Wednesday, February 27, 2019


                                  Chịu thua chưa ?


VÁN CỜ CUỐI NĂM
( Lượng Nguyễn )

Ba tôi thuyên chuyển ngắn hạn ,đến làm việc ở một nơi khác. Năm đó tôi chừng 7, 8 tuổi . Ông dắt tôi theo cho đỡ buồn. Ban đêm, ông ngồi đọc sách, tôi ngồi kế bên học bài. Rảnh rỗi, ông bày tôi chơi cờ.
 Bộ cờ là những quân cờ bằng gỗ mun đen bóng với những nét khắc tinh xảo và bàn là một miếng ván trắc mỏng nổi lên những làn vân rất đẹp. Bộ cờ này là của chú ruột tôi, chú Út tặng cho ba.Tôi mê cờ từ đó !
Vài năm sau khi cuộc chiến kết thúc, tôi về sống tại cái làng này. Phía tây làng là quốc lộ. Hồi chiến tranh, đoạn đường thường bị phục kích, đắp mô gài mìn. Máu của lính hai bên, của dân cũng từng thắm đỏ trên khúc đường này ! Trải qua một cánh đồng, một con sông nhỏ mà hai bên bờ là những bụi tre gai dày đặc, tiếp đến một vùng đất gò nhà tôi đang ở , rồi lại qua một cánh đồng lúa trũng là đến bực động, phía đông.Trên bực động là những cánh rừng cát, nhấp nhô chạy dài mấy chục cây số ra tới biển. Vùng rừng này là mật khu, từng xẩy ra những trận đánh ác liệt. Phía nam là một ngon núi và phía bắc là một con đường đất từ bìa rừng chạy qua con sông trên một cái cầu ván gỗ ra đến quốc lộ. Làng rộng, dân cư thưa thớt, sống theo từng xóm. Xóm Núi, xóm Sông, xóm Gò ...mỗi xóm vài nhà. Nhà cách nhà vài chục thước. Xóm cách xóm hơn cây số. Phần lớn là dân ở rừng về, dân cách mạng ! 
Sáng hai mươi chín Tết năm đó (năm đầu tiên tôi về ở ),tôi đem mấy bộ chưn đèn ra chùi . Với vài trái chanh, chén tro bếp, tôi miệt mài chùi đến quá trưa mới xong. Đang đứng ngắm nghía " sản phẩm " được phơi nắng trên cái bàn để ở giữa sân, tôi chợt thấy thằng Cọt chạy cắt ngang đám đất hông nhà vào đến bìa sân. Nó la lớn " Anh Sáu ,anh Sáu !" . " Gì vậy mậy ?! " . Anh rảnh không, đi đánh cờ. Tui hẹn với người ta rồi!"
Tôi giật thót mình, lúng túng " Đánh với ai, ở đâu ?.Ủa ! Sao mày biết tao đánh cờ " " Tui về PT nghe người quen nói anh đánh hay lắm. Tui hẹn với ông cán bộ đang ngồi chờ ở nhà, tui đi kêu anh. Đánh độ !"
Tôi càng lúng túng " Tao đâu có tiền, sao đánh ? Mà ổng là người ở đâu?" "Ổng làm việc dưới tỉnh, lớn chức lắm ! Không phải người ở đây đâu.Tết ổng ghé thăm người quen gần nhà tui , hồi có ở trong cứ với ổng. Ăn thua tui lo hết, anh cứ ráng đánh thôi "
Tôi chống chế "Sao mày không đánh?"" Tui chơi không lại. Hôm qua, đánh với ổng hai ván, thua hết hai lít " Mày đánh thua thì sao tao thắng, mày kêu người khác đi" "Tui biết anh thắng mà, ở đây ít ai biết đánh, đi đi anh Sáu ".
Tôi về ở làng này chưa quen ai. Biết thằng Cọt là do mấy đợt cùng đi làm công ích ngoài xã. Mỗi đợt vài ba ngày. Chính quyền kêu những người trong gia đình thuộc thành phần " Ngụy quân , ngụy quyền " đi làm như là để trừng phạt. Bữa trưa tụi tôi mang cơm theo, bày ra trên đất dưới một tán cây, ăn chung. Nó nói ba nó cũng đi lính ! Có lần tôi gặp ba nó ở ngoài ruộng, ông nhìn tôi với vẻ thiện cảm !
Lâu quá tôi không chơi cờ, phần lo làm, phần chưa quen những người ở nơi này, giờ nghe nó rủ rê tôi cũng xiêu lòng." Dzậy thì đi, nhưng để tao rửa cái tay đã". 
" Xuống nhà tui rửa, đi mau anh !"
Nó trước, tôi sau đi qua cánh đồng đất gần nhà, lội qua một con mương, vượt qua cánh đồng lúa đang cày ải phơi đất trên những bờ ruộng mọc đầy cỏ ống, bước lên bờ đất mấp mé gần một cánh rừng dầu, rồi đi theo con đường xe bò ngoằn ngoèo, uốn lượn theo bìa rừng một hồi thì đến nhà nó. Căn nhà nhỏ, vách đất, mái rạ. Đến bìa sân, tôi nhìn về phía nhà mình. Xa lắc. Tôi oải ! Lần đầu tiên tôi đến xóm này! .
Một người đàn ông trung niên đang ngồi trên cái sạp tre hông nhà. Thằng Cọt bước tới, nói lớn " Anh Sáu tui tới để đánh cờ độ với anh đó " . Người đàn ông nhìn tôi vẻ dò xét, cả hai cùng gật đầu. Tôi ngồi xuống sạp, bắt chuyện "Anh không phải người xóm này?" " Không . Tui trước ở trong cứ, giờ ở dưới tỉnh " " Chắc anh đánh cờ cao lắm ?" "Hồi ở trong rừng tui không có đối thủ, vài năm nay tui có ra tranh giải tỉnh nhưng chưa lần nào vô địch. Mắc làm quá nên cờ tui giờ cũng lụt !" Nhìn anh ta cũng sáng sủa, nghe anh ta nói đã ra tranh giải cấp tỉnh tôi cũng ớn ớn. Mình có bao giờ nghĩ dám ra tranh giải cấp tỉnh đâu !ửChú Út tôi là một danh thủ. Chú từng đạt giải á quân trong một cuộc thi của tỉnh. Cuối tuần, bạn bè của chú, nhiều danh thủ thường tập trung chơi cờ. Chiếu bông được trải giữa nhà. Người chơi, người xem ngồi quanh bàn cờ giữa chiếu. Trà, bánh để trên khay. Người chơi nhâm nhi, thú vị !Tôi có vài lần được xem chú tôi chơi cờ. Tôi biết mình còn kém chú và còn phải học hỏi rất nhiều. Vậy mà có lần chú đã kêu tôi lên la mắng dữ dội vì cái tội mê cờ, sao nhãng việc học hành !
Để bình trà xuống sạp, thằng Cọt nói " Hai ông anh theo tui ra sau tui nói cái này" Ở sau nhà một cái chuồng heo làm bằng những thanh gỗ to bằng bắp chân, trong chuồng một con heo mọi đang đứng, đen kịt, bụng oằn sát xuống sàn chuồng.Thằng Cọt chỉ vào con heo, quay sang người đàn ông " Anh Ba ! Con heo này chừng năm mươi ký, tui qui giá là năm chục đồng. Nếu anh thắng, tui làm heo chung anh nửa con. Nếu anh thua, anh phải đưa tui năm chục đồng rồi tui cũng làm đưa anh nửa con "
 Thằng Cọt cười hề hề nói tiếp " Thắng thua gì anh cũng có thịt heo ăn Tết ! Dám không ?' Nghe nó nói tôi hết hồn ! Ván cờ chơi ăn thua lớn quá. Tôi thì không thường chơi và biết đâu ông này là một cao thủ. Đang định can ngăn thì anh Ba cười lớn nói " Chơi được ! Tao chịu ! Kiểu gì cũng có thịt ăn tết !" Thằng Cọt quay sang tôi " Đánh đi anh " " Đánh lớn quá chắc tao không chơi " "Tui lo hết rồi, anh cứ ráng đánh đi mà !". Anh Ba cười cười " Có đánh mới có thịt ăn Tết ". Tôi gật đầu .
Cả ba vào lại ngồi trên sạp tre. Thằng Cọt đứng dậy, thò tay lên mái rạ, rút xuống một cái hộp giấy. Mở hộp ra, nó lấy những quân cờ bằng nhựa, sắp lên bàn cờ bằng giấy được trải trên mặt sạp. Phía tôi ngồi là quân xanh, rồi nói " Đụng con nào, đi con đó. Hạ thủ bất quờn! Đánh một ván thôi, nếu huề đánh tiếp ! Bây giờ hai anh bắt cái, coi ai đi trước đi " 
 Nó cầm hai quân cờ, một xanh một đỏ, bỏ vào lòng bàn tay, chụm hai bàn tay lại, xóc xóc . Xong dấu kín mỗi quân cờ trong mỗi bàn tay, nó đặt cả hai bàn tay trước mặt. Người đàn ông ngần ngừ rồi chỉ vào bàn tay trái của thằng Cọt. Nó mở bàn tay ra, một quân cờ đỏ !Điều này có nghĩa là ông ta được quyền đi trước. Chơi cờ được đi trước là một lợi thế rất lớn. Anh ba nhếch mép cười !
Thằng Cọt bước xuống sạp, nhìn tôi ra vẻ khuyến khích "Hai ông anh đánh đi, tui ra sau bắt nước làm heo !". 
Người đàn ông ( anh Ba ) nhanh chóng đi nước cờ khai cuộc. Pháo 2 bình 5, pháo đầu.
Tôi hơi ngần ngừ để chọn đối sách: đối công hay phòng thủ phản công ? Tôi cầm đi quân mã, mã 8 tấn 7, quyết định chọn thế trận phòng thủ phản công "mã bình phong ".
Sau vài nước, anh ta đột ngột lùi con pháo 5 xuống giữa cung sĩ, bình tiếp con pháo còn lại ( pháo 8) vào giữa, uy hiếp nặng nề vào con chốt đầu. Hai quân xe và một quân mã đỏ tràn qua sông, tìm cách khống chế hai quân mã và đe dọa lên con tương đầu của tôi. Thế cuộc tấn công này rất dũng mãnh, dành cho kẻ đi tiên. Danh thủ Hồng kông thập kỷ 60 -70, Lý chí Hải cũng từng thi triển, đo ván nhiều đối thủ, giang hồ đặt tên là " Ngọa tâm pháo ".
Tôi đã từng xem lại những ván này qua sách báo. Bởi vậy, tôi cũng bình tĩnh triển khai thế trận phòng thủ. Hai mã tôi bình phong giữ chặt chốt đầu. Một pháo dạt biên để tăng cường bảo vệ con tượng, thoái 1 để đuổi xa đối phương kẹp nách tượng hoặc nhanh chóng ăn chốt biên để phản công. Hai xa, một thường trực ngay sông, cản phá quân mã đối phương, một con yểm trợ quân mã của mình hoặc những nơi nóng bỏng do quân đối phương uy hiếp nặng nề. Điều quan trọng nhất lúc này là chín chắn trong từng nước cờ, tránh sót nước, bình tĩnh phòng thủ chặt ch và chờ thời cơ phản công.
Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Các quân xa, mã đỏ yểm trợ nhau tràn ngập phòng tuyến quân xanh. Cặp pháo ngọa tâm chỉ chờ dịp nã vào trung lộ. Bị áp lực nặng nề nhưng quân xanh vẫn bình tĩnh chống đỡ và sẵn sàng cho một cuộc cận chiến !
Đúng như dự đoán, sau gần 20 nước tạo áp lực nhưng quân xanh vẫn phòng thủ chắc chắn. Anh Ba ( quân đỏ ) quyết định xáp lá cà. Các quân pháo, mã lần lượt đánh vào trung lộ, nã vào chốt đầu, tượng đầu của quân xanh. Các quân xanh xa, pháo, mã đáp trả quyết liệt. Sau cuộc cận chiến quân đỏ thiệt hại nặng nề. Quân xanh cũng thiệt hại không kém nhưng bảo vệ được phòng tuyến và thế trận đã thay đổi, quân xanh bắt đầu phản công ! Các quân xa,pháo nhanh chóng vượt sông, khóa chặt 2 cánh quân đỏ, một chốt vượt sông chuẩn bị cho tàn cuộc. Anh Ba vội vã rút tàn quân về phòng thủ. Sau hơn chục nước, quân xanh đã cô lập hoàn toàn các quân đỏ, buộc quân đỏ phải thí và chịu lỗ quân.
 Cuối cùng, khi tôi chuẩn bị cầm con chốt bổ vào con sĩ cung tướng, tôi liếc nhìn anh Ba, gương mặt anh lấm tấm mồ hôi và tỏ ra đau đớn! Tự nhiên tôi thấy buồn và ngần ngừ đi nước kết thúc này. Vì quá chú tâm, tôi không biết thằng Cọt đứng bên cạnh lúc nào. Khi tôi cầm quân chốt đập vào con sĩ, nó la lên " Xong rồi " 
 Ván cờ kết thúc! Phần thắng đã về thằng Cọt .Anh Ba mất hết 50 đồng cho nó và được chia nửa con heo về ăn Tết !
Tôi bước xuống sạp, chìa tay bắt với anh Ba và kiếu từ.Thằng Cọt ngoài sau chạy vào "Anh ở lại chơi. Chờ tui làm xong rồi nhậu." Không.Tao về có việc nhà ".
Chiều hôm đó, khi ráng chiều tắt hẳn, vài con gà tôi nuôi đang bước vào chuồng.Trời chạng vạng ! Tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng thằng Cọt gọi " Anh Sáu, anh Sáu " 
Bước ra,tôi thấy nó đứng ở bìa sân, trên tay cầm gói lá chuối. Nó hổn hển " Em cầm lên cho anh ít thịt " " Không, mày cầm về đi " Mình thắng mà anh Sáu " "Ừ .Lỡ thua thì sao ? Mày cầm về đi !" Nó khẩn khoản " Anh lấy nấu măng ăn Tết, công anh mà Anh Sáu !" "Mày đem về đi. Tao có thịt nấu măng rồi. Đem về cho vợ mày đem bán mua rượu. Mùng 2 tao ghé nhà mày ".
Tết năm đó thiếu thốn vô cùng.Tôi không có đồng nào để mua rượu !
Nhưng cái Tết cũng đi qua nhẹ nhàng mang theo một kỷ niệm khó quên đến tận bây giờ!
( Lượng Nguyễn )

Góc từ..
Đọc notes của anh làm em nhớ nhà. Nhớ những ngày cuối tuần, Ba pha trà sẵn, ngồi rung đùi ngâm thơ ch bạn cờ tụ hội so tài cao thấp. Ba chỉ có mỗi thú vui duy nhất sau một tuần làm việc. Tụi em cũng thích những khong khắc ấy. Tha hồ chạy nhảy, không bị la mà còn..nhón bánh kẹo mệt nghỉ. Em thích nhất bánh in đậu xanh hay bánh LU mà Ba chỉ đặc biệt dành riêng cho bạn cờ của Ba.
Tụi nhỏ nhà em cũng mê đánh cờ. Chắc giống ông ngoại. Ở xa cách mấy, gặp nhau là hai anh em lôi bộ cờ  tướng Phế xe, Thí chốt gì đó.. Em không biết tụi nhỏ học chơi cờ  lúc nào. Thng nhỏ qua Mỹ năm mới 6 tuổi. 
Gần năm thập niên rồi anh..
Anh làm em nhớ nhà muốn khóc.



No comments:

Post a Comment