Tuesday, March 27, 2018


                            Đợi mưa..( ảnh KV)


văn
Phạm Ngũ Yên

1.
Tiếng người đàn bà:
“Anh còn ở đó không?”
Tiếng người đàn ông:
“Còn… Sao? “
“Đi ra ngoài đường mùa nầy nhớ giữ ấm…”
“Thời tiết đang mát mẻ mà… “
“Nhưng anh lớn tuổi rồi… Hứa với em vậy đi”
“Hứa. Cúp phone nhe?”
“Còn phải hứa một điều nữa…”
"Ừ… Nói đi.”
“Mỗi buổi sáng nhờ uống một ly nước lọc. Đó là điều rất tốt cho cơ thể…”
“Ừm.”
“Bấy lâu nay anh có thường xuyên uống nước mỗi buổi sáng đâu? Nói yêu em mà không chịu làm theo điều em dặn mà nói yêu chỗ nào?”
“Anh ráng…”
“Hôn em đi.”
“Ừa, hôn…”
“Hôn ở đâu?
“Mọi chỗ”...
“Hôn trên mắt cho em ngủ thôi”…
Anh chúc nàng ngủ ngon và sáng mai một ngày tốt lành. Giọng anh ngập ngừng.
“Đây không phải chỉ là một lời chúc thôi. Mà hàm chứa những lời tác động từ trái tim.”
Hình như người đàn ông của nàng đang giấu nàng một điều gì. Và nàng thì đang là một phụ nữ không còn trẻ trung. Đàn bà trưởng thành nhờ những tổn thương, chứ không phải vì năm tháng từng trải.
"Sao nghe giọng anh hơi lạ? Anh ân hận à?”
“Trong tình yêu, không có sự ân hận”. Anh nói.
“Có đó. Không những ân hận mà còn quá nhiều thương tổn nữa kìa.”
“Anh không biết nhiều điều đâu. Nhưng có một điều anh biết chắc chắn, đó là anh yêu em.”
“Anh có biết em thích nhất những từ nào không?”
“Từ nào?”
"Ấm áp và sự âu yếm…”
“Thì chúng ta đang có đấy thôi…”
“Xa như vậy mà có à?“
Có tiếng thở dài nơi đầu giây bên kia… Nhẹ thôi và chạm vào âm phách một cung đàn xưa. Nơi bốn bức tường và có nàng ngồi co ro nghe tiếng đời bung rạc.
“Ngay cả yêu bản thân mình, cũng trở thành việc rất khó…“ Nàng nói.

Cuộc điện đàm trái nghịch thời gian. Bên anh là ngày trong khi nơi nàng là đêm.
Nàng nói, mùa này, Việt Nam thật lạ. Buổi sáng có nắng hanh hao mà lạnh. Người ta túa ra đường mang hờ thêm áo ấm và chờ nghe giá rét thổi trên da thịt. Buổi chiều lại thêm cơn mưa bất chợt có những sợi mềm lây lất…
Không biết nàng đang làm gì lúc này. Đang ngồi trước computer nhìn lên màn hình và kéo con chuột lên xuống. Hay đang nằm trên giường ôm gối ôm quen thuộc và trùm mền kín mít?
“Anh. Hỏi anh cái này nè?”
“Gì?”
"Bao giờ thì anh ly dị với Sương Phố?”
Một câu nói vừa phải, không lên xuống cung bậc, nhưng thật sự làm anh nhói đau. Sự nhói đau dù cố không muốn nghĩ hay chạm đến. Vì h chạm là lại đau.
Chắc phải khó khăn nàng mới nói lên điều đó. Và phải khó khăn lắm anh mới đè nén một trái tim đang chồng chềnh, bất an…
“Cho anh một thời gian đi… Sương Phố đang có vấn đề sức khỏe…”
“Anh muốn em đứng bên ngoài tình yêu này đến bao giờ?”
“Em không đứng ngoài mà em đang tham dự…”
“Có một lúc em thấy hết còn hứng thú làm người yêu của anh…”
“Đừng như vậy. Em yêu anh, mà Sương Phố đang cần anh…”
“Anh và em đều trưởng thành. Chúng ta cần dũng cảm để đối mặt, chớ không cần sự yếu mềm chạy trốn.”

Anh nhớ ngày anh quen Hạ Hiền là một ngày tháng mười một ở NewYork cách đây 1 năm.
Lúc đó nàng đang có 3 tháng du lịch Hoa Kỳ và điểm dừng chân đầu tiên là Washington D.C. Từ những chuyến viếng thăm tòa nhà quan trọng nhất nước Mỹ là điện Capitol đường Independence Ave, đến  những di tích lịch sử như Washington Monument, Tidal Basin (tháp Bút Chì, BEP (nhà in tiền)… ngay cả việc thả bộ dưới những cây anh đào đang  mùa chết khô hai bên bờ sông Potomac, rồi những lần bắt Metro về Virginia… Maryland…
Còn anh từ Việt Nam trở về khi nghe tin Sương Phố nằm nhà thương. Chuyến bay vô tình mang hai trái tim chưa từng đập với nhau một lần, nhưng tình yêu đã nói với nhau lời quen thuộc.
Không biết nàng có còn nhớ bao nhiêu cái thành phố chật ních xe cộ và san sát những nhà cao tầng. Nhưng anh thì vẫn nhớ. Vì đó là một nơi ghi dấu kỷ niệm đẹp nhưng nhuốm màu đen tối. Nơi mà không ai bảo ai đều trượt chân ngã xuống đời nhau. Cùng gối đầu trên cánh tay nhau và gọi tên những tháng ngày rách nát.
Thành phố sụt sùi khóc những lá phong thay nhau rụng như mưa trên đường chiều mịt mùng. Chỉ cần một chiếc thôi dù mới đổi màu, cũng đủ lắp vừa một vết thương.
Cái thành phố trưởng thành cùng với lịch sử vàng son của Mỹ từ trên máy bay nhìn xuống đã làm nàng  mê hoặc.
Những giải mây trắng như bông gòn xếp chồng lên nhau nằm yên dưới hai cánh màu trắng xám. Thành phố trên cao nhìn xuống như một bàn cờ, trên đó xe cộ, nhà cửa như những quân cờ ngổn ngang chưa kịp thu dọn.
Thành phố New York luôn đông nghẹt người. Các tài xế taxi luồn lách tài tình giữa những lằn đường. Ða số khách vãng lai mới đến New York lần đầu khó lòng tìm ra chỗ đậu xe. Những mái nhà ngất ngưỡng che khuất ánh nắng mặt trời và người ta đi dưới lòng đường đầy bóng mát. Ai đó nói rằng tấc đất là tấc vàng, thành phố này đang nói lên chính xác điều đó.
New York, giống như Chicago, thành phố không có ban đêm. Ánh điện thay cho ánh sáng mặt trời. Anh không biết người ở đâu ra mà lúc nào cũng thấy nối đuôi từng hàng. Những ngọn đèn xanh đỏ liên tục lóe sáng trên những giao lộ. Những hành lang sâu tít giống như miệng những quái vật nuốt chững từng đám bộ hành. Ðứng trên cao nhìn xuống, con ngưởi không khác một đàn kiến đủ màu táo tác chạy tìm thức ăn.
Người ta đi trong gió lạnh buổi mai và hai tay thủ trong túi áo. Vài người khác cầm trong tay ly cà phê. Vài người cầm dù. Nơi những tam cấp dẫn xuống trạm xe điện ngầm, những tấm biển quảng cáo cho những quán ăn, những hộp đêm có nhạc sống bay phất phới. Vượt khỏi tấm nhìn, là khu Time Square, và khu Manhattan lộng lẫy, nơi nhộn nhịp nhất và nói lên rõ ràng nhất cái diện mạo đời sống của New York. Tại đây có đủ mọi quán xá, tiệm buôn, những rạp hát, những quán cà phê lộ thiên nhìn ra đường. Thực khách xếp hàng rồng rắn trước những tiệm bán Pizza và tiệm bán mì sợi làm theo kiểu Ý Ðại Lợi. Họ cầm món ăn trong tay và đứng ăn, trong khi chờ đợi xe buýt hay taxi. Vừa ăn, vừa uống vừa nói cười. Tại đây cũng có chỗ đậu xuống của Thiên Thần và cũng có chỗ dừng chân của Quỷ. Có những con đường dẫn đến nơi thờ phượng Chúa đồng thời có những hành lang u uất quanh co, dẫn đến khu ăn chơi, xối xả bia bọt. Có diễn thuyết buổi sáng mai và buổi chiều xuống đường biểu tình. Có những cô gái hở hang như chưa từng biết qua áo quần vải vóc. Có những người đồng tính thoạt nhìn tưởng người mẫu. Cũng có những chủ nhân Do Thái đội mũ úp màu đen. Họ vào ra ngân hàng với bộ ria xồm xàm cùng Veston trịnh trọng. Mọi thứ trộn lẫn, dằng xé, như một bối cảnh từ một phim trường hoang tưởng. Mọi thứ đan nhập vào nhau và tỏa lan một mùi vị, một màu sắc riêng biệt làm nên thành phố lớn và đông dân nhứt nước Mỹ.

New York còn có những con đường mà người lái xe chỉ sai một đường lane là không biết chạy về đâu. Có những nhịp cầu vòng vo nối liền với New Jersey bên kia. Có tượng Nữ Thần Tự Do nhìn xuống vịnh Hudson và những chuyến phà chở khách. Có tòa nhà ghi dấu quá khứ những bước chân đầu tiên của người tị nạn. Nơi đó trưng bày hình ảnh các rương gỗ đựng vật dụng, quần áo mang theo trên chuyến hải hành. Những kỷ vật mang nỗi ngậm ngùi nước mắt.
Ðường phố nơi đây dường như chật chội hơn những nơi anh từng ghé qua. Hay phố xá đan kín làm cho người ta mang cảm giác tù túng. Thị dân cũng không giống với thị dân ở một vài thành phố khác, như Houston, Dallas chẳng hạn. Rất ít khi thấy họ đứng nói chuyện bên đường, hay vồn vã. Họ đi qua không muốn nhìn thấy nhau, lầm lũi. Anh nghĩ thầm, nếu như vậy thì làm sao để hai trái tim có thể san sẻ một hơi ấm nào đó, dù chỉ cảm thông?
Vậy mà, nơi căn tiền phòng của ngôi nhà trọ có tên Courtyard Marriot, ở góc đường 43 và đường số 7 đã ghi nhận một mối quan hệ không tên gọi- không  có lời thuyết minh. Như một chỗ giao nhau của tình yêu và bội phản. Trước khi chờ một bình minh để theo đoàn du lịch về một thành phố khác, Hạ Hiền đã gọi điện cho anh. Cú phone làm tan vỡ lấm lem những cuộc đời trong sáng.
Ðoạn đường ngắn nhưng phải mất nhiều phút anh mới đến được nơi của nàng. Tán dù nhiều màu dường như muốn nghiêng ngã theo chiều gió. Những chiếc bàn tưởng nằm lấn ra đường, nhưng không phải vậy. Người chủ quán cố tình trang trí để người qua đường thấy quán mang một vẻ luộm thuộm nhưng đầy nghệ sĩ tính, mang phong cách tiệm cà phê khu Germain hay Paris chẳng hạn. Những chiếc bàn tròn tạo nên bởi những thanh sắt uốn cong dành cho hai người ngồi, nhìn ra một bến taxi. Buổi tối tràn trề không khí rét ngọt của mùa xuân. Và sự mới mẻ trong lòng làm anh cảm giác đang trưởng thành chớ không phải già nua. Đâu đây, gió thổi mơn man như lời truy điệu bài tình ca rát mặt.
 Đêm tháng giêng của miền Đông Bắc Mỹ lạnh đủ để hai cơ thể không từ chối gần gũi nhau. Cả hai đều buông thả và không ai muốn kiểm soát cảm xúc. Mùi dâu pha trộn với mùi mật ong trên môi nàng cùng với mùi Rhum trên môi anh quyện vào nhau. Không có khoảnh khắc nào để nói lên đủ cái thế giới này là của ai và sự hồn nhiên của nàng cũng trở thành sự bí ẩn của người khác. Anh nhớ khi ấy, Hạ Hiền nói, giữa hai nụ hôn.
 “Đàn ông món lạ nào đối với họ cũng ngon. Và càng chỉ muốn thêm chớ không muốn dừng lại…”
Dưới chiếc rèm cửa đang ngây ngất những khám phá ngày tháng giêng, đêm ướt át như chưa từng biết qua những mùa khô tạnh.
Sáng mai, sẽ có một người đàn ông tự dằn vật khi trở về gia đình. Những màu hoa bên đường ra phi trường không còn hớn hở tươi xanh, mà tái tím như màu môi tuyệt vọng.

2.
 Quán ăn nằm bên góc đường số 2 và Trinity của Austin, có tên rất ngộ là Café Blue. Quán khai trương từ mùa thu năm rồi. Cà phê là một phần nhỏ của thực đơn. Hải sản và rượu mới là chủ yếu. Món hào sống vắt chanh, ăn và uống cùng Margarita có thường xuyên mỗi tối.
Sương Phố phải đứng một hồi lâu cho quen thuộc với bóng tối. Mọi quán ăn có bia bọt đều bài trí giống như một ngôi nhà dưới âm phủ. Nàng vừa từ ngoài đường bước vào, xém vấp ở ngạch cửa, may mà nàng đi dép.
“Xin lỗi.” Nàng nói.
“Cô ngồi đâu?” Người phục vụ cúi mình.
“Không, để tôi ngồi ở quầy rượu cũng được… Tôi có hẹn một người.”
Nàng tiến đến kéo ghế ngồi xuống.  Không cần máy lạnh cũng nghe lạnh ùa về đâu đó.
Hình như khi qua 40 tuổi, người đàn bà miễn nhiểm với những lời tán tỉnh. Nàng không cần một lời khen hay một vòng tay đưa ra để dẫn nàng bước xuống một tam cấp. Mà nàng thì đã gần 50. Bao lâu nữa nàng mới bắt đầu chạm môi để nhẩn nha thưởng thức một nỗi buồn?
Hôm qua, có người đòi chia tay với nàng. Người đàn ông nào cũng vừa muốn ôm sự ấm áp về mình, vừa muốn mở cửa trái tim để đón nhận nhiều ngọn gió mới.
Từ bao giờ, nàng thân thiết những thói quen. Những điều quen thuộc đến nỗi nhàm chán. Nhưng đó là ngày hôm qua và quá khứ. Hôm nay, nàng đang chán ghét những điều đó. Những ảo tưởng và sự khờ dại sẽ được xóa hết. Những chiếc bóng cũng sẽ từ bỏ mình khi căn phòng không còn ánh sáng, huống chi một người đàn ông bên cạnh?
Người bartender đẩy tờ thực đơn về phía nàng. Ngọn đèn trên trần phòng dọi xuống vầng xanh trong vắt như màu trăng đêm. Đủ cho nàng thấy rõ những gì trên khung giấy gấp đôi. Những món hải sản hấp dẫn nằm kề những thức uống đủ loại… Lúc nàng định kêu một cái gì để uống thì thấy anh bước vào.
Chiếc áo thun trồng cổ màu hột gà và chiếc bê rê đen quen thuộc. Trông anh mệt mỏi dù thời gian mới mười một giờ sáng.
“Chào em. Tối qua anh không ngủ được.”
“Còn em thì ngủ thoải mái.” Sương Phố nói khi anh hôn phớt lên má nàng. Những cọng râu cạo bỏ sót trong lúc vội vã của anh làm nàng nhột.
“Anh gọi món ăn giùm em đi.”
Nàng đẩy tờ giấy về phía anh. Tiếng nhạc đủ làm say sóng những trái tim và những lòng tàu. Bài “How Can I Tell Her”do Lobo hát, nghe như thuộc về một thế giới khác… Chỉ có sự hoang tưởng và hấp hối hòa quyện vào nhau. Chỉ có sự nguyên vẹn bao bọc và chở che trái tim vốn yếu mềm.
“Bản nhạc này làm anh nhớ đến một lần chúng ta đi ăn tối với nhau.”
“Lần cuối cùng chúng ta đi ăn với nhau là khi nào?”
“Ngày Thanksgiving năm 2016.”
“Vậy là hơn 2 năm rồi.”
“Lúc đó em mặc chiếc áo rất đẹp.”
“Anh vẫn thường nói vậy với bất cứ mọi người phụ nữ mà?” Nàng mai mỉa…
Giữa lưng chừng mặt bàn và những muổng nĩa, bàn tay nàng trong tay anh. Những lời của anh vẫn nghe chân thành:
“Bác sĩ nói với em làm sao? Sức khỏe em vẫn OK chứ?”
“Làm sao OK được khi thịt da con người tiếp xúc với dao kéo?”
“Anh thấy em rất tự tin ở bản thân.”
“Chứ anh muốn em phải làm sao? Sau cái lời chia tay đó?”
“Anh rất tiếc.”
“Lời chia tay anh nói dễ dàng nhưng với em thì không dễ dàng …”
“Anh hoàn toàn tôn trọng em. Và cho tới giờ phút tồi tệ này anh thấy vẫn yêu em như chưa từng được yêu.”
“Xém chút nữa anh đã làm em xiêu lòng.”
“Anh không ngừng suy nghĩ rằng 1 hay 2 hôm nữa anh sẽ đi và không bao giờ gặp lại em…”
“Sớm hay muộn gì cũng đến ngày đó”
“Anh trân trọng và biết ơn những ngày tháng đẹp mình có.”
“Em cũng vậy. Nhưng đâu cần phải khách sáo như vậy? Anh muốn làm một người rộng lượng chăng?”
Anh trả lời bằng một câu hỏi khác:
“Em thích loại bia nào? ”
“Không quan trọng. Loại nào cũng ngon cả. Giống như tình yêu, lúc nhận và lúc cho đi.”
“Có đúng sự dững dưng là kết quả đau đớn của tình cảm?”
“Đó là sự dịu dàng với bản thân.”
"Em nghĩ, cứ để mọi chuyện qua đi. Hãy xem chia tay giống như tỉnh dậy sau một ác
 mộng. “
“Anh chỉ sợ em đau khổ và đang đau yếu.”
“Khi đàn ông phản bội, đừng bao giờ dùng nước mắt để níu kéo.”
 Nàng nói và quấn lại chiếc khăn choàng trên vai. Một vạt vòng qua lưng và vạt kia che trước ngực. Vết thương vừa mới mổ cách đây nửa năm đã trở thành một vệt mờ. Như một ảo ảnh…
"Là phụ nữ, nên học cách chấp nhận. Em đang như vậy đó.”
“Người ta có thể quên rất nhiều điều, nhưng tình đầu thì không thể.”
Từ quán ăn bước ra ngoài, mưa đang rắt hột. Tháng này mà có mưa giông. Trời tối. Các cửa tiệm vừa sáng đèn.
Anh nắm tay đưa nàng bước qua một vũng nước. Qua một tiệm bán phone di động của người Mễ và một cửa tiệm Dollar General (tiệm bán đồ một đồng). Phía sau con đường là một hành lang nối với nhà kho. Những hình vẽ bằng sơn xịt trên tường, ghi nhận sự bất mãn vô cớ. Không khí ngây ngất mùi dục vọng. Có vài người đang quấn quít, không phải tránh mưa mà vì môi miệng bỗng dưng thèm muốn nhau.
(Tuần rồi còn nằm trong vòng tay nhau, vẫn là một ngày mưa, nhưng Sương Phố cảm nhận sự ấm áp. Mặc cho ngày mai sẽ như thế nào. Mặc cho những gào thét của con tim rằng đừng yêu nhau… đừng yêu nhau… và đừng làm khổ nhau nữa…)
Anh châm thuốc. Khói bay tỏa ngang mắt nàng. Có màu nào buồn hơn như vậy?
Anh biết những ngày tới sự cô đơn cũng chật trên đôi mắt đó. Thật ra đàn bà yêu và buồn giống nhau. Và anh thấy rõ ràng là phụ nữ đẹp hơn sau khi chia tay…
"Anh không thể chia sẻ cuộc sống với em. Có gì quá đáng hay không?”
"Em không giận anh…”
Như vậy. Anh và nàng chia tay bên ngoài quán ăn ồn ào, ướt át.

3.
Căn nhà nàng sửa lại cách đây nhiều năm, từ ngày chồng qua đời. Mấy đứa con gái có gia đình ở riêng, cùng trong một thành phố. Lâu lâu tụi nó trở về làm sống động những thước không khí đang im ắng, rồi đi.
Có một thời nàng không muốn tu bổ vì có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chán nản.
Đêm rạc rời tiếng nhánh lá quét trên mái nhà. Những ánh điện từ ngọn đèn đường khiêu vũ trên balcon.
Tiếng gió rít róng từ một cơn bão kéo theo những tiếng đời lạnh câm, hốt hoảng. Tiếng mưa trầm lắng nhưng hối hả làm sao? Mọi âm thanh đều tác động lên giấc ngủ muộn ngoại trừ tiếng gõ của trái tim.
Vậy mà người đàn bà đó đã tự mở toang cánh cửa lòng của mình sau nhiều tháng dài, nhiều năm dài để thu vào một hồn bão rớt?
Người đàn ông từ bên kia đại dương, từ những mối tình liêu xiêu không đậm mùi hạnh phúc trở về đòi cưới nàng. Bây giờ anh đang ngồi trước chiếc bàn ăn bằng đá hoa cương giả, một bình hoa không biết đã thay nước rồi hay chưa. Chiếc bếp sạch boong và chậu rửa chén cũng trống trơn. Có ai lắng nghe được điều gì sau những ánh mắt, như muốn nói mà không thể?
“Người ta nói hạnh phúc không chịu nói…”
Anh mở lời. Và tiếp:
“Anh sẽ nói dối nếu nói rằng trong một thời gian dài như vậy anh không nhớ đến em…”
“Đâu đủ dài nếu tính từ ngày em đi chơi ở New York?”
“Anh đang thích sự yên tĩnh trong ngôi nhà của em.”
“Cho nên tiếng chuông cửa làm em chới với. Đáng lẽ em không mở cửa vì anh không gọi trước…”
“Em bảo anh phải làm sao khi anh chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp và cả vé máy bay anh cũng mới biết mình thực sự sở hữu từ hôm qua.”
Người đàn bà nồng cháy một thời, nhưng tình yêu là thay đổi. Hạ Hiền nghĩ thầm. Mỗi ngày trôi qua, đẩy nàng và anh thêm khoảng cách. Trong nỗi thinh lặng đáng sợ của lòng, bao lần nàng nhìn lại bóng mình trên tường.
“Cho anh nói với em lời cầu hôn nhé.”
"Sương Phố thì sao? Đừng vội vàng làm người đàn ông phụ bạc?”
Qua vai anh, nàng thấy nỗi buồn bay quẩn quanh trên tường. Trên những khung ảnh có nàng trong đó. (Nàng đang nhìn xuống và cười. Người chụp chân dung cho nàng nắm bắt được nụ cười hiếm hoi và rạng rỡ làm sao).
“Sương Phố đã có một cuộc sống khác không cần anh. Nàng chỉ cần gia đình của nàng và sùng bái những tiếng cười của trẻ thơ. Trong khi anh không đáp ứng được điều đó…”
Một thời gian dài cả hai người đều không ai nói với nhau…
"Cho anh lập lại lời cầu hôn với em?”
“Có lẽ em thích sống một mình…”
“Không ai thích sống như vậy cả.”
Hạ Hiền đi vòng sau lưng anh. Khung cửa sáng và khu vườn bên ngoài. Có những cây hoa mười giờ và cúc vạn thọ đang ra hoa. Còn bao nhiêu ngày nữa hết tháng giêng và thời tiết đang chuyển mùa đợi Tết.
Những luống rau ít oi phơi phới màu xanh. Góc sân, chậu mai tứ quý có vài nụ dự báo nở kịp vài ngày tới.
Không lẽ, chấm dứt một tình yêu dễ dàng đến như vậy?
“Chuyện gì đã xảy ra?“
"Anh thử đoán xem?”
“Em không nói những lời khó chịu trong 6 phút rồi…”
“Ừ…”
"Chúng ta sinh ra để cho nhau… Từng gặp nhau và đáng được hạnh phúc.”
“Hãy quên nó đi…”
“Anh không quên được.”
“Anh đã từng làm vậy.”
“Tình yêu là điều quan trọng nhất. Đừng quên điều đó. Đó là thứ duy nhất cứu rỗi nhân loại.”
"Nhưng em đã suy nghĩ và những gì chúng ta cho nhau, không hẳn là tình yêu.”
Nàng quay mặt nhìn anh. Không tránh né.
“Em đã bỏ mười năm chăm sóc những ham muốn của em. Nhưng có một lúc em khổ sở khi đối diện với nó.”
“Em đã hứa đi cùng anh đến tận cuối con đường.”
“Nhưng chúng ta chẳng nói rõ nơi đâu là cuối con đường. Giới hạn của chúng ta khác nhau và em dừng lại… Hãy trả mọi thứ về nơi bắt đầu.”
Người đàn ông đứng lên. Hối tiếc một chút vì đã trở về…
“Em đã để lý trí làm tổn thương trái tim… Và anh không biết chiếc nhẫn anh mua phải trao lại cho ai?”
“Anh hãy trao lại nó cho Sương Phố. Hay một người nào khác, xứng đáng.”
“Ngay cả với em, cũng vậy?”
“Vâng. Không nhất thiết phải tặng quà cho em đâu. Chúng ta muốn già đi cùng nhau, mà không được.”
“Em có thể cho anh hi vọng không?”
“Anh có trọn quyền mà.”
“Người ta có thể hi vọng mà không có niềm tin. Nhưng anh không thể tin mà không có hi vọng. Anh vẫn yêu em được không?
"Trong tình yêu của chúng ta, những thứ mà anh cho em, lúc nào cũng là những thứ mà anh muốn cho… Anh chưa bao giờ để tâm rằng đó liệu có phải là thứ em muốn có hay không?”
“Cho anh nắm tay em.” Anh nói khi ra đến tận cửa. Bỗng nghe tiếng mưa đâu đó trên mái nhà. Rồi mưa. Mưa…
Nàng đưa tay cho anh nắm.
“Anh đi về bình an nhé. Coi như chưa từng xuất hiện ở đây.”
Anh đứng băn khoăn trên bậc thềm loáng thoáng nước. Mưa không nhiều nhưng đủ làm chùng những bước chân. Người đàn bà đứng thấp hơn anh nên chuyện khoác chiếc áo mưa lên vai anh là điều khó khăn. Anh nhìn xuống chiếc ngực cong tròn mộng mị sau làn áo mỏng. Dễ chừng bờ ngực đó trẻ hơn tuổi thật đến mười năm…
Anh nghe nàng nói:
“Có lần em thích được anh ôm và hôn trên mắt em cho em ngủ…Ôi, cái tuổi của em. Điên cuồng, mơ mộng, khờ dại. Bây giờ em xóa bỏ hết…”
“Em thật hoàn ho.” Anh nói nhưng không tin lời mình nói… “Nhưng còn có một vòng tay ôm vào ban đêm thì sao?”
“Em chỉ muốn tìm một người đồng hành sẻ chia mà không cần phải ràng buộc… Điều em muốn chỉ là tình nhân của ai đó. Trình bày hoa, làm bánh, nấu ăn và ngồi chờ… Và tắt nến… Và ngã trên một chiếc giường êm ái…Trọn vẹn yêu và yêu… Không muốn làm người thứ hai chỉ vì sự nhỏng nhẽo bất thường của người đàn bà thứ nhứt…”

Phạm Ngũ Yên

Saturday, March 24, 2018

                     Sài gòn,  đường Lê Lợi ,thập niên 60 ( ảnh sưu tầm )

Sài Gòn..trong ký ức.
( KV)

Có người bạn viết trong comment của anh: Các bạn trẻ ngày nay chắc chắn không biết Sài Gòn Thứ Bảy ngày xưa ra sao đâu. 
Câu nói này chợt gợi ra trong tôi bao nhiêu là kỷ niệm.
Khoảng chừng ba giờ chiều. Khi mây trắng, mây xanh trở về thành phố, khi gió chiều bắt đầu thổi mát trên các đường phố chính như Tự Do, Nguyễn Huệ, Pasteur. Những quán kem nhìn ra vỉa hè như Mai Hương, Phương Lan, Cafeteria (trong quán là một là một hình ảnh rừng Thu rất đẹp chung quanh tường) trên đường Lê Lợi (bây giờ không biết bị đổi tên là gì?) đông nghẹt người ngồi ăn kem (đồng thời để "rửa mắt"" ) thả bộ theo hè phố là những giai nhân trong những tà áo dài với người yêu. Có thể thấy khá nhiều sinh viên sĩ quan Thủ Đức, hoặc Không Quân trang trọng trong những bộ đồ phép. Không phải ngẫu nhiên mà có câu "gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè, và gió hôn tóc thề..." 
Sài Gòn về chiều rất mát mẻ, đôi khi lạnh vào buổi tối vì gió dưới bến Bạch Đằng thổi lên. Tiếng mời chào từ những người bán hàng, tiếng nhạc vọng ra từ các cửa hiệu hai bên đường. Âm thanh, tiếng hát đó không bao giờ có thể quên. Đường phố đông người, nhưng bình yên, ít khi có nạn giựt đồ cướp bóc như sau này. 
Ngay cả khi bạn dạo phố vào ban đêm
Về Sài Gòn dạo chơi chiều thứ Bảy với người yêu là một sự hanh phúc rất thi vị. Ngoài con đường Duy Tân cây dài bóng mát mà hầu như ai trong chúng ta cũng biết trong Trả lại em yêu của Phạm Duy, còn có đường Nguyễn Du đầy lá me bay. Nơi chốn rất bình yên, đẹp đẽ và lãng mạn để bạn có thể "ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới" như lời thơ của thầy Thanh Tâm Tuyền. Nhưng nếu vắng nàng thì ta giả bộ làm "người hùng cô đơn" đi ngắm hạnh phúc của thiên hạ. Hoặc tìm một bóng hồng nào cũng cô đơn như mình:))  Đêm xuống thì đã có những nơi rất xứng đáng để vào. Đêm Màu Hồng nghe Duy Trác, Sĩ Phú, ban tam ca Đông Phương, Queen Bee với Lệ Thu, đôi khi có Carol Kim, phòng trà Tự Do nghe Khánh Ly hát, Chez Jo Marcel, vũ trường Olympia, hoặc hội quán Tre nơi có Lê Uyên và Phương tha thiết với "Vũng Lầy của chúng ta". Hoặc nếu muốn đánh dấu một ngày về thăm bằng bữa ăn tối trịnh trọng với người yêu thì vào nhà hàng La Cave (cái Hầm) nơi có những món ăn Pháp rất đặc biệt, với những người hầu bàn vô cùng lịch sự và chu đáo.
Và cứ thế. Sài Gòn êm đềm trôi. Tới ngày 30-4-1975 thì chấm dứt.
 Tổ Quốc đã sang một trang đau khổ nhục nhằn.

( Khôi Việt )


                        Phụ nữ SàiGòn, thập niên 60.( ảnh sưu tầm )

Wednesday, March 21, 2018



                    
                        Tháng ba. Chiều muộn ( ảnh KV)


Tháng ba và một người.

(thơ Phạm Ngọc )

tháng ba
Em treo nỗi buồn
trên cành hoa cúc trắng
mùa đông còn bất hoại một mầu tang
như tình em
từ buổi chia tay
( như đời tôi
sau lần hẹn cuối )

trên môi em hấp hối lời từ biệt
buổi chiều
hoá vàng như cuộc tình
trong im lặng
nỗi cô đơn bỗng bừng lên rã rượi
khung ngực nhỏ
đâm chồi những vết chém - cưu mang .

tháng ba
ngày và đêm
như ngọn gió phiêu du qua vùng hoang mạc
nơi đất trời vắng tiếng chim ca
nơi em trú mình
trong ốc đảo
đùa vui cùng ngôn ngữ
nơi ánh sáng bừng lên
từ trang giấy
nơi những giấc mơ
được khơi nguồn chắp cánh
- bằng âm thanh gió
nơi bắt đầu
một mùa trăng- hoài vọng

nỗi thao thức
dài theo thời gian vô định
ngày và đêm
gặm nhắm những kỷ niệm- hư hao
lâu đài tuổi thơ- xây trên bờ đá dựng
hạnh phúc được nối liền
bằng chiếc nhẫn vô tâm
nụ cười đã đánh rơi
trong hố thẳm- mà chiều sâu vô lượng

tháng ba
-cành hoa cúc trắng
và em

Phạm Ngọc với tháng ba và một người. 
( trích từ tập thơ Mùa Khát Vọng )

Sunday, March 18, 2018




                            Đêm ( ảnh KV)



Đêm bên ngoài.

( Nt )


Cả khi phác một cử chỉ bình thường, đẩy ly cà phê về phía trước, dù không cố ý, tôi cũng nhận thấy một điệu bộ gần như kiểu cách của Quỳnh. Kiểu cách trong dáng ngồi, trong bước đi, hay lúc Quỳnh trò chuyện với chồng. Có lẽ tôi không được công bằng, hoặc mang sẵn một ấn tượng mơ hồ nào đó khi gặp lại chị, nhưng quả tình, giữa chúng tôi vẫn có những khoảng cách khó chịu mà cho đến lúc nầy, cảm giác lạc lõng trong một khung cảnh xa lạ làm tôi mệt mỏi. Thật tình, tôi muốn trở về nơi chốn mình vừa rời khỏi.
Quỳnh vẫn đẹp như thuở nào. Khuôn mặt được tạo nặn hoàn mỹ, phơi bày nét đẹp một cách kiêu hãnh không dấu diếm. Có lẽ lão thời gian đã bất lực hoặc cố tình thiên vị một dung nhan kiều diễm như vậy, nên Quỳnh của ngày xưa và Quỳnh bây giờ vẫn trọn vẹn là đóa hoa mượt mà cánh sắc. Cơ chừng sự lôi cuốn và quyến rũ của một người nữ đã đạt đến tuyệt đỉnh. Và có lẽ, cũng không dấu diếm được rằng, vẻ đẹp quá rực rỡ nơi Quỳnh làm tôi ghen tị. 
Quỳnh kể về cuộc sống của gia đình chị. Ráp liền lạc từ những chuỗi cánh bạc lấp lánh đủ mầu sắc của tiếp nối nầy sang tiếp nối khác, những may mắn mà Thượng đế thường ban thưởng cho thần dân của Ngài một cách chọn lọc và hào phóng. Một gia đình hạnh phúc. Một dinh cơ đồ sộ, trang bị bởi những đồ đạc choáng lộn đắt tiền. Một người chồng lịch lãm, hoạt bát..Chị  không dấu diếm vẻ hãnh diện khi đưa mắt âu yếm lướt về phía Nghiêm- chồng chị- đang ngồi cạnh lò sưởi. Trong vùng sáng bập bùng tia lửa ấm, khuôn mặt Nghiêm cúi sát vùng tóc hoe óng nâu vàng của con bé Quỳnh Chi. Hai cha con họ đang nói về một đề tài gì đó, chắc là rất vui, vì tiếng cười của Quỳnh Chi, trong trẻo và dễ thương đến lạ. 
Và nhân vật tôi thừa đang ngồi lọt thỏm trong gia đình kiểu mẫu nầy. 
Ðáng lẽ tôi không nên đến đây, bước vào, dù chỉ chạm khẽ cõi hạnh phúc bình yên của họ. Khi ngắm một bức tranh quá tuyệt hảo mà người họa sĩ đã dành cho nó những mầu sắc hết sức cầu kỳ. lộng lẫy thì có lẽ ta chỉ nên đứng xớ rớ bàng quan chiêm ngưỡng. Nó không thuộc về thế giới của những người quá sức bình thường như tôi. Nó là không gian của Quỳnh. Là thảm hoa bọc nhung lướt về phía trước. Quá khứ, với chị, đã trôi tuột vào khoảng đời nào xa lắc mà không ai muốn nhìn nhận sự có mặt của nó. Lập lại điều gì. Ðòi hỏi điều gì. Có những vết thương khi gợi lại, khộng gây cho người ta một chút cảm giác gì, dù chỉ là cái buồn nhột vô tình. 
Mắt Quỳnh nhìn tôi như đang ngắm nghía, đánh giá một món đồ chơi đã mốc meo bị bỏ quên lâu ngày trong xó tủ : 
- Em cũng ...không thay đổi bao nhiêu nhỉ ? Nhưng hơi ốm. Nước da con gái mà xanh xao quá, như thiếu máu... 
Thấy tôi vẫn lặng thinh, Quỳnh đưa tay vuốt nhẹ gò má tôi, hơi cau mày : 
- Da em hơi khô. Mỗi tối em phải dùng kem dưỡng da ban đêm. Loại kem chị hay xài cũng được lắm, để chị xẻ cho em một ít... 
Ðôi mắt tôi vẫn không rời khuôn mặt chị. Tôi nghe mà như khộng nghe. Nhìn mà như không thấy. Sao chị không hỏi về Anh. Sao không hỏi lý do nào tôi đã đến đây. Bàn tay tôi vừa mới rời khỏi cái thân xác tiều tụy như nắm xương khô, mấp mô dưới lớp mền bệnh viện buồn thảm.. Vẫn còn ấm giọt nước mắt khẩn cầu tội nghiệp. Giọt nước mắt đàn ông không ngờ. “Tìm Quỳnh dùm anh. Em ơi. Vợ anh, con anh...Anh nhớ họ lắm..anh muốn gặp con gái của anh...'' 
Vậy mà...Giờ đây, sự giàu có sang trọng và cuộc sống vương giả của họ làm tôi sượng sùng, ngần ngại. Có lúc tôi lẩn thẩn nghĩ rằng, chị đã hoàn toàn quên sự quan hệ giữa chị và tôi, giữa ba người chúng tôi.Hoặc có thể, nhớ mang máng một điều gì đó nhưng không thật chính xác. Hoặc ngược lại. Làm sao biết được, đằng sau khuôn mặt đẹp như pho tượng kia, giây thần kinh hoài niệm nào còn hoạt động ? Chị đang nghĩ gì sau đôi mắt gần như vô cảm kia ? Nhưng thật sự, tôi có đủ can đảm để nhắc lại lời khẩn cầu của anh hay không ? Ðứa cháu gái xinh đẹp, quá sức dễ thương kia, là cháu ruột của tôi. Tôi có quyền đòi hỏi để nhìn nhận ? Lúc nầy loay hoay giữa hai giòng xoáy, một nửa giằng co thôi thúc muốn tỏ bày, nửa kia muốn bỏ mặc buông xuôi...Thật lòng tôi muốn thoát ra khỏi vai trò oái oăm mà người đạo diễn quái ác đã nhấn kịch bản vào tận tay, đẩy tôi ra sân khấu. 
- Uống cà phê đi em... 
Quỳnh định nói tiếp gì đó nhưng vòng tay của Nghiêm bất ngờ choàng qua vai chị. Cánh tay khá mạnh mẽ đầy lông xoắn đậm. Ông nựng chị như trẻ con : 
- Ðừng uống càphê nghe cưng. Rồi cưng lại kêu mất ngủ...Rồi lại than thở sao mắt em có quầng thâm... 
Ông ghé môi hôn bên má vợ. Tiếng Quỳnh cười rinh rích nũng nịu. Chị níu tay, vít gương mặt chồng. Tôi nhắm mắt. Cánh tay anh ngày xưa cũng vững chãi, rắn chắc như ông. Cũng đầm ấm và ngọt ngào mỗi khi chị cuộn mình trong lòng anh. Tôi nhớ những giòng mực khoanh xanh, đỏ trong ''Uyên ương gẫy cánh “” của Khalil Gribran mà anh đọc từng ngày như tụng kinh tình yêu...” Tình yêu bất chợt nẩy nở trọn vẹn trong tâm hồn khi cảm ứng đó gặp nhau ở khoảng khắc định mệnh.Ðó là giây phút vĩnh cửu. Bởi, người ta không thể tự tạo ra nó cho dù cả hàng nghìn năm...' Anh muốn bao bọc em trong cánh tay tình yêu mạnh mẽ của anh..'' 
Vậy mà...Mối tình đẹp đẽ kia kết thúc không một giọt nước mắt. Cánh tay tình yêu hứa hẹn đầy nam tính đó bây giờ chằng chịt những dây nước biển, ống thở, nhịp đo tim... 
Quỳnh nói với chồng, chị muốn ngồi lại vài phút với tôi '' Chỉ chút xíu thôi, em sẽ lên với anh ngay mà “. Quỳnh Chi cũng vừa trờ tới. Mái tóc nâu vàng mềm mại của cháu thoảng mơn trớn vai tôi. thơm dìu dịu mùi hương táo. Tôi đã nhìn cháu rất nhiều lần, rất lâu mà mỗi lần ngắm nhìn đều không khỏi nôn nao ước muốn được ôm vào lòng, gương mặt quá xinh xắn, quá dễ yêu kia. Dưới hàng mi cong rợp  tia nhìn, vừa trong trẻo vừa man mác là trọn vẹn âm bản ánh mắt của anh tôi. 
Khi bước chân hai cha con khuất xa phòng khách, gương mặt Quỳnh hình như kéo lại đường gân thư giãn, bình thản một cách hiếm có. Vài lọn tóc rủ che vầng trán cao làm nét khắc của pho tượng dịu dàng hơn.Tội nghiệp Quỳnh. Tại sao người ta luôn phải khốn khổ , lừa dối chính mình bằng những mặt nạ giả tạo. Mối tình của chị và anh đâu dễ gì có thể xóa bỏ, gạt nó ra ngoài tầm ký ức buồn vui ? Có thể chị quên anh, thậm chí thù ghét anh, nhưng còn sự hiện hữu của Quỳnh Chi. Nếu anh muốn gặp lại con, đâu phải là điều quá đáng ? Tôi e dè mở lời : 
- Chắc chị biết tại sao.. 
- Chị biết. Chị biết. - Quỳnh chồm đối mặt tôi- Em trả lời cho chị. Em thấy Nghiêm đối với con bé như thế nào ? Rất thương yêu nó phải không ? 
- Có. Em thấy vậy. 
- Nó là sự sống, là niềm hãnh diện không riêng cho Nghiêm mà cả cái gia đình nầy. Nó là con chị. Phải. Chị đâu cần dấu em cái cái bí mật kinh khủng nầy. Ðúng không ? Chị hỏi em. Tại sao giờ nầy em muốn khơi lại, muốn tung hê đạp đổ cả một đời sống mà phải cố công lắm chị mới có thể tạo dựng được... 
- Em không.. 
- Không hiểu hả ? Tại sao hả ? Nghiêm nghĩ là chị sinh thiếu tháng. Vậy thôi. Với một người chồng cao thượng, đầy đủ điều kiện tốt như Nghiêm, em nghĩ chị có can đảm để nói lên cái điều tồi tệ đó hay sao ? 
- Sao chị gọi đó là điều tồi tệ ? Sau lễ hỏi, mẹ của em đã đến nhà chị xin định ngày cưới mà. 
- Cưới. Cưới. - Chị cười nhạt giọng đay nghiến - Phải, định ngày cưới.. Rồi sao ? Cái ngày chị có thai, lên Pleiku báo cho tin cho ảnh, em biết chị thấy ai trên giường ảnh không? Con nhỏ bạn thân của chị. Tại sao em lại nhấp nhổm ? Bộ mấy người muốn tôi phải khóc lóc nghe ảnh giải thích sao ? Bộ muốn tôi phải đau khổ khi bị ruồng bỏ sao ? Người đàn bà khi yêu, họ có thể bất chấp, cởi hết, bỏ hết để sống cho tình yêu. Nhưng khi đã bị phản bội, em có biết phản ứng của họ ra sao không ? Ờ, mà em đâu bao giờ bị lừa gạt thảm thương như chị nên làm sao thấm thía cho được ? Thử bị một lần đi cưng, rồi em sẽ có câu trả lời. Nói cho em nghe. Có người khóc lóc, chết lên chết xuống, xé quần xé áo đòi tự tử. Có người khư khư ôm vết thương lòng rồi than thân trách phận. Chị hả. Chị chọn Nghiêm trong đám thanh niên xếp hàng theo đuổi và khi Nghiêm ngỏ lời... 
- Chị à, trong bao năm, anh vẫn không ngừng tìm kiếm chị.Nhưng đến bây giờ, ít ra..
Hình như Quỳnh khóc. Hình như không. Tôi thật tha thiết muốn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đẹp kia hay được nghe lại giọng nói mềm mỏng dịu dàng, là riêng con người thật của chị, có thể biểu lộ cảm xúc buồn vui một cách gần gũi thân ái như ngày xưa, mỗi lần chị nằm vùi kêu với tôi. '' Sao mà nhớ anh đến tối tăm mắt mũi. Sao mà yêu anh đến phát khùng điên “ Cái khùng của chị nhiều khi lây sang cả tôi, và ngay lúc nầy, muốn lây thêm những oán giận mà chỉ duy nhất tôi là đối tượng để trút cho hết một hồ căm phẫn. 
- Quỳnh Chi là thế giới thu nhỏ của Nghiêm. Không một người cha nào yêu con , cưng chìu con như Nghiêm. Quỳnh Chi cũng vậy. Với nó, Nghiêm là một người cha tốt nhất trên đời. 

Những lời thì thầm của Quỳnh đập lùng bùng qua tai tôi. Nó đổ đầy ắp, ứ tràn như không còn chỗ nào có thể nhét thêm được nữa. Tôi đang lơ lửng trong chuỗi âm thanh hỗn độn...Xen kẻ trong tiếng thì thầm của Quỳnh là tiếng rét rét của loài dế, cánh đập xè xè cánh bọ hung, tiếng vo ve buồn tẻ của nghìn muỗi đêm... Tại sao chị không hỏi vế anh. Cuộc sống của anh. Buồn. Vui. Sống. Chết. Mọi thứ, hình như không chút mảy may ảnh hưởng tới chị., Anh thật sự đã chết trong lòng chị. Chết tức tưởi. Chết mất tích. Thậm chí đã bị xóa bỏ, gạch tên như không hề đã từng tồn tại. Khi người ta muốn quên quá khứ, coi nó như một ung nhọt phiền toái, thì sự gợi lại chỉ gây thêm nỗi ghê sợ phiền toái.... Và tôi cũng đang tự hỏi. Có phải mình đang làm một công việc rồ dại, thừa thãi, cố công mày mò khơi lại vết thương cũ mà thời gian đã liền miệng, thậm chí không để lại một vết sẹo nào. 
- Em à..Hiểu dùm cho chị, hay đúng ra, chị không muốn .. 
- Nhưng anh ấy đang bị bịnh nặng lắm, không biết sống được bao ngày nữa.Với lại, chị à, ảnh chỉ muốn thấy mặt con bé một lần cuối thôi. Chẳng lẽ điều ấy với chị cũng không thể hay sao ? 
- Nói làm sao cho em hiểu đây ? Chị đã quên hết rồi. Chẳng có vết thương lòng nào mà không thể hàn gắn được. Nếu ai nói với em, thề yêu, thề sống chết với tình yêu dù tình đầu hay tình cuối gì đó chỉ là cảm xúc nhất thời  thôi. Hơn nữa chị cũng chẳng có vết thương nào để hàn gắn. Chị không thù hận anh của em, cũng chẳng hờn giận. Bởi, ảnh chết từ lâu rồi. Chị biêt em nghĩ chị giả dối, đang mang mặt nạ để che dấu quá khứ của mình. Đúng, chị là vậy. Có những người đeo mặt nạ để mưu cầu những điều ảo tưởng, để phỉnh lừa, để gạt gẫm... Còn chị chỉ muốn bảo vệ hạnh phúc cho mình và tương lai của Quỳnh Chi. Ngần ấy năm, cái mặt nạ đó đã biến thành mảng da dính vào máu thịt chị rồi.
Tôi hỏi mà tự trong mình đã chừng sẵn câu trả lời : 
- Chẳng lẽ chị dấu Quỳnh Chi suốt đời ? Có quá bất công cho anh ấy không? 
- Có một người cha vẫn tốt hơn hai. 
- Nhưng anh ấy sắp.. 
- Chị yêu Nghiêm. Chị rất yêu chồng chị. Em hiểu chưa ? Sao nói hoài mà em chẳng chịu hiểu? Chị sẵn sàng đánh đỗi tất cả để giữ kín cái bí mật nầy. Và em. Em cũng phải làm như vậy. Chị không van xin mà yêu cầu em. Không phải cho chị mà chính là vì tương lai của cháu em 
Hình như giọt nước mắt trong tôi đang bung vỡ đâu đó.Tôi đang ngồi trước một ván cờ, thành chưa thất thủ mà tướng vội bỏ chạy. Phải. Tôi còn có thể làm điều gì khác. Quá khứ đã khép sau lớp bụi thời gian, đã được ưu ái cài chặt bởi trăm vòng khóa lãng quên. Nhân vật chính đành đoạn vất sau lưng, ném vụt mọi thứ ngoài ngăn hồi tưởng thì kẻ đóng vai phụ như tôi có thể làm nên điều kỳ diệu nào khác ? 
Cửa phòng bật mở. Phòng ấm sưởi mà cơn gió lạnh đâu thổi sượt qua, buốt lay màng tóc. Gương mặt Quỳnh Chi ló vào : 
-Mẹ à. Con đi ngủ trước hay chờ mẹ ?
Lặng lẽ ngắm Quỳnh Chi, tôi muốn gom cho hết trong trí nhớ, hình ảnh yêu dấu của cháu. Mắt mơ mộng viền nâu mầu hạt dẻ. Ðôi má ngấn nụ đồng tiền xinh xinh. Cả nụ cười khóe môi cong cong hệt tôi hồi nhỏ. Có lẽ Quỳnh nói đúng. Cháu đang khiêu vũ với cuộc đời trên tấm thảm nhung rực rỡ., nếu không thể sơn phết thêm cho nó những mầu sắc lộng lẫy thì cũng chớ phủ vội những đốm tàn nhang hệ lụy...Bao dằn vặt khổ tâm của Quỳnh sau lớp mặt nạ giả tạo kia cũng đã đủ hành hạ chị cho đến hết một đời rồi.. 
Quỳnh đẩy cháu về phía tôi. ( Tôi thầm cám ơn cử chỉ tế nhị của chị ) 
- Mai cô về sớm. Lại chào cô đi con. 
Bàn tay Quỳnh Chi nhỏ nhắn, mềm mại nắm chặt cườm tay tôi làm các giây thần kinh chợt chuyễn mình êm dịu. Cháu nhón chân hôn chụt vào má tôi, và tôi, trong lúc bất ngờ không thể kiềm chế được, giang tay ôm chặt cháu vào lòng. 
Gương mặt Quỳnh tối lại lớp mặt nạ cũ. 
Tôi đứng quay lưng nơi cánh cửa họ vừa rời khỏi. Bóng đêm sâu thẳm đang đổ vội, lướt thướt ngoài khung cửa.. Ðầu óc tôi rối bời. mệt mỏi với những sắp xếp chi tiết lộn xộn. Nói gì với cái thây người tàn tạ trong bệnh viện đây ? Vai nào, bối rối hay thiểu não cũng làm tôi đau lòng.”Ờ. Anh à. Em đến đó mà đâu có gặp ai. Thì còn cái địa chỉ nào nữa. Ðâu phải nhà của chị Quỳnh. Anh cứ mà tin lời mấy ông bạn của anh, chắc em đi giáp tận trời cuối đất quá. Có, em tới thiệt mà. Ờ phải, người ta nói hồi xưa cũng có một bà tên Quỳnh, hay Huỳnh gì đó, nhưng già háp rồi. Có, em có gặp bả mà. Bà nầy già ghê lắm, móm xọm mà còn nghễnh ngãng nữa.. Ngó buồn cười lắm...” 

Ngó buồn cười lắm...Nước mắt ở đâu một lần nữa ứa lặng lẽ chạy dài theo cánh mũi. Tôi tưởng tượng đến khuôn mặt của anh, lớp da bọc ngoài xếp ly theo đường rảnh nhăn nheo. Khuôn mặt bình thản của một người tự biết mình không còn gì để mất. Như cuối cùng một đời người dường như biết trước số phận của mình, dọn sẵn đường cho nơi đến. 
Dù muốn dù không, lúc nầy đây, mặc nhiên tôi đã đứng về phía chị. Ðể vĩnh viễn Quỳnh bình yên bước ra khỏi tấm khung quá khứ. Ðể dấu một đời anh bóng quạnh hiu cô độc.Thôi anh. Hãy bình yên đi anh. Hãy ném tất cả ký ức vào giòng sông quên lãng. Hãy tắm gội một lần cho đến mệt nhoài và rũ sạch bụi tro nuối tiếc. Đừng mang theo những đám mây quá khứ đau thương trên con đường anh sắp đi tới. Hãy coi như chưa từng có người nào mang tên Quỳnh đã đi qua cuộc đời anh. Ðây là một sự thật mà anh phải chấp nhận... 

Bỗng dưng. Da thịt tôi chợt rùng mình nổi sần sùi từng đốm gai ốc. Cơn lạnh di chuyễn chậm mà chân tóc, chân lông đồng loạt dựng đứng. Cảm giác lạnh rợn người y hệt lúc cháu Quỳnh Chi mở cửa. Cùng lúc, chân tay tôi cứng đơ, ngực tưng tức, tim vặn vẹo như thiếu không khí. Một người nào đó hình như đang thở sau lưng tôi. Tiếng thở dài âm u phát sâu suốt lồng ngực, phà dọc sau gáy hơi lạnh của một khối băng. Không phải tiếng gào. Không phải tiếng khóc. Nó gom tụ một chuỗi âm thanh u trầm não ruột, vừa bi thiết vừa thê lương. 
Mấy ngón tay tôi bị rút căng, tê cứng, miệng há hốc mà không thể phát tiếng kêu. 
Một giây...Hai giây...Ðột nhiên, hơi lạnh dịch về hướng cửa sổ. 
Tôi quay phắt lại. Không. Không có ai. Nhưng tiếng thở dài vẫn còn quanh quẩn kéo xoáy những vòng trôn ốc. Nó ai oán não nùng như gom đủ trăm nghìn tiếng nấc bị bóp nghẹn, khùng khục lẫn tiếng khóc rền rền đập vào bức tường đá dội ngược âm thanh xé gió. 
Tiếng khóc và hơi lạnh buốt chợt lướt qua thân thể tôi, ngập ngừng gần như ve vuốt...Rồi,như bị lôi kéo bởi một sức mạnh vô hình khủng khiếp nào đó, nó đảo mạnh, xô tung chắn khung cửa, cuốn vạt áo tôi ném phần phật về phía trước. 

Ðêm bên ngoài. Bóng tối xô đẩy, dồn cục muôn hình thù quái gở. In đậm trên nền trời, một vệt sáng xanh lè tựa mắt mèo đứt quãng. Chợp tích tắc...Ðốm sáng vươn rộng, chồm chới với như cánh tay khẳng khiu, lòng thòng những đường dây dẫn ống nước biển... 
( Nt)

Friday, March 9, 2018


                        Tuyển tập truyện ngắn : Mưa nắng bên đời.
                        (Văn, Thi, Nhạc sĩ : Yên Sơn )


Ngày nối tiếp ngày, bốn mùa mưa nắng (* )

 Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào, bởi tình bạn của chúng tôi, dù chỉ gần một phần tư thế kỷ nhưng với tôi, thời gian ấy hình như dài hơn cả đời người, và bởi khi đọc “ Mưa Nắng Bên Đời”, ngay tựa đề, cũng đã có thể hình dung những nhọc nhằn nổi trôi với biết bao thăng trầm trong đời người mà đôi khi số phận không cho chúng ta sự lựa chọn. Đôi khi đó là ngã rẽ của định mệnh mà nếu được làm lại lần nữa, đã chắc gì chúng ta có thể phân biệt đúng, sai để vượt qua số phận?
Bạn tôi, một người lính ngang tàng, khí phách. Một người bạn thuỷ chung, khí khái, một người cha, người chồng hết lòng tận tuỵ với gia đình . 
Bạn tôi. Đến với những bôn ba đời sống bằng trái tim hồn hậu trẻ thơ.(Ít ra, trong nhận xét có phần hơi nữ tính của tôi)
Ở những phần đầu truyện..trong” Mưa Nắng Bên Đời” , ta có thể hình dung, chân dung của một người lính trẻ nặng tình với nước non ...Chữ tình đó được trang trọng đặt trong trái tim với bầu nhiệt huyết, với khát vọng, hăm hở của tuổi trẻ, “Tôi chỉ biết ngày nào còn sống thì ngày đó tôi còn đem máu xương này, hình hài này bảo vệ từng tấc đất cho tự do, cho công bằng vì Tổ quốc tôi .”
Chúng ta đã có những người lính như thế trên khắp các mặt trận. Họ bất khuất, can đảm, coi cái chết như một trò chơi của chiến tranh. Họ chỉ mang trong lòng một niềm tin mãnh liệt: Sống và chết cùng quê hương ..
Vì vậy, khi phải bỏ nước ra đi, khi đã bó tay không còn được chiến đấu, anh cũng như những người lính trẻ khác, tất cả đều rơi vào trong hố sâu của hụt hẫng và tuyệt vọng . 
Tuyệt vọng vì không còn gì để bám víu...
Không nỗi đau nào kinh hoàng hơn nỗi đau mất nước !!
Ra đi, anh mang theo mình một trái tim tật nguyền không bao giờ lành lặn và những dòng  lệ lưu vong.
“Thế là hết, vĩnh biệt Saigon, vĩnh biệt người thân, vĩnh biệt đời chim, cánh gió! Tôi lặng lẽ khóc như chưa từng được khóc! Khóc cho tôi bơ vơ không biết mai này đời sẽ về đâu; khóc cho bạn bè vừa nằm xuống sáng qua trong phi vụ cuối cùng “
Những giòng lệ ấy vẫn âm ỉ trong anh dù trải qua bao mùa bên đời mưa nắng ..
Và đâu đó, làm sao anh có thể quên được, những bạn bè , đồng đội , những người đã cùng anh chiến đấu vì một Việt Nam tự do. Như người anh lớn của anh, khi bị giặc bao vây và tràn ngập căn cứ, anh thà hy sinh, thà chết tại mặt trận trong cuộc chiến cuối cùng không cân sức. Không nỗi đau đớn nào hơn khi chính anh làm phi vụ yểm trợ và nghe chính người anh trai của mình ra lệnh “ Giặc đã tràn ngập căn cứ! Bạn phải trút ngay xuống đầu tôi, tôi thà chết chứ không muốn bị giặc Hồ bắt sống! Vĩnh biệt!”
Và anh, trong giờ phút sinh tử bi thương, không còn chỗ cho tình riêng.
Dù quyết định xé lòng đó làm tan nát trái tim anh .
Hãy nói cho tôi biết, còn hình ảnh nào bi thương, thê thiết hơn ? Còn nỗi đau đớn nào to tát hơn ? 
Những người lính ấy, trong những ngày cuối cùng cuộc chiến, thà hy sinh, chết tại mặt trận cùng đồng đội. Những gương anh hùng bất khuất đó đã viết lên một trong những trang Thiên hùng ca bất tử . 
Bất tử trong trái tim của hàng triệu người còn sống .
Chiến tranh. Chiến tranh. Sự hy sinh nào cũng phải trả giá. Sự lựa chọn nào cũng đầy khắc nghiệt, bi thảm .
Những mẫu truyện ngắn của anh, qua lời văn không cầu kỳ, giản dị là cả một tấm lòng chân thật thuỷ chung. Anh đi qua đời sống bằng những nhọc nhằn, những giằng xé trong tâm hồn khi phải rời bỏ quê hương, không thể cùng chia xẻ với cha mẹ gia đình những ngày khổ tận.Và tất cả, làm lạị từ đầu bằng nỗi lòng của kẻ tha hương.
Ở mỗi trang sách khi chúng ta lật qua, ở mỗi truyện ngắn khi ta dừng lại, ta vẫn thấy đâu đó những cảm xúc rất chân thực đầy nhân bản, rất gần gũi với đời thường. Nó như lời thầm thì đâu đó trong không gian ta đang sống mà mỗi góc phố, mỗi con đường từng sớm chiều với mọi tiếng động,những man mác mùi hương cũ , những ký ức dù nhạt nhoà theo thời gian nhưng nó lại là nguồn sức mạnh tinh thần giúp anh đứng lên, đi tới.
Đó là những tâm trạng bất an, là tình yêu phát xuất từ sâu thẳm trong nỗi lòng của người cha tiễn con ngày nhập ngũ, là lời tâm sự tha thiết gửi cho con tại chiến trường, luôn quanh quất trong lòng thân phận mất nước của một người chiến sĩ :
Con ơi! Con có biết những điều con viết trong thư của con là những thực tế oan nghiệt, phũ phàng cho đất nước của Ba hơn ba mươi hai năm về trước không!?” là tình yêu của người chồng gánh trên vai trách nhiệm với gia đình, tình yêu tha thiết dành cho cha mẹ, cho các anh chị em, là mảnh đất quê hương nuôi lớn anh suốt một thời tuổi nhỏ.
“ Quảng Ngãi trong tâm thức của tôi là những hình ảnh thân thương, mộc mạc nhưng diệu kỳ vô cùng. Quảng Ngãi trong tôi là dòng sông Trà, sông Vệ mông mênh; là những con đò ngang mỏng manh; là những bờ xe nước hùng vĩ; là những tiếng xe ngựa gõ lộp cộp trên đường đá; là những đêm trăng sáng, trời trong bạn bè kéo nhau ra bãi cát ngủ qua đêm. Quảng Ngãi trong tôi là an vui, thanh bình suốt thời tuổi thơ mầu nhiệm . 
Tình yêu trong” Mưa Nắng Bên Đời” bàng bạc như nốt trầm nhẹ, rất nhẹ rớt trong một bản hoà tấu đủ những âm thanh trầm bổng.Quyện trong tiếng vi vu của gió là tiếng rạo rực của mưa, giọt mồ hôi của nắng cháy, hay như một thoáng mưa bay giữa trưa nắng hè oi ả.
Ở mốc hoàng hôn của cuộc đời, người lính già khi nhìn lại những đoạn đường mình đã đi qua, những nắng mưa nhọc nhằn trong suốt một đời người, tình yêu cho quê hương, cho bạn bè, cho gia đình, chắc hẳn khi nhìn lại, anh sẽ tiếc nuối về một thời dọc ngang chinh chiến, nhưng anh vẫn sẽ đi tiếp để thực hiện những giấc mơ dang dở, vẫn đi tiếp dù bên kia, phía mặt trời đang lặn dần vào bóng tối đời người .
Lạc loài ngày tháng phù vân
Hết cơn mộng mị thấy gần xuôi tay
Bao nhiêu khát vọng vơi đầy
Trôi theo những áng mây bay cuối trời
Còn đây tao loạn cõi người
Trầm kha giữa những khóc cười bon chen..(*) 
Dù cuộc đời thăng trầm thế nào, dù ngày tháng chỉ là phù vân ..Anh, hãy hãnh diện vì anh đã sống xứng đáng, rất xứng đáng với khí phách của một người lính, để khi nhìn lại, dù trong những giọt lệ ngậm ngùi vẫn thấp thoáng đâu đó, màu nắng mật vàng của hạnh phúc và những nhánh đời nẩy mầm hy vọng . 
Và như anh, như tôi, như bạn, như toàn thể người dân của miền Nam Việt Nam Cộng Hoà ..Ai trong chúng ta không đã từng gánh những oan khiên, nhọc nhằn khi trải qua đời sống suốt bốn mùa mưa nắng ?
( Nt.)
(*) ý thơ Yên Sơn.

         CD nhạc : Góp chút hương cho đời
         (Tình ca Yên Sơn )