Wednesday, February 27, 2019


                                  Chịu thua chưa ?


VÁN CỜ CUỐI NĂM
( Lượng Nguyễn )

Ba tôi thuyên chuyển ngắn hạn ,đến làm việc ở một nơi khác. Năm đó tôi chừng 7, 8 tuổi . Ông dắt tôi theo cho đỡ buồn. Ban đêm, ông ngồi đọc sách, tôi ngồi kế bên học bài. Rảnh rỗi, ông bày tôi chơi cờ.
 Bộ cờ là những quân cờ bằng gỗ mun đen bóng với những nét khắc tinh xảo và bàn là một miếng ván trắc mỏng nổi lên những làn vân rất đẹp. Bộ cờ này là của chú ruột tôi, chú Út tặng cho ba.Tôi mê cờ từ đó !
Vài năm sau khi cuộc chiến kết thúc, tôi về sống tại cái làng này. Phía tây làng là quốc lộ. Hồi chiến tranh, đoạn đường thường bị phục kích, đắp mô gài mìn. Máu của lính hai bên, của dân cũng từng thắm đỏ trên khúc đường này ! Trải qua một cánh đồng, một con sông nhỏ mà hai bên bờ là những bụi tre gai dày đặc, tiếp đến một vùng đất gò nhà tôi đang ở , rồi lại qua một cánh đồng lúa trũng là đến bực động, phía đông.Trên bực động là những cánh rừng cát, nhấp nhô chạy dài mấy chục cây số ra tới biển. Vùng rừng này là mật khu, từng xẩy ra những trận đánh ác liệt. Phía nam là một ngon núi và phía bắc là một con đường đất từ bìa rừng chạy qua con sông trên một cái cầu ván gỗ ra đến quốc lộ. Làng rộng, dân cư thưa thớt, sống theo từng xóm. Xóm Núi, xóm Sông, xóm Gò ...mỗi xóm vài nhà. Nhà cách nhà vài chục thước. Xóm cách xóm hơn cây số. Phần lớn là dân ở rừng về, dân cách mạng ! 
Sáng hai mươi chín Tết năm đó (năm đầu tiên tôi về ở ),tôi đem mấy bộ chưn đèn ra chùi . Với vài trái chanh, chén tro bếp, tôi miệt mài chùi đến quá trưa mới xong. Đang đứng ngắm nghía " sản phẩm " được phơi nắng trên cái bàn để ở giữa sân, tôi chợt thấy thằng Cọt chạy cắt ngang đám đất hông nhà vào đến bìa sân. Nó la lớn " Anh Sáu ,anh Sáu !" . " Gì vậy mậy ?! " . Anh rảnh không, đi đánh cờ. Tui hẹn với người ta rồi!"
Tôi giật thót mình, lúng túng " Đánh với ai, ở đâu ?.Ủa ! Sao mày biết tao đánh cờ " " Tui về PT nghe người quen nói anh đánh hay lắm. Tui hẹn với ông cán bộ đang ngồi chờ ở nhà, tui đi kêu anh. Đánh độ !"
Tôi càng lúng túng " Tao đâu có tiền, sao đánh ? Mà ổng là người ở đâu?" "Ổng làm việc dưới tỉnh, lớn chức lắm ! Không phải người ở đây đâu.Tết ổng ghé thăm người quen gần nhà tui , hồi có ở trong cứ với ổng. Ăn thua tui lo hết, anh cứ ráng đánh thôi "
Tôi chống chế "Sao mày không đánh?"" Tui chơi không lại. Hôm qua, đánh với ổng hai ván, thua hết hai lít " Mày đánh thua thì sao tao thắng, mày kêu người khác đi" "Tui biết anh thắng mà, ở đây ít ai biết đánh, đi đi anh Sáu ".
Tôi về ở làng này chưa quen ai. Biết thằng Cọt là do mấy đợt cùng đi làm công ích ngoài xã. Mỗi đợt vài ba ngày. Chính quyền kêu những người trong gia đình thuộc thành phần " Ngụy quân , ngụy quyền " đi làm như là để trừng phạt. Bữa trưa tụi tôi mang cơm theo, bày ra trên đất dưới một tán cây, ăn chung. Nó nói ba nó cũng đi lính ! Có lần tôi gặp ba nó ở ngoài ruộng, ông nhìn tôi với vẻ thiện cảm !
Lâu quá tôi không chơi cờ, phần lo làm, phần chưa quen những người ở nơi này, giờ nghe nó rủ rê tôi cũng xiêu lòng." Dzậy thì đi, nhưng để tao rửa cái tay đã". 
" Xuống nhà tui rửa, đi mau anh !"
Nó trước, tôi sau đi qua cánh đồng đất gần nhà, lội qua một con mương, vượt qua cánh đồng lúa đang cày ải phơi đất trên những bờ ruộng mọc đầy cỏ ống, bước lên bờ đất mấp mé gần một cánh rừng dầu, rồi đi theo con đường xe bò ngoằn ngoèo, uốn lượn theo bìa rừng một hồi thì đến nhà nó. Căn nhà nhỏ, vách đất, mái rạ. Đến bìa sân, tôi nhìn về phía nhà mình. Xa lắc. Tôi oải ! Lần đầu tiên tôi đến xóm này! .
Một người đàn ông trung niên đang ngồi trên cái sạp tre hông nhà. Thằng Cọt bước tới, nói lớn " Anh Sáu tui tới để đánh cờ độ với anh đó " . Người đàn ông nhìn tôi vẻ dò xét, cả hai cùng gật đầu. Tôi ngồi xuống sạp, bắt chuyện "Anh không phải người xóm này?" " Không . Tui trước ở trong cứ, giờ ở dưới tỉnh " " Chắc anh đánh cờ cao lắm ?" "Hồi ở trong rừng tui không có đối thủ, vài năm nay tui có ra tranh giải tỉnh nhưng chưa lần nào vô địch. Mắc làm quá nên cờ tui giờ cũng lụt !" Nhìn anh ta cũng sáng sủa, nghe anh ta nói đã ra tranh giải cấp tỉnh tôi cũng ớn ớn. Mình có bao giờ nghĩ dám ra tranh giải cấp tỉnh đâu !ửChú Út tôi là một danh thủ. Chú từng đạt giải á quân trong một cuộc thi của tỉnh. Cuối tuần, bạn bè của chú, nhiều danh thủ thường tập trung chơi cờ. Chiếu bông được trải giữa nhà. Người chơi, người xem ngồi quanh bàn cờ giữa chiếu. Trà, bánh để trên khay. Người chơi nhâm nhi, thú vị !Tôi có vài lần được xem chú tôi chơi cờ. Tôi biết mình còn kém chú và còn phải học hỏi rất nhiều. Vậy mà có lần chú đã kêu tôi lên la mắng dữ dội vì cái tội mê cờ, sao nhãng việc học hành !
Để bình trà xuống sạp, thằng Cọt nói " Hai ông anh theo tui ra sau tui nói cái này" Ở sau nhà một cái chuồng heo làm bằng những thanh gỗ to bằng bắp chân, trong chuồng một con heo mọi đang đứng, đen kịt, bụng oằn sát xuống sàn chuồng.Thằng Cọt chỉ vào con heo, quay sang người đàn ông " Anh Ba ! Con heo này chừng năm mươi ký, tui qui giá là năm chục đồng. Nếu anh thắng, tui làm heo chung anh nửa con. Nếu anh thua, anh phải đưa tui năm chục đồng rồi tui cũng làm đưa anh nửa con "
 Thằng Cọt cười hề hề nói tiếp " Thắng thua gì anh cũng có thịt heo ăn Tết ! Dám không ?' Nghe nó nói tôi hết hồn ! Ván cờ chơi ăn thua lớn quá. Tôi thì không thường chơi và biết đâu ông này là một cao thủ. Đang định can ngăn thì anh Ba cười lớn nói " Chơi được ! Tao chịu ! Kiểu gì cũng có thịt ăn tết !" Thằng Cọt quay sang tôi " Đánh đi anh " " Đánh lớn quá chắc tao không chơi " "Tui lo hết rồi, anh cứ ráng đánh đi mà !". Anh Ba cười cười " Có đánh mới có thịt ăn Tết ". Tôi gật đầu .
Cả ba vào lại ngồi trên sạp tre. Thằng Cọt đứng dậy, thò tay lên mái rạ, rút xuống một cái hộp giấy. Mở hộp ra, nó lấy những quân cờ bằng nhựa, sắp lên bàn cờ bằng giấy được trải trên mặt sạp. Phía tôi ngồi là quân xanh, rồi nói " Đụng con nào, đi con đó. Hạ thủ bất quờn! Đánh một ván thôi, nếu huề đánh tiếp ! Bây giờ hai anh bắt cái, coi ai đi trước đi " 
 Nó cầm hai quân cờ, một xanh một đỏ, bỏ vào lòng bàn tay, chụm hai bàn tay lại, xóc xóc . Xong dấu kín mỗi quân cờ trong mỗi bàn tay, nó đặt cả hai bàn tay trước mặt. Người đàn ông ngần ngừ rồi chỉ vào bàn tay trái của thằng Cọt. Nó mở bàn tay ra, một quân cờ đỏ !Điều này có nghĩa là ông ta được quyền đi trước. Chơi cờ được đi trước là một lợi thế rất lớn. Anh ba nhếch mép cười !
Thằng Cọt bước xuống sạp, nhìn tôi ra vẻ khuyến khích "Hai ông anh đánh đi, tui ra sau bắt nước làm heo !". 
Người đàn ông ( anh Ba ) nhanh chóng đi nước cờ khai cuộc. Pháo 2 bình 5, pháo đầu.
Tôi hơi ngần ngừ để chọn đối sách: đối công hay phòng thủ phản công ? Tôi cầm đi quân mã, mã 8 tấn 7, quyết định chọn thế trận phòng thủ phản công "mã bình phong ".
Sau vài nước, anh ta đột ngột lùi con pháo 5 xuống giữa cung sĩ, bình tiếp con pháo còn lại ( pháo 8) vào giữa, uy hiếp nặng nề vào con chốt đầu. Hai quân xe và một quân mã đỏ tràn qua sông, tìm cách khống chế hai quân mã và đe dọa lên con tương đầu của tôi. Thế cuộc tấn công này rất dũng mãnh, dành cho kẻ đi tiên. Danh thủ Hồng kông thập kỷ 60 -70, Lý chí Hải cũng từng thi triển, đo ván nhiều đối thủ, giang hồ đặt tên là " Ngọa tâm pháo ".
Tôi đã từng xem lại những ván này qua sách báo. Bởi vậy, tôi cũng bình tĩnh triển khai thế trận phòng thủ. Hai mã tôi bình phong giữ chặt chốt đầu. Một pháo dạt biên để tăng cường bảo vệ con tượng, thoái 1 để đuổi xa đối phương kẹp nách tượng hoặc nhanh chóng ăn chốt biên để phản công. Hai xa, một thường trực ngay sông, cản phá quân mã đối phương, một con yểm trợ quân mã của mình hoặc những nơi nóng bỏng do quân đối phương uy hiếp nặng nề. Điều quan trọng nhất lúc này là chín chắn trong từng nước cờ, tránh sót nước, bình tĩnh phòng thủ chặt ch và chờ thời cơ phản công.
Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Các quân xa, mã đỏ yểm trợ nhau tràn ngập phòng tuyến quân xanh. Cặp pháo ngọa tâm chỉ chờ dịp nã vào trung lộ. Bị áp lực nặng nề nhưng quân xanh vẫn bình tĩnh chống đỡ và sẵn sàng cho một cuộc cận chiến !
Đúng như dự đoán, sau gần 20 nước tạo áp lực nhưng quân xanh vẫn phòng thủ chắc chắn. Anh Ba ( quân đỏ ) quyết định xáp lá cà. Các quân pháo, mã lần lượt đánh vào trung lộ, nã vào chốt đầu, tượng đầu của quân xanh. Các quân xanh xa, pháo, mã đáp trả quyết liệt. Sau cuộc cận chiến quân đỏ thiệt hại nặng nề. Quân xanh cũng thiệt hại không kém nhưng bảo vệ được phòng tuyến và thế trận đã thay đổi, quân xanh bắt đầu phản công ! Các quân xa,pháo nhanh chóng vượt sông, khóa chặt 2 cánh quân đỏ, một chốt vượt sông chuẩn bị cho tàn cuộc. Anh Ba vội vã rút tàn quân về phòng thủ. Sau hơn chục nước, quân xanh đã cô lập hoàn toàn các quân đỏ, buộc quân đỏ phải thí và chịu lỗ quân.
 Cuối cùng, khi tôi chuẩn bị cầm con chốt bổ vào con sĩ cung tướng, tôi liếc nhìn anh Ba, gương mặt anh lấm tấm mồ hôi và tỏ ra đau đớn! Tự nhiên tôi thấy buồn và ngần ngừ đi nước kết thúc này. Vì quá chú tâm, tôi không biết thằng Cọt đứng bên cạnh lúc nào. Khi tôi cầm quân chốt đập vào con sĩ, nó la lên " Xong rồi " 
 Ván cờ kết thúc! Phần thắng đã về thằng Cọt .Anh Ba mất hết 50 đồng cho nó và được chia nửa con heo về ăn Tết !
Tôi bước xuống sạp, chìa tay bắt với anh Ba và kiếu từ.Thằng Cọt ngoài sau chạy vào "Anh ở lại chơi. Chờ tui làm xong rồi nhậu." Không.Tao về có việc nhà ".
Chiều hôm đó, khi ráng chiều tắt hẳn, vài con gà tôi nuôi đang bước vào chuồng.Trời chạng vạng ! Tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng thằng Cọt gọi " Anh Sáu, anh Sáu " 
Bước ra,tôi thấy nó đứng ở bìa sân, trên tay cầm gói lá chuối. Nó hổn hển " Em cầm lên cho anh ít thịt " " Không, mày cầm về đi " Mình thắng mà anh Sáu " "Ừ .Lỡ thua thì sao ? Mày cầm về đi !" Nó khẩn khoản " Anh lấy nấu măng ăn Tết, công anh mà Anh Sáu !" "Mày đem về đi. Tao có thịt nấu măng rồi. Đem về cho vợ mày đem bán mua rượu. Mùng 2 tao ghé nhà mày ".
Tết năm đó thiếu thốn vô cùng.Tôi không có đồng nào để mua rượu !
Nhưng cái Tết cũng đi qua nhẹ nhàng mang theo một kỷ niệm khó quên đến tận bây giờ!
( Lượng Nguyễn )

Góc từ..
Đọc notes của anh làm em nhớ nhà. Nhớ những ngày cuối tuần, Ba pha trà sẵn, ngồi rung đùi ngâm thơ ch bạn cờ tụ hội so tài cao thấp. Ba chỉ có mỗi thú vui duy nhất sau một tuần làm việc. Tụi em cũng thích những khong khắc ấy. Tha hồ chạy nhảy, không bị la mà còn..nhón bánh kẹo mệt nghỉ. Em thích nhất bánh in đậu xanh hay bánh LU mà Ba chỉ đặc biệt dành riêng cho bạn cờ của Ba.
Tụi nhỏ nhà em cũng mê đánh cờ. Chắc giống ông ngoại. Ở xa cách mấy, gặp nhau là hai anh em lôi bộ cờ  tướng Phế xe, Thí chốt gì đó.. Em không biết tụi nhỏ học chơi cờ  lúc nào. Thng nhỏ qua Mỹ năm mới 6 tuổi. 
Gần năm thập niên rồi anh..
Anh làm em nhớ nhà muốn khóc.



Thursday, February 21, 2019


                      vườn xưa..một thời yêu dấu

Nhà cũ

Ông về lại căn nhà cũ.
Đứng bần thần nơi căn bếp rộng, ông nghe tiếng gió đẩy cánh cửa kẽo kẹt nhịp rụt rè như bước chân của loài chuột ăn đêm. Căn nhà bỏ hoang treo bảng bán đã lâu, không hơi người nên mùi ẩm mốc trong không khí xộc thẳng vào mũi. Có lẽ lâu lắm vợ cũ của ông không trở lại đây từ buổi sáng gặp nhau ở toà. Cô chỉ nói một câu “ good luck” và biệt tăm từ đó.
Ông nhìn dấu son môi nổi mờ mờ trên ly rượu đang nằm lăn lóc trên bàn bếp, và tự hỏi, cô đã đến đây lúc nào, trước hay sau cái ngày định mệnh ấy.
Cái ngày định mệnh ? Chẳng có gì gọi là to tát. Ông quên đón con sau giờ học. Hai vợ chồng cãi nhau. Cô gọi ông là kẻ vô trách nhiệm. Lời qua tiếng lại. Trong lúc nóng giận ông xáng cho cô một bạt tai. Ha. Rồi cảnh sát tới, cô một mực đòi ly dị.
Không nhiều nhặn tài sản chung để chia chác. Tài sản quí nhất với ông là đứa con, và từ ngày cô mang nó đi, hầu như nó cũng biệt tăm hơi như mẹ của nó.
Cô đã chọn căn nhà nầy, ngay lần đầu tiên đi coi nhà vì vị trí yên tĩnh và thơ mộng . Sau bờ đê cao phía bên kia là cánh rừng thông bát ngát. Nhà ở ngay góc đường nên đất rộng và tương đối xa hàng xóm.
Không gian thật lý tưởng cho cặp vợ chồng đang trong thời kỳ hạnh phúc và nôn nao đón đứa con đầu lòng.
Mà thật. Ông đã có những tháng ngày rất hạnh phúc. Những ngày ấy hồ như là giấc mơ không thật.
Ông nhìn chăm chăm vào bộ bàn ăn đặt ngay góc bếp nhìn ra khu rừng. Ông cố hình dung, tưởng tượng lại dáng đi nhanh nhẹn của vợ ông lúc cô nấu nướng. Dọn chỗ nầy, bày chỗ nọ, lấy thịt ra khỏi lò nướng, cắm hoa, thắp nến trên bàn ăn.
Cô chỉ thích nến mùi vanilla hiệu Yankee, mỗi lần order cả thùng xài nửa năm mới hết.
Ông cố tưởng tượng mọi tiếng động của những ngày hạnh phúc ấy, chỉ mới đây thôi nhưng ông có cảm giác mình là kẻ bị thế giới chối bỏ, và kẻ vừa trở về từ hoang đảo kia đã mất đi hoàn toàn ký ức của quá khứ, kẻ hiện tại là ông lại quá xa lạ với khung cảnh xung quanh mà một thời ông đã vun xới với bao khát vọng
Ông mở cửa lần ra sau vườn. Đập vào mắt ông là hồ tắm đầy rêu, lá ủng khô và rác. Ở đây, ông dường như nghe lại, tiếng đập nước bì bõm của đứa con và vợ ông, cô nằm sưởi nắng trên chiếc ghế nhựa xanh, cô đeo mắt kiếng đen, đeo headphone và trên tay đang cầm ly rượu đỏ.
Không còn chỗ để bước qua với vật dụng bỏ ngổn ngang. Máy cắt cỏ, máy cưa, lò nướng thịt, lò đốt củi mùa đông..Cây đào bên nhà hàng xóm ngã đè gẫy khúc hàng rào góp phần thêm vẻ rệu rã vốn sẵn đã thê lương.
Ông dừng rất lâu bên cây sồi đã mắc sẵn hai hàng dây thừng với miếng gỗ xích đu, một chỗ rất ưa thích của con ông, và cả ông nữa . Những ngày cuối tuần êm ả, dưới tàng cây rậm mát, ông và cô cùng ngồi đung đưa, đung đưa.. nghe bên kia rừng thông, tiếng chim hót hòa điệu theo tiếng suối chảy róc rách.
Một bức tranh thật nên thơ.
Một gia đình hạnh phúc.
Đạp vẹt lên đám cây khô, ông ghé ngồi trên chiếc xích đu. Hai sợi dây thừng hình như đã mòn. Nó thở hơi rin rít như người bị bịnh hen suyễn.
Chừng nào nó sẽ đứt như chính cuộc sống của mình ? Ông trầm ngâm thở dài.
Thực lòng, ông rất muốn cô trở về, hàn gắn lại những đổ vỡ mà ông biết, mình có phần lỗi sau sự việc ấy. Nhưng lỗi ấy, có thể tha thứ cơ mà. Ông là người cha, người chồng tốt. Tiệc tùng họp mặt, ông không nhìn nghiêng ngó ngửa. Rượu chè thì thỉnh thoảng. Ông không có thú vui nào khác ngoài niềm vui dành cho vợ con. 
Cô còn đòi hỏi điều gì nơi ông nữa ?
Nhưng, cô quá lạnh lùng khi ông cầu xin điều đó. Thậm chí, ông chẳng đáng là hạt bụi làm cay mắt. Ông sợ khi nhìn ánh mắt đầy căm ghét và xa lạ ấy.
Sao người phụ nữ lại có thể dễ dàng quay lưng, dễ dàng ruồng bỏ mọi thứ như vất đi mớ quần áo cũ khi cuộc sống đó ít nhiều đã từng là một phần đời của họ ?
Nghe đồn, cô đã có bạn trai mới. Người ấy là bác sĩ, cùng phòng phẫu thuật với cô và là bạn học thời sinh viên. Có phải đó là nguyên nhân mà cô mạnh mẽ dứt khoát với ông ? Cô có hạnh phúc không ? Đôi lần ông tự hỏi mặc dù ông biết, những mong ước hàn gắn của mình đi vào ngõ cụt.
Nhưng trái tim ông luôn nhắc nhở rằng, ông vẫn còn yêu cô, vẫn tha thiết cần cô nhưng ông biết mình thật sự không còn cơ hội. Người phụ nữ khi thay đổi họ đã nhanh chóng chặt đứt đường về, riêng người đàn ông luôn nhìn lui mỏi mắt để mong tìm lại dấu chân ngày cũ.

Ông trở lại gian nhà bếp. 
Lúc ấy, trong cơn mê muội ông lại ao ước nghe tiếng nước sôi trên bếp, tiếng va chạm muỗng nĩa và mùi thức ăn ngào ngạt vừa lấy ra từ lò nướng.
Ông ngắm nghía dấu son môi của vợ ông mờ nhạt trên thành ly. Màu son hồng tím từ món quà kỷ niệm sau mười năm ngày cưới. Màu tím hình như nhạt dần nhưng mầu hồng còn rất đậm, nổi rõ những đường vân môi..

Ông áp môi mình trên vành ly, ngay chính đường vân hồng và bật khóc.
( Nhật Nguyễn)


                                  Chỉ còn lại mùa Đông

Monday, February 18, 2019


                                  Thơ tím 


Những ngày tháng yêu nhau
  (thơ Phạm Ngọc)


   Em đã cho tôi nụ cười
  niềm vui và nước mắt
  cùng tôi trên những bước chân đi
  và mùa đông dẫu có quay về
  vẫn tha thiết một bàn tay để nắm
  ngồi cùng tôi những bình minh đầy nắng
  và buổi chiều hoa tím nở chung quanh
  em cho tôi một trái tim xanh
  lời yêu thương ngọt ngào như tiếng hát
  tình yêu em như cơn mưa nặng hạt
  rơi dạt dào trên mảnh đất cằn khô
  tôi bình yên trong nỗi đợi chờ
  thả những ước mơ trong khoảng trời trong veo ấy
  nỗi nhớ em có bừng lên như lửa cháy
  vẫn còn em ở phía cuối ngày
  thả hết nỗi buồn theo đám mây bay
  tôi sẽ đi theo những ngày lặng gió
  nơi có em và còn em ở đó
  có tiếng cười và chim hót như reo
  bàn tay dịu dàng dệt những mùa yêu
  để tôi biết trái tim mình thật ấm
  em trong tôi vẫn muôn đời gần lắm
  cho tôi về những ngày tháng yêu em...
.......... 
  
 Cùng một tác giả:
-Nơi tình yêu ẩn náu ( Nxb HAT, 1997)
-Tình cờ ( Nxb Văn Tuyển, 2000)
-Mùa khát vọng ( 2004)
-Cho những ngày mưa xa ( Nxb Văn Tuyển, 2009)
-Hoa tín này và những mùa thơ ( Nxb TL, 2012)

Friday, February 15, 2019





Thơ, cho ngày tình nhân
Hôm nay cho đến ngàn sau..
(Túy Hà)

hôm nay ngày lễ tình nhân
ngày tôi mở mắt khỏa thân khóc cười
vào đời dông gió tả tơi
trôi theo vận nước một đời phù vân
Cám ơn ngày tháng phong trần 
cho tôi đứng được trên chân của mình
đã bao nhiêu ngày lễ tình
cho tôi biết được bóng hình cần nhau
hôm nay cho đến ngàn sau
lễ tình nhân mãi đẹp màu thế gian
hôm nay sinh nhật nồng nàn
tôi mừng tuổi mới bẽ bàng lệ rơi

dẫu sao cũng cám ơn đời
cho tôi cảm nhận tình người quẩn quanh.

túy hà

Tuesday, February 12, 2019



                      Em tôi. ( ảnh KV)

Viết từ.. Nguyễn Khôi Việt

Ngày xưa. Những lúc tôi mặc quân phục, đi giầy để trở về đơn vị là em mắt mũi đỏ hoe, tôi đành tặc lưỡi: thôi ngày mai anh đi nhé. Thế là em mặt mũi còn đang nước mắt, ngay lập tức tươi cười tí ta tí tách liền. Cũng vì vậy nên khi lò dò về trình diện bị xếp chửi như tát nước. Mày là đơn vị trưởng, trễ phép cả hai ba ngày vậy làm sao chỉ huy được. Mỗi lúc xếp giận là hay mày tao với tôi thay vì gọi cấp bậc. Đó cũng thể hiện sự thương mến đặc biệt với tôi so với những sĩ quan khác.
Những dịp Xuân về em hay lên căn cứ thăm tôi vài ba ngày. Em hay lấy thuốc lá của tôi đi "uỷ lạo" những binh sĩ bị phạt kỷ luật vì ba gai, hoặc dù về nhà (giống tôi). Đôi khi còn mua cà phê sữa đá ở câu lạc bộ đại đội mang cho mấy chàng đang bị nhốt trong phòng kỷ luật. Khi tôi cằn nhằn rằng em không được làm như vậy, anh sẽ khó làm việc lắm. Thì em giận, nói mấy người đó đâu có lỗi gì, họ nói chỉ về thăm nhà, thăm mẹ, vợ con thôi mà-Thế rồi cả đại đội này nhảy về thăm nhà hết một lúc, là anh ở tù luôn đó. Em tròn mắt nhìn tôi, rồi giận, nhưng cũng chỉ hơn tiếng đồng hồ. Mau quên lắm.
Bây giờ nghĩ lại. Trong suốt thời gian làm đơn vị trưởng. Binh sĩ của tôi đâu có phạm lỗi gì ghê gớm. Chẳng đánh nhau, phá phách gì cả. Toàn là dù về nhà, trễ phép.
Hèn gì bài Xuân này con không về. Được đặc biệt ưa chuộng, được hát mỗi ngày trong những lúc đơn vị nghỉ dưỡng quân, trước hoặc trong dịp Tết.
Một lần sau khi đi họp ở trung tâm hành quân về, không thấy em trong trại. Thượng sĩ thường vụ nói thấy bả đi ra xóm chơi. Tôi than trời: sao ông để cổ đi ra xóm đó, vùng này đâu có an toàn. Tôi có nói nhưng bả không nghe, mà tôi đâu cản được.
Phóng xe ra tới bìa xóm, gặp em đang đi về, mặc bộ đồ trắng như thiên thần, tay ôm một quả bưởi, và mấy thứ kẹo bánh lỉnh kỉnh. Khoe: em vô mấy nhà trong xóm chơi họ cho em đó. Mấy người đó tốt và dễ thương lắm.
Em tôi hồn nhiên ngây thơ quá, cho đến bây giờ cũng vậy. Có thể mấy người dân làng họ tốt bụng dễ thương. Nhưng biết đâu lúc ấy có những người đang nằm trong hầm bí mật trong nhà, sau bụi bụi chuối thì sao... Hoặc giả trang đâu đó trong làng xóm, thì chẳng dễ thương đâu. Nhất là khi họ biết em là vợ anh. Đừng bao giờ đi như vậy nữa, nguy hiểm lắm đó em. Em dạ dạ nhưng tôi biết với tâm trí hồn nhiên của em, em khó có thể hiểu được họ ác độc như thế nào.
Em tôi, cũng giống như đa số tâm hồn người miền Nam hồi đó, sống hồn nhiên, bình dị và rất nhiều vị tha.

(*) Góc từ..
Cám ơn anh với những lời yêu ngọt ngào trong tuần lễ tình nhân..( NT)

Tuesday, February 5, 2019




                     Mai trong vuờn. ( ảnh KV)


Mùng một Tết, trời âm u và lắc rắc mưa. 
Chẳng biết có phải là mưa xuân như trong thi ca hay không nhưng có cảm giác như, mưa  phảng phất trong hơi sương chút ngòn ngọt khi trời đất giao mùa và .. kỳ diệu hơn, ngay
sáng mùng một, cây mai trong vườn nở rộ những cánh hoa mai năm cánh mỏng manh nhưng tràn trề nhựa sống.

Những chùm hoa rực rỡ thơm ngát nở bung xoè hớn hở như bất chấp, trời mù sương và ngày báo hiệu cơn mưa lớn sắp ghé qua thành phố.

Anh nói” Năm nay chắc hên, lộc và hoa nhiều quá!”
Anh chụp hình, ngắm hoa mai. Anh chọn góc nhìn để có những bức hình mà anh nói, phải thật ấn tượng.
Khó lắm, tôi nghĩ, dù chụp như thế nào cũng không thể lột tả hết, vẻ đẹp rực rỡ sống động từng cánh hoa. Làm sao có thể ghi lại cho hết, giữ lại trọn vẹn cái hồn tinh tuý trong mỗi cánh hoa mà chỉ hơi chút  lay động từ nhụy hé mở, từ chồi non thẹn thùng cũng làm ta xao xuyến.
Và cũng như mọi năm, trong máy hình của anh, hoa mai dát vàng tràn ngập , và qua tết, những tấm ảnh ấy sẽ được đưa vào riêng một album để anh ngắm nghía, để suýt soa, để nuối tiếc..
Hình như năm nay, hoa mai nở nhiều hơn và rực rỡ hơn năm ngoái ... 
Hy vọng một năm may mắn và cuộc đời chan chứa thêm những niềm vui.