Wednesday, May 30, 2018


                           Tìm mồi. ( ảnh KV)


...từ Góc bếp
( Khôi Việt )
· 
Bây giờ là năm thứ hai, cặp vợ chồng chim lại về chỗ cũ đẻ trứng, làm tổ. Phải nói rõ là làm tổ vì sau khi chúng tíu ta tíu tít bay ra bay vô tha cỏ vào, tôi xách cái ghế trèo lên dòm, thấy bọn chúng làm một cái tổ xinh xắn tròn trĩnh. Sát bên cái tổ cũ năm trước. Không biết chúng nó thuộc giống chim gì. Nhưng xinh xắn lắm. Nhìn nhỏ hơn chim Sẻ, màu lông có màu cam nhạt, hơi xám một chút. Em thì thắc mắc tại sao bọn chúng không đẻ trứng vào tổ cũ cho khoẻ, cần gì phải làm tổ mới.
Chẳng hiểu sao chúng nó lại biết đường để lần mò vào góc khuất của ngôi nhà nhỏ này từ bao giờ. Đây là nơi chúng tôi nấu nướng cho khỏi hôi trong nhà, cũng là chỗ ngồi uống cà phê, trà, sáng và chiều khi đi làm về. Cũng là chỗ ngồi nghe nhạc, nhìn ra vườn hoa nở chim hót. Tôi làm ngôi nhà nhỏ này sau khi mua nhà. Đặt tên nó là Quán Bếp, với bạn Mỹ tôi nói đây là Coffee Station, cho oai. Chúng tôi ngồi bên góc trái, nhìn lên góc tay phải, chỗ ấy là tổ của chúng nó, nơi tiếp giáp của mái nhà với đầu tường ván gỗ. Một chỗ êm đềm, không phiền hà đến ai, chẳng sợ mưa gió, cũng như chồn cáo không thể mò tới được.
Những ngày mưa uống trà nhìn cây lá oằn mình lạnh lẽo, em hay nghĩ tới những con chim ngoài trời không biết chúng nó trú ở đâu? Rồi lúc trời lạnh thì sao? Tôi nói, thì chúng nó chui dưới những tàng cây thôi, lông chim đâu có thấm nước. Sao em khéo lo. Nói thế nhưng tôi cũng thấy tội nghiệp. Chắc chúng nó cũng ướt và lạnh, như người ta thôi.
Hình như chúng nó quen mặt hai đứa tôi rồi, vì nhiều lần ngồi uống cà phê hoặc nấu nướng, vẫn thấy bay vào tỉnh queo, chẳng coi ai ra gì cả. Nhưng trước khi bay vào tổ, cũng đậu trên cành cây, hoặc đậu trên chậu hoa treo trước cửa ngó dáo dác rồi mới bay vào. Chúng nó hẳn cũng có tâm hồn nghệ sĩ, thích nghe nhạc. Chỉ đôi khi hơi phiền vì mùi thịt, cá kho, phở. Chắc thế.
Hai vợ chồng nó ríu rít làm tổ đâu chừng gần tuần lễ thì đi mất một đứa. Lại bắc ghế nhìn vội vào, thấy chỉ có một đứa đang nằm. Chắc chắn đây là cô vợ đang ấp trứng. Anh chồng giờ biệt tăm, không biết đi đâu, làm gì, để vợ mình trơ trọi như vầy. Tệ quá. Thỉnh thoảng mới thấy nó bay ra, chắc đi kiếm gì ăn, rồi lại vội vàng bay vào. Nghĩ cũng buồn cười thiệt. Chim vô nhà làm tổ mà hai chúng tôi rình rập nhìn ngó như đi ăn trộm. Em đôi lúc còn nói tôi nhìn nhiều chúng nó sợ, sẽ bỏ đi nơi khác. Năm nay nó cũng đẻ 3 trứng như năm trước.
Buổi sáng đang ngồi uống cà phê, nghe tiếng chim kêu ríu rít. Chim con ra đời đây rồi. Vẫn không dám bắc ghế nhìn. Chim mẹ ủ con, nên rất ít ra ngoài kiếm ăn. Đợi mãi mấy hôm sau nhìn vô thấy 3 chú chim đỏ hỏn, đầu trọc lóc thương quá chừng.
Chim mẹ bay đi kiếm mồi cho con suốt ngày. Quan sát kỹ mới thấy loài chim cũng có tình mẫu tử chẳng khác gì người. Thoắt cái nó tha mồi về, thoắt cái nó bay đi, một ngày dễ chừng vài chục lần. Thường là mấy con sâu nhỏ xíu. Ở Việt Nam tôi vẫn nghe nói tới chim sâu, nhưng chả để ý chúng nó mầu sắc ra sao. Chắc con chim này cũng họ hàng. Bây giờ chúng tôi có thêm cái thú ngắm chim mẹ bay vù ra ngoài. Rồi vội vàng bay về với cái mỏ ngậm một con sâu, nhìn dễ thương vô cùng, hoặc một vật gì đen đen không nhận ra, mấy ngày trước em nhìn thấy nó ngậm một miếng lá non. Vậy là loài chim cũng ăn rau, chứ không chỉ là các loại hạt cỏ và sâu bọ.
Sáng nay chim mẹ tha mồi về, chưa tới cửa đã kêu chíp chíp vội vã khác hẳn ngày thường. Em tôi sợ không biết chuyện gì. Nhưng tôi thì đoán nó kêu con, dụ cho con nó tập bay. Cũng mấy tuần rồi còn gì. Lúc chim mẹ bay đi. Tôi leo ghế nhìn vào. Ba chú chim giờ lông cánh đầy đủ, lớn lắm. Chắc nó sắp bay được rồi em.
Sau khi đi chợ về, ra quán ngồi nhâm nhi cà phê tiếp. Chợt sao nghe vắng lặng, không nghe tiếng kêu non nớt quen thuộc. Chúng nó đi hết rồi. Nhưng lúc sáng em còn thấy nó bay còn yếu lắm mà. Chắc mẹ nó kè nó ra tập bay. Tôi nói. Hai chúng tôi đứng trước cửa quán, nhìn ra đám cây sau vườn, buồn. Cho dù đã biết sẽ có ngày chúng bay đi.
Đột nhiên tôi nhìn xuống cái phông tên nước, cũng là chỗ để chim trong vườn, thường là mấy chú Blue Jay, hoặc chim Sẻ tới uống nước nhiều nhất. Tôi thấy một vật nâu xám nhỏ xíu đang cựa quậy. Ôi! Chú chim con đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chắc mẹ nó tập bay cho nó rồi rơi vào đây. Tôi vội vớt nó nên, chạy vào nhà lấy giấy lau tay thấm nước cho nó. Chắc lạnh. Nên cu cậu run quá chừng. Lấy máy sấy tóc thổi ấm cho khô. Bỏ nó vào cái thố có nắp. Phải đi mua cái gì cho nó ăn. Trước khi đi tôi và em rảo quanh trong vườn kiếm mà chẳng thấy con sâu bọ nào. Cũng chẳng thấy bóng dáng chim mẹ đâu, chắc nó mang hai đứa con kia đi xa rồi. Tôi lái xe ra Petsmart. Nơi tôi thường mua đồ ăn cho con thỏ và con Hamster dễ thương của tôi.
Người thâu ngân nói tôi đi thẳng ra sau tới chỗ pet hospital. Cô bác sĩ trẻ măng tóc vàng sợi nhỏ nói tôi nên trả nó về thiên nhiên tốt hơn. Tôi biết, nhưng bây giờ nó đang lạnh run như vầy, lại bay chưa vững, chung quanh nhà đủ loại chồn cáo mèo hoang. Tôi không bỏ nó ra ngoài được. Tôi nói. Cô cho tôi biêt cần mua loại sâu bọ gì đó cho nó ăn, một vài ngày nữa nó khoẻ hơn, tôi mới thả nó.
Cô bác sĩ lắc đầu: tôi không đề nghị được, vì không biết mẹ nó cho ăn thứ gì. Cho ăn không đúng nó sẽ chết. Cô viết cho tôi số điện thoại và địa chỉ của National Wildlife Refugee. Hôm nay Chúa Nhật. Chắc họ không làm việc. Nhưng nếu có, ông bỏ tại đấy cho họ săn sóc.
Trên đường về, tôi gọi số đó, nhưng chẳng có ai. Thôi! Mang về nhà kiếm sâu bọ cho nó ăn chắc cũng chả sao. Chú chim giờ có vẻ cũng khoẻ khoắn, đã đứng thẳng lên được, không nằm mẹp như trước.
Vừa lái xe tôi vừa nghĩ thầm. Đúng là nước Mỹ. Có một con chim nhỏ xíu mà phải ăn cho đúng. Phải nên mang tới đúng nơi, đúng chỗ cho người ta chăm sóc. Cô bác sĩ này qua Việt Nam thấy người ta bán những xâu chim Mía, chim Sẻ nướng thì sẽ nghĩ sao nhỉ. Chắc sẽ xỉu ngay tại chỗ. Cô mà thấy người ta dùng lưới bẫy một lúc cả đàn chim Sẻ tại nước tôi thì chắc cô sẽ khiếp sợ như xem phim kinh dị. Tôi lẩn thẩn nghĩ tới chính mình.Hình như tôi cũng đã quá thay đổi. Tôi ngày xưa xem bắn chim như một thú tiêu khiển rất bình thường. Giờ chỉ một chú chim nhỏ, đã cuống quýt như sợ nó chết tới nơi.
Về đến nhà. Mang nó ra vườn ngồi cầu may, để nó kêu không chừng mẹ nó còn lòng vòng đâu đây. Mà may thật, đâu chừng nửa tiếng sau chim mẹ rối rít bay lại. Tôi mở nắp đậy. Chim con chập chững lập cập bay theo chim mẹ lên cây Magnolia.
Em tôi buồn. Sang năm tụi nó lại về làm tổ cho em nhìn ngắm mà lo gì. Cầu xin chim mẹ bình yên. Hay là mình mua mấy con chim về nuôi đi em.
Nguyễn Khôi Việt.

No comments:

Post a Comment