Tuesday, February 28, 2017

                               (Trang Thanh Trúc. Paris. 2015)

Vọng

Chị học nội trú Couvent des Oiseaux Đà Lạt. 
Ngôi trường nằm trên con dốc Huyền Trân Công Chúa. 
Học sinh không gọi các ma-sơ là ma-sơ, mà gọi là mẹ.Tất cả các bà mẹ nơi ấy đều đẹp và thánh thiện như thiên thần. Xung quanh trường ngoài mầu xanh lá của thông còn có trồng một cây liễu. Học sinh mặc váy xanh dương đậm, áo sơ-mi trắng, áo len cũng cùng một mầu xanh dương đậm. Người ta cho các con vào học nơi đây vì kỷ luật rất gắt gao, vì kiến thức tốt, và chính xác hơn chắc là sự đào tạo các cô công chúa bé nhỏ trở thành mệnh phụ phu nhân cho ngày mại. 
Chị không phải là người có đạo nhưng vẫn biết làm dấu Thánh Giá và đọc kinh Kính Mừng nhuyễn nhừ. Chị cố gắng làm vui lòng gia đình bằng cách chăm chỉ học. Cùng lúc chị cố gắng giấu giếm gia đình khi trái tim mình chân thành yêu một người lính Mỹ.
Chiến tranh Việt Nam lúc ấy đang đến giai đoạn nóng bỏng. Người ta thông báo cho chị biết rằng người lính ấy đã bị mất tích (có thể gần 99% đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ vừa qua). Chị không thể giấu giếm nỗi đau đớn ấy với gia đình lâu hơn nữa. Thay vì chia sẻ nỗi buồn, gia đình cấm cản chị ở mọi sự tìm kiếm. Yêu ai chứ khi không đi yêu một tên… lính Mỹ. Rồi còn đòi một hai, sống cả đời với hắn. Chuyện không thể nào chấp nhận đươc. Còn đâu danh dự, danh giá của gia đình. 
Thế là mọi người tìm cách đưa chị sang Pháp du học.
Tình yêu đầu đời của chị coi như khép lại từ đó. Nhưng nó không chết. Chị sống trong tuyệt vọng, ước vọng, hy vọng, rồi lại rơi vào tuyệt vo.ng. 
Chị lấy chồng, sanh con, rồi gia đình lục đục phải đưa nhau ra tòa ly dị.
Phải mất bao nhiêu chặng đường, phải trải qua bao nhiêu năm tháng, trái tim chị mới lấp lóe được chút ánh sáng khi dừng chân trước đài Tưởng Niệm, bàng hoàng không tìm thấy tên người yêu mình ghi khắc trên danh sách ấy.
Ba mươi lăm năm. Dài hơn thế kỷ.]
 Nhưng nếu thật sự tin vào phép lạ thì phép lạ là đây, người lính Mỹ năm xưa vẫn còn đây.
Bánh xe lăn thời gian, không ngăn cách nổi hai người.

(Trang Thanh Trúc . Paris) 

Góc. Với Vọng..

Những cuộc tình thời chiến chinh thường nhận nhiều mất mát chia lìa và niềm vui, nếu có chỉ là những  khoảng khắc vô cùng ngắn ngủi.
Tình yêu đầu đời luôn là mảng trời xanh bát ngát, nó có thể nhạt dần theo thời gian nhưng không hề tan biến trong trái tim ta. 
Nó luôn ngự trị ở đó. Mãi mãi . Vĩnh viễn. 
Có thể chúng ta sẽ già đi, nhưng những cảm xúc của tình đầu luôn đập nhịp nóng hổi, và , Nó chỉ ngủ yên đâu đó...
Một  giấc ngủ đông..
Nó luôn chờ phép lạ..
Và như em nói..bánh xe lăn thời gian, không ngăn cách nổi hai người.
Không hề. Phải không em ? 
Đôi khi chị thật sự tin vào điều đó..

Wednesday, February 22, 2017


ảnh : Linh Vang..


Cuối năm, có gã thất tình


Quán Michaels ở gần trường đại học có bán cà phê, bánh nhân, hamburger… và cả kem mở tới 2, 3 giờ sáng cho lũ sinh viên thích ăn khuya. Tôi ở Commodore, học khuya đói bụng thường mò xuống tìm cái gì có thể ăn được. Nhưng đêm nay tôi khỏe lắm, vì hết lớp, hết thi. Thấy chàng ngồi một mình, mặt chàng nặng trịch. Tôi ngồi ở bên bàn này chưa hiểu chuyện tưởng chàng vừa gãy cái final, tôi nhủ thầm, gãy thì làm lại, chớ có phải gãy rồi đi lính đâu mà buồn vậy, ông bạn. Nghĩ rồi tôi cười, sau khi đưa mắt nhìn lén chàng. Ngỡ là lén, ai dè bị chàng bắt gặp. Chàng cười lại vì tưởng là gặp người quen. Quán về khuya chỉ có hai sinh viên Á Đông ngồi, đó là lý do chàng mang ly cà phê lại xin ngồi cùng bàn. Cô và tôi chắc đã gặp nhau đâu? Tôi lắc đầu, tôi không nghĩ vậy. Thế sao chúng ta lại cười chào nhau tưởng như là quen biết? Tôi cười vì thấy ông buồn quá, chắc môn toán quan trọng? Chàng ngơ ngác, môn toán nào? Chớ không phải ông bị gãy sao? Tôi dòm chừng phản ứng của chàng. Mặt ông buồn xo như...cái bánh bao chiều! Chàng nói, có thi cử gì đâu, tôi bị… bồ đá.
Người chi mà thành thật quá. Đem chuyện kể hết cho người lạ nghe, người lạ là...tôi. Cô nàng bắt cá hai tay –bây giờ chàng mới hay – hứa hẹn với chàng mà vẫn đi quen người khác: anh chàng đó là bác sĩ vừa ra trường, ngon lành hơn chàng nhiều. Vờ kiếm chuyện với chàng để có cớ thôi nhau. Mọi sự đã sắp đặt mà chàng nào có hay. Hai tháng nữa, cô nàng đi lấy chồng. Đâu mà sẵn thế nếu cô đã không quen hai người cùng một lúc? Người ta không muốn con gái của họ đi xa (theo chàng qua New York), gặp ông bác sĩ trẻ này có phòng mạch ngay Seattle, bố mẹ anh ta lại danh giá giàu có, dĩ nhiên là chàng thua tả tơi dù chưa đánh trận, chàng vô tình trong suốt thời gian đó. Chàng trở về gặp nàng. Nàng không tiếp. Nì nài lắm mới được nói chuyện trong phôn. Nàng không nhỏ một giọt lệ. Vì nàng đâu bị cha mẹ ép uổng. Nàng khôn lanh, thực tế vô cùng. Giờ chàng mới hay. Gặp tôi, chàng than chàng không hiểu nổi trái tim bọn con gái. Ừ, thì cha mẹ nào lại chẳng muốn con mình sướng để phải tham phú phụ bần, chứ nàng tháng trước còn nói yêu chàng tha thiết cơ mà. Trai thừa gái thiếu, nhiều chàng đi "cô–ốp" sáu tháng về là mất bồ ngay, trừ phi chàng ta phải thật xuất sắc và lại hết mực chiều chuộng cô nàng.
Họ đã quen nhau được mấy năm. Chàng ra trường trước được việc ở bên New York. Nàng hứa sẽ lấy chàng khi nàng ra trường, mong chàng kiên nhẫn đợi, đừng lăng nhăng với ai khác. Mỗi tối cứ bên đó 11 giờ, bên này 8 giờ là chàng gọi cho nàng. Chàng kể chuyện sở, nỗi cô đơn trong căn phòng trọ nhỏ bé. Cần một tiếng chim líu lo cho lòng ấm cúng. Nàng là chim, là bóng nắng buổi sớm mai. Cần một bàn tay nhỏ nhắn săn sóc bữa cơm cho chàng. Chàng ăn cơm hộp hâm nóng trong microwave. Tôi nghĩ đàn ông con trai vậy là dở, ở xứ này ít nhất cũng biết nấu một bữa cơm cho chính mình ăn chứ. Giữa lời kể, chàng cũng cho tôi biết.
–Tôi tốt nghiệp từ trường này.
Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:
–UW?
Thì ra chàng thuộc khóa đàn anh của tôi. Chàng gật đầu và kể tiếp. Nàng kể chuyện lớp học, thầy cô, những kỳ thi học trối chết, thời tiết nắng mưa, Seattle mưa dầm dề, lạnh lẽo, bầu trời lúc nào cũng chùng xuống xám xịt, những con bạn,...tuyệt nhiên không bao giờ nàng hé môi một tí gì để chàng biết là có sự hiện diện của "người ấy". Tôi nghĩ bụng, ai điên vậy mà đi kể cho chàng biết, nàng đã có tính toán rồi mà.
–Tôi muốn nói là rất sửng sốt. Rất bất ngờ!
Làm sao mà không biết thái độ của người ta, dù là qua phôn. Mặt đối mặt, đồng ý là dễ rồi, có thể dò biết được phản ứng. Giọng chàng rất buồn. Tôi nghĩ cô ta tự ý bỏ chàng để theo anh chàng bác sĩ tương lai sáng rỡ hơn, buồn thương làm gì?
Chàng cứ kể và tôi cứ ăn. Tôi ăn một cách tự nhiên. Vì đói bụng quá, và không hiểu sao lại có cảm tưởng quen biết chàng đã lâu, nên tôi không làm dáng kiểu cách. Tuần lễ final tôi chạy nước rút, bỏ ngủ quên ăn, khi nào đói quá thì mò xuống quán này kiếm gì ăn bậy. Tôi tự hỏi không biết cô nàng bồ cũ của chàng có phải cũng đang học thi không. Ai lại dại chọn lúc này để nói dứt khoát chứ. Tôi thì chả giỏi để làm hai việc cùng một lúc. Đang học cũng chả dám liếc mắt đưa tình nữa chứ nói, nhỡ lạng quạng thương phải chàng nào, rồi mộng học cao bị dang dở. Con chăm học, mẹ mừng, nhưng mẹ tôi không khỏi lo, sợ học cao... đàn ông Việt không ai xứng đáng rồi con của mẹ lại lấy Mỹ, lấy Tàu. Bà cứ hỏi dò tôi, bị tôi la, má lo gì đâu không hà. Bà đi than với bà bạn làm chung sở thường hay đi ăn trưa với nhau. Tôi run mà nó cứ tỉnh queo. Chẳng biết ý nó ra sao, cũng không dám hỏi.

Chuyến xe buýt về khuya lặng lẽ ngừng sát lề đường đón người khách cuối cùng đang đứng đợi ở chỗ bus stop trước quán. Tôi cũng vừa thanh toán xong muỗng kem dâu tây, sau khi đã nuốt trọn cái double cheese hamburger. Chàng cũng đã ngừng kể. Ý chừng chợt nhớ ai lại đi kể một chuyện riêng tư như thế cho một người lạ mặt nghe? Cứ cho là câu chuyện tạm kết thúc ở đây? Chàng hỏi, lễ lộc có "về quê" ăn Tết với gia đình không? Tôi nói tôi ở trong dorm đi học, còn gia đình thì ở Olympia cách đây hơn một giờ lái xe. Olympia là thủ phủ của tiểu bang Washington này.
“Về quê”, chữ chàng dùng làm tôi nghĩ tới mấy cậu học trò ngoài Trung vào Saigon ở trọ học, là anh em họ của tôi. Họ ở trọ nhà bà dì là mẹ tôi. Bây giờ thì tôi cũng đến thành phố khác ở trọ trong cư xá của trường để đi học cho gần, cuối tuần hay lễ lộc thì chạy về với gia đình.
Chàng còn lại một tuần phép mà chưa biết sẽ làm gì. Buồn quá. Chàng lại than. Chàng cho biết chàng không có gia đình ở bên này, còn kẹt lại VN. Hồi mới qua chàng ở đây với gia đình ông chú. Bà thím đau tê thấp nên gia đình ông đã dọn về Cali ấm áp. Bạn bè cũ của chàng đã theo công ăn việc làm đi tứ xứ. Người yêu cũ thuyền cập bến khác như đã vừa kể. Chuyện tình thế là xong, chẳng còn gì. Cõi lòng trống trải buồn tênh. Bước chân hụt hẫng. Những dự định tan theo mây khói. Ngọn sóng vô tình vỗ mạnh vào bờ nhạt nhòa cuốn trôi dấu xưa.
Suốt buổi tôi nghe nhiều hơn nói. Biết an ủi gì đây? Chưa yêu lần nào, tôi biết gì mà an ủi. Mấy cái tình cảm nhẹ nhàng một chiều, một phương thuở mới lớn chỉ một sáng một chiều là quên mất tiêu. Đâu dám cho là mình có kinh nghiệm tình trường. Chưa có một trận gió tình yêu nào đủ làm tôi lao đao say ngất ngây quên đường về! Seattle với những rặng thông dài, đồi núi chập chùng, mây trời xám xịt. Thành phố mùa đông, mưa hoài, buồn hiu hắt. Tôi chưa ca với ai. Phố núi cao, phố núi đầy vơi. May mà có anh, đời còn dễ thương. Tôi cứ tỉnh tỉnh cà ngơ tơ lơ mơ lo ăn học.
Chuyện chàng kể tôi nghe động lòng. Mẹ tôi từng than tôi hay lo chuyện thiên hạ, tính thương người của tôi rồi sẽ làm tôi khổ. Hãy tưởng tượng cảnh chàng không nhà không cửa (chàng ở tạm motel), không cha mẹ anh em vợ con vào những ngày cuối năm, biết về đâu, về đâu. Không chừng lại thấy Greenlake hấp dẫn nhảy xuống chơi. Thiên hạ kêu cứu. Trời mùa đông mau tối, nước hồ đen nghịt, chẳng tìm thấy chàng, người ta hẹn sẽ mò tiếp vào sáng hôm sau? Xác chàng về đâu, trôi tấp nơi nào?
Tôi bỗng nảy ra một ý định và nói ngay với chàng:
– Nếu anh không ngại, Uyên mời anh về nhà Uyên ở Olympia chơi mấy ngày. Chỉ có má và mấy đứa em nhỏ.
Đề nghị bất ngờ này làm chàng sửng sốt. Chàng nói chàng không quen ai sợ làm phiền. Trước lạ sau quen, phải không, với lại có Uyên mà, cứ coi như mình đã quen biết nhau. Tôi cho là tôi đã cứu được một mạng người. Tôi hẹn gặp lại chàng ngày hôm sau cũng ở chỗ này rồi cùng nhau về Olympia.
 
oOo

Thấy tôi thu xếp áo quần (nói ra thì cũng xấu hổ quá: thu mớ áo quần đã mặc, đem về nhà má để giặt!), đồ đạc, Thụy Du, bạn ở cùng phòng, hỏi, mày không ở lại dự văn nghệ cuối năm ư? Tôi kể lý do. Nó không tin. Mày dẫn một tên con trai không quen biết về nhà giới thiệu với mẹ và các em của mày? Tôi giải thích, thấy thì vậy mà không phải vậy, cứ coi như tao đang giúp đỡ một người bất hạnh, một người đồng hương, bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn mà. Nó cười bĩu môi, mày ơi, mình con gái mình lo thân mình không xong, ở đó đi lo chuyện buồn vui của người khác, mày dở hơi quá. Tôi cười, ai cũng nghĩ như vậy rồi không ai giúp đỡ ai được sao, giả sử mày qua đây một mình không cha mẹ họ hàng, bị người yêu đá cho một cái bịch, lang thang thất tình ở một quán hamburger nào đó vào một đêm cuối năm mưa gió lạnh lẽo, gõ cửa xin ở nhờ, người ta đẩy mày ra đóng sầm cửa lại (chàng có bằng cấp công ăn việc làm, không đói mà chỉ thất tình thôi). Ở cảnh đó mày nghĩ sao, con ích kỷ?
–Vô duyên chưa! Đương không lại mắng người ta. Đủ rồi nha nhỏ. Tao chỉ buồn là văn nghệ không có mày mất vui. Sợ không có mày thằng Tú nó đánh đàn không nổi. Công nó tập dượt mày hát mấy tuần nay.
–Không có tao hát thì có đứa khác hát. Ai mướn mày lo!
–Mày hứa với nó…
Ừ, thì trước đây tôi có hứa với Tú là tôi sẽ hát vài bản, nhưng bây giờ chuyện không tính mà lại xảy ra, thì tôi phải thay đổi chương trình chứ. Tôi năn nỉ:
–Mày nói khéo giùm tao đi! Cái miệng Bắc Kỳ của mày lanh (và dẻo!)
–Thôi đi! Mày hứa cuội rồi bắt tao phải gánh. Tao không làm đâu! Nhất định không làm!
Nói thì nói vậy nhưng rồi Thụy Du cũng hứa là sẽ nói sao cho Tú khỏi giận tôi. Cứu bồ lần này nữa thôi nhé.
 
oOo

Thời gian ngắn ngủi Kha ở chơi đủ để mọi người trong nhà tôi...chấm chàng cho tôi. Từ má tôi, tới thằng em với mấy con em. Má tôi nói cái thằng hiền. Tôi cười thầm, hiền? Khờ thì đúng hơn. Bị đá rồi mới hay. Má nấu nướng những món ăn ngon, săn sóc chàng như con. Cả nhà đều biết chuyện chàng vừa bị bồ bỏ, không ai biết cái cô Khánh Vân nào đó nhan sắc nghiêng nước đổ thành như thế nào, chứ mọi người đều nghe tiếng về ông bác sĩ đẹp trai, con nhà giàu có. Vậy mà cứ xúi tôi chịu đi...dù tôi mới biết chàng chỉ... vài ngày. Nhỏ em kế dạy đời, vết thương nào rồi cũng lành, với thời gian tình nào rồi cũng quên, bộ chị tưởng anh Kha sẽ ở vậy mãi để khóc cho một mối tình dang dở hay sao...chị khờ ơi là khờ. Chị không nhìn thấy sao, ảnh đâu có vẻ gì thất tình da tái mét, má hóp, mắt thâm quầng, râu ria ra rậm rạp đâu?
Hôm chàng về New York, chàng và tôi đều bịn rịn. Dù vậy, tôi vẫn phủ nhận sự việc là tôi có thích chàng. Vẫn cố nghĩ là tôi đã làm một việc nghĩa, cứu rỗi một con tim đang bị rướm máu, thế thôi. Những cú phôn viễn liên xuyên những tiểu bang mới đầu là những câu thăm hỏi thông thường rồi thành những thân thiết gần gũi hơn mỗi ngày. Rồi không biết duyên số đưa đẩy thế nào mà một năm sau cái anh chàng thất tình đó đã trở thành… ông chồng của tôi. Chàng đã nói yêu tôi trên phôn và hỏi tôi có chịu...nâng khăn sửa túi cho chàng không cũng… trên phôn. Dĩ nhiên là chúng tôi sống hạnh phúc, như truyện cổ tích ngày xưa.
Thỉnh thoảng chàng cười hỏi:
–Sao em dám đưa một tên con trai lạ về nhà..?
Tôi thành thật trả lời:
–Cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Nghĩ lại thời buổi này, thật nguy hiểm. May mà gặp anh… đàng hoàng. Em sẽ không khuyên các cô… kiếm chồng bằng kiểu này đâu.

Linh Vang..
( trích trong tạp chí văn học nghệ thuật :Văn Hữu)

Saturday, February 18, 2017



                                             Paroles Paroles 
                                             ( Dalida & Alain Delon )

 


Nhng li mê hoc 

Năm 2013 đánh dấu 40 năm ngày ra đời của nhạc phẩm Paroles Paroles, phiên bản tiếng Pháp. Trong tiếng Việt, bài từng được tác giả Phạm Duy chuyển dịch thành Những lời mê hoặc. Trong nguyên tác, đây lại là một ca khúc tiếng Ý. Nhưng giới yêu nhạc trên thế giới chủ yếu biết bài này trong tiếng Pháp, qua phần diễn đạt của ngôi sao ca nhạc Dalida với thần tượng điện ảnh Alain Delon.
Đúng 40 năm sau ngày ra đời (1973-2013), ca khúc tiếng Pháp vừa được tái bản với lối hòa âm mới và được phát hành nhân 25 năm ngày giỗ của Dalida, trên bộ toàn tập Les Diamants sont éternels (Kim cương ngời sáng muôn thuở), bao gồm tổng cộng là 25 cuộn CD. Bản nhạc tiếng Ý với tựa đề nguyên gốc là Parole Parole đã được phát hành vào năm 1972.
Nhạc sĩ Gianni Ferrio là người đã soạn ra giai điệu bài hát, còn lời ca là của hai tác giả Leo Chiosso và Giancarlo Del Re. Cả ba gương mặt này làm việc chung với nhau, hợp tác sản xuất chương trình ca nhạc nổi truyền hình quốc gia Ý (RAI). Được phát sóng lần đầu tiên vào năm 1964, nhưng Teatro Dieci không đủ ăn khách để trở thành một điểm hẹn hàng tuần với khán thính giả.
Sau nhiều lần bị gián đoạn, chương trình này chính thức kết thúc vào tháng Tư năm 1972. Chính trong cái bối cảnh đó mà nhóm sáng tác Ferrio – Chiosso – Del Re mới soạn nhạc phẩm Parole Parole cho nữ danh ca Mina và Alberto Lupo, một nam diễn viên nổi tiếng của làng điện ảnh truyền hình thời bấy giờ. Nhờ vào bản song ca mà chương trình Teatro Dieci kết thúc một cách rực rỡ, sự nghiệp ca hát của Mina cũng tăng thêm một bậc. Bản song ca trở thành tình khúc ăn khách nhất nước Ý mùa hè năm 1972.
Đến tháng 10 năm 1972, Dalida quyết định ghi âm bài này trong tiếng Pháp. Tác giả Jacqueline Misrahi, cũng xuất thân từ một gia đình gốc Ý sinh trưởng tại Ai Cập như Dalida, mới chấp bút soạn lời gần sát với nguyên tác tiếng Ý. Câu hỏi đặt ra vào lúc đó là người đàn ông nào sẽ ghi âm bài hát tiếng Pháp với Dalida ?
Các nhà sản xuất mới nghĩ tới một số nam diễn viên trứ danh. Dalida thì nhất quyết muốn ghi âm bài này với Alain Delon, ngôi sao màn bạc Pháp nổi tiếng nhất trên thế giới thời bấy giờ. Trong giới sản xuất, không ai tin rằng Alain Delon sẽ nhận lời, trước hết là vấn đề thù lao, kế đến nữa là lịch làm việc.
Cùng với Jean Paul Belmondo, Alain Delon là diễn viên ăn khách và sáng giá nhất từ thập niên 1960, cứ mỗi năm là có đến ít nhất bốn dự án quay phim. Vào đầu mùa thu năm 1972, Alain Delon đang bận đóng phim bên Ý (cuộn phim La Prima Notte di Quiete – Đêm yên tĩnh đầu tiên của đạo diễn Valerio Zurlini). Do vậy mà các nhà sản xuất nghĩ rằng dự án ghi âm của Dalida với thần tượng điện ảnh này sẽ khó mà hoàn thành.
Điều mà không ai biết được là Dalida và Alain Delon đã quen nhau từ gần 20 năm về trước. Lần đầu tiên hai người gặp nhau là vào năm 1955. Vào thời đó, Dalida chân ướt chân ráo đến Paris lập nghiệp sau khi đoạt chiếc vương miện hoa hậu Ai Cập năm 1954.
Dalida từng cho biết là cô mướn một căn hộ nhỏ bé trên con đường Jean Mermoz ở Paris quận 8, và anh bạn hàng xóm ở ngay bên cạnh không ai nào khác là Alain Delon. Dalida thành danh từ năm 1956 nhờ một loạt ca khúc ăn khách, còn Alain Delon đóng bộ phim đầu tay vào năm 1957, và chỉ thật sự nổi tiếng hai năm sau.
Theo lời kể của nhà sản xuất Eddie Barclay, người đã sáng lập hãng đĩa Barclay, thì Dalida và Alain Delon rất quý mến nhau. Một điều cũng khá dễ hiểu, vì cả hai khởi đầu sự nghiệp trong cùng một hoàn cảnh : diễn viên hay ca sĩ mới vào nghề đều khổ nhọc kiếm đồng lương, vất vả chạy show trả tiền nhà. Vì thế cho nên khi nhận được cú điện thoại của Dalida mời anh hợp tác ghi âm, Alain Delon liền nhận lời ngay.
Buổi ghi âm diễn ra trong bầu không khí ấm cúng thân tình, cả hai ngôi sao ít nói đến chuyện làm việc mà chủ yếu nhắc tới cái thuở hàn vi ban đầu. Tuy mỗi người sau đó đã chọn cho mình một hướng đi khác nhau, nhưng do từng trải cùng một hoàn cảnh, cho nên cả hai vẫn có cảm tưởng ngồi cùng một ghe, chèo cùng một thuyền.
Sau buổi ghi âm trong phòng thu vào tháng Mười năm 1972, Alain Delon chỉ có đủ thời gian để thực hiện các bức ảnh chụp với Dalida để làm hình bìa cho đĩa nhựa. Dự án quay một bộ phim ngắn với hai ngôi sao để minh họa cho ca khúc này rốt cuộc không thành. Nhưng sự hiện diện của Alain Delon, dù là ngắn ngủi chớp nhoáng, phủ lên trên ca khúc một lớp hào quang lộng lẫy.
Có nhân vật nào thời đó mà lịch lãm đào hoa hơn Alain Delon, hình tượng của người đàn ông đa tình lại càng nhấn mạnh cái ý tứ của tình nhân không chung thủy. Thời nay, việc hội tụ hai ngôi sao trên cùng một ca khúc thường là do quảng cáo tiếp thị tài tình. Thời của Dalida, đằng sau chuyện ghi âm với Alain Delon, lại có nhiều giai thoại đáng kể.
Được phát hành vào đầu năm 1973, làm ca khúc trích đoạn đầu tiên từ album thứ sáu của Dalida, nhạc phẩm Paroles Paroles phá kỷ lục số bán tại châu Âu do Giọng ca vàng Frank Sinatra nắm giữ từ năm 1966 nhờ ca khúc Strangers in the Night. Bài hát này cũng chiếm hạng đầu thị trường Nhật Bản và phá luôn kỷ lục của bài Tombe la Neige (Tuyết rơi) của Adamo.
Hàng loạt phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau lần lượt ra đời không lâu sau đó, kể cả tiếng Nhật, tiếng Đức, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ. Một số phiên bản dịch thẳng từ nguyên tác tiếng Ý. Một số khác chuyển dịch từ phiên bản tiếng Pháp và đôi khi có đến hai hoặc ba lời khác nhau như trường hợp của phiên bản tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Việt (khác biệt trong tiếng Việt không nằm trong câu hát mà chủ yếu ở trong lời thoại).
Nếu như trong nguyên tác, bản nhạc tiếng Ý Parole Parole đã được viết với những ý tứ hóm hĩnh hài hước, thì phiên bản tiếng Pháp lại khai thác tâm trạng mất mát buồn bã của người đàn bà, khi họ bị lừa dối đến đỗi phải đột qụy vấp ngã.
Bản song ca tiếng Ý ban đầu được viết một tiết mục sân khấu truyền hình, qua đó, một người đàn ông đào hoa nói dối một cách trơ trẽn, tìm cách dỗ ngọt người yêu với bao lời thề thốt muôn đời chung thủy, nhưng người đàn bà ở đây không hề nhẹ dạ cả tin.
Về hoàn cảnh đời tư, thì vào đầu những năm 1970, Dalida yêu nhà văn nổi tiếng Arnaud Desjardins, ông là người đã giúp phổ biến ở Pháp triết học Ấn Độ và thuyết Phật giáo Tây Tạng. Sau ba năm quan hệ tình cảm từ năm 1969 đến năm 1972, hai người rốt cuộc đành phải chia tay nhau.
Mối bất đồng đến từ việc Arnaud Desjardins đã có gia đình và ông không chịu ly hôn với vợ để sống chung với Dalida. Một thời gian sau đó, Dalida làm quen với một người đàn ông khác là nam ca sĩ trẻ tuổi Richard Stivell. Sau vài tháng quen biết lui tới, Dalida tưởng rằng cô có thể làm lại cuộc đời, nhưng để rồi khám phá ra là tình nhân của mình (Richard Stivell) cũng là một người đàn ông đã có vợ.
Buồn tình, chán nản, thất vọng, Dalida vùi đầu vào công việc. Không phải ngẫu nhiên mà trên cùng một album phát hành vào năm 1973, Dalida ghi âm nhiều ca khúc nói về nỗi sầu tương tư hay tình buồn đơn phương là nhạc phẩm Je suis malade của Serge Lama, Il venait d’avoir 18 ans cũng như bài Rien qu’un home de plus với gợi ý là Dalida lại có thêm một người đàn ông bạc nghĩa trong đời.
Còn trong nhạc phẩm Paroles Paroles (Những lời mê hoặc), Dalida hóa thân vào vai một người đàn bà bị phản bội bỏ rơi, diễn đạt ca khúc với tâm trạng cay đắng bồi hồi, lời giả dối càng ngọt bùi, nỗi ngậm ngùi càng làm cho đau nhói. Số phận oan nghiệt đang đẩy dần người đàn bà đến sát gần bờ vực thẳm tội lỗi. Cho đến cái ngày định mệnh khi Dalida tự kết liễu cuộc đời để lại một lời di chúc, một bức tâm thư : “Hãy tha thứ cho tôi, cô đơn, tôi không còn chịu đựng nổi”. Một lời tạ tội nhức nhối cho bao mất mát thiệt thòi.


(Viết từ Tuấn Thảo )



                              Hình bià tập nhạc Paroles Paroles,
                              tái bản 25 năm sau 

Wednesday, February 15, 2017

Hoa cỏ trong vườn ( nt)

Xuân tình



 Như giấc mơ đầu
Ngày qua mùa xuân
Đồi cỏ non xanh
Em mỏng manh áo mới
Những con đồi chạy dài khua vạt nắng
Nắng hôn vai trần
Anh hôn mùa xuân
Vội vàng đi em , xuân thì rất ngắn

 Ta níu mùa xuân như anh níu em
Hãy nói yêu anh như thời  mới lớn
Chan chứa mật đời óng ả hồn nhiên
Triền nắng vừa nghiêng
Cỏ hát lao xao
Cánh đồng mây sắc tím
Pha hồng nhuỵ thắm
Ngày nôn nao gọi mời lót thảm bình yên
Em ơi , nhanh lên , xuân vừa mở cửa
Mùa xuân trẩy hội
Hãy cùng anh rong chơi
Hãy cùng anh mệt nhoài
yêu hết ngọt ngào
như giấc mơ đầu.
Yêu anh ngọt ngào
Xanh mướt mùa xuân

( nt )

Monday, February 13, 2017




Như anh và em

Ta suốt đời là tình nhân anh nhé
để bối rối hẹn hò bật khóc lúc chia xa
hãy hái cho em nụ hồng trong vườn vừa nở sớm
những rung động đầu đời thương nhớ chỉ đôi ta...
Hãy nói với em những lời tình yêu dù thầm lặng
từ trái tim anh vốn sẵn thật thà
từ đôi mắt anh không nhìn ngang nghiêng ngó
riêng. -chỉ -là - em, chớ lạc cõi người ta
Hãy hát cho em nghe những khúc tình ca
Có bình minh chở hoàng hôn nồng nàn hơi thở đất
Có biển mặn quê mình sóng vỗ mạn thuyền đưa câu hát ra khơi
Ta đuổi theo những con còng trơn tuột bé xíu như hạnh phúc
 không bao giờ có thật...

Giữ trong tay ký ức buồn, anh ơi. Ngày vui sẽ mất
tuổi già theo mỗi ngày tình cũng tàn tạ mùa sau
đôi khi nỗi buồn làm thương tổn trái tim đau
và anh. Có khi bước qua chẳng lần ngó lại..
Trái tim em vốn sẵn dại khờ
tin vào tình yêu như con chiên thuộc kinh Tin kính
những đoạn kinh nhiệm mầu dang dở
Dù biết tình yêu
đôi khi như vết mực loang
có thể tẩy xóa, có thể phù phép
lóng lánh lớp bọc mật đường dấu che viên thuốc đắng
Nhưng bởi ngu ngơ
nên em luôn tin vào những điều bóng bẩy..

Hãy suốt đời là tình nhân nghe anh
Tình nhân. Như cơn mưa rào vội vã
chưa kịp thấm đất
chưa kịp vươn vai
đã lụi tàn như lá khô, tơi tả.
Bởi, tự nó vốn sẵn không hề hiện hữu
như lời hẹn hò gửi mây ngàn  theo gió
không nợ nần 
không trách cứ nhau.
Tiếc chi anh, khi ngọn nến đã rụi tàn hấp hối
không qua nỗi mùa thu
không che nỗi một mùa đông giá buốt
xuân chưa về, tình đã chớm âm u
Nên, anh, hãy suốt đời là tình nhân anh nhé
hãy cho em, cuộc tình làm vốn liếng 
một hạnh phúc ngắn ngủi
một đời người ngắn ngủi
Như anh và em
Như em và anh..
(nt)


Wednesday, February 8, 2017

( Ảnh trên internet )


Behind every successful man is a woman, behind her is his wife.

Chúng ta, trước 75, không ít nhiều cũng đã từng đọc những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sĩ.
Ông đã xuất bản khoảng 25 tác phẩm, nổi tiếng nhất là bộ Trường thiên tiểu thuyết “ Khu rừng lau “ gồm 4 tập : Ba sinh hương lửa, Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, Tình yêu thánh hóa, Đàm thoại độc thoại.
Bộ sách được ví như “ Chiến Tranh và Hoà Bình “ của Leo Tolstoy.
Người ta nói “Đằng sau sự thành công của người đàn ông là sự có mặt thầm lặng của người phụ nữ.”
Có thể nói, vợ ông, bà Doãn Quốc Sĩ tuy chỉ là cái bóng thầm lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời ông, nhưng, nếu không có bà là chỗ dựa cho ông, làm sao ông có thể cống hiến cho đời những tác phẩm giá trị, và được sống theo lý tưởng đã chọn ?
Sau 75, khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản, khi những người mà CS gọi là " Ngụy quân, nguỵ quyền " bị tập trung “ cải tạo “, số phận của những người vợ, người mẹ thời ấy cũng thảm thương không kém. Họ phải sinh tồn để lo thăm nuôi chồng, bươn chải tìm hạt thóc, hạt gạo cho con..
Số phận của bà cũng là một trong hàng trăm nghìn người phụ nữ Việt  nam cùng chung vận nước điêu linh.
Chúng ta hãy theo bước chân thầm lặng của bà qua lời kể của Kim Khánh, con gái nhà văn Doãn Quốc Sĩ..




( Bà Doãn Quốc Sĩ.)


THẦM LẶNG

Một đời thầm lặng mẹ theo bố.

Tháng 9 năm 1954 mẹ theo bố vào Nam. Trước đó bố hoạt động ngang dọc, sáng ngời lý tưởng, rồi ê chề thất vọng. Quyết định vào Nam là của bố, mẹ chỉ bế hai con và dắt cô em chồng 17 tuổi theo. Trong Nam, bố tưng bừng thi thố tài năng, tay phấn tay bút. Mẹ thầm lặng ở nhà nuôi dạy con và chăm chút em. Dân số con từ hai tăng thành tám. Tám con tám tính, có lúc hư lúc ngoan; mẹ theo từng bước, khen chê mắng mỏ. Cô em chồng tốt nghiệp đại học, chuẩn bị lên xe hoa, mẹ lo toan chuyện cưới hỏi. Bố vất vả bên ngoài, về nhà chỉ cần đảo mắt nhìn là thấy mọi sự tươm tất. Ra đường, các con được gọi là “con bố”, em là “em anh”, không ai biết có một nhân vật thầm lặng đã làm nên những con người ấy.
Vào những năm thăng tiến trong cả hai nghề dạy và viết, bố hay mời khách về nhà đãi đằng. Mẹ tiếp khách lịch thiệp, rồi rút về hậu trường trổ tài nấu nướng. Trước khi ra về các bác bao giờ cũng chào “bà chủ” trong tiếng cười hỉ hả “Cám ơn chị cho một bữa ngon quá.” Thỉnh thoảng có những vị khách nữ, khen thức ăn và khen cả ông chủ. Tôi còn nhớ có người còn nói rất chân tình với mẹ: “Chồng em mà được một phần của anh thì em chết cũng hả.” Hình như mẹ đón nhận lời nói ấy như một sự khen tặng cho chính mình.
Rồi chính sự miền Nam nóng bỏng; ngòi bút bố cũng nóng theo. Các bạn bố đến chơi chỉ bàn chuyện cộng sản và quốc gia. Mẹ không mấy quan tâm đến “chuyện các ông”, nhưng khi bố đi Mỹ du học, mẹ ở nhà điều hành việc bán sách thật tháo vát. Khoảng hai tuần một lần, mẹ đi xích lô đến trung tâm Saigon, rảo một vòng các tiệm sách để xem họ cần thêm sách nào. Sau đó mẹ cột sách thành từng chồng và “đáp” một chuyến xích lô khác để giao sách. Tôi hay mân mê những sợi giây được cột chắc nịch, suýt xoa: “Sao mẹ cột chặt hay thế"”
Thế rồi chính sự miền Nam đến hồi kết thúc. Con người không chính trị của bố lại một lần nữa ê chề. Ngày công an đến bắt bố đi, mẹ con bàng hoàng nhìn nhau. Các con chưa đứa nào đến tuổi kiếm tiền. Mẹ xưa nay thầm lặng trong vai “nội tướng”, giờ miễn cưỡng ra quân. Tiền dành dụm của gia đình không đáng kể. Có tám miệng để nuôi, có bố nhục nhằn trong lao tù đợi tiếp tế. Mẹ vụng về tìm kế sinh nhai. Thoạt tiên mẹ nấu khoai mì trộn với dừa và vừng, rồi để vào rổ cùng với một ít lá gói. Tôi băn khoăn hỏi:
“ Mẹ nghĩ có bán được không"”
“Mẹ không biết, cứ mang ra chỗ trường học xem sao.”
Nhìn dáng mẹ lom khom ôm rổ, đầu đội xụp cái nón lá, tôi thương mẹ khôn tả. Chỉ nửa tiếng sau tôi đã thấy mẹ trở về. Rổ khoai mì vẫn còn nguyên, mẹ ngượng ngập giải thích:
“Hình như hôm nay lễ gì đó, học trò nghỉ con ạ.”
Rồi mẹ lại xoay sang nghề bán thuốc lá. Mẹ mua lại của ai đó một thùng đựng thuốc lá để bầy bán. Mẹ nghe ai mách bảo, chọn một địa điểm khá xa nhà rồi lụi hụi dọn hàng vô, dọn hàng ra mỗi ngày. Nghề này kéo dài được vài tháng. Mẹ kể cũng có một số khách quen, nhưng toàn mua thuốc lá lẻ. Hôm nào có khách “xộp” mua nguyên bao thì mẹ về khoe ngay. Cũng may thuốc lá không thiu nên khi “giải nghệ” mẹ chỉ lỗ cái thùng bầy hàng.
Mẹ rút về “bản dinh” là căn nhà ở cuối hẻm, tiếp tục nhìn quanh, tìm một lối thoát. Hàng xóm chung quanh phần lớn là những người lao động. Họ như những đàn kiến chăm chỉ cần cù, 4 giờ sáng đã lục đục, người chuẩn bị hàng họ ra chợ, kẻ kéo xe ba bánh hoặc xích lô ra tìm khách. Suốt mười mấy năm qua họ nhìn gia đình chúng tôi, gia đình “ông giáo”, như từ một thế giới khác, kính trọng nhưng xa cách. Nay “ông giáo” đi tù, “bà giáo” hay xuất hiện ngoài ngõ, có lẽ họ cảm thấy gần gủi hơn. Một hôm, chị bán sương xâm ở đối diện nhà qua hỏi thăm “ông giáo”. Thấy cái máy giặt vẫn còn chạy được, chị trầm trồ: “Giặt máy tiện quá bác há!”, rồi nảy ý “Tụi con ngày nào cũng có cả núi quần áo dơ. Bác bỏ máy giặt dùm, tụi con trả tiền. Bác chịu không"” Lời đề nghị thẳng thừng, không rào đón. Mẹ xăng xái nhận lời. Kể từ đó, mổi tuần khoảng hai lần, mẹ nhận một thau quần áo cáu bẩn, bốc đủ loại mùi khai, tanh, nồng. Mẹ đích thân xả qua một nước, rồi múc nước từ hồ chứa vào máy giặt, bỏ xà bông và bắt đầu cho chạy máy. Cái máy cổ lỗ sĩ, chạy ì ạch nhưng nhờ nó mà mẹ kí cóp được chút tiền chợ.
Ít lâu sau, cũng chị hàng xóm đó lại sáng thêm một ý nữa:
“Con bé nhà con nay biết bò rồi, con không dám thả nữa. Bác nhận không, con gửi nó mỗi ngày từ sáng tới chiều. Con trả tiền bác.”
Thế là sự nghiệp nhà trẻ của mẹ bắt đầu. Mẹ dọn căn gác gỗ cho quang, có chỗ treo võng, có cửa ngăn ở đầu cầu thang. Cả ngày mẹ loay hoay bận bịu pha sữa, đút ăn, lau chùi những bãi nước đái. Được ít lâu, chị bán trái cây ở cuối hẻm chạy qua nhà tôi, nói:
“Bác coi thêm con Đào nhà con nha. Con mang cái võng qua mắc cạnh cái võng của của con Thủy.”
Hai võng đong đưa một lúc, cháo sữa đút liền tay hơn, căn gác bừa bộn hơn. Sau đó lại thêm một thằng cu nữa. Mẹ tay năm tay mười, làm việc thoăn thoắt. Cũng công việc quen thuộc ấy, ngày xưa làm cho con, nay làm kế sinh nhai, nuôi đủ tám con với một chồng. Mẹ không còn thầm lặng nữa. Mẹ lớn tiếng điều khiển tám quân sĩ, cần roi có roi, cần lời ngọt có lời ngọt. Riêng chúng tôi vẫn nhớ ơn những người lao động đã giúp chúng tôi sinh sống những ngày khốn khó đó.
Nhưng sau những giờ ban ngày ồn ào náo động là những đêm tối trầm ngâm lo lắng. Nỗi bận tâm không rời của mẹ là chuyện thăm nuôi bố. Mỗi ngày mẹ nghĩ ra một món, làm dần vào buổi tối, nay muối vừng, mai mắm ruốc, mốt bánh mì khô. Mẹ để sẵn một giỏ lớn trong góc bếp và chất dần đồ thăm nuôi trong đó. Khi giỏ đầy là ngày thăm nuôi sắp tới. Thuở ấy bố bị giam ở núi đồi Pleiku, muốn lên đến đó phải mất hai ngày đường và nhiều giờ chầu chực xe đò. Mỗi lần thăm nuôi, hoặc mẹ, hoặc một đứa con được chỉ định đi. Con trưởng nữ hay được đi nhất vì nó tháo vát và nhanh trí, thằng thứ nam cũng đươc nhiều lần “tín nhiệm”; mẹ nói nó nhỏ tuổi nhưng đạo mạo, đỡ đần mẹ được. Con thằng trưởng nam đúng tuổi đi “bộ đội”, mẹ ra lệnh ở nhà. Có lần mẹ đi về, mặt thất thần. Các con hỏi chuyện thì mẹ chỉ buông hai chữ “biệt giam”. Biệt giam thì bị trừng phạt không được thăm nuôi. Tôi thảng thốt hỏi:
“Đồ thăm nuôi đâu hết rồi mẹ"”
“Mẹ phải năn nỉ. Cuối cùng họ hứa chuyển đồ ăn cho bố.”
“Mẹ nghĩ họ sẽ chuyển không"
“Họ hẳn sẽ ăn bớt, nhưng nếu mẹ mang về thì phần bố đói còn chắc chắn hơn nữa.”
Mẹ ngày nào thầm lặng, nay thực tế và quyết đoán như thế.
Ngày bố được thả đợt 1, nhà trẻ của “bà giáo” vẫn còn hoạt động. Mẹ hướng dẫn bố đu võng khi các bé ngủ. Mẹ cũng dặn bố thường xuyên lau chùi gác và bỏ giặt tã dơ. Bố một mực nghe lời. Tưởng như cờ đã chuyền sang mẹ một cách êm thắm…
Tuy nhiên, mẹ không thể ngăn được bố lân la cầm lại cây bút. Thời gian này là lúc họ hàng ngoài Bắc vào chơi nhiều. Bên ngoại có cậu tôi làm đến chức thứ trưởng; cậu kể rằng lúc còn sống, ông ngoại (một nhà thơ cách mạng) phiền lòng vì sự nghiệp văn chương của thằng con rể. Bên nội có chú tôi - một nhạc sĩ cách mạng- chú biết ngòi bút đang thôi thúc bố và đã từng rít lên giữa hai hàm răng:
“Trời ạ! Đã chửi vào mặt người ta, không xin lỗi thì chớ lại cón nhổ thêm một bãi nước bọt! Lần này mà vào tù nữa thì mọt gông.” .
Mấy mẹ con chết lặng trước viễn tượng “mọt gông”. Bố không màng đến điều này, vẫn miệt mài gõ máy đánh chữ. Đêm khuya thanh vắng tiếng gõ càng vang mồn một. Vài lần mẹ can ngăn, có lần mẹ giận dữ buộc tội:
“Ông chỉ biết lý tưởng của mình, không biết thương vợ con.”
Vài tuần sau, chị hàng xóm đối diện nhà chạy sang xì xào với mẹ:
“Công an đặt người ở bên nhà con đó bác, họ theo dõi bác trai.”
Mẹ lại thử can thiệp, nhưng đã quá trễ. Bố bị bắt lần thứ hai năm 1984. Lần thứ hai bị bắt, bố bình tĩnh đợi công an lục lọi tung nhà. Trước khi bắt đi, họ chụp hình bố với nhiều tang chứng chung quanh. Trong hình bố ngẩng cao đầu trông rất ngạo nghễ. Nhiều năm sau, bố vẫn còn được nhắc tới với hình ảnh này. Không ai biết đến người đàn bà thầm lặng bị bỏ lại đằng sau. Sau biến cố thứ hai này, mẹ phải đối phó thêm với nhiều khó khăn loại khác, điển hình là những giấy gọi gia đình ra dự phiền tòa xử bố. Gọi rồi hoãn, rồi lại gọi lại hoãn. Mỗi lần như vậy cả nhà lại bấn loại tâm trí, lo cho mạng sống của bố. Riêng mẹ thì vừa lo vừa soạn thêm một số thức ăn thăm nuôi. Mẹ thực tế là thế đó.
Sau khi bố bị gọi án 10 năm tù, cuộc sống của mẹ không còn những bất ngờ khủng khiếp, chỉ còn những đen tối và tù túng đều đặn. Tưởng là dễ chịu hơn, nhưng thực ra nó gậm nhấm tâm thức, tích lũy buồn bực chỉ đợi cơ hội bùng nổ. Hết ngày này qua tháng nọ mẹ lầm lũi chuẩn bị đồ thăm nuôi, từng món ăn thức uống, từng vật dụng hằng ngày. Các con lần lượt trưởng thành, đứa nào cũng có bạn bè và những sinh hoạt riêng.
Chuyện thăm nuôi bố và lòng thương bố quan trọng lắm, những cũng chỉ là một phần trong những cái quan trọng khác trong đời. Chỉ đối với mẹ, những thứ ấy mới là tất cả, độc tôn choán ngập tâm hồn mẹ. Mẹ hẳn có những lúc thấy tức tưởi và cô đơn mà các con nào hay biết. Có vài lần chúng tôi lỡ một lời nói hoặc cử chỉ không vừa ý mẹ, me òa khóc tu tu, lớn tiếng kể lể, tuôn trào như một giòng lũ không ngăn được. Lúc ấy chúng tôi mới choàng tỉnh.
Ngày mãn hạn tù về, bố bình an như một thiền sư, để lại sau lưng hết cả những thăng trầm của quá khứ. Rồi bố mẹ sang Mỹ ở Houston sống cùng cậu trưởng nam. Mẹ bận bịu với cháu nội, nhưng không quên nhắc ông nội đi tắm và bao giờ cũng nặn kem đánh răng vào bàn chải cho ông mỗi tối. Thỉnh thoảng giao tiếp với họ hàng và bạn bè, mẹ lại phải đỡ lời cho bố, khi bố cứ mỉm cười mà không nói năng chi. Thư viết về cho con cháu ở VIệt Nam, ai cũng nói mẹ viết hay hơn ông nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Lúc đó chắc mẹ tự nhủ thầm rằng: “bởi vì mẹ là con của ông Tú Mỡ mà!”

Như thế được mười năm thì mẹ ngã bệnh. Hôm nay, ở giai đoạn cuối của căn bệnh Alzheimer, mẹ nằm bất động một chỗ và không nói được nữa. Nhưng mẹ vẫn đưa mắt nhìn bố mỗi lần bố ra vào trong phòng. Hôm nào bố vắng nhà vài ngày thì mẹ nhìn con trai, mắt dò hỏi lo lắng. Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.

Kim Khánh( Houston )

Saturday, February 4, 2017


                                  Darling, say you'll love me when I'm old
                                      Singers : Foster & Allen

The maiden wore a shiny wedding band
She said “ My love, my own my heart and soul
So promise that you’ ll love me when I’m old
And Darling say you’ll love me when I’m old
When dark clouds  gather’ round and nights  are cold
And say you ‘ll never trade our love for gold
Oh Darling you’ll say love me when I’m old
He kissed her lips and touched  her golden hair
Then looked  upon her  face so young and fair
He held  her  gently to his loving heart,
Saying, only God above could make us part
And Darling say you’ll love me when I’ old
When dark clouds  gather’ round and nights  are cold
And say you ‘ll never trade our love for gold
Oh Darling you’ll say love me when I’m old
They lived for many years as man and wife
With seven  kids to grace their happy life
Sometimes the clouds grew  dark  and nights were cold
Somehow their love grew  strong as they grew old
And Darling say you’ll  love when I’m old
When dark clouds gather’round and nights are cold
And say you’ ll never trade our love for gold
Oh Darling, say you ‘ll love me when I’m old

Oh ..Darling , say you’ll love me when I’m old                          
Darling. say you'll love me when I'm old

Góc. Với tình nhân

Một bài ca hạnh phúc..Phải không anh ? 
Nhạc và lời như những giải lụa mềm hạnh phúc  quấn quít theo mỗi bước chân.
Em nghe ở đó, chuỗi tiếng cười trong trẻo đuổi theo con suối chảy róc rách 
len qua những khu rừng cỏ dại , qua những thảm lá khô xào xạc gió..
Em nghe ở đó, chim chóc thầm thì lời yêu thương và nắng như dát ngọc qua ngàn kẽ lá..
Hãy nói, anh sẽ vẫn yêu em dù thời gian sẽ làm em già đi bao nhiêu
Hãy nói, trái tim anh vẫn nhịp đập bồi hồi khi ta nhìn thấy nhau..
Khi ta tìm nhau..
Khi ta thuộc về nhau...

Thursday, February 2, 2017




Tranh : Mai Phuong



Mùa Xuân Ði Giữa Hai Ðời Sống

Trầm Hương
--------------------------------------------------------------------------------


Ngày đầu của tháng 12, trời lạnh buốt của cơn bão nào đó đang đi qua thành phố. Những giọt mưa lặng lẽ nhỏ giọt. Buổi trưa trở về nhà, loay xoay bên cái sink, chị chợt nghe thấy ngàn tiếng rào rào khe khẽ như tiếng nước chẩy bên ngoài. Mưa đột nhiên lớn, có phải? Chị nhìn qua khung cửa. Ô không, bầy chim sẻ của chị đã trở về.  Chúng đậu đen khắp các ngọn cây trụi lá ở sân sau. Tiếng gọi nhau ríu rít, bồng bềnh như sóng vỗ. 
 Mùa đến, mùa đi, cuộc đời vẫn quay đều bình thản, như bầy chim thân yêu âm thầm dừng chân nơi thành phố này hằng năm chẳng đổi. Tâm chị ở đâu nhỉ - những tình cảm thân thương bỗng một ngày trở thành xa lạ - một gặp gỡ tình cờ mà cõi lòng nhói đau ? - một đời sống đôi khi ấp tràn hạnh phúc mà lắm khi xót xa đến độ không dám đối diện ?  Tháng 12, một năm lại sắp sửa đi qua. Từ một lúc nào đó, những ngày cuối năm gây cho chị nhiều nỗi xao xuyến buồn bã. Chị mang cảm giác của người đi đóng lại những cánh cửa, từng cánh và từng cánh, mỗi năm là khép lại một quá khứ - cái quá khứ dù buồn dù vui thì cũng đã mất đi và không bao giờ còn trở lại như câu danh ngôn: Người ta không thể uống nước hai lần trên cùng một dòng sông. Tháng 12 chỉ mới bắt đầu mà chị đã nhìn thấy quả banh tròn tại Times Squares xuất hien. Quả banh rơi xuống cùng lúc với những con số được đếm hào hứng nhỏ xuống dần: Bốn...Ba ... Hai ...Một... Tiếng pháo bông nổ bùng, những đoá hoa lửa rực sáng, vạn tiếng reo hò: " Happy New Year". Trong căn nhà quen thuộc của gia đình người bạn thân, chai champagne cũng bung ra tiếng reo to, và mọi người cùng nâng ly chúc mừng lẫn nhau," Happy New Year ". Ðã nhiều năm, chị và gia đình đón "giao thừa Mỹ" như thế, trong không khí ấm cúng của bạn bè cùng nỗi ngùi ngùi chưa bao giờ thoát khỏi trong chị. Ngày mới đến Mỹ, nghe tiếng " Happy New Year" chị chỉ muốn khóc. Mùa Xuân nào ? Quê hương nào ? Ngày Tết của Mỹ chỉ thu gọn trong đêm New Year Eve. Sang mùng một năm mới, mọi người đổ xô đi mua hàng sale, chen chúc trong các shopping center, đổi, trả, mua trữ quà cho ...năm tới . Và hết Tết.

Tết Mỹ đi qua không một âm vọng nhường chỗ cho Tết Viet Nam sửa soạn bước đến. Ðã 16 năm sống ở xứ người, dù bận rộn cách mấy, mâm cơm cúng đêm giao thừa của chị cũng phải đầy đủ những món chính: xôi vò chè đường, bát canh nấm hương nhồi giò sống nấu cùng với bóng và các loại rau, măng khô hầm chân giò và thịt gà/miến, chả giò, cá kho, thịt kho trứng. Chỉ lạ là cúng ông Táo chị lại hay quên. Hầu như năm nào cũng thế, chị chỉ nhớ ra khi bạn bè hỏi đã tiễn ông Táo đêm qua chưa ? Khi chị tìm ra chân lý thì ông Táo đã chễm che nhỏ to cùng Ngọc Hoàng đâu đó nơi thiên đình mất rồi. Có lẽ vì vậy mà ông Táo không vui với chị, gia đình chị hầu như năm nào cũng có chuyện. Hết tiểu hao, đến đại hao, chưa đủ, hai cái hao đó cùng hợp ca lại thành món song hao. Và cuối năm, hai vợ chồng nhìn nhau ...hư hao. Anh lại chép miệng: Của đi thay người. Thói quen có một mâm cơm đêm 30 đủ các món của chị cũng là ảnh hưởng ở mẹ.  Ngay từ ngày chị còn nhỏ xíu, năm nào cũng thế, tối 28 tết, mẹ đã ngâm một thau đậu xanh to tướng. Sáng 29, con nhỏ ngồi lụi cụi đãi vỏ đậu cho mẹ.  Ðậu xanh phải nhặt thật sạch, không xót mảnh vỏ nào.( Cái công viec tỉ mỉ con nhỏ đã thề mai mốt lớn, có lợlấy chồng, chồng đánh cũng không ngu mà nấu xôi vò). Sau đó, đậu được "đồ" cho chín. Ðang khi đậu chín còn nóng hổi, phải múc bỏ qua cối đá giã lập tức. Chỉ cần vài ba chầy là đậu đã nhừ và được vét bỏ vào cái khăn vải ẩm, vo thành từng nắm tròn lớn để qua đêm. Sớm 30, mẹ "tải" nếp (đã được ngâm từ đêm trước) ra từng rổ, rải mỏng cho nếp mau ráo. Ðộ 2 tiếng sau, mẹ xắt đậu xanh thật mỏng cho vào nếp. Chỉ một nửa số đậu thôi. Rồi nếp, đậu xanh, một chút muối, vài lát gừng, mỡ gà được mẹ xóc đều, bỏ vào "nồi chõ", xôi lên. Ðộ chừng 10 phút, khi nếp còn nửa chín nỏũa sống, mẹ đổ  xôi ra cái chậu nhôm, con nhỏ đứng bên cạnh quạt lấy quạt để trong khi mẹ vừa đánh cho nếp tơi ra, vừa trộn hết phần đậu còn lại vào. Xong xuôi, mẹ lại cho tất cả vào nồi, xôi thêm lần nữa cho thật chín. Khi xôi đã chín, mẹ trút từng ít ra cái rổ lớn, dùng tay vò cho những hột nếp rời nhau, con bé vẫn ngồi bên cạnh mẹ, quạt... phành phạch để xôi mau nguội, dễ tơi thành từng hạt. Ðợi xôi nguội một chút, mẹ mới khẽ khàng đơm xôi thành từng đĩa vun sau khi đã gắp bỏ ra ngoài những lát gừng cùng những phần xôi bị "vón". Ðây là cái màn hấp dẫn nhất mà con bé chờ đợi. Những miếng xôi vón dẻo còn âm ấm được con nhỏ nhanh tay "thầu" ngay, cho vào khoảng một muỗng đường lớn, cứ thế con nhỏ nhào bóp trong lòng tay cho đến khi những hột nếp nát nhuyễn, trộn cùng vị đường ngọt lịm, deo dẻo như...bánh dẻo, và cũng thường khi, đến giai đoạn đó, xôi đã không còn mầu vàng mà trở nên...nâu nhờ nhờ vì những chất vô danh còn sót trong lòng tay con nhỏ, nhưng vì là tay...mình nên ăn, chao ơi là "đã". Món cá kho của mẹ thì lại càng tuyet. Cá phải là cá thu nướng, kẹp trong hai thanh tre dài.  Dường như chỉ chợ tết mới có loại cá đặc biệt này. Mẹ cắt từng khúc, kho cùng thịt ba chỉ, nước mắm, chút nước mầu,  một nhúm trà tầu, tiêu, nấu cho đến khi cá vừa khô. Chỉ có thế mà sao ăn miếng cá thơm ngọt lạ kỵ Món thịt bò bắp của mẹ, cho đến bây giờ, chị cũng chưa thấy ai làm giống như mẹ.  Mẹ mua nguyên cái phần bắp của con bò, ướp cùng nước mắm, chút ngũ vị hương độ vài tiếng. Sau đó, mẹ dùng dây quấn quanh cái bắp, bó thật chặt, cũng đem kho cho đến khi cạn nước. Khi ăn, mẹ thái thành từng lát thật mỏng, xếp miếng quanh nền đĩa men trắng. Mầu trắng của chất men làm tôn lên cái sẫm nâu của khoanh thịt bò với những vòng vân trong bóng của gân bò cộng với mầu tím của những củ hành hương mà mẹ muối nén từ cả hơn ba tuần trước, được đặt ở giữa trông thật bắt mắt và đầy mỹ thuật. Mẹ gọi đó là món thịt bò ..hoa. Mẹ còn mua cả một cái đầu con heo để làm giò thủ nữa . Chị vẫn còn phục những đòn giò thủ bọc trong lá chuối xanh , mẹ gói bằng tay mà chặt cứng, tròn vo như cái gối ôm của con nít. Ðòn giò thủ được nẹp bằng hai thanh "đũa cả" hai bên thật chặt cho chẩy bớt mỡ, sau chót, mẹ buộc hai thanh đũa lại bằng sợi lạt và treo lủng lẳng trên sợi dây kẽm chăng trong bếp khiến con bé mỗi khi ngang qua lại càng mong cho sớm đến mùng một Tết.

Chiều 30, khi mâm cơm cúng tổ tiên xong xuôi, mẹ thay áo dài thật đẹp, bắt bầy con và cả chồng nữa cũng phải ăn mặc đàng hoàng, mẹ nhường cha châm ba nén nhang cúng trước. Tới phiên mẹ, năm nào cũng thế, nước mắt mẹ bắt đầu chẩy ra theo những nén nhang vừa bén lửa. Mẹ nhìn thẳng vào hình cụ Nội mặc áo dài khăn đống, trên ngực áo cụ là một hàng huy chương, gương mặt cụ vuông vức uy nghiêm với chòm râu dài bạc trắng, mẹ lầm thầm lời khấn nguyện trong lúc những giọt le mẹ vẫn lặng lẽ chẩy dài. Con nhỏ bối rối nhìn mẹ khóc mỗi năm, vào đúng giờ phút đó, mà không làm sao hiểu nổi tại sao mẹ lại buồn, lại phải khóc như thế . Sau đó là đến lượt những đứa con thắp nhang, theo thứ tự từ lớn đến nhọ Có một năm, không ngăn nổi sự tò mò, con bé đã kéo khẽ áo dài mẹ ngay sau khi bà cúng xong và đang cắm cây nhang vào lư hương: "Mẹ ơi, tại sao mẹ khóc vậy?" Bà quay laỉi nhìn con bé, mỉm cười dịu dàng với ánh mắt buồn bã: " Mẹ không khóc đâu! Chỉ tại khói nhang làm mẹ cay mắt thôi ". Câu trả lời của mẹ đã đủ khiến con nhỏ yên tâm suốt một thời tuổi thợ

Thói quen đi lễ chùa đêm 30 của chị cũng chỉ là lập lại những đêm giao thừa cũ với mẹ.  Mỗi năm, sau khi cúng và cơm nước dọn dẹp xong, cha sửa soạn đưa cả nhà đi lễ Phật cùng xin xâm đầu năm. Dạo đầu, mẹ hay xin xâm ở Lăng Ông, nhưng sau nhiều năm chiêm nghiem, mẹ tin xâm ở đền thờ Ðức Thánh Trần đúng hơn nên dù người có chật như nêm cối ở đây, mẹ cũng ráng kiên nhẫn xếp hàng, đợi xin cho được quẻ xâm mới yên tâm. Cũng chính mẹ daảy cho chị xin quẻ xâm đầu đời năm chị 17 tuổi. " Ðừng cầm ống thẻ thẳng đứng như mấy anh chàng kia. Cũng đừng lắc xoành xoạch hùng hục như thế, có mà bao nhiêu thẻ rớt chỏng cả ra ngoài. Con nghiêng ống thẻ đi một chút. Lắc đều tay, không cần mạnh lắm. Khi thấy thẻ bắt đầu đi lên, lúc ấy mới lắc mạnh tay hơn..."

Ðêm 30 của chị thơm ngát hương trầm, bâng khuâng theo từng tuổi lớn. Ðêm 30 của chị còn là cảm giác xôn xao khó tả khi nghe tiếng pháo rộn rã khắp nơi đúng vào giây phút thiêng liêng của trời và đất, của năm cũ đi qua nhường chỗ cho năm mới khởi đầu. Mùi pháo thơm ngát không gian như mùi của quê hương chị mãi mang theo cùng cuộc sống của mình, ngát hương...ngát hương...

Mười sáu năm xa xứ, 15 lần chị thấy mình đi trở về con đường cũ, lập lại đúng những hình ảnh chị nhìn thấy ở mẹ trong những đêm 30 xa xưa, kể cả những giọt nước mắt. Trái tim chị cứ thắt lại khi đứng trước mâm cơm cúng ông bà mỗi năm, nước mắt chị cũng lặng lẽ chẩy dài theo nén nhang vừa bén lửa, tỏa hương thơm ngát. Bây giờ thì chị hiểu được tại sao mẹ khóc. Cái quê hương theo những làn khói nhang toả rộng, cứ nhoi nhói nơi phía ngực trái chi Cái quê hương chị thương yêu hết mực mà cách đây hơn hai năm trở về thăm lại, cô em chồng hỏi: "Anh chị có định trở về sống luôn không?", chị đã trả lời dứt khoát là không. Chị yêu mảnh đất chị đã sanh ra, đã lớn lên. Yêu từ mùi hơi đất ngai ngái khi đất gặp mưa, từ tiếng rao bán hàng trưa hè lảnh lót, mùi khói xăng, hơi bụi bậm...Tất cả đều đáng yêu, nhưng có điều gì vẫn làm chị ngại ngùng mà chị biết chị không thể hoà nhập được nữa. Cái bấp bênh của một xã hội? Cái thay đổi kỳ lạ về tất cả mọi quan niem, mọi giá trị về nhân bản, đạo đức? Chị mang cảm giác của một người xa lạ ngay giữa quê hương mình và chị biết, chị không thể về sống lại ở đó vĩnh viễn, để rồi nơi đây, chị lại thấy mình vẫn cứ đi trên một sợi dây đã cũ, những hoài niem mỗi ngày mỗi tăng theo thời gian. Nhưng biết đâu chừng, một ngày nào đó, đối dien với chút nắng thoi thóp của đời mình, chị lại chẳng muốn được làm chiếc lá bay về cội cũ, chết dưới gốc cây mình đã được tạo ra?  Tháng 12. Tháng Giêng. Năm nay tết đến sớm, cuối tháng Một dương lịch là Tết Viet Nam lại trở về. Tôi lại sắp sửa đi đóng thêm một cánh cửa cho đời mình. Mở ra một cánh cửa khác, có điều gì vui chờ đợi không?

Chị chợt thấy mắt cay cay. Ðứa con gái nhỏ đứng cạnh chị từ lúc nào. Nó vòng tay ôm cổ mẹ: Mẹ ơi, sao mẹ khóc vậy? Chị nghe tiếng chị ( hay tiếng của mẹ chị nhỉ), Mẹ không khóc đâu. Chỉ tại khói nhang làm cay mắt mẹ thôi. Nhưng ô hay, đã có nén nhang nào được thắp và mùa xuân đã tới đâu?

Trầm Hương