Thursday, September 27, 2018

                       Em về mùa thu
                       Nhạc sĩ: Ngô Thụy Miên
                       Ca sĩ : Minh Châu

Em về mùa thu ..

Em về mùa thu thành phố  sương mù ..
Khung trời lộng gió chiều xuống mơ hồ
Con đường ngày đó có ai mong chờ
Cuộc tình đã xót xa ơ thờ
Một lần cách xa ngàn thương nhớ...

 Sáng nay, trên đường về, nghe “ Em về mùa thu”..bất chợt, anh lại nhớ đến quán cà phê Hầm gió. Buổi chiều thành phố không sương mù nhưng trong lòng anh, giây phút ấy .. khi nhìn theo tà áo dài mềm mại của Loan gần khuất cuối đường, trái tim anh như vừa ôm hết vô vàn vệt nắng chấp chới trên vĩa hè và những đường sương bụi mà bước chân Loan vừa bỏ lại. 
Em hỏi “ Anh có buồn không ? Nỗi buồn ấy mà, bao giờ thì hết “ 
Em thuở ấy còn trẻ con, mắt chưa cay vì nhớ, tim chưa biết nhịp đập bồi hồi vì yêu nên với em, có lẽ tình yêu là điều gì xa lạ lắm, như em nói, cái tình yêu ấy không có trong sách vở ..
Rồi em hỏi “ Sao người ta có thể quên nhau dễ dàng, rồi  khi gặp mặt cứ làm như người lạ “
Không phải đâu em.  Khi chia tay một cuộc tình, nỗi đau nhức nhối tựa như một mảnh tim nào vừa bị trầy sướt. 
Ở cả hai phía.
Thời gian sẽ làm phai nhạt mọi thứ nhưng vết thương ấy khó lành lặn, khó quên, khó nguôi ngoai. Nó nhoi nhói khi bất chợt nhớ về những kỷ niệm đã có cùng nhau. 
Những kỷ niệm ấy dù buồn bã hay đẹp đẽ cũng vẫn in hằn sâu trong trái tim mỗi người, có khi  tưởng rằng đã quên nhưng thật ra,  nó vẫn thấp thoáng đâu đó sau màn sương của ký ức ..
Dường như nó luôn đi bên cạnh đời sống của chúng ta.
Em hỏi” Tại  sao anh và Loan chia tay ?”
Tại sao. Em à. Đến bây giờ anh cũng không hiểu tại sao.  Có lẽ sự chờ đợi làm Loan mệt mỏi, hay đời lính tác chiến rày đây mai đó không mang cho Loan cảm giác bình yên ? 
Chia tay. Đến một lúc nào, nó sẽ lên tiếng khi cần bắt đầu sự lựa chọn ..Hơn nữa, thuở ấy, anh và Loan còn quá trẻ, yêu, nhớ nhung chờ đợi cũng chưa đủ cần thiết để chia xẻ hoặc làm nặng gánh đời nhau.
Đơn giản, vì anh là lính chiến. 
“Bạn anh lấy vợ hà rầm đó thôi “
“Thì vậy. Nhưng làm vợ lính là đã phải chấp nhận đối diện với mất mát, sống chết. Tội nghiệp lắm em..”
Bây giờ nghĩ về ngày đó, và bài hát “ Em về mùa Thu “ anh lại nhớ cũng quán cà phê ấy, lần cuối cùng Loan ngồi cạnh anh, và đôi lần cùng em những ngày anh lên trường đón em tan học.
Kỷ niệm giăng muôn nơi
Nhịp sầu vương khắp lối
Nghe hoang phế rã rời
Nghe mùa Thu lá rơi ..
Hai bàn tay em chống cằm, mắt mơ màng nhìn qua khung cửa, nơi có cành hoa Lan rủ cánh ..
Em nói “ bài hát mang lại cho em chút gì đó man mác, chút nhẹ nhàng không sầu não. Sao em chẳng nghe buồn gì hết dù cuộc tình dang dở và nàng thì đã mang theo những giấc mơ mùa thu phai tàn”
Ờ, vậy đó em . . Chẳng có cuộc tình nào chia tay nhẹ nhàng đâu em. Khi người ta thật sự yêu nhau, chẳng có nhánh rẽ nào trong đời sống mà không để lại trong ta những khoảng trống hụt hẫng. 
Với Loan ..là mối tình đẹp. 
Mối tình ấy gắn liền với Sài gòn và những con đường hàng cây xanh mát một góc trời chan hòa trong nhịp xe rộn rã, với những quán cà phê tình nhân mà thời gian dường như ngủ quên ngoài bộn bề khung cửa.

Với anh. Cuộc tình ấy và mùa thu chưa bao giờ phai nhạt, trong anh..

Xin một lần cuối lệ khóc cho người
Những vòng tay ấm trả hết cho đời
Em về bên ấy giấc mơ phai tàn
Nhạt nhoà phấn sắc hoa võ vàng
Và ngày tháng 
âm thầm mãi trôi...
Em về mùa thu tình đã phai rồi ..
( nt)

Tuesday, September 25, 2018


                   Cát Bụi Lưu Vong ( 9/2018 )
                   ( Túy Hà )


Tôi định sẽ viết một chút gì đó về một loài hoa yêu thích khi lần đầu được nhận “Dã quỳ vẫn nở” của anh ..
Tôi thích tựa đề giản dị nhưng mang cảm giác thật gần gũi với cuộc đời bình thường xung quanh. Tôi nghĩ lúc ấy, chắc tâm trạng của anh vui hơn bây giờ, chứa chan yêu đời yêu người và trái tim còn đầy ắp niềm vui... 
Nhưng hôm nay, khi nhận tập thơ Cát Bụi Lưu Vong” của anh, lòng tôi bỗng chùng xuống như vừa vấp chân chạm một bước hụt..
Những bài thơ của anh buồn quá. Có phải nỗi buồn từ những đêm đối diện đêm, đêm tỉnh thức hồn đau như nguyệt vỡ khi nửa khuya, bất chợt nhìn mảnh trăng treo cô quạnh trong bầu trời rộng hay Thu lồng lộng trăng ngà.
Hình như có điều gì u uẩn gần như buông xuôi .. như thể . 

“ có những nỗi buồn
đã chìm sâu trong quá khứ
hằng đêm thức giấc
tìm lại ký ức mình”
( từ câu lục bát nát nhầu trong mưa )

Có phải, khi cuộc đời chỉ là phù du, khi mọi thứ bỗng chốc tựa khói sương và lúc nhìn đoạn đường đã đi qua, những hoài bão không trọn vẹn và chấp chới trong bóng hoàng hôn của cuộc đời, người ta thường níu kéo, gậm nhấm chút ký ức còn sót lại để khao khát làm đầy gói hành trang ở chặng cuối cùng?
Những ký ức thường mang màu xám khô của tiếc nuối, màu tro tàn của vô vàn kỷ niệm ..
Trong mảng ký ức ấy, anh sẽ tìm được gì ? 
Có chăng chỉ là  những hạt bụi lưu vong ..
Nhưng tôi sẽ không viết về những hạt bụi ấy. Buồn quá. Buồn lắm . Tôi sẽ tìm bức tranh mùa Thu lãng đãng trong trái tim của một người thi sĩ, vì mùa Thu là mùa của thi nhân, mùa của yêu thương bất tận, mùa của hơi thở đất trời nồng nàn thổi man mác những hồn thơ.
Tôi tìm cho chính tôi, môi hồng đào của phiến mây trời, màu ngọt ngào nắng lụa, màu rực rỡ vàng thơm hoa Cúc, và sẽ tô lên đó những vệt sơn óng ánh bạc, biết đâu sẽ thắp thêm vào không gian mùa Thu kia chút ấm áp ngọt ngào của nắng?
Tôi hy vọng sẽ tìm thấy trong ” Cát Bụi Lưu Vong” bàng bạc vô vàn những khúc tình thu . 
Nhưng những mùa thu trong thơ của anh buồn như lời trăn trối, tựa như sau những mảng thu kia là âm vang tiếng thở dài vừa trượt qua mảng cô đơn ray rức nỗi tuyệt vọng .

Thu bất biến
Thiên thu không tận
Chỉ có người khuyết tật 
níu bờ Thu  
( Thu không tận )

Sao chờ đợi mùa Thu mà anh lại sợ  chạm tay Thu cuống lá cũng rời, sợ hoa chanh rụng cho gần thềm rêu, sợ cả tiếng chuông chiều nhói đau khi mùa Thu tới?
Sao lại sợ cả bước chân thu rơi đâu đó khẽ khàng trên phiến lá ?
Nhưng thấp thoáng đâu đó, bên cạnh hoang mang là nhịp đập tha thiết từ nỗi lòng tha nhân:

Hoa Cúc nở 
vàng trên huyệt mộ
Tối tăm ta
nhưng sáng 
cả đời nầy
( Cúc vàng)

Và, tình cờ làm sao, tôi tìm thấy cho mình một đóm nắng thu hiếm hoi nhỏ xíu khi anh, người thi sĩ ấy với Cúc vàng lục bát nửa vầng trăng Thu đã ngập ngừng:
Chút duyên thơ 
giữa ta bà
ta về bắt mộng
níu tà áo em .. “ 
( Thu phân vàng Cúc trăng nghiêng)

Thì ra, trong sâu thẳm nỗi niềm ấy, anh vẫn có riêng cho mình chút hạnh phúc rất dễ thương dù chỉ khoảng khắc chợp mắt trong cơn đồng thiếp.
Mùa Thu của anh, tôi không tìm thấy một chút gì dù rất nhỏ nhoi của niềm vui. Không một chút dù là màu xanh cỏ lá, màu tím biếc mây trời. Nó, trước sau chỉ là một bức tranh ảm đạm bàng bạc khói sương. Anh mượn mùa Thu để nói đến nhân sinh quan của anh về cuộc đời, về thân phận kẻ lưu vong.

Phận người tôi
phận yếu hèn
thất phu lỡ vận
buồn lên cõi người
Và từ đó thơ hoá thành lệ nóng
Rơi xuống đời những xác lá khô đau 
( Ý thơ)

Làm sao tôi có thể mang vào muà thu màu vàng thắm tươi của từng đoá dã quỳ rực rỡ khi chính anh, qua lăng kính phủ màu xám tro, là nỗi nhức nhối cháy âm ỉ:

mùa Thu hoá đá từ nỗi nhớ
diệp bất ly thân Cúc vàng mơ
như tim người lính thời chinh chiến
dấu ấn sâu thêm những dại khờ 
( biệt hận Thu )

Dù đi tận cùng trời cuối đất, dù đêm mờ nguyệt tận, và dù mai kia phải rời khỏi một đời cát bụi lưu vong, hình hài anh vẫn mang nguyên vẹn trái tim của người lính , của một thời chinh chiến ..
“ ngăn lại dùm anh cơn gió thoảng
thực hư tình ảo hỏi nghìn sau
( chút Thu và Dung)

Vậy thì... tôi biết tìm mùa Thu của anh ở đâu?  



                       Bìa sau của tập thơ Cát Bụi Lưu Vong
                      ( tháng 9/2018)
                       ảnh: Khôi Việt

Sunday, September 23, 2018



                                  Một chút buồn.
                                  ( ảnh Khôi Việt )


như em va vào anh mt đôi ln lm l
nên có bao gi anh quên được em đâu...

Một chút buồn đầu thu
(Phạm Ngũ Yên )

Nếu có kiếp sau mình đi lại từ đầu
Cùng nắm tay nghe những đường tim nóng hổi
Những hoa sứ của một thời nông nổi
Vừa buông cành bay hết cả về anh

Biết nói gì khi anh vẫn là anh
Vẫn cứ chậm chân trên góc đường nắng gió
Buổi sáng hiền ngoan nhưng cuối ngày chảnh chõ
Thổi vào đất liền bao điệp khúc mưa mưa

Em một thời con gái giấu se sua
Giữ tiếng cười riêng cho những ngày vụng dại
Những hương sắc như chưa từng tung tãi
Riêng với đời- và riêng một anh thôi ...

Ngày trở mình theo tiếng gọi ...anh ơi
Em lớn khôn nhưng cũng vừa vấp ngã
Hạnh phúc phù hư những giọt sầu rất lạ
Chảy ngược xuống đời làm sông khóc bao la...

Em có còn cửa biển của ... người ta
Cho cánh buồm héo hon cuối đời về neo lại
Cho những bước chân suốt mội thời kinh hãi
Rượt đuổi tình yêu nên trượt một chỗ dừng...

Mùa thu rồi mà cây vẫn dửng dưng
Chưa đủ vàng phai để màu xanh bứt rứt
Những ngọn điện bâng khuâng nơi nhà ai vẫn thức
Thắp một lần mà cháy suốt già nua

Mưa tạnh rồi em đã hết buồn chưa?
Khi tình bớt đau và bàn tay bớt lạnh
Góc giường chênh vênh bóng trăng gầy kiêu hãnh
Tiếng hạt nẩy mầm trong góc lá xuân xanh

Ly cà phê buồn va vào chiếc muỗng lanh canh
Như em va vào anh một đôi lần lầm lỡ
Thời gian chậm nhưng cả hai đều lỡ
Đều đến sau trên những vạch vôi đời

Để cuối cùng giọt lệ chảy song đôi
Em ghẻ lạnh đời mình thêm chút nữa
Từng chiếc lá khẽ khàng nơi ngạch cửa
Có người đàn bà ngồi thả nhớ bay cao

Không phải tình đầu cũng không thể tình sau
Sao hôm nay giữa bốn bề vàng ấm
Người chờ nghe một lời tình sâu đậm
Nhưng đã lạt rồi từ những tháng năm

Em thật gần nhưng cũng rất xa xăm
Niềm vui oằn rơi trên nỗi buồn thừa mứa
Tiếng mưa quen tạt bên ngoài cánh cửa
Cùng nỗi buồn khép lại từng đêm...

Đi suốt chặng đường mới tìm gặp được em
Nếu vắng em anh không thể nào chịu được
Bởi ngực trái râm ran một điều đau nhức
Làm nên khổ đau mà vui sướng tột cùng...

Có những cuộc tình như sợi khói mông lung
Mà phút chốc quấn tim mình quá chặt
Nỗi nhớ trong anh và nỗi buồn em . Có thật
Nên có bao giờ anh quên được em đâu ?

Phạm Ngũ Yên 
( Một chút buồn đầu thu trích trong thi tập:
"Tháng Giêng Đâu Đó Một Bờ Môi" 
của văn, thi sĩ Phạm Ngũ Yên . 
Tập thơ vừa xuất bản vào đầu thu ( tháng 9/ 2018 ) 

Friday, September 21, 2018


                               Tập Viết ( Vũ Hải collection )
                                ( nguồn từ FB Phạm Hòa )


Bút, mực, sách vở của ngày xưa.
( KV) 

 Khoảng năm 54-65 học trò cấp Tiểu học miền Nam chép bài ở lớp thường dùng hai loại ngòi viết: lá Mít và lá Tre. Như trong hình "ông" học trò đang viết bằng ngòi bút lá Mít, vì nó lớn, thô hơn ngòi lá Tre, có góc cạnh tam giác hai bên ngòi viết. Ngòi lá Tre nhỏ mảnh, được ưa chuộng hơn ngòi lá Mít vì viết chữ sắc nét, và nét to nhỏ tuỳ theo người viết đè mạnh hay nhẹ trên ngòi bút. Người Bắc gọi là "quản bút" cho cây bút lúc không có ngòi, người Nam gọi là "cán bút". Còn khi đã có cắm ngòi sẵn sàng. Bắc hay Nam gì cũng gọi là cây bút hoặc cái bút. Lúc có tiền mẹ cho, tôi thường đi kiếm mua những cây "quản bút" đẹp ở tiệm sách gần nhà, có cây được quét véc ni với vài bông hoa nhỏ xíu, cây khác được trang điểm bằng sơn xanh đỏ đủ màu. Trong cặp tôi lúc nào cũng có ít nhất là 4 cây quản bút và ngòi bút khác nhau. Để phòng khi bút rơi xuống sàn bị "toè" ngòi là chuyện rất thường xảy ra. Cũng không thể quên được ngòi bút "rông" chỉ dùng để viết đầu bài. Chắc hồi đi học, ai cũng có những thương yêu thân thuộc với những đồ vật lúc tới trường như cặp, sách hoặc tập vở để viết bài, như tập vở có hình Xích lô máy là loại vở viết có phẩm chất rất cao rất được ưa chuộng, nó khác những cuốn sách viết bình thường là được đóng gáy màu đen. Mở cuốn tập ra, nhìn trang giấy trắng muốt và ngửi mùi thơm kỳ lạ bốc lên, là một niềm mê man ngây ngất của tôi lúc có một cuốn vở mới. Vở Olympic có hình Lực sĩ cũng tốt nhưng vẫn xếp hạng hai sau Xích Lô Máy. Vở có hình con Nai cũng được nhưng dù sao vẫn tốt hơn bất cứ loại vở nào sau 1975. Bây giờ tôi nghĩ  không có tập vở viết nào ở Việt Nam hiện nay có thể qua mặt được phẩm chất của vở viết mang hiệu "Xích lô máy" ngày xưa. Phần thưởng  học sinh xuất sắc những năm Tiểu học của hầu hết các trường miền Nam đều là một bảng đen, hộp phấn, một hộp bút chì và khoảng một chục cuốn "Xich Lô máy". Điều cần nói thêm là mọi cuốn vở viết đều có in Bảng Cửu Chương ở bìa sách đằng sau.
Nói về bút xong phải nói bình mực. Hồi ấy học trò đến trường gần như tay chân quần người nào cũng dính mực, vì mở nắp bình mực ra bị dính vào tay, nên cứ chùi vào quần áo, bàn ghế, bất cứ chỗ nào. Thậm chí còn nghịch ngợm chùi vào áo bạn bè, rồi sau đó lúc ra chơi, thế nào cũng đánh nhau.
Bình mực như trong hình đi kèm, dễ bị rò mực ra ngoài, gây lấm lem quần áo và dễ vỡ vì làm bằng thuỷ tinh. Đến năm 60 thì bình mực không đổ hiệu Hondo ra đời, thay thế hoàn toàn bình mực cũ vì làm bằng nhựa plastic nhẹ nhàng, cấu tạo của bình mực tuy rất đơn giản nhưng hợp lý để lỡ có nghiêng, hoặc dốc bình mực xuống cũng không đổ mực ra được. Nhớ không lầm tôi là học sinh đầu tiên của lớp vênh váo cầm bình mực Hondo vào lớp, mở ra và biểu diễn dốc ngược bình mực xuống mà không đổ mực ra, trong những cặp mắt thèm thuồng ganh tị của bạn bè.
Lại phải nói đến mực. Chỉ có hai loại mực xanh và mực tím dùng trong lớp. Được đóng thành viên như viên thuốc. Mua về bỏ vào nước lạnh cho tan ra rồi đổ vào bình thôi. Còn một loại mực tím được các cô, và các các chàng có tâm hồn lãng mạn ưa thích vì màu của nó tím "cả chiều hoang biền biệt". Loại này ở trạng thái giống như cát hoặc đôi khi lục cục như những hạt đậu để trong những túi nilon nhỏ. Và mua nó cũng mắc hơn loại mực viên thông thường.
Sau có mực đen của mực Mỹ hiệu Waterman, nhưng mực này chỉ dùng để hút vào bút máy. Thời gian này đã bước vào trung học rồi. Ít có ai mang bút chấm mực đi học. Bây giờ là thời của bút máy Pilot, Parker. Tôi nhận xét thấy bút Pilot được các cô ưa chuộng vì nó nhỏ ốm thanh thanh, thường có màu xanh đậm hay tím. Bút Parker được phái nam ưa thích vì hình dáng của nó mạnh mẽ, hào nhoáng hơn bút Pilot. Ngoài ra còn có bút Kaolo, loại này không thịnh hành mấy vì cây bút to không đẹp, nét bút lớn và thô, chắc tại ngòi nó làm bằng thuỷ tinh. Nhưng loại bút này cũng có cái độc đáo riêng của nó, là khi mở nắp để viết, phải xoay ở cuối cây viết, ngòi của nó sẽ trồi lên, có hình dáng xoáy ốc của một ngọn đuốc. Thứ đến là nó viết rất êm, tuy nét thô cứng nhưng mạnh bạo nghiêm khắc, nên tôi thấy rất nhiều thầy dùng bút đó để ký tên và chấm điểm.
Ngòi bút có ảnh hưởng gì đến chữ viết không? Có chứ, chắc chắn thế. Bất cứ ai trong chúng ta cũng biết điều đó. Cho nên sau này khi loại bút nguyên tử, tức là bút Bic ra đời. Học sinh cấp tiểu học vẫn không được phép dùng, vì nó sẽ làm cho học sinh không thể viết được một dáng chữ đẹp.
Ngày xưa đẹp đẽ ấy, thể chế thanh bình nhân bản ấy, đã lo lắng đào tạo con người từ những góc cạnh căn bản nhỏ bé nhất. Còn bây giờ, cái chế độ man rợ đã làm đủ cách đánh mất chữ "người", để chỉ còn chữ con. Như những trò chơi bẩn thỉu dâm ô mà chúng đưa ra cho đám đoàn viên đi theo, hầu quên mất hết những gì gọi là Luân Lý-Đạo Đức và Quốc Gia-Dân Tộc.

Nguyễn Khôi Việt






Tuesday, September 18, 2018



                                             my poor baby.


Tội nghiệp nó quá, cái con hamster ấy. 
Hồi thằng con lớn mang nó về nhà, cu cậu đâu chừng hai tháng tuổi. Lông xám mượt mềm mại, đôi mắt ranh mãnh đen lay láy như hột nhãn. Nó hiếu động, chạy vòng vòng trong cái lồng xanh tím với mùi gỗ lót thơm phức.  Ban ngày ngủ như chết, ban đêm, với bốn chân chuột bé xíu cu cậu miệt mài chạy trong cái vòng tròn rào rào như mưa. Không thể ngủ với tiếng động suốt đêm đó, cu cậu được dời ra phòng sau. Tha hồ nhé.
Khi đã bắt đầu quen nơi quen chỗ, mỗi lần mở lồng bỏ thức ăn, cu cậu nhảy nhót chồm chồm và hí hửng coi như mấy ngón tay của tôi là đồ chơi mới. Cu cậu hoan hỉ gậm nhấm, hí hửng đưa mấy sợi râu với cái mỏ chuột cạ liên hồi vào tay tôi.
 Dễ yêu làm sao !!
Có lẽ nó là loại hamster Roborovski  vì loại nầy vốn dạn dĩ và thân thiện với con người .
Cu cậu thường chui vào ổ ngủ cả ngày, mỗi khi tôi gọi, cu cậu giật mình mắt nhắm mắt mở, lảo đảo như say rượu, chân nam đá chân đông ngã nghiêng, té nháo nhào và đưa  hai chân trước ốm nhom bám vào thành cửa hộp, mắt ngó nghiêng như dò hỏi. Đôi khi, có lẽ phiền vì bị phá giấc ngủ,  cu cậu chui sâu hơn vào lớp gỗ mùn, giả lơ giả điếc . 
Có nhiều loại hamster nhập vào Mỹ từ năm 1938, đời sống của chúng chỉ kéo dài từ 2 đến 3 năm. Hamster  bị mù mầu, mắt không thể nhìn xa  nhưng có thể ngửi phân biệt mùi nhờ khứu giác .
Vậy là nó đã về nhà tôi hơn 3 năm rồi cơ đấy .
Hơn ba năm .. 
Suốt một tuần nay, cu cậu đi đứng chậm chạp, chân quàng xiên bắt gió.Từ tháng trước, đám lông xám mềm mại đã rụng dần trơ mảng lưng khô đo đỏ. Nó không còn mừng rỡ mỗi khi tôi gọi và mắt hấp háy như người già ..Nó quắt queo nhỏ xíu như cái trứng gà size small , chẳng hiểu thịt xương rút đi đâu hết.
Nó không còn sức để leo lên tầng cao hơn, ngủ li bì và không màng đến cái chén đựng thức ăn ưa thích nữa . 
Thời gian của nó đã đến gần rồi
Thằng Út,  mỗi ngày trước khi đi làm, bỏ nó trong lòng bàn tay. Nó chẳng buồn cựa quậy nữa, tròng mắt vẫn đen nhưng có lẽ đang mờ dần . 
Tội quá !!!
Anh nói với thằng lớn “ từ đây về sau, con đừng mang con gì về nhà nữa nghe con. Thấy nó chết dần mà thương quá !”
Thằng út “ má à, khi nào nó chết cho con ôm nó nghe má “

Nó chỉ là con chuột bé xíu thôi mà, chỉ là con chuột thôi, cớ sao mắt mũi mình bỗng dưng cay như vừa  hít nguyên một lọ tiêu đổ tung toé !!

Wednesday, September 12, 2018


                                Góc ( ảnh KV)

Ba tôi ăn chay trường.

Ở nhà tôi chia hai phe: phe ăn chay trường gồm ba tôi và hai đứa em kế. Còn phe bên kia là má tôi và lũ lau chau còn lại .
Thập niên sáu mươi, thời ấy đất nước thanh bình và vật giá rẻ nên dù ba tôi chỉ là công chức hành chánh ở tỉnh, má tôi đi dạy học, cuộc sống của lũ chúng tôi cũng được tươm tất đàng hoàng, không dư dả giàu có nhưng về khoản phục vụ ăn uống cho đám con  tuổi ăn tuổi lớn thì hầu như, chúng tôi được ăn .. nhiều hơn học . 
Buổi sáng chúng tôi được má phát tiền ăn sáng nếu đêm trước bà không kịp nấu nồi xôi bắp hay xôi đậu xanh. Trưa và chiều, lũ chúng tôi ngồi trước thềm nhà chầu chực bà đậu hủ nóng hay hàng chè gánh đậu xanh nước dừa đường cát, hoặc chè đậu ván. Vì ba tôi ăn chay nên bà bán hột vịt lộn dạo sau không thấy gánh ngang nhà tôi rao “ hột dzịt lộn đây “ nữa.
Má chỉ cần kho nồi cá nục, cá thu, nồi thịt kho tàu hột vịt, canh rau nấu với thịt sườn hay tôm tươi là lũ chúng tôi chén no nê. Chúng tôi còn rủ bạn bè về nhà ăn cơm chung nữa. Cái gì chứ khoản ăn uống má tôi rất rộng rãi. Hầu như tuổi trẻ chúng tôi vào thời đó, gia đình nào cũng vậy, cái ăn cái mặc không phải là món chi tiêu phải tính toán dè sẻn. 
Nhưng mâm cơm chay của phe ba tôi thì đặc biệt hơn.
Má tôi người Huế nên khoản nấu nướng và chế biến món ăn của bà chắc không thua mấy người viết sách dạy công thức nấu ăn .
( nhưng rất tiếc đã bị thất truyền từ đời chúng tôi )
Ai nói ăn chay đạm bạc không cao lương mỹ vị ? Mâm cơm chay của phe bên kia được thay đổi hàng ngày. Món nấm đông cô hay nấm mèo xào đậu hủ, món đậu hủ non hấp xì dầu thêm mùi gừng ngồ ngộ.
Món mì căn chiên giòn, khổ qua nhồi đậu với miến mà không nhức nhối à ? Chưa kể má làm chả giò, nấu hủ tiếu chay,  bún chả đậu hủ chay, gỏi đu đủ, món đậu hủ nhồi cà chua .. nói chung,  món nào cũng hấp dẫn và tôi thường lén vào bếp, xúc một tô ú ụ,  cùng lũ em ra nhà sau khuấy muỗng ăn sùm sụp ( má nói là ăn hỗn ) nhưng nói nào ngay chỉ là những món đặc biệt thôi, vì phe bên kia cũng tận tình chiếu cố thức ăn nhiều hơn ăn cơm .
Ba tôi, người đại diện cho tư tưởng phong kiến còn sót lại, ông không bao giờ để ý việc nhà, với ông,  đó là việc của phụ nữ. Hết giờ làm ở sở, về nhà, nếu không có bạn đánh cờ thì ông tha thẩn trong vườn, ngắm cây cảnh hoặc nằm võng đọc sách ngâm thơ chờ tụi nhỏ mời cơm .
Còn má tôi ? Tôi nghĩ, bà đại diện cho những người phụ nữ Việt nam đảm đang thời bấy giờ, lúc nào cũng tất bật lo cho gia đình. Sau giờ dạy học, bà đi chợ và nấu nướng cho cả chục tầu há mồm, phe chay và phe mặn. Bà luôn tay luôn chân. Bây giờ nghĩ lại , thấy má tôi sao vất vả quá. Chưa kể buổi tối phải chấm bài cho học trò, dò bài của lũ chúng tôi .
Tôi bây giờ, sáng lấy thức ăn ra khỏi tủ lạnh, cả ngày chỉ nấu buổi cơm chiều cho hai vợ chồng và thằng Út thôi mà còn thấy mệt mỏi, nhiều khi không biết nấu món gì để thay đổi khẩu vị cho chồng tôi mát lòng mát ruột.
Không hiểu hồi xưa má tôi xoay xở làm sao ?
Cả lũ chúng tôi chẳng học được chút gì từ  má, tệ quá.
Ngay cả kho nồi cá . 
Làm sao có thể kho được một nồi cá nục, cá ngừ mà miếng cá thấm mặn mà bởi đường, ớt, tỏi, nước mắm? Món cá kho đặc biệt hương vị Phan Thiết ?
Chịu thua mất thôi.
Nhưng cuộc sống yên bình hạnh phúc đó kéo dài không lâu . 
Sau 75, lũ em tôi thất học. Ba má tôi dẫn đám con về Tây ninh phá rừng làm rẫy.  Cháo bo bo bầu, khoai sắn ngày đói dài hơn ngày no. 
Bây giờ phe ăn chay có thêm đồng minh. Và xì dầu là thức ăn chính chan với cháo hoặc chấm rau bầu mướp . Bây giờ, củ mì xay lấy bột tráng bánh chấm xì dầu cũng là món ăn .. truyền thống của gia đình chúng tôi .
Ba tôi làm việc quá cực nhọc lại ăn uống kham khổ, thiếu thốn nên chỉ sau vài cơn cảm nặng ông đã không qua khỏi. Lúc ông chết cũng còn một mớ xuyên tâm liên trị bách bịnh chưa kịp uống .
Ông lang vườn nói ba tôi chết vì suy dinh dưỡng dẫn đến truỵ tim . 
Tôi nghĩ lẩn thẩn, ăn chay, dù đổi món thì cũng chỉ quanh quẩn đậu hủ , rau củ. Nếu hồi trẻ ba tôi sớm ngã mặn, có thịt, có cá đầy đủ chất dinh dưỡng thì biết đâu ông có sức để lướt qua bịnh tật ?
Chưa tới 65 tuổi, ba tôi đã rời khỏi nhà ...
( Nhật Ng.)

Thursday, September 6, 2018




              Bài học thuộc lòng " Làm con phải hiếu "
              Trích trong sách tập đọc lớp nhì
              ( Bộ Giáo Dục VNCH, 1969 )

Em à. 
Chiều nay trời mưa. Ờ, mà mấy hôm nay chỗ chị ngày nào cũng mưa .Thời tiết mỗi năm mỗi thay đổi, và cơ thể chị  cũng theo thời tiết, mỗi ngày chị thấy mình mau mệt mỏi hơn, và cũng dễ bịnh hơn.
Cũng mấy hôm nay, qua những clip trên FB từ Việt Nam, nghe và thấy thiên hạ đang sôi sục cái vụ Công nghệ giáo dục lớp một, cải cách tiếng Việt từ chữ viết thành ra dạng hình tròn tròn vuông vuông meo méo gì đó mà thấy đau lòng cho dân tộc mình . 
Văn hoá là cội nguồn sức mạnh tinh thần của cả một dân tộc .
“ Tiếng Việt còn, nước Việt còn “ ( chị không nhớ, ai đã nói câu  nầy)
Em à . Chị không muốn nói về tình hình giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Bởi nó đã quá sức tăm tối rồi . Không còn chữ nghĩa tồi tệ nào để gán ghép thêm cho nó nữa. Nó là một  âm mưu thâm độc Hán hoá của bọn Tàu cộng và Việt cộng nhằm xoá sổ dân tộc chúng ta.
Nó ngay trước mắt. Nó xảy ra hàng ngày trên quê hương mình. Ai cũng biết. Ai cũng thấy, không những bây giờ mà đã mấy chục năm qua. Nhưng, tội nghiệp dân mình, không ai muốn ( và dám) làm gì. Nếu có, thì cũng loay hoay như hạt cát giữa đại dương thôi. 
Tinh thần quật cường của dân mình đã bị mối mọt cộng sản gặm mòn rồi em ạ . 
 Cũng từ “ vuông tròn tam giác “ dị dạng cải cách kia, chị lại thấy vô cùng biết ơn linh mục Alexandre de Rhodes, một nhà truyền giáo đã cống hiến tận tuỵ cả đời mình để biên soạn một gia tài ngôn ngữ đồ sộ cho dân tộc chúng ta. Sự hy sinh của ngài chỉ duy nhất mục đích : phục vụ cho giá trị nhân văn và khai sáng văn minh cho dân tộc Việt Nam . 
Ngôn ngữ đó chúng ta dùng hàng ngày, để nói, để viết đã trăm năm nay. Nó gắn liền hình thành nên một nhân cách con người, quan trọng cần thiết như không khí để thở .. 
Ngày xưa, thời Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta đã lấy tên ngài để đặt cho nhiều tên trường, tên đường phố. Nhưng đôi khi chị thắc mắc, không biết,  ngành giáo dục nói riêng và cả miền Nam nói chung, có dành riêng một ngày đặc biệt tri ân ngài không ? 
Nếu chúng ta không làm điều đó , thật có lỗi và vô ơn. 
Và chiều nay, chị lại thấy mình lang thang trong những bài học thuộc lòng, trong những lớp học ngày xưa ..
Và thấy cả hình ảnh mình, thời mới lớn ..

Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa
Tôi sẽ về tìm những áng mây
Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ
Những con chim từ xa vắng lạc bầy ..
(Ô cửa. Thơ Trần Hoài Thư)

Và đau lòng biết mấy nếu những cảm xúc của mình, ngày nào đó, khi em viết cho chị , chị chỉ nhận được từ em những ô vuông tròn meo méo quái gở. 
Chị biết phải đọc làm sao ?








Trong giờ tập viết ( ảnh từ internet.)

Wednesday, September 5, 2018



 thế giới Thơ
 của Thiên Thanh.


Shall I pass like a dust  devil,
Whirling  strings of angry but weak,
and unwanted guest ?
Will you sit on your porch
With a cup of black coffee
and curse the bleeding dust
Of  by- gone day ?
Don’t  you worry,
 We  knew  this could never last  long.
  So take my dirt-stained hands
and dance with me, under a brazen sky
to the  hymn
 Of a dream that never ends.
Nguyễn Thiên Thanh 













Saturday, September 1, 2018


                           Những ngày thơ mộng
                           Nhac sĩ : Hoàng Thi Thơ
                           Ca sĩ : Hoàng Oanh



Từ tấm hình nhà cũ .

Anh. Tấm hình anh gửi cho em, hôm qua từ ngôi nhà cũ. Hơn nửa  đời người bạc thếch dấu thời gian. Em thấy em ngày xưa, ở, khoảng sân nắng chan hoà nắng .Tàng cây trứng cá trĩu cành đong đưa đong đưa ..
Em thấy bậc thềm tráng xi măng, những trưa hè oi ả. Lũ chúng em ngồi chơi xếp lá, chơi thuyền. Những chiếc thuyền chở ước mơ chở niềm vui bát ngát. Chở theo tiếng cười nắc  nẻ chở gió hồn nhiên .
Tuổi thơ mình là mảnh trăng non 
là lọ mực thơm trang sách mới, là dịu dàng bông sứ trắng thơm tho
Là những bữa cơm rộn ràng chén đũa Có tiếng la rầy, chạy nhảy dỗ dành .
Tuổi thơ của mình, đó anh, dẫu đi cùng trời cuối đất, dẫu em già thêm bao nhiêu năm tháng Hình như nó vẫn ở đó, tận sâu thẳm trái tim em. Để bồi hồi nhớ, để bồi hồi thương ..
Ngôi nhà cũ, vườn xưa, bậc thềm..
Kỷ niệm đã xanh rêu từ trong ký ức 
Và, anh có buồn như em khi nhìn lại, tuổi thơ của mình trong tấm hình đã nhạt nhoà vàng úa theo thời gian 
Và, anh có ngậm ngùi, như em, sáng nay.. cũng màu nắng chan chứa trên tàng cây trứng cá mướt xanh, cũng bậc thềm ngôi nhà cũ nhưng ký ức của chúng ta, cuối cùng chỉ là giọt nước mắt nuối tiếc xót xa của một thơì gọi tên hoài niệm ?
Nơi chốn ấy đã mất đành đoạn sau cuộc chiến, cũng như đã đành đoạn tước đi những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu của chúng ta. Một đời người chỉ có một thời đẹp nhất, trong trẻo nhất. Và vị ngọt hồn nhiên đó, may mắn thay, chúng ta đã được nâng niu từ nó.
Nếu anh hỏi em , có muốn một lần nhìn lại ngôi nhà cũ bây giờ. Em nghĩ, không, anh à.
 Em thật sự không muốn,  không dám nhìn lại lần nữa . 
Nó không còn là nơi chốn cũ trong ký ức của em. Và em, thà giữ lại cho riêng mình, không gian trộn lẫn thời gian  đẹp đẽ ấy, cho riêng mình, dù rằng, khi nhớ về, ký ức đó như những mảnh thuỷ tinh sắc nhọn cứa sâu thẳm từ trái tim đau.
Và dẫu chúng ta đi đến hết cuộc đời, nó vẫn đeo bám nhức nhối không nguôi.
Vậy đó anh. Em sẽ xếp tấm hình vào trong ngăn hồi tưởng .
Để ngắm nghía khi buồn .
Để bồi hồi khi nhớ . 
Và biết đâu, vài năm nữa, khi em bắt đầu quên nhiều thứ, nó sẽ giúp em gợi nhớ vài thứ. 
Vì tấm hình ấy, tự nó đã chan hoà vào máu thịt của em rồi.
(Nhật Ng.)