Thursday, November 29, 2018



              "Khi Nhớ Về Bà Gi"
              thơ : Trần Hoài Thư ( 11/2018)




Về tập thơ “ Khi nhớ về Bà-Gi” của nhà thơ lính, Trần Hoài Thư
( Nguyễn thị Hồng Hải)
Hình bìa tập thơ” Khi nhớ về Bà-Gi” (*) của nhà thơ, nhà văn chiến sĩ Trần Hoài Thư được  trình bày rất trang nhã, thanh thoát gồm những vệt bút vẽ như những đám mây xanh hồng lướt qua bầu trời phơn phớt tím. 
Màu của hoài niệm.
Khoảng 28 bài thơ, đa số viết theo thể tự do, mỗi đoạn, mỗi câu chất chứa bóng tối của nỗi u hoài, như tiếng thở dài nuốt ngược vào lồng ngực sâu thẳm mà khi anh nhìn lại chặng đường đã qua, nhìn tới con đường xa dịu vợi phía trước, những bất lực lo toan trong chính cuộc sống của mình .. “ Hình như tôi sắp quị rồi !!!” Không biết sẽ bao nhiêu lần hình như nữa, vì hàng ngày, anh phải gượng đứng lên, vịn thơ mà đứng dậy. 
Chỉ một mình. 
Xót xa một mình. 
Những bài thơ cho chị. Bây giờ chỉ là cái bóng lặng lẽ bên cạnh cuộc đời anh. Anh dựa vào đó để tìm nguồn an ủi, để bật khóc, oán than, để cay đắng cho chút hạnh phúc cuối đời không trọn vẹn.
Mỗi bài thơ anh viết cho chị trong nursing home là những dòng lệ nóng được chắt, được vắt kiệt từ trái tim khô héo của người lính già lưu vong.
Ngày lên, đêm xuống, đã bao lâu ? Ba năm, bốn năm..
Anh không còn nước mắt để khóc cho chị, cho anh, cho chính cuộc đời khốn khổ của mình. 

“ Giờ đây thân thể mình khô kiệt
Nhưng mái tóc mình vẫn mun đen
Vẫn mềm vẫn mướt từng chân sợi
Vẫn nghe chừng còn toả mùi hương

Vẫn để trong lòng ta giải lụa
Rất êm đềm trong cõi tang thương”
( Sợi tóc mun)


Mỗi ngày sau giờ thăm chị, đêm một mình trở về căn phòng quạnh hiu. Căn nhà từng sớm chiều bừng sáng theo giọng cười trong trẻo của chị. Bàn ghế, khung cửa sổ, khu vườn  ngày nào xanh ngát bóng cây..Với anh, mọi thứ không dừng lại ở hai chữ kỷ niệm, mà nó chính là những di vật ngậm ngùi dù chị vẫn còn cùng anh chắt chia chút hơi thở khi hoàng hôn sắp chìm vào bóng tối. 
Mỗi ngày, anh không biết đi đâu, về đâu. Anh sợ bóng tối quạnh hiu của căn nhà, sợ nỗi cô đơn bủa vây, sợ nghe cả bước chân mình vang vọng trùng trùng cô đơn. Trái tim anh đã bỏ lại nơi đó, nơi chị một mình trong nursing home với bịnh tật và trăm mối tủi thân. 
Anh sợ phải về nhà..
“Tôi sợ nỗi buồn đâm chém hay bóp cổ tôi nghẹt thở ..
Nhưng tôi biết về đâu bây giờ”

Phần thứ hai trong tập thơ “ Khi nhớ về Bà- Gi “ có 13 bài đánh dấu theo số thứ tự .Dấu chân người lính thám kích dường như đã đi hầu hết các tỉnh miền Trung. Từ Gò Bồi ra Phù Cát, về An Lão trở lại Bình Khê. Đời lính chiến giày saut kê làm gối, poncho làm mền, đêm chờ giặc cùng những vì sao, đêm chập chờn chờ bình minh rộn rã.. 
Anh nhớ đồng đội năm xưa, những người đã vĩnh viễn nằm xuống, những người còn sống rời khỏi trại tù mang trong lòng vết thương không bao giờ lành lặn.
Dù chiến tranh tàn khốc, nhiều mất mát hy sinh nhưng nguồn thơ vẫn chảy miệt mài bất tận trong anh, trái tim người lính chiến.

“ Với chiếc mũ rừng, súng nhẹ và ba lô
Tôi mang thêm thơ vào hồn một người lính trận...”
( Khi nhớ về Bà Gi-1)
 
“ Cám ơn chiến tranh đã tặng tôi một dinh cơ
Mái nhà là bầu trời đầy sao
Vách tường là gạch tầng hùng vĩ
Bầu trời đầy sao giúp tôi trở thành thi sĩ
Mộ bia vây quanh giúp tôi bầu bạn với âm hồn ..”
( Khi nhớ về Bà Gi -3)


Tình yêu thuỷ chung tận sức tận lòng dành cho người vợ hiền, mỗi ngày vào với chị, mỗi ngày ôm thân thể gầy guộc xanh xao của chị mà đau xót thầm thì, an ủi chị cũng là an ủi chính mình.

“ hãy gắng nắm tay, dù những sợi gân câm
gắng nắm lại để giữ gìn em nhé”


Nhưng, dù hoàn cảnh thế nào, anh vẫn gắng gượng, dùng niềm đam mê chữ nghĩa để xoa dịu nỗi thống khổ bất hạnh của mình.
Ở dưới basement lạnh lẽo đó là thế giới của anh . 
Như cây khô hối hả hút nước sợ ngày nắng hạn,  Anh cần mẫn hằng đêm đóng sách, in sách. Hơn 82 bản sách Thư Quán Bản Thảo đã ra đời từ nơi chốn ấy và những ấn bản đặc biệt về thơ, văn cho bạn bè văn thi sĩ. Sách không bán, không quảng cáo. Sách chỉ để tặng bạn bè thân hữu, những người còn nặng lòng với văn chương của miền Nam Việt Nam
Anh tâm sự “ Thư Quán Bản Thảo ra đời để chứng tỏ một sự vững mạnh của một tạp chí giấy, trong khi những tạp chí văn học khác đã theo nhau lần lượt đóng cửa. Sự vững mạnh đến từ tấm lòng, của bạn đọc, của thân hữu, của những người chủ trương.
Những bậc thềm càng lúc càng cao, dù vậy, đến một lúc nào đó, cũng phải làm đôi chân người chùn bước, vì thấm mệt . Đó là luật nhân sinh.
Nhưng giờ thì chưa..”

Thật ngưỡng mộ niềm đam mê và sức làm việc phi thường của anh trái ngược với thân thể gầy gò, gương mặt khắc khổ và mái tóc bạc phơ. 
Và nữa, cũng là duyên, là định mệnh. Trần Hoài Thư là bút hiệu.
Tên anh là Trần Quí Sách .


(*) Đồi Bà Gi, theo trí nhớ 1967-1970. Tháp trên là đỉnh tháp Vàng, nơi đặt đài ra đa của quân đội Mỹ. Tháp giữa là tháp Bạc, để trống. Tháp dưới cùng là tháp Đồng, nơi làm kho đạn dược vũ khí của đại đội 405 thám kích. Một chòi canh bên cạnh tháp Bạc. Doanh trại là mấy dãy nhà tole dựng trên một sân bằng phẳng giữa mỏm đồi.
Bao quanh đồi từ đỉnh xuống chân là hàng rào kẽm gai mấy lớp.
Dù là hậu cứ nhưng chúng tôi rất ít có mặt. Bởi hành quân tăng phái liên miên. Nó chỉ dành cho ban quân số, tài chánh và một câu lạc bộ của đơn vị.
( trích từ ghi chú của tác giả)



No comments:

Post a Comment