Thursday, December 14, 2017

                            Đêm ra mắt tập hồi ký " Vượt tù, vuợt biển " 
                            và tập thơ " Cát bụi lăn trầm"
                            của Thi- Ca- Nhạc-sĩ Huỳnh Công Ánh tại NO.
                            ( ảnh KV)

Về tập thơ Cát Bụi Lăn Trầm

Hãy đến với cõi thơ mênh mông của Cát bụi lăn trầm với từng 
bước chạm, rất khẽ, bắt đầu lời tạ ơn từ trái tim của người thi sĩ ..

Cám ơn thơ ướm 
Từ trong máu
Nhỏ xuống đời đau 
Giọt đỏ au ..
( Thơ)

Trong cõi thơ đôi khi mơ màng hư, thực với hơn một trăm bài thơ và nhạc đã được ghi lại bằng những cảm xúc hoà quyện lẫn khuất, tan biến vào trong những không gian , vừa gần gũi vừa xa vắng ...
Bốn mùa lăn trầm theo đời người hồ như hạt bụi ..
Và  Thơ , và  Nhạc đã kết thành những giai điệu mãi miết theo mùa bất tận . Những giai điệu đời sống được hình thành từ sâu thẳm trong trái tim của một người thi sĩ , một người chiến sĩ .
Vâng . Anh là một người lính . Một người chiến sĩ . 
Anh đã cùng đồng đội chiến đấu đến giờ phút cuối cùng trong cuộc chiến Việt Nam . Anh bị ở tù tận miền Bắc , rồi anh vượt trại tù , vượt biển , trải qua muôn ngàn hiểm nguy sóng gió để được tới bến bờ tự do nên với Tổ quốc Việt Nam , dù đó là cuộc chiến bị bức tử phải  buông súng, tù đày, nhưng anh cũng như bao nhiêu người lính VNCH , vẫn hãnh diện là mình  đã sống và chiến đấu hết lòng , đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước mà không ngại hy sinh.

Dấu cũ quê nhà binh lửa đỏ
Vết thương chinh chiến máu còn tươi
Trai thời loạn vào cơn binh lửa
Chuyện tử sinh coi nhẹ như  chơi
( Tháng Tư nhớ bạn )

Nhưng biến cố đau thương 30 tháng 4 đã đẩy hàng trăm nghìn người lính vào trại tù khổ sai , hàng triệu người phải bỏ nước lưu vong. Hàng trăm nghìn người chết trên đường vượt biên. Đó là nỗi tủi nhục, tuyệt vọng , nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời người lính chiến . 
Và ám ảnh ngay cả với chính chúng ta .

Ngoảnh lại quê hương
Bốn mươi năm ra khỏi biên cương
Áo, súng, tự do vất ra đường
Cả nòi giống gông xiềng từ đó
Người lính Cộng Hoà ngã ngựa tang thương.
( Ngoảnh lại ) 

Có hình ảnh nào tang thương , đau đớn hơn trong câu thơ bi thiết kia ?
Người lính Cộng Hoà ngã ngựa tang thương ..
Với tình yêu tha thiết dành cho quê hương và luôn khát khao cho một Việt Nam tự do, tại hải ngoại anh vẫn thầm lặng cùng bạn bè tiếp tục con đường đấu tranh và thấp thoáng trong những bài thơ , những bài hát chiến đấu ca hào hùng nói lên khát vọng tự do , anh luôn mang theo trong lòng một nỗi niềm man mác ray rức. Anh e sợ mình không còn bao nhiêu thời gian để góp thêm ngọn lửa đấu tranh ,  e sợ không kịp nhìn thấy một quê hương  thanh bình .
Những nỗi niềm đó đi theo anh vào trong những giấc mơ ..

Đêm qua trong giấc mơ buồn
Sầu đời lưu vong lang thang cùng khắp
Một ngày kia nước non đã mất
Sầu nhục ta chất ngất đến bao giờ
( Bài hát : Mơ về Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình )

Bên cạnh tình yêu tha thiết dành cho quê hương và nỗi sầu nhục mất nước “ Còn một phút cũng còn thương nòi giống..” Cát bụi lăn trầm còn rất nhiều bài thơ anh dành cho gia đình , cha mẹ , con cái . Ở mỗi trang thơ là nỗi lòng của người con xa xứ , là giọt lệ  nuối tiếc cho những điều anh đã bỏ lỡ trong cuộc đời mình . Những thể thơ năm chữ , tự do hoặc lục bát , đôi khi chỉ bốn câu đơn giản viết cho vợ , cho con cũng chan chứa tình yêu thương . Không từ ngữ nào có thể diễn tả cho đầy đủ , hình ảnh người cha trong trái tim anh:

Cha là ngọn đuốc
Soi đường để con đi
Là vầng thái dương
Là ngọn hải đăng
Giữa biển đời con mênh mông lạc lối ..
( Tình cha )

Và tình yêu , nỗi nhớ dành cho người mẹ đã trùng trùng cách biệt 

Bên nầy bờ thương nhớ
Bên kia là quê hương ..
Làm sao , biết làm sao mẹ ơi
Giặc chiếm non sông , ngăn cách xa xôi
Ngày mẹ xuôi tay , con không về lần cuối
Xa nhà , xa mẹ làm sao vui .
( Nhớ mẹ )

Anh luôn khát khao được trở về quê hương khi đất nước không còn Cộng sản, nhưng , biết đến bao giờ ? Đã hơn bốn mươi năm mất nước , còn  chờ đợi thêm bao nhiêu năm nữa hay thế hệ chúng ta không kịp nhìn thấy niềm ao ước đó ?
Anh có chờ đợi được không ? Chúng ta có chờ đợi được không ?
Không ai có thể biết trước , điều gì sẽ mang tới cho chúng ta hôm nay , ngày mai . 
Bởi, đời - sống - tự nó vốn đã - hữu - hạn  vô thường. 
Với anh , mọi thứ trong cuộc đời chỉ là phù du , là cõi tạm . 
Trong cõi càn khôn lẩn quẩn , hạnh ngộ rồi chia ly , tương phùng rồi tạm biệt  . Mỗi người chúng ta khi đến trong cuộc đời chỉ với bàn tay trắng và ra đi cũng hoàn trắng tay. 
Bởi , với kiếp người ngắn ngủi ,  ta chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi trong hàng triệu, hàng triệu hạt bụi trần gian . Những hạt -bụi -trầm - luân .

Ngày sau ta sẽ là ta , là cát
Cát bụi cũng cần có cái tâm
Chu kỳ chuyển kiếp nầy , kiếp khác
Ta nhọc nhằn lăn , vết lăn trầm
( Cát bụi lăn trầm )
“Cát bụi cũng cần có cái tâm”
Nhân sinh quan của anh về cuộc đời , đến giai đoạn nầy , sau bao thăng trầm thịnh suy , những mất mát đau khổ , những hạnh phúc
buông bỏ , thơ của anh trong Cát
bụi lăn trầm đã bước qua một cảnh giới khác :

Ừ nhỉ , mai đây mình hạt bụi
Bay vô cùng lạc cõi mênh mông
Phước hoạ nhân gian may như rủi
Sang với hèn cùng nghĩa với không .
( Ừ thôi )
....
Sang với hèn cùng nghĩa với không . 
Có phải những bôn ba trong cuộc đời cuối cùng cũng chỉ là hư ảo ? Và bởi đời sống ngắn ngủi nhọc nhằn với “ quá khứ bầm dập , tương lai long đong “ và dù “ người sống trăm năm , sống vài ngày . Anh sống bằng hơi thở nầy thoi thóp “ anh cũng trân trọng yêu quí từng phút giây trong hiện tại của mình. Mỗi bài thơ  trong Cát bụi lăn trầm đều mang một triết lý nhân sinh rất gần gũi với đời thường. Ở đó là sự bao dung và tha thứ , ở đó là chia xẻ và thương yêu .
Với anh ,  Mỗi đoạn đời là mỗi nhân duyên , mỗi định mệnh  .
Không ai có thể chọn định mệnh cho mình .
Chấp nhận khi ta chỉ nhận được chừng đó . 
Tạ ơn đời sống vì đã cho ta nhiều hơn ta mong đợi .

Trải duyên treo khắp trời nhân thế
Đợi những bàn tay hái đúng mùa
Căn phần đắng ngọt từ nhân quả
Cuối đời nhau , nắng hạn gặp mưa 
( Kiều Hạnh )

Đây là bài thơ Hạnh phúc được kết từ nhân -quả anh viết riêng cho chị Kiều Hạnh . Người vợ đã hết lòng yêu thương anh và mang lại cho anh những hạnh phúc ngọt ngào đến cuối đời .

Cát bụi lăn trầm là tiếng lòng phát xuất từ trái tim . Trái  tim của một người chiến sĩ can trường, một người nghệ sĩ tài hoa . Chính vì vậy mỗi câu mỗi chữ đều có sự chắt lọc trân trọng khi anh gửi đến người đọc với mong ước được bày tỏ những cảm xúc giản dị và chân thật của mình. Dù vậy , đó là những cảm- xúc -tinh -tuý hoà quyện vào nhau từ máu lệ, từ chính cuộc sống, của anh , cuộc sống mà anh quan niệm :

Như ta trọn một kiếp loay hoay
Như phù du như trăng khuyết đầy
Như sóng mơ ngày về lại đáy
Như cuối cùng tay xuôi bàn tay ..
( Bài thơ không nghĩa )

Người ta thường nói “ Thi nhân là một thế giới dấu kín trong tâm hồn mỗi con người “ và mỗi người nghệ sĩ , thi sĩ  có những cảm nhận khác nhau , rung động khác nhau khi nhìn ngắm sự vật, quang cảnh xung quanh . Nhờ vậy chúng ta mới được thưởng thức những bài thơ đầy mầu sắc làm cho đời sống của chúng ta phong phú hơn.
Và những mầu sắc lung linh đó , ta có thể nhìn thấy trong cõi thơ mênh mông của Cát bụi lăn trầm. Đôi khi đó là màu tím của hoàng hôn đời người , mầu xám của khắc khoải , mầu xanh hy vọng chan chứa tình người . Khi  đọc từng giòng , từng đoạn, ta sẽ thấy chính phần đời của mình bàng bạc đâu đó , nó len lỏi vào tận trong tâm hồn của chúng ta , như thể , anh nói dùm chúng ta những điều rất bình thường, rất gần gũi , mà đôi khi chúng ta chưa thể hình dung rõ nét.
Hãy bước vào thế giới thi  nhân của Cát bụi lăn trầm  để cùng anh chia xẻ  những triết lý nhân sinh về cuộc đời , về những khát vọng hoài bão dang dở ,những buồn  vui một kiếp người trong đời sống muôn hình muôn vẻ nhưng tất cả , cuối cùng cũng chỉ là Cát bụi , là hư ảo , phù du ..

Ngàn sau mây trắng đông thành đá
Đá tảng rơi , rơi nhẹ như bông
Biển khô đợi gió  phơi triền lạ
Em và anh rồi cũng hoá mênh mông .. 

Em và anh rồi cũng hoá mênh mông ...
( Nhật Tân )

Monday, December 11, 2017


                          Nhà Văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị
                          ( ảnh Khôi Việt ) 


Đọc Vượt Tù, Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh

(Trường Sơn Lê Xuân Nhị)

Kính thưa quý vị:
Trước hết, tôi xin cám ơn tác giả Huỳnh Công Ánh đã cho tôi được cái hân hạnh lên đây nói về tác phẩm Vượt Tù, Vượt Biển của anh.  Đây là một vinh hạnh dành cho tôi.  Xin cám ơn anh.
Bây giờ là tháng 12 năm 2017, một chiều mùa đông lạnh giá, trước mặt tôi ngày hôm nay, tôi nghĩ hầu hết các quí vị đều là cụu quân nhân hay công chức hay gia đình của họ.  Có những người đã bị kẹt ở lại sau năm 1975, và đã chịu đừng không biết bao nhiêu là oan ức đọa đày, cay đắng oan nghiệt như anh Huỳnh Công Ánh là một. Và cũng có người may mắn thoát được năm 75, như tôi là một.
Trước khi đi vào mục chính là giới thiệu cuốn VTVB của anh Huỳnh Công Ánh, tôi xin phép được nói vài lời chân thật đến từ đáy lòng của một người lính đã may mắn qua đây năm 1975.
Kính thưa quý vị, trong cuộc đời chúng ta, có nhiều khi, chúng ta mang những nỗi niềm tâm sự, có thể là vui và cũng có thể buồn, muốn nói ra nhưng chưa bao giờ có dịp.  Những nỗi niềm thầm kín, có khi chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc, nhưng cũng có khi kéo dài đến một năm, 2 năm, hoặc 30 năm, như trường hợp của tôi.  Riêng tôi, hôm nay, nhân dịp ra mắt sách của anh Huỳnh Công Ánh, xin quí vị cho tôi nhân dịp này được bày tỏ tâm sự thầm kín mà tôi đã ấp ủ trong đáy lòng suốt 30 năm qua…
Tâm sự của tôi đó là, tôi muốn có một dịp nào đó, được đứng trước một cử tọa hay một nhóm anh em HO và gia đình, để nghiêng mình cám ơn và tạ lỗi với các anh chị em.  Cám ơn các anh đã hy sinh chịu nạn thế cho cả miền Nam Việt Nam, trong đó có tôi, và tạ lỗi vì chúng tôi đã bỏ các anh chị em ở lại với bày quỹ dữ.
Ngày xưa, trong cơn binh lửa, các anh là những kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất, chịu hy sinh, đau khổ và bất công nhiều nhất.  Rồi đến lúc tàn cuộc binh đao, các anh lại chính là những người bị trả thù tàn nhẫn nhất, bị lăng mạ và vu khống nặng nề nhất.  Mọi thứ tội ác trên đời này đều được đổ lên đầu các anh.  Các anh chẳng có tội gì cả ngoài tội sinh ra trong thời chiến, đất nước bị xâm lăng, các anh phải mặc áo nhà binh để bảo vệ non sông tổ quốc.  Trong suốt 20 năm trời chiến đấu anh dũng, nhiều người trong các anh đã gục ngã, và những người còn lại như các anh đây, vẫn một lòng sắt son chiến đấu, bảo vệ từng con đường, từng thước đất, đem lại an vui no ấm cho dân chúng miền Nam.  Nhưng nửa đường, đất nước của chúng ta chẳng may bị người bạn đồng minh bán đứng cho giặc thù, các anh kẹt ở lại để bị hành hạ trả thù, để chịu nạn thay cho tất cả dân tộc, cho tất cả chúng tôi.  Những oan khiên uất hận, những tủi nhục đắng cay của các anh và vợ con gia đình của các anh phải gánh chịu trong những ngày tháng đó không có bút mực nào tả cho hết được.  Những giòng lệ, những hàng nước mắt của các anh và gia đình các anh đã đổ ra trong những tháng ngày u tối cơ cực đó còn nhiều hơn cả biển Thái Bình Dương.
Nhưng, dù trong chốn tù ngục và sau đó, những tháng ngày cơ cực đói rách, các anh đã âm thầm chịu đựng, âm thầm giữ mãi được tấm lòng sắt son với tổ quốc, âm thầm giữ vững được đạo làm người, và quan trọng hơn cả, đạo làm lính của một chiến sĩ QLVNCH.
Các anh đã kiên cường bước qua được mọi thử thách, mọi đau thương tủi nhục, và cuối cùng cũng bước sang được nơi bến bờ tự do, cho dù đã quá trễ.  Các anh sang đến bến bờ tự do sau khi tuổi thanh niên tràn đầy sức sống và quý giá nhất của cuộc đời mình đã bị tiêu xài và hủy diệt qua những trại tù CS nơi rừng sâu núi thẳm, khi sức khỏe đã bị tàn phá sau nhiều năm trời bị hành hạ dã man và ăn uống thiếu thốn.  Các anh đến bến bờ tự do khi tóc đã ngả màu, khi sức đã yếu, khi mắt đã mờ.  Và cuối cùng, các anh chỉ còn có hai bàn tay trắng và một linh hồn rướm máu.
Nhưng đối với những con người đã trưởng thành trong máu lửa và tủi nhục như các anh thì không sao cả.  Hễ còn sống là ta còn hy vọng.  Những trại tù dã man tàn bạo của bọn Cộng Phỉ ngày xưa đã không tiêu diệt các anh được thì ở nước Mỹ tự do này, có chuyện gì mà các anh không làm được.  Các anh đã ra đời, lăn xả đi làm đủ mọi thứ việc, không nề hà gian khổ, quần quật ngày đêm, để nuôi gia đình, lo lắng cho con cái được ăn học nên người.
Và trời có mắt, rất nhiều người trong các anh đã thành công, tạo dựng được những sự nghiệp đồ sộ to lớn, làm hãnh diện cho những cộng đồng Việt Nam tị nạn.  Những người còn lại, tuy không có được những sự nghiệp to lớn, nhưng cũng đã tạo được một cuộc sống vững vàng trên đất mới, nuôi nấng con cái nên thân nên người.
Thử hỏi, trên cõi đời này, hoặc ngay cả trong lịch sử cổ kim, đã có những cuộc sống nào bi thương nhưng đầy hào hung bất khuất, đầy kiên nhẫn, đầy hy sinh như cuộc đời của các anh?
Kính thưa các anh, những người đã không may bị kẹt ở lại và phải chịu nạn dùm cho cả dân tộc, tôi xin ghiêng mình kính phục các anh.  Đối với tôi, các anh chính là những anh hùng của dân tộc.
42 năm qua, tôi chưa hề nhìn thấy hay đọc được một lời cảm ơn nào của những người đi trước dành cho các anh, những người ở lại.  Hôm nay, nhân dịp ra mắt sách này, tôi xin đại diện cho những người đi trước, xin nghiêng mình cám ơn và tạ lỗi với các anh.  Cám ơn các anh đã chịu nạn dùm cho cả dân tộc, và tạ lỗi vì đã bỏ các anh ở lại với quân thù trong những giờ phút đen tối nhất của quê hương mình.
Đây là những lời chân thật đến từ đáy lòng tôi, một người lính QLVNCH, một người đã từng được hãnh diện cùng đứng chung với các anh dưới một lá cờ và cầm súng để chiến đấu chống bọn CS xâm lược, bảo vệ non sông tổ quốc…(*)
Chào…
Kính thưa quý vị, một trong những người lính QLVNCH ngày xưa còn kẹt lại và đã ở tù chịu trăm ngàn đắng cay, đã vượt ngục, vượt biển hai lần mới sang đến được bến bờ tự do và thành công vĩ đại, không phải một lần mà nhiều lần nơi xứ người, đó là anh Huỳnh Công Ánh, một chiến sĩ của QLVNCH (Tốt nghiệp Trường BB Thủ Đức khóa 3/68--đại đội trưởng đại đội 40 trinh sát của trung đoàn 40, sư đoàn 22 BB).
Vượt Tù Vượt Biển là một hồi ký của một người tù, một người vượt ngục, một người vượt biển, một người nghệ sĩ và cuối cùng, là một… triệu phú … ba bốn lần. 
Vượt Tù Vượt Biển dày tổng cộng 808 trang, nặng gần 3 pounds, đúng hơn là 2.74 pounds. Nói có sách mách có chứng, chuyện này tôi đã đo lường kỹ lưỡng, ai muốn kiểm chứng lại xin cứ tự nhiên.  Cuốn sách được in ấn rất là công phu, chữ lớn Times Roman cỡ 13 points, rất dễ đọc cho những người mắt bắt đầu kém như anh em chúng ta.  Bìa cuốn sách dày và cứng, được trình bày rất mỹ thuật, với hình của tác giả, râu ria xồm xoàng coi rất là ngầu, rất là … trinh sát bộ binh, bên cạnh một cây đờn gui-ta, coi rất là nghệ sĩ.  Chả trách gì anh ta có lắm đào, từ những ngày còn đi học, cho đến khi đi lính, ngay cả khi đi tù và sang tới Mỹ… (Tôi xin tự stop ở đây, không có thì lại có chuyện.
Đặc biệt hơn cả, và có lẽ đây là lần đầu tiên trong cộng đồng hải ngoại, một cuốn hồi ký có 2 phần, Việt ngữ và Anh Ngữ.  Phần Việt Ngữ dày 370 trang với nhiều hình ảnh của tác giả và nhân chứng sống với những bản đồ.  Phần Việt ngữ gồm 21 chương, bắt đầu từ ngày mất nước mà tác giả gọi là “Tan hàng” ở chương thứ nhất.  Đến chương 20 tác giả mới bắt đầu nói về thời thơ ấu.  Và cuốn sách “tạm chấm dứt” ở chương 21, với tựa đề “Vào Đời”, để kể lại sơ qua về thân thế của mình một cách rất là đơn giản khiêm nhường.  Đơn giản khiêm nhường nhưng cũng có vài đoạn rất là lý thú mà tôi sẽ nói sau.
Phần Anh Ngữ dày 438 trang cũng với rất nhiều hình ảnh và tài liệu.  Tôi không rờ tới phần này nên không có gì để nói ở đây, nhưng tôi sẽ nói về lý do tại sao có phần tiếng anh này sau.
Kính thưa quí vị, người ta, nhất là “người ta” ở trên đất Mỹ tự do này, ai cũng có lý do và có quyền để viết hồi ký, kể lại cuộc đời mình.  Sau 42 năm tại hải ngoại, tôi đã đọc nhiều hồi ký, cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt.  Và tôi đã đi đến một kết luận như sau đây từ nhiều năm trước.  Theo tôi, hồi ký chỉ có 2 loại: Loại thứ nhất là hồi ký… bố láo và loại thứ hai, loại hồi ký chân thật, viết bằng máu, mồ hôi và nước mắt của tác giả.  Tôi đã từng đọc hồi ký của một anh… bán phở và thú thật với quí vị, dù anh chỉ là một người mở tiệm phở tầm thường, nhưng hồi ký của anh rất trung thực, kể lại sự gian truân của mình vào những ngày đầu tiên ơi đất khách, và cuối cùng là sự thành công.  Tôi đã học được rất nhiều nơi một người bán phở tầm thường này.  Anh không dấu diếm chuyện xuất thân nghèo hàn của mình, anh kể lại những chặng đường khó khăn mà mình đã đi qua, bị khinh bỉ, bị lường gạt như thế nào, nhưng nhờ ý chí sắt đá, cuối cùng anh đã thành công.  Tôi cũng đã từng cố gắng đọc hồi ký của một vài anh cựu tướng, cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt, để sau vài trang là phải muốn nôn mửa, không thể nào tiếp tục đọc được.  Như một anh tướng không quân suốt đời bố láo kia, mướn người viết hồi ký bằng tiếng Mỹ để tự thổi phồng mình lên một cách trơ trẽn, lố bịch.  Hắn sinh ra con nhà giàu, học trường Tây từ nhỏ đến lớn, đi lính cho Tây, thế mà cũng viết hồi ký kể rằng ngày xưa mình đã từng đi kháng chiến chống Tây rồi bị bệnh phải trở về nhà để lòe bịp người Mỹ.  Có lẽ nó biết không thể nào lừa bịp được người Việt Nam nên mới mướn người viết bằng tiếng Mỹ.  Nhưng cuốn hồi ký bố láo đó in được vài trăm cuốn, dùng để tặng bạn bè vì bán chẳng ai mua, và ngay cả người được tặng cũng chẳng có ai thèm đọc.  Cũng có những anh tướng khác viết hồi ký để tự tôn vinh mình lên chín tầng mây và chạy tội với đồng bào, đổ trách nhiệm cho người khác, vân vân.  Tôi chỉ muốn nói lên một điều ở đây là người Việt hải ngoại, sau bao nhiêu năm luân lạc, chúng ta bây giờ đã trưởng thành, không ai còn có thể lừa bịp chúng ta được nữa.
Vượt Tù Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh là một hồi ký chân thật, được viết từ đáy trái tim rướm máu của một người lính QLVNCH.
Huỳnh Công Ánh vào tù Việt cộng năm 75, vượt ngục năm 80, vượt biển năm 81, và sau khi sang Mỹ, đã trở thành một người hoạt động cho Nhân Quyền, thành lập nhiều đoàn thể, nhiều phong trào như Hưng Ca vân vân, nhưng mãi đến năm 2016, tức là gần 35 năm sau, anh mới viết hồi ký. 
Lý do tại sao phải mất 35 năm mới viết được hồi ký?  Đây là lời giải thích của anh nơi trang 18:
“Tôi nghĩ rằng, kể lại một chuyện cũ khi lòng mình đã lắng xuống, khi mình có thể nhìn sự việc bằng tất cả sự trung thực, không bị hận thù hay phẫn uất ám ảnh, chuyện kể sẽ trong sáng và khách quan hơn.  Và dẫu 35 năm, nhưng những đoạ đày vẫn còn trong tiềm thức.  Người Mỹ gọi đó là PTSD (bị chấn thương tâm lý sau khủng hoảng).  Cho nên, thỉnh thoảng nửa đêm, tôi vẫn bỗng ôm mền chạy, hay vùng vẫy thật mạnh đến độ đá vào mông người bạn chung chăn gối với mình.
Ở tuổi thất thâp cổ lai hy, tôi càng không có nhu cầu được nổi tiếng hay được khen tặng.  Nhưng tôi nghĩ đến tuỏi trẻ Việt Nam, đến các con tôi và thế hệ sau nữa, tôi muốn họ hiểu về những thăng trầm, oan nghiệt của đời người mà thế hệ trước họ đã phải đi qua, trong giai đoạn đen tối nhất của lịch sử, để họ có thể thông cảm hoặc may ra, rút tỉa chút kinh nghiệm quý báu….”
Sau khi tôi đọc xong phần này của anh thì tôi hiểu tại sao cuốn Vượt Tù Vượt Biển lại có hai phần, Việt ngữ và Anh Ngữ.  Anh muốn cho con cháu mình, nếu chúng nó muốn tìm hiểu thêm chút ít về cội nguồn của chúng nó, chúng nó có thể dựa và cuốn sách này để phần nào biết được cha ông chúng nó đã sống và chiến đấu như thế nào….
Kính thưa quý vị, thường thường, trước khi đọc một cuốn hồi ký, chúng ta phần nào cũng đã đoán được chuyện sẽ bắt đầu như thế nào, và đoạn kết ra sao.  Nhưng với VTVB, tôi hoàn toàn không đoán được, vì cuộc đời anh, có thể nói, là giang hồ ngoại hạng, lên voi xuống chó, và thêm một phần quan trọng nửa không thể không nói ở đây, là đào hoa tại số, đi đâu cũng dính đào, ngay cả khi ở tù, và cũng nhờ đào mà vượt ngục được.
Chuyện vượt ngục của anh dù có nguy hiểm nhưng khá êm trôi, không mạo hiểm ly kỳ nhiều cam go thử thách như Lý Tống, nhưng điểm quan trọng là đạt được mục đích của mình, đó là thoát khỏi xiềng xích của Việt cộng.  Nhưng những gì xảy ra sau khi anh ra khỏi tù cũng hấp dẫn không kém.  Vượt biển hai lần và cuối cùng thì trở thành thuyền trưởng bất đắc dĩ và cứu được nhiều người…
Lý do tôi nói anh viết hồi ký rất chân thật vì trong đó, anh đã viết tên tuổi của những nhân chứng sống đã từng quen biết anh, ngay cả hình ảnh và tên tuổi của người đã từng giúp anh khi anh đào thoát …
Đọc hết 21 chương của Vượt Tù Vượt Biển, chương nào cũng hấp dẫn, nhưng có 3 điều đặc biệt tôi để ý ở đây và muốn chia sẻ cùng quí vị.
Thứ nhất, Huỳnh Công Ánh là một đại đội trưởng trinh sát ngoại hạng.
Nếu ai đi lính thì chắc biết hai chữ Trinh Sát.  Quân đội ta, mỗi một sư đoàn, mỗi trung đoàn hay một tỉnh, đều có một đại đội trinh sát.  Trinh sát là một đơn vị ưu tú nhất của đơn vị, toàn những người tình nguyện, đa số là dân giang hồ hảo hán, được huấn luyện đặc biệt dùng để đánh đột kích, nhảy vào lòng địch hay nhận những công tác đặc biệt mà những đơn vị bộ binh thường không làm nổi.  Đại đội trưởng trinh sát luôn luôn được tư lệnh đích thân chọn lựa sau khi đã điều tra kỹ càng.
Huỳnh Công Ánh đã được chọn làm một đại đội trưởng trinh sát thì phải biết anh là một người tài hoa như thế nào rồi, khỏi cần phải giới thiệu thêm ở đây.
Ở chiến trường Kontum hổi ấy có ngọn đồi, gọi là đồi số 5.  Việt cộng đóng chốt ở đây, trung đoàn 40 đã đem nhiều tiểu đoàn lên đánh chiếm, với không biết bao nhiêu phi pháo yểm trợ vẫn không chiếm được.  Một hôm họp hành quân cấp trung đoàn, đại đội trưởng trinh sát Ánh tình nguyện đem đại đội mình lên chiếm ngọn đồi.  Đề nghị của anh làm cho mọi người ngạc nhiên vì đã mấy tháng qua, bao nhiêu tiểu đoàn đã đánh mà không ai chiếm được, làm sao một đại đội trinh sát có thể làm được việc này.  Đại đội trưởng Ánh cho biết kế hoạch của anh:
-Xưa nay, mình không chiếm được vì Việt cộng ở lưng chừng đồi, mình đánh dưới đánh lên, chúng nó đã đào sẵn hầm hướng mũi xuống để chờ mình.  Bây giờ tôi xin cho trực thăng thả chúng tôi xuống đỉnh đồi, chờ tới đêm, chúng tôi từ trên đánh xuống, đánh sau lưng chúng nó và đánh bằng lựu đạn, tụi nó sẽ không trở tay kịp.
Và đúng như anh nghĩ đại đội trinh sát của đại úy Huỳnh Công Ánh đã chiếm lại ngọn đồi chỉ trong vòng một đêm với tổn thất rất nhỏ.  Và nhờ chiến công này, anh đã được bầu làm chiến sĩ xuất sắc năm 1972, và được về dinh Độc Lập dự tiệc với tổng thống.
Thứ hai, một chuyện lạ lùng—thân phụ hiện về cho gia tài.
Hồi đó anh thuộc tiểu đoàn 4, trung đoàn 40, tại Bồng Sơn, đóng trên một ngọn đồi.  Một đêm, anh thấy cha anh hiện về, bảo anh phải lo cho gia đình.  Nói xong, ông lấy ra một lá chuối khô mà dân quê thường dùng để đựng thuốc lá.  Anh nhìn thấy 2 con số 6 ở trên bao thuốc lá.  Sáng sớm tỉnh dậy, anh gom góp hết tiền bac, cầm luôn cả đồng hồ, vay mượn thêm tiền và đánh vào con số 66.  Không ngờ anh trúng thật. Và đó là lần anh trở thành triệu phú lần thứ hai.
Riêng tôi, đọc xong phần này thì tôi phải lắc đầu mà nhận xét, “Cha này kể ra cũng liều mạng thật.  Nếu như đánh không trúng thì biết lấy tiền đâu mà trả nợ hay ăn uống.”
Thứ ba, một nhận xét của cán bộ Việt cộng nói về những sĩ quan miền Nam Việt Nam.  Xin trích nguyên văn:
Tôi theo dõi và thấy các anh là những người có trình độ.  Ví dụ như làm thợ mộc.  Tôi biết các anh từ trước đến nay chưa hề làm nghề này, nhưng khi được giao nhiệm vụ hì các anh làm cũng rất đạt.  Không phải chỉ nghề mộc mà bất cứ chuyện gì cũng vậy.  Từ đi rừng, lợp nhà hay chăn nuôi, các anh đều có sang kiến, lanh lợi và thông minh để hoàn tất công việc…”
Cuốn hồi ký còn nhiều chuyện, nhiều tình tiết khác rất là hấp dẫn, tôi không muốn làm mất thì giờ của quí vị ở đây.  Như trên tôi đã dùng chữ cuốn hồi ký “Tạm chấm dứt” ở chương 21 vì theo lời tác giả, cuốn tiếp theo sẽ được trình làng trong những ngày sắp tới.
Tóm lại, Vượt Tù Vượt Biển là một cuốn hồi ký có giá trị.  Giá trị bởi vì nó chân thật, tả lại một cuộc đời bi hùng của một người lính QLVNCH, dù trong gông cùm hay bão tố, vẫn giữ được đạo làm lính của một chiến sĩ QLVNCH.  Giá trị bởi vì các hành văn của tác giả rất là ngắn gọn, dễ hiểu dễ đọc.  Giá trị bởi vì man mác đó đây trong cuốn sách, chúng ta nhìn thấy được những bỉ ổi hèn hạ của bọn Cộng Phỉ, và sự hào hùng bất khuất của những người lính QLVNCH.

Xin long trọng giới thiệu cũng quí vị Vượt Tù Vượt Biển và cám ơn quí vị đã bỏ thì giờ để nghe tôi nói chuyện.

..................
(*) Cám ơn anh Trường Sơn Lê Xuân Nhị với những lời rất chân tình khi anh nói về cuộc chiến VN, về bạn bè đồng ngũ của anh. 

"....trong cuộc đời chúng ta, có nhiều khi, chúng ta mang những nỗi niềm tâm sự, có thể là vui và cũng có thể buồn, muốn nói ra nhưng chưa bao giờ có dịp.  Những nỗi niềm thầm kín, có khi chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc, nhưng cũng có khi kéo dài đến một năm, 2 năm, hoặc 30 năm, như trường hợp của tôi.  Riêng tôi, hôm nay, nhân dịp ra mắt sách của anh Huỳnh Công Ánh, xin quí vị cho tôi nhân dịp này được bày tỏ tâm sự thầm kín mà tôi đã ấp ủ trong đáy lòng suốt 30 năm qua…
Tâm sự của tôi đó là, tôi muốn có một dịp nào đó, được đứng trước một cử tọa hay một nhóm anh em HO và gia đình, để nghiêng mình cám ơn và tạ lỗi với các anh chị em.  Cám ơn các anh đã hy sinh chịu nạn thế cho cả miền Nam Việt Nam, trong đó có tôi, và tạ lỗi vì chúng tôi đã bỏ các anh chị em ở lại với bày quỹ dữ..."

Không có gì phải tạ lỗi vì điều đó, anh ạ. Khi vận nước đến hồi điêu linh, ra đi hay ở lại không nằm trong sự lựa chọn của chúng ta...Hãy hãnh diện rằng, ít ra chúng ta đã sống xứng đáng trong suốt quãng đời binh ngũ của mình. 
Chính Phủ VNCH chưa cấp cho các anh  Chứng Chỉ Giải Ngũ , nên các anh vẫn là người lính mà, đúng không ? 
Trong tim các anh vẫn ấm áp ngọn lửa của Tổ Quốc- Danh Dự -Trách Nhiệm..dù Tổ Quốc không chọn mình làm chốn dung thân..Vậy thì, có gì để ân hận hả anh ?

Tuesday, December 5, 2017



                    Anh Huỳnh Công Ánh, Nguyễn Nhân, Đặng Minh Hùng, 
                    Yên Sơn, Tuý Hà và Hữu Việt


Bè Bạn Thâm Giao 

Hẹn hò mãi... cả hơn hai năm, cuối cùng chúng tôi cũng sắp xếp được để làm một chuyến đi New Orleans thăm bạn bè trong một cuối tuần, trước Lễ Thanksgiving 2017.
Houston-New Orleans cách nhau chỉ hơn 300 dặm đường.Bình thường quãng đường nầy chỉ phải tốn khoảng 6 tiếng lái xe, nhưng vì sau mùa bão dữ, một vài nơi phải sửa chữa, một vài nơi cần tu bổ nên cũng làm ngại ngần những kẻ ham vui. 
Lạ một điều là bạn bè chúng tôi ở hai thành phố nầy đều có rất nhiều người ham vui, nhưng có lẽ cường độ ham vui của phe Houston cao hơn bình thường nên “đường Houston-New Orleans dễ đi hơn là New Orleans-Houston”... sao đó hổng biết. Giống như trường hợp gọi điện thoại thăm bạn bè của tôi. Có lần nhà tôi thắc mắc, “tại sao em thấy anh hay gọi thăm bạn mà ít thấy bạn gọi thăm anh?” Tôi có chút ngập ngừng rồi ngộ ra, “tại vì anh nhớ bạn nhiều hơn, anh quởn hơn họ, anh “hơi bị” già nên có nhiều điều... cần nói hơn. Với lại, anh mà không nghe tiếng bạn bè, anh sẽ sanh bệnh thì sao!” Nhà tôi nghe “có lý” nên cũng êm.
Chúng tôi đã nhiều lần đến nơi nầy, từng bù khú với những “nhân vật đặc biệt” ở đây, thế mà lâu lâu không qua lại nhớ... nhớ cảnh, nhớ người, nhớ cái không khí xô bồ của thành phố du lịch, nhớ những nét hiền hoà của thị trấn Slidell ở ngoại ô thành phố, nhớ khu Versailles với khu chợ chồm hổm nổi tiếng của dân Việt tỵ nạn; nhớ cầu Con Cò dẫn qua khu người Việt ở West Bank với con đường Manhattan quen thuộc, dài “mút mùa lệ thuỷ.”
Cũng phải công tâm mà nói, New Orleans hấp dẫn hơn Houston là cái chắc. New Orleans có French Square với Cafe Du Monde thơm lừng một góc phố, có đường về đêm Bourbon hấp dẫn với nhạc Jazz và các tiệm quán có lắm cô nương xinh đẹp con nhà nghèo, có lễ hội Mardi Gras hàng năm vui nhộn, ồn ào với hàng ngàn mỹ nhân đi ngập phố mà không cần mặc quần áo chi cả ngoài một lớp sơn, có đủ màu sắc cầu vòng tươi nhuận, mỏng dính trên làn da mịn màng, láng o (body painting); New Orleans còn có tuyệt chiêu Crawfish. Thử tưởng tượng khi khí trời lành lạnh, bạn bè rủ nhau ngồi nhậu chung quanh đống crawfish chất cao như núi, cay xé môi, cay trào nước mắt; phần ai nấy tay làm hàm nhai... cứ lột lột lủm lủm năm ba con thì lại đưa chai bia lạnh lên môi làm một cái ực... đã đời, tuyệt vời, không tả xiết. Crawfish thì dường như ở đâu cũng có, hoặc ít hoặc nhiều, lắm người biết nấu nhưng khó có thể bắt chước được mùi vị của crawfish New Orleans.
Đại lược, New Orleans là thành phố du lịch, hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm từ năm châu bốn biển  đổ về; thành phố của thơ ca và âm nhạc rất Tây; thành phố của “Xếp Al Capone”, của “Phát Súng Ân Tình” (ai chưa đọc truyện “trinh thám, võ hiệp kỳ tình - truyện lạnh tóc gáy của những ông trùm ma tuý một thời làm mưa làm gió ở chốn này – dưới ngòi bút phóng tác lôi cuốn, hấp dẫn của nhà văn KQ Trường Sơn Lê Xuân Nhị thì rất nên tìm đọc); trong khi Houston cứ phẳng lì như một người đàn bà có nhan sắc mà không có vòng có số gì ráo trọi!
Xin điểm sơ qua những nét độc đáo của các “dị nhân quái kiệt” ở xứ này mà chúng tôi có hân hạnh được gọi bạn bè. 
Trước nhất phải nói tới một Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt, cựu Chủ tịch Hội Cựu SVSQ Võ khoa Thủ Đức Huỳnh Hồng Quân, là một trong những người chủ chốt đóng góp rất nhiều công sức trong việc tranh đấu để Cờ VNCH được chính quyền bản xứ công nhận là biểu tượng của Người Việt tỵ nạn Cộng sản ở Hoa Kỳ. Phải nói, Louisiana là tiểu bang đầu tiên công nhận và vinh danh lá cờ chính nghĩa của chúng ta.” Anh Huỳnh Hồng Quân ơi, lần nầy xin nợ anh, chúng ta sẽ gặp nhau vào dịp tới nhé.
Phía đông của thành phố nầy có cặp uyên ương Triệu Minh-Trương Vô Kỵ tân thời. Hữu Việt-Nhật Nguyễn. Chàng nguyên là Đại Uý Biệt Kích Dù 81 oai hùng, đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương đất nước, đã anh dũng chỉ huy đơn vị chiến đấu tới giờ phút cuối cùng để được bên thắng cuộc cho đi học tập dài hạn mà vẫn chưa thuộc bài. Chàng anh hùng là thế,nhưng sau khi đổi đời, được may mắn “Hỡi Ơi” sang đất nước cơ hội này để cùng nàng xây dựng lại hạnh phúc gia đình tưởng đã tan nát bởi lũ nửa người nửa ngợm của bên thắng cuộc. Sau bao năm chèo chống cùng nàng làm lại cuộc đời ở xứ sở tự do,giờ đây con cái họ đã lớn khôn, đã nên danh nên  phận, hai người thơ túi rượu bầu, sớm tối ra rít bên nhau như những cặp tình nhân không có tuổi. Nàng hát cho chàng nghe, chàng vẽ lông mày cho nàng để luôn giữ cho nàng vẻ thanh xuân, xinh đẹp với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. Nhưng trên hết, việc đối xử với bạn bè của họ luôn luôn trên cả tuyệt vời, khiến cho những hạnh ngộ không dễ gì quên, những ly biệt buồn hơn mấy bậc. Nàng là một nhà văn nữ có tiếng, với lối hành văn nhẹ nhàng như tiểu thuyết, lãng mạn như tình ca, nội dung nào cũng đầy tính nhân bản cao vời vợi, rất lôi cuốn người đọc. Ngoài tài viết văn, nàng cũng là một người làm thơ có hạng. 
Phía tây cũng có một cặp rất ư là đặc biệt, Thu Ba-Quan Dương. Đó là ông nhà thơ có câu nói bất hủ, “không thể làm thơ dở được”. Chàng là cựu SVSQ Võ khoa Thủ Đức, cũng là một “Hỡi Ơi” sau nhiều năm nằm ấp trong lò sát sinh gọi tên trại cải tạo. Không biết tài đánh giặc của chàng ra sao, không nghe nói tới, nhưng tài viết văn, làm thơ công nhận đặc sắc. Chữ nghĩa, ý tưởng, câu cú của chàng có những nét rất riêng, rất lạ, rất bắt mắt... ví dụ như tập truyện ngắn có tựa đề “đợi đêm tàn bắt sống một chiêm bao” chẳng hạn. Chàng được rất đông độc giả trên văn đàn ái mộ, nhất là độc giả nữ không tiếc lời khen. Nàng là một người đẹp, có nụ cười làm sáng cả chỗ đứng nào nàng chọn đứng. Là con dân xứ “múa roi đi quyền”, là hậu duệ mẫu mực của Trưng Triệu. Chàng sẽ không thể viết văn, làm thơ hay nếu không có một nội tướng như nàng. Đặc biệt đối với bạn bè đàn ông thì chàng hay cà tửng chọc quê, nói chuyện xóc hông để chọc ghẹo; còn text qua chat lại với mấy nàng thì ôi thôi... dẻo quẹo; trong khi đó, tính tình nàng lúc nào cũng nhu thuận, thân tình, tiếp đãi bạn bè nồng hậu, vồn vã.
Cũng phía nầy, chỉ cần 5 phút lái xe cắt ngang con đường Manhattan là tới ngay giang sơn của Xếp Al Capone Trường Sơn Lê Xuân Nhị. Một điều không ai trong đám viết lách không biết là người có mấy bộ tác phẩm đồ sộ, bán chạy như tôm tươi; là người thành công nhất về tài chánh ở hải ngoại bằng ngòi bút sắc sảo, đa dạng, chuyên trị chuyện giang hồ và các đấng anh chị trong giới bài bạc rượu chè. Chàng viết đến nỗi nhập vai giang hồ mã thượng, đôi khi coi trời bằng vung, nói chuyện văng miểng vung vít và rượu chè cũng chả thua gì Xếp. Trước khi là “Xếp”, chàng nguyên là một phi công hào hoa phong nhã của KQ VNCH. Nửa đường gãy cánh, vọt qua Mỹ và chọn vùng đất nầy để làm quê hương thứ hai. Trước kia chàng cùng với Ó Đen Lý Tống, phi công nhà thơ Nguyễn Lập Đông là bộ tam sên, đình đám một thời (cũng vốn là những dị nhân quái kiệt ở vùng đất nầy.) Bây giờ người thì về Cali, kẻ dọn qua Texas... chỉ còn chàng vẫn kiên trì bám trụ. 
Và... phía bên kia cầu Con Cò, cách khu Versailles không xa là một khu rừng khác, con hổ khác. Đó là Huỳnh Công Ánh. Con hổ nầy cũng vô cùng đặc biệt. Chàng xây dựng cơ ngơi bằng hai bàn tay trắng sau khi cơn bão Katrina làm tan nát cả một phần lớn thành phố. Thăm viếng cơ ngơi của chàng, chúng tôi không còn muốn về nhà mình nữa. Vườn tược được chăm sóc kỹ lưỡng, cây cối xanh um, hoa trái trĩu cành, chỗ nầy hồ cá kiểng với thác nước róc rách cả ngày đêm, khu kia là vườn thanh long rộng lớn, hàng chuối sứ nặng trĩu với gần 50 buồng sắp tới mùa thu hoạch. Ở giữa vườn là khu nhà mát khá rộng rãi, nơi thưởng trăng, ngoạn kiểng, nhậu nhẹt, đàm đúm văn nghệ tuyệt vời. Mùa nầy, vườn của chàng toàn một loại hoa vàng như hoa mai, rực rỡ cả một góc xóm. Lý lịch trích ngang của chàng thì “thăm thẳm chiều trôi”, kể sao cho xiết. Chàng nguyên là sĩ quan chỉ huy gan dạ thuộc đại đội trinh sát, một thời vào sinh ra tử. Cũng tù tội miệt mài như những ông bạn đặc biệt của chúng tôi ở vùng nầy và cũng là một “Hỡi Ơi” nhưng có nhiều tình tiết rất ly kỳ. Và là cựu chủ tịch Hội Tù Nhân Chính Trị ở Houston, là trưởng nhóm Hưng Ca, là chủ một nhà hàng Việt Nam to lớn nổi tiếng một thời ở Houston. Chuyện đời chàng được ghi lại đầy đủ trong tập hồi ký đồ sộ, bằng song ngữ có tên gọi “Vượt Tù, Vượt Biển”, đang trong tiến trình dựng thành phim do một công ty phim ảnh của Mỹ đề nghị. Quý vị cố gắng tìm đọc để thấy những dòng tôi viết về chàng chẳng thấm vào đâu.
Đi New Orleans lần nầy tôi cũng sẽ có dịp gặp lại người bạn học xưa cũ nửa thế kỷ. Hắn nguyên là cựu Sĩ Quan Quân Cảnh Tư Pháp Nguyễn Tấn Tài, học trò Trung Học Long Khánh thuộc diện đẹp trai con nhà giàu học giỏi. Hồi xưa, bất cứ quân nhân nào mà được Quân Cảnh Tư Pháp chiếu cố, kể như... mệt bá thở. Oai phong lẫm liệt quá cỡ nên đám con cháu lão Hồ cũng phát sợ, cho chàng “cải tạo” mút mùa; chỉ mới được “hỡi ơi” đến Mỹ chỉ có mấy năm qua nên cũng phải cuốc cày tối tăm mày mặt để bắt kịp nhịp đời với thế giới tự do.

*  *  *

Gọi nhau í á, hẹn tới hẹn lui, email, i-miết, việc nầy việc khác... đến ngày quyết định tối hậu còn lại ba cặp. Tuý Hà, Đặng Minh Hùng và tôi. 
Trong nhóm bạn ham vui, thân thiết của chúng tôi ở Houston còn có hai người rất lấy làm tiếc vì không thể cùng nhau chung một chuyến đi. 
Trước nhất phải kể tới ông cựu phi công C130 Phạm Tương Như. Chàng được gọi là thi sĩ của tuổi học trò, của các con nai vàng ngơ ngác. Chàng có tài làm thơ rất nhanh như lấy ra từ trong túi; mỗi ngày có thể sản xuất 5-7 bài dễ như chơi. Chị Hoa, vợ của chàng, là một người vợ hiền thục ngoại hạng, đã lầm lũi bên chàng gần nửa thế kỷ qua. Có lẽ chị đã quá rành chàng 6 câu (hay là quá mệt mỏi với chàng...) nên chàng cứ mặc tình đi sớm về khuya mà không sứt mẻ chút nào. Tính tình chàng dễ thương vô cùng tận và rộng rãi ngoại hạng. Phải nói trong lũ bạn chúng tôi không ai có thể sánh bằng và tôi rất hãnh diện về chàng vì chàng là đàn anh của tôi trong quân ngũ, đã ở sát vách nhà của nhau từ thuở cơm hàng cháo chợ Saigon. 
Người nữa là chàng cựu SQ Phòng 7 Nha Kỹ Thuật Đào Vĩnh Tuấn. Là một nghệ sĩ đa tình, tướng mạo như thư sinh khá cao ráo, đẹp trai; thi ca phong phú, có giọng ngâm thơ rất truyền cảm. Chàng là người trẻ tuổi tài cao, trẻ nhất trong đám. Thế nhưng con đường tình của chàng không được suôn sẻ như chúng tôi. Chàng thong dong tự tại, độc thân vui tính, uống rượu như hũ chìm. Thế rồi, một ngày Houston đẹp trời, cô em họ của Đặng Minh Hùng – Ca sĩ nghiệp dư Xuân Diệp, trẻ trung, xinh đẹp, dễ thương, ca hay hát giỏi - mới chân ướt chân ráo vừa tới Mỹ, thì tiếng sét ái tình đã nổ ngang trời Houston khiến cả hai “dính chấu”. Không biết ai hấp dẫn ai nhưng họ yêu nhau thắm thiết rất mau và quyết tâm cùng nhau đi trọn đường trần. 

*  *  *

Vì chỉ có 6 người đi nên chúng tôi quyết định đi chung xe cho vui. Đặng Minh Hùng tình nguyện sử dụng xe nhà, mới mua không lâu; giành làm tài xế cả đi lẫn về. Không phải chàng chê chúng tôi lái dở hoặc sợ làm hư xe mới mà là chàng sợ ngồi không, chịu không nổi, suốt quãng đường dài. Được thôi ông cựu Biệt Kích. Trong đám bạn bè này, ông Biệt Kích của chúng tôi chỉ già hơn Vĩnh Tuấn một chút, nhưng đã là ông bà nội ngoại của một chùm 8 đứa cháu, trai gái đề huề; đã vậy mà râu tóc thì trắng phau, lại vừa thoát khỏi cái lưỡi hái cong cong, vượt qua con bệnh ung thư phổi ngặt nghèo... thế nên chàng tưởng mình bất tử, cứ chơi xả láng sáng về sớm... đi nhậu tiếp!Chàng cũng là một người tài ba. Không tài ba sao có thể dụ được mợ Thuỷ - bà đô thị của chàng bây giờ - từ thuở “tóc nàng chưa đầy búi” được. Chàng kể chuyện hấp dẫn, hát rất hay, hiểu biết hơn người. Hai vợ chồng chơi với anh em hết tình hết nghĩa, hoà đồng với mọi người, không so đo thượng vàng hạ cám nên ai cũng mến mộ, ai cũng dễ gần gũi.
Và cũng xin được nói sơ về ông bà Tuý Hà-Tina Dung. Cặp nầy cũng dễ thương không kém. Nàng, người nhỏ nhắn, thân thiện, lúc nào cũng rán chìu chuộng, chạy theo chàng say của mình. Chúng tôi đặt tên chàng là “Dòng Sông say”. Say ngất ngưởng, say tuý luý. Ngoài ra chàng còn có tên “Khô Mộc thiền sư” vì thích biểu diễn bộ xương cách trí của mình đủ bốn mùa tám tiết. Thơ văn dạt dào, tình nghĩa bạn bè thắm thiết. Là đương kim Chủ tịch hội Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Giỏi hơn người mà cũng quởn hơn người nên anh em đùn đẩy cho làm TTK 3 nhiệm kỳ, rồi làm chủ xị 2 nhiệm kỳ, mỏi mệt vẫn chưa được nghỉ. Vốn là cựu Đại Uý Biệt Kích Dù 81 oai hùng, một đơn vị chuyên trị núi rừng miền Trung. Đơn vị đã nổi danh qua trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa ở Bình Long, An Lộc, “An Lộc, địa sử ghi chiến tích, Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.”

*  *  *

Đang ngon trớn trên xa lộ xuyên bang số 10 thênh thang, bỗng một chiếc bánh phụ của chiếc xe chạy trước mặt bị rớt xuống đụng ngay đầu xe! Thế nhưng tài xế Đặng Minh Hùng rất bình tĩnh lạng lách kịp thời làm cả xe hú hồn. Nếu là một tay mơ chắc đã lãnh đủ, ai biết chyện gì đã xảy ra. Chúng tôi phải tấp vào một cây xăng gần nhất để xem xét thiệt hại. Cửa trước bên hành khách không thể mở được vì cái bửng bên hông cong lên làm kẹt cái cửa. Hai người phải nhảy lên nhún cho nó thấp xuống tôi mới bước ra khỏi xe được. Phía trước đầu bên phải cũng bị bánh xe va chạm, may không bể đèn, bể máy chỉ là móp cái đầu xe, không nặng lắm nhưng sẽ quá số tiền bảo hiểm deductible (chủ xe phải trả trước) chút đỉnh nên chủ xe Hùng quyết định tự sửa nên không cần khai báo và nhất định tình nguyện một mình gánh vác.
Khi sắp xếp chuyến đi, chúng tôi đã dự định đi vào sáng sớm Thứ Sáu, chạy thẳng qua nhà Hữu Việt-Nhật Nguyễn ở luôn ba ngày. Dự định làm phiền ông bà này toàn thời gian ngoài những giờ thăm viếng bạn bè và rong chơi ngoài French Square.  Nhưng khi Huỳnh Công Ánh biết chúng tôi dự định qua New Orleans, chàng lại đang ở đây một mình nên ân cần mời gọi anh em tới chơi và ở lại nhà chàng ít nhất một hôm. Chàng nói nhà rộng thênh thang, dư phòng cho tất cả mọi người thoải mái, nhất là vợ con chàng đang ở Dallas chưa về. Chúng tôi phải gọi Hữu Việt để thông báo sự thay đổi; ông Biệt Kích Dù có vẻ buồn lòng nói đồ ăn đã mua sắm đầy đủ, ăn không hết thì chúng tôi phải mang về lại Houston!
Đường đi qua vùng Baton Rough và Lafayette đều có sửa chữa nên chậm chạp, làm ông Huỳnh Công Ánh cứ gọi liên tục để biết anh em đã đi tới đâu. Chúng tôi nói với nhau, chắc vợ lão Huỳnh không có ở New Orleans nên chàng đang cô đơn ghê lắm. Mà quả vậy, chàng vẫn tiếp tục theo dõi hành trình chúng tôi, khi tới nơi đã thấy chàng đứng đợi trước khu vườn hoa vàng rực rỡ cùng với nụ cười mừng vui chào đón.
Chúng tôi choáng ngợp trước sự lộng lẫy, bề thế của khu vườn. Chưa kịp an định, mọi người chúng tôi sử dụng iPhone để ghi lại cái đẹp của khu vườn trong buổi chiều nhạt nắng. Khi vừa an định đã thấy người ta mang thức ăn tới. Thức ăn ê hề được ông Huỳnh đặt sẵn. Dĩ nhiên không thể thiếu món đặc sản Crawfish. 
Tính đi tính lại thì chúng tôi không có nhiều giờ như đã tính. Bạn bè văn nghệ lâu lâu gặp nhau thì chuyện cứ nổ như bắp rang, rượu thì “thiên bôi thiểu”, ca vũ nhạc kịch không thiếu, chỉ thiếu không có ba phần sau. Tính tới tính lui tôi sợ không thể tách ra đi thăm bạn nối khố Nguyễn Tấn Tài nên đành gợi ý với chủ nhà và các bạn để mời Quân Cảnh tới chơi chung. Quân Cảnh mới “one leg wet one leg dry (chân ướt chân ráo)” nên không rành đường, sợ ban đêm đi lạc nên phải chờ ông bạn thổ địa Thành, cựu chủ tịch Hội KQ New Orleans đương kim chủ chợ 99, đóng cửa xong mới tới. 
Cùng lúc, Đặng Minh Hùng cũng mời một bạn quen biết từ ở VN mới sang Mỹ ở với các con. Đó là ông hoạ sĩ nổi danh mà cũng nổi đình nổi đám - Nguyễn Nhân - vì đã được Ban Giám Khảo quốc gia chấm trúng giải với bức tranh “Biển Chết, Cá Chết”. Nhưng nhà nước bắt BGK phải thu hồi giải trúng và dự định khiển trách, biến hoạ sĩ thành người mang hoạ về tội châm biếm nhà nước. Thế là hoạ sĩ sợ lũ chuột làm thiệt, vọt lẹ qua bên nầy tránh hoạ. Nói cho đúng, hầu hết chúng tôi đã từng gặp hoạ sĩ Nguyễn Nhân một lần ở Houston, vài người trong chúng tôi đã được chàng vẽ truyền thần cho một bức vẽ chân dung 5 phút. Vì chàng còn có cơ ngơi bên VN trong khi lũ con cháu đang ở bên Mỹ nên cứ phải đi đi về về. Chỉ có lần nầy dự định ở lâu hơn cho ba cái vụ lùm xùm lắng xuống. Tối nay, con gái út sẽ đưa chàng từ Covington qua và sẽ loanh quanh chơi với đám chúng tôi cho tới ngày chúng tôi rời New Orleans.
Tôi cũng gọi điện thoại rủ Xếp Al Capone Trường Sơn tham dự nhưng nghe tiếng nói của chàng dường như đã quá độ để có thể lái xe. Hơn nữa, chàng cũng đang đình đám đâu đó với bạn bè. Hẹn chàng trưa mai gặp nhau ở nhà Quan Dương-Thu Ba. Chàng hứa sẽ có mặt.
Khi mọi người tới đầy đủ thì hoàng hôn đã tàn, bóng đêm đã sâu thẳm. May mà tửu lượng mọi người khá cao nên ba ông bạn mới nhập vào thêm rậm đám đờn ca, tiêu hao nhiều bia rượu cho đến khuya lắc khuya lơ mới cố gắng tan hàng với những hẹn cùng hò không có cơ hội thực hiện! Vậy thì “lần tới”! Bao giờ lại không có lần tới! Đâu ai có nhu cầu giựt đường cắt hàng đâu mà lo.
Trong khi vui chơi, chủ nhà Huỳnh nói rằng bà quận Hạnh và con gái quyết định từ Dallas về New Orleans đêm nay. Nhưng khi chúng tôi ngất ngưởng đi ngủ vẫn chưa thấy tăm hơi gì của mẹ con nàng. Trước khi chào nhau đi thiền, chàng cho biết là sáng sớm sẽ ăn sáng ở nhà do chính tay người đẹp Hạnh nấu trước khi kéo nhau đi French Square chào ngày mới để thưởng thức Cafe Du Monde thơm lừng và những rổ bánh beignet nóng hổi.
Không biết quý vị khác ra sao, riêng tôi đặt lưng nằm xuống là làm thẳng một giấc cho tới khi nghe tiếng người nói cười dưới nhà. Xuống đến nơi, thấy chủ nhà Hạnh đang làm bếp, mùi thức ăn thơm phức trong khi các chàng đã thức giấc dạo quanh ngoài vườn với thuốc lá trên môi, cà phê trên tay. Nghe Hạnh nói lái xe cả 8 tiếng xuyên đêm mà giờ lại lục đục làm bếp đãi bạn bè, tôi thật sự cảm động.
Xong buổi ăn sáng, cũng đã gần 10g sáng, chúng tôi kéo nhau đi French Square như đã dự tính. Chủ nhà Hạnh xin được ở nhà với con gái vì cần nghỉ ngơi; Huỳnh Công Ánh cùng đi với chúng tôi. Buổi sáng, khí trời gần cuối thu nghe lành lạnh, nghĩ tới ngồi với nhau bên ly cà phê nóng chắc tuyệt vời biết bao. Thế nhưng, khi ra tới nơi, đường sá vẫn đông đúc như thường lệ, chạy loanh quanh mấy vòng vẫn không tìm ra chỗ đậu xe, chạy ngang Cà phê Du Monde thấy người ta sắp hàng rồng rắn... đâm ra nản; bèn gọi Quan Dương để chạy thẳng tới nhà.
Hẹn ăn trưa mà mới hơn 11g đã đến. Vợ chồng gia chủ vui vẻ đón khách. Bước vào nhà đã thấy một bàn tiệc thịnh soạn sắp sẵn, tươm tất, chu đáo. Chủ khách rôm rả với bao nhiêu điều tâm sự. Hữu Việt từ Slidell trên đường qua. Tôi gọi điện thoại nhắc Xếp Capone, lại nghe giọng chàng đã “ba xí ba tú”. Chàng cự quá sá rằng, tại sao anh em Houston qua mà không báo cho hắn biết trước để mời đón, mà mãi bây giờ mới gọi qua nhà Quan Dương? Tôi nhắc, “chiều hôm qua đã gọi liền rồi, mời bạn qua nhà Huỳnh Công Ánh thì bạn bận nhậu, hứa trưa nay gặp nhau ở đây.” “Bạn gọi tôi hồi nào tôi không nhớ, bây giờ thì đang có anh em bù khú ở đây, thôi các bạn ở nhà Quan xong chạy qua nhà dân chơi một lát được không?” “Kiểu nầy trớt quớt rồi bạn hiền ơi! Đi một nhóm khá đông, rất không tiện để kéo hết sang nhà bạn.” “không sao, càng đông càng vui!” Tôi ngó một nhà đang sinh hoạt vui nhộn nơi đây, chưa đụng tới chén đũa, bàn tiệc và mấy chai rượu thùng bia còn nằm yên hát bản đợi chờ thì làm sao có thể qua nhà bên Xếp đang nhậu dở dang. Ngoài ra, Hữu Việt còn nói là xong ở đây về ngay Slidell kẻo Nhật Nguyễn trông đợi. Sở dĩ nàng vắng mặt vì còn phải ở nhà lo chuẩn bị đón khách. Thế là đành phải hẹn... lần sau! Xếp Capone không vui lắm nhưng... thôi thế cũng... đành!
Trở lại câu chuyện đang rôm rả. Ông nhà thơ tạo ra đề tài địa thế Bắc Nam bên Mỹ để “cắc cớ nhau” cho vui... rằng thì là, “mấy ông có biết là ở Mỹ, rất nhiều thành phố lớn... khu East bao giờ cũng nghèo kém hơn khu West không?” Nói xong ngó Huỳnh Công Ánh và Hữu Việt cười ruồi. Cả hai ông nầy đâu phải dân vừa. Nào là “ông có biết văn minh của nhân loại phát sinh từ phương đông không”, “mặt trời có bao giờ mọc ở phương tây?”, “người ta nói bình minh rực rỡ chứ có ai nói hoàng hôn rực rỡ bao giờ?” Nhưng Chàng Quan Dương, một tay cãi ngoại hạng, có bao giờ bị “cứng họng” đâu. Cãi không lại thì tìm trăm ngàn lý lẽ như tìm vần thơ cho cả nhà ngập đầy tiếng cười vui.
Có trùng trình mãi thì cũng tới lúc chia tay. Quan Dương-Thu Ba bận chuyện riêng nên không thể tháp tùng được. Chúng tôi, gồm luôn Huỳnh Công Ánh, kéo nhau qua Slidell khi những tia nắng gần cuối ngày ở phía West nghiêng xéo về hướng East.
Nhật Nguyễn-Hữu Việt vui mừng đón tiếp phái đoàn... báo hại vào căn nhà hạnh phúc của họ. Như đã nói, tất cả người trong nhóm chúng tôi ai cũng ít nhất đã một lần ở lại nơi này. Nhưng, khu vườn Hương Xưa cùng với quán cà phê Cổ Tích ngày một xinh đẹp hơn, ấm cúng hơn. Hạnh phúc của họ có thể thấy khắp nơi, từ chỗ ngồi góc quán, đến góc vườn xanh mướt; từ phòng ca nhạc tới studio chụp hình. Cứ đọc mấy cái notes họ dán hờ hững trên cửa tủ lạnh, “em ở nhà nhớ uống thuốc nha”, “rất tiếc hôm nay em phải đi sớm, không cùng uống cà phê buổi sáng với anh”... còn rất nhiều nữa, có thể dán đầy mấy trang lưu bút ngày xanh.
Ngoài việc ăn uống no đủ từ chiều đến khuya, trong đêm tiếng nhạc xập xình với những giọng ca dĩ vãng làm tiêu tốn nhiều chai rượu, vài két bia... cho đến khi người hát hết xíu quách, người nghe đã ngủ gà ngủ vịt thì mới vãn tuồng. Ông Huỳnh Công Ánh - vì chìu lòng anh em đi chơi với nhau cả ngày, có lẽ mới giật mình nhớ vợ nên lòng thấy áy náy - vọt về giữa đêm khuya.
Buổi sáng thức dậy khi phong cảnh còn ngái ngủ trong tiếng sương rơi. Xong phần điểm tâm, cà phê, thuốc lá... nhiếp anh gia chủ nhà chụp hình cho từng đôi từng cặp. Khi nhìn lại hình ảnh của chính mình trên computer, ai cũng cảm thấy “ta thấy ta rất đẹp”, “đẹp thênh thanh, đẹp miên man, đẹp tràn lan” như lời nhạc của anh nhạc sĩ Nguyễn Quốc Việt trong nhạc phẩm “Chuyệns”. Bên cạnh đó, ông Hoạ Sĩ Nguyễn Nhân cũng đã ưu ái ngồi miệt mài vẽ chân dung cho cả 8 người chúng tôi chỉ trong một khoảng thời gian mấy tuần trà... như để thay lời cám ơn tri ngộ. Phải công nhận ông hoạ sĩ rất tài ba, chỉ với vài nét vẽ mà ai cũng có thể nhận ra được ai là ai. Tôi tự nhũ thầm, giá mà tôi là người ngồi vẽ, chưa nói tới chuyện giống người hay không, chắc không phải mấy tuần trà mà là mấy tuần... lễ mới có thể xong được từng ấy.
Rồi cũng đến lúc phải nói câu giã từ! Lưu luyến chia tay, kẻ ra đi người ở lại... nhắc nhớ bài thơ “Người Ở Lại” tôi đã viết rất lâu rồi:
Người đi rồi… mình tôi ở lại
Dựa đỉnh sầu tiếc nhớ khôn nguôi
Chiều vẫn vàng, mây trắng ngập ngừng trôi
Nghe rã mục chút bọt bèo hạnh phúc
Người đi rồi… nỗi buồn ray rứt
Ôm chặt tôi tê điếng, rã rời
Thế là thôi hạnh phúc cả một đời
Ai rao bán cho người mua mặc cả
Người đi rồi, nỗi buồn rệu rã
Tiếng lá rơi khe khẽ bên thềm
Tiễn người đi lệ ướt môi mềm
Một thoáng đã nghìn trùng cách trở
Người đi rồi… vần thơ khắc khoải
Mắt lệ mờ thao thức canh thâu
Cất giọng ngâm, hời hợt khối tình sầu
Cho dĩ vãng hòa tan thành câm nín
Người đi rồi… có còn lưu luyến
Như lá thu sót lại trên cành
Dù biết rằng cuống lá rất mong manh
Như tâm sự của tôi – người ở lại!
Dọc đường về, chúng tôi ghé ngang Covington để trả chàng hoạ sĩ về nhà rồi trực chỉ Houston. Chuyến đi thật vui, ngoài một tỳ vết nhỏ trên phía trước chiếc xe còn mới của Đặng Minh Hùng. Cám ơn tình thân ái của các bạn New Orleans dành cho lũ chúng tôi. Và thế nào, chúng mình vẫn còn dịp gặp lại.

Rừng Vua, ngày đầu tháng 12/2017
(Yên Sơn)


                     Yên Sơn và Huỳnh Công Ánh...


Phụ chú:
Lịch Sử Thành Phố New Orleans
New Orleans là một thành phố lớn nằm về phía nam tiểu bang Louisiana, bên con sông dài uốn khúc Mississippi. Thành phố nằm trải dài vế phía đông con sông và phía nam hồ Pontchartrain. Vì thành phố nằm bên con sông dài uốn khúc nên có tên là "Thành Phố Lưỡi Liềm" (Crescent City). New Orleans với số dân trên 1 triệu (theo thống kê dân số năm 2013), là một thành phố lớn nhất trong tiểu bang Louisiana và cũng là một trong những thành phố chính của miền nam Hoa Kÿ. Thành phố, dài 177 cây số (110 mi), được thành lập trên khoảng độ cao gần cửa sông Mississippi, cao hơn mặt biển từ 3.65 m (12 ft) đến độ thấp là 2 m (6.5 ft). Vì vậy hệ thống nước, ống cống, và đập nước đã được xây dựng khéo léo để bảo vệ thành phố khỏi bị lụt lội. Kích thước đất của thành phố rộng 518 km vuông (200 sq mi). Khí hậu mùa Đông của New Orleans rất dịu dàng và mùa hè rất nóng nực ẩm thấp. Nhiệt độ trung bình vào tháng giêng là 13 độ C (55 độ F), và tháng Bảy là 28 độ C (82 độ F). Mỗi năm mưa đổ xuống thành phố khoảng 1,448 mm (57 in).
Dân số thành phố New Orleans bao gồm nhiều nhân chủng khác nhau như: Anh, Pháp, Phi Châu, Ý, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, Cubans, Việt Nam. Dân Cajuns, hoặc Acadians là giòng dõi người Pháp bị trục xuất khỏi Nova Scotia (hoặc Acadia) vào thế kỷ 18 và là thứ dân di trú đầu tiên tại New Orleans. Họ nói tiếng thổ ngữ (Cajun French) của họ.
New Orleans là một trong những hải cảng lớn nhất của thế giới và được xếp hàng đầu trong nước Hoa Kỳ vì hàng năm có thể nhập cảng đến hàng triệu tấn hàng hóa. Những hàng hóa chính xuất cảng gồm dầu hỏa, lúa, bông gòn, máy móc, sắt và thép. Kinh tế của thành phố phần lớn từ các hãng khoan dầu, các hãng biến chế hoá học, nhôm, những hãng sản xuất thức ăn và du lịch.
Một trong những biến cố quan trọng nhất của thành phố cho du khách là Lễ Hội Mardi Gras thường tổ chức một tuần trước Mùa Chay.
Superdome là một trong những kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới của New Orleans. Đây là một sân vận động trong nhà khổng lồ, nơi thu hút những buổi đấu thể thao quan trọng và cũng là nơi đã đạt được một chỗ đứng hàng đầu cho thành phố về những buổi hội nghị quan trọng. Rất nhiều trận Superbowl đã được tổ chức ở đây.
Một trong những di tặng đặc biệt để lại cho thành phố là "Trung Tâm Hội Nghị" (Convention Center) được xây trong thời gian Hội Chợ Thế Giới (World Fair). Hội chợ này đã kéo dài sáu tháng và được tổ chức vào năm 1984 tại New Orleans.
Nói đến New Orleans thì cũng phải nhắc đến những tiệm ăn ngon, nhạc Dixieland Jazz, nhiều văn hóa khác nhau, và educational facilities. Tulane (1834), Loyola (1849), và Dillard (1869) là những Viện Đại Học chính của thành phố. Thành phố New Orleans còn nổi tiếng về "The French Quarter", hoặc "Khu Phố Pháp Cũ" (Vieux Carré) - khu vực nguyên thủy của thành phố, nơi mà ngày nay còn mang nhiều di tích lịch sử và những căn nhà với cách kiến trúc đặc biệt theo kiểu Pháp thuộc.

New Orleans được thành lập vào năm 1718 do ông Jean Baptiste Le Moyne, đến từ thành phố Bienville, Pháp quốc, khi Âu Châu có cuộc đi tìm đất mới. New Orleans là tên được đặt theo tên của thành phố Orléan bên Pháp quốc. Thành phố là thuộc địa của Pháp cho đến năm 1763, sau đó được trao quyền cai trị cho nước Tây Ban Nha. Năm 1800, Tây Ban Nha nhường lại cho Pháp cai trị. Năm 1803, vua Napoleon đệ Nhất đã bán thành phố New Orleans và toàn lãnh thổ tiểu bang Louisiana và các tiểu bang lân cận (Louisiana Purchase) cho Hoa Kỳ. Năm 1815, nơi này cũng đã là đồn trại của chiến trận New Orleans năm 1812. Trong thời nội chiến, một đoàn tàu phe Union dưới sự điều khiển của David Farragut đã bao vây thành phố nhưng họ đã bị thất bại vào ngày 25 tháng 4 năm 1862.








Wednesday, November 15, 2017


                                Mùa Thu không trở lại
                                Nhạc : Phạm Trọng Cầu
                                Ca sĩ : Sĩ Phú.


Mưa rơi trên phím đàn 
Chừng nào cho tôi quên
Đếm lá úa sầu lên
Bao giờ cho tôi quên...

Anh ..

Mùa thu bao giờ cũng mang đến cho chúng ta những xao xuyến man mác , 
như đất trời kia mở cánh cửa thanh xuân cho chúng ta cùng hít hà hương vị ngòn ngọt của nắng ,mơn man của gió , thêm chút rộn ràng của phiến tơ trời nồng nàn phấn hương .

Em muốn giữ cảm giác nầy và đôi khi ước ao rồ dại nó sẽ là khoảng khắc vĩnh cửu.. vì , anh biết , em biết .. 
mùa thu đời mình đang dần ghé qua khung cửa ..

Thật buồn , phải không anh ?

Tuesday, November 7, 2017

                      La playa ( giòng sông quê hương)
                      by: Jo Van Wetter ( 1963)
                      Lời Việt : Phạm Duy
                      Ca sĩ : Ngọc lan


Có ai về phía thương yêu
xa xôi muôn trùng cách biệt
Đuòng về quê cũ
có con sông mầu xanh bát ngát...(*)

Thập niên 60,  bài La Playa (Bãi biển) đã đi vòng quanh thế giới  chỉ duy nhất, bằng cây đàn guitar mộc mạc.

Khúc đàn La Playa ảnh hưởng của dòng nhạc La Tinh do một nhà soạn nhạc người Bỉ tên là Jo Van Wetter viết vào năm 1963, tức cách đây vừa đúng nửa thế kỷ (tên thật của ông là Georges Joseph Van Wetter) sinh trưởng trong một gia đình gốc flamand, nhưng cha mẹ ông đến lập nghiệp tại vùng Wallonie (nói tiếng Pháp ở Bỉ.)
Tuy không xuất thân từ một gia đình có dòng máu nghệ sĩ, những từ thuở nhỏ ông đã có năng khiếu âm nhạc. Thời niên thiếu, dù chưa được đào tạo bài bản, nhưng Jo Van Wetter chịu khó tự học đàn. Ông tham gia vào khá nhiều ban nhạc trẻ chuyên đi diễn văn nghệ tại địa phương và chơi lại các ca khúc thịnh hành từ những năm 1940 đến thập niên 1950.

Năm 1963, một trong những album ăn khách nhất thị trường quốc tế là tập nhạc cover của nữ danh ca người Mỹ Julie London, qua đó cô ghi âm lại hầu hết các bản nhạc tình La Tinh  hòa âm theo điệu cool jazz. Khi được nghe album này, Jo Van Wetter mới ngẫu hứng sáng tác khúc đàn mà ông đặt tên là La Playa. Khúc nhạc này trở nên thịnh hành nhờ các bản hòa tấu, song tấu hay độc tấu Tây Ban Cầm (chẳng hạn như phiên bản của Claude Ciari).
Lúc đầu, ông định soạn khúc đàn này theo thể điệu bossa nova (ra đời vào năm 1958), vào lúc mà phong trào này đang trở nên phổ biến tại các nước Âu Mỹ, nhưng sau đó,  ông lại hòa âm theo nhịp điệu rumba, nhưng với lối chơi đàn ghi ta thùng đơn giản, khác cách chơi nhạc thịnh hành thưở đó, thường  với một dàn nhạc theo kiểu nhạc khiêu vũ hay theo phong cách easy listening.

Tác giả người Pháp Pierre Barouh, nghe được khúc đàn La Playa khi anh vừa từ Brazil trở về Paris. Pierre Barouh là người sáng tác sau này nhạc phẩm Samba Sarava (1966) và hát ca khúc chủ đề của bộ phim Un Homme et Une Femme (Câu chuyện một người đàn ông và một người đàn bà) của đạo diễn Claude Lelouch, mà hầu hết mọi người chỉ nhớ mang máng câu hát mở đầu. Cảm thấy hứng thú, Pierre Barouh mới đặt lời ca tiếng Pháp cho giai điệu. 
Khúc đàn trở thành một bài hát và được ca sĩ Marie Laforêt ghi âm vào năm 1964.
Sau thành công của ca khúc tiếng Pháp, nhiều phiên bản chuyển dịch khác lần lượt ra đời, kể cả tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Còn trong tiếng Việt, bài La Playa có ít nhất hai lời. Bài này từng được tác giả Phạm Duy phóng tác thành nhạc phẩm Dòng sông quê hương do nhiều nghệ sĩ như Ngọc Lan, Kiều Nga hay Thanh Lan ghi âm lại. Lời Việt thứ nhì không ghi rõ tác giả, có tựa đề là Biển vắng Thiên đàng.
Bài hát La Playa ăn khách đến nỗi người Brazil nghĩ rằng ca khúc A Praia bằng tiếng Bồ Đào Nha là một giai điệu của xứ họ. Còn tại Puerto Rico hay Nam Mỹ, không ai tin rằng La Playa trong nguyên tác là một khúc đàn của một tác giả người Bỉ gốc Hà Lan. Theo dòng đời năm tháng, tên tuổi nhạc sĩ Jo Van Wetter đã chìm dần vào quên lãng nhưng khúc nhạc dịu dàng mà ông đã soạn lại trở nên bất hủ, vượt thời gian. ( trích từ trang Nghệ thuật )


(*) ..có con sông mầu xanh bát ngát..
xanh quá trong tôi dòng sông Mương mán
Anh bên nầy , tôi bên kia sông
cách một nhịp cầu mà sao xa vời vợi..
xa mãi miết một đời tôi, xa ngút mắt mối tình thơ..( nt)