Saturday, August 27, 2016



IF by BRED
Giọng hát : Khôi Việt
Thực hiện : Huy Nguyễn 

Em thường nghĩ về tình yêu của chúng ta khi nghe bài hát này. 
Và anh, có nghĩ về em, như em đang nhớ về anh ?

Anh nói" Nếu ngày kia trái đất ngừng quay, anh muốn được ở bên cạnh em
và chúng ta sẽ cùng nắm tay bay vào bầu trời vô tận  mênh mông kia.
Ta sẽ tìm nhau nếu lỡ lạc mất trong vô vàn ngổn ngang đời sống".
Mình có tìm thấy nhau không anh ? Em thật sự không biết..Không biết.

Nhưng nếu có kiếp nào khác ngoài thế giới nầy, em cũng mong ước,
chúng ta sẽ tìm nhau và gặp lại nhau...
Chúng ta có sẽ, như lời hẹn, không Anh ?


IF

If a picture paints a thousand words,
Then why can't I paint you?
The words will never show the you I've come to know.
If a face could launch a thousand ships,
Then where am I to go?
There's no one home but you,
You're all that's left me too.
And when my love for life is running dry,
You come and pour yourself on me.

If a man could be two places at one time,
I'd be with you.
Tomorrow and today, beside you all the way.
If the world should stop revolving spinning slowly down to die,
I'd spend the end with you.
And when the world was through,
Then one by one the stars would all go out,
Then you and I would simply fly away


Nếu.

Nếu bức tranh diễn tả bằng ngàn lời nói
Tại sao anh không vẽ em? Anh biết.
Đó là những lời tình yêu 
dành cho em
nồng nàn
thầm lặng 

Anh lang thang
Trên những chuyến tàu vô định
Không nơi chốn về
Nhưng anh có em
Em. Là tất cả những gì anh khao khát
Em.  Đã rót vào đời anh
Những giọt mưa tươi mát
Khi đời sống anh vốn dĩ khô cằn.. Nếu có hai nơi để lựa chọn
Anh muốn được bên cạnh em
Hôm nay và ngày mai
Mãi mãi
Nếu ngày kia trái đất ngừng quay
Anh muốn cùng em đến tận cuối đời
Khi ...
Từng vì sao biến mất trên bầu trời
thăm thẳm
Chúng ta sẽ cùng bay..
Cùng bay...mãi mãi

Tuesday, August 16, 2016





Mây Hạ. 

(Riêng Phượng tím)


                  
Lúc gửi cuộc tình qua biển rộng
Mây có buồn theo Phượng tím xưa ?
  
Mây bay về đâu trong gió hanh
Ghé xuống đời vui áo mỏng manh
Rót giữa tiếng cười men mật ngọt
Quên giọt tàn phai, những quẩn quanh  

Hạ hồng mây ghé qua khung cửa

Trời đất buồn thiu những cơn mưa
Không nắng lụa vàng thơm hè phố
Đâu những vần thơ cổ tích xưa     

Tình ngóng nỗi buồn qua kẽ tay

Ép cánh thời gian trên tóc mây
Gió mơn man khẽ đôi vạt áo
Qua vườn nhà ai hoa trắng bay

Hạ hồng nắng thắp chiều qua phố 

Gói chút cọng buồn phơi cành khô
Hương đất trở mình mang mưa tới
Đêm dường như.. Biển gọi. Sóng xô.

Lúc gửi cuôc tình qua biển rộng

Phượng tím xưa, Mây Hạ về đâu ?


 Góc. Với Phượng Tím.


Chúng ta còn bao nhiêu mùa Hạ để gặp nhau ?
Bao nhiêu lần mừng mừng tủi tủi ?
Bao nhiêu lần giận hờn, làm thinh ? ( Giống như trò chơi trốn tìm, cuối cùng mình cũng gặp được nhau, Nhưng, đôi khi...giờ ra chơi đã hết..)
Mình có đếm được thời gian trên những ngón tay già nua , trái gió trở trời sưng khớp ?
Sẽ là..hai, ba, năm...mùa Hạ tới ? Ôi, dĩ nhiên là điều không thể.

 Đã qua dần một năm từ ngày vui hội ngộ. 

Một năm. Bệnh tật song hành với tuổi già và đời sống mỗi ngày lướt qua, ta làm sao với ?. Nhưng trên tất cả, trong lòng chúng ta vẫn còn giữ lại một chút ngọn lửa an ủi  khi nghĩ đến nhau, sau những giây phút tất bật lo toan cho đời sống, sau một ngày mệt nhoài cơm áo.

Chúng ta không thể chia xẻ cho nhau những vết thương trong đời sống, những bất hạnh đến với người nầy và niềm vui đến với người kia, càng không thể chia xẻ những viên thuốc đắng đỏ xanh của bịnh tật. Buồn quá, phải không ?

Thật buồn...

Một năm. Chúng ta đã đi qua mọi nỗi thăng trầm trong cuộc sống và gắn kết nhau qua những hình ảnh, những giòng thư, trên Facebook, trên blog nên dù xa bao nhiêu, cách bao đường bay, bao đại dương vẫn cảm thấy hình như sợi dây nối những bờ yêu thương luôn ngân nga những điệp khúc yêu thương và gần gũi.

Bạn. Tình cảm chúng ta dành cho nhau, dù thời gian  già đi bao nhiêu năm, tình cảm ấy vẫn luôn ấm áp, ngọt ngào như những kỷ niệm về ngôi trường thân yêu cũ, vẫn nằm yên ắng trong ký ức thời niên thiếu của chúng ta, ở một khoảng đời đẹp đẽ  mà khi nghĩ tới, khi nhớ về, nó được âu yếm khoác qua lăng kính mầu hồng của ấm áp, mầu vàng của niềm vui, mầu xanh của hy vọng.. 


Có phải, đến tận bây giờ  chúng ta vẫn gắn kết nhau bởi những ký ức- thiêng -liêng đó ?


Cám ơn những người bạn, trong năm qua đã  bắc nhịp cầu thân ái, mang chúng ta lại gần nhau.

Cám ơn đời sống đã cho tôi còn được những -giây- phút- yêu- người.

Friday, August 12, 2016


Ngồi nhớ chuyện xưa. ( 1)

Em hay mua mấy hộp luncheon meat hiệu Spam để dùng khi ăn sáng. Thằng út Nấm thích món này lắm. Với một khúc bánh mì nó có thể ăn hết nguyên một hộp. Ăn trưa hay tối nó cũng chỉ cần vài lát thịt này là xong bữa cơm. Tánh nó giản dị, ăn uống dễ-chắc giống bố- nhưng bố nó lại chẳng thích ăn món này. Có lẽ tại ngày xưa phải ăn nó ngày này qua tháng kia.
Ngày xưa- lại ngày xưa- trong số đồ hộp dùng khi đi hành quân như thịt ba lát, tức là hộp thịt khi khui ra có 3 miếng thịt heo tròn dầy gần đốt ngón tay . Thịt bò hầm khoai tây. Xúc xích Hot dog thường được lính gọi bằng cái tên không đẹp đẽ cho lắm. Hộp luncheon meat này tôi làm nhớ tới nó nhiều nhất vì lính thường gọi là " heo chồm, hoặc là heo nút lưỡi" vì ngoài hộp có hình hai chú heo châu đầu vào nhau. Đồ hộp quân tiếp vụ không được lính mình ưa thích cho lắm, ăn vào nóng nảy trong người, táo bón v.v. Dân biệt kích được ưu đãi hơn, lý do là các toán xâm nhập thường nhảy vùng biên giới hoặc mật khu, không thể mang đồ đạc, nồi niêu xoong chảo ra nấu nướng um xùm như dân bộ binh, nên đồ lương khô cũng gọn nhẹ và phong phú hơn, khẩu phần cho mỗi ngày đều có bịch rau khô, trong cơm sấy cũng vậy. Có kẹo, có một cây xúc xích khô ăn cũng khá ngon. Nói vậy chứ ăn lương khô chỉ hai ngày là ớn tới óc rồi. Vì thế phe bộ binh đi hành quân nếu đi quá xa, nhà bếp không mang đồ ăn tới được thì cũng ráng nuốt cơm sấy với thịt hộp thôi. Đôi khi nghĩ thương mấy chàng Hỏa đầu quân, còn gọi nôm na là nhà bếp. Lúc hậu trạm không xa điểm hành quân thì các chàng cũng gánh gồng cơm gói cá kho, thịt kho cho đơn vị có chút đồ tươi.
Hàng năm vào những dịp lễ Tết hoặc có chiến thắng, thường là có mổ heo, hoặc bò. Thịt Bê được ưa chuộng, vì dễ ăn, dễ nhậu hơn. Đơn vị tôi có một lần tổ chức làm thịt một con Bê, mời ca sĩ Hùng Cường và Duy Khánh tới, có các cô nữ huấn đạo của tiểu đoàn 50 chiến tranh chính trị , có "lính hát, lính nghe". Hôm ấy thật là huy hoàng rôm rả. Đời lính sống nay chết mai, vui được lúc nào hay lúc đó. Ăn cơm ghi sổ câu lạc bộ, cuối tháng lãnh lương nhiều tên chẳng còn đồng nào. Và rồi lại ghi sổ tiếp.
Cho nên dù có căm hận những người lính phương Bắc mấy đi nữa cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy họ đã ăn uống như thế nào. Sống ra sao thì khỏi cần nói nhiều, lang thang phiêu bạt từ ngoài Bắc, theo đường mòn Hồ chí Minh vào Nam. Cực khổ dong ruổi, trốn rừng chui bụi dưới bom đạn theo một lý tưởng sắt máu hoang đường mà họ bị nhồi nhét vào trong đầu từ còn tấm bé. Sống sót vào đến chiến trường Tây Nguyên hoặc miền Nam là một kỳ tích rồi, vì ngoài bom đạn mà họ phải chịu, còn có bệnh tật nữa, mà ghê gớm nhất là Sốt rét. Bệnh này giết chết những người bộ đội Bắc Việt rất nhiều trong khi thuốc men chữa trị thì hạn hẹp thiếu kém. Tôi đã thấy những viên thuốc ký ninh (Quinine) và sinh tố B1 ở một dạng không biết gọi thế nào cho đúng, hình như nó đã được đóng thành viên bằng một dụng cụ thủ công rất thô sơ.
Trong chiến lợi phẩm tịch thu được, ngoài súng ống đạn dược là những thùng bằng thiếc sơn màu nâu xám có 2 hàng chữ Việt và Tàu. Đó là thùng lương khô của họ. Được làm bên "Nhân Dân Trung Hoa Cộng Hoà Quốc". Mở ra bên trong có những thỏi bánh bột trắng vàng nhờ nhờ được nén chặt, gói trong giấy bóng như bánh in của miền Nam, ăn nghe có vị đậu xanh, hơi ngọt và mặn. Dài gần gang tay, ngang khoảng hai đốt ngón tay. Hỏi người tù binh là "các anh chỉ ăn một thứ này thôi sao?, anh ta trả lời "chúng tôi chỉ ăn có vậy, trong những lúc không có gạo". Chỉ có vậy thôi, không có thịt thà cá mú để cung cấp chất đạm cho con người vượt Trường Sơn đi cứu miền Nam. Ngoài món bánh in ra, là những túi nilon trong có miếng giấy in chữ: kẹo giải khát- té ra là kẹo Chanh. Mà chỉ hơi chua một chút, chắc để tiết kiệm nguyên liệu. Gói thứ hai ghi: kẹo chống lạnh. Là kẹo Gừng, ngậm chẳng cay mấy, và không có mùi Gừng là mấy. Gói thứ ba là "viên tăng lực". Lần đầu mở ra, cả đám nhìn nhau nghi ngại, có thằng muốn thử nhưng sợ nổi điên phát chạy khắp nơi, nên đẩy đưa qua lại cho nhau. Cuối cùng có thằng em lấy một viên bỏ vô miệng, ngậm một chút rồi nhổ ra, chửi toáng lên: ĐM nó, vitamine C, tăng lực chỗ nào. Họ xử dụng ngôn từ xảo quyệt, khéo léo lừa gạt lính của họ thật tinh vi. Nếu chỉ nói là kẹo Gừng, kẹo Chanh, sinh tố C, người dùng cũng chỉ có cảm giác bình thường. Nhưng khi nói "kẹo chống lạnh, kẹo giải khát, viên tăng lực", những chữ đó gây ấn tượng, tạo một ảo tưởng lên người dùng nó. Lúc ấy họ sẽ cảm thấy đỡ lạnh, đỡ khát, sức khoẻ lên cao, phấn chấn vì những ngôn từ lừa gạt đó . Và cả một thế hệ trai trẻ lên đường, lao vào miền Nam như những con thiêu thân, quên cả mạng sống mình, bỏ lại đằng sau gia đình, cha mẹ. Những người Bắc di cư năm 54, có kinh nghiệm đau thương với chế độ cộng sản gọi sự tuyên truyền lừa gạt đó là "luận điệu xúi trẻ ăn cứt gà".
Loại bánh in lương khô ấy, ngồi ăn nói dóc uống nước trà cũng tạm được. Đôi khi gặp mấy thùng bánh cũ, thì vứt hết vì cứng ăn không nổi. Nhưng chắc lính Bắc họ cũng phải ăn thôi, dù rằng họ chỉ được ăn rất hạn chế trong những lúc thiếu gạo . Gạo của họ dùng toàn là một thứ gạo rất cũ, chắc đã nằm lâu năm trong những trạm giao liên. Tôi đã đổ ra coi và thấy thường là gạo Lức, chắc do mang trên người, thấm mồ hôi, nắng mưa, nên đa số ẩm mốc. Ăn gạo mốc vào thì chắc chắn sẽ mắc bệnh xơ gan do chất độc của mốc. Vì vậy những tù binh Bắc Việt khi bị bắt tại mặt trận đều xanh mướt, hoặc vàng bủng. Do sốt rét, hoặc bệnh gan, hay phù thũng vì ăn uống quá thiếu thốn. Trong khi đó, lính Việt Nam Cộng Hoà khi được phát multivitamin của quân đội (đa sinh tố-giống như one-a-day bây giờ) thì vứt hết, với lý do "nóng, không thích hợp".
Người cán binh Bắc Việt họ phải chiến đấu hết minh, vì họ ở trong tình trạng không còn gì để mất. Người lính miền Nam nếu đào ngũ, họ có gia đình nơi thành phố sau lưng. Người cán binh Bắc Việt không thể một mình một thân chạy ngược lại mấy ngàn cây số về nhà. Mà giả dụ họ có về đến nhà được, thì trại tù sẽ đón họ, và họ sẽ chết rục xương nơi đó. Chưa kể thân nhân ở nhà sẽ phải đối mặt với một tương lai trù dập vô cùng khắc nghiêt. Không dám nghĩ đến chuyện bỏ trốn để đi đầu hàng vì đã bị nhồi sọ " những thương binh sẽ bị trực thăng bọn Mỹ, ngụy vứt xuống biển hết". Họ chiến đấu để hân hoan nhận những huân chương chống Mỹ cứu nước, bây giờ không đủ giá trị để giữ lại những ngôi nhà nhỏ bé mà gia đình họ đã sống nhiều thế hệ đến nay, đã và đang bị cướp đi bởi chính quyền độc ác vô nhân tính mà ngày xưa họ đã đổ máu gầy dựng . Qua báo chí tôi có đôi lần thấy những bà mẹ liệt sĩ, lưng còng tóc bạc, vai gầy trơ xương, ốm yếu run rẩy với những tấm bảng huân chương liệt sĩ của nhiều người con, khổ sở bất lực ngồi trên nền nhà ngổn ngang gạch ngói vì đã bị ủi sập.
Ngày xưa khoảng năm 60, lúc ấy tôi mặc dầu nhỏ nhưng thích đọc sách báo của người lớn như báo Trinh Thám (sau đó mấy năm bị đóng cửa vì có dính líu với Việt Cộng) và đặc san Chỉ Đạo của quân đội- của ba tôi mang về. Có một truyện tên "Cái chảo" trong Chỉ Đạo, kể về một viên sĩ quan sau một trận giao chiến tại một mật khu, ông ta để ý có một cái chảo rất lạ, vì nắp vung có tay cầm bên ngoài, nhưng bên trong cũng có một vật giống như tay cầm. Ông vì tò mò muốn tìm hiểu, nên sau khi thẩm vấn một tù binh, người này cho biết anh ta là một trong hai cần vụ (nấu ăn, người hầu) của một cố vấn "Trung Quốc vĩ đại". Đi đâu hai người cũng gánh cái chảo đi theo đơn vị. Khi ông hỏi họ rằng: luộc vịt thì đâu cần chảo to hai người khiêng như vậy. Anh ta nói chảo ấy không dùng để luộc chín thịt vịt, hoặc chiên xào như chảo thường. Con vịt phải còn sống, cột túm hai cánh của nó vào tay cầm bên trong chảo, để nó ở vị trí đứng chỉ chạm chân vào đáy chảo. Nước đổ vào chỉ đủ ngập hai chân và một chút ở bụng, đốt lửa rất nhỏ chứ không để lửa to. Con vịt bị nóng từ từ bắt đầu giẫy dụa, nhưng không thoát ra được vì hai cánh đã bị cột cứng vào tay cầm bên trong rồi. Nó sẽ chết trong tư thế "chết đứng" và như vậy, trước khi chết bao nhiêu máu và chất bổ sẽ tụ xuống hai đùi. Khi tới thời gian nấu đã vừa đủ, anh ta sẽ cắt hai đùi vịt ra chế biến, nấu nướng theo ý của "cố vấn vĩ đại".
Tôi đã đọc lại truyện đó nhiều lần, và càng đọc càng cảm thấy ghê sợ, vì chỉ trong cách ăn uống thôi, người cộng sản Tàu cũng đầy tinh vi, hưởng thụ, và tàn bạo độc ác một cách bệnh hoạn. Vì nhu cầu ăn uống của mình mà hành hạ con vịt một cách thương tâm như vậy. Vị sĩ quan hỏi người cần vụ rằng anh có được ăn thử món đùi vịt đó chưa, chắc là ngon lắm? Thì anh ta trả lời là không bao giờ có chuyện đó. Có muốn ăn cũng không được vì luôn có hai người cần vụ đi chung với nhau. Vả lại đó là đồ ăn để cho ngài "cố vấn" có sức khoẻ giúp quân dân ta đánh đuổi đế quốc Mỹ.
Bây giờ ngồi nhớ lại thấy thương đám cố vấn Mỹ phải đi theo đơn vị tôi quá. Họ rất tốt, sốt sắng giúp đỡ chúng tôi ( tôi nghĩ những đơn vị khác cũng vậy) nhưng lúc đi hành quân hoặc ở trại, ít có lính tráng Việt Nam tiếp xúc trò chuyện thân thiện. Có lẽ vì hàng rào ngôn ngữ, không nói được tiếng Mỹ nên lính mình từ cảm giác tự ti thành tự tôn là "ghét Mỹ, coi thường Mỹ". Hay nói với nhau là tụi Mỹ đánh giặc dở ẹc, chỉ ỷ lại vào phi pháo. Tôi thì không nghĩ thế, đất nước Việt Nam không phải của họ, chết tại một xứ sở xa lạ là một điều không ai muốn, họ phải dùng hoả lực của phi pháo để thanh toán mục tiêu. Mạng người là quan trọng hơn cả. Nhớ Trung uý Donaldson, tánh tình nhân hậu thương người Việt vô cùng, đi đâu cũng có một túi xách, và trong túi quần túi áo đầy kẹo cho con nít. Nói được cũng khá nhiều tiếng Việt :chào má, chào ông mạnh giỏi.... Có một đêm dân đốt đuốc tới trước trại kêu la không biết chuyện gì. Sau nghe tiếng la văng vẳng "cứu người mấy ông ơi" cũng liều mạng kéo rào đi ra coi sao. Mới biết họ khiêng đến một ông già đêm tối không đi ngủ, lại đi bổ củi bị bạt búa vào chân gãy xương ống quyển. Gọi vào cho Donaldson, anh lật đật chạy ra hớt hải lo lắng. Sau khi băng bó tạm, Donaldson nói với tôi, hỏi người nhà nếu bằng lòng thì anh gọi trực thăng tải thương chở về bệnh viện 3 dã chiến, không để đây được vì vết thương rất nặng. Tất nhiên họ đồng ý. Donalson những ngày sau đó thường xuyên đi thăm ông già nọ. Mỗi khi đi thường tấp qua tôi hỏi có gì gởi cho ông già đó không. Mấy tuần sau chẳng biết Donaldson liên lạc ra sao mà trực thăng chở ông già về ngay bãi đáp trực thăng cổng trại.
Sau đó vài tháng, Donalson và người tài xế chết khi bị phục kích, cách trại khoảng gần cây số, lúc anh ngồi trên chiếc xe Jeep ra họp ở trung tâm hành quân. Chết ngay trên vùng quê nghèo khổ mà anh rất yêu thương...

Nguyễn Khôi Việt 
( hết phần một.)

Monday, August 8, 2016

Besame Mucho

By : Consuelo Velazquez
Artist :Andrea Bocelli



Bài hát thế kỷ. Bài tinh ca bất hủ: BESAME MUCHO và nữ nhạc sĩ  CONSUELO VELAZQUEZ 

Trước 75, tại miền Nam Việt Nam, bài hát Besame Mucho  được dịch sang lời Việt bởi nhạc sĩ Y Vân với  "Đẹp như giấc mơ " bởi Phong Vũ "Giấc mơ xưa" và Trường Kỳ " Yêu nhau đi."
Bài " Yêu nhau đi " của Trường Kỳ, có lẽ hợp với giới trẻ sài gòn thời bấy giờ  nên được  nhiều ca sĩ  trình diễn và thu âm.
Besame Mucho là bài hát mang nỗi khát vọng tự do, tình yêu say đắm của tuổi trẻ. 

Người ta gọi đó là bản tình ca thế kỷ.


Consuelo Velazquez sinh năm 1916, mất năm 2005 tại Mexico. Bà học dương cầm từ năm 4 tuổi. Bà chơi piano trong  Nhạc viện Palacio De Bellas Artes và XEQ Radio ( Mexico ) và bắt đầu thu âm khi chính thức trở thành một ca-nhạc -sĩ. Bà đã sáng tác hàng trăm ca khúc, nhưng Besame Mucho đã đem lại cho bà những thành công ngoài sự tưởng tượng.
Besame Mucho (Kiss Me A Lot - Hãy hôn em thật nhiều) là một bản tình buồn. Nỗi buồn ấy được viết bằng điệu bolero tình tứ . Lúc ấy điệu Bolero chỉ mới vừa du nhập vào Mexico,trong khi Samba, Mambo, Tango mới là thứ âm nhạc đang thịnh hành.                                              
Consuelo Velazquez là một nữ tác giả hiếm hoi viết nhạc bằng  điệu bolero trữ tình vào thời điểm ấy.
Cuộc tình trong Besame mucho là một nỗi mất mát đau đớn, là tiếng khóc của đôi tình nhân khi sắp xa lìa nhau. Là đêm cuối cùng ta còn gặp nhau .Là khi anh rời đi, ta sẽ không còn trông thấy nhau lần nữa.

“Hãy hôn em thật nhiều. Như thể đêm nay là đêm cuối. 
Bởi vì em sợ sẽ mất anh. Mất anh mãi mãi. 
Hãy ôm em thật chặt. Để được thấy em trong mắt anh. 
Để được thấy anh thật gần.
Bởi vì ngày mai. Em sẽ phải xa anh.
Xa anh muôn trùng”…

Một bài hát với âm điệu trữ tình, lời ca nồng nàn, lãng mạn. Ở thời đại chúng ta là điều rất bình thường, nhưng vào những năm 30 thế kỷ trước,  Besame Mucho lập tức đã trở thành một hiện tượng nóng bỏng. Lúc ấy,  xã hội Mexico vẫn còn rất bảo thủ, quan niệm như Đông phương " trọng nam khinh nữ ". Tôn giáo ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội. Phụ nữ phải tránh tiếp xúc với đàn ông, tránh xa cám dỗ, hôn nhau là một trong những điều tội lỗi, cấm kỵ.
Besame Mucho đã phá vỡ mọi rào cản về chuẩn mực đạo đức, mở toang cánh cửa tình yêu cho người phụ nữ có thể bày tỏ, thổ lộ những điều thầm kín riêng tư nhất.
Một cuộc cách mạng kỳ diệu qua âm nhạc.
Cô gái ấy, mới 15 tuổi. 
Cô quá trẻ, chưa biết đến tình yêu lứa đôi, chưa hề biết hương vị ngọt ngào của nụ hôn đầu đời, lại  (dám ) khao khát " Anh ơi. Hãy hôn em thật nhiều"
 Consuelo Velazquez tâm sự  “Thật sự tôi chưa hề biết được cảm giác mong nhớ của tình yêu. Vào một buổi chiều, ngồi bên dương cầm, những điệu nhạc ngẫu hứng bất chợt tràn ngập trong cảm xúc của tôi. Khi đó, thậm chí tôi còn chưa biết ghi lại nốt nhạc”
Giai điệu bolero cùng với những lời ca nồng cháy cứ len lỏi tận mọi ngõ ngách tâm hồn, nhẹ nhàng nhưng  thấm sâu chan chứa vào cảm xúc của mọi người.
Với lời ca tha thiết đó, Besame Mucho nhanh chóng trở thành niềm đam mê, nỗi ước mơ của những người đang yêu nhau,đã yêu nhau và sắp mất nhau. Và với Besame Mucho, Consuelo Velazquez đã trở thành một người đấu tranh cho nữ quyền, một kiểu mẫu cho phong trào giải phóng phụ nữ vào thập niên 30 
Tên tuổi Consuelo Velazquez bây giờ không còn của riêng đất nước Mexico nữa. Besame Mucho đã mở cánh cửa đưa âm nhạc Mexico ra bên ngoài biên giới và đưa tên tuổi bà ra thế giới.
Besame Mucho trở thành bài hát hay nhất mọi thời đại, và là bài hát  Mexico được thu âm trên toàn thế giới.
Nhưng theo Consuelo Velazquez , hai câu mở đầu bài này bà đã lấy từ giai điệu của nhà soạn nhạc cổ điển người Tây Ban Nha cuối thế kỷ 19, Enrique Granados trong tổ khúc "Đôi tim non trẻ yêu đương "(Los Majos Enamorados), đặc biệt là ở khúc thứ 5 Lời thở than hay thiếu nữ và cánh chim họa mi (Quejas, O La Maja Y El Ruisenor. 1911 ) với những cảm xúc giai điệu tình tứ sâu lắng nhất. Những câu sau cùng là phần điệp khúc bà đã dựa vào câu mở đầu theo ngẫu hứng mà biến tấu, thay đổi cấu trúc thành điệu bolero tình tứ.
Dù vậy, Besame Mucho vẫn được xem là một sáng tác nổi tiếng nhất của Consuelo Velazquez. Từ quê nhà Mexico, bài hát đã vượt biên giới vào Mỹ và đến năm 1941 bài hát này chính thức được phát hành qua giọng ca của Emilio Tuero.
Lúc ấy Besame Mucho thoát khỏi những vướng mắc mang tính xã hội tại Mexico và trở thành bài hát ưa thích bởi nó mang cảm giác mất mát ,sự chia ly của những người lính ra chiến trường trong Thế chiến II, Và vì thế nó lại càng nổi tiếng.
Từ Mỹ, bài hát này đi một vòng Bắc Mỹ, sang toàn bộ Nam Mỹ rồi đến Pháp, châu Âu, sang Liên Xô tới châu Á và nhanh chóng trở thành bài hát quen thuộc trên toàn thế giới. Bài hát được dịch sang nhiều thứ tiếng , có tên như " Kiss me. Kiss me a lot. Kiss me again and again. Embrasse -moi. Stale ma bozkavaj. Mara beboos ...
Besame Mucho được những giọng ca huyền thoại như Frank Sinatra, Dean Martin, Cesaria Evora, Elvis Presley… cho đến The Beatles (1962), The Ventures…cùng những ca- nhạc sĩ nổi tiếng như Joao Gilberto, Wes Montgomery, Bill Evans,  Placido Domingo, Celine Dion, Diana Krall, Michael Buble, .. hay những dàn nhạc danh tiếng trên thế giới...đem đến giới mộ điệu âm nhạc, và dù hát ở đâu, ở thời điểm nào cũng làm say đắm lòng người. 
Năm 1980, bộ phim Moskva " Does not belive in tears"( Không tin vào nước mắt ) đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar, một phần cũng nhờ sử dụng bài hát này.
Theo thống kê ,  Besame Mucho là một trong những bài hát được thu âm nhiều nhất thế giới với hơn 1.000 phiên bản, bán hơn 100 triệu đĩa, được biểu diễn trên ti-vi và đài phát thanh hơn 2 triệu lần.

Besame Mucho xứng đáng với tên gọi" Bản tình ca thế kỷ "

Kiss me. Kiss me a lot
As if tonight were the last time
Kiss me. Kiss me a lot
For I am afraid to lose you
To lose you after wards..
Kiss me Kiss me a lot
As if tonight were the last time...

Góc. Với bạn.

.
Bởi cô bạn Mexico Carol của tôi không biết Consuelo Velazquez là ai, càng không biết bài Besame Mucho xuất xứ từ quê hương của mình, nên, tôi phải góp nhặt mỗi nơi một chút về nữ tác giả bài hát trên, thậm chí, mở nhạc cho cô nàng nghe tới lui mấy lần..
" Hình như quen quen, cô nói vậy và giải thích, có lẽ hồi ấy tớ còn nhỏ, và...ở nhà, không thường  nghe nhạc..Ngộ thiệt..Trong khi mình ở một đất nước xa xôi, nằm nhỏ xíu trên bản đồ thế giới, đã nghe " "Yêu nhau đi " từ thập niện ..60 cơ..Hồi ấy, ông anh có một cái máy Magnetophone, anh lại là dân trường Pháp nên hầu như bản nhạc Pháp mới , cũ  nào cũng được con em tận tình say đắm...Ông anh hát, đàn lạch bà lạch bạch nhưng vẫn rất hừng chí vì có một khán giả quá sức trung thành,  bài nào cũng lắc lư, vỗ tay, thậm chí còn..huýt gió nữa..
Besame Mucho là một trong những bài tủ của anh. Nhất là những ngày anh hẹn hò với người yêu, anh hát hăng say " Yêu nhau đi..Besame besame Mucho..Hôn anh thật nhiều "..dữ dội luôn
Bây giờ, mỗi khi nghe bài hát nầy, quá nhớ anh và ngày xưa.