Wednesday, November 7, 2018



               (ảnh từ internet)


Nhật ký hành quân của những ngày xa xưa
 (Nguyễn Khôi Việt)

Đại đội của tôi được đưa tới trấn đóng căn cứ này, nhằm hành quân và giữ an ninh cho một đơn vị Công Binh Mỹ đang tái thiết cây cầu sắt vắt ngang một con kinh khá lớn. Căn cứ nằm khoảng giữa đường giáp ranh của quận Đức Hoà và ấp Lương Hoà của tỉnh Long An. Giao thông nối liền với nhau bởi một hương lộ nhỏ. Áp lực rất nặng nơi đây vì địch quân thường ẩn náu trong khu vực được gọi là mật khu Lý Văn Mạnh, nằm sâu bên trong một khu rừng ngập nước với kinh rạch chằng chịt diện tích khoảng 10 cây số vuông. Bao la những cánh rừng chồi, xen lẫn cỏ Năng, cỏ Bàng, hành quân bước xuống là nước lấp xấp mắt cá, còn lại thường cao cỡ đầu gối. Cứ như vậy mà lội cả một vùng hoang vu, chỉ có một con lộ nhỏ bé khiêm tốn chạy xuyên qua những đám cây Vẹt và cỏ Sặc cao ngút đầu người.

  Nhằm mục đích cô lập xã Lương Hoà, cũng như để hạn chế hoạt động quân sự của chúng ta, Việt Cộng đã gài mìn trên đường này, nó đã bị bỏ hoang vài tháng trước khi đơn vị của tôi tới. Hương lộ trước kia được công binh đắp bằng đất sạn đỏ, khoảng đường từ căn cứ của tôi đến xã Lương Hoà chỉ khoảng 3 cây số, hai bên không có nhà cửa, chỉ có rải rác những vườn thơm dọc theo đường, nhưng không thể lưu thông dân sự cũng như quân sự được, vì rất nhiều mìn bẫy. Sau khi tình hình đã tạm ổn, thêm một nhiệm vụ nữa là đi mở đường, và trải quân dọc theo đường tới vùng giáp ranh của hai tỉnh "địa đầu giới tuyến" để cho Công Binh đi rà mìn. Những tuần lễ đầu vô cùng khó khăn vì mìn gài trên đường quá nhiều, đa số là mìn "ba râu", gọi như vậy vì trái mìn chôn dưới đất chỉ lú lên 3 sợi râu nhìn như 3 cây đinh dài chừng một đốt ngón tay, đạp trúng nó, trái mìn sẽ bay lên khoảng 1 thước và khối thuốc nổ khoảng 1kg sẽ phóng ra hàng ngàn mảnh sắt chụp xuống. Nhưng nó lại được coi là không đáng sợ mấy, vì dễ nhìn thấy bằng mắt thường và máy rà mìn. Ghê gớm hơn cả, là những trái mìn chống chiến xa, chôn dưới đất, nguỵ trang khéo léo trên mặt, lại được bọc chung quanh bằng vải nilon để máy rà mìn không phát giác được. Đó là chưa nói đôi khi dưới những trái mìn chống chiến xa ấy, lại còn có một trái lựu đạn đã rút chốt. Một loại mìn đáng sợ khác nữa là họ lấy những đầu đạn đại bác 105mm của bên mình bắn bị lép. Họ đào lên, khoan một cái lỗ bên hông và gắn đầu nổ ba râu vào. Sức công phá của nó của nó rất ghê gớm vì y hệt một quả đạn đại bác nổ. Đại đội phó của tôi đã tử thương vì loại mìn này. Ngoài ra còn một loại mìn nhỏ hơn, chúng tôi gọi là "lon cá mòi" vì được làm từ vỏ của những hộp cá mòi. Thứ này chỉ bị mất một giò hoặc một bàn chân, trong mật khu và dọc theo những vườn thơm hai bên con đường đất, loại mìn lon cá mòi này nhiều vô số kể.

  Cuộc chiến đấu dai dẳng của những người lính Công Binh gỡ mìn với Việt Cộng dường như không bao giờ chấm dứt. Trên những tỉnh lộ, quốc lộ giao thông lớn trải nhựa, không chôn mìn được thì bọn họ đắp mô, mang cây chà để trên đường, gài nơi đó vài quả lựu đạn. Đôi khi chẳng có trái lựu đạn nào nhưng xe cộ cũng bị bế tắc, không ai dám đụng vào những chướng ngại vật đó. Phải đợi những người lính Công Binh, hoặc những đơn vị Bộ Binh ở gần tới tháo gỡ. Những con đường nhỏ gọi là hương lộ nối liền tỉnh với các xã ấp thường làm bằng đất. Lúc đêm xuống, khi biết không có đơn vị Bộ Binh nào nằm đường ở đó. Họ mang mìn ra chôn trên đường, sáng hôm sau bị bên ta gỡ, họ lại chôn mìn tiếp. Vì vậy, trên báo chí hay radio ngày xưa loan tin xe đò, xe lam bị mìn rất thường xuyên trên những liên tỉnh lộ hoặc những hương lộ nhỏ. Mục đích của họ là ngăn cản sự hoại động của cơ giới và chuyển quân của quân đội chúng ta. Rồi người dân phải hứng chịu những oan khiên chết chóc đó rất nhiều. Và cũng không thiếu gì những người lính bị thương hoặc mất mạng trong nỗ lực tháo gỡ chướng ngại vật hầu trả lại lưu thông cho con đường.
  Người lính Công Binh ngoài việc xử dụng máy rà mìn, vẫn phát giác những trái mìn trên đường nhờ vào kinh nghiệm, sự khéo léo của đôi tay cầm lưỡi lê xâm vào chỗ khả nghi, và đôi mắt sắc bén nhận ra những khác lạ trên mặt đất. Tuy nhiên, trên con đường đất đỏ dài 3 cây số ấy, đôi khi vẫn có những sơ xuất. Không phải tại sơ xuất của người lính rà mìn. Bởi những trái mìn đó đã được bao kín bằng vải nhựa kỹ lưỡng để tránh máy rà mìn phát giác, cộng với tài nghệ nguỵ trang dấu tích của những người du kích. Một trái mìn chống chiến xa đã bị sót trên con đường. Nó nằm đó. Đợi.

  Hôm ấy không đi hành quân, cả đại đội nằm ứng chiến chờ.
Chẳng có gì làm, tôi và mấy thằng em ra thành cầu ngồi chơi. Tiểu đội rà mìn đã xong công việc thường ngày của họ. Lác đác vài chiếc xe ôm qua lại. Một chiếc xe lam đầu tiên trong ngày qua cầu. Xe chạy chậm nên tôi thấy rõ trên xe mấy ông già và mấy người phụ nữ, trong đó có một cô gái trẻ ôm một đứa bé chắc chừng vài tháng tuổi. Tôi thường ngồi trên cầu nhìn sông nước, vẫy tay chào người qua lại những lúc rảnh rỗi, nhưng hôm nay tôi chợt cảm thấy một cảm giác lạ lùng không như ngày thường, tôi muốn nói người tài xế ngừng xe lại đừng đi nữa. Nhưng tôi biết mình không có quyền làm thế. Vì đường đã thông, mìn đã rà. Rồi tôi ngồi đó nhìn theo xe, lòng cảm thấy buồn và bất an rất kỳ lạ.
Chừng mươi phút sau một tiếng nổ long trời vang lên rung rinh cả mặt đất. Chiếc xe lam đã cán phải mìn chống chiến xa cỡ lớn.
Khi đại đội tôi tới nơi, con đường đất bị đứt làm hai bởi một hố lớn, không thấy dấu tích của chiếc xe Lam, cho đến khi kiếm ra nó nằm dẹp lép không ra hình thù cách đó khoảng 30 mét, khuất sau những luống thơm đã ra trái hai bên đường. Không còn thấy một chút gì dấu tích của con người ngoại trừ những miếng thịt đỏ bầm cỡ chừng 2,3 đốt ngón tay nằm rải rác khắp nơi.

  Cả đại đội tôi đã đi gom nhặt những mảnh vụn đó. Trên ngọn cây. Trên những vồng thơm dọc theo hai bên đường, rải rác một vài khúc nội tạng, chật vật gỡ dây bẫy của những "lon cá mòi" để nhặt ra những mảnh thịt vụn. Dù đã quen với chiến trận, nhưng khi phải đi lượm những phần kinh khủng còn lại ấy, nhiều người lính đã nôn oẹ. Không gian tanh tưởi và lẩn quất trong đó, cái gọi là mùi tử khí, nó đặc quánh, khó thở, âm u và nặng nề. Tất cả 9 con người và một đứa bé sơ sinh, chỉ gom được vừa vặn trong một áo mưa poncho của lính.
Nhưng tôi kiếm được một chiếc gối nhỏ xíu, nón đội đầu, 2 bao tay cùng một toa thuốc của bác sĩ viết cho cháu bé. Chẳng có gì còn lại của cháu để có thể nhận ra được.
Không biết những người ngày xưa đi làm công việc khủng bố ấy, hiện đang thuộc về cái gọi là bên thắng cuộc bây giờ, họ nghĩ sao khi có thể đang tâm chôn những trái mìn chống chiến xa cỡ lớn trên một con đường đất chỉ có xe Lam, xe lôi, và xe ôm qua lại. Họ không nghĩ rằng có thể một vài người trong những người dân vô tội đó, trước kia đã phải cung cấp tiền bạc, lương thực mắm muối, trong những đêm lén lút xâm nhập vào trong ấp xã để quyên góp những thứ cần thiết cho cái mặt trận của họ.

Có ai đó nói rằng: trong chiến tranh không có kẻ thắng, người bại. Chỉ có người dân là thua. Tôi nghĩ đó chỉ là những lời nguỵ biện cho sự xâm lăng. Họ đã lôi kéo được người dân hiền hoà vô tội bằng những chiêu bài đường mật giả dối, và uy hiếp tinh thần bằng sự đe doạ, khủng bố và giết chóc.
Và tôi, cũng như tất cả những người lính, vẫn luôn hãnh diện ngày đó đã khoác áo lính để góp phần bảo vệ miền Nam dưới ngọn cờ Việt Nam Cộng Hoà
(Nguyễn Khôi Viêt)

No comments:

Post a Comment