lẽ vì cái "tên" chăng? . Mà trước 1975, chỉ ở miền Nam, những người cầm bút dù là lính hay không phải là lính, chưa gặp lần nào. Mà nếu có gặp nhau xem như thân quen tự lúc nào.

Qui Nhơn, tôi sống lang thang không nhà một thời gian ngắn, Hết ở nhà này tới nhà khác . Hết ở bến xe tới ga xe lửa. Lang thang hoài cũng mệt, tôi quyết đinh thuê một căn nhà gồm 2 phòng trong khu 6 Qui Nhơn, Cuối đường Nguyễn Thái Học. Gần các cơ quan quân sự. Và gần nơi tôi làm việc.Từ trong ngôi nhà này, nó như cái trạm dừng chân cho những người bạn của tôi từ chiến trường về thành phố nghỉ tạm qua đêm. Những người bạn của tôi qui tụ về. Thường nhất là Trần Hoài Thư. Phạm Cao Hoàng và Lê văn Trung. Thỉnh thoảng cũng có anh chàng học Sư phạm tên Mai Khế cũng ghé tới chơi. Tôi không biết sau này anh Mai Khế đó đi đâu? Căn nhà có cửa nhưng không khóa, chỉ khép hờ. Nhà không có điện. Thắp đèn dầu. Không giường không bàn ghế. Nhưng đầy ấp tình bạn và tình đồng đội, tình văn chương chữ nghĩa. Những người bạn từ chiến trường về phố thị cũng ở đây. Những em bị bắt đi lao công đào binh chờ ra tải đạn ngoài chiến trường cũng ở đây. Căn nhà thiếu thốn mọi thứ, nhưng tình thì không thiếu.

Nói và viết về Trần Hoài Thư. Tôi viết hoài không hết. Bản chất của Trần Hoài Thư. Người lính thám kích của Đại đội 405 của sư đoàn 22/BB nghe thì dữ dằn lắm, nhưng hiền như Bụt. Ốm yếu. Gầy gò, Cận nặng ( hình như 7 độ). Đôi kính cận lúc nào cũng có sợi dây thun quàn ra sau ót. Không bao giờ đội nón lưỡi trai ( nón của lính). Chỉ có một cái nón rừng, cuốn lại vắt ở cầu vai áo hay nhét vào túi quần. Lang thang. Bất cần đời. Nhưng có một tấm lòng rộng rãi. Biết thương người. Hòa đồng với mọi người. Không phân biệt. Thường chơi với những người lính không có cấp bậc. Không phân biệt nhà thơ lớn nhà văn nhỏ. Đã cầm bút là chơi hết mình. Đó là Trần Hoài Thư mà tôi quen đã 50 năm nay. Không thay đổi. Mỗi lần nói đến chuyện văn chương là anh cười sảng khoái.
Có một điều cần phải nói, với THT anh viết lúc nào cũng được. Tại quán cà phê. Tại bến xe. Và trong căn nhà khu 6 không có bàn ghế. Thế mà anh vẫn viết. Một điều nữa, cần phải nói. Chữ viết của Trần Hoài Thư xấu nhất trên thế gian này. Tôi chưa thấy ai viết chữ xấu như anh. Thế mà các anh trong tòa soạn đọc được mới hay. Tôi thì chịu, nếu ngồi đọc hết một truyện của THT Viết.

Viết về THT giai đoạn ở Qui Nhơn. Hình như ngoài tình bạn ra tôi với anh còn có cái duyên thật kỳ cục. Như Têt Mậu Thân năm 1968. Đơn vị bắt tôi thành lập một  đại đội khóa sinh về giữ an ninh từ ngày 27 cho tới sáng 29 Tết. Rải quân trên con đường dẫn vào thành phố. Đầu đường  Gia Long. Trên doạn đường này có cây xăng Ông Tề. Tối 28 tôi đi tuần tra, chó sủa nhiều dọc theo đường rầy xe lửa, Tôi cứ nghĩ là "thiên hạ" đi sắm tết. Sáng 29 Tết tôi rút quân để đơn vị BB thay thế. Ai dè đơn vị thay thế tôi lại là 405/ TK của Trần Hoài Thư. Sáng 30 Tết tôi định đi lang thang ra phố thì có lệnh cấm trại 100% . VC tấn công vào thành phố. Tối 30 Tết, Trần Hoài Thư bị thương tại cây xăng Ông Tề này. Mà cũng tại cây xăng Ông Tề này trước đó tôi có sao đâu? Âu cũng là cái số. Sáng mùng 2 Tết tôi vào QYV/Quy Nhơn thăm. Thư cười. Chưa chết.

 Một bản tin ngắn trên VĂN của ông Trần Phong Giao có đi  như sau. Xin trích:  
" bị thương trong thành phố.
Trần Hoài thư, một tác giả trẻ nhiều triển vọng, quen thuộc với độc giả bách Khoa, Văn..vừa bị thương khi đem quân về tiếp viện một thị trán ngoài Trung, trong cuộc binh biến đầu Xuân vừa qua.
Trong thư gửi toà soạn Văn, Trần Hoài Thư than là đi rừng đi núi mãi không sao, ngày đầu xuân về thành phố thì lại bị kẹt. Cứ ao ước về thành phố xả hơi ít ngày, nay lúc được về lại là để nằm trên giường bệnh. Trong lúc đó lại có tin, gia đình anh ở ngoài Huế lại tan hoang nhà cửa.
Mặc dù mắt bị cận thị rất nặng, Trần Hoài Thư hiện đang phục vụ trong một đơn vị thám kích. Sau những giờ hành quân gian khổ,anh chỉ có sinh thú độc nhất là đọc sách báo là sáng tác thơ văn.- Một sinh thú mà anh rất ít được hưởng vì nhiệm vụ tác chiến thường quá nặng nề.
Hy vọng và cầu chúc là sau ngày dời bệnh viện, Trần Hoài Thư sẽ may mắn hơn, được thuyên chuyển về một đơn vị nào đó,nơi mà ngioài phần quân vụ cần thiết , anh sẽ có một thời gian nhiều hơn dành cho công việc sáng tác..

Theo bản tin, Ông TPG hi vọng là sau khi THT ra khỏi viện sẽ được may mắn hơn. Làm sao có sự may mắn hơn khi một người lính không có thế lực. Không quen biết; mặc dù anh là một nhà văn có những truyện ngắn đi trên những tạp chí uy tín ở Sài Gòn . Mang đôi kính cận dầy cộm. Vẫn hành quân ở ĐĐ 405 TK.

Nói về căn nhà trong khu 6 Qui Nhơn. Ngôi nhà có MA có QUỶ thật sự. Không ai dám thuê để ở. Tôi không biết cho nên thuê.  Bạn bè ở tác chiến về ngủ qua đêm đều thấy. Nhưng với tôi thì không. Hình như ma quỷ thấy tôi đều sợ. THT vẫn nói như vậy.

Sau đó. Có ngươi lính quân cụ cho tôi ở ngôi nhà của anh ta không trả tiền nhà. Nhà bên cạnh nhà tôi thuê cũ. Vách ván. Mái tôn. Có giường và bàn. Rộng và thoáng. Nhưng vẫn không có điện. Từ ngôi nhà này, môt hôm, anh em họp mặt đông vui. Gồm PVN. Trần Hoài Thư. Phạm Cao Hoàng. Lê Văn Trung. Thái Ngọc San. Nhà báo Huy Hoàng và Lê văn Ngăn . Mấy anh em ngồi uống bia. Nhâm nhi khô mực, thì Thái Ngọc San bỗng dưng đứng dậy chỉ tay về phía Trần Hoài Thư nói : mày là thằng  lính đánh thuê. câu nói có vẻ hằn học. Lần đầu tiên tôi thấy Trần Hoài Thư nổi giận. Anh đứng dậy đập chai bia xuống bàn định đánh . Anh Huy Hoàng can và dẫn Thư ra ngoài. Không khí mất vui. Không biết anh Huy Hoàng nói với Thư như thế nào. Nhưng sau đó Thư với anh Huy Hoàng vào. Và xem như không có gì xảy ra. Viết lại hôm nay, anh Huy Hoàng, Thái Ngọc San và Lê văn Ngăn cũng đã mất rôi. Bây giờ chỉ còn là một kỷ niệm. Lần đầu tiên tôi thấy Trần Hoài Thư nổi nóng. Một lần nữa trên căn gác của Đặng Hòa ( nhà thơ Nguyễn Thị Thùy My) trong khu chơ Quy Nhơn. Hôm đó tôi lại chứng kiến Trần HoàiThư nổi nóng lần thứ hai đánh Đặng Hòa mấy tát tai. Vì khuyên Đặng Hòa bỏ hút bạch phiến không được. Đặng Hòa cũng đã mất rồi. .

Qui Nhơn, Tôi với THT hai người lính bụi, thường hay rủ rê "Dù" đi chơi. Hết Tuy Hòa rồi Nha Trang. Về Tuy Hòa có Mang Viên Long. anh Trần Huiền Ân. Phạm Ngọc Lư. Hoàng Đình Huy Quan. Phạm Cao Hoàng. Nguyễn Lệ Uyên. Rồi về Nha Trang ở nhà Lê Minh. Có Nguyễn Âu Hồng. Thế Vũ. Chu Trầm Nguyên Minh. Tô Đình Sự. Huy Hoàng, Họa sĩ Thanh Hồ..... bao nhiêu chuyện vui không nói hết. Tình bạn cứ mỗi ngày thêm ấm áp. Cũng từ Nha Trang sau năm 1968, anh cho ra mắt tập truyện đầu tay: Nỗi Bơ Vơ Của bầy Ngựa Hoang. Do Ý Thức in và phát hành.

Năm 1969 tôi đổi về Tháp Chàm. Phạm Cao Hoàng , Lê văn Trung cũng ra trường vào năm đó. Trần Hoài thư còn ở lại 405 TK. Mấy anh em gặp nhau chia tay. Tôi khuyên với Thư tìm cách rời khỏi 405. Vì mặt trận Bình Định càng ngày càng khốc liệt.

2/ THÁP CHÀM

 Một buổi sáng, lang thang đi làm việc qua Cầu Móng ( cầu xe lửa), thì có một anh chàng đi xe gắn máy, áo quần bảnh bao. dừng xe lại, hỏi tôi: có phải PVN không? Hóa ra là nhà thơ Võ Tấn Khanh ( Tôn Nữ Hoài My). Khanh biết tôi là do Phạm Cao Hoàng báo là có tôi về Tháp Chàm. Qua Võ Tấn Khanh tôi biết thêm Nguyên Minh, Ngy Hữu. Còn Lê Ký Thương thì tôi đã biết khi tôi ăn cơm tháng với Lê Ký Thương do chị Yến, chị của nhà báo Lê Minh ở Tháp Chàm nấu cho ăn. Khi đó Lê Ký Thương làm ở tiểu khu Ninh Thuận. Tôi chỉ ăn cơm ở đây  một tháng thôi. Sau đó mua thực phẩm về nhà tự nấu ăn. 

Bỗng có tin nhắn của Lê Minh từ Nha Trang vào nói với tôi là THT đang ở Nha Trang muốn vào Tháp Chàm thăm tôi. Gọi tôi ra đưa Thư về Tháp Chàm. Tôi mượn chiến xe gắn máy của người bạn ra Nha Trang đem Thư về ở với tôi. Vế Tháp Chàm tôi không cho Trần Hoài Thư về đơn vị nữa. Tính sau. Và Trần Hoài Thư ở chơi với tôi gần hai tháng. ( THT đi có giấy phép của đơn vị 405 TK)

Tháp Chàm, có Võ tấn Khanh dạy học ở trường tiểu học Đô Vinh, gần nhà tôi thuê. Cứ vài đêm Khanh tới đèo tôi với Thư trên chiếc xe gắn máy xuống Phan Rang gặp Nguyên Minh, Lê Ký Thương, Ngy Hữu uống cà phê . Nguyên Minh là người sáng lập tạp chí Ý Thức và in cho Thư tập truyện ngắn đầu tay: Nỗi Bơ Vơ Của bầy Ngựa Hoang. In theo lối quay ronéo, chữ nghiêng ( tôi còn nhớ như thế). rất đẹp. Bìa do Lê Ký Thương trình bày. Người đánh máy trên stancil là chị Phương, bạn của Nguyên Minh. Kể ra chị Phương này cũng giỏi khi ngồi mở to mắt mà đọc những truyện ngắn của THT. Như tôi đã viết: chưa ai viết chữ xấu như THT . Nhưng chị Phương đọc được.  Có dịp tôi sẽ nói vế tập truyện đầu tay này của Trần Hoài Thư tại sao là NBVCBNH. Vui cũng nhiều mà buồn cũng nhiều cho tuổi trẻ chúng tôi trong thời chiến qua tập truyện đầu tay này của THT. Tập truyện in ra phát hành hết. Hình như 100 tập???

Trong thời gian ở Tháp Chàm ( xin nhắc lại: Trần Hoài thư không phải đào ngũ như nhiều người nghĩ ). Không thích, bỏ đơn vị đi chơi kiểu vô kỷ luật. Trong lúc ở Tháp Chàm lúc nào anh cũng muốn về lại với quân đội. Trên Vấn Đề của ông Mai Thảo có một bản tin đánh đi từ Nha Trang, vào ngày 18 tháng 11 năm 1970. Mà chúng tôi có được. Xin trích:

Từ Nha Trang..
Tôi đã bỏ đơn vị. Được ba tháng. Tôi muốn có một thái độ nhất là trong lúc nầy. Bây giờ thì tôi chỉ còn chờ ngày ra Tòa.Có điều chắc chắn là tôi sẽ trở lại quân ngũ. Tôi muốn như vậy..

Trong gần hai tháng ở Tháp Chàm với tôi. Tôi có nhận lá thư của ông Trần Phong Giao gởi cho tôi nói là đưa THT đi trình diện.  Kể ra nhiều anh em và mấy ông trong tòa soạn cũng nghĩ THT đào ngũ. Ai cũng lo lắng cho Thư.

Vào cuối năm 1969. Tôi đưa Thư ra Nha Trang trình diện nơi Quân vụ thị Trấn ( đồn Quân Cảnh). Ra tòa án binh. Giáng cấp. Rồi đến Đơn Vị 2 Quản Trị, đóng ở Diên Khánh, Nha Trang. Và từ đây, Trần Hoài Thư nhận sự vụ lệnh lên Sư Đoàn 23 BB trên Ban Mê thuột. Tôi nói với Thư: tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Ngày tiễn Thư lên Ban Mê Thuột tại bến xe Nguyễn Hoàng, Nha Trang, tôi cởi chiếc jacket cho Thư mặc. Và có thêm hai người bạn tiễn Thư lên đường là nhà văn Nguyễn Âu Hồng ( ở Mỹ) và nhà thơ Nguyễn Sa Mạc ( còn ở VN ). Và cũng từ ngày hôm đó, tôi xa Trần Hoài Thư .

Đưa THT lên Ban Mê Thuột. Về lại Tháp Chàm. Tôi có một cái radio nhỏ để nghe tin tức ban đêm. Một điều thú vị là khi tôi tò mò bắt qua tần số của đài MTGPMN. Vô tình tôi nghe được một bản tin nói về nhà văn Trần Hoài Thư. Đang nằm trên giường, tôi ngồi bật dậy để nghe. Đại loại: Bản tin nói nhà văn Trần Hoài Thư đã bỏ súng không còn bắn giết cách mạng và nhân dân nữa. Nhưng sau đó vì bản chất ngụy của ông ta đã trở lại cầm súng. Tóm lại bản tin không dài. Lúc đầu ca ngơi THT nhưng sau đó trách cứ vì bản chất. Tôi nghe mà không biết ai viết  bản tin này gởi vô bưng. Có nhiều nghi vấn trong số những bạn cầm bút quen biết giữa tôi với Trần Hoài Thư.

Tôi giữ cái tin này không nói với ai, cho đến khi gặp THT bên Mỹ tôi nói cho Thư nghe. Thư cũng ngạc nhiên. Và cũng có những nghi vần giống tôi. Dù gì khi tôi nghe bản tin này, tôi nghĩ THT không phải là nhà văn nổi tiếng bên này mà còn bên kia biết đến nữa.

Nhắc đến Thư ở Tháp Chàm. Tôi mới nhìn thấy được " cuộc sống nội tâm" của THT. Tại căn nhà tôi thuê, trên một ngọn đồi nhỏ. Dưới chân đồi là đường rầy xe lửa ( nhà gần ga Tháp Chàm). Trước sân nhà có một tảng đá trắng không cao lắm mà tôi dùng làm nơi để ngồi vào những buổi chiều mát trời. Tôi thấy Thư chiều nào cũng ra ngồi trên tảng đá ấy nhìn về hướng Krong Pha. Anh buồn, mỗi khi nghe còi tàu xe lửa chạy qua. Anh nghĩ về Đơn Dương những ngày thơ ấu sống gần ga xe lửa. Tháp Chàm cũng là nơi có THT về với tôi. Tôi vui. Cho  nên những ngày nghỉ, tôi với Thư thường vác súng M16 xuống sông Dinh bắn cá đem về nấu ăn. Bờ sông Dinh cây cao bóng cả. Nhiều đá lớn giữa dòng sông. Hai người lính ốm o gầy còm ở trần, ngồi trên những tảng đá dưới những bóng cây chẳng khác nào người rừng. Tôi nhớ, có lần, THT cho tôi xem một lá thư của một người con gái tên Yến ở Cần Thơ viết cho anh. Có nhắc đến một bài hát: Buồn Tàn Thu ..." em ngồi đan áo. Lòng buồn vương vấn. Em thương nhớ chàng....

Thư lên Ban Mê Thuột. Tôi sống vài tháng thì đổi ra Dục Mỹ. năm 1970. Những năm sau, tôi có gặp Võ Tấn Khanh được biết tin Thư về vùng 4 và đã lập gia đình. Tôi cũng thế. Hai người lính bụi đã có hai người con gái thương cuộc sống bụi của chúng tôi. Từ đó không còn bụi nữa.

3/ ĐẾN MỸ

Tháng 9 năm 1991, gia đình tôi đến Mỹ theo diện H.O. Thành phố đầu tiên tôi đến là Houston. Xa lạ. Không bạn bè. Không quen biết ai, ngoại trừ người bảo trợ.  Tôi sống khép kín. Cố mong làm sao tạo được một cuộc sống mới trên xứ người. Không bon chen và không đụng đến cây viết. Và cố ý  tìm xem có  tên THT trên những tờ báo chợ không. Vô tình, tôi bắt gặp tên THT trên trang đầu của tờ báo Xây Dựng trong ban biên tập. Mừng quá, về căn phòng thuê trên đường Beechnut tôi gọi điện cho tòa soạn hỏi số điện thoại của THT. Tòa soạn cho biết không có số điện thoại chỉ có e mail và không có địa chỉ. Tôi biết quái gì về e mail. Tôi nói với vợ tôi. Đành chịu,

Ở Houston 9 tháng không có việc làm gì chính đáng . Qua năm 1992 gia đình tôi quyết định về thành phố Amarillo, cũng trong bang Texas về phía Bắc mà lập nghiệp cho mãi đến cuối năm 2012.

Khi ở Amarillo, vào năm 1994. Vợ tôi có quen với một chị cũng người Huế biết gia đình anh Phiệt ở Houston, và cho vợ tôi số điện thoại. Vợ tôi  gọi và hỏi thăm đồng thời cho số điện thoại nhà để vợ chồng anh Phiệt chuyển cho THT. Vợ tôi làm ca chiều trong hãng bò mà tôi thường hay nói chơi là: trung tâm tàn phá sắt đẹp. Nhưng vì cuộc sống phải làm. Còn tôi làm ở hãng mộc. Khoảng 6 giờ chiều đi làm về, chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là tiếng nói của người bạn tôi, như ngày nào: Trần Hoài Thư. Tôi mừng muốn khóc. Hỏi thăm về gia cảnh THT cho biết một vợ một con. Tôi hỏi Thư vợ tên Yến phải không? Thư nói phải. Một mối tình đẹp còn hơn tiểu thuyết.

 Từ ngày đó, tôi với Thư thường gọi nhau hằng ngày. Tối về , tôi nói với vợ tôi là anh Thư có gọi. Bà vui lắm. Vì ở Mỹ tôi không có ai là bạn ngoài trừ Trần Hoài Thư. Và, hai gia đình ở Huế cũng gần  và biết nhau.

Những lần gọi thăm nhau, lúc nào THT cũng động viên tôi viết trở lại. Khi đến Mỹ, tôi có đem theo một ít bản thảo viết truyện trên giấy học trò khi mới ra khỏi trại cải tạo. Viết để mà chơi, Không dám đưa ai đọc. Vì sợ.

THT động viên tôi viết. Tôi hỏi Thư viết bằng cách nào? THT nói là tôi phải mua một computer để viết. Tôi biết xử dụng computer đâu mà mua. Tuy nhiên tôi cũng ra xem giá cả. Đồng lương cu li của tôi không thể nào mua nổi cái máy đánh chữ thì làm sao mua một cái computer? Cũng may, có một anh bạn  mới quen muốn bán cái computer cũ cổ lỗ sỉ không dùng nữa, bán với giá 300 đô. Tôi mua.  Đem về không biết cách dùng. Nhưng tối nào cũng "vọc". Không có chữ đánh tiếng Việt. Không biết dùng email là cái gì. Đánh bản văn ra sao. chịu.

Qua THT. Người bạn cũng là người thầy của tôi chỉ cho tôi biết cách xử dụng máy vi tính, từ năm 1994 cho tới nay. Những truyện ngắn của tôi viết khi ra khỏi trại đã được phục hồi lại trên máy vi tính cổ lỗ sỉ này. Ngoài ra THT còn bày cho tôi copy vào dĩa để phòng hờ máy bị hư. Qua THT, kể từ năm 1969 cho đến khi tôi bắt liên lạc được với THT vào năm 1994. THT không thay đổi. Với bạn bè, anh chơi hết mình và vui tính.

4/ NGÀY ĐU GP TRẦN HOÀI THƯ và CHI YẾN

Hình như vào năm 1996 (?) THT có tổ chức ra mắt sách ở Quận Cam, Cali. THT mời tôi tham dự. Tập truyện: Ra Biển Gọi Thầm.  tôi từ Amarillo bay xuống Dallas. Còn THT và chị Yến bay từ New Jersey tới Dallas. Chúng tôi gặp nhau trên cùng chuyến bay qua Cali. Vui vô cùng, vì lần đầu tôi gặp THT sau năm 1969.  Chị Yến. Tôi nói với chị, dù chưa biết chị trước 1975 nhưng khi THT về sống với tôi ở Tháp Chàm, tôi đã đọc thư của chị gởi cho Thư và chị có nhắc  đến một bản  nhạc mà chị ưa thích.  Buồn Tàn Thu. Cho nên khi tôi với THT liên lạc lại với nhau, tôi hỏi Thư có phải vợ là chị Yến không? THT cười rất vui. Một mối tình rất đẹp. Còn hơn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của Bà Tùng Long nữa. Sau này, thỉnh thoảng có về Houston gặp THT và chị Yến. Trong buổi họp tại nhà Phạm Quang Tân, người chủ trương tạp chí: Văn Hóa Việt Nam. Tôi đề nghị chị hát Buồn Tàn Thu. Giọng chị nhỏ, nhưng hát rất hay. Tôi nhớ mãi.

5/ TẠP CHÍ THƯ  QUÁN BẢN THẢO và THƯ ẤN QUÁN

Vào khoảng tháng 6 năm 2011. Một cuộc hẹn gặp nhau tại Houston giữa tôi với THT và anh Trần Bang Thạch tại nhà con gái tôi. Trong buổi hẹn gặp nhau đó, anh Trần bang Thạch có giới thiệu tôi với Trần Hoài Thư hai vị khách là bạn của TBT. Chị Nguyên Nhung ( Houston) và anh Cao Vị Khanh ( Canada). Hai vị này cũng viết văn và làm thơ. Trong lúc ngồi nói chuyện thì các anh đề nghị với THT và tôi làm một tạp chí Văn Học ( không nhớ ai đề nghị).  Với tôi làm một tạp chí văn học không phải là dễ. Nhưng, tôi nghĩ ai rồi cũng có một ước mơ. Cứ cho ước mơ đó sẽ hiện thực.  Sau khi đồng ý và quyết tâm ( chưa nghe ai nói đến hình thành tạp chí như thế nào: tài chánh bài vở ra sao. Chỉ nói làm sao hình thành một tạo chí). Mấy anh chị đề nghị tôi lo bài vở. Còn THT thì lo kỹ thuật nếu tạp chí hình thành.

Bẳng đi một thời gian không ai nói đến sự hình thành một tạp chí hoàn toàn văn học trong buổi họp tại Houston.  Người nói đến tạp chí sẽ hình thành cho được là Trần Hoài Thư. Chỉ có THT bàn bạc với tôi hằng đêm qua điện thoại. Thỉnh thoảng có Trần bang Thạch góp ý. Bài vở ra sao? Tên tạp chí là gì? THT hỏi tôi. Tôi nói với THT là bài vở không thiếu, chỉ lo tài chánh để in và phát hành. THT hỏi tôi tạp chí chọn tên gì. Tôi có cái mau mắn mà ai cũng ghét. Trả lời ngay từ cái tên của Trần Hoài Thư: THƯ QUÁN BẢN THẢO. Tôi giải thích cho THT nghe hai chữa BẢN THẢO. THT đồng ý cũng như bổ sung thêm nghĩa của BẢN THẢO. Và sau khi tôi với THT đồng ý cái tên cho tạp chí, những ngày làm việc của THT trong hãng IBM . Anh đã tạo nên một phần mềm (SOFTWARE) cho riêng TQBT ruột cũng như bìa, và chỉ cho tôi cách sử dụng. Không ngờ phần mền ( software) do THT làm  riêng cho TQBT lại in được từ Nguyên Minh trong nước. Cho nên giữa TQBT và Nguyên Minh là hai nơi thường liên lạc với nhau.. .
Tôi thông báo cho các anh trong nhóm. Lúc đó trong nhóm chủ trương TQBT gồm có 5 người: Trần Hoài Thư. Phạm văn Nhàn. Trần bang Thạch. Cao Vị Khanh. Nguyên Nhung. Và TQBT phát hành số đầu tiên ( số 1) vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. THT lấy ngày này cũng là ngày đáng nhớ khi hai tòa nhà ( Twin Towers) bị những tên khủng bố ném hai chiếc máy bay vào.  Số 1 đúng 100 trang. Phát hành vào khoảng 500 số cho mỗi kỳ. Tiền giấy, mực và phát hành một tay anh THT và chị Yến lo hết. Sau đó là số 2. và đến số 3 trang bắt đầu tăng từ 100 trang lên đến trên 200 trang. Lúc này, tôi với anh THT đã liên lại được với bạn bè trong nước và qua email các bạn  gởi bài ra cho TQBT.

Nói về cách in ấn TQBT là do một tay anh THT và chị Ngọc Yến, vợ anh. Một người vợ lúc nào cũng khuyến khích anh làm văn học. Theo tôi được biết ngày đi làm, tối về anh xuồng cái basement chật hẹp của ngôi nhà anh ở, xử dụng hết tất cả những dụng cụ nấu nướng  của chị đem xuống basement để thí nghiệm. Anh điện thoại cho tôi nói như vậy. Tôi không hình dung ra với những dụng cụ nhà bếp đó làm sao anh đóng thành sách???. Anh hỏi tôi về cách kẹp giấy, vì tôi làm nghề mộc. Kẹp giấy khác kẹp gỗ. Anh đi mua mấy cái claim và dao cắt giấy. Anh mày mò và đóng thành tập TQBT số 1. Môt thành công của anh mà tôi không nghĩ tới một THT có thể làm được.

Sau khi TQBT tập 1 phát hành. Bước kế tiếp cho ra tập 2. Sau hai tháng. Anh THT nói với tôi anh muốn phục hồi lại: Di Sản văn Chương Miền Nam. Tôi đồng ý. Và từ đó có Tủ sách DSVCMN ra đời. Với cái tên nhà in mang tên gì? Tôi nói với anh không chọn đâu xa cũng từ cái tên của anh mà ra tất cả: THƯ ẤN QUÁN. Từ đó anh tạo ra một LOGO riêng cho Thư Ấn Quán. Từ nhà in này, TQBT số 2 phát hành. Và cũng từ Thư Ấn Quán này. Tập truyện đầu tiên được lên bàn mỗ của Thư Ấn Quán là tập truyện Vùng Đồi của tôi. Sau đó, TQBT không phát hành theo bất định kỳ nữa mà THT hưng phấn cho TQBT phát hành hàng tháng một. Tôi rất mệt mỏi, ngày đi làm tối về phải đọc bài, dàn trang, Lái xe thì ngủ gục. Tôi đề nghị với Thư đừng làm như vậy. Cứ bất định kỳ theo chủ trương mà làm. Nhưng bài vở của những tác giả gởi đến nhiều. Từ đó TQBT 2 tháng phát hành một lần. Tay nghế của THT về cách in ấn ( cũng là thủ công) càng ngày càng tinh vi. Từ bìa mỏng cho đến bìa cứng. In từ 200 trang lên đến 700 trang với những bộ văn, thơ miền Nam đồ sộ được phát hành. Bên cạnh việc làm đầy ý nghĩa để gìn giữ một di sản văn chương miền Nam từ năm 1954 cho đến năm 1975 thật là quý giá. chưa có một nhà in công nghiệp nào trên đất Mỹ của người Việt làm như nhà in thủ công của THT. Bên cạnh anh, còn phải có công rất lớn của người vợ là chị Nguyễn Ngọc Yến. Mãi đến hôm nay, TQBT đã trải qua 17 năm với 79 số, phát hành liên tục, và những tập sách do Thư Ấn Quán in cho bạn bè cũng phát hành liên tục. Một điều thú vị nữa là về kỹ thuật in của anh đã cho ra bìa chữ nổi. Một lối in đầy ấn tượng trong năm 2018 khi anh in tập thơ Thu Hoang Đường của Lê văn Trung ( trong nước) mà người bạn của anh là Nguyên Minh rất ngạc nhiên và khen anh.

Viết về THT ở cái tuổi thất thập cổ lai hi này, đã trên 50 năm, với anh, vợ bịnh anh đau mà vẫn mãi còn đam mê chữ nghĩa. Tôi nghĩ trên cõi đời này ít có ai như anh. 
Viết mãi về anh. Viết hoài không hết. 

Phạm Văn Nhàn
( Houston, tháng 2.2018.)



(*) Về nhà văn quân đội Phạm Văn Nhàn.

Phạm Văn Nhàn là tên thật, cũng là bút hiệu.  Sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại Phú Trinh, Phan Thiết. Cựu Học sinh Trung học Phan Bội Châu  PT. Tốt nghiệp trường Sĩ Quan Thủ Đức khoá 19 (1966).  Ra trường về phục vụ ở sư đoàn 22 Bộ Binh, hành quân vùng Bồng Sơn, Bình Định.  Sau về tùng sự tại Tổng Cục Quân Huấn.  Chức vụ cuối cùng trước 1975 là Đại Uý Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn Trần Quốc Tuấn, trung tâm huấn luyện Lam Sơn, Dục Mỹ.  Sau 1975 đi tù cải tạo 8 năm.

Làm thơ rất sớm.  Thơ đăng trên nhật báo Tự Do của Mặc Đỗ, Phạm Việt Tuyền, (và ngâm trên đài phát thanh Sài Gòn trong chương trình Thi Văn Tao Đàn của Đinh Hùng).  Vào lính thấy đời sống đầy thảm khốc, bỏ thơ xoay ra viết truyện về những mảnh đời phiêu bạc trong chiến tranh.  Truyện ngắn đăng trên tuần báo Khởi Hành của Viên Linh (trước 1975).  Sang Mỹ định cư tại Amarillo, sau dọn về Houston, Texas. 
 Cùng Trần Hoài Thư sáng lập và điều hành tạp chí Thư Quán Bản Thảo.
Tác phẩm đã xuất bản: 
Vùng Đồi, 
Màu Thời Gian, 
21 Khuôn Mặt Văn Nghệ miền Nam.

( Trích từ bạn hữu )

Thursday, April 12, 2018



                                         thơ Nguyễn nam An


nhớ về đất nước 

mù mù tăm hơi từ dạo đó 
không về lính tráng biệt xa quê 
đầu hôm thức dậy nghe phone réo
bạn cùng đơn vị nhắn, buồn theo

ta bỏ từ lâu không viết  nữa 
nhưng buồn tiếng thở chợt chữ vung
ráng vịn vào câu thơ mà đứng 
qua vài năm, qua bốn chục năm 

thằng lính năm xưa lên tiếng hú 
sáng này như vượn ở  đầu non
tháng tư dậy đủ ngày quê quán
đã buồn hơn từ lúc tan hàng 

mù mù tăm hơi theo năm tháng 
chợt về đất nước giặc thù đang... ./.

Nguyễn Nam An

Tuesday, April 10, 2018


· 

                   Tòa Đô Chính Việt Nam Cộng Hòa.


Hãy công tâm với lãnh đạo VNCH !

Tôi đã viết rất nhiều bài viết về lý do tại sao miền Nam thua trận mất về tay CS. Nhưng dường như năm nào vào tháng 4, vẫn phải viết lại. Vâng, cho dù còn một chút sức tàn, tôi vẫn phải viết, vì rất nhiều người nhìn vào sự sụp đổ đó như cái tội của lãnh đạo VN thời bấy giờ, là cái tội của ông Thiệu ông Kỳ ..
Chính tôi, hơn 40 năm trước khi miền Nam sụp đổ tôi cũng đã nghĩ và "đổ tội" như vậy. Nhưng, với thời gian, với những tài liệu được bạch hóa, tôi thấy mình ngây thơ và hồ đồ khi nghĩ như thế.
Trước hết, ta không nên nhìn sự sụp đổ của miền Nam trong giới hạn của tháng tư 1975, mà ta phải có cái nhìn tổng thể, nhìn từ lúc ra đời HĐ Geneve 1954 chia đôi đất nước.
Người CS không bao giờ giữ lời với những gì họ đã ký. HĐ Geneve chưa ráo mực, thì Lê Duẫn thay vì phải tập kết ra Bắc, ông ta đã ở lại miền Nam để tổ chức chiến tranh. Mà lại là chiến tranh khủng bố, chiến tranh du kích.
Ông ta làm chiến tranh khủng bố, chiến tranh du kích y như của Mao Trạch Đông theo đúng phương châm: lấy nông thôn bao vây thành thị.
Miền Tây sông ngòi chằng chịt, là vựa lúa nuôi cả miền Nam. Xây dựng một cây cầu nhỏ bắc qua sông cho sự di chuyển hàng hóa lúa gạo, cần biết bao nhiêu nhân lực và thời gian. Nhưng, chỉ cần 1 tên VC và 30 phút trong bóng đêm, là cây cầu đã bị giật sập. Miền Nam vì thế, sống trong sự khủng bố thường xuyên.
Chưa có đất nước nào thắng được chiến tranh khủng bố. Giàu mạnh như Mỹ, mất cả ngàn tỷ dollar, chỉ mới lấy được cái đầu của tên trùm khủng bố Bin Laden.. rồi sau đó lại mọc thêm những tổ chức khủng bố khác như IS.. etc. Âu Châu, phương tây khốn đốn như thế nào để chống khủng bố, thì có lẽ ai cũng biết ..
Trở về cuộc chiến VN, tôi không đổ tội người Mỹ cho sự sụp đổ miền Nam, nhưng tôi vẫn nhớ câu nói danh tiếng "Làm kẻ thù còn dễ hơn làm bạn với Mỹ". Người Mỹ trước hết vì quyền lợi của họ, đến giúp miền Nam chặn đứng làn sóng đỏ phương bắc.
Nhưng, qua các cuộc bầu cử, ông Tổng Thống Mỹ nào cũng nghĩ trước hết làm thế nào mình thắng được cho cuộc bầu cử sắp đến. Vì thế mới có cuộc du hành của Nixon qua Bắc Kinh để bắt tay Mao Trạch Đông... Số phận miền Nam đã thấy được từ đó !
Ông Thiệu hiểu người CS hơn ai hết và biết trước, ký vào HĐ Paris là ký vào án tử cho miền Nam, ông đã cố kéo dài như có thể. Nhưng trước sức ép cúp viện trợ, rồi phong trào phản chiến đui mù khắp thế giới, ông đành phải ký bút.
HĐ Paris, trên danh nghĩa là hiệp định lập lại hòa bình chấm dứt chiến tranh, chấp nhận sự tự quyết của dân miền Nam có quyền chọn lựa một chính thể qua lá phiếu.
Nhưng, người CS cũng như với HĐ Geneve, họ chẳng bao giờ giữ những cam kết họ đã ký. Biết thời cơ đã đến, họ biến chiến tranh du kích thành chiến tranh quy ước, và vẫn giữ sự khủng bố ở các thành phố lớn.
Chúng ta bình tâm mà suy nghĩ, đến viện trợ nhân đạo 400 triệu dollar cũng bị quốc hội Mỹ từ chối, thì miền Nam còn hơi sức nào để chống đỡ với bọn VC ? Trong khi đó, 13 nước CS trên thế giới lúc bấy giờ viện trợ mãnh liệt cho VC, viện trợ từ cây súng, xe tăng, đến đôi giày, và đến từ ngay những bữa ăn.
Một người đã què quặt, làm sao có thể chống cự với thằng khỏe mạnh sức lực dồi dào ??
Sự sụp đổ miền Nam vào tay CS là điều dĩ nhiên trong bối cảnh lúc bấy giờ...
Lãnh đạo miền Nam, và trước hết những người lính anh hùng của QLVNCH đã làm hết những gì họ đã có thể. Người miền Nam từ đó phải chấp nhận cái chết trên biển cả mà tìm đường ra đi..
Tôi xin chấm dứt bài viết này với những lời comment của Ngô Nhật Đăng một người bạn, một người em mà tôi rất quý mến và kính trọng:
"Em cũng tiếc VNCH, nhưng rồi một hôm đọc 1 ý kiến của 1 người VNCH nói rằng : sự thua của VNCH như là định mệnh đã được an bài, nó như 1 sự trừng phạt người miền Nam vì đã có lúc không biết trân trọng điều mình đã được hưởng vv....đại khái thế. Và em hiểu rằng, sự "thua" ấy là một điều cần để cho 1 cuộc hồi sinh vĩ đại của đất nước, cả Trung-Nam- Bắc."
Tôi hy vọng bạn tôi, em tôi có lý.
( LMD)

Sunday, April 8, 2018

                             ĐIỆP KHÚC BUỒN (*) 
                             Trình bày bởi Ca-Nhạc -sĩ Nguyễn Trọng Khôi. 


........
này em yêu dấu anh nào biết
bao ngày đêm
ngày em ngóng chờ
chờ tin ai đó
sao còn đến như ngày xưa 
giờ sao cũng đành

người phát thư đi qua 
từng cánh thư đi qua
sao tin người biền biệt xa

ngươì yêu anh hỡi
xin đừng khóc 
xin đừng tiếc tình yêu quá muộn
đời sao vẫn thế 
vô tình quá 
nên đành không cùng chung ước thề

thì cũng thôi em ơi 
đời sẽ trôi qua mau
xin em còn
một đời... mà thôi 

(*) Ca khúc của tác giả viết tặng anh NG. V. PH. 
Từ 20 năm trước về một mối tình bỏ quên tại Quảng Trị vì chiến tranh.