Tuesday, May 22, 2018

           CD nhạc : Góp Chút Hương Cho Đời
           Tập truyện : Mưa Nắng Bên Đời
           Tác Giả: YÊN SƠN

Bài giới thiệu của nhà thơ Bùi Huy
về tác phẩm Mưa Nắng Bên Đời của Văn-Thi- Nhạc sĩ YÊN SƠN 
trong buổi ra mắt tuyển tập truyện ngắn MNBĐ 
và CD nhạc " Góp Chút Hương Cho Đời"
được tổ chức tại Houston. TX ngày 20.5.2018.

Yên Sơn
MƯA NẮNG BÊN ĐỜI

Người ta hay nói: Văn tức là người.  Vậy thì đọc văn Yên Sơn chúng ta thấy gì ở con người ấy? Có nghe thấy tiếng quyền tiếng cước vù vù của Đệ Mấy Đẳng Huyền Đai đó không?
Nhà văn Nguyễn mạnh An Dân trong phần lời tựa cũng bảo: Yên Sơn viết văn không phải để giải trí cho mình, mà cũng không phải để giải trí cho người đọc. Thế thì Yên Sơn viết văn để làm gì vậy? Và chúng ta, những người độc giả đọc văn Yên Sơn, nếu đọc không phải để giải trí thì chúng ta đọc để làm gì?
Thưa quý vị, tôi không thể nói hộ anh Yên Sơn là anh ấy viết văn để làm gì.(Tí nữa lên đây, mong là anh sẽ bật mí cho mọi người cùng biết.) Nhưng trong tư cách một người đọc, tôi xin vụng về trả lời câu hỏi:Tôi đọc văn Yên Sơn để làm gì? Dĩ nhiên, câu trả lời chỉ dựa trên cái nhìn cổ hủ, quê kệch của tôi.
Tôi đọc văn Yên Sơn tôi thấy mình yêu dân tộc, yêu đất nướcViệt Nam này quá đi thôi. 
Làm sao không yêu được cái đất nước có những con người lành như cây cỏ, hồn nhiên như nắng mưa, khí khái, chính trực như trong truyện cổ tích, như Yên Sơn Trương Nguyên Thuận. Trên trang bìa của tác phẩm này là hàng chữ tựa đề “Mưa Nắng Bên Đời”.  Bên dưới là hàng chữ “Tuyển Tập Truyện Ngắn”. Tôi đọc xong, gấp sách lại, bồi hồi, ngẫm nghĩ: Đây là một truyện dài, chứ không phải là một tập truyện ngắn.  Tuy nó được cắt ra thành từng lát, từng truyện riêng rẽ.  Nhưng có một sợi dây xuyên suốt, kết nối những mẩu chuyện ấy lại với nhau.  Nó là câu chuyện dài của một thanh niên Việt Nam, từ lúc thơ thẩn giữa núi sông, ruộng đồng nước Việt, lớn lên giữa tình thương yêu của cha mẹ, anh em, xóm giềng bè bạn, đến lúc lớn khôn, nghe thấy thôi thúc trong lòng tiếng gọi của trách nhiệm, tiếng gọi lương tri của kẻ sĩ sống giữa thời đao binh, loạn lạc. Không muốn đi theo con đường hoạn lộ trở thành bác sĩ, anh mộng trở thành một phi công phản lực bay tới tận cung Hằng ngắm nàng Hằng Nga xinh như mộng, rồi lộn trở về bảo vệ non sông, gìn giữ tự do cho dân tộc. 
Ông Trời chỉ chìều anh một nửa, không cho anh có cơ hội lái phản lực, nhưng mở lối cho anh sang Mỹ học lái máy bay chong chóng, rồi trở về lái may bay bắn đại liên yểm trợ đồng đội ở dưới đất. Nhưng tai ương đã vội chụp xuống miền Nam, biến cố lịch sử ấy đã đưa đẩy chàng thanh niên ấy sang đất Mỹ, và đến đây, tại căn phòng này. Những năm đầu tiên sau 1975, người Việt tỵ nạn đặt chân trên đến đất Mỹ được rải tung ra khắp nơi, khắp các tiểu bang, sống tan hoà vào cái xã hội mới, với đầy những bỡ ngỡ trước lối suy nghĩ, cách sống, cách ăn uống khác hẳn những gì mình quen thuộc từ trước đến giờ.  Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi cách khác nhau, đã đương đầu với sự va chạm của hai nền văn hoá dị biệt.  Và cái cách đương đầu, ứng xử ấy chính là nét son của cái gọi đích danh là văn hiến dân tộc, mà với nó, chúng ta, những người dân miền Nam nước Việtđã hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.  Câu chuyện đời trên đất Mỹ của người thanh niên phi công ấy trong 43 năm vừa qua là một chuỗi những kỷ niệm tương tự như mỗi chúng ta đã gặp, nhưng ở Yên Sơn chúng có những nét đặc thù, cảm động, hào hứng, gay cấn riêng của nó.  Nhất là cái cách ứng xử của anh trong trường hợp sau đây mà tôi phải ngả nón khâm phục.  Đang ở cái tuổi trên dưới 30, xuân tình trong lòng đang phơi phới, trước sự tỏ tình và mời gọi của một người con gái đang dậy thì, cháu nội của ông bà sponsor, mà chàng phi công của chúng ta đã có thể đẩy người con gái ấy ra thì tôi phải gọi anh là Khổng Phu Tử. Anh Nguyễn Mạnh An Dân đã ví von là Yên Sơn có bàn tay sắt và trái tim lụa. Cách so sánh thật là khéo duyên. Cứng như sắt, và mềm như lụa.  Nhưng tôi trộm nghĩ trái tim ấy có lúc nó cũng không mềm đâu. Hoả đang bốc trong người mà đẩy được thân hình con gái mơn mởn ra thì trái tim Yên Sơn lúc ấy chắc phải cứng hơn kim cương.
Tuyển tập truyện ngắn, hay đúng hơn, “truyện dài” Mưa Nắng Bên Đời của Yên Sơn, là một tuyển tập góp nhặt những kinh nghiệm sống như thế.  Những chuyện buồn vui, hạnh phúc, đau khổ, thành công, thất bại, chuyện nuôi dưỡng dậy dỗ con cái, chuyện vừa hãnh diện vừa lo âu khi tiễn con lên đường tham chiến ở Iraq, vân vân, tôi không thể nào kể hết ra đây được. Nhưng quý vị, là những kẻ lưu vong trên đất khách, quý vị rất nên mỗi người mua một quyển Mưa Nắng Bên Đời về nhà đọc.  Đọc không phải để thưởng thức văn chương, mà để thấy lại bóng dáng của chính mình trong ấy.  Và để, như trong trường hợp của tôi, thấy mình yêu nước Việt miền Nam nhiều hơn.  
Và có lẽ quý vị cũng nên mua thêm vài quyển nữa để tặng cho những người bạn nào đó của quý vị, những người mà với họ quý vị đã chia sẻ những ngày tháng đầu tiên sống trên đất Mỹ.  Tôi thì tôi đã được tác giả tặng cho một cuốn.  Nhưng tôi sẽ mua thêm ít nhất một cuốn nữa.  Và trong đầu tôi, tôi đang biết là tôi sẽ tặng ai.  Đó là một người bạn hiện đang sống ở Houston, người bạn mà bốn mươi mấy năm về trước đã cùng tôi gồng mình trước cái lạnh giá băng của mùa đông Minneapolis, mà hai tuần trước tôi tình cờ gặp lại ở tiệm bánh mì Nguyễn Ngọ. Và cũng rất tình cờ, ngày xưa anh cũng từng phục vụ trong binh chủng Không quân.
Tôi biết anh Anh Yên Sơn đã mấy chục năm.  Anh là con người của lắm cái sĩ.  Hẳn nhiên anh là một chiến sĩ. Nhưng cái tôi biết đầu tiên về anh, ngoài chuyện anh là một binh sĩ, là anh là một thi sĩ.  Hơn hai mươi năm trước, khi anh ra mắt tâp thơ “Cho Quê Hương – Tôi – Và Tình Yêu”, tôi đã lên nói đôi lời giới thiệu tập thơ ấy.  Và tôi cũng biết anh là một võ sĩ. Mà võ sĩ thứ dữ nên phải gọi là dũng sĩ. Rồi lại thấy anh là một văn sĩ.  Rồi đến hôm nay lại thấy anh là một nhạc sĩ. Con người này thực lắm tài, đa nghệ, phải ngả nón khâm phục.  Rồi nếu một hôm đẹp trời nào anh lại mời quý vị và tôi đến xem triển lãm hội hoạ của anh, nếu có ngày ấy, thì chắc tôi phải gọi ông hoạ sĩ Yên Sơn là Everything sĩ.  Mọi Thứ Sĩ, Cái Gì Cũng Có Sĩ.  Trong khi chờ đợi đến ngày ấy thì bây giờ tôi xin tặng anh thêm một cái sĩ nữa.  Một người lái máy bay thường được gọi là phi công.  Nhưng tôi không thích dùng chữ phi công để gọi Yên Sơn Trương Nguyên Thuận.  Bởi vì công cũng có nghĩa là người thợ. Phi công là thợ bay, thợ lái máy bay. Một kẻ từ chối không chịu làm bác sĩ, muốn lên trời chơi với chị Hằng, thì theo tôi, gọi anh là người thợ thật không phải.  Tôi  muốn tặng anh danh hiệu là “không sĩ”, kẻ sĩ của tổ quốc không gian.
Tôi xin góp lời chung vui với bạn tôi, “Không Sĩ  Yên Sơn”,trong ngày vui hôm nay. Và tôi xin hết lời. 

Bùi Huy
Houston, 20, tháng 5, 2018

No comments:

Post a Comment