Thursday, April 26, 2018

                            Trại tù khổ sai.              
                           (Ảnh sưu tầm trên internet.)

Cuối năm 77...
( KV) 

Chuyển trại từ Katum, Tây Ninh về trại mới, trước là bộ chỉ huy của Liên đoàn 5 Công Binh, còn có tên là căn cứ Thành Ông Năm ở Hóc Môn. Sau hai năm trời bị giam cầm trong rừng xa mặt trời. Ngày này qua tháng kia chặt cây rừng, cắt cỏ tranh, vật lộn với thiên nhiên và bệnh tật khắc nghiệt cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Về tới đây tuy chỉ nhìn lại được chút đường xá qua khe vải bạt, lúc chiếc xe Molotova chở chúng tôi chạy ngang, nhưng vẫn bồi hồi cảm động khôn cùng. Vì đã nghĩ tới lúc bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc, vẫn không còn nhìn lại được những hình ảnh phố xá xưa cũ. Nhiều người trong đám tù chúng tôi đã quỳ hoặc nằm dài ra ôm hôn nền xi măng quen thuộc, tưởng như không bao giờ có thể gặp lại.
Tuỳ theo từng căn phòng được chia. Thường thì khoảng 8 đến 10 người một phòng, cũng không chật lắm. Trải mền nằm trên sàn xi măng vì chẳng có giường chiếu chi cả. Lúc ấy tôi còn trẻ nên không cảm thấy gì, nhưng mấy vị lớn tuổi thì rất khổ sở phong thấp đau nhức vì nằm đất. Tuy nhiên chúng tôi đều có nỗi khổ sở giống nhau là đói triền miên. Ngày được hai miếng bột luộc, hoặc tệ hơn là khi ăn khoai lang, chỉ được phát hai củ bằng gang tay một ngày. Đói quá nên thiên hạ thường kể về những món ăn rất say mê hào hứng, gọi là ăn "hàm thụ". Tôi không thích kể và nói về nấu nướng. Và thường bỏ đi chỗ khác. Tôi chỉ có sở thích là uống trà và cà phê, hai thứ này không phải dễ có, ngoại trừ được thăm nuôi. Nhưng tôi hầu như vẫn được uống trà, hoặc cà phê, vì là "ca sĩ" nên đôi khi được ăn chè là món "xa xỉ thượng hạng" từ bạn bè. Buổi tối pha một bình trà trong chiếc bi đông cũ kỹ, bạn bè cùng "chung chí hướng" gặp nhau. Nhâm nhi chút trà nóng, hút thuốc lào. Hát với nhau đôi ba bài hát. Tạm quên đi một tương lai mù mịt không có ngày về.
Nhớ Trần Kháng Sơn với hàng ria mép và chiếc nón "tự tạo" rộng vành, nhìn na ná như nón Sombrero của người Mexico. Mà cũng lạ, khi ngồi chơi đàn cho bạn bè hát, là chàng phải đội chiếc nón đó lên. Ngón đàn của Sơn thật phóng đãng bay bướm tuyệt diệu, Sơn đã làm bài hát mà bây giờ tôi không nhớ tên:
Người ra đi đi về cõi hư vô
Người ôm con mong chồng đã ba năm
Ôi ba năm qua sao thấy đau thương dâng tràn
Ôi ba năm qua thân xác ta đã mỏi mòn
Ngàn năm chinh chiến
Ngàn năm binh biến
Lòng cầu mong mãi cho người sống yên.
Thắp hương lên mồ hoang đã lạnh
Bước chân đi niềm tin dở dang...

(Trần Kháng Sơn)
Gần như Sơn hát bản này thường xuyên mỗi khi có buổi "trình diễn". Có thể nói trong những người chơi Flamenco về đây từ trại Suối Máu Long Khánh, tôi thấy Sơn chơi hay và lả lướt, có hồn nhất.
Tôi với Sơn mất liên lạc khi tôi bị đưa xuống U Minh Hạ làm ruộng năm 78. Bây giờ cũng không biết Sơn ở đâu, còn sống hay đã vùi thây ngoài biển cả rồi, vì hồi đó nó vẫn nói khi về được, nó sẽ vượt biên?
Trại Thành Ông Năm là căn cứ của Liên đoàn 5 Công Binh. Đi đâu cũng chỉ thấy bê tông và sắt, máy móc, xe cơ giới bỏ phế không dùng tới hư hỏng rỉ sét, thấy mà tiếc vô cùng, kiếm cả ngày cũng không được khúc củi nào để nấu nước pha trà, nấu chút mì gói hoặc bột đậu xanh sau khi được thăm nuôi, hay nấu chút canh rau Dền hoặc rau Đắng hiếm hoi sau một thời gian chăm sóc trên một mảnh đất cũng nhỏ xíu hiếm hoi trong trại. Nên những chiếc lò nhỏ xíu, chỉ để vừa ống lon Guigoz ra đời. Đốt vài cành khô, bỏ chiếc bao nilon vào, nhựa chảy ra với ngọn lửa khét nồng leo lét. Chỉ cần 5 bao nilon là đủ sôi nước để pha một bidon nước trà ngồi nhâm nhi với bạn bè. Bao cát sợi nilon dẹp màu xanh được xem như của quý vì nấu được rất nhiều so với những bao nilon nhỏ nhoi. Ngày đó, trong một lần duy nhất được thăm vì sau đó tôi bị chuyển trại, em đã mang cho tôi trà, cà phê, và nhiều thứ vô cùng quý giá khác, ngoài một keo thuỷ tinh lớn còn cái nhãn của cà phê Taster's choice, bên trong là một cục thịt heo ngâm nước mắm. Không biết em kiếm đâu ra 3 hộp Corned beef, vào thời điểm ấy tôi nghĩ rất mắc tiền. Sau này hỏi, em nói cũng không nhớ mua ở đâu. Năm 77, 78 em đi dạy học với một túi khoai khô. Mua những thứ này cho chồng là cả một sự hy sinh “ngoài giới hạn”.
Chung quanh trại là hàng rào kẽm gai. Bên ngoài hàng rào khoảng trăm thước có nhà dân nên đám tù chúng tôi không phải đi cuốc đất trồng mì, chặt cây như lúc ở rừng Katum. Ban ngày chỉ đi làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh. Đi cậy gạch bông hoặc gỡ bồn cầu, gỡ tôn trong những dẫy nhà rất đẹp đẽ khang trang trong trại, lý do không nói ra ai cũng biết là họ chở về miền Bắc.
Với tôi đây là thời kỳ nghỉ "dưỡng quân" hiếm hoi, và không dài lắm trước khi đi tới những trại tù vô cùng gian khổ nơi U Minh Hạ ở Cà Mau và rừng già Phước Long sau này. Không có trong tay một thứ dụng cụ nào như kềm búa dao đục. Chỉ với những đồ tự chế, những cây guitar được ra đời, tuy rằng không được đẹp lắm vì vật liệu chỉ là gỗ được tách ra từ những miếng ván ép, những bàn tay tài hoa đã đưa luồng sinh khí vào những mảnh gỗ vô hồn để nó phát ra những âm thanh tuyệt hảo như những cây đàn chuyên nghiệp. Những lá nhôm máy bay, giờ tôi cũng không nhớ của ai, và từ đâu ra, được cắt nhỏ và chia cho bạn bè. Từ đó đi đâu cũng thấy các "quan" ngồi hì hục mài dũa, người làm vòng tay, người làm lược, hoặc những cánh hoa, con bướm để cài trên áo. Tất nhiên đều xinh xắn tinh xảo. Vì bao nhiêu thương nhớ dành cho vợ hoặc cha mẹ, người thân đều dồn vào những vật kỷ niệm ấy. Tôi cũng làm được cho em một chiếc vòng đeo tay với tên em trên đó.
Họ gỡ hết những bồn cầu trong khu nhà ở. Nên chúng tôi phải đào những hố xí ở khu vực đất trống dọc theo hàng rào kẽm gai bờ trại, chiều ngang và sâu khoảng 1 mét, dài chừng 4 mét, gác đà sắt lên để họ ngồi. Thay vì ngồi trong những nhà vệ sinh sạch sẽ mát mẻ. Ra ngoài trời ngồi chịu nắng mưa, và mùi hôi hám, ruồi nhặng. Nghĩ cũng lạ thật.
Mặc dầu thường xuyên đói, đôi lúc đói hoa cả mắt. Nhưng tôi cũng như những bạn bè thân, hay tìm đến nhau ngồi tâm sự, và chuyền cho nhau những tin tức để lên tinh thần lẫn nhau. Đa số chúng tôi, đôi khi biết là tin thất thiệt, nhưng nó cũng như những lâu đài ảo ảnh, giúp cho con người ta nhìn mà cố gắng đi trên con đường khổ ải. Giống như những món ăn được kể "hàm thụ" cho quên đói, những tin tức đồn đại cũng làm hừng chí, khơi lên những ngọn lửa leo lét trong tâm hồn đã tận cùng tuyệt vọng với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con cha mẹ. Chúng tôi là những người tù không có án. Khi nào các anh làm tốt, thì "cách mạng" sẽ tha về. Bọn quản giáo thường nói vậy. Thế nào là tốt, và tốt như thế nào? Những người tù hình sự, trộm cắp, giết người họ đều có một bản án là mấy năm tương xứng với tội của họ. Họ đều biết rằng ngày đó tháng đó chấm dứt hạn tù, họ sẽ ra tù. Những người tù binh hay trình diện đi tù, đêm ngày phải đối diện với một nỗi kinh hoàng là không biết đến chừng nào sẽ ra khỏi chốn địa ngục trần gian đó. Nắm bao tử để dễ sai khiến, trấn áp hành hạ tinh thần và thể xác để người tù không còn sức kháng cự. Có biểu hiện chống đối sẽ bị nhốt vào một thùng sắt trước kia chứa đồ quân dụng của Mỹ, người miền Nam đều biết với cái tên "conex". Một chiếc thùng sắt vuông vức mỗi chiều khoảng cao hơn đầu người, nóng như thiêu đốt dưới ánh nắng mặt trời và chỉ có một cửa sổ rộng chừng một gang tay, dài khoảng 3 gang tay để thở và đưa đồ ăn nước uống vào. Không ít người đã chết trong chiếc lò nung này. Còn hình thức cùm 1 chân, cùm 2 chân là hình thức trừng phạt phổ biến ở những trại khác. Chỉ có thể nằm hoặc ngồi, chân trong vòng sắt của cùm, nên chỉ cần một tuần lễ là hai cổ chân chảy máu lở loét. Người Cộng sản thật tinh vi và thừa phương cách để kiểm soát người dân. Cho nên không có gì lạ khi trong nước Việt bây giờ, số lượng những con người đứng lên phản kháng thật là nhỏ nhoi và cô đơn.
Trong đám bạn bè thân hay tìm đến nhau trong ngày ấy là Phan Lạc Giang Đông-không quân. Bạch Đình Vỹ-giáo sư Toán, rất giỏi và nổi tiếng Sài Gòn thời bấy giờ. Trịnh Cung -ông này thì nhiều người biết qua bài thơ được Trịnh Công Sơn phổ nhạc, và Lê Quang Uyển- thống đốc ngân hàng, mà hồi đó tôi có lần nói đùa với anh rằng: nhờ ơn Việt cộng, chứ tép riu như tôi chẳng có tư cách nào ngồi giỡn hớt với ông được. Thật vậy, trong tù tiếp xúc mới biết những người đầy tài năng cũng như bằng cấp nhiều vô số kể, những con người tuấn tú đó không còn được phục vụ quốc gia Việt Nam Cộng Hoà thân yêu của chúng ta. Mà thay vào đó phải đi chặt cây rừng cuốc đất, gánh phân người lên tưới rau. Và những công việc cực khổ khác. Chưa kể vô số người vùi thây dưới biển lúc vượt biên đầu năm 80. Đất nước chúng ta rơi vào một số phận đau thương và khổ ải vô cùng. Bây giờ cũng thế, sợ rằng sẽ còn tệ hơn.
Buổi sáng ôm bụng đói đi lang thang, gặp Phan Lạc Giang Đông và Bạch Đình Vỹ rủ qua thăm Tạ Ký, gặp anh đang bệnh, mà tâm bệnh nhiều thì đúng hơn, nên cảm thấy chẳng vui gì. Cái tên Phan Lạc Giang Đông chắc không biết đói vì lúc nào cũng chuyện trò oang oang. Ngồi đọc bài Ruồi và người tình của Tạ Ký rồi đắc chí cười ồn ào. Nói chuyện với anh Tạ Ký một lát tôi bấm hai ông thần kia về để cho anh nghỉ. Vừa đi Đông vừa cười vừa cao hứng đọc lại cho tôi bài Ruồi và người tình. Ông ấy ngồi đi cầu mà cũng nghĩ ra một bài thơ sẽ đi vào văn học sử. Tôi thì không cười nổi, vì bài thơ u uẩn quá. Có lẽ vì vậy mà tôi nhớ hoài, bài thơ của anh Tạ Ký giờ cũng đã vào văn học sử thật sự. Sau này, mỗi lần nghĩ về anh, trong trí tưởng của tôi luôn hiện lên hình ảnh một người tù già yếu còm cõi, ngồi trên hố xí, trước mặt là hàng rào kẽm gai dày đặc những ruồi nhặng trong một không gian hôi thối. Nghĩ tới người vợ mà anh yêu thương đã rời xa lúc anh trong tận cùng khốn khó. Anh đã rơi nước mắt nhiều lần, khi gọi tên vợ của anh trong lúc làm bài thơ này. Tôi nghĩ vậy.
Chuỗi hạt ruồi đậu trên dây kẽm gai
Ruồi từ những hố tiêu bay lên
Tiếng ruồi lao xao như sóng gợn
Mắt ruồi nâu làm nhớ tóc Tây phương
Chuỗi hạt ruồi như chuỗi hạt huyền
Anh tặng em ngày cưới
Ruồi đậu trên dây thép gai như những nốt nhạc
Dây thép gai kẻ nhạc không đều
Làm sao em hát
Có bầy én về
Không phải để báo tin Xuân
Vì anh biết mùa Xuân đã chết
Có bầy én về tìm ruồi trên giây thép
Chuỗi hạt huyền vỡ tan
Anh gọi tên em
Mấy lần.

(Tạ Ký)
Phan Lạc Giang Đông lúc nào cũng cười nói ồn ào. Ít khi tỏ ra thấy buồn. Cũng như anh Tạ Ký, Đông cũng rơi vào một tình trạng bi phẫn tuyệt vọng không kém. Nhiều người vợ vào thăm chồng rồi nói lời chia tay, cha mẹ thăm con cho biết giờ đang nuôi cháu. Một số người cứng cỏi vượt qua được, cũng có người trở nên điên khùng, hoặc không bình thường. Nghĩ cho cùng chẳng biết trách ai. Thời gian đó miền Nam rơi vào tận cùng của đói khổ và tuyệt vọng. Chỉ trách đất nước chúng ta nằm không đúng chỗ trên bản đồ thế giới. Nhưng may mắn và cũng đáng kính phục khi vẫn có những người vợ gánh gồng đồ thăm nuôi chồng qua hàng chục cây số vào những trại tù xa xôi như Bù Gia Mập, ở Phước Long, trại tôi ở sau này. Vượt ngàn dặm cực khổ đói lạnh thăm chồng ngoài Thanh Hoá, Hà Nam Ninh... Có lẽ nên công nhận người phụ nữ miền Nam Việt Nam là một biểu tượng cho sự cao cả và vĩ đại nhất trong những người phụ nữ trên khắp thế giới.
Đám tù binh chúng tôi, vì ở rừng mới về, chưa từng có lần thăm nuôi nên cả đám đều te tua đói rách. Những người ở trại này trước chúng tôi khoảng một năm, nhờ được người nhà thăm nên có vẻ "giàu có" hơn. Nói cho vui vậy vì nhiều người có chuồng nuôi gà, một vài con thôi, cũng có mấy người nuôi vịt Xiêm. Trồng rau Dền, rau Đắng trên mấy miếng đất nhỏ xíu "chó ngồi lòi đuôi" cạnh khu nhà họ ở. Hỏi mới biết là họ mua từ những người vệ binh. Về sau tôi được biết họ bán cho mình đủ thứ, từ thuốc lào, thuốc lá, trứng, thịt, cả rượu đế nữa. Ngoại trừ những người quản giáo mặt mũi lúc nào cũng đằng đằng sát khí, đám vệ binh có quan hệ mua bán với mấy bạn của tôi đều ăn nói nghe được, có nhiều cậu còn xưng em . Nhiều buổi "văn nghệ" họ còn đứng canh chừng quản giáo cho chúng tôi hát. Sau hai ba năm trời chắc họ đã thấy đám sĩ quan "nguỵ" này không phải ác ôn như những gì họ đã bị nhồi sọ, trái lại còn tài hoa và giỏi giang ăn nói lịch sự và “trình độ”. Đi dọc theo hàng rào kẽm gai họ có thể nghe thấy tiếng nhạc guitar classic, flamenco, hoặc một ban nhạc hoà tấu guitar trong những khu nhà vọng ra trong chiều tối. Các anh giỏi thật, cái gì cũng biết. Một cậu vệ binh rất ngưỡng mộ Trần Kháng Sơn nói như vậy. Tôi nói với Sơn, trong trại này tính cho kỹ ra thì bác sĩ Quân y, Trợ y, kỹ sư, nhiều vô số, phi công F5 cũng có mấy người. Nó(người vệ binh) nói như vậy quá thừa.
Trong đám bạn của tôi mua được một con chó nhỏ, cả đám xúm vào góp đồ ăn nuôi nó, càng lớn càng dễ thương và khôn vô cùng. Nó quấn quít chúng tôi không rời, và đặc biệt không bao giờ sủa ai cả, dù rằng trong trại kẻ qua người lại cả ngày. Nhưng khi người quản giáo tên Tư Lung xuất hiện đâu đó trong trại dù rất xa, nó cũng biết và sủa ngay, la nó không được sủa nữa thì nó gừ hoài, khi nào người quản giáo đi ra khỏi khu vực mới thôi.
Tại sao nó lại đánh hơi thấy, cảm thấy một đối tượng "thù địch" như vậy. Con chó mà cũng biết ghét Việt cộng hay sao? Chính vì khả năng cảm nhận ra "kẻ thù" đó làm tên Tư Lung ra lệnh phải giết chết nó.
Giao nó cho một đám bạn tù khác làm thịt, chúng tôi không ai ăn một miếng nào, dù rằng ngày đó một miếng thịt là một thứ gì quý giá vô cùng.
Mấy người bạn tù nói lại: lúc kéo nó ra gần hàng rào để đập đầu làm thịt. Nó không chống cự, nhưng nó khóc.

Nguyễn Khôi Việt

No comments:

Post a Comment