Monday, December 11, 2017


                          Nhà Văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị
                          ( ảnh Khôi Việt ) 


Đọc Vượt Tù, Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh

(Trường Sơn Lê Xuân Nhị)

Kính thưa quý vị:
Trước hết, tôi xin cám ơn tác giả Huỳnh Công Ánh đã cho tôi được cái hân hạnh lên đây nói về tác phẩm Vượt Tù, Vượt Biển của anh.  Đây là một vinh hạnh dành cho tôi.  Xin cám ơn anh.
Bây giờ là tháng 12 năm 2017, một chiều mùa đông lạnh giá, trước mặt tôi ngày hôm nay, tôi nghĩ hầu hết các quí vị đều là cụu quân nhân hay công chức hay gia đình của họ.  Có những người đã bị kẹt ở lại sau năm 1975, và đã chịu đừng không biết bao nhiêu là oan ức đọa đày, cay đắng oan nghiệt như anh Huỳnh Công Ánh là một. Và cũng có người may mắn thoát được năm 75, như tôi là một.
Trước khi đi vào mục chính là giới thiệu cuốn VTVB của anh Huỳnh Công Ánh, tôi xin phép được nói vài lời chân thật đến từ đáy lòng của một người lính đã may mắn qua đây năm 1975.
Kính thưa quý vị, trong cuộc đời chúng ta, có nhiều khi, chúng ta mang những nỗi niềm tâm sự, có thể là vui và cũng có thể buồn, muốn nói ra nhưng chưa bao giờ có dịp.  Những nỗi niềm thầm kín, có khi chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc, nhưng cũng có khi kéo dài đến một năm, 2 năm, hoặc 30 năm, như trường hợp của tôi.  Riêng tôi, hôm nay, nhân dịp ra mắt sách của anh Huỳnh Công Ánh, xin quí vị cho tôi nhân dịp này được bày tỏ tâm sự thầm kín mà tôi đã ấp ủ trong đáy lòng suốt 30 năm qua…
Tâm sự của tôi đó là, tôi muốn có một dịp nào đó, được đứng trước một cử tọa hay một nhóm anh em HO và gia đình, để nghiêng mình cám ơn và tạ lỗi với các anh chị em.  Cám ơn các anh đã hy sinh chịu nạn thế cho cả miền Nam Việt Nam, trong đó có tôi, và tạ lỗi vì chúng tôi đã bỏ các anh chị em ở lại với bày quỹ dữ.
Ngày xưa, trong cơn binh lửa, các anh là những kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất, chịu hy sinh, đau khổ và bất công nhiều nhất.  Rồi đến lúc tàn cuộc binh đao, các anh lại chính là những người bị trả thù tàn nhẫn nhất, bị lăng mạ và vu khống nặng nề nhất.  Mọi thứ tội ác trên đời này đều được đổ lên đầu các anh.  Các anh chẳng có tội gì cả ngoài tội sinh ra trong thời chiến, đất nước bị xâm lăng, các anh phải mặc áo nhà binh để bảo vệ non sông tổ quốc.  Trong suốt 20 năm trời chiến đấu anh dũng, nhiều người trong các anh đã gục ngã, và những người còn lại như các anh đây, vẫn một lòng sắt son chiến đấu, bảo vệ từng con đường, từng thước đất, đem lại an vui no ấm cho dân chúng miền Nam.  Nhưng nửa đường, đất nước của chúng ta chẳng may bị người bạn đồng minh bán đứng cho giặc thù, các anh kẹt ở lại để bị hành hạ trả thù, để chịu nạn thay cho tất cả dân tộc, cho tất cả chúng tôi.  Những oan khiên uất hận, những tủi nhục đắng cay của các anh và vợ con gia đình của các anh phải gánh chịu trong những ngày tháng đó không có bút mực nào tả cho hết được.  Những giòng lệ, những hàng nước mắt của các anh và gia đình các anh đã đổ ra trong những tháng ngày u tối cơ cực đó còn nhiều hơn cả biển Thái Bình Dương.
Nhưng, dù trong chốn tù ngục và sau đó, những tháng ngày cơ cực đói rách, các anh đã âm thầm chịu đựng, âm thầm giữ mãi được tấm lòng sắt son với tổ quốc, âm thầm giữ vững được đạo làm người, và quan trọng hơn cả, đạo làm lính của một chiến sĩ QLVNCH.
Các anh đã kiên cường bước qua được mọi thử thách, mọi đau thương tủi nhục, và cuối cùng cũng bước sang được nơi bến bờ tự do, cho dù đã quá trễ.  Các anh sang đến bến bờ tự do sau khi tuổi thanh niên tràn đầy sức sống và quý giá nhất của cuộc đời mình đã bị tiêu xài và hủy diệt qua những trại tù CS nơi rừng sâu núi thẳm, khi sức khỏe đã bị tàn phá sau nhiều năm trời bị hành hạ dã man và ăn uống thiếu thốn.  Các anh đến bến bờ tự do khi tóc đã ngả màu, khi sức đã yếu, khi mắt đã mờ.  Và cuối cùng, các anh chỉ còn có hai bàn tay trắng và một linh hồn rướm máu.
Nhưng đối với những con người đã trưởng thành trong máu lửa và tủi nhục như các anh thì không sao cả.  Hễ còn sống là ta còn hy vọng.  Những trại tù dã man tàn bạo của bọn Cộng Phỉ ngày xưa đã không tiêu diệt các anh được thì ở nước Mỹ tự do này, có chuyện gì mà các anh không làm được.  Các anh đã ra đời, lăn xả đi làm đủ mọi thứ việc, không nề hà gian khổ, quần quật ngày đêm, để nuôi gia đình, lo lắng cho con cái được ăn học nên người.
Và trời có mắt, rất nhiều người trong các anh đã thành công, tạo dựng được những sự nghiệp đồ sộ to lớn, làm hãnh diện cho những cộng đồng Việt Nam tị nạn.  Những người còn lại, tuy không có được những sự nghiệp to lớn, nhưng cũng đã tạo được một cuộc sống vững vàng trên đất mới, nuôi nấng con cái nên thân nên người.
Thử hỏi, trên cõi đời này, hoặc ngay cả trong lịch sử cổ kim, đã có những cuộc sống nào bi thương nhưng đầy hào hung bất khuất, đầy kiên nhẫn, đầy hy sinh như cuộc đời của các anh?
Kính thưa các anh, những người đã không may bị kẹt ở lại và phải chịu nạn dùm cho cả dân tộc, tôi xin ghiêng mình kính phục các anh.  Đối với tôi, các anh chính là những anh hùng của dân tộc.
42 năm qua, tôi chưa hề nhìn thấy hay đọc được một lời cảm ơn nào của những người đi trước dành cho các anh, những người ở lại.  Hôm nay, nhân dịp ra mắt sách này, tôi xin đại diện cho những người đi trước, xin nghiêng mình cám ơn và tạ lỗi với các anh.  Cám ơn các anh đã chịu nạn dùm cho cả dân tộc, và tạ lỗi vì đã bỏ các anh ở lại với quân thù trong những giờ phút đen tối nhất của quê hương mình.
Đây là những lời chân thật đến từ đáy lòng tôi, một người lính QLVNCH, một người đã từng được hãnh diện cùng đứng chung với các anh dưới một lá cờ và cầm súng để chiến đấu chống bọn CS xâm lược, bảo vệ non sông tổ quốc…(*)
Chào…
Kính thưa quý vị, một trong những người lính QLVNCH ngày xưa còn kẹt lại và đã ở tù chịu trăm ngàn đắng cay, đã vượt ngục, vượt biển hai lần mới sang đến được bến bờ tự do và thành công vĩ đại, không phải một lần mà nhiều lần nơi xứ người, đó là anh Huỳnh Công Ánh, một chiến sĩ của QLVNCH (Tốt nghiệp Trường BB Thủ Đức khóa 3/68--đại đội trưởng đại đội 40 trinh sát của trung đoàn 40, sư đoàn 22 BB).
Vượt Tù Vượt Biển là một hồi ký của một người tù, một người vượt ngục, một người vượt biển, một người nghệ sĩ và cuối cùng, là một… triệu phú … ba bốn lần. 
Vượt Tù Vượt Biển dày tổng cộng 808 trang, nặng gần 3 pounds, đúng hơn là 2.74 pounds. Nói có sách mách có chứng, chuyện này tôi đã đo lường kỹ lưỡng, ai muốn kiểm chứng lại xin cứ tự nhiên.  Cuốn sách được in ấn rất là công phu, chữ lớn Times Roman cỡ 13 points, rất dễ đọc cho những người mắt bắt đầu kém như anh em chúng ta.  Bìa cuốn sách dày và cứng, được trình bày rất mỹ thuật, với hình của tác giả, râu ria xồm xoàng coi rất là ngầu, rất là … trinh sát bộ binh, bên cạnh một cây đờn gui-ta, coi rất là nghệ sĩ.  Chả trách gì anh ta có lắm đào, từ những ngày còn đi học, cho đến khi đi lính, ngay cả khi đi tù và sang tới Mỹ… (Tôi xin tự stop ở đây, không có thì lại có chuyện.
Đặc biệt hơn cả, và có lẽ đây là lần đầu tiên trong cộng đồng hải ngoại, một cuốn hồi ký có 2 phần, Việt ngữ và Anh Ngữ.  Phần Việt Ngữ dày 370 trang với nhiều hình ảnh của tác giả và nhân chứng sống với những bản đồ.  Phần Việt ngữ gồm 21 chương, bắt đầu từ ngày mất nước mà tác giả gọi là “Tan hàng” ở chương thứ nhất.  Đến chương 20 tác giả mới bắt đầu nói về thời thơ ấu.  Và cuốn sách “tạm chấm dứt” ở chương 21, với tựa đề “Vào Đời”, để kể lại sơ qua về thân thế của mình một cách rất là đơn giản khiêm nhường.  Đơn giản khiêm nhường nhưng cũng có vài đoạn rất là lý thú mà tôi sẽ nói sau.
Phần Anh Ngữ dày 438 trang cũng với rất nhiều hình ảnh và tài liệu.  Tôi không rờ tới phần này nên không có gì để nói ở đây, nhưng tôi sẽ nói về lý do tại sao có phần tiếng anh này sau.
Kính thưa quí vị, người ta, nhất là “người ta” ở trên đất Mỹ tự do này, ai cũng có lý do và có quyền để viết hồi ký, kể lại cuộc đời mình.  Sau 42 năm tại hải ngoại, tôi đã đọc nhiều hồi ký, cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt.  Và tôi đã đi đến một kết luận như sau đây từ nhiều năm trước.  Theo tôi, hồi ký chỉ có 2 loại: Loại thứ nhất là hồi ký… bố láo và loại thứ hai, loại hồi ký chân thật, viết bằng máu, mồ hôi và nước mắt của tác giả.  Tôi đã từng đọc hồi ký của một anh… bán phở và thú thật với quí vị, dù anh chỉ là một người mở tiệm phở tầm thường, nhưng hồi ký của anh rất trung thực, kể lại sự gian truân của mình vào những ngày đầu tiên ơi đất khách, và cuối cùng là sự thành công.  Tôi đã học được rất nhiều nơi một người bán phở tầm thường này.  Anh không dấu diếm chuyện xuất thân nghèo hàn của mình, anh kể lại những chặng đường khó khăn mà mình đã đi qua, bị khinh bỉ, bị lường gạt như thế nào, nhưng nhờ ý chí sắt đá, cuối cùng anh đã thành công.  Tôi cũng đã từng cố gắng đọc hồi ký của một vài anh cựu tướng, cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt, để sau vài trang là phải muốn nôn mửa, không thể nào tiếp tục đọc được.  Như một anh tướng không quân suốt đời bố láo kia, mướn người viết hồi ký bằng tiếng Mỹ để tự thổi phồng mình lên một cách trơ trẽn, lố bịch.  Hắn sinh ra con nhà giàu, học trường Tây từ nhỏ đến lớn, đi lính cho Tây, thế mà cũng viết hồi ký kể rằng ngày xưa mình đã từng đi kháng chiến chống Tây rồi bị bệnh phải trở về nhà để lòe bịp người Mỹ.  Có lẽ nó biết không thể nào lừa bịp được người Việt Nam nên mới mướn người viết bằng tiếng Mỹ.  Nhưng cuốn hồi ký bố láo đó in được vài trăm cuốn, dùng để tặng bạn bè vì bán chẳng ai mua, và ngay cả người được tặng cũng chẳng có ai thèm đọc.  Cũng có những anh tướng khác viết hồi ký để tự tôn vinh mình lên chín tầng mây và chạy tội với đồng bào, đổ trách nhiệm cho người khác, vân vân.  Tôi chỉ muốn nói lên một điều ở đây là người Việt hải ngoại, sau bao nhiêu năm luân lạc, chúng ta bây giờ đã trưởng thành, không ai còn có thể lừa bịp chúng ta được nữa.
Vượt Tù Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh là một hồi ký chân thật, được viết từ đáy trái tim rướm máu của một người lính QLVNCH.
Huỳnh Công Ánh vào tù Việt cộng năm 75, vượt ngục năm 80, vượt biển năm 81, và sau khi sang Mỹ, đã trở thành một người hoạt động cho Nhân Quyền, thành lập nhiều đoàn thể, nhiều phong trào như Hưng Ca vân vân, nhưng mãi đến năm 2016, tức là gần 35 năm sau, anh mới viết hồi ký. 
Lý do tại sao phải mất 35 năm mới viết được hồi ký?  Đây là lời giải thích của anh nơi trang 18:
“Tôi nghĩ rằng, kể lại một chuyện cũ khi lòng mình đã lắng xuống, khi mình có thể nhìn sự việc bằng tất cả sự trung thực, không bị hận thù hay phẫn uất ám ảnh, chuyện kể sẽ trong sáng và khách quan hơn.  Và dẫu 35 năm, nhưng những đoạ đày vẫn còn trong tiềm thức.  Người Mỹ gọi đó là PTSD (bị chấn thương tâm lý sau khủng hoảng).  Cho nên, thỉnh thoảng nửa đêm, tôi vẫn bỗng ôm mền chạy, hay vùng vẫy thật mạnh đến độ đá vào mông người bạn chung chăn gối với mình.
Ở tuổi thất thâp cổ lai hy, tôi càng không có nhu cầu được nổi tiếng hay được khen tặng.  Nhưng tôi nghĩ đến tuỏi trẻ Việt Nam, đến các con tôi và thế hệ sau nữa, tôi muốn họ hiểu về những thăng trầm, oan nghiệt của đời người mà thế hệ trước họ đã phải đi qua, trong giai đoạn đen tối nhất của lịch sử, để họ có thể thông cảm hoặc may ra, rút tỉa chút kinh nghiệm quý báu….”
Sau khi tôi đọc xong phần này của anh thì tôi hiểu tại sao cuốn Vượt Tù Vượt Biển lại có hai phần, Việt ngữ và Anh Ngữ.  Anh muốn cho con cháu mình, nếu chúng nó muốn tìm hiểu thêm chút ít về cội nguồn của chúng nó, chúng nó có thể dựa và cuốn sách này để phần nào biết được cha ông chúng nó đã sống và chiến đấu như thế nào….
Kính thưa quý vị, thường thường, trước khi đọc một cuốn hồi ký, chúng ta phần nào cũng đã đoán được chuyện sẽ bắt đầu như thế nào, và đoạn kết ra sao.  Nhưng với VTVB, tôi hoàn toàn không đoán được, vì cuộc đời anh, có thể nói, là giang hồ ngoại hạng, lên voi xuống chó, và thêm một phần quan trọng nửa không thể không nói ở đây, là đào hoa tại số, đi đâu cũng dính đào, ngay cả khi ở tù, và cũng nhờ đào mà vượt ngục được.
Chuyện vượt ngục của anh dù có nguy hiểm nhưng khá êm trôi, không mạo hiểm ly kỳ nhiều cam go thử thách như Lý Tống, nhưng điểm quan trọng là đạt được mục đích của mình, đó là thoát khỏi xiềng xích của Việt cộng.  Nhưng những gì xảy ra sau khi anh ra khỏi tù cũng hấp dẫn không kém.  Vượt biển hai lần và cuối cùng thì trở thành thuyền trưởng bất đắc dĩ và cứu được nhiều người…
Lý do tôi nói anh viết hồi ký rất chân thật vì trong đó, anh đã viết tên tuổi của những nhân chứng sống đã từng quen biết anh, ngay cả hình ảnh và tên tuổi của người đã từng giúp anh khi anh đào thoát …
Đọc hết 21 chương của Vượt Tù Vượt Biển, chương nào cũng hấp dẫn, nhưng có 3 điều đặc biệt tôi để ý ở đây và muốn chia sẻ cùng quí vị.
Thứ nhất, Huỳnh Công Ánh là một đại đội trưởng trinh sát ngoại hạng.
Nếu ai đi lính thì chắc biết hai chữ Trinh Sát.  Quân đội ta, mỗi một sư đoàn, mỗi trung đoàn hay một tỉnh, đều có một đại đội trinh sát.  Trinh sát là một đơn vị ưu tú nhất của đơn vị, toàn những người tình nguyện, đa số là dân giang hồ hảo hán, được huấn luyện đặc biệt dùng để đánh đột kích, nhảy vào lòng địch hay nhận những công tác đặc biệt mà những đơn vị bộ binh thường không làm nổi.  Đại đội trưởng trinh sát luôn luôn được tư lệnh đích thân chọn lựa sau khi đã điều tra kỹ càng.
Huỳnh Công Ánh đã được chọn làm một đại đội trưởng trinh sát thì phải biết anh là một người tài hoa như thế nào rồi, khỏi cần phải giới thiệu thêm ở đây.
Ở chiến trường Kontum hổi ấy có ngọn đồi, gọi là đồi số 5.  Việt cộng đóng chốt ở đây, trung đoàn 40 đã đem nhiều tiểu đoàn lên đánh chiếm, với không biết bao nhiêu phi pháo yểm trợ vẫn không chiếm được.  Một hôm họp hành quân cấp trung đoàn, đại đội trưởng trinh sát Ánh tình nguyện đem đại đội mình lên chiếm ngọn đồi.  Đề nghị của anh làm cho mọi người ngạc nhiên vì đã mấy tháng qua, bao nhiêu tiểu đoàn đã đánh mà không ai chiếm được, làm sao một đại đội trinh sát có thể làm được việc này.  Đại đội trưởng Ánh cho biết kế hoạch của anh:
-Xưa nay, mình không chiếm được vì Việt cộng ở lưng chừng đồi, mình đánh dưới đánh lên, chúng nó đã đào sẵn hầm hướng mũi xuống để chờ mình.  Bây giờ tôi xin cho trực thăng thả chúng tôi xuống đỉnh đồi, chờ tới đêm, chúng tôi từ trên đánh xuống, đánh sau lưng chúng nó và đánh bằng lựu đạn, tụi nó sẽ không trở tay kịp.
Và đúng như anh nghĩ đại đội trinh sát của đại úy Huỳnh Công Ánh đã chiếm lại ngọn đồi chỉ trong vòng một đêm với tổn thất rất nhỏ.  Và nhờ chiến công này, anh đã được bầu làm chiến sĩ xuất sắc năm 1972, và được về dinh Độc Lập dự tiệc với tổng thống.
Thứ hai, một chuyện lạ lùng—thân phụ hiện về cho gia tài.
Hồi đó anh thuộc tiểu đoàn 4, trung đoàn 40, tại Bồng Sơn, đóng trên một ngọn đồi.  Một đêm, anh thấy cha anh hiện về, bảo anh phải lo cho gia đình.  Nói xong, ông lấy ra một lá chuối khô mà dân quê thường dùng để đựng thuốc lá.  Anh nhìn thấy 2 con số 6 ở trên bao thuốc lá.  Sáng sớm tỉnh dậy, anh gom góp hết tiền bac, cầm luôn cả đồng hồ, vay mượn thêm tiền và đánh vào con số 66.  Không ngờ anh trúng thật. Và đó là lần anh trở thành triệu phú lần thứ hai.
Riêng tôi, đọc xong phần này thì tôi phải lắc đầu mà nhận xét, “Cha này kể ra cũng liều mạng thật.  Nếu như đánh không trúng thì biết lấy tiền đâu mà trả nợ hay ăn uống.”
Thứ ba, một nhận xét của cán bộ Việt cộng nói về những sĩ quan miền Nam Việt Nam.  Xin trích nguyên văn:
Tôi theo dõi và thấy các anh là những người có trình độ.  Ví dụ như làm thợ mộc.  Tôi biết các anh từ trước đến nay chưa hề làm nghề này, nhưng khi được giao nhiệm vụ hì các anh làm cũng rất đạt.  Không phải chỉ nghề mộc mà bất cứ chuyện gì cũng vậy.  Từ đi rừng, lợp nhà hay chăn nuôi, các anh đều có sang kiến, lanh lợi và thông minh để hoàn tất công việc…”
Cuốn hồi ký còn nhiều chuyện, nhiều tình tiết khác rất là hấp dẫn, tôi không muốn làm mất thì giờ của quí vị ở đây.  Như trên tôi đã dùng chữ cuốn hồi ký “Tạm chấm dứt” ở chương 21 vì theo lời tác giả, cuốn tiếp theo sẽ được trình làng trong những ngày sắp tới.
Tóm lại, Vượt Tù Vượt Biển là một cuốn hồi ký có giá trị.  Giá trị bởi vì nó chân thật, tả lại một cuộc đời bi hùng của một người lính QLVNCH, dù trong gông cùm hay bão tố, vẫn giữ được đạo làm lính của một chiến sĩ QLVNCH.  Giá trị bởi vì các hành văn của tác giả rất là ngắn gọn, dễ hiểu dễ đọc.  Giá trị bởi vì man mác đó đây trong cuốn sách, chúng ta nhìn thấy được những bỉ ổi hèn hạ của bọn Cộng Phỉ, và sự hào hùng bất khuất của những người lính QLVNCH.

Xin long trọng giới thiệu cũng quí vị Vượt Tù Vượt Biển và cám ơn quí vị đã bỏ thì giờ để nghe tôi nói chuyện.

..................
(*) Cám ơn anh Trường Sơn Lê Xuân Nhị với những lời rất chân tình khi anh nói về cuộc chiến VN, về bạn bè đồng ngũ của anh. 

"....trong cuộc đời chúng ta, có nhiều khi, chúng ta mang những nỗi niềm tâm sự, có thể là vui và cũng có thể buồn, muốn nói ra nhưng chưa bao giờ có dịp.  Những nỗi niềm thầm kín, có khi chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc, nhưng cũng có khi kéo dài đến một năm, 2 năm, hoặc 30 năm, như trường hợp của tôi.  Riêng tôi, hôm nay, nhân dịp ra mắt sách của anh Huỳnh Công Ánh, xin quí vị cho tôi nhân dịp này được bày tỏ tâm sự thầm kín mà tôi đã ấp ủ trong đáy lòng suốt 30 năm qua…
Tâm sự của tôi đó là, tôi muốn có một dịp nào đó, được đứng trước một cử tọa hay một nhóm anh em HO và gia đình, để nghiêng mình cám ơn và tạ lỗi với các anh chị em.  Cám ơn các anh đã hy sinh chịu nạn thế cho cả miền Nam Việt Nam, trong đó có tôi, và tạ lỗi vì chúng tôi đã bỏ các anh chị em ở lại với bày quỹ dữ..."

Không có gì phải tạ lỗi vì điều đó, anh ạ. Khi vận nước đến hồi điêu linh, ra đi hay ở lại không nằm trong sự lựa chọn của chúng ta...Hãy hãnh diện rằng, ít ra chúng ta đã sống xứng đáng trong suốt quãng đời binh ngũ của mình. 
Chính Phủ VNCH chưa cấp cho các anh  Chứng Chỉ Giải Ngũ , nên các anh vẫn là người lính mà, đúng không ? 
Trong tim các anh vẫn ấm áp ngọn lửa của Tổ Quốc- Danh Dự -Trách Nhiệm..dù Tổ Quốc không chọn mình làm chốn dung thân..Vậy thì, có gì để ân hận hả anh ?

No comments:

Post a Comment