Friday, March 17, 2017

Ảnh (Khôi Việt)

Câu chuyện của hai người lính già


Từ bãi đậu xe đến chỗ làm việc, tôi vẫn thường đi ngang quán rượu đó. Buổi sáng sớm, quán chưa mở cửa, chỉ có Bob, đứng xịt nước tưới cho mấy chậu hoa treo lủng lẳng quanh patio. Lão già này làm việc ở đây từ lúc còn là thanh niên, bây giờ lưng đã hơi còng, tóc đã bạc, nhưng hàm răng hơi to một cách quá khổ trên khuôn mặt, vẫn còn trắng đẹp một cách kỳ lạ . Lão luôn chào trước khi tôi kịp mở lời: hey, young man. What's up? Not much, how's yourself, old man? Good, can't complain, young man. Ngày nào cũng nói với nhau y như vậy. Nhưng sau đó tôi phải nói dăm ba câu rồi chuồn lẹ. Nếu không Bob sẽ nói đủ thứ chuyện trên đời tưởng như không bao giờ dứt. Hình như người Mỹ già nào cũng thích nói chuyện và nói nhiều thì phải. 
-Chiều mày đi làm về ghé qua. Boss mới mướn ban nhạc chơi ở đây.
- Hay không?
- Không tệ lắm, có cô ca sĩ hát rất hay . Ba giờ chiều là tụi nó bắt đầu.
- Vậy sao? Chiều tôi ghé. Một chút thôi, cả ngày đi làm mệt tôi chỉ muốn về nhà. 
Nói thế chứ tôi quên ngay, tôi không mặn mà với nhạc Mỹ bây giờ. Rap tôi không ưa nổi. Còn nhạc của tụi trẻ Mỹ bây giờ khó nghe quá. Hay tôi là người Việt, lại thuộc lớp già nên không cảm được chăng? Cũng không hẳn như vậy, nhạc Mỹ của năm 60 vẫn còn theo tôi đến giờ mà. Có lẽ tôi chỉ thích hợp với soft rock. Mà chung quanh chỗ tôi làm, quán rượu, quán nhạc toàn chơi hard, metal rock. Đi ngang qua nghe thoáng cũng đủ nhức đầu rồi. 
Dọc theo đường, gần đó khoảng trăm thước là quán nhạc Jazz tên Preservation Hall. Nơi thường quy tụ những nghệ sĩ nhạc Jazz thuộc loại bậc nhất của Mỹ, dù bên ngoài nhìn nghèo nàn cũ kỹ. Louis Armstrong lúc còn sống nghe nói cũng chơi ở đây. Quán này nổi tiếng với giai thoại mặt tiền không được lau chùi đã 75 năm, khác với những quán bar có nhạc sống ở New Orleans là luôn mở hết các cửa. Preservation Hall cửa luôn đóng kín.
Quán rượu Bob đang làm cũng là một quán nhạc Jazz. Tôi mỗi lần nghe Jazz là buồn ngủ không chịu được. Tất nhiên là nhạc Jazz hay lắm chứ, nhưng nó có vẻ không hợp với cái tai tôi mấy. Mỗi khi đi đâu xa ngoài tiểu bang với con trai, Khôi, là tôi bị tra tấn với kho nhạc Jazz trong xe của nó. Đặc biệt là cô ca sĩ Nora Jones với giọng hát trầm buồn nhừa nhựa làm hai mắt tôi muốn mở không lên.
Buổi chiều bước vội vã ra chỗ đậu xe, đã khiến tôi chẳng chút hào hứng nào ghé chơi, nếu tiếng hát và âm điệu bản nhạc quen thuộc không kéo chân tôi lại. 
Cô ngồi hát cạnh cây đàn piano trong góc cuối của quán, bên phải người nhạc công. Áo trắng và váy dài đen. 
Tôi đứng sững nơi cửa quán nhìn vào. Cô đang hát bản nhạc kỷ niệm vô cùng quen thuộc của tôi. Both sides now. Judy Collins hát- Mà ngày xưa tôi cùng chiếc radio nhỏ đợi chờ nghe mỗi tối trong chương trình nhạc của Chris Noel, dành cho quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Cô vẫn hát, và nhẹ đưa tay chào. Chắc cô cũng hơi ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông Việt Nam đứng nghe cô hát như vậy. Nhưng trong ánh mắt cô, tôi thấy lấp lánh niềm vui. 
Sau đó chúng tôi quen nhau. Vì nơi tôi làm việc là một nhà hàng cách chỗ của cô không xa lắm. Cô hay ghé qua ăn tối. Julie. Tên của cô. 
-Chắc tôi hát không tệ lắm. Phải không? Hôm ấy tôi thấy ông sững lại khi nghe tôi hát.
-Nhiều lý do lắm Julie. Bài này gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Nó là một Top Hit của năm 67. Và tất nhiên, giọng của em rất hay và truyền cảm, chẳng kém gì Judy Collins. Còn đẹp thì chắc chắn em đẹp hơn bà ta bây giờ rồi.
Cô cười. Và tôi, ngay lúc đó tôi nhận ra một điều, đàn bà Mỹ thường có gò má cao, miệng hơi rộng, nhưng tạo cho họ một khuôn mặt đặc biệt, và cười rất có duyên. 
- Nói cho tôi nghe Vivi. Cô gọi tôi là Vivi, có lẽ để cho dễ gọi. Một bài hát mà theo đuổi ông mấy chục năm, vậy chắc toàn những kỷ niệm đẹp?
- Tất nhiên là nhiều, nhưng không hẳn là những kỷ niệm đẹp. Tôi còn đi học, chưa có mối tình nào để nhớ. Nhưng qua năm 68 thì tôi hay nghe bài hát ấy lúc nằm dưới hầm trú ẩn. Bọn Việt cộng mở ra chiến tranh khắp nơi. Miền Nam chúng tôi sống rất thanh bình, nhưng họ có mặt chỗ nào là có tang thương chết chóc chỗ đó ngay. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong tích tắc. Như năm đó, tôi chở cô cháu gái ngoan hiền dễ thương như thiên thần của tôi đi chơi, ăn kem. Chở cháu về nhà, cách Sài Gòn vài dặm thôi. Mấy ngày sau tới thăm, chỉ còn là đống gạch vụn ngổn ngang. Tưởng như cháu và gia đình chưa từng hiện diện nơi đó. 
-Sao khủng khiếp vậy ông, điều gì đã xẩy ra?
- Một trái hoả tiễn 122 ly đã rớt xuống. Tôi vẫn hy vọng cháu và gia đình trước khi chết không cảm thấy đau đớn. Miền Nam chúng tôi ngày đó là như vậy. Trẻ em đang ngồi học trong lớp bỗng dưng chết thảm khốc vì những trái đạn súng cối của họ bắn vào. Tất nhiên là họ bắn có chủ ý. Gây kinh hoàng, chết chóc để trấn áp người dân. Giống hệt như những đám khủng bố ở Trung Đông bây giờ. 
- Nghe như ông nói, có cảm tưởng miền Nam của ông sống trong kinh hoàng và khó khăn lắm.
- Không hoàn toàn vậy đâu em. Cuộc sống hồi ấy thật đẹp đẽ và thanh bình nếu không có Cộng sản. Một lần ghé qua tôi thấy em hát Summertime, ngày xưa tôi cũng rất thích bài hát đó. Summertime. When the living is easy... Em ạ. Miền Nam chúng tôi không có bốn mùa như Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ có mùa Hè. Nóng gần như quanh năm. Nhưng vẫn có những cơn gió mát và mưa lạnh. Tăng thêm thi vị cho Summertime. Hình ảnh mà em thấy trong bài hát Summertime đó chính là hình ảnh của quê hương chúng tôi. Tôm cá đầy sông, cây trái trĩu ngọt, lúa bắp bát ngát. Mùa Hè của chúng tôi có đầy trong rất nhiều tác phẩm thi ca miền Nam. Nhưng sau khi tôi gia nhập quân đội, bọn Cộng sản đã mang vào miền Nam chiến tranh ngập trời. Mùa Hè đỏ lửa. The fiery Summer. Đó là tên gọi của báo chí đã đặt cho cuộc chiến năm 1972.
- Ba của tôi trở về Mỹ năm 73 cùng với cả đơn vị của ông. Được đón tiếp như những kẻ ăn cướp và baby killer. Đó là một thành công lớn của bọn leftist và hippies. Tôi ra đời sau này, chỉ nghe mẹ tôi kể lại những sỉ nhục mà người lính Mỹ phải chịu khi trở về nước. 
- Xin Chúa phù hộ cho ba của em. Tôi nói. Còn chúng tôi, những người sĩ quan của Rebubplic of Việt Nam. Không được may mắn như ba của em. Chúng đưa chúng tôi vào những trại tập trung sâu trong rừng thẳm. Rất nhiều người đã chết vì thiếu ăn, vì đói lạnh trong giá rét kinh hoàng ở miền Bắc. Trở về nhà với tấm thân tàn tạ. Bao nhiêu người đã mất hết vợ con, nhà cửa. Vì khi họ còn ở trong trại tập trung, vợ con họ trốn chạy Cộng Sản và vùi thây trên biển cả trong những chiếc thuyền mỏng manh chỉ dài chừng 20 đến 30 feet. 
Ba của em khi trở về nhà vẫn còn gia đình, nước Mỹ vẫn đứng sau lưng. Còn chúng tôi, khi ra khỏi tù đã không còn Tổ Quốc.
Tôi đã gặp Daigle. Ba của cô. Ông đã không còn khoẻ nữa. Căn bệnh PTSD (post trauma stress disorder) đã biến ông từ một Navy Seal đẹp trai cao lớn trở thành một ông già còm cõi không còn sức sống. Chúng nó đã phản bội tao, phản bội chúng mày. Bọn phản chiến đó. Chúng chặn ở phi trường, la hét, chửi bới phun nước miếng vào chúng tao. Còn chúng mày thì đi tù. Vì nước Mỹ đã bỏ rơi Đồng Minh. Mỗi lần gặp tôi, Daigle ngồi nói miên man không dứt. 
- Chuyện qua rồi. Đừng trách mình như vậy. Cá nhân tôi chẳng bận tâm về điều đó. Sinh ra trong một đất nước giàu có tươi đẹp,không ai muốn chết nơi một xứ sở chẳng liên quan gì với mình. Chẳng ai muốn con cái mình hy sinh như vậy cả, Daigle. Con tôi gia nhập Thủy Quân Lục Chiến vì nó thích, nhưng tôi chẳng bao giờ thích được. Nó đi lính mà tôi ở nhà bị bệnh mất ngủ vì lo lắng. Tôi vẫn biết ơn những người lính trẻ qua chiến đấu ở nước tôi. Kể cả ông nữa. 
-Mày biết không? Mấy thằng cựu chiến binh thường khoe khoang về những ngày ở Việt Nam như một cái gì ghê gớm lắm. Nhưng cá nhân tao lại thấy những thằng lính Việt Nam tụi mày đáng nể hơn. Tụi tao cái gì cũng có,cần gì thì vào PX mua. Thanksgiving, Christmas có quà gửi qua. Có cả Fried Turkey, cake, bất cứ cái gì chúng tao cần. Còn tụi mày, có lần tao chạy xe Jeep trên đường thấy đám bộ binh tụi mày ngồi ăn với bịch gạo sấy và một con cá khô. Lính Việt Nam tụi mày sống thiếu thốn cực khổ quá. Daigle nói chữ "gạo sấy với cá khô" rất đúng giọng. Làm tôi không nhịn được cười. Đặc biệt, Daigle nói hai chữ " Đủ má" hệt như người Việt Nam.
- Làm sao ông nhớ mấy chữ đó. Ông làm tôi muốn chết vì cười. 
-Tao nhớ chứ, nhiều lắm. Hồi đó đi công tác với lính Việt Nam tụi mày rất nhiều lần. Có khi ở chung trại cả mấy tháng. Nhưng lính Việt Nam toàn dậy tụi tao những chữ tục tĩu. Này, tao nói rất nghiêm chỉnh nhé. Nếu chúng tao dậy tiếng Anh cho người Việt, chúng tao luôn chỉ dẫn những gì chính xác và cần thiết nhất. Còn người Việt mày toàn nói bậy bạ. Có lần tao hỏi: I love you, nói làm sao. Nó dậy rằng: đù má tao. Tất nhiên tao chẳng vui vẻ gì, sau khi nói với một cô gái tao quen, cô ấy tưởng tao bị điên.
Daigle là một người nhận xét rất tinh tế và khiêm tốn. Ông không có thái độ ngạo mạn, đôi khi kỳ thị xấc xược như nhiều tay cựu chiến binh Mỹ tôi đã gặp.
-Ông rất mẫn cảm và hiểu biết, nhất là ông không gọi tên nước tôi kiểu coi thường như nhiều người Mỹ thường gọi là "Nam", thay vì nói Việt Nam. Đẹp trai và nói chuyện lôi cuốn như ông chắc hồi xưa ở Việt Nam thế nào cũng có vài cô bạn?
-Ba tôi nói ông có bạn gái lúc ở Việt Nam. Cũng còn giữ hình của cô ta đến sau này. Julie nói. Cô gần như ít xen vào câu chuyện. Cô thường ngồi tư lự với ly Margarita.
-Mẹ của cô có ý kiến gì không?
- Ồ không. Bà nói. Đó là những kỷ niệm đẹp. Và cô gái đó thật là đáng yêu.
Daigle cho tôi coi hình một người con gái ông quen, và yêu. Đó là một cô gái đẹp, dường như là nữ sinh trung học trong chiếc áo dài.
- Cô ấy có yêu ông không?
- Có chứ. Còn tao yêu cô ấy đến chết đi được.
- Tại sao không lấy nhau?
-Này Vivi. Lấy được người Việt tụi mày không phải dễ. Ngay cả bước chân qua cửa nhà cô ấy cũng còn chưa được, huống hồ xin cưới..Ngày xuống sân bay, gặp gia đình, tao buồn và khóc. Nói mày đừng cười. Không phải khóc vì mừng gặp gia đình. Vì tao nhớ cô ấy thì đúng hơn.
-Đúng vậy Daigle. Ngày xưa đất nước tôi mặc dù chiến tranh nhưng sống thoải mái và gắn bó với quê hương. Chẳng ai muốn rời bỏ đất nước cả. Và sự bất đồng ngôn ngữ đã khiến bức tường thành kiến đã cao lại còn cao hơn.

-Chị con ông bác của tôi, làm ở bộ Y tế, gặp một ông bác sĩ Quân Y Mỹ, rồi yêu nhau. Nhưng gia đình chị không cho bất cứ ai trong họ hàng biết, ngoại trừ tôi, ngày chị lên máy bay về Mỹ với chồng năm 74 cũng không ai biết. Âm thầm. Tôi mất liên lạc với chị từ dạo ấy. Ngày xưa, tình yêu quê hương đã trở thành cực đoan, tới mức trong gia đình không ai muốn con cái của họ lấy người ngoại quốc. Vì ai cũng nghĩ, con cái theo chồng, hoặc theo vợ người ngoại quốc là vĩnh viễn sẽ mất con. Trong mắt của người thiếu nữ Việt Nam, khuôn mặt của người Mỹ thật là xa lạ. Cho nên tôi nghĩ, phải yêu nhau ghê lắm mới dứt bỏ cha mẹ anh em, theo chồng về Mỹ, một nơi chốn hoàn toàn khác biệt với quê hương.
Người Mỹ còn phải khó khăn khi muốn lấy vợ Việt Nam như vậy; những chủng tộc khác còn khó hơn. 

Gì chứ lính Phi Luật Tân,Thái Lan, Đại Hàn (bây giờ là Hàn Quốc) con gái Việt Nam chẳng để vào mắt đâu. Ngày xưa con gái và dân Việt nói chung, nhìn mấy đám đó như mấy thằng ngốc và nhà quê. Lính Đại Hàn khi trở về nước, họ cũng mua xe đạp của Việt Nam, radio, đồng hồ, đủ thứ trên đời .Còn bây giờ, người dân làm đủ mọi cách để chạy ra khỏi nước, kết hôn với bất cứ một dân tộc nào để thoát đi. Kết hôn với một người Đại Hàn, sánh vai với một người Mỹ là điều mơ ước, là điều hãnh diện của đa số, nếu không nói là hầu hết người Việt Nam hiện nay. Vậy cũng được, nhưng những người đến từ những quốc gia một thời người Việt coi là dân tộc hạ đẳng thấp kém, nếu không nói là mọi rợ, cũng được gọi chung là "Tây"thì đó là điều quá đáng. Chữ "Tây" ngày xưa chỉ dùng cho người Pháp. Bây giờ mấy thằng đen thui Kenya, Nigeria chạy qua Việt Nam làm phu khuân vác, ăn cắp ăn trộm cũng gọi là "Tây". Chưa bao giờ giá trị của người Việt Nam lại bị hạ thấp như bây giờ.

- Tất nhiên tôi không khinh miệt tất cả. Nhưng ông có đồng ý là tới giờ dân của mấy quốc gia đó còn đi săn thú bằng dáo mác, còn đóng khố, thì tất nhiên không thể so sánh với dân tộc tôi được.
-Tao hiểu chứ. Hồi ở Việt Nam tụi tao thường đi nghỉ phép ở Taipei, hoặc Bangkok. Nhưng mấy chỗ đó thua xa Sài Gòn và Đà Nẵng. Nhất là Bangkok, không thể hơn Sài Gòn được. Chỉ hơn cái khoản gái điếm.
-Này Daigle. Năm 60 chúng tôi đã làm được xe hơi rồi. Tất nhiên không thể bằng Ford, GMC. Nhưng ông biết không. Khi Sài Gòn chúng tôi xe cộ dập dìu, nam thanh nữ tú chở nhau trên những chiếc Vespa, Lambretta. Thì Seoul của Korea lúc ấy còn là đám ruộng, dân chúng còn trồng rau ở đó. Đồ hộp Mỹ hồi đó tụi tôi còn chê, vì không hợp khẩu vị. Đồ hộp Đại Hàn hả? Chẳng người Việt nào ăn đồ hộp của Đại Hàn cả vì nó quá dở, cho dù họ cũng có đồ hộp thịt heo với đậu hũ, có cả Kim Chi nữa. Nhưng tôi cũng quăng nó vào thùng rác. Vì sao có thể ăn được, khi thường ngày tôi vẫn ăn thịt heo kho với tôm càng, với nước dừa thơm ngon béo ngậy. 
Những ngày gặp Daigle là những ngày nói chuyện dứt không ra, cho đến lúc Julie tới đón sau khi hát xong tại quán. Cô rất vui khi thấy ba của cô có người tâm sự. 
-Vivi biết không. Bạn cùng team của ba chết hết rồi, ba tôi mến ông vì là người cũng ở những địa danh mà ngày xưa ba tôi đã tới. Và cũng là lính.
-Còn ba của em cũng là người dễ mến và khiêm tốn nhất mà tôi đã gặp.
Hơn tháng trời bặt không thấy Daigle ghé chơi. Một hôm Julie bước vào đưa cho tôi một khung hình nhỏ. Bên trong là huy hiệu của Seal Team One. Mặt sau có mấy chữ " To my brother in Arms. Dwright Daigle".
- Ba tôi đã mất hai tuần trước. Bị colon cancer lâu rồi. Nói tôi mang cái này cho ông. Ba tôi không muốn ông biết, không muốn ông buồn vì mất bạn. 
-Ít nhất ra cũng cho tôi biết đôi chút. Mẹ cô giờ ra sao. Bà vẫn OK chứ.
-Vivi này. Ba tôi dấu không cho Vivi biết. Mẹ tôi đã bỏ hai cha con tôi lúc biết ông bị colon cancer. 
Thấy tôi ngồi yên không nói vì xúc động. Cô đập nhẹ vào vai tôi.
-Vivi. Chiều nay về nhớ ghé quán. Em sẽ hát tặng ông bài Both sides now.

Sau đó vài tuần không thấy Julie hát bên quán. Hỏi thăm lão Bob cũng lắc đầu không biết.Cô ấy đã đi rồi. That bird had flown. Lão nói.

( Nguyễn Khôi Việt )
   

                                     
                                      Both sides now-Judy Collins

No comments:

Post a Comment