Wednesday, March 22, 2017


                                           Ngày đó chúng mình
                                           Nhạc : Phạm Duy
                                           Giọng ca : Duy Trác


Duy Trác & Ngày đó chúng mình

(Bài viết của Phan Xuân Sinh)

Vào lúc 8.30 tối ngày 3 tháng 12 năm 2016. Gia đình ca sĩ Duy Trác do các con và cháu của ông tổ chức một đêm nhạc dành cho vợ chồng ông mà đên hết cuối chương trình, chúng tôi mới được biết, đêm nhạc kỷ niệm 55 năm ngày cưới của ông bà. Tại Valentino, 7242 Boon Rd, Houston. Các con của ông không có ai theo nghiệp cầm ca của bố, nhưng từ giọng hát đến cung cách trình diễn chúng ta có được một cảm nhận thuộc con nhà nòi và hơn nữa đây là đêm dành cho bố mẹ nên các con cháu của ông hết lòng với ông bà, cho ta thưởng ngoạn một đêm rất đặc sắc thú vị.

Nói đến Duy Trác có nhiều bài vở trên sách báo trước đây nói về ông, ông là một ca sĩ đã thành danh từ thập niên 50 đên thập niên 75 tại Sài Gòn. Nhưng con đường ca hát của ông có vẻ tài tử, ông ít xuất hiện trên sân khấu nên nhà văn Duyên Anh khi đề cập tới ông bằng thốt lên “ca sĩ cấm cung”. Ông là một luật sư, là một thẩm phán. Có lẽ nghề nghiệp nầy đã nắm chặt chân ông lại, không cho ông xuất hiện những nơi đô hội để cho người khác mua vui. Tuy nhiên tiếng hát của ông đã phá vỡ bức tường, xuyên thấu vào lòng những người yêu nhạc khó tính, ông là một ca sĩ hiếm hoi để lại trong lòng người nghe một sự kính phục từ giọng hát đến nhân cách. Ông là một người hiền hòa, dễ mến khi ta được tiếp xúc. Ông đã giã từ nghiệp ca hát hơn mười mấy năm nay với một lý do đơn giản “tuổi già”. Khi đã từ giã thì ông khép kín dủ những người thân thích trong gia đình yêu cầu , ông vẫn không hát. Có lẽ nghành luật đã dạy cho ông một nguyên tắc không được vi phạm điều mà đã trở thành quy luật khi ông đã đặt ra.
Hơn mười năm trong tù cải tạo, đã khiến con người của ông trầm ngâm hơn. Và cũng chính nơi đây đã cướp mất của ông sức lực và hăng say. Khiến ông không còn tha thiết với những gì mà thời trai trẻ cuốn hút ông. Thời gian sinh sống tại Hoa Kỳ ông làm Đài Phát Thanh và nơi đây ông đem kiến thức và nghệ sĩ tính của mình, lôi cuốn một số lớn thính giả lắng nghe, đến khi các con của ông trưởng thành, ông cũng từ giả hẵn Đài Phát Thanh. Khi tôi đến Houston sinh sống, được anh chủ nhiệm tờ nguyệt san Văn Hóa mời riêng tôi và ông đi uống cà phê. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ca sĩ Duy Trác. Ông ít nói và chỉ nói khi cần thiết, tôi thấy ông ngồi suy tư, tôi hỏi ông nghĩ gì? Ông nói với tôi là tên của anh thấy quen lắm, nhưng không biết gặp ở đâu? Tôi chỉ cười chắc ông lẫn lộn với ai đó. Hai tuần lễ sau ông gọi điện thoại cho tôi, ông báo cho tôi biết ông đã nhận ra tôi rồi. Tôi là tác giả ông đã đọc truyện trên đài phát thanh. Rồi ông mang cho tôi những CD mà ông đã đọc. Từ đó tôi rất thân tình với ông.
Nói về ông không hết được. Ông là con người của quần chúng được thính giả trọng vọng, nên chiều sâu của đời ông khá dài và mọi người trân quí. Tôi xin chấm dứt những dòng chữ nói về ông để trở lại với “đêm nhạc với gia đình Duy Trác”. Trong Thư Mời có ghi 4 câu thơ:

“Anh nhỉ đôi ta không trẻ nữa
Mắt thôi trong và tóc hết xanh
Nhưng trái tim ta còn thơm mãi
Hương vị cuộc tình em với anh”

Không đề tên tác giả 4 câu thơ nầy, nhưng nội dung chúng ta nhận được hình như bà viết cho ông. 55 năm sống với nhau. Tình nghĩa ấy đã thấm đẫm trong thịt da, trong máu huyết. Các con của ông bà muốn ca tụng tình nghĩa của ông bà bằng một đêm âm nhạc, để bố mẹ đọc được tấm lòng của các con. Quả thật các con của ông bà đã làm được một điều rất ý nghĩa và cũng rất ngoạn mục. Những người ngồi nghe chật ních hội trường từ đầu chương trình đến cuối chương trình, gần 1 giờ sáng mới chấm dứt. Tôi cũng không biết thế nào để diễn tả được đêm nhạc như thế nầy. Nó mang vóc dáng rất trí thức, những nhạc phẩm được chọn lọc kỹ càng. Các con của ông bà thể hiện một phong cách biểu diễn thỏi mái nên được thính giả thích thú.
Người điều khiển chương trình là thi sĩ Ngu Yên, rất duyên dáng trong vai trò của mình, cuốn hút thính giả bằng lối ăn nói đượm chút hài hước thâm thúy, sâu sắt. Trong chương trình đặc biệt có những cô cháu gái của ông (thế hệ thứ 3) vừa ôm đàn vừa hát, tạo nên một đêm nhạc dành cho ông bà một sự kinh ngạc của thính giả, thành công ngoài suy nghĩ của mọi người.
Sau khi nghỉ giải lao, đêm nhạc được tiếp nối bởi những ca sĩ thân hữu của gia đình. Những khuôn mặt mới lạ, những giọng ca chúng ta chưa từng nghe, nhưng chúng tôi phải công nhận rằng những ca sĩ nầy góp một bàn tay tạo nên đêm nhạc thêm phần mới lạ, bởi những giọng ca rất trưởng thành và hào hứng. Đêm nhạc chấm dứt lúc 1 giờ sáng ./

Phan Xuân Sinh
( viết từ Houston )



Duy Trác và hiền thê.

No comments:

Post a Comment