Wednesday, September 12, 2018


                                Góc ( ảnh KV)

Ba tôi ăn chay trường.

Ở nhà tôi chia hai phe: phe ăn chay trường gồm ba tôi và hai đứa em kế. Còn phe bên kia là má tôi và lũ lau chau còn lại .
Thập niên sáu mươi, thời ấy đất nước thanh bình và vật giá rẻ nên dù ba tôi chỉ là công chức hành chánh ở tỉnh, má tôi đi dạy học, cuộc sống của lũ chúng tôi cũng được tươm tất đàng hoàng, không dư dả giàu có nhưng về khoản phục vụ ăn uống cho đám con  tuổi ăn tuổi lớn thì hầu như, chúng tôi được ăn .. nhiều hơn học . 
Buổi sáng chúng tôi được má phát tiền ăn sáng nếu đêm trước bà không kịp nấu nồi xôi bắp hay xôi đậu xanh. Trưa và chiều, lũ chúng tôi ngồi trước thềm nhà chầu chực bà đậu hủ nóng hay hàng chè gánh đậu xanh nước dừa đường cát, hoặc chè đậu ván. Vì ba tôi ăn chay nên bà bán hột vịt lộn dạo sau không thấy gánh ngang nhà tôi rao “ hột dzịt lộn đây “ nữa.
Má chỉ cần kho nồi cá nục, cá thu, nồi thịt kho tàu hột vịt, canh rau nấu với thịt sườn hay tôm tươi là lũ chúng tôi chén no nê. Chúng tôi còn rủ bạn bè về nhà ăn cơm chung nữa. Cái gì chứ khoản ăn uống má tôi rất rộng rãi. Hầu như tuổi trẻ chúng tôi vào thời đó, gia đình nào cũng vậy, cái ăn cái mặc không phải là món chi tiêu phải tính toán dè sẻn. 
Nhưng mâm cơm chay của phe ba tôi thì đặc biệt hơn.
Má tôi người Huế nên khoản nấu nướng và chế biến món ăn của bà chắc không thua mấy người viết sách dạy công thức nấu ăn .
( nhưng rất tiếc đã bị thất truyền từ đời chúng tôi )
Ai nói ăn chay đạm bạc không cao lương mỹ vị ? Mâm cơm chay của phe bên kia được thay đổi hàng ngày. Món nấm đông cô hay nấm mèo xào đậu hủ, món đậu hủ non hấp xì dầu thêm mùi gừng ngồ ngộ.
Món mì căn chiên giòn, khổ qua nhồi đậu với miến mà không nhức nhối à ? Chưa kể má làm chả giò, nấu hủ tiếu chay,  bún chả đậu hủ chay, gỏi đu đủ, món đậu hủ nhồi cà chua .. nói chung,  món nào cũng hấp dẫn và tôi thường lén vào bếp, xúc một tô ú ụ,  cùng lũ em ra nhà sau khuấy muỗng ăn sùm sụp ( má nói là ăn hỗn ) nhưng nói nào ngay chỉ là những món đặc biệt thôi, vì phe bên kia cũng tận tình chiếu cố thức ăn nhiều hơn ăn cơm .
Ba tôi, người đại diện cho tư tưởng phong kiến còn sót lại, ông không bao giờ để ý việc nhà, với ông,  đó là việc của phụ nữ. Hết giờ làm ở sở, về nhà, nếu không có bạn đánh cờ thì ông tha thẩn trong vườn, ngắm cây cảnh hoặc nằm võng đọc sách ngâm thơ chờ tụi nhỏ mời cơm .
Còn má tôi ? Tôi nghĩ, bà đại diện cho những người phụ nữ Việt nam đảm đang thời bấy giờ, lúc nào cũng tất bật lo cho gia đình. Sau giờ dạy học, bà đi chợ và nấu nướng cho cả chục tầu há mồm, phe chay và phe mặn. Bà luôn tay luôn chân. Bây giờ nghĩ lại , thấy má tôi sao vất vả quá. Chưa kể buổi tối phải chấm bài cho học trò, dò bài của lũ chúng tôi .
Tôi bây giờ, sáng lấy thức ăn ra khỏi tủ lạnh, cả ngày chỉ nấu buổi cơm chiều cho hai vợ chồng và thằng Út thôi mà còn thấy mệt mỏi, nhiều khi không biết nấu món gì để thay đổi khẩu vị cho chồng tôi mát lòng mát ruột.
Không hiểu hồi xưa má tôi xoay xở làm sao ?
Cả lũ chúng tôi chẳng học được chút gì từ  má, tệ quá.
Ngay cả kho nồi cá . 
Làm sao có thể kho được một nồi cá nục, cá ngừ mà miếng cá thấm mặn mà bởi đường, ớt, tỏi, nước mắm? Món cá kho đặc biệt hương vị Phan Thiết ?
Chịu thua mất thôi.
Nhưng cuộc sống yên bình hạnh phúc đó kéo dài không lâu . 
Sau 75, lũ em tôi thất học. Ba má tôi dẫn đám con về Tây ninh phá rừng làm rẫy.  Cháo bo bo bầu, khoai sắn ngày đói dài hơn ngày no. 
Bây giờ phe ăn chay có thêm đồng minh. Và xì dầu là thức ăn chính chan với cháo hoặc chấm rau bầu mướp . Bây giờ, củ mì xay lấy bột tráng bánh chấm xì dầu cũng là món ăn .. truyền thống của gia đình chúng tôi .
Ba tôi làm việc quá cực nhọc lại ăn uống kham khổ, thiếu thốn nên chỉ sau vài cơn cảm nặng ông đã không qua khỏi. Lúc ông chết cũng còn một mớ xuyên tâm liên trị bách bịnh chưa kịp uống .
Ông lang vườn nói ba tôi chết vì suy dinh dưỡng dẫn đến truỵ tim . 
Tôi nghĩ lẩn thẩn, ăn chay, dù đổi món thì cũng chỉ quanh quẩn đậu hủ , rau củ. Nếu hồi trẻ ba tôi sớm ngã mặn, có thịt, có cá đầy đủ chất dinh dưỡng thì biết đâu ông có sức để lướt qua bịnh tật ?
Chưa tới 65 tuổi, ba tôi đã rời khỏi nhà ...
( Nhật Ng.)

No comments:

Post a Comment