Wednesday, July 20, 2016




Hà Nội ngày tháng cũ

Nhạc : Song Ngọc
Ca sĩ : Sĩ Phú.

(Share từ FB của Quang An )

Quang An
Nhạc Cuối Tuần: HÀ NỘI NGÀY THÁNG CŨ
20 tháng 7, ngày này 59 năm về trước, là ngày vận mạng của cả dân tộc Việt Nam khi các cường quốc và lân bang đã ép chúng ta ký vào hiệp định đình chiến ở Việt Nam và chia đôi đất nước ở vĩ tuyến thứ 17. Lúc ban đầu quá trình thương thảo, Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc) còn đòi chia cắt đất nước ở ngay vĩ tuyến thứ 13, nhưng không được bên Pháp đồng ý. Cuối cùng rồi thì đến ngày này, 20 tháng 7 năm 1954 thì hiệp ước đình chiến soạn thảo xong được gọi là Hiệp Định Genève được ký kết giữa Thiếu tướng Henri Delteil, thay mặt Tổng tư lệnh quân đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương và ông Tạ Quang Bửu, thứ trưởng Bộ quốc phòng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) cùng năm chữ ký của phái đoàn Anh (Anthony Eden), Liên Xô (Viacheslav Molotov), Trung Quốc (Chu Ân Lai), Cam bốt (Tep Than) và Lào (Phumi Sananikone). Riêng Chính phủ Quốc gia Việt Nam (miền Nam) do Bác sĩ Trần Văn Đỗ trưởng đoàn và Hoa Kỳ do ông Bedell Smith dẫn đầu không chấp nhận chia đôi đất nước nên từ chối đặt bút ký tên.
Có lẽ các bạn trẻ lớn lên sau này đều được giáo dục rằng đây là thắng lợi lớn của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Việc giáo dục thế này, chỉ hòng che lấp đi sự sai trái của việc chấp nhận sự chia cắt đất nước, không bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nội dung Hiệp định đình chiến Việt Nam có 6 chương và 47 điều khoảng áp đặt vài điểm quan trọng như sau: Chia đôi hai miền Nam Bắc lấy làng Bohushu sát biên giới Lào Việt đến cửa sông Bến Hải tại tỉnh Quảng Trị làm ranh giới, Quốc Gia Việt Nam phía nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phía bắc, hiệu lực thực thi từ ngày 14-8-1954 quy định hai bên rút quân trong vòng 300 ngày. Chính vì sự khác biệt giữa hai chủ thuyết Quốc Gia và Cộng Sản, mà biến cố này đã dẫn dân tộc ta vào cuộc chinh chiến khói lửa suốt 20 năm sau đó giữa hai miền Nam - Bắc.
Trong vòng 300 ngày cho phép tản cư ở cả hai bên, cả triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam. Từng đoàn người trốn tránh được chính quyền địa phương ở ngoài miền Bắc, kiếm cách về đến Hải Phòng để lên tàu xuôi vào Nam. Chính sự di cư này, đã thay đổi toàn bộ đời sống văn hoá của người dân miền Nam. Biết bao văn nghệ sĩ, vì yêu tự do, đã trốn khỏi miền Bắc, xuôi Nam. 
Với nền tự do công bình bác ái ở miền Nam, như là nguồn động lực khiến các văn nghệ sĩ gốc Bắc, đã sáng tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đã tạo nên một nền văn học nghệ thuật phát triển cực thịnh ở miền Nam trong suốt 20 năm sau đó. Trong các sáng tác của mình, nỗi lòng nhớ nhung về quê cũ, tình yêu đôi lứa bị trắc trở do hoàn cảnh lịch sử trái ngang là những dấu ấn không thể nào phai. Những lời ca, tiếng hát, vần thơ, đã khiến bao người nghe nức nở trong lòng. Ở đâu đó trong tiềm thức của người dân miền Bắc xa quê, là hình ảnh của Hà Nội với 36 phố phường, là bóng phượng vĩ của phố Cảng Hải Phòng.
"Hà Nội ngày tháng cũ
Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ
Hà Nội ngày tháng cũ
Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi
Hà Nội ngày tháng cũ
Có dáng em tôi áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều
Tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè
Mùa thu theo gió heo may
Hà Nội người có nhớ
Tháp Bút chơ vơ liễu xanh vật vờ
Hà Nội người có nhớ
Hương lan vương vương bên hồ Thuyền Quang
Hà Nội người có nhớ
Chiếc áo xanh lam thơ ngây cô em học trò
Áo trắng Tây Sơn Trưng Vương em tan trường về
Đường qua nẻo phố hẹn hò ..."
Sáng thứ Bảy cuối tuần, nhớ về ngày này năm xưa, một biến cố làm thay đổi vận mạng của cả một dân tộc, mời các bạn cùng lắng nghe lại nhạc phẩm Hà Nội Ngày Tháng Cũ, một sáng tác của nhạc sĩ Song Ngọc, qua giọng ca của Sĩ Phú. Nghe để lắng đọng lại nỗi niềm của người dân Việt trong hoàn cảnh chia lìa. Nghe để biết thêm lòng người dân Việt qua lời nhạc của Song Ngọc. Nghe để hiểu nguyên do và tác động của một chủ thuyết phi nhân bản xua đẩy người dân Việt vào vòng chia ly.
Quang An

No comments:

Post a Comment